KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 1

Ý niệm về Thượng Đế qua
Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa

 

Khảo sát ý niệm về Trời, về Thượng Đế qua Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa, tức là khảo sát niềm tín ngưỡng của dân tộc Trung Hoa thời cổ, trong khoảng hơn 2000 năm lịch sử trước đời Khổng Tử.

Sống thời nay mà bàn chuyện xa xăm quá vãng từ ba, bốn nghìn năm về trước như vậy, thoạt nghĩ, tưởng là viển vông, lỗi thời. Nhưng biết đâu trong cái thế giới ngả nghiêng cả về tinh thần lẫn vật chất này, niềm tin của người xưa lại chẳng làm vững mạnh lại lòng tin của người nay?

Khảo cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhiều người vẫn tưởng rằng đức Khổng lập ra một đạo mới, nhưng kỳ thực Ngài chỉ muốn làm sống lại những truyền thống, những tín ngưỡng cao đẹp của người xưa, muốn xây dựng lại cho nước Trung Hoa nền Thiên trị (Théocratie) chính thống của các thánh quân, hiền phụ thời trước…

Ngài nói:

«Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.» [1]

Thực vậy, Ngài ra công sưu tầm, san định các tài liệu lịch sử, lễ nhạc, thi ca thời cổ, ghi chép thành bộ Ngũ Kinh quí báu mà ngày nay chúng ta thừa hưởng. Nhờ vậy mà bây giờ chúng ta mới còn có những quan niệm chính xác về dân Trung Hoa thời cổ.

«Công Tôn Triều, đại phu nước Vệ, hỏi Tử Cống: Thầy ông là Trọng Ni học với ai mà giỏi như vậy ? Tử Cống đáp: Đạo thống của vua Văn, vua Võ chưa tan nát ở cõi này, vẫn còn ở nơi người. Vì vậy trang hiền đức học nhớ được phần trọng đại, kẻ tầm thường học nhớ được phần nhỏ nhít. Ở đâu lại chẳng có đạo thống của vua Văn, vua Võ ? Thầy tôi há chẳng học ở đó sao? Cần gì mà phải nhất định có một ông thầy?» [2]

Nay thì trái lại, đạo thống của vua Văn, vua Võ đã tan nát, chẳng còn ở nơi người, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong sách vở. Ta hãy giở lại những trang sách cũ để tìm ra những điều trọng đại…

Dân Trung Hoa có ý niệm về Trời, về Thượng Đế tự bao giờ? Từ Bàn Cổ, từ Phục Hi, hay từ Hoàng Đế?

Đó thực là một câu hỏi khó trả lời…

Chúng ta chỉ biết rằng: theo Trúc Thư Kỷ Niên thì từ thời Hoàng Đế (tức vị năm 2697 trước kỷ nguyên) đã thấy đề cập tới Trời, một cách kính cẩn nhưng cũng rất tự nhiên, quen thuộc.

Trong thiên đầu sách, nhan đề là «Hoàng Đế Hiên Viên Thị», Trúc Thư ghi:

Năm thứ 50 (đời Hoàng Đế), mùa thu, tháng bảy, ngày Canh Thân, phượng hoàng bay đến, Hoàng Đế tế lễ ở sông Lạc.

Từ ngày Canh Thân, trời sa mù ba ngày, ba đêm; ban ngày cũng hôn ám. Hoàng Đế hỏi Thiên Lão, Lực Mục, Dung Thành xem sự thể thế nào ?

Thiên Lão tâu: «Thần nghe khi nước yên và vua chuộng văn thì phượng hoàng tới ở; lúc nước loạn và vua chuộng võ, thì phượng hoàng bay đi. Nay phượng hoàng bay lượn vui vẻ ở bờ cõi Đông, tiếng kêu an hòa tiết tấu ứng hợp với Trời. Suy ra thì biết: TRỜI ĐÃ BAN NHỮNG LỜI NGHIÊM GIÁO CHO ĐỨC VUA, xin đức vua chớ nên bất tuân.» [3]

Tài liệu lịch sử này chứng minh rằng Hoàng Đế (2697 BC) và quần thần đã tin kính Trời, đã đề cập tới Trời một cách rất là tự nhiên quen thuộc và trong những tình thế nghiêm trọng bất thường, đã biết cùng nhau bàn bạc để tìm hiểu ý Trời mà tuân cứ…

Vua Nghiêu (tức vị 2356 BC) lại còn thánh thiện hơn nữa: Ngài đã biết sống thánh thiện noi gương Trời!

Khổng Tử đã viết về vua Nghiêu như sau: «Vua Nghiêu đức nghiệp lớn thay, chỉ có Trời là lớn! Chỉ có vua Nghiêu là bắt chước Trời.» [4]

Khi vua Thuấn lên ngôi (2255) đã tế lễ Thượng Đế. [5]

Vua Đại Võ khi còn là hiền thần, đã biết khuyên vua Thuấn sống cuộc đời đức hạnh «để có thể huy hoàng rước lấy Thượng Đế». [6]

Lúc trị thủy thành công trở về, Đại Võ dâng vua Thuấn một tấm ngọc huyền khuê, để báo cáo công việc hoàn thành. [7] Phó Diễn bình rằng: Võ dâng Thuấn ngọc huyền khuê là muốn nói cùng vua Thuấn: «Đức hạnh của nhà vua đồng nhất với đức hạnh Trời.» [8]

Các vua sáng lập nhà Ân (1766-1122) cũng đã biết sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.

Kinh Thi viết:

«Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,

Đã từng cùng Thượng Đế tất giao.» [9]

Sau khi nhà Ân suy vi thì vua Văn (sinh năm 1258 BC), người được mệnh lệnh Thượng Đế hưng binh đánh Trụ, lại biết sống phối hợp với Trời.

Kinh Thi viết:

«Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin.» [10]

Vũ Vương (1122 BC) đã điều động binh tướng đánh Trụ vương với danh nghĩa «thay Trời trừ bạo».

Trong bài diễn văn quan trọng để hô hào tướng sĩ ở Mạnh Tân, sau khi đã kể các tội ác của Trụ vương, vua nói:

«Hoàng Thiên đã chấn nộ, sai cố quân tôi là Văn Vương kính cẩn ra oai Trời, nhưng đại sự chưa thành tựu. Tôi nay còn là trẻ nít, ngày đêm những lo cùng sợ. Tôi đã nhận lãnh sứ mạng do cố quân tôi, tôi đã tế lễ Thượng Đế, tôi đã làm lễ nghi kính đất đai, và tôi nay hướng dẫn chúng tướng sĩ thi hành hình phạt của Trời. Trời thương dân chúng. Cái gì dân muốn, Trời cũng sẽ nghe theo.

Xin các tướng sĩ hãy giúp tôi quét sạch bốn biển. Thời cơ này xin chớ để mất.» [11]

Lúc lâm trận Mục Dã, đứng trước một đạo binh vô cùng đông đảo của Trụ vương, để khuyến khích ba quân, Võ Vương đã kêu lên: «Thượng Đế ở với ba quân, ba quân hãy vững lòng vững dạ.»

Kinh Thi viết:

«Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,

Một rừng người chật cả sa tràng.

Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,

Võ Vương kêu: Thượng đế ở cùng ta đó,

Ba quân hãy vững lòng vững dạ.» [12]

Sử còn cho hay:

«Sau trận Mục Dã, Trụ Vương trốn vào Lộc Đài tự thiêu chết. Còn vua Vũ, sau khi nhận lời ca tụng của các vị vương bá về trận thắng, liền đuổi theo Trụ Vương tới kinh đô. Dân chúng túc trực ngoài thành lũy, lo lắng sợ hãi. Vua Vũ cho sứ giả tới phủ dụ dân bằng lời lẽ sau: «Trời cao gíng phúc lành cho (anh em).» Dân chúng cúi chào vua Vũ. Vua Vũ cũng cúi chào đáp lễ lại…» [13]

Nếu ta đem so sánh các nhân vật lịch sử Trung Hoa trên đây với các nhân vật lịch sử Do Thái, và các giai đoạn lịch sử Do Thái ghi trong Cựu Ước với những niên kỷ phỏng định tương ứng, ta mới thấy dân Trung Hoa ngay từ trước Hồng Thủy, [14] từ lâu trước thời Abraham [15] và Moïse [16] đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa, một lòng kính tôn tin cậy hết sức lớn lao đối với Thượng Đế.

Bảng đối chiếu sau đây sẽ giúp ta dễ lĩnh hội được điều đó. [17]

 BẢNG NIÊN KỶ ĐỐI CHIẾU GIỮA TRUNG HOA, DO THÁI, VIỆT NAM VÀ ÍT NHIỀU CƯỜNG QUỐC ÂU Á THỜI CỔ

TRUNG HOA

DO THÁI

CÁC NƯỚC

VIỆT NAM

Phục Hi 2852

Thần Nông 2737

Hoàng Đế 2697

Nghiêu 2356

Thuấn 2255

Adam 4004 BC

 

 

Hồng Thủy 2348

 

Hồng Bàng 2879 BC

Hạ 2205-1766

Đại Võ 2205

Abraham 1800

Luật Hamourabi (Babilone) 2000

 

Thương 1766-1122

Thành Thang 1766

Xuất Ai Cập Moïse 1240

Ai Cập thịnh trị từ 1600-1200

 

Chu 1122-255

Văn Vương sinh 1258

Võ Vương 1122

Chiêu Vương 1052

Mục Vương 1001

Linh Vương

(Khổng Tử sinh 571)

Liệt Vương

(Mạnh Tử sinh 357)

 

Các quan xét 1160-1020

Samuel 1050

David 1000

Ezechiel giảng giáo ở Babylone 594

 

 

 

Assyrie thịnh trị 900-607

Babylone thịnh trị 606-536

Ba Tư thịnh trị 536-330

 

Tần 249-206

Tần Thủy Hoàng (249)

 

Hi Lạp thịnh trị 330 -146 BC

 

Tây Hán

Cao Tổ (206)

 

La Mã thịnh trị 146 BC - 476 AD

Hồng Bàng 258 BC

 Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, có nhiều danh hiệu:

Đế, [18] Thượng Đế, [19] Thiên, [20] Hoàng Thiên, [21] Thượng Thiên, [22] Hoàng Thượng Đế, [23] Thiên Hoàng Thượng Đế, [24] Thượng Thiên Thần Hậu, [25] Hoàng Hoàng Hậu Đế, [26] v.v… Ấy là chưa kể đến những danh từ trừu tượng siêu hình như Dịch, [27] Thần, [28] Thái Cực, [29] v.v…

Các giáo sĩ Âu Châu rất bất mãn vì Trung Hoa lại có thể dùng chữ Thiên mà chỉ Thượng Đế, vịn lẽ rằng trời là vòm trời, vô tri giác, sao lại có thể kính tôn và thờ phụng được. Linh mục Ruggieri viết:

«Trời không phải là thần minh mà là tòa của thần minh… Có thể ông Khổng đã dùng chữ trời mà chỉ danh một trí tuệ tối cao cai trị trời đất, nhưng tôi không biết ông Khổng đã nghĩ thế nào?» [30]

Những lời bắt bẻ ấy thật vô lý cứ: Trước hết, trong bất kỳ tiếng nước nào, mỗi chữ thường có nhiều nghĩa. Muốn hiểu đúng nghĩa, phải đặt mỗi chữ vào đúng chỗ của nó trong câu (contexte). Vả lại, nếu người xưa đã thờ một vòm trời vô tri giác, thì sao lại nói Trời xem, Trời nghe, Trời muốn, Trời giận, Trời phạt, v.v… thì tại sao trong đền thờ Thượng Đế ở Bắc Kinh lại có bốn chữ đại tự thiếp vàng Hoàng Thiên Thượng Đế? [31] (scan) Hơn nữa, theo nguyên tắc, không một người ngoại quốc nào có thể có đủ thẩm quyền thay đổi từ ngữ của một dân tộc….

Theo Cha Matteo Ricci (sinh tại Macerat ngày 6-10-1552, đến Macao ngày 7-8-1582, mất tại Bắc Kinh ngày 11-5-1610; [32] cầm đầu các cha Dòng Tên vào Trung Hoa từ năm 1583), Thiên và Đế trong sách cổ điển Trung Hoa đều chỉ «một đấng chủ tể vạn vật; phải hiểu Thiên là đấng ngự trị trên trời, theo kiểu nói thân mật của các dân tộc, đã được Thánh Kinh phê nhận». [33] Nhưng những ý kiến xây dựng của cha Ricci đâu có được nghe theo. Cha Pasio khuyến cáo cha Longobardo, người kế nghiệp cha Ricci, rằng nếu dùng chữ Thượng Đế, chữ Thiên để chỉ Thiên Chúa e bất lợi cho công cuộc truyền giáo, nhất là ở Nhật Bản. [34] Cuộc tranh luận về từ ngữ kéo dài mãi cho tới hội nghị Kiating (1628). Các giáo sĩ đành vấn ý Giáo Hội La Mã như sau: «Những chữ Thiên, chữ Thượng Đế còn có nên giữ để chỉ Chúa người Công giáo không?» Mãi đến 1704 Giáo Hội mới trả lời: «Không, hãy dùng chữ Thiên Chúa.» [35]

Ngày 30-11-1700, Vua Khang Hi giáng chiếu như sau: «Đối với các việc tế lễ mà các vua chúa thời xưa quen dâng kính Trời, đó là những việc tế lễ mà các triết gia Trung Hoa gọi là … tế lễ Trời Đất, mục đích là để tôn kính Thượng Đế… cho nên, đã hiển nhiên là không phải dâng tế lễ cho trời hữu hình hữu chất, mà là dâng cho đấng chủ tể đã tạo thành trời đất muôn vật. Và vì người xưa kính sợ Thượng Đế, không dám trực tiếp xưng tên Ngài, nên họ thường xưng hô Ngài dưới danh hiệu là Thượng Thiên, Hoàng Thiện, Mân Thiên. Y như ngày nay, khi đề cập tới Hoàng Đế, người ta không gọi đích danh Hoàng Đế, mà lại gọi cửu trùng, chín bệ…

Như vậy xét về từ ngữ thì có khác nhau, nhưng xét về ý nghĩa thì những danh từ ấy đều là một…» [36]

Vua Khang Hi thực đã tỏ ra một thái độ sáng suốt và biết dung hòa hết sức...

Trong Cựu Ước, nhiều khi Chúa mượn hình người xuống gặp gỡ các tổ phụ, ví dụ gặp Abraham ở gốc sồi Mambré (Sáng Thế Ký 18-1, 23) hay Jacob (Sáng Thế Ký 32-22, 23) hay Moïse (Exode 33-10, 11), v.v…

Trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, trái lại, tuyệt nhiên không thấy có sự hiển linh đó, vì Khổng giáo chủ trương Trời «không tiếng, không hơi» (vô thanh vô xú). [37] Tuy nhiên, Thi, Thư cũng một đôi lần ghi chép những lời Thượng Đế phán bảo cùng các thánh vương.

Kinh Thư, thiên Duyệt mệnh thượng, ghi chép: Vua Cao Tông (Vũ Đinh 1325 BC) nằm mộng thấy Thượng Đế ban cho một hiền thần. Vua tỉnh dậy, cho họa ảnh, đồ hình, tìm tòi khắp trong nước. Quả nhiên gặp được Duyệt ở đất Phó Nham đúng như hình vẽ. Vua liền phong cho Phó Duyệt làm tể tướng và giữ luôn bên cạnh mình.[38]

Kinh Thi thiên Hoàng Hĩ có ghi những lời Thượng Đế phán bảo Văn Vương:

Thượng đế gọi vua Văn phán bảo,

«Ngươi chớ nên trở tráo đảo điên.

Đừng cho dục vọng tần phiền,

Đừng vì ngoại cảnh rối ren tơ lòng.»

Vua Văn tiến tới cùng nẻo đức,

Đức vua văn rất mực cao siêu…

Thế mà dân Mật dám điều

Manh tâm phản loạn, ra chiều khinh khi.

Chiếm xứ Nguyễn, lại đi Cung đánh,

Làm Văn Vương nổi thịnh nộ lên.

Ba quân điều động một phen,

Ngăn quân phản loạn dẹp yên cõi bờ.

Để thiên hạ thấy cho tường tận,

Khỏi hoang mang lo lắng đợi trông.

Vua tuy vẫn ở trong kinh khuyết,

Nhưng ba quân ra tít Nguyễn thành,

Quản chi đồi núi chênh vênh,

Núi non nào thấy bóng hình địch quân.

Đồi cao, đồi thấp biệt tăm.

Suối kia, ao nọ vẫn nằm chơ vơ.

Địch quân đóng bên bờ sông Vệ,

Đóng xứ Kỳ, đóng xế về Nam,

Là nơi đồng ruộng mỡ màng,

Là trung tâm điểm muôn vàn lý hương.

oOo

Thượng đế gọi vua Văn phán bảo:

«Ta ưa ngươi hoài bão đức nhân,

Chẳng cần khoe tiếng khoe tăm,

Chẳng cần thanh sắc lố lăng bên ngoài,

Không hay, không biết, thảnh thơi,

Thung dung theo đúng luật trời ở ăn.»

Thượng đế gọi vua Văn phán bảo:

«Hãy ra tay chinh thảo địch quân.

Hãy cùng huynh đệ hợp quần,

Sẵn sàng thang, móc, xung, lâm phá thành.

Thành Sùng nọ, sẽ phanh, sẽ phá,

Sẽ ra tay xô ngã thành Sùng…» [39]

… Trời oai nghi,[40] nhưng luôn để mắt nhìn xuống muôn phương [41] để dìu dắt ám trợ chúng dân.[42]

«Kìa Thượng Đế muôn trùng cao cả

Oai nghi nhìn thiên hạ chúng dân

Nhìn quanh tứ phía hồng trần

Tìm xem ai kẻ trị dân an bình.» [43]

Bởi vì:

«Sinh dân Trời chẳng bỏ liều

Liệu người cai quản đến điều mới thôi.» [44]

Dĩ nhiên là «Trời rất thông minh, nên các vị thánh quân phải bắt chước Trời, như vậy quần thần sẽ khâm phục và dân chúng sẽ được cai trị hẳn hoi, yên ổn.» [45]

Trời không thân ai, chỉ thân kẻ biết kính sợ Ngài. [46]

Trời đôi khi cũng phẫn nộ [47] vì những lỗi lầm, [48] thất bại [49] hay tội lệ [50] của các nhà cầm quyền, có khi cũng ra uy, [51] giáng tai ách, [52] nhưng, thật ra Ngài thương muôn dân vô hạn, [53] đến nỗi đồng hóa mình với chúng dân. [54]

Kinh Xuân Thu cũng viết:

«Trời rất thương dân. Có lẽ nào Trời để cho một người trị dân theo ý riêng mình, theo tính xấu mình mà phế bỏ tính trời đất, chắc không thể nào được.» [55]

oOo

Khảo cứu văn liệu, sử liệu Trung Hoa thời cổ, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy dân Trung Hoa xưa đã thờ Trời, tin Trời, kính sợ Trời. Hơn thế, họ còn coi Trời như cha, vì thế mà vua nhiều khi còn được mệnh danh là nguyên tử, là con đầu của Thượng Đế. [56] Trịnh Khang Thành bàn rằng: «Phàm người ta ai cũng là con Trời, Thiên Tử là con đầu hay là trưởng tử.» [57]

Chính Trời cai trị, hướng dẫn dân chúng.

Kinh Thi viết:

«Trời xanh dẫn dắt chúng dân,

Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,

Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,

Tay cầm, tay giắt, khéo sao,

Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi.» [58]

Như vậy, các vua quan chỉ là những người đại diện, những thiên sứ, [59] những tôi tá của Trời. [60] Một tổ chức xã hội theo quan niệm như vậy là Thiên trị (Théocratie).

Các trang hiền thánh, các thánh quân, hiền thần đều ước ao sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.. Những chữ «phối Thiên», «khắc phối Thượng Đế» (kết hợp với Thượng Đế) [61] được đề cập nhiều lần trong Tứ Thư, Ngũ Kinh…

Thực là lạ lùng khi nhận thấy người xưa đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa về Thượng Đế như vậy, và một lý tưởng đạo hạnh tuyệt vời như vậy …

Nhiều học giả Âu Châu, khi khảo sát lại niềm tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ cũng phải bỡ ngỡ lạ lùng.

Cha Ricci viết ngày 4-11-1595 như sau: «Tôi đã nhận thấy có nhiều đoạn [trong Tứ Thư, Ngũ Kinh] phù hợp với tín ngưỡng chúng ta, ví như Thiên Chúa duy nhất, linh hồn bất tử, các thánh nhân được vinh quang, v.v…» [62]

Pascal viết: «Ai đáng tin hơn: Moïse hay Trung Hoa?» [63]

Cha Lecomte viết:

«Đạo giáo Trung Hoa hình như đã giữ được tinh toàn qua các thế hệ những chân lý chính yếu mà Thiên Chúa đã mặc khải cho những người sơ thủy. Trung Hoa lúc sơ khai may mắn hơn các nước khác trong hoàn võ, đã thâu lượm hầu như được chính mạch, chính nguồn những chân lý thánh thiện và chính yếu cho đạo giáo cổ thời của họ. Những vị hoàng đế đầu tiên đã xây đền thờ Thiên Chúa, và thực không phải là một vinh dự nhỏ cho dân Trung Hoa vì đã tế lễ tạo hóa trong một đền thờ cổ kính nhất thiên hạ. Niềm đạo hạnh ban sơ đã gìn giữ được trong dân chúng nhờ công lao của các vị hoàng đế; vì thế tà đạo đã không lọt được vào Trung Quốc.» [64]

James Legge, một giáo sĩ Thệ Phản và một học giả lừng danh về Hán học, đã viết trong bài phi lộ quyển Kinh Thư mà ông bình dịch như sau:

«Thiên Chúa được gọi là Đế, là Thượng Đế, tức là đề cao tính cách hữu ngã, chí tôn và duy nhất của Ngài. Chúng ta thường thấy những danh hiệu trên được dùng thay đổi với chữ Thiên. Thiên vẫn hàm ngụ ý nghĩa chí tôn, và duy nhất, còn tính cách hữu ngã thì được ám chỉ tới một cách không rõ rệt, như là bằng một sự liên tưởng. [65] Vua chúa cai trị là do Trời. Vua chúa bắt buộc phải thi hành công lý cũng là vì Trời. Mọi người đều phải sống dưới lề luật của Ngài, và có bổn phận tuân theo ý chỉ của Ngài. Ngay hạ dân, Ngài cũng ban cho một ý thức về luân lý, theo ý thức ấy, sẽ làm tỏ rõ nhân tính hằng cửu chân thiện. Mọi uy quyền đều do nơi Ngài. Ngài cất nhắc kẻ này lên ngôi báu và hạ bệ kẻ khác xuống. Tuân phục Ngài sẽ được phúc lộc; bất tuân Ngài sẽ bị Ngài trách phạt. Bổn phận các vua chúa là phải cai trị cho công bình và nhân hậu, cho dân chúng được hạnh phúc, sung sướng. Vua chúa phải nêu gương mẫu cho đình thần, bá quan, và muôn dân. Sự thành công lớn lao nhất của vua chúa là khiến cho dân chúng được sống yên bình, thảng đãng tiến bước theo lời chỉ giáo của lương tâm họ. Khi vua chúa lầm lỗi, Trời sẽ chỉnh huấn bằng những phán quyết như giông tố, đói khát, hay các thiên tai khác; nếu vua chúa không chịu sửa đổi, thì hình phạt sẽ nặng nề hơn.

Họ sẽ mất quyền cai trị, và quyền ấy sẽ sang tay người khác xứng đáng với nhiệm vụ ấy…» [66]

Mấy hàng của James Legge có thể dùng để toát lược chương này.

Thực ra quan niệm về Thượng Đế là một quan niệm rất phức tạp. Nó biến ảo vô cùng, và thay đổi tùy nơi, tùy thời, tùy sự nhận thức của từng người. Đề cập thế nào về Thượng Đế cũng thấy là bất xứng, diễn tả thế nào về Thượng Đế cũng vẫn thấy sai ngoa. Cho nên, nơi đây chúng ta đã không có tham vọng bao quát mọi ý niệm về Thượng Đế trong Nho giáo, chúng ta đã thu hẹp phạm vi, không đề cập tới những quan niệm siêu hình, những danh từ trừu tượng về Thượng Đế của các triết gia về sau, nhất là của Tống Nho.

Chúng ta đã đề cập tới Thượng Đế bằng những quan niệm của đại chúng, của các vị hiền thánh thời xa xưa, chứ không muốn đề cập tới Thượng Đế bằng khối óc của những nhà triết học. [67]

Cũng vì vậy mà chúng ta đã không đi sâu vào những ý kiến dị biệt, những tranh luận kéo dài hằng mấy thế kỷ của các giáo sĩ, các học giả Âu Châu quanh chữ Thiên, quanh ý niệm về Trời, về Thượng Đế trong Nho giáo. [68]

Chương này chỉ là chương dẫn đầu để xây nền đắp tảng cho các chương sau, vì Thượng Đế chính là căn bản cho nền đạo giáo và chính trị Trung Hoa thời trước.

Chương này ngoài ra còn có mục đích dùng sử liệu văn liệu để chứng minh Thượng Đế chẳng phải là của sở hữu của cá nhân nào, quốc gia nào, dân tộc nào hay thời đại nào, mà Thượng Đế là của chung cho hoàn võ và nhân loại. Trời chẳng thân ai, chỉ thân người biết kính sợ Ngài (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 1)

 


CHÚ THÍCH

[1] Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ. 子 曰: 述 而 不 作, 信 而 好 古. (Luận Ngữ, Thuật Nhi, 7)

[2] Vệ Công Tôn Triều vấn ư Tử Cống viết: Trọng Ni yên học ? Tử Cống viết: Văn Vũ chi đạo vị truỵ ư địa, tại nhân. Hiền giả thức kỳ đại giả; bất hiền giả thức kỳ tiểu giả. Mạc bất hữu Văn Vũ chi đạo yên ? Phu tử yên bất học ? Nhi diệc hà thường sư chi hữu ? : ? : , . ; . ? ? ? (Luận Ngữ, Tử Trương đệ thập cửu, tiết 22).

[3] Ngũ thập niên thu thất nguyệt, Canh Thân, phượng điểu chí, Đế tế ư Lạc Thuỷ. Canh Thân, thiên vụ tam nhật tam dạ; trú hôn. Đế vấn Thiên Lão, Lực Mục. Dung Thành viết: ư công hà như ? Thiên Lão viết: «Thần văn chi quốc an, kỳ chủ hiếu văn, tắc phượng hoàng cư chi. quốc loạn, kỳ chủ hiếu vũ, tắc phượng hoàng khứ chi. Kim phượng hoàng tường ư Đông giao nhi lạc chi kỳ minh âm trung di tắc dữ Thiên tương phó. Dĩ thị quan chi, thiên hữu nghiêm giáo dĩ tứ đế. Đế vật phạm dã.» , , , . , ; . , . : ? : , , . , , . , , . (Trúc Thư Kỷ Niên, quyển chi nhất, chương Hoàng Đế Hiên Viên thị). (James Legge, The Chinese Classics, vol III, The Annals of the Bamboo Books, page 108)

[4] Khổng Tử viết: Đại tai Nghiêu vi quân, duy thiên vi đại, duy Nghiêu tắc chi.

: 君,惟 大,惟 (Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng, 4).

[5] Tứ loại vu Thượng Đế (Thượng Thư, Thuấn Điển 6). Thượng Thư là bộ sách được đức Khổng san định mục đích đề cao các thánh quân hiền phụ và nền Thiên trị thời cổ. Nên sách chỉ ghi chép sự tích của ít nhiều thánh quân hiền thần từ thời Nghiêu (2356 BC) đến đời Tần Mục Công (659 BC) chứ không phải là một bộ sử liên tục, có mạch lạc liên tiếp. Thoạt tiên Kinh Thư chỉ gọi là Thư. Sau, Trịnh Khang Thành thêm vào chữ Thượng. Ông nói: Đức Khổng vì tôn trọng bộ sách, coi nó như là cuốn thiên thư, nên gọi là Thượng Thư (Tôn nhi trọng chi nhược thiên, cố viết Thượng Thư) (Cf. James Legge, The Shoo King, part I, the Book of T’ang The Canon of Yaou, page 15, notes).

