KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Lời Nói Đầu

 

Quyển Khổng học Tinh hoa này có mục đích trình bày phương pháp tu thân và trị dân của người xưa mà Khổng giáo gọi là «Nội thánh ngoại vương chi đạo».

Nền tảng của Khổng giáo là Thượng Đế.

Trung Dung viết: «Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.»

«Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?»

Cho nên trước khi đi vào vấn đề tu thân, trị dân, tất nhiên phải nghiên cứu niềm tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ. Vì thế, chương đầu sách khảo sát quan niệm về Thượng Đế qua văn liệu, sử liệu Trung Hoa.

Nhiều người nghĩ rằng Khổng giáo chỉ dạy con người trở nên hiền nhân quân tử, chứ không làm cho con người siêu phàm thoát tục như Phật giáo, Lão giáo.

Đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc, thực ra Khổng giáo có mục đích thâm viễn là thánh hóa con người, giúp con người tiến tới cực điểm tinh hoa, sống cuộc đời hoàn thiện, phối hợp cùng Thượng Đế. Vì thế, chương 2 sẽ đề cập đến quan niệm thánh nhân trong Nho giáo, song song với những phương pháp tu thân ngõ hầu thực hiện được lý tưởng cao siêu ấy.

Nhưng trở nên hoàn thiện (trung ) chưa đủ, còn phải giúp đỡ dẫn dắt người khác trở nên hoàn thiện giống mình (thứ ), cùng nhau biến cải vật chất và hoàn cảnh cho trần ai tục lụy biến thành Nhược Thủy, Bồng Lai, thế mới là thuận theo thiên lý, hoàn tất sứ mạng con người. Vả lại, đã sinh ra đời, con người có nhiệm vụ chung sống với nhau, để chung lưng góp sức cải thiện hoàn cảnh vật chất, suy cứu cho ra căn nguyên và định mệnh của mình. Đã sống chung, tất phải có người lãnh đạo chỉ huy. Vì thế, chương 3 đề cập đến cương vị, sứ mạng, đạo độ của một vị lãnh đạo lý tưởng. Vị lãnh đạo lý tưởng là người đem an bình lại cho nhân loại, chỉ vẽ cho con người định mệnh cao sang của mình, dạy dỗ cho biết phương pháp thực hiện định mệnh ấy, lại lấy mình làm tấm gương sáng cho mọi người soi vào mà bắt chước, mà cố gắng noi theo. Vị lãnh đạo lý tưởng ấy Nho giáo mệnh danh là Thiên tử.

Ngoài ra, chương 3 còn đào sâu khơi rộng vấn đề bằng cách đối chiếu quan niệm Thiên tử Trung Hoa với các quan niệm Âu Á, cổ kim tương tự, mục đích là tháo gỡ mối tơ vò nhân loại, giải đáp thai đố tự ngàn xưa về nhân thế và định mệnh con người.

Mối manh để tìm ra lời giải đáp đã nằm gọn trong định luật biến dịch, định luật tuần hoàn, và trong những hiện tượng đối lập như «phục, khởi» (immanence et émergence), «ẩn, hiện» (latence et manifestation, potentialité et réalisation) của trời đất.

Nói cách khác, nếu trong nhân loại đã có những vị chân Thiên tử, tất nhiên nhân loại ai ai cũng có khả năng trở thành Thiên tử.

Thế mới hay:

«Người là người mà tớ cũng là người

Nhắm cho kỹ, vẫn chênh vênh đầu dốc.»

(Phạm Văn Ái)

Chương 4 sẽ nghiên cứu phương pháp trị dân tại Trung Hoa thời cổ. Phương pháp này đã được ghi chép trong Hồng Phạm Cửu Trù. Hồng Phạm có chín thiên, nên chương 4 cũng có chín thiên chính. Trước sau toàn dùng Hồng Phạm Cửu Trù và Tứ Thư, Ngũ Kinh để phác họa lại những nét chính yếu của nền Thiên trị (Théocratie) Trung Hoa thời cổ, một đề tài mà xưa nay ít người đã đề cập tới một cách mạch lạc, thấu đáo.

Sách có bốn chương, mà chương vắn, dài không cân xứng với nhau, đó là một khuyết điểm của cuốn sách. Nhưng thiết nghĩ không nên câu nệ về hình thức, mà cần chú trọng đến tinh hoa, đến nội dung.

Người xưa gắn liền đời sống nhân quần với đời sống thiên nhiên vũ trụ, cố gắng theo đúng nhịp điệu của trời đất, trăng sao, nên rất chú trọng đến thiên văn, khí tượng, và lịch số.

Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, và để cho quí độc giả rộng đường tham khảo, tác giả đã trình bày thêm trong phần phụ lục:

1- Thiên Nguyệt Lệnh (Lễ Ký) [1] phác họa lại chương trình hoạt động của các vị Thiên tử xưa trong 12 tháng quanh năm, mục đích là điều hòa công tác của quần chúng, của quốc gia cho ăn khớp với nhịp điệu thời tiết.

2- Thơ Thất Nguyệt (thiên Bân Phong, Kinh Thi) [2] trình bày đại khái những mối lo âu và công việc của dân chúng miền cực Tây nước Trung Hoa trong một năm.

3- Thiên «Chiêm chu niên phong nẫm ca» của Ngọc Hạp Ký để trình bày cách thức của người xưa xem khí tượng để ức đoán cát, hung, đắc, thất, trong tháng, trong năm.

Đáng lẽ còn phải đề cập đến thiên văn và lịch số Trung Hoa trong phần phụ lực, nhưng e quá dài, nên xin dành đề tài này cho một thiên khảo luận khác.

Quyển Khổng học Tinh hoa có mục đích tìm hiểu thân thế và định mệnh con người qua lăng kính Khổng giáo.

Nó cũng muốn phạt quang gai góc cho công trình nghiên cứu của những người sau được dễ dàng hơn.

Tác giả chỉ có công sưu tầm. Cái hay trong sách là của tiền nhân, cái dở trong dĩ nhiên là của tác giả. Mong các bậc cao minh lượng thứ.

Saigon, ngày 27 tháng 5 năm 1966

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ cẩn chí.


CHÚ THÍCH

[1] Theo nhà học giả Couvreur, thiên Nguyệt Lệnh gồm nhiều đoạn trích trong quyển Xuân Thu của Lã Bất Vi. Các đường lối, phong tục ghi trong Nguyệt Lệnh phần nhiều khai nguyên từ thời các vị đế vương xưa. (Xem Couvreur, Li Ki, I chapitre IV – Iue Ling, page 330).

[2] Bân là tên một vùng phía cực Tây nước Tàu (kinh tuyến 105o46’, vĩ tuyến 35o04’). Tổ tiên nhà Chu sinh sống ở đó từ 1796 đến 1325 trước công nguyên cho đến khi dựng nên cơ nghiệp nhà Chu. Thơ Bân Phong như vậy rất cổ kính (cf. Legge, The She King, Prolegomera 127 và các trang 2, 226, 227). Thơ Thất Nguyệt vì mô tả đời sống của giòng họ nhà Chu từ thời xa xưa trong vùng hẻo lánh, lạnh lẽo của miền cực Tây nước Trung Hoa, nên dĩ nhiên có nhiều điều không ăn khớp với thiên Nguyệt Lệnh.

 


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo