KHỔNG HỌC TINH HOA

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo


Chương 2

Quan niệm về thánh nhân theo thư tịch Nho giáo

 

Sau khi khảo sát quan niệm về Trời, về Thượng Đế ở Trung Hoa, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu ba vấn đề hết sức quan trọng mà xưa nay đã bị quên lãng, hay đã được đề cập tới một cách phớt qua. Đó là các quan niệm về:

- thánh nhân

- Thiên tử

- Nền Thiên trị Trung Hoa thời cổ

Thấu triệt mấy vấn đề chính yếu này, chúng ta sẽ biết lòng dạ các tiên hiền, tiên thánh khi các Ngài ra công trước tác, giáo hóa; ta sẽ phanh phui những mối manh chính yếu trong giải đồng nối kết Trời người, chúng ta sẽ am tường cách tổ chức giáo hóa và chính trị người xưa, biết những phương pháp giản dị nhưng hữu hiệu, có thể mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.

Vậy trước hết, chúng ta hãy cùng nhau giở những trang sử sách cũ, tìm cho ra chân dung, chân tướng của các vị thánh nhân qua các thời đại…

A. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO TỨ THƯ NGŨ KINH

Trong cuộc đối thoại với Hạo Sinh Bất Hại, Mạnh Tử đã định nghĩa và định vị trí của thánh nhân như sau:

Hạo Sinh Bất Hại, người nước Tề, hỏi Mạnh Tử: «Nhạc Chính Tử là người thế nào ?» Mạnh Tử đáp: «Là người thiện và tín.» Hạo Sinh Bất Hại hỏi tiếp: «Sao gọi là Thiện? Sao gọi là Tín?» Mạnh Tử giải: «Người mà hành vi nhân phẩm đáng yêu, đáng kính, gọi là Thiện. Người làm thiện theo lương tâm và bản tính không cưỡng ép và không giả trá gọi là Tín. Người mà lòng thiện đầy đủ phát lộ ra khắp thân thể và mỗi cử động đều hợp vý lành, gọi là Mỹ. Người có mỹ đức đầy đủ và làm nên sự nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình chói lói trên đời, gọi là Đại. Đã là bực đại nhân, lại đứng ra hoằng hóa cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay về nẻo thiện, gọi là Thánh. Đã là bực thánh cảm hóa cho đời, thế mà sở hành và trí tuệ mình chẳng ai ức đạc nổi, biến hóa vô tận, thông với trời đất, gọi là Thần… Trong sáu bực đó, Nhạc Chính Tử dự vào hai bực thấp, còn bốn bực kia thì ngoài sức người vậy.» [1]

Theo định nghĩa của Mạnh Tử thì thánh nhân thực là hi hữu, ngàn năm một thủa.

Hữu Nhược nói:

«… Người năm bảy đấng,

Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,

Phượng hoàng vẫn loại chim muông,

Thái Sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò,

Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,

Thánh với phàm một phách thế nhân,

Nhưng thánh phàm, muôn phân, ngàn biệt,

Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần…»[2]

Thánh nhân bạt thiệp, siêu quần, vì các Ngài là những người thông minh duệ trí, nhân đức tuyệt vời [3] noi gương Trời mà hành sự, [4] sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế. [5]

Dịch Kinh viết: «Thánh nhân đức độ sánh với trời đất, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…» [6]

Trung Dung đề cập tới thánh nhân nhiều lần nhất, với những lời lẽ đẹp đẽ nhất. Dưới đây, xin trích dẫn một trong nhiều đoạn.

Trung Dung viết:

«Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.

Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.

Y như có dung nhan Trời phất phưởng,

Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng.

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.

Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.

Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,

Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,

Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.

Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,

Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,

Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.

Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,

Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.

Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,

Đâu có được trời che và đất chở.

Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,

Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.

Đâu còn có dòng máu nóng con người,

Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.

Thế nên gọi là “cùng trời phối ngẫu”.»

(Trung Dung, chương 31)

B. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO CHU HI

Trong tập Chu Hi học án của linh mục Stanislas Le Gall, dòng Tên, [7] có một đoạn bình luận về thánh nhân như sau:

«Trên mẫu người quân tử còn có thánh nhân, kiệt tác của Tạo Hóa, tinh hoa của nhân loại.

«Xét về phương diện bản thể, phương diện «thiên địa chi tâm», thì thánh nhân cũng như mọi người, đều thụ hưởng như nhau. Nhưng điểm làm cho thánh nhân khác biệt chính là tại «khí chất chi tính» ở nơi thánh nhân tinh toàn, thuần túy, y như hạt kim cương trong suốt, mặc tình cho ánh sáng rọi thấu qua.

Chu Hi nói: «Con người là tinh hoa của ngũ hành, nhưng thánh nhân là tinh hoa của tinh hoa đó…»

«Trong những thế kỷ tiếp giáp với thời kỳ nguyên thủy, khi hoàn võ còn măng sữa, mới mẻ, khi khí chất hãy còn tinh khiết, thì dĩ nhiên có thánh nhân sinh; đó là thời kỳ hoàng kim, có những thánh nhân, minh triết trị dân, làm cho họ sung sướng. Hứa Dung Trai cho rằng đầu mỗi kỷ nguyên vũ trụ, lại có một vị thánh nhân như Phục Hi. [8] Vũ trụ càng già càng cỗi, vật chất càng ô trọc, thì thánh nhân lại càng trở nên hiếm thấy, và hoàn võ lại dần dà quay trở về trạng thái hỗn mang nguyên thủy.

«Dưới đây là những vị thánh nhân đã được công nhận:

1- Phục Hi (2852-2737)

2- Thần Nông (2737-2697)

3- Hoàng Đế (2697-2597)

4- Nghiêu (2357-2255)

5- Thuấn (2255-2205)

6- Vũ (2205-2197)

7- Thành Thang (1766-1753)

8- Y Doãn (? -1713)

9- Tỉ Can (? - 1222)

10- Văn Vương (1232-1135)

11- Vũ Vương (1196-1116)

12- Châu Công (? -1105)

13- Liễu Hạ Huệ (khoảng 600)

14- Khổng Tử (551-479) [9]

Vị thánh sau cùng lại là vị thánh được suy tôn, sùng thượng nhiều nhất: đó là đức Khổng. Tử Cống nói trong quyển V, tiết 6, Luận Ngữ: «Thực Trời đã ban nhiều ân trạch nhiều tài năng cho đức Khổng; Ngài chính là vị Thánh…»

«Thánh nhân chính là mẫu người lý tưởng trong nhân loại, chính là tinh hoa của nhân loại, chính là người đã thể hiện được sự toàn thiện. Sự toàn thiện ấy cũng được gọi là «Thành», là «Chí Thành», «chí thiện», vì thế mà Rémusat đã dịch «thành” là «toàn thiện»; Intorcetta đã dịch là hoàn thiện, tinh tuyền; Legge cũng dịch là tinh tuyền không pha phách tà ngụy.

«Chu Hi cũng định nghĩa «thành» là chân thực, không còn chút chi man muội, lỗi lầm. [10]

«Thánh nhân như vậy có một đời sống hoàn toàn phù hợp với thiên lý. Cũng có thể nói thánh nhân được mệnh danh là «thành», chính là vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản nhiên, với thiên lý, và vì vậy đã phối hợp được với trời đất, đã sánh được với trời đất.

«Chu Liêm Khê cho rằng chữ «thành» đồng nghĩa với chữ Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có, nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính bản thiện của mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự; ý chí người hướng về chân, thiện, mỹ, không chút khó khăn và sống trong đường nhân nẻo đức, trong trãt tự và bổn phận, không chút chi vất vả.

«Nhiều người thường nghĩ «thánh nhân sinh nhi tri chi» và cho là thánh nhân có khối óc thông minh quán triệt, bao quát mọi sự, mọi điều; «thánh nhân cũng thông minh khôn lường như thần minh»… Nhưng Chu Hi cho rằng thánh nhân chỉ thông suốt được những nguyên lý đại cương, và dễ dàng suy ra những áp dụng cụ thể, hữu ích cho mọi người. [11]

«Đó cũng là ý kiến của Doãn Ngạn Minh (1200), một nhà bình giải Luận Ngữ. Ông nói: «Tuy là bậc thánh nhân, thông minh thiên phú, và sinh nhi tri chi, đức Khổng thường nhắc đi nhắc lại rằng Ngài ham học, hiếu học. Ta đừng tưởng đó là Ngài nói nhún nhường, để khuyến khích các đệ tử theo gương mà cố gắng. Không, Ngài chỉ biết những chân lý hằng cửu, còn những áp dụng cụ thể, đặc thù, ví như những chi tiết về lễ nghi hay nhã nhạc, những chuyện xưa tích cũ, những biến cố lịch sử cổ kim, thời đức Khổng cũng phải học mới biết. Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề nan giải, khó khăn, Ngài liền thấu triệt dễ dàng, có những quyết định sáng suốt, những phán đoán xác đáng, minh triết, vì Ngài thông minh tinh tế rất mực.» Chu Hi cho rằng thánh nhân có một khối óc hoàn toàn trong sáng, hàm tàng vạn lý, vừa thoạt mới cảm xúc, liền thông suốt ngay… [12]

«Các bậc chí thánh đều tiên tri, tiên đoán được sự suy thịnh của các triều đại. Các Ngài biết trước những điều hay, dở xảy tới cho đất nước bằng cách quan sát các hiện tượng thiên nhiên, nhân tình, thế thái, hay bằng phương pháp bốc phệ, thi, qui.»

«Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi huyền diệu.

«Thánh nhân lại còn là những người có đức hạnh siêu việt, theo đúng Trung Dung, Trung Đạo; xử sự luôn theo chính lý. Mạnh Tử nói: «Các quan năng thì Trời ban cho mọi người, nhưng chỉ có thánh nhân tận dụng được quan năng mình, vì các Ngài sống hoàn toàn hợp với chân lý, hợp với lương tri, lương năng… [13]

Bình đoạn này Trình Tử cũng cho rằng thánh nhân theo đúng thiên lý, thiên đạo vì vậy đã tận dụng được quan năng mình. Phàm nhân tuy là có đạo lý trong mình, nhưng họ nào có biết, có hay; hiền nhân quân tử, tuy biết và theo, nhưng không hoàn toàn triệt để; duy có thánh nhân là giữ vẹn đạo lý, cho nên mới sử dụng quan năng được đúng mức.

«Thánh nhân vì không bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ để soi đường dẫn lối cho kẻ khác…»

«Ở nơi thánh nhân, mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn tiếng nói, ngay đến sự ngơi nghỉ yên lặng, cũng là những bài học hữu ích cho các bậc chính nhân quân tử. Những kẻ phàm phu tục tử nếu không được cải hóa, thời chỉ tại họ đã thâm căn cố đế trong tính hư nết xấu, và lòng họ đã hư hỏng. Còn thánh nhân luôn luôn có thể soi sáng nhân trí và cải hóa nhân tâm. [14]

«Ảnh hưởng của thánh nhân thực là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: «Cũng y như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hóa, thì biết được thiên lý biến dịch ở khắp nơi mà chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu; sự toàn thiện, tinh tuyền sẵn chứa nơi người. Và Chu Hi kết luận bằng những lời hết sức hào hứng như sau: «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» [15]

«Dịch Kinh từ lâu vẫn coi con người toàn thiện là có đức độ sánh với Trời. Dịch Kinh viết: «Đức độ người ngang với đức độ trời đất, người sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…»

«Tử Tư, trong bộ Trung Dung, cũng nương theo ý Dịch Kinh, chủ trương thánh nhân có thể chuyển hóa chúng nhân bằng gương mẫu và bằng lời giáo hóa, khiến chúng dân có thể tiến hóa đến cùng cực tinh hoa. Như vậy thánh nhân đã giúp đất trời trong công cuộc sinh thành muôn vật, và cùng đất trời hợp thành bộ ba. Thánh nhân sánh vai với Trời, kết hợp với Trời …» [16]

Những lời bình luận trên về thánh nhân rất là xác đáng. Nó đúng với quan niệm truyền thống Nho giáo. Theo Kinh Thư, thiên Khang Cáo, vua Thành Vương khi phong cho chú là Ông hoàng Khang làm Vệ hầu, đã khuyên Ông Khang phải cố gắng sao cho đức độ «cao vút tới Trời» (Hoằng vu Thiên).

Ông Khế bình ba chữ «Hoằng vu Thiên» như sau: «Người ta ai cũng có tính Trời. Tính Trời đó ở trong họ như lửa vừa nhen nhóm, như suối vừa tung tỏa. Con người chỉ phải khuếch sung tính Trời đó mà thôi.» [17]

Vũ Chính bình rằng: «Phải khuếch sung đức hạnh để được hợp nhất với Trời.» [18]

C. THUYẾT THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ VÀ THIÊN NHÂN HỢP NHẤT TRONG NHO GIÁO

Cho nên thánh nhân là người «kế thiên lập cực», [19] thay Trời chỉ vẽ cho nhân loại đâu là cực điểm tiến hóa, soi đường dẫn lối cho mọi người tiến tới Trung đạo, tiến tới tinh hoa của nhân loại.

Quan niệm về thánh nhân của dân tộc Trung Hoa đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng muốn tiến tới Trời, tiến tới tinh hoa của nhân loại, phải thông minh duệ trí, sống cuộc đời nhân đức thánh thiện, phối hợp với Trời.

Nhưng muốn sống phối hợp với Trời, phải biết Trời ra sao, Trời ở đâu. Đó là cả một vấn đề ! Nho gia cho rằng Trời chính là bản thể nhân loại. [20] Cho nên muốn tìm Trời phải tìm ngay trong đáy lòng mình, vì thế mà Trung Dung đã có một câu rất là táo bạo:

«Biết người trước phải biết Trời,

Biết Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?» [21]

Đọc bộ Thư Kinh Đại Toàn, ta thấy người xưa bàn về tâm pháp của các đấng thánh vương như sau:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm

Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»

«Đó là tâm pháp Nghiêu truyền cho Thuấn. «Kiến trung», cố đạt tới Trung Dung, tới tinh hoa nhân loại (Thang), «Kiến cực», cố đạt tới tuyệt đỉnh tinh hoa hoàn thiện (Vũ). Đó là tâ pháp của các đời Thương Thang, Chu Vũ. Sự toàn thiện đó hoặc gọi là Đức, là Nhân, là Kính, là Thành, lời tuy khác nhưng ý là một; nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏ nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn. Nói đến Trời thì nghiêm chỉnh lòng lại, là Trời tự hiện; nói đến dân, thì cố cẩn thận tâm tư, dân sẽ được nhờ. Lễ nhạc, giáo hóa cốt là để phát huy tâm hồn. Điển chương văn vật là sự biểu dương phát lộ của tâm hồn. Suy lòng mình ra thì có thể làm cho nhà yên nước trị; thiên hạ bình. Sức mạnh của tâm hồn thực là kỳ diệu vậy.» [22]

Cho nên thánh nhân giảng dạy không phải là truyền đạo của mình, mà chính là truyền lòng mình; không phải là truyền lòng mình cho người, mà chính là truyền lòng người cho người, [23] bởi vì trong lòng mỗi người đã sẵn có lòng Trời rồi vậy. [24]

Mạnh Tử viết:

«Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,

Hay biết tính, nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.» [25]

Mạnh Tử cũng viết:

«Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn, hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được khi mình đang vui...» [26]

Cho nên muốn tìm đạo Trời phải tìm nơi đáy lòng. Chu Hi viết trong phụ chú chương 1 Trung Dung như sau:

«Những học giả muốn tìm đạo ấy

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [27]

Trong bộ Cận Tư Lục, Chu Hi lại chủ trương: nếu khai phá được hết chướng ngại vật, thấy được bản tính mình, sẽ đạt tới thiên đạo, và sẽ trở nên một với thánh nhân. [28]

Vương Dương Minh viết:

Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Lương tri mới thực chính thầy ta.[29]

Theo vi ý Kinh Thi, Kinh Thư, ta có thể hiểu truyền thống chính yếu của Nho giáo như sau: Trời sinh ra con người, đã ghi tạc vào lòng con người những khuôn phép thánh thiện tuyệt hảo, để làm di luân, qui tắc hằng cửu cho con người theo. [30] Con người chỉ cần nhận ra bản tâm, bản tính của mình sẽ thấy định mệnh cao sang của mình… chỉ cần sống hoàn toàn theo tiếng gọi lương tâm, nghĩa là gạt bỏ hết mọi tư dục, tư tà, sống cuộc đời công chính cao đại, hoàn toàn theo đúng Thiên lý, Thiên đạo, tức là lên tới mức độ thánh thiện tuyệt vời, thế là đạt tới Trung điểm, Trung đạo, thế là theo đúng mệnh Trời.

Mạnh Tử nói rằng: «Bực đại nhân vẫn giữ được cái tâm tốt lành của con đỏ.» [31]

Như vậy thánh nhân chỉ là những người giữ được bản tâm, bản tính, những người giữ được «xích tử chi tâm»; còn phàm phu tục tử chính là những người sống cuộc đời phóng túng chạy theo vật dục bên ngoài, để mất bản tâm, bản tính mình, có thế thôi.

Thánh nhân và người thường giống nhau ở chỗ cùng có một bản tâm, bản tính, mà khác nhau ở chỗ giữ được và đánh mất nó mà thôi.

Mạnh Tử viết:

«Cho nên phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một loại…

«Tâm tính của người ta giống nhau ở chỗ nào? Tức là ai nấy đều công nhận chỗ hợp lý, hợp nghĩa vậy. (Lý là những lẽ đương nhiên của bản tính, nghĩa là sự thi hành những lẽ đương nhiên ấy). Thánh nhân chẳng qua là những người trước ta đã tỉnh ngộ, và bày tỏ ý nghĩa mà chúng ta nhìn nhận đó…» [32]

Nếu chúng ta trở nên xấu xa, đánh mất bản tâm, bản tính, thì lỗi tại chúng ta chứ đâu phải lỗi nơi bản tâm, bản tính?

Mạnh Tử viết:

«Cây cối trên núi Ngưu Sơn (phía đông nam nước Tề) ngày xưa vẫn tốt tươi. Nhưng vì ở về chỗ giáp mối với một nước lớn, cho nên thường bị búa rìu bửa đốn. Như vậy có thể nào giữ được vẻ tốt tươi được chăng?»

«Nhưng nhờ có sức mạnh nhựa lưu thông ngày đêm, lại được nước sương tẩm nhuận, cho nên mới đâm chồi nảy mộng. Rồi thì bò, chiên kéo nhau từng đoàn đến ăn phá. Vì vậy mà cảnh núi ấy trở nên trơ trụi. Hiện nay thấy nó trơ trụi, ai ai cũng ngỡ rằng núi ấy chưa từng sản xuất tài mộc. Như thế há nên đổ lỗi cho bản tính của núi sao?»

«Cái bản tính tồn tại nơi người cũng thế. Người ta há chẳng có những nỗi lòng nhân nghĩa sao. Nhưng vì họ (mê sa theo các sở dục) mà buông mất tấm lòng lương thiện của họ đi, cũng như cảnh núi trở nên trơ trụi vì cây cối đều bị búa rìu bửa đốn hết vậy.»

«Mỗi ngày họ cứ sát phạt tấm lòng lương thiện của họ mãi thì lòng dạ của họ có thể nào mà tốt đẹp như xưa chăng?»

«… Cho nên nếu khéo bồi dưỡng thì vật nào cũng sinh nảy thêm ra, còn như chẳng chịu bồi dưỡng, thì vật nào cũng phải tiêu mòn.»

«Đức Khổng có nói rằng: Giữ thì còn, bỏ thì mất. Nó ra vào không chừng, không ai biết nó ở đâu. Đó là đức Khổng nói về những nỗi lòng lương thiện của con người vậy.» [33]

«… Nhân là lương tâm con người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm mình mà chẳng biết tìm nó lại, thật đáng thương hại thay! Mỗi khi con gà, con chó họ chạy lạc, thì họ biết đi kiếm mà đem về. Nhưng tới chừng cái lương tâm họ thất lạc thì họ chẳng biết cách tìm nó trở lại. Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi: Tìm lại lương tâm thất lạc của mình.» [34]

Trương Hoành Cừ chủ trương: «người theo đạo Nho sẽ từ chỗ toàn thiến tiến tới chỗ minh triết hoàn toàn. Cho nên «thiên nhân hợp nhất» là tuyệt đỉnh của sự học vấn và như vậy con người có thể thành Thánh…» [35]

Tống Nho luận về «Thiên tính tại nhân tâm» hay «thánh nhân kết hợp làm một với Trời» thật là rõ ràng. Dưới đây xin đan cử thêm một vài chứng cứ:

Diệp Lục Đồng chủ trương: «Thiên tính nơi con người cũng như tính nước nơi băng; nước và băng tuy lưu thông hay ngưng kết có khác nhau, nhưng cũng chỉ là một vật; sự hấp thụ ánh sáng nhiều ít có khác nhau, chiếu sáng mờ tỏ có khác nhau, nhưng tinh chất hấp thụ và chiếu diệu ánh sáng chỉ có một.» Cao Trung Hiến bình rằng: «Lấy nước ví Trời, lấy băng ví người, lấy sự lưu thông ngưng đọng để ví sự sống chết; lấy sự hấp thụ ánh sáng để ví sự khác nhau về bẩm chất; lấy sự thâu quang, chiếu quang để ví tính trước sau chẳng có hai.» [36]

Tôn Chung Nguyên viết: «Trời và Thần chỉ là một, Thánh với Trời cũng chẳng là hai.» [37]

Trương Tải dạy học trò rằng: «Đã học tất phải nên như thánh nhân rồi mới được thôi. Đòi biết người mà chẳng biết Trời, chỉ cầu làm hiền nhân mà chẳng cầu làm thánh nhân, đó là tệ hại của các học giả từ thời Tần, Hán đến nay.» [38]

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện thời, đã viết như sau: trong tạp chí Trung Quốc Nhất Chu và trong bộ Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử của ông trước tác như sau:

«Trung Quốc tự thời Đường, Ngu (Nghiêu, Thuấn) tới nay đều có chủ trương Trời người có thể kết hợp… Kính Trời cốt là để yêu người. Yêu người cốt là để kính Trời. Các thánh triết lịch đại chỉ cốt làm sáng tỏ lẽ “Trời người hợp nhất”.» [39]

Trong bài khảo luận của ông về Chu Dịch, ông cũng viết: «Sách Dịch thật mênh mông bao quát, nhưng đại khái là cốt xiển minh lẽ “Thiên nhân hợp nhất”.» [40]

Thực ra, ngay ở thời nhà Thanh, khi mà nền văn học, đạo học nước Trung Hoa đã suy vi, những quan niệm trên vẫn còn phổ thông trong giới học giả. Các giáo sĩ Âu Châu cũng đã nhận xét thấy trào lưu này, khi các ngài mới du nhập vào Trung Quốc hồi thế kỷ 16.

Cha Ricci viết:

«Trào lưu tư tưởng mà nhiều người theo hiện nay, theo tôi, có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống triết). quan niệm ấy là: thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, người vật, cỏ cây, tứ tượng điều họp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Thiên Chúa …

Đó là điều mà chúng ta cố gắng phi bác, chẳng những bằng lý luận mà còn bằng uy thế của tiền nhân Trung Hoa, vì các vị ấy đã giảng dạy một học thuyết khác.» [41]

Nhưng tiền nhân Trung Hoa, như các chứng cứ Kinh Thi, Kinh Thư, Luận Ngữ, Mạnh Tử trích dẫn trên cho thấy, trước sau đều có một chủ trương, một tín ngưỡng y thức như nhau và y thức như các bậc đại hiền triết thời Tống!

Theo Mạnh Tử thì dẫu là vị thánh ở Đông Di hay là vị thánh ở Tây Di, dẫu là xa nhau nghìn dặm, hay là cách nhau nghìn năm, thì tôn chỉ lề lối cũng y thức như nhau, như hai mảnh tre ở một phù tiết. Đường lối thánh trước thánh sau chỉ là một … [42]

Để rộng đường khảo sát, so sánh, tôi xin trưng ra đây quan điểm về vấn đề, của một vài vị thánh nhân Thiên Chúa giáo.

Theo thánh Augustin, thì lương tâm là nơi tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi huyền nhiệm của lòng người, nơi là tâm hồn nhận chân được sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng mình. [43]

Trong một bài giảng thuyết, ngài nói: «Cũng một nhẽ ấy, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, vẫn là Ngôi hai… mà đồng thời cũng làm cho các thiên thần sung mãn, hoàn toàn ở khắp mọi nơi, hoàn toàn hiện diện trong hoàn võ, hoàn toàn ở trong các tổ phụ, hoàn toàn ở trong các đấng tiên tri, hoàn toàn ở trong mọi đấng thánh, hoàn toàn ở trong lòng đấng Trinh nữ…» [44]

Nơi khác ngài than thở: «Lạy Chúa, trong Chúa, con sẽ có sự chắc chắn, vững vàng, và bản thể rốt ráo của con.» [45]

Thánh Paolo nhìn nhận rằng ngay những người ngoại giáo cũng tuân theo những giới luật của Thiên Chúa đã ghi tạc trong tâm khảm họ. [46]

Thánh Paolo cũng là vị thánh Công giáo đầu tiên sống với niềm tin say say là có Thiên Chúa hiện diện trong tâm khảm ngài.

Thánh Paolo viết: «Thiên Chúa là đấng đã truyền cho ánh sáng bừng lên trong tăm tối, chính cũng đã bừng sáng lên trong lòng chúng ta.» [47]

Nơi khác ngài viết: «Anh em hãy ngợi khen và hãy mang Thiên Chúa trong thể xác anh em.» [48]

Đời sống của ngài hoàn toàn phối hợp với Thiên Chúa, vì thế ngài mới dám viết cho những người xứ Galates: «Tôi sống chẳng phải tôi sống nữa, mà là Chúa sống trong tôi.» [49]

Gần đây quan điểm «thiên địa vạn vật nhất thể» và chủ trương «con người có thể tiến hóa tới cùng cực tinh hoa», «có thể phối hợp với Thượng Đế» của Kinh Dịch và của thánh hiền Trung Hoa lại được cha Teilhard de Chardin công khai chủ trương bên phía trời Âu, và được các giới văn học khắp nơi tán đồng và sùng thượng. Phải chăng đó là điềm báo hiệu cho một cuộc Đông Tây gặp gỡ, kim cổ giao duyên trong một tương lai gần gũi? [50]

Tóm lại đối với hiền thánh Trung Hoa: Đạo Trời vốn đã ẩn áo ở đáy lòng nhân loại.

Sự toàn thiện toàn mỹ cũng vốn đã nằm sẵn trong đáy thẳm lòng sâu con người.

Thánh nhân là những người thông minh duệ trí, nhận ra được căn bản hoàn thiện nơi đáy lòng mình, sống hờp với thiên lý, thiên đạo, hợp nhất với Trời. Cực điểm ấy tức là cùng đích đã đặt ra cho nhân loại: Chưa đi đến mức hoàn thiện ấy, dĩ nhiên là nhân loại còn phải tiến hóa mãi. Đại Học vì thế mới đặt lằn mức cho mọi người dừng chân: lằn mức ấy là sự chí thành chí thiện (Chỉ ư chí thiện. Đại Học chương 1).

Cực điểm ấy cũng chính là Trung điểm, Trung đạo, là Trung Dung.

Đạo thánh nhân cao siêu toàn mỹ, vì thế mới được Trung Dung khen tặng chẳng tiếc lời. Trung Dung (chương 27) viết:

«Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,

Nó mênh mang biến hóa chúng nhân.

Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,

Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.

Gồm thâu mọi điều lễ nghi chi tiết,

Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.

Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho.

Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả,

Nên quân tử dốc một lòng một dạ.

Trọng tính Trời, quyết gắn bó học hành,

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh.

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới không làm điều trái nghịch.

Nước có đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên: lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.»

D. PHƯƠNG PHÁP TU LUYỆN ĐỂ TRỞ NÊN HIỀN THÁNH

Như vậy cùng đích của nhân loại đã được xác định rõ ràng: con người sinh ra đời, cốt là để «thực hiện» Thượng Đế ngay từ khi còn ở trần gian này; cốt là để sống một cuộc đời thánh thiện phối hợp với Thượng Đế. Đại Học gọi thế là «dừng chân lại ở nơi toàn thiện tuyệt đối» (chỉ ư chí thiện); Trung Dung gọi thế là «phối thiên» (kết hợp với Trời) (Trung Dung chương 31). Lão Tử cũng chủ trương rằng: «Lý tưởng cao siêu nhất của người xưa là sống phối hợp với Trời.» [51] Gần đây, nhà đại hiền triết Ramakrishna mà dân Ấn Độ coi là một vị thánh sống, một hiện thân của Thượng Đế, đã nói: «uổng thay cho những kẻ đã được diễm phúc sinh ra làm người mà không thực hiện nổi được Thiên Chúa trong đời mình! Họ sinh ra như thế thực là uổng phí, vô ích!» [52]

Vì thế các Nho gia cự phách và chân chính đã khinh thường mũ áo, công danh, coi rẻ bạc vàng, phú quí, [53] suốt đời cố gắng học hỏi suy tư, cải thiện mình, [54] ngõ hầu trở nên một hiền nhân quân tử, nên một vị thánh nhân, sống hoàn toàn thuận theo thiên lý, phối hợp với Trời …

Mạnh Tử viết: «Người quân tử trọn đời hằng có điều lo, mà không khi nào có điều sợ. Như cần phải lo thì lo thế này: «Vua Thuấn cũng là người, mình cũng là người. Vua Thuấn đã làm gương mẫu cho thiên hạ, roi truyền cho các đời sau. Còn mình đây chẳng hơn gì một kẻ làng mạc quê mùa.» Đó là điều mình nên lo sợ vậy. Đã lo, thì phải làm sao? Thưa phải làm như vua Thuấn vậy thôi. Còn như sợ thì người quân tử chẳng hề. Việc trái đức nhân mình không làm; việc trái lễ phép mình chẳng động. Như có một buổi, xảy ra điều đáng sợ, người quân tử cũng không lấy làm sợ đó.» [55]

Sở nguyện của Mạnh Tử là theo đòi đức Khổng mà thôi. [56]

Vương Dương Minh lập chí cũng chẳng kém.

Đào Trinh Nhất viết: «Người thường nói “biết con không ai bằng cha”, nhưng ở đây Long Sơn Công dù tài giỏi học đỗ tới trạng nguyên mặc lòng, thật không biết lập chí của cậu ấm con cụ.

«Cậu (khi ấy Vương Dương Minh mới 12, 13 tuổi) muốn học tới bậc gì cao hơn trạng nguyên, tể tướng, tôn hơn đế vương nữa kia. Học sao tới chỗ có ích cho muôn dân, cho nghìn đời, chứ cầu lấy béo nhà sướng thân, hiển hách một đời có sá kể gì. Xưa nay lắm kẻ chẳng học chữ nào cũng đi tới đó.»

«Cậu định học đến bậc thánh nhân !»

«Có lần nghe thầy đồ giảng sách rồi cậu bé Dương Minh hỏi:

- Thưa thầy, ở đời làm việc gì cao hơn hết?

- Chỉ có việc đi học thi đỗ thôi. Thầy học trả lời.

- Thi đỗ không phải là việc cao nhất đâu. Duy có việc học làm thánh hiền là cao hơn tất cả …» [57]

Mà muốn nên thánh hiền, tất nhiên phải biết quí trọng, biết tài bồi thiên tính, biết rèn luyện, biết khuếch sung nhân tâm.

Công Tôn Đô Tử thưa với Mạnh Tử: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người thành ra đại nhân, có kẻ hóa ra tiểu nhân?» Mạnh Tử đáp rằng: «Ai noi theo cái đại thể của mình thì làm bực đại nhân, ai noi theo cái tiểu thể của mình thì làm tiểu nhân.»

Công Tôn Đô Tử hỏi tiếp rằng: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người noi theo đại thể, có kẻ noi theo tiểu thể ?» Mạnh Tử đáp rằng: «Lỗ tai là cơ quan để nghe, con mắt là là cơ quan để thấy, người ta có thể dùng chúng mà suy tư, chúng nó lại còn bị vật ngoài mê hoặc nữa. Vật trong và vật ngoài giao tiếp nhau, do đó mà những căn cơ ở người, bị các cảnh trần lôi cuốn; lỗ tai mê theo âm thanh, con mắt mê theo sắc đẹp, lỗ mũi mê theo mùi thơm, cái miệng mê theo món ngon, tay chân mình mẩy mê theo vật mịn.

«Chỉ có tâm là cơ quan để tư tưởng mà thôi. Hễ biết tư tưởng thì rõ thông chân lý; mà chẳng xét nét thì chẳng biết được chính tà.

«Các cơ quan ấy, từ những cái nhỏ là lỗ tai, con mắt, lỗ mũi, cái miệng, thân thể, tay chân, cho đến cái lớn là tâm chí đều do nơi Trời ban tất cả. Nếu trước mình đã định đặt xong cái đại thể, bồi dưỡng tâm chí, thì những cái tiểu thể như tai, mắt, v.v…chẳng chiếm đoạt quyền hành được. Nhờ đó mình thành ra bậc đại nhân vậy.» [58]

Sau khi biết mục phiêu của đời mình, sau khi đã biết mình sẽ phải rèn luyện cái gì, phải đặt trọng tâm công tác vào đâu, bấy giờ ta mới để hết tâm trí suy tư, học hỏi [59] để mở mang trí tuệ, rèn luyện cho tâm hồn ngày một thêm sắt son, sáng láng; cẩn thận giữ gìn cho mọi tâm tư, ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ của mình, sự giao tiếp đối đãi của mình đối với mọi người lúc nào cũng hợp nghĩa lý, lúc nào cũng quang minh chính đại, không ai có thể chê trách mình được.

Trung Dung (chương 20) viết:

«Muốn thông thái không ngoài học vấn,

Muốn tu nhân phải gắng công lao.

Muốn lên hùng dũng anh hào,

Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

Trí-nhân-dũng tu thân là lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người.

Trị người, hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa.»

Tu thân chẳng qua là cùng lý, trí tri, [60] hàm dưỡng tính tình, [61] chuyên tâm chú ý khử trừ nhân dục, hoàn toàn thuận theo thiên lý. [62]

Mạnh Tử nói rằng: «cách bồi dưỡng lương tâm hay hơn hết là nên bớt dần những điều ham muốn. Những người nào bớt được những điều ham muốn của mình, có thể chẳng bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm. Kẻ nào tham dục nhiều, có thể bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm.» [63]

Theo Thượng Thái, Thiên lý và nhân dục là hai lẽ tương đối, người ta có một phần nhân dục tức là diệt mất một phần thiên lý, có một phần thiên lý tức là thắng được một phần nhân dục. Khi người ta đã trừ bỏ được tất cả những dục vọng ở trong lòng thì phần còn lại tức là thiên lý. Bởi vậy, đối với Thượng Thái, kẻ học đạo muốn được giác ngộ, không cần phải tìm những điều xa xôi hư phiếm, chỉ biết «khắc kỷ phục lễ» để giữ toàn thiên lý là đủ. [64]

Học đạo phải biết tuần tự nhi tiến.

Trình Y Xuyên cho rằng học đạo cũng phải tuần tự trước sau, có gần, có xa, có thấp, có cao, có dễ, có khó, không thể nhất đán mà lĩnh hội được đạo thể. Người mới bắt đầu học đạo, đã muốn được «mặc thức tâm thông ngay», cũng chẳng khác gì kẻ muốn đứng trên đỉnh núi nhưng không leo núi, muốn ở bên kia sông mà chẳng vượt sông; chỉ là chuyện hão huyền, không thể nào thực hiện được … [65] Thế tức là kẻ sĩ thời mong nên giống hiền nhân, hiền nhân mong nên giống thánh nhân, thánh nhân mong nên giống Trời.

Đàng khác, công cuộc tu trì rất cần có sự kiên gan, bền chí. Đức Khổng nói: «Tỉ như đắp đất cho thành núi, chỉ còn một giỏ nữa là xong, nhưng mình lại thôi, đó là tại mình bỏ vậy.» [66]

Đời sống của những người chính nhân quân tử đang tiến bước trên con đường hoàn thiện phải là một bài kinh nguyện trường thiên, [67] sống cuộc đời đạo hạnh mẫu mực khả dĩ có thể treo gương cho mọi người.

Trung Dung (chương 29) viết:

«Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,

Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.

Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,

Người xa ngưỡng vọng, người gần không ngán.»

Tất cả các công trình tu luyện trên đây tuy rất là quan trọng nhưng chưa có thể gọi được là đi đến Trung điểm, cực điểm, chưa gọi được là đạt tới tinh hoa nhân loại. Muốn vào tới Trung cung, Trung điểm, vào tới Trung Dung, còn phải biết nhận ra nguồn gốc và định mệnh cao sang của mình, còn cần phải rũ bỏ tất cả cái mình nhỏ nhoi hèn mọn, mà mặc lấy đại thể, đại đồng. [68] Lúc ấy tâm thần sẽ khinh khoát, quên mọi biên cương, bờ cõi, giới hạn, quên hết mọi tiểu tiết đặc thù, thung dung sống trong toàn thể vô biên. Luận Ngữ cho rằng bậc thánh nhân rốt ráo sẽ không còn bị nội giới hay ngoại cảnh chi phối, thung dung tự tại, không còn tình ý riêng tư, không còn cái mình nhỏ nhoi ti tiện. [69]

Thế tức là tuyệt hết niềm tây, hoàn toàn quên mình, để phối hợp với Thượng Đế. Đạo Lão gọi thế là «Tâm tử thần hoạt», «lòng chết để thần sống». [70] Đó là trạng thái vô ngã, vô kỷ, bỏ mình, bỏ mọi sự, mà các nhà huyền học mọi đạo giáo đều đề cập tới. [71]

E. KẾT LUẬN

Để toát lược và kết thúc thiên này tưởng không gì hơn là dùng những lời lẽ của Trung Dung (chương 20):

«Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.

Thung dung trung đạo tháng ngày,

Ấy là vị Thánh từ ngày lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co...

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.

Đã định học chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi.

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh;

Người làm mười lượt đã thành,

Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.»

 


CHÚ THÍCH

[1] Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú hạ, tiết 24. Đoàn Trung Còn dịch, trang 269. Hạo Sinh Bất Hại vấn viết: «Nhạc Chính Tử, hà nhân dã?» Mạnh Tử viết: «Thiện nhân dã, tín nhân dã.» «Hà vị thiện? Hà vị tín?» Viết: «Khả dục chi vị thiện, hữu chư kỷ chi vị tín. Sung thật chi vị mỹ, sung thật nhi hữu quang huy chi vị đại, đại nhi hoá chi chi vị thánh, thánh nhi bất khả tri chi chi vị thần. Nhạc Chính Tử, nhị chi trung, tứ chi hạ dã.»

: « 子,何 ? : « , .» « ?

: « , . , ,

, . , ,

[2] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 2. Đoàn Trung Còn dịch, trang 99. Hữu Nhược viết: Khởi duy dân tai ! Kỳ lân chi ư tẩu thú, phượng hoàng chi ư phi điểu, Thái Sơn chi ư khâu điệt, hà hải chi ư hàng lạo loại dã. Thánh nhân chi ư dân, diệc loại dã. Xuất ư kỳ loại. bạt hồ kỳ tuỵ. Tự sinh dân dĩ lai, vị hữu thịnh ư Khổng Tử dã.

: ! , , ,

. , . . . , .

[3] Cẩu bất cố thông minh thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi

, , (Trung Dung chương 32)

[4] Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến. 惟 天 聰 明, 惟 聖 時 憲 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh trung, 3): Chỉ có Trời là thông minh, chỉ thánh nhân bắt chước Trời.

[5] Liêm Khê tiên sinh viết: Thánh hi thiên, hiền hi thánh, sĩ hi hiền.

廉 溪 先 生 曰: 聖 希 天 賢 希 聖 士 希 賢

(Chu Tử nguyên đính, Cận Tư Lục tạp chú, quyển 2, trang 1): Thánh cố nên giống Trời; hiền cố nên giống thánh; sĩ cố nên giống hiền nhân.

– Cố viết: «Phối thiên.» (Trung Dung chương 31)

[6] Dịch Kinh, Hệ Từ thượng: Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời, Âm Dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, dị giản chi thiện phối chí đức.

廣 大 配 天 地,變通 配 四 時,陰 陽 之 義 配 日月,易 簡 之 善 配 至 德.

[7] Le Philosophe Tchou Hi, sa doctrine, son influence par le P. Stanislas Le Gall SJ, pages 63 et ss.

[8] Au-dessus du Sage ( ou ), brille d’un éclat exceptionnel le chef-d’œuvre de la nature, l’homme idéal, le type achevé de la perfection: le Saint ( ). Sous le rapport de la nature originelle, c’est-à-dire, considéré hors de la matière qui l’individualise, le Saint n’est rien de moins qu’un être quelconque. Ce qui le distingue d’entre tous, c’est que sa substance matérielle est d’une pureté, d’une subtilité extrême, semblable à un diamant de la plus belle eau, qui n’offrirait aucun obstacle au passage des rayons lumineux. L’homme, dit Tchou-tse, est constitué par la portion plus pure de la matière ( ) mais de cette quintessence elle-même la partie superfine est le partage du Saint ( ). Durant les premiers siècles qui suivent le chaos, lorsque le monde est encore dans la force de sa jeunesse renouvelée, la matière, étant plus pure, doit nécessairement produire des êtres plus parfaits: c’est l’âge d’or, le temps où de sages princes font des peuples heureux. Alors, dit Hui Yong Tchai ( ), l’homme est à l’apogée de sa perfection. Au commencement de chaque période cosmique, apparaît un Fou-Hi.

[9] Mais à mesure que le monde vieillit, la matière se charge d’impureté, les Saints deviennent plus rares, l’humanité se dégrade, l’univers revient insensiblement au chaos, son point de départ.

Voici la liste des personnages reconnus officiellemeni comme Saints: 1) Fou-Hi (2852-2737); 2) Chen-Nong (2737-2697); 3) Hoang-Ti (2697-2597); 4) Yao (2357-2255); 5) — Choen (2255-2205); 6) Yu (2205-2197); Tch’eng T’ang (1766-1753); 8) I-In (mort en 1713): 9) Pi-Kan (1222); 10) Wen Wang (1331-1135); 11) Ou Wang (1169-1116); 12) Tcheou-Kong (mort en 1105); 13) Lieou h’a Hoei (environ         600); 14) Confucius (551-479)…

Trong thiên Tận Tâm chương cú hạ, tiết 38, Mạnh Tử cho một danh sách khác đôi chút: Nghiêu (2357-2255); Thuấn (2255-2205); Vũ (2205-2197); Cao Dao (hiền thần của Thuấn và Nghiêu); Thành Thang (1766-1753); Y Doãn (hiền thần của vua Thành Thang, Thái Giáp); Lai Châu (đời vua Thành Thang); Văn Vương (1231-1135); Tản Nghi Sinh (hiền thần của Văn Vương); Thái Công Vọng (hiền thần của Văn Vương); Khổng Tử (551-479).

Danh sách của Mạnh Tử dĩ nhiên là không đầy đủ. Đạo Nho chỉ chú trọng đến các thánh vương Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ mà không đề cập đến Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, hay đề cập tới rất ít. Đạo Lão, trái lại, hay tán dương Hoàng Đế… Vả lại Mạnh Tử chỉ muốn nêu ra một thuyết là cứ 500 năm lại có thánh nhân ra đời.

[10] Le dernier dans l’ordre chronologique, Confucius occupe cependant depuis longtemps, parmi ses congénères, le premier rang d’honneur: il est le Saint par excellence 至 聖 先 師 孔 子… Tse-Kong disait «Certainement le Ciel l’a doué sans mesure: il doit être un Saint»... L’idéal de l’humanité réalisé dans la personne du Saint, la perfection absolue qui est son partage, est bien ce que signifie le term . Rémusat l’a rendu par «la perfection», «la perfection morale»; le P. Intorcetti par «vera solidaque perfectio» Legge le traduit par «sincerity»; simplicity or singleness of Soul»; «the disposition to and the capacity of what is good, without any deteriorating element, with no defect of intelligence or intromission of selfish thoughts».

Ces derniers mots décrivent très bien les effets de signalés par. Tchou-Hi 德 無 不 實 而 無 不 照 者 聖 人 之 德 所 性 而 有 者 天 道 也 mais ils n’expriment pas clairement ce qu’il est en soi. Tchou-Hi en donne cette definition: 誠 者 真 實 無 妄 之 謂.

Cet état de conformité est le propre du Saint: 聖 人 之 德 渾 然 天 理 真 實 無 妄.

[11] Il nous semble que ce qui rend le mieux l’idée de Tch’eng d’après les philosophes chinois, c’est la conformité parfaite d’un être avec sa nature, ou avec le principe d’ordre universel (天 理), c’est par cette conformité que l’homme devient l’égal du Ciel et de la Terre (聖 人 體 道 無 隱 與 天 象 昭 然 莫 非 至 教 常 以 示 人 而 人 自 不察). Tcheng, dit Tcheou-Lien-Ki est synonyme de Tai-Ki ou Li, que chaque être reçoit tout entier; mais il peut être et il east généralement limité dans ses effets par l’imperfection de la matière qui le renferme. Dans le Saint, ces limites n’existent pas: Il agit constamment en conformité avec sa vertueuse nature. Son intelligence perçoit sans effort la raison intime de chaque chose, sa volonté n’éprouve aucune difficulté à se porter au bien et à demeurer ferme dans la voie de la justice, de l’ordre et du devoir.

Tous les auteurs lui attribuent comme qualité essentielle la science innée, infuse (生 而 知 之 者). La plupart semblent croire qu’elle n’a pas de limite, mais s’étend à tout sans exception: rien n’est caché au regard du Saint: Il est omniscient (聖 人 神 明 不 測 之 號) (Tchou Tse). Tchou-Hi cependant enseigne que l’objet de cette science embrasse seulement les principes généraux d’où le Saint tirera sans peine dans le cours de sa vie, les conclusions pratiques nécessaires pour le bien des hommes...

[12] C’est l’opinion que In Yen Ming (1100), un des commentateurs du Luen Yu exprime en ces termes: «Lorsque Confucius qui comme Saint possédait la science infuse, nous répète avec insistence qu’il aimait à étudier, il ne faut pas croire qu’il ne parlait ainsi que par pure modestie et pour exciter ses disciples au travail par la force de son exemple. Non, car la science innée n’a pour objet que les principes généraux. Quant à l’application de ces principes, comme par exemple les détails pratiques du cérémonial et de la musique, les choses célèbres de l’antiquité, les évènements des temps anciens et modernes, le Saint lui-même ne peut que par l’étude, en avoir une connaissance certaine. Mais, dès que l’occasion amène devant son esprit les questions les plus difficiles, aussitôt sans effort, il les pénètre à fond; ses décisions sont claires, ses jugements infaillibles 所 謂 聖 者 不 勉不 思 而 至 焉 者 也 (Mong-tse chap. V). 無 思 而 無 不 通為 聖 人 (T’ong Chou), car il est doué d’une pénétration sans mesure. L’esprit du Saint, dit Tch’ou tse, est parfaitement pur et brillant, il contient dans sons ampleur, la raison de toutes choses. A la plus légère impression reçue, il répond à l’instant et rien dans la nature n’échappe à sa pénétration. (Mong tse, chap. XIII, comment)

[13] L’homme parfait peut lire dans l’avenir la prospérité ou la ruine des dynasties. Tous les changements en bien ou en mal, qui doivent arriver dans l’empire, il les connaît d’avance d’une science certaine, par l’observation des phénomènes de la nature, la disposition de l’herbe divinatoire () et les lignes qu’il remarque sur la carapace de la merveilleuse tortue ().

La raison de ce pouvoir de claire vue est, dit Tchou-Hi, que la Saint n’a devant les yeux de son intelligence aucune trace d’égoïsme ou de fausseté puisqu’il est de tout point conforme à la nature; rien ne l’empêche donc d’apercevoir les choses les plus subtiles; par sa connaissance admirable, il ressemble, aux Koei-chen (唯 誠 之 至 極 而 無 毫 私 偽 留 於 心 目 之 間).

Le saint est de plus le paragon de la perfection morale. Il possède toutes les vertus à un degré eminent 聖 者 幾 無 不 明 德 無不 備 者 也 乃 以 能 察 其 幾 焉 (Cf. Tchong Yong 34 comment).

Constant dans la voie du juste milieu, il agit suivant la droite raison. «Tout homme, dit Mong tse a reçu du Ciel ses sens avec leurs fonctions déterminées, mais le Saint peut seul en faire un usage parfait, parce que, ajoute le Commentateur, seul il sait se conformer de point en point à la direction du principe intérieur (Li) qui l’anime et le dirige (孟 子 曰 形 色 天 性 也 唯 聖人 然 後 可 以 踐 形) (盡 心 上 卅 七).

[14] Ce passage, dit aussi Tcheng-tse, signifie que le Saint suit en tout la voie que la nature a tracée aux hommes et par là, il fait un bon emploi de ses sens. Le vulgaire possède bien aussi le principe directif (li) mais il l’ignore, le sage ordinaire s’y conforme mais pas parfaitement; seul le Saint peut faire un emploi correct de ses sens.

: ; ; (Ibid. comment)

Jamais la passion ne l’émeut: il se possède dans un calme que rien ne saurait altérer. Le principe céleste incoporé dans sa personne ( ) se manifeste et brille au dehors pour éclairer les hommes et les porter au bien. Tout en lui, ses moindres actions, ses paroles, jusqu’à son repos et son silence même, est autant de leçons, que les sages seuls perçoivent et dont ils font leurs profits; mais si le vulgaire et les hommes vicieux ne sont pas transformés, la faute en est uniquement à leurs mauvaises dispositions et à leur volonté dépravée; car la sagesse du Saint est d’elle-même capable d’éclairer tous les esprits, comme sa vertu a la force de changer tous les cœurs. ( ).

[15] Son influence bienfaisante est sans bornes, comme l’influence du Ciel. «De même, dit Tchou-Hi, que dans le cours régulier des quatre saisons, dans la production et la conservation des êtres de l’univers, se voient partout avec évidence, les effets de l’évolution du principe céleste (天 理) sans que le Ciel doive pour cela rompre son silence; ainsi tout dans le Saint, l’action et le repos, révèle également le principe merveilleux, la droiture parfaite dont il est plein». Et il conclut par ce cri d’enthousiasme: «En un mot, le Saint est le Ciel personnifié».

四 時行 百 物 生 莫 非 天 理 發 見 流 行 之 實 不 得 言 而 可 見 聖 人 一 動 一 靜 莫 非 妙 道 精 義 之 際 亦 天 而 已 (Luen Yu chap. XVII, No 18 comment)

Le I-King avait depuis longtemps déjà représenté l’homme parfait

comme l’égal du ciel en perfection: «Ses vertus, y est-il dit, égalent celles du ciel et de la terre, il brille comme le soleil et la lune, sa régularité est comparable à celle des quatre saisons, son influence rappelle celle des esprits. Si son action devance le Ciel, le Ciel ne le contrarie pas; s’il suit le ciel, il se conforme aux saisons. Et si le Ciel même ne lui résiste pas, combien moins les hommes et les esprits lui résisteront-ils?...»

[16] Tse-Se, petit-fils de Confucius nous fait dans le Tchoung-Young une description qui semble bien n’être que le développement du passage précédent du I-King. Le Saint nous y est dépeint comme transformant les hommes par la force de son exemple et de ses enseignements, et conduisant tous les êtres jusqu’au complet épanouissement de leur nature. Il aide et assiste le Ciel et la Terre dans la production et la conservation de toutes choses; il est le troisième agent de l’univers (與 天 地 並 位 為 三 也) (Tchoung Young comment) (l’égal même du Ciel) (配天) (Tchoung Young no 22 et no 26 no 31, 配天).

[17] The critic See says: «Every man has his heavenly nature, which is in him as a fire that has just been kindled or a spring which is just issuing forth. What is required is the widening and enlarging of it. (Cf. James Legge, The Shoo king page 386 notes).

[18] The words of Woo Ch’ing: 又 當 擴 充 其 德 與 天 為 一 (Hựu đương khoách sung kỳ đức, dữ thiên vi nhất) (James Legge, The Shoo king, page 386, notes)

[19] Cf. James Legge, The Shoo king, page 428 notes.

[20] Thiên nhân bản vô nhị, bất tất ngôn hợp. Nhược bất nhất bản, tắc an đắc tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời? – Trình Hạo, Tống Nguyên Học Án, q. 3, trang 17.

Âm Phù Kinh của đạo Lão cũng chủ trương: Thiên Tính Nhân Dã, Nhân Tâm cơ dã. Lập Thiên chi Đạo dĩ định nhân dã. 天 性 人 也, 人 心機 也. 立 天 之 道 以 定 人 也 (Thiên Tính là người. Nhân Tâm là máy. Lập ra thiên đạo để định thế nào là người.)

[21] Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên. , (Trung Dung chương 20)

[22] «Tinh nhất chấp trung» Nghiêu Thuấn tương thụ chi tâm pháp dã. «Kiến trung» (Thang), «kiến cực» (Vũ), Thương, Thang, Chu, Vũ tương truyền chi tâm pháp dã. Viết đức, viết nhân, viết kính, viết thành, ngôn tuy thù nhi lý tắc nhất, vô phi sở dĩ minh thử tâm chi diệu dã. Chí ư ngôn Thiên, tắc nghiêm kỳ tâm chi sở tự xuất; ngôn dân tắc cẩn kỳ tâm chi sở tự thi. Lễ nhạc giáo hoá tâm chi phát dã; điển chương văn vật tâm chi trứ dã. Gia tề, quốc trị, thiên hạ bình, tâm chi suy dã, tâm chi đức kỳ thịnh hĩ hồ! () ()

(Thư Kinh Đại Toàn, quyển nhị)

[23] Cáo Thần Tông viết: Tiên thánh hậu thánh nhược hợp phù tiết, phi truyền thánh nhân chi đạo, truyền thánh nhân chi tâm dã; phi truyền thánh nhân chi tâm dã, truyền kỷ chi tâm dã. Kỷ chi tâm vô dị thánh nhân chi tâm. Quảng đại vô hạn, vạn thiện giai bị. Dục thánh nhân chi đạo khuếch sung thử tâm yên nhĩ.

(Trùng biên Tống Nguyên Học Án, quyển 1, trang 144.)

[24] Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm, nhất vật chi lý tức vạn vật chi lý, nhất nhật chi vận tức nhất tuế chi vận.

(Tống Nguyên Học Án, quyển 15, Y Xuyên học án thượng, trang 2)

[25] Mạnh Tử viết: Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giả. Tri kỳ tính, tắc tri Thiên hĩ.

孟 子 曰: 盡 其 心者 知 其 性 也. 知 其 性 則 知 天 矣 (Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú thượng, 1)

[26] Mạnh Tử viết: Vạn vật giai bị ư ngã hĩ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.

孟 子 曰: . (Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú thượng, 4)

Lý Phác, một triết gia thời Tống đã muốn đề mộ chí mình như sau: Dĩ thiên vi tâm, dĩ Đạo vi thể, dĩ thời vi dụng : Lấy Trời làm lòng, lấy Đạo (Trời, tuyệt đối thể) làm bản thể, lấy thời gian làm của dùng. (Tống Nguyên Học Án – Bí Giám, Lý chương Công tiên sinh Phác, quyển 1, trang 18)

[27] Cái dục học giả ư thử phản cầu chư thân nhi tự đắc chi

蓋 欲 學 者 於 此反 求 諸 身 而 自 得 之 (Trung Dung chương 1– Phụ chú của Chu Hi.)

[28] Phàm vật mạc bất hữu thị tính. Do thông, tế, khai, tắc; sở dĩ hữu nhân vật chi biệt. Do tế hữu hậu bạc, cố hữu trí ngu chi biệt. Tắc giả lao bất khả khai; hậu giả khả dĩ khai, nhi khai chi dã nan. Bạc giả khai chi dã dị. Khai tắc đạt vu thiên đạo, dữ thánh nhân nhất.

. 由 . 由 . . . 薄 . 開 (Cận Tư Lục, quyển 1, trang 10)

[29] Thiên thánh giai quá ảnh lương tri nãi ngô tâm 千 聖 皆 過 影 良知 乃 吾 心 (Vương Dương Minh).

[30] Duy Hoàng Thượng Đế giáng trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính, khắc tuy quyết du duy hậu

惟皇上帝,降衷于下民,若有恒性,克綏厥猷惟后 (Kinh Thư – Thang Cáo, tiết 2)

Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc; Dân chi bỉnh di, hảo thị ý đức.

, . . (Kinh Thi, Chưng Dân). (Trời sinh ra khắp muôn dân, Vật nào phép ấy, định phân rành rành. Lòng dân chứa sẵn căn lành, Nên ưa những cái tinh thành tốt tươi.)

[31] Mạnh Tử viết: Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã

孟 子 曰: 大 人 者 不 失 其 赤 子 之 心 者 也 (Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, 12.)

[32] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 7. Đoàn Trung Còn dịch, trang 157.

[33] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 7 và 8.

[34] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 1.

[35] Nho gia tắc nhân minh trí thành nhân thành trí minh. Cố «thiên nhân hợp nhất», trí học nhi khả dĩ thành thánh. . . (Tống Nguyên Học Án – Hoành Cừ học án, quyển 17, trang 55)

[36] Thiên tính tại nhân chính do thuỷ tính chi tại băng. Ngưng thích tuy dị vi vật nhất dã; thụ quang hữu tiểu, đại, hôn, minh; kỳ chiếu nạp bất nhị dã. Cao Trung Hiến viết: Dĩ thuỷ dụ thiên, dĩ băng dụ nhân, dĩ ngưng thích dụ sinh tử, dĩ thụ quang dụ khí bẩm chi bất đồng, dĩ chiếu nạp dụ tính chi bất nhị.