[6] … dĩ chiêu thụ Thượng Đế (Thượng Thư, Ích Tắc 2)

以 昭 受 上 帝

(James Legge bình và dịch như sau: 以 昭 受 上 帝 You will brightly receive God. We must understand 帝 之 命 or some similar phrase. (James Legge, The Shoo King, part II, book IV, chap. 1, 2, 4; notes, p. 79).

James Legge không dịch là rước lấy Thượng Đế, mà dịch là nhận sự ủy nhiệm của Thượng Đế, nhưng công nhận nếu dịch theo nghĩa đen thì phải dịch như cách thứ nhất.

[7] Kinh Thư, Vũ Cống, 38.

[8] Ngô quân chi đức dữ Thiên vi nhất. 吾 君 之 德 與 天 為 一 (cf. Couvreur, Chou King, page 89.)

[9] Ân chi vị táng sư khắc phối Thượng Đế. 殷 之 未 喪 師 克 配 上 帝 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất, chương 6.)

[10] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu. 上 天之 載, 無 聲 無 臭, 儀 刑 文 王, 萬 邦 作 孚 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.)

Đoạn này tác giả dịch khác James Legge. Tuy nhiên James Legge cũng chú: King Wan might be considered as an embodiment of Heaven. (James Legge, The Shoo King, pages 431-432.)

[11] Cf. Kinh Thư, Thái Thệ thượng 5, 10: Hoàng thiên chấn nộ, mệnh ngã văn khảo, túc tương thiên uy, đại huân vị tập... Dư tiểu tử túc dạ chi cụ, thụ mệnh văn khảo, loại vu Thượng Đế, nghi vu trủng thổ, dĩ nhĩ hữu chúng, để thiên chi phạt. Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi, nhĩ thượng bật dư nhất nhân, vĩnh thanh tứ hải, thời tai phất khả thất. 皇 天 震 怒,命 我 文 考,肅 將 天 威,大 勳 未集… 予 小 子 夙 夜 祗 懼,受 命 文 考, 類 于 上 帝,宜 于 冢 土, 以 爾 有 眾, 底 天 之 罰. 天 矜 于 民, 民 之 所 欲, 天必 從 之, 爾 尚 弼 予 一 人, 永 清 四 海, 時 哉 弗 可 失.

[12] Ân Thương chi lữ, kỳ hội như lâm, thỉ vu Mục Dã, duy dư hầu hâm, Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm. 殷 商 之 旅, 其 會 如 林. 矢 于 牧 野, 維 予 侯 興. 上 帝臨 女, 無 貳 爾 心 (Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, thất chương.) Chỗ này tác giả dịch theo ý, và hơi khác James Legge. Legge cho câu Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm là lời Khương Tử Nha khuyên Vũ Vương lúc lâm trận Mục Dã (J. Legge, The She King, tr. 435), nhưng nếu vậy thì tác dụng tâm lý sẽ không lấy gì làm mạnh mẽ, sâu rộng; vả lại, theo Kinh Thư, chương Thái Thệ, ta chỉ thấy trước sau có mình Vũ Vương đứng ra lôi cuốn quần chúng.

[13] Cf. James Legge, The Shoo King, part V, book III, p. 2, notes, p. 308.

[14] Hồng Thủy khoảng năm 2348 (cf. Sấm truyền cũ, thuật cùng gẫm truyện thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, 1960, trang 20).

Đó cũng là niên kỷ theo sự ước toán của Tổng Giám Mục Usher 1650 AD (cf. Hallay’s Bible Handbook, trang 32). Các sách Thánh kinh mới như Crampon, Bible de Jerusalem không còn ghi những niên kỷ về Adam hay Hồng Thủy. Lý do là vì xưa kia Giáo Hội tin rằng Chúa dựng nên ông Adam khoảng 4004 năm trước kỷ nguyên. Truyền thống này được lưu truyền trong các bài hát cũ, hay trong Histoire universelle của Tổng Giám Mục Bossuet. Nhưng từ khi khoa địa chất học và nhân chủng học khám phá ra được rằng vũ trụ cũng như loài người đã có từ rất lâu về trước, thì các sách vở mới đều bỏ trống những niên kỷ về sự tạo dựng Adam hay Hồng Thủy.

[15] Abraham sinh khoảng 1996 BC theo Tổng Giám Mục Usher nhưng Crampon thì lại ghi sự du mục của Abraham vào khoảng 1800.

[16] Moïse đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập năm 1941 theo Tổng Giám Mục Usher (Hallay’s Bible Handbook, trang 33), hay 1240 theo Bible de Crampon (Bible de Crampon, trang LI).

[17] Các niên kỷ Trung Hoa trong đồ bản sau, lấy ở bộ Kinh Thư do cha Couvreur dịch (Séraphin Couvreur, Les Annales de la Chine, Tome II, pages 401-402). Các niên kỷ về Do Thái lấy ở Sấm truyền cũ, thuật cùng gẫm truyện thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, trang 7 và 20 (niên kỷ về Adam và Hồng Thủy). Các niên kỷ sau thời Hồng Thủy đều lấy ở Bible de Crampon, trang LI. Các niên kỷ về các nước Cận Đông, Hi Lạp, La Mã đều lấy ở Hallay’s Bible Handbook, trang 40-41. Các niên kỷ về Việt Nam rút ở Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

[18] Kinh Thư: Duyệt Mệnh thượng, 2. – Hồng Phạm 3, 15. – Kim Đằng 7.

[19] Kinh Thư: Thuấn Điển 6. – Thái Giáp hạ 3. – Bàn Canh hạ 6. – Thái Thệ thượng 6, 7, 10. – Thái Thệ hạ 3. – Vũ Thành 6.

[20] Kinh Thư: Thái Thệ 7 – Thái Giáp thượng 2.

