PHẦN I - KHẢO LUẬN

» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6

CHƯƠNG 2

Xuất xứ và tác giả Huỳnh Đình

 

1. Hai nghĩa rộng hẹp của Huỳnh Đình

2. Tác giả Huỳnh Đình

3. Huỳnh Đình kinh được phổ biến vào thời kỳ nào?

4. Huỳnh Đình kinh dưới mắt Nho gia

5. Nhận định về tác giả Huỳnh Đình

 

1. Huỳnh Đình Kinh hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp

Theo Vương Thị Pháp Thiếp Thư Uyển Ngôn 王 氏 法 帖 書 苑 言 thì Đạo gia có nhiều bộ Huỳnh Đình:

– Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh 黃 庭 內 景 經

– Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh 黃 庭 外 景 經

– Huỳnh Đình Độn Giáp Duyên Thân Kinh 黃 庭 遁 甲 緣 身 經

– Huỳnh Đình Ngọc Trục Kinh 黃 庭 玉 軸 經

Dân gian gọi tất cả các bộ kinh này là Huỳnh Đình, thế là hiểu theo nghĩa rộng. Còn hiểu theo nghĩa hẹp và thông thường hơn, chỉ có hai bộ: Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh 黃 庭 內 景 經 và Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh 黃 庭 外 景 經.

2. Tác giả Huỳnh Đình Kinh

Theo truyền thuyết, Huỳnh Đình Nội Cảnh được đức Đại Đạo Ngọc Thần Quân 大 道 玉 神 君 (tức là Linh Bảo Thiên Tôn 靈 寶 天 尊) viết ra ở Nhụy cung 蕊 宮 trên bầu trời Thượng Thanh); Huỳnh Đình Ngoại Cảnh được đức Lão Tử chép ra. Thật ra Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh chỉ là phần san định và toát lược Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh mà thôi.

Trong Huỳnh Đình Ngoại Cảnh Kinh, Tử Hà Hàm Hư Tử chú, nơi chương một có ghi: “Đức Lão Tử lúc thư nhàn, đem Nội Cảnh Kinh ra giản hoá lại, cũng viết theo thể thất ngôn, vẫn gọi là Huỳnh Đình, chỉ ghi thêm là Ngoại Cảnh.» [1]

Trong tiểu sử của Mạo Cô, nơi cuối bộ Huỳnh Đình của Tử Hà chú, cũng thấy ghi: «Thái Thượng viết Huỳnh Đình, trước hết truyền cho Chuyên Húc (2295 tr. CN), tổng cộng 50 quyển, theo như số Hà Đồ. Sau truyền cho Mạo Cô, rút gọn 50 quyển thành một quyển, gọi là Nội Cảnh. Kế đó truyền cho Đông Hoa; lại nhân nghĩa Huỳnh Đình, rút gọn hơn thành một quyển mà truyền bá gọi là Ngoại Cảnh. Đông Hoa truyền cho Ngụy phu nhân. Phu nhân quảng truyền cho hậu thế...»

Tôi đã đối chiếu hai quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh và Ngoại Cảnh với nhau, thì thấy: Huỳnh Đình Nội Cảnh có 36 chương; Huỳnh Đình Ngoại Cảnh có 24 chương (ngắn hơn Huỳnh Đình Nội Cảnh).

Mỗi câu kinh của Ngoại Cảnh có thể tìm thấy một câu tương tự trong Nội Cảnh. Thông lệ là như vậy. Dĩ nhiên có một trong hai bộ cũng đã đủ, mà có cả hai bộ thì càng quý. Nội Cảnh có 36 chương đó là dương số (9x4=36), Ngoại Cảnh có 24 chương đó là âm số (6x4=24). Ý nói hai bộ kinh bổ túc lẫn cho nhau.

3. Huỳnh Đình Kinh được phổ biến vào thời kỳ nào?

Có nhiều thuyết:

a. Huỳnh Đình kinh được phổ biến vào khoảng năm 364 Công nguyên.

Theo thuyết này, thì quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh, và Ngoại Cảnh được các tiên nhân truyền cho Ngụy phu nhân 魏 夫 人.