. . . 其 . . . 以 . 以 (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 20)

[37] Tôn Chung Nguyên viết: Thiên dữ thần phi nhị kiến; thánh nhân tức thiên. (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 13)

[38] Cáo chư sinh dĩ học tất như thánh nhân nhi hậu dĩ. Dĩ vi tri nhân nhi bất tri thiên; cầu vi hiền nhân nhi bất cầu vi thánh nhân, thử tần hán dĩ lai học giả chi đại tế dã.

. . . (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 2. Hoành Cừ học án, thượng)

«Cùng tính mệnh chi nguyên, tất dĩ thể thiên vi học vấn chi bản.»

(Liêm Khê học án. Tống Nguyên Học Án, quyển 11, trang 10)

Thiệu Khang Tiết: «Học mà không đạt được tới trình độ hợp Trời với người, thì không đủ gọi là học.» (Học bất tế thiên nhân bất túc dĩ vi chi học) (Quan vật ngoại thiên).

[39] Trung Quốc tự Đường Ngu dĩ lai, tức hữu thiên nhân hợp nhất chi tư tưởng. Kính thiên tức sở dĩ ái nhân; ái dân tức sở dĩ tôn thiên. Lịch đại thánh triết mạc bất kế tục hoành dương thử thiên nhân hợp nhất chi đạo. Lão Tử tức kỳ nhất dã. , . ; 天.   道. (Trương Kỳ Quân, Lão Tử. Trung Quốc văn hóa nhất chu, kỳ 623, trang 21. Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển 3, chương Lão Tử)

[40] Dịch chi vi thư quảng đại tất bị, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi thiên nhân hợp nhất chi đạo. 歸, (Trương Kỳ Quân, Chu Dịch. Trung Quốc văn hóa nhất chu, kỳ 588, trang 21. Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển 1, chương Chu Dịch, trang 123)

[41] Cf. Opere storiche, tome I,

Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 108:

«Mais l’opinion la plus suivie actuellement et qui me paraît (pare) empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (philosophie des Song), c’est que tout ce monde est fait d’une seule substance, et que le Créateur du monde avec le ciel et la terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments, forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres. C’est de cette unicité de substance que l’on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu... voilà ce que nous nous efforçons de réfuter (procuriamo di confutare), non seulement par le raisonnement, mais avec l’autorité de leurs anciens auteurs qui très clairement ont enseigné une doctrine différente... (G. Ricci).

[42] Mạnh Tử viết: Thuấn sinh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều. Đông di chi nhân dã. Văn Vương sinh ư Kỳ chu, tốt ư Tất Dĩnh. Tây di chi nhân dã. Địa chi tương khứ dã, thiên hữu dư lý, thế chi tương hậu dã, thiên hữu dư tuế. Đắc chí hành hồ Trung Quốc, nhược hợp phù tiết. Tiên thánh hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã. 孟 子 曰: 舜 生 於 諸 馮,遷於 負 夏, 卒 於 鳴 條.東 夷 之 人 也.文 王 生 於 岐周,卒 於 畢 郢. 西 夷 之 人 也.地 之 相 去 也,千 有 餘 里; 世 之 相 後 也,千 有 餘 歲. 得 志行 乎 中 國, 若 合 符 節.先 聖 後 聖,其 揆 一 也. (Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, tiết 1. Đoàn Trung Còn dịch, trang 38)

[43] Cf. Revue des sciences philosophiques et théologiques. (Paris Librairie philosophique J. Vrin 6, Place de la Sorbone V, Tome XLIV No 3 Juillet 1960) page 570:

«La conscience a pour Augustin une valeur exclusivement religieuse, c’est le lieu de rencontre entre l’âme et Dieu présent en elle...» (J. Stelzenberger, Conscientia bei Augustinus zur Geschichte der Moraltheologie, Paderborn, Schoningh 1959).

[44] Cf. Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme. Notes 39 du chapitre III, page 176:... Augustin, sermon 263, N. 4: Sic et Dominus manens Deus, manens Verbum... implens angelos, totus ubique, totus in mundo, totus in Patriarchis, totus in Prophetis, totus in omnibus sanctis, totus in utero Virginis... (P. L. 38, 1215): cf Enarratio in psalmum 61, N. 4 (P.L., 730-732)...

[45] Cf. Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme. Notes 103 du Chapitre I «En toi, mon Dieu, j’aurai ma solidité, ma fixité, mon être définitifs» (Augustin).

[46] Cf. Romains 2, 14 et 15. Ceux-là (les Gentils) montrent gravées dans leurs cœurs les prescriptions de la Loi…

Trong Deutéronome, đoạn XXX, câu 11-15, Chúa cũng phán: «Vì luật mà ta truyền hôm nay, không có quá sức, quá tầm ngươi. ó không ở trên trời, để ngươi phải nói: «Ai sẽ trời tìm nó cho ta để chúng ta được nghe biết Luật và tuân cứ.» Nó cũng chẳng cách mấy trùng dương, để ngươi phải nói: «Ai sẽ vượt bể tìm nó cho ta để chúng ta được nghe biết Luật và tuân cứ.» Vì Đạo (Lời) nào có xa ngươi, nó đã ở trong miệng ngươi và lòng ngươi, để ngươi tuân cứ. (Dịch theo Bible de Jérusalem, trang 206)

Jéremie viết: «Ta sẽ đặt lề luật ta trong đáy lòng họ, và viết lề luật ta vào tâm khảm họ.» (Jéremie 31, 33)

[47] Le Dieu qui a dit à la lumière de resplendir du fond des ténèbres est Celui qui a resplendi en nos cœurs... (II Corinthiens 4, 6...)

[48] Glorificate et portate Deum in corpore vestro. (I Cor. 6, 20.)

(Biblia sacra juxta Vulgatae exemplaria et correctoria romana. Paris Librairie Letouzey et Ane, 87 Boulevard Raspail, page 1265).

Các bản Kinh thánh bằng tiếng Pháp mới không dám thêm chữ «và hãy mang Thiên Chúa trong thể xác anh em». Crampon chỉ dịch: Glorifiez donc Dieu dans votre corps (La Sainte Bible de Crampon, page 191). Quyển La «Bible de Jérusalem» dịch: Glorifiez donc Dieu dans notre corps; còn chữ «et portez» cho xuống chú thích K nhỏ dưới gầm trang. (Bible de Jérusalem page 1515)

[49] Ce n’est plus moi qui vis, c’est le Christ qui vit en moi. Aux Galates 11, 20) (Crampon, page 215)... Puto autem quod et ego, Spiritum Dei habeam (Et je pense bien, moi aussi, avoir l’Esprit de Dieu) (Biblia sacra (Vulgata) et Bible de Jérusalem: 1 Cor, 40.

... Et ita cadens in faciem adorabit Deum, pronuntians quod vere Deus in vobis sit. (I Cor. XIV, 25) (Và bấy giờ hắn sấp mình xuống đất, thờ phượng Thiên Chúa, và nói thực có Thiên Chúa trong anh em). La Bible de Jérusalem và La Sainte Bible de Crampon dịch chữ «In vobis» là «parmi nous» thiết tưởng không đúng, vì «inter» mới là «parmi», còn «in» phải dịch là «en».

[50] Pierre Teilhard voit le cosmos tout entier construit à partir d’une seule et même énergie, cette énergie s’actualise sous des aspects très différents. La science, particulièrement la physique, confirme de plus en plus le bien fondé de cette conception...

George Magloire & Hubert Cuypers, Teilhard de Chardin, page 131.

… Teilhard de Chardin résume admirablement sa conception cosmique dans ces quatre propositions:

«Je crois que l’univers est en évolution.»

«Je crois que l’évolution va vers l’Esprit.»

«Je crois que l’Esprit s’achève en Dieu personnel.»

«Je crois que le Personnel suprême est le Christ universel.»

Ibid. page 222.

[51] Thị vị phối thiên cổ chi cực . Lão tử Đạo đức kinh, chương 68.

[52] «Il est né en vain, celui qui, ayant le rare privilège d’être né homme, est incapable de «réaliser» Dieu dans cette vie.» (L’enseignement de Ramakrishna, p. 5)

[53] «Người quân tử lấy đạo đức sung thực làm quí, lấy thân được làm giàu, còn xem hiên miện là nhỏ nhen, xem kim ngọc là tro bụi.» (Chu Liêm Khê, 1017-1073). Tống Nho của Bửu Cầm,trang 52.

[54] Học giả sở dĩ trị tâm dã; học tuy đa, nhi tâm bất trị, hà dĩ học vi? 學 者 所 以 治 心 也 學 雖 多 而 心 不 治 何 以 學 為 (Học là cốt để sửa trị tâm hồn; học nhiều mà tâm hồn chẳng sửa trị, thì học để làm gì?) (Tốc Thủy học án. Tống Nguyên Học Án, quyển 4, trang 5.)

[55] Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, 28. Đoàn Trung Còn dịch, trang 61.

[56] Nãi sở nguyện tắc học Khổng Tử dã. 乃 所 願 則 學 孔 子 也 (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu chương cú thượng, 2. Đoàn Trung Còn dịch, trang 95-97)

[57] Cf. Đào Trinh Nhất, Vương Dương Minh, trang 41-42.

[58] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, 15. Đoàn Trung Còn dịch, trang 173.

[59] Nho gia chủ trương phải suy tư học hỏi nhiều mới có thể thành thánh nhân được. Kinh Thư (Hồng Phạm, 6) viết: «Tư viết duệ… duệ tác thánh» 思 曰 睿 睿 作 聖 (Suy tư sẽ thông tuệ… thông tuệ sẽ thành thánh). Kinh Thư (Đa Phương, 17) lại viết: «Thánh võng niệm tắc cuồng, duy cuồng khắc niệm tác thánh» (thánh mà bỏ suy niệm sẽ thành cuồng nhân; cuồng nhân chịu suy niệm sẽ thành thánh).

Đức Khổng nói: «Trước đây ta mảng trầm tư, mặc tưởng mà trọn ngày quên ăn, trong đêm quên ngủ. Không có ích. Chẳng bằng học.» (Luận Ngữ – Vệ Linh Công 15-30)

Y Xuyên (Trình Di, 1033-1107): Muốn «cùng lý», cần phải suy nghĩ chín chắn. Vì thế Y Xuyên nói: «Không suy nghĩ chín chắn ắt không thể đến được cõi đạo lý.» (Bất thâm tư bất năng tháo ư Đạo). «Không suy nghĩ chín chắn mà đắc đạo thì sự được ấy dễ mất.» (Bất thâm tư nhi đắc giả, kỳ đắc dị thất). «Tư lự lâu ngày, sự minh duệ tự nhiên sinh ra» (Tư lự cửu hậu, duệ tự nhiên sinh). «Đại phàm học vấn do sự nghe biết, đều không thể gọi là tự đắc. Kẻ tự đắc nên mặc thức tâm thông… Nghe thấy mà biết, không phải sự hiểu biết của đức tính. Sự hiểu biết của đức tính không mượn ở kiến văn» (Đại phàm học vấn, văn chi tri chi, giai bất vi đắc. Đắc giả tự mặc thức tâm thông… văn kiến chi tri phi đức tính chi tri. Đức tính chi tri bất giả kiến văn.) (Tống Nho của Bửu Cầm, trang 93)

[60] Thượng Thái nói rằng: «Sự đại yếu của người học nơi cửa thánh là lấy việc khắc kỷ làm gốc. Khắc kỷ phục lễ, không có tư tâm thì hợp với thiên lý.» (Thánh môn học giả, đại yếu dĩ khắc kỷ phục lễ vi bản. Khắc kỷ phục lễ, vô tư tâm yên, tắc thiên hĩ.)

Với tư tưởng ấy Thượng Thái bàn về những chữ cách vật cùng lý như thế này: «Gọi là cách vật cùng lý, phải nhận rõ thiên lý mới được. Điều gọi là thiên lý, tự nhiên thích hợp với đạo lý, không có một hào ly đặt để ra.» (Sở dĩ cách vật cùng lý, tu thị nhận đắc thiên lý thủy đắc. Sở vị thiên lý giả, tự nhiên để đạo lý, vô hào phát đỗ soạn.) Lại nói: «Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn hiểu biết được điều sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời, hẳn cùng Trời làm một. Cùng Trời làm một thì khi nào cũng hợp lý cả.» (Tống Nho của Bửu Cầm, Thượng Thái Tạ Lương Tá, 1050-1103, trang 99)

[61] Lấy sự «hàm dưỡng» và «học vấn» làm hai phương pháp chủ yếu của người học đạo, Y Xuyên đã nói rằng: «Hàm dưỡng nên dụng sự thành kính, còn tiến học thì tại trí tri.» (Hàm dưỡng tu dụng kính, tiến học tại trí tri). Bởi «hàm dưỡng» là gốc, «học vấn» là ngọn; gốc và ngọn không thể thiếu được ở cây, cũng như hai điều «hàm dưỡng» và «học vấn» không thể thiếu được ở người học đạo. (Tống Nho của Bửu Cầm, Trình Y Xuyên, trang 92)

[62] Vì vậy nếu người ta muốn tồn thiên lý khử nhân dục, thì phải biết giữ lấy điều nhân, và làm cho nó càng ngày càng tăng trưởng. Khi mà trong tâm của người ta chỉ còn có thiên lý, không có mảy may nhân dục, thì lúc tĩnh ắt hợp với điều Trung, lúc động ắt hợp với điều Hòa. Vì thế nên những mối thiện, ác, chính, tà của lòng người chỉ kết thúc trong mấy chữ thiên lý và nhân dục. Thuận theo thiên lý gọi là đạo tâm; tùy theo nhân dục thì gọi là nhân tâm. – Tống Nho của Bửu Cầm: Chu Hi (1130-1200), trang 144.

[63] Mạnh Tử - Tận Tâm chương cú hạ, 35. Đoàn Trung Còn dịch, trang 279.

[64] Tống Nho của Bửu Cầm, trang 102.

[65] Tống Nho của Bửu Cầm, trang 93.

[66] Luận Ngữ – Tử Hãn IX-18.

[67] Tử viết: «Khâu chi đảo cửu hĩ.» (Luận Ngữ – Thuật Nhi VII-34)

[68] «Bậc chí nhân lấy trời đất làm một thân, và lấy phẩm vật vạn hình ở giữa khoảng trời đất làm tứ chi bách thể» Há có người nhìn tứ chi bách thể mà không thương thay. Thánh nhân là bậc chí nhân chỉ một mình thể được cái tâm ấy; há thường chia lìa nhiều mối để tìm nó ở bên ngoài ? (Chí nhân tắc thiên địa vi nhất thân, nhi thiên địa chi gian, phẩm vật vạn hình, vi tứ chi bách thể. Phù nhân khởi hữu thị tứ chi bách thể nhi bất ai giả tai. Thánh nhân, nhân chi chí dã, độc năng thể thị tâm nhi dĩ, hạt thường chi li đa đoan nhi cầu chi tự ngoại hồ.) – Tống Nho của Bửu Cầm: Trình Hạo, trang 78.

[69] Luận Ngữ – Tử Hãn IX-7.

- «Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn hiểu biết được điều sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời, hẳn cùng Trời làm một… Kẻ còn thấy TA ấy là chưa thể cùng lý. Ai biết được cái ta chân thật?» (Tạ Lương Tá, 1050-1103. Tống Nho của Bửu Cầm, trang 99).

[70] Minh đạt ngôn tâm ký tử tắc thần hoạt. Cổ nhân vân: Tâm tử thần hoạt. Tâm tử  tắc du thần tử hĩ. Du thần tử nhi nguyên thần hiện; như nhân dục tận nhi thiên lý hiện. Thị dĩ viết: Minh đạt nhị tự giả tức như ngôn: Minh tâm kiến tính dã. Minh giả, quang nhi bất muội. Đạt giả thông nhi bất trệ. Thị nguyên thần bất thức trung chi thức, lương tri, lương năng dã. Đáo thử tắc trí huệ sinh hĩ.

明 達 言 心 既 死 則 神 活. 古 人 云 心 死 神 活. 心死 則 遊 神 死 矣 . 遊 神 死 而 元 神 現 ; 如 人 欲 盡 而 天 理 現 . 是 以 曰 明 達 二 字 者 即 如 言 明 心 見 性 也 . 明 者 光而 不 眛 . 達 者 通 而 不 滯 . 是 元 神 不 識 中 之 識 良 知 良 能 也. 到 此 則 智 慧 生 矣  (Huỳnh Đình Kinh chú. Ngoại Cảnh Ngọc Kinh, quyển thượng trang 17. Tung Ẩn Tử Thạch Hòa Dương thuật)

[71] Huyền học Lão giáo

«Đại đồng nhi vô kỷ» 大 同 而 無 己 (L’éloge substantiel de cet homme se résume en ces mots qu’il est un avec le Grand Tout. Il est le Grand Tout et n’est plus lui-même.) (Trang Tử – Tại Hựu, tiết E. Léon Wieger, Tchoang Tzeu, chapitre II, E)

«Chí nhân vô kỷ thần nhân vô công thánh nhân vô danh.»

至 人無 己 神 人 無 功 聖 人 無 名 (Trang Tử - Tiêu Diêu Du, tiết C.)

Huyền học Phật giáo

«Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm» 應 無 所 住 而 生 其 心 (Kim Cương Kinh)

Tòng lai chí đạo dữ tâm thân; học đáo vô tâm đạo tức chân.

從 來 至 道 與 心 親 學 到 無 心 道 即 真 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, 11-13)

Phật giáo luôn tha thiết với vấn đề «phá ngã chấp».

Huyền học Bà La Môn giáo

«Kìa sông tới biển thời tiêu

Hết điều danh sắc, hết điều riêng tây

Trở thành biển cả từ đây

Gọi là biển cả từ nay khác gì

Con người nhìn lại cũng y

Khi mười sáu bộ đã qui về Ngài

Còn đâu danh tướng lôi thôi

Rồi ra cũng chỉ là ngôi chân thần

Thế là vĩnh cửu bất phân

Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa

Đã điều qui tụ hiệp hòa

Như đũa liền trục ắt là chân nhân.

Chân nhân là chính chân thần

Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.»

(Prasna Up. 6-5-6 – Brih Upd 4-4, 1-2)

Huyền học và thánh kinh Công giáo

Si quelqu’un veut venir à ma suite, qu’il se renonce lui-même, qu’il prenne sa croix et qu’il me suive... (Mat. 16, 24)

Ce n’est plus moi qui vis, c’est le Christ qui vit en moi. (Aux Galates 11, 20).

Ut langueat et liquefiat anima mea solo semper amore et desiderio lui, te concupiscat et decficiat in atria tua, cupiat dissolvi et esse tecum (Prière de St Bonaventure, Paroissien Romain page 58... en sorte que mon âme languisse et se fonde sans cesse d’amour et de désir pour vous seul. Qu’elle soupire après vous et se sente défaillir à la pensée de vos tabernacles, qu’elle n’aspire qu’à sa délivrance et à son union avec vous.)


Mục lục | Lời nói đầu | chương 1  2  3  4 | Tổng luận | Phụ lục 1  2  3 | Sách tham khảo