[21] Kinh Thư: Thái Giáp thượng 5 – Duyệt Mệnh trung 10 – Y Huấn 2.

[22] Kinh Thư: Thang Cáo 2.

[23] Kinh Thư: Thang Cáo 2.

[24] James Legge, The Shoo King, part II, book III, 2, notes.

[25] Kinh Thư: Thang Cáo 4.

[26] Luận Ngữ, chương XX, 3.

[27] Thiên địa thiết vị nhi Dịch hành hồ kỳ trung hĩ. 天 地 設 位 而 易 行 乎 其 中 矣 (Hệ Từ thượng)

[28] Thần dã giả diệu vạn vật nhi vi ngôn dã. , (Thuyết Quái)

[29] Thị cố Dịch hữu Thái Cực. (Hệ Từ thượng)

[30] Le ciel n’est pas la divinité, mais le siège de la divinité...

Peut-être (forsan) par ce mot que vous croyez signifier le ciel, votre Confucius a-t-il voulu désigner cette intelligence suprême qui gouverne le ciel et la terre, mais j’ignore ce qu’il a pensé au juste (quid ille senserit ignoro).

Catéchisme du P. Ruggieri (1584); Opere storiche, tome II page 507, 520. – Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 99.

[31] Cf. A.M. Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo, trang 47.

[32] Cf. Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 101.

[33] Dictionnaire de Théologie Catholique, Tome II, phần II, cột 2365-2389.

A.M. Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo (Ra Khơi 1958), trang 38.

[34] Cf. Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 110.

[35] «Les expressions T’ien et Chang-ti, ciel et Souverain Seigneur sont-elles à conserver comme désignant le Dieu des chrétiens?»

La réponse définitive de Rome en 1704 sera: Non, dites T’ien Tchou, Seigneur du ciel. (Ibidem pages 110-111).

[36] Cf. Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 143:

Le 30 Novembre 1700, paraissait une déclaration impériale: «A l’égard des sacrifices que les anciens Rois et Empereurs avaient coutume d’offrir au ciel, ce sont ce que les philosophes chinois appellent... sacrifices qu’on fait au Ciel et à la Terre, par lesquels ils disent que le Chang Ti ou Souverain Seigneur est honoré... D’où il est évident qu’on n’offre pas ces sacrifices au ciel visible et matériel; mais seulement au Seigneur et à l’auteur du ciel et de la terre et de toutes choses. Et comme par la crainte et le respect qu’ils ont pour lui, ils n’osent pas l’invoquer directement par son propre nom, ils ont coutume de l’invoquer sous le nom de ciel suprême; de ciel bienfaisant, de ciel universel, de même manière que quand on parle avec respect de l’empereur, on ne l’appelle pas par son nom, mais on dit les «degrés de son trône», «la cour suprême de son palais». Or ces noms quoique différents si l’on regarde les termes, sont cependant les mêmes, si l’on regarde leur signification». (Những danh từ Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Mân Thiên, Cửu Trùng, Chín Bệ là những tiếng tác giả gượng dùng, để phiên dịch cho xuôi chứ thật ra muốn dịch đúng phải có bản Hán văn.)

[37] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú… 天 之 載, 無 聲 無 臭 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.)

[38] Mộng Đế lai dư lương bật… 夢 帝 來 予 良 弼 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh thượng 2)

[39] Kinh Thi – Đại Nhã – Văn Vương. Hoàng Hĩ Thượng Đế 5, 9, 7.

[40] Ibidem I.

[41] Thiên giám hạ dân. 天 監 下 民 (Kinh Thư – Cao Tông Dung nhật 3).

[42] Thiên âm chất hạ dân 天 陰騭下 民 (Kinh Thư – Hồng Phạm 2).

[43] Kinh Thi – Đại Nhã – Văn Vương, Hoàng Hĩ Thượng Đế I.

[44] Đế tác bang, tác đối. 帝 作 邦 作 對 (Kinh Thi – Văn Vương – Hoàng Hĩ 3)

[45] Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến, duy thần khâm nhược, duy dân tòng nghệ. 惟 天 聰 明, 惟 聖時 憲, 惟 臣 欽 若, 惟 民 從 乂 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh trung 3)

[46] Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân. 惟 天 無 親, 克 敬 惟 親 (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 1)

[47] Đế nãi chấn nộ. 帝 乃 震 怒 (Kinh Thư – Hồng Phạm 3.)

Hoàng Thiên chấn nộ 皇 天 震 怒 (Kinh Thư – Thái Thệ thượng 3.)

[48] Cổn nhân hồng thủy, cốt trần ngũ hành 鯀陻洪水,汨陳五行 (Kinh Thư – Hồng Phạm 3.)

[49] Cô thực bất kính thiên giáng chi tai 孤 實 不 敬, 天 降 之 災 (Xuân Thu – Trang Công năm thứ 2. Couvreur, Le Chou King, p. 153.)

[50] Thương tội quán doanh, Thiên mệnh tru chi 商 罪 貫 盈, 天 命 誅 之 (Kinh Thư – Thái Thệ 9.)

[51] Thiên giáng úy 天 降 畏 (Kinh Thư – Đại Cáo)

[52] Thiên độc giáng tai hoang vu Ân bang 天 毒 降 災 荒 于 殷 邦 (Kinh Thư – Vi Tử 4.)

[53] Thiên căng vu dân 天 矜 于 民 (Kinh Thư – Thái Thệ thượng 2)

[54] Thiên thị tự ngã dân thị, Thiên thính tự ngã dân thính 天 視 自 我 民 視, 天 聽 自 我 民 聽 (Kinh Thư – Thái Thệ trung 7.) Dân chi sở dục, Thiên tất tòng chi 民 之 所 欲, 天 必 從 之 (Kinh Thư – Thái Thệ 1.)