Năm Hưng Ninh 興 寧 thứ 2 đời Tấn Ai Đế 晉 哀 帝 (năm 364; Tư Mã Phi 司 馬 丕), đệ tử của phu nhân là Tư đồ Công phủ trưởng sử 司 徒 公 府 長 史 Dương Quân 楊 君 cho chép kinh lại theo lối chữ lệ, sau đó dần dà mới được quảng bá đi, theo ngả Chiết Giang 浙 江 ...

Thiết tưởng cũng nên đề cập quan đến tiểu sử Ngụy phu Nhân 魏 夫 人, người có công truyền bá Huỳnh Đình kinh.

Ngụy phu nhân là người ở Nhâm Thành 任 城 nước Tấn, tên gọi là Hoa Tồn 華 存, tự là Hiền An 賢 安, con Tấn tư đồ Kịch Dương 晉 司 徒 劇 陽 Văn Khang công 文 康 公.

Hoa Tồn ngay từ khi còn bé, đã yêu chuộng đạo thần tiên, lại bác lãm quần thư. Năm 24 tuổi mẹ cha ép lấy Thái bảo Duyện Nam Dương Lưu Văn 太 保 掾 南 陽 劉 文, tự Ấu Ngạn 幼 彥.

Bà sinh được hai con, con lớn tên là Phác 璞, con nhỏ tên là Hà 瑕. Khi hai con bắt đầu hơi lớn, bà liền biệt cư, tu trai. Sau đó ít tháng thần tiên hiện ra, tặng phẩm vật và truyền cho hai bộ Huỳnh Đình. Khi Ấu Ngạn qua đời, bà đem hai con qua sông Hoàng Hà lập cư. Phác và Hà sau đều làm quan... Bà mất năm Hàm Hòa 咸 和 thứ 9 đời Tấn Thành Đế 晉 成 帝 (334) thọ 83 tuổi.

Tuy nhiên có nhiều người thường cho rằng, Ngụy phu nhân chỉ truyền bá bộ Huỳnh Đình Nội Cảnh. Còn quyển Ngoại Cảnh là do Vương Hữu Quân 王 右 軍 (tức thư pháp gia kiêm đạo gia Vương Hi Chi 王 羲 之) quảng bá. Vương Hữu Quân mất năm Thăng Bình 昇 平 thứ 5 đời Tấn Mục Đế 晉 穆 帝 (361).

Như vậy cả Ngụy phu nhân lẫn Vương Hữu Quân đều mất trước khi các bản kinh Huỳnh Đình được truyền bá vào năm Hưng Ninh 興 寧 thứ 2 đời Tấn Ai Đế 晉 哀 帝 (364).

b. Huỳnh Đình kinh có từ thời trước vua Đế Cốc 帝 嚳 (2217)

Để tăng phần huyền bí cho kinh, đạo Lão đã có chủ trương rằng Huỳnh Đình là sách để tu đạo đắc tiên, có vào khoảng thời Thiên Hoàng thị đến Đế Cốc (2217 trước Công nguyên).

c. Huỳnh đình kinh có từ thời Chuyên Húc 顓 頊 (2295)

Có người lại cho rằng, Quảng Thành tử 廣 成 子 truyền Nội Cảnh cho vua Chuyên Húc, sau lại truyền cho Mạo Cô, sách mới đầu gồm 50 quyển. Sau rút lại còn một quyển, gọi là Nội Cảnh. Đông Hoa đế quân 東 華 帝 君 sau đó được truyền sách. Kinh lại được rút gọn hơn lại thành Ngoại Cảnh. Đông Hoa truyền tất cả cho Ngụy Phu Nhân. Ngụy phu nhân truyền cho hậu thế.

Như vậy, cả hai quyển Nội Cảnh và Ngoại Cảnh đã ẩn tích trong một khoảng thời gian dài. Mãi đến đời nhà Hán (202-220) Ngoại Cảnh mới xuất hiện, và mãi đến đời nhà Tấn vào khoảng năm 364, Nội Cảnh mới được truyền bá.

Dẫu chủ trương Ngoại Cảnh được truyền bá trước Nội Cảnh, nhưng không ai nghĩ rằng Ngoại Cảnh đã được chép ra trước Nội Cảnh.

4. Huỳnh Đình kinh dưới mắt Nho gia

Nho gia cho rằng Huỳnh Đình kinh được căn cứ theo các bản chép từ thời nhà Tần, nhưng đó chỉ là bản giản lược. Âu Dương công 歐 陽 公 (Âu Dương Tu 歐 陽 修,1007-1072) đời Tống nói: «Huỳnh Đình là một quyển sách dạy về dưỡng sinh của các đạo sĩ, khoảng giữa đời Ngụy Tấn (Ngụy 魏: 220-265; Tấn 晉: 265-420). Sách chuyên dạy về Dưỡng nội (Tu dưỡng bên trong). Có nhiều điều kỳ quái. Lại vì sách truyền ra từ lâu, nên có nhiều điều sai suyễn. Đâu đâu cũng có những bản Huỳnh Đình khác nhau, rất khó hiểu đâu là chính bản. Tôi có một bản Huỳnh Đình kinh in thạch bản do một người đời Tấn viết năm Vĩnh Hòa 永 和 thứ 30 (khoảng năm 374). Lời văn giản dị, đem so với các bản kinh lưu hành hiện nay, thấy rất có lý. Cho nên, nếu muốn hiệu đính những dị biệt thấy ở các bản kinh hiện hành, thì nên lấy bản kinh này làm tiêu chuẩn.»

Tô Đông Pha 穌 東 坡 (1036-1101) cũng đã chép quyển kinh này và tặng cho đạo sư Bảo Quang 葆 光. Về sau Long Miên cư sĩ 龍 眠 居 士 đem đặt kinh ra phía trước và vẽ tượng Tô Đông Pha và Bảo Quang cư sĩ từng phía sau. Nét bút tinh vi. Tô Đông Pha thấy cảnh tượng đó, cảm kích và làm bài thơ sau:

«Thái Thượng Hư Hoàng xuất linh thiên,

太 上 虛 皇 出 靈 篇

Huỳnh Đình chân nhân vũ thai tiên.

黃 庭 真 人 舞 胎 仙

Nhiệm kỳ lưỡng khanh tương hậu tiền,

髯 耆 兩 卿 相 後 前

Quán diệu hiệp thị, thanh thả nghiên.

丱 妙 俠 侍 清 且 妍

Thập hữu nhị thuần phục nhuệ kiên,

十 有 二 神 服 銳 堅

Nguy nguy đường đường, nhân trung thiên.

巍 巍 堂 堂 人 中 天

Vấn ngã hà tu, quả thử duyên,

問 我 何 修 果 此 緣

Thị tâm triều không, tịch liễu nhiên.

是 心 朝 空 夕 了 然

Khủng phi kỳ nhân, thế mạc truyền,

恐 非 其 人 世 莫 傳

Điện dĩ nhị sĩ thương hộc hiên.

殿 以 二 士 蒼 鵠 騫

Nam tùy đạo sư lịch sơn uyên,

南 隋 道 師 歷 山 淵

Sơn nhân nghênh tiếu hỉ ngã hoàn,

山 人 迎 笑 喜 我 還

Vấn thùy khiển hóa Lão Long Miên.» [2]

問 誰 遣 化 老 龍 眠

5. Nhận định về tác giả Huỳnh Đình

Nếu ta chấp nhận rằng Huỳnh Đình Nội Cảnh 36 chương, Ngoại Cảnh có 24 chương như sự sắp xếp nơi kinh, thì tên tác giả đều đã được ghi rõ nơi đầu chương một của Nội và Ngoại Cảnh, và như vậy:

Nội Cảnh do đức Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân chép: «Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân, nhàn cư Nhụy cung tác thất ngôn.» 太 上 大 道 玉 神 君 閑 居 蕊 宮 作 七 言 (Nội Cảnh, ch.1)

Ngoại Cảnh là do đức Lão tử chép: «Lão tử nhàn cư tác thất ngôn.» 老 子 閑 居 作 七 言 (Ngoại Cảnh, ch.1)

Nhưng tiếc thay, sự việc không đơn giản như vậy.

Khi bình chương 1 của Nội Cảnh, Tử Hà Hàm Hư tử nhận định rằng hai câu: «Thái Thượng đại đạo Ngọc Thần Quân, nhàn cư Nhụy cung tác thất ngôn.» là do Vương Thiếu Dương tổ sư, người kế vị đức Đông Hoa Đế Quân viết thêm vào.

Bình chương một của Ngoại Cảnh, ông cũng cho rằng chương này là của Vương Thiếu Dương viết thêm vào.

Trong truyện nói về Mạo cô, Ma cô, nơi cuối bộ kinh Huỳnh Đình Nội và Ngoại Cảnh của Tử Hà, có ghi: «Chương đầu của Nội Cảnh và Ngoại Cảnh là do đức Đông Hoa Đế Quân viết để tán dương bộ kinh Huỳnh Đình. Một thời gian lâu sau, chúng được coi là chương 1 của kinh. Ít người biết được rằng chính văn kinh Huỳnh Đình bắt đầu từ chương 2...»

Viên Đốn tử 圓 頓 子 trong bài Biền ngôn 弁 言 của ông nơi đầu sách Huỳnh Đình kinh giảng nghĩa 黃 庭 經 講 義 viết rằng: «Huỳnh Đình kinh, không ghi rõ tác giả và thời đại.» [3]

Về vấn đề tác giả, tôi cũng đồng ý với Viên Đốn tử là không biết rõ ai đã viết ra bộ kinh Huỳnh Đình. Nói là của đức Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân (Linh Bảo Thiên Tôn) viết, hay soạn ra lại càng không phải. Vì Thái Thượng Đại Đạo Ngọc Thần Quân là một trong ba ngôi Trời, không không thể nào có lối hành văn đầy sắc tướng như vậy được. Dĩ nhiên là Huỳnh Đình không thể ngang hàng với Đạo Đức kinh được.

Trong truyện Mạo Cô, Ma cô, nơi cuối kinh Huỳnh đình của Tử Hà ta thấy ghi: «Quyển kinh này (Huỳnh Đình) với Đạo Đức kinh trợ giúp lẫn nhau. Đạo Đức kinh nói nhiều về Diệu (Vô hình tướng). Huỳnh Đình kinh nói nhiều về Khiếu (Hữu hình tướng).» [4]

Trong kinh đề cập những phương pháp dưỡng sinh, thổ nạp, kim tân ngọc dịch, đúng theo như trào lưu các đạo sĩ thời Ngụy Tấn. Cho nên chúng ta có thể kết luận rằng Huỳnh Đình kinh đã được chép vào khoảng năm 300-360.


CHÚ THÍCH

[1] Tổ sư (Vương Thiếu Dương) viết: Lão Tử nhàn cư vô sự, thường tức Nội Cảnh Kinh san phồn tựu giản tác vi thất ngôn, nhưng danh viết Huỳnh Đình, biệt chi viết Ngoại Cảnh. 祖 師 (王 少 陽) : 老 子 閑 居 無 事, 常 即 內 景 經 刪 繁 就 簡 作 為 七 言, 仍 名 曰 黃 庭, 別 之 外 景.

[2] Tất cả chương này đều dựa vào các tài liệu sưu khảo của Tử Hà Hàm Hư Tử, ở câu đầu hay ở cuối bộ kinh Huỳnh Đình của ông, (Tam Tông miếu tàng bản) nhất là ở nơi chương Huỳnh Đình khảo ký.

[3] Lý Lạc Cầu 李 樂 俅, Tiên Học Diệu Tuyển 仙 學 妙 選, tr. 27: «Huỳnh đình kinh, bất trước soạn nhân danh cập thời đại.» 黃 庭 經, 不 著 撰 人 名 及 時 代.

[4] Kỳ thư dữ Đạo Đức kinh tương vi y phụ. Đạo Đức kinh đa ngôn diệu, Huỳnh Đình đa ngôn khiếu. 其 書 與 道 德 經 相 為 依 輔. 道 德 經 多 言 妙, 黃 庭 多 言 竅.


» mục lục | chương 1  2  3  4  5  6