[55] Thiên chi ái dân thậm hĩ. Khởi kỳ sử nhất nhân tứ ư dân thượng, dĩ tòng kỳ dâm nhi khí thiên địa chi tính, tất bất nhiên hĩ 天 之 愛 民 甚 矣豈 其 使 一 人 肆 於 民 上 以 從 其 淫 而 棄 天 地 之 性 必 不 然 矣 (Xuân Thu Tả Truyện; Tương Công năm 14. Couvreur, Le Chou King, p. 310.)

[56] Hoàng Thiên Thượng Đế cải quyết nguyên tử 皇 天 上 帝 改 厥元 子: Đấng Hoàng Thiên Thượng Đế thay đổi con đầu của Ngài (Kinh Thư – Thiệu Cáo 9.)

[57] Phàm nhân giai vân thiên chi tử, thiên tử vi chi thủ nhĩ 凡 人皆 云 天 之 子. 天 子 為 之 首 耳 (Cf. James Legge, The Shoo King, p. 425.)

[58] Thiên chi dũ dân, Như huân như trì, Như chương như Khuê, Như thủ như huề, Huề vô viết ích, Dũ dân khổng dị. , , , , , (Kinh Thi, Đại Nhã, Sinh Dân, thập chương, Bản, 6.)

[59] Thiên sứ dật đức liệt vu mãnh hỏa 天 吏 逸 德 烈 于 猛 火: Bậc thiên sứ thiên lại lầm đức dữ hơn lửa mạnh (Kinh Thư – Dận Chinh 6.) Cf. James Legge, The Shoo King, Thang Cáo thiên, trang 174, chú thích.

[60] Dư tạo thiên dịch 予造 天 役: Ta là tôi tá của Trời (Lời vua Vũ Vương) (Kinh Thư – Đại Cáo 8)

[61] Khắc phối Thượng Đế (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 3.) (Kinh Thi – Đại Nhã, Văn Vương, Văn Vương 9)

Kỳ tự thời phối Hoàng Thiên 其 自 時 配 皇 天 (Kinh Thư – Thiệu Cáo 14.)

Cố Ân lễ thiệp phối thiên 故 殷 禮 陟 配 天 (Kinh Thư – Quân Thích 8)

Khắc phối bỉ thiên (Kinh Thi – Chu Tụng: Thanh Miếu, Tư Văn 1)

Cố viết phối thiên 故 曰 配天 (Trung Dung, chương 31)

[62] J’ai noté, écrit-il, beaucoup de passages qui sont en faveur de notre foi comme l’unité de Dieu, l’immortalité de l’âme, la gloire des Bienheureux etc… (Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, p. 103)

[63] Lequel est le plus croyable des deux, Moïse ou la Chine? (Pascal – Pensées – petite édition Brunschwig, p. 596. – Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, p. 138).

[64] La religion chinoise, disait le Comte, semble avoir conservé intactes et pures au cours des âges, les premières vérités révélées par Dieu aux premiers hommes. «La Chine plus heureuse dans ses commencements que nul autre peuple du monde, a puisé presque dans la source, les saintes et les premières vérités de son ancienne religion». Les premiers empereurs bâtirent des temples à Dieu et «ce n’est pas une petite gloire à la Chine d’avoir sarrifié au Créateur dans le plus ancien temple de l’univers».

La piété primitive se conserve dans le peuple grâce aux Empereurs qui prirent soin de l’entretenir, si bien que l’idolâtrie n’arriva pas à se glisser en Chine... (Cf. Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 133. – Nouveaux mémoires du P. Le Comte parus en 1696).

[65] Thiết tưởng trong đoạn văn này James Legge đã quá dè dặt, nên đã không nhận xét về danh từ «Thiên» cho thật đứng đắn. Âu cũng một phần do ảnh hưởng những cuộc tranh luận trong dĩ vãng.

[66] The name by which God was designated, was the Ruler, and the Supreme Ruler, denoting emphatically His personality, supremacy, and unity. We find it constantly interchanged with the term Heaven, by which the ideas of supremacy and unity are equally conveyed, while that of personality is only indicated vaguely, and by an association of the mind. By God kings were supposed to reign, and princes were required to decree justice. All were under law to Him; and bound to obey His will. Even on the inferior people He has conferred a moral sense, compliance with which would show their nature invariably right. All powers that be are from Him. He raises one to the throne and puts down another. Obedience is sure to receive His blessings; disobedience, to be visited with His curse. The business of kings is to rule in righteousness and benevolence, so that the people may he happy and good. They are to be an example to all in authority, and to the multitudes under them. Their highest achievement is to cause the people tranquilly to pursue the course which their moral nature would indicate and approve. When they are doing wrong. God admonishes them by judgments, – storms, famine and other calamities; if they persist in evil, sentence goes forth against them. The dominion is taken from them, and given to others more worthy of it...

(Cf. James Legge, The Shoo King, prolegomena, page 193)

[67] Trong tập Vô Cực Luận (sẽ in) tôi đã có dịp đề cập tới Thượng Đế siêu hình và bất khả tư nghị của các thánh triết Trung Hoa.

[68] Đối với những độc giả nào muốn đi sâu vào vấn đề, tôi xin giới thiệu ít nhiều sách vở, tài liệu như sau:

- Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne (Cathasia).

- Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine. (Librairie Arthème Fayard. Viện Khảo Cổ, thư viện số 3086).

- Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo (Tủ sách Ra Khơi).

- Tien Tcheu Bang, L’idée de Dieu dans les huit premiers classiques chinois. Fribourg 1942.

- De Harlez, Les religions de la Chine. Leipzig 1891.

- H.G. Creel, La naissance de la Chine. Paris 1937.

- Kou Mou Je, L’évolution de la théologie chinoise avant les Ch’in. Shanghai 1936.

Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (Phép giảng tám ngày) (Tinh Việt Văn Đoàn) các trang LXIII, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, …)

 


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo