HỆ TỪ THƯỢNG

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12 


 

HỆ TỪ

HỆ TỪ THƯỢNG HẠ TRUYỆN là 2 quyển nằm trong bộ Thập dực của Khổng tử.  Hệ Từ có mục đích là giảng giải về sự sinh thành của bộ Kinh Dịch.

Hệ Từ là những lời thêm vào để cắt nghĩa bộ Kinh Dịch.  Âu Châu gọi là THE GREAT APPENDIX.

Những gì mà Đức Khổng viết đều gọi là TRUYỆN, chứ không phải là KINH (Kinh do Văn Vương viết).

HỆ TỪ TRUYỆN gồm có 2 phần:  Thượng và Hạ.

- Hệ Từ thượng chia ra làm 12 chương.

- Hệ Từ hạ cũng chia ra làm 12 chương. 

 

HỆ TỪ THƯỢNG TRUYỆN 

CHƯƠNG 1

(Chương một gồm có tám Tiết)

(Xuất xứ tự nhiên của Kinh Dịch)

         

Thánh nhân viết Kinh Dịch, là muốn lấy Quái, Hào mà mô tả Trời đất, cùng những sự biến hoá trong Trời đất.  Vì thế Vân Phong Hồ thị nói: Khi chưa có Quái, Hào, thì sự biến hoá của Quái, Hào còn nằm trong Trời đất.  Khi đã vạch thành Quái, Hào, thì sự biến hóa của Trời đất, vạn vật đều nằm trong Quái, Hào.  Thế là Thánh Hiền muốn dùng Quái, Hào mà thu gọn Trời đất và mọi sự biến hoá vào trong. 

Cũng như nay, chúng ta dùng phương pháp chụp ảnh, quay phim, để mà thu lấy mọi trạng thái động, tĩnh của Trời đất, vạn vật vào trong những hình ảnh.  Chương đầu Hệ Từ muốn minh chứng sự kiện ấy 

Tiết 1.

卑,乾 矣。卑 陳,貴 矣。動 常,剛 矣。方 聚,物 分,吉 矣。在 象,在 形,變 矣。  

Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quí tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường. Cương nhu đoán hĩ. Phương  dĩ  loại  tụ. Vật  dĩ  quần phân. Cát hung  sinh  hĩ. Tại  thiên  thành  tượng. Tại  địa  thành hình. Biến hoá kiến hĩ.

 Dịch.  Tiết 1. 

Trời tôn quí, đất thấp hèn,

Kiền, Khôn hai quẻ âu liền định theo.

Sự đời cao, thấp tranh treo,

Nên trong Hào, Quải cũng điều hèn, sang.

Trần hoàn động, tĩnh lẽ thường,

Nên Hào mềm, rắn, nhu, cương phân trình.

Việc đời, thứ hạng phân minh,

Mà xem muôn vật cũng đành lớp lang.

Nên xem hung, cát đôi đàng.

Lồng vào tính toán, lam làm trần ai.

Kìa xem tinh tượng đầy trời,

Kìa xem khắp đất, hình hài thiếu chi.

Biết bao biến ảo tân kỳ,

Phơi bầy trước mắt, cần gì tìm đâu?

Ta có thể Bình giải Tiết đầu này như sau:

 Ngoài thiên nhiên có Trời đất, trong Kinh Dịch có Kiền, Khôn.  Ngoài thiên nhiên có trời cao, đất thấp, trong Kinh Dịch có Hào vị, tôn ti.  Ngoài thiên nhiên có động, tĩnh, trong Kinh Dịch có Hào cương, Hào nhu.  Ngoài thiên nhiên sự vật đều có thể phân loại (thành thiện ác), trong Kinh Dịch mọi Quái, Hào có thể phân loại thành cát, hung. (Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần. Quí tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường.  Cương nhu đoán hĩ. Phương dĩ loại tụ. Vật dĩ quần phân. Cát hung sinh hĩ. Ngoài thiên nhiên, trên Trời thì có tượng (Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần), dưới đất thì có hình (Sơn, Xuyên, Động, Thực).  Sự biến hoá do đó mà sinh (Tại thiên thành tượng. Tại địa thành hình. Biến hoá kiến hĩ).

Tiết 2.

故,剛 摩,八 盪。

Thị cố cương nhu tương ma. Bát quái tương đãng.

 Dịch. Tiết 2.

Cương Nhu ma xát lẫn nhau,

Quẻ chồng lên Quẻ, trước sau thành toàn.

Trong Kinh Dịch, có Hào Cương, Hào Nhu chồng lên nhau (ma), Quẻ chồng lên Quẻ (đãng).  Sự biến hoá do đó mà sinh. 

Tiết 3.

鼓 之 以 雷 霆 , 之 以 風 雨, 日 月 運 行, 一 寒 一 暑。 

Cổ chi dĩ lôi đình. Nhuận chi dĩ phong vũ. Nhật Nguyệt vận hành. Nhất hàn nhất thử. 

 Dịch. Tiết 3. 

Rồi cho sấm động, sét vang,

Rồi cho phong vũ chứa chan, thấm nhuần.

Rồi cho Nhật, Nguyệt chuyển vần,

Nóng rồi, lại lạnh, có tuần, có phiên.

Ngoài thiên nhiên, có sấm, chớp, mưa, gió, mặt trời, mặt trăng vận hành, có nóng, lạnh đắp đổi (Cổ chi dĩ lôi đình.  Nhuận chi dĩ phong vũ.  Nhật nguyệt vận hành.  Nhất hàn nhất thử).  Trong Kinh Dịch cũng có sấm (Chấn), chớp (Ly), mưa (Khảm), gió (Tốn), mặt trời (Ly), mặt trăng (Khảm), nóng (Đoài), lạnh (Cấn).

Tiết 4.

乾 道 成 男,坤 道 成 女。 

 Kiền đạo thành nam. Khôn đạo thành nữ.

Dịch. Tiết 4. 

Hai đường nam nữ Khôn, Kiền.

Trong thiên nhiên, vạn vất đều chia thành nam, nữ, đực, cái.  Trong Kinh Dịch cũng theo Kiền Khôn, mà phân các quẻ thành Âm, Dương, nam, nữ (Kiền đạo thành nam.  Khôn đạo thành nữ).

Tiết 5.

乾 知 大 始,坤 作 成 物

Kiền tri đại thủy. Khôn tác thành vật.

Dịch. Tiết 5.

Kiền thời khởi thủy, Khôn chuyên thành toàn.

Trong thiên nhiên, cái gì cũng đi từ lúc manh nha đến lúc hình hiện; đi từ khởi thủy đến lúc hoàn thành. Trong Kinh Dịch, Thánh nhân lấy Kiền làm lúc sơ khởi, lấy Khôn mà hình dung lúc chung cuộc. (Kiền tri đại thủy.  Khôn tác thành vật). 

Tiết 6.

乾 以 易 知,坤 以 簡 能

Kiền dĩ dị tri. Khôn dĩ giản năng.

Dịch. Tiết 6. 

Kiền, Khôn dễ biết, dễ làm.

Dị nên dễ biết, giản càng dễ theo.

Trong Trời đất, vạn vật, vạn hữu tuy phồn tạp, sự biến hoá tuy vô cùng, nhưng suy đến nguyên lý thời thấy chí dị, theo rõi tiến trình, thời thấy chí giản.

Trời đất làm những chuyện lớn lao nhất, khó khăn nhất, to như sinh Càn Khôn, vũ trụ, nhỏ như tạo nhân quần, muông thú, cỏ cây, hoa lá, nhất nhất đều âm thầm, dễ dàng, không huyên hoa, ầm ĩ, không gắng gượng, vất vả.  Dịch cũng muốn lấy hai quẻ Kiền, Khôn mà nói lên lẽ chí dị, chí giản ấy. 

Tiết 7.

知,簡 從。易 親,易 功。有 久,有 大。可 德,可 業。 

 Dị tắc dị tri. Giản tắc dị tòng. Dị chi tắc hữu thân. Dị tòng tắc hữu công. Hữu thân tắc khả cửu. Hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân chi đức. Khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.

 Dịch. Tiết 7. 

Dễ hay, nên sẽ dễ yêu,

Dễ theo, nên sẽ chắt chiu thi hành.

Có yêu, trường cửu mới sinh,

Có làm, mới có công trình lớn lao.

Hiền nhân, đức hạnh bền lâu.

Hiền nhân, sự nghiệp cơ mầu lớn lao.

Cho nên người quân tử khi học Kinh Dịch, không được quên 2 chữ Giản dị; khi sống động, suy tư, lao tác, tiếp nhân, xử kỷ, cũng không được quên 2 chữ Giản Dị.

Tư tưởng mình có giản dị, có sáng sủa, người khác mới dễ hiểu.  Lời nói mình có giản dị, sáng sủa, người nghe mới dễ lĩnh hội.  Một học thuyết dễ hiểu sẽ làm cho người ta ưa thích, dễ theo sẽ khiến người muốn đem ra mà thực hiện.  Cứ đà ấy mà tiến, dần dà sẽ nên công, chẳng những giúp mình cải thiện tâm hồn mình, mà còn giúp mình làm nên sự nghiệp.  Hiền nhân, quân tử nên đi từ chỗ giản dị, mà vươn lên chỗ cao đại, trường cửu. Vươn lên chỗ trường cửu, bằng cách hoán cải tâm thần, tu nhân, tích đức.  Vươn lên chỗ cao đại, bằng cách cố lập nên một sự nghiệp gì để lưu lại cho đời (Dị tắc dị tri.  Giản tắc dị tòng.  Dị tri tắc hữu thân.  Dị tòng tắc hữu công.  Hữu thân tắc khả cửu.  Hữu công tắc khả đại.  Khả cửu tắc hiền nhân chi đức.  Khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp).    

Tiết 8.

簡,而 矣;天 得,而 矣。

Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hĩ. Thiên hạ chi lý đắc. Nhi thành vị hồ kỳ trung hĩ.

Dịch. Tiết 8. 

Lẽ Trời giản dị xiết bao.

Tìm nơi phiền toái, thấy sao lẽ Trời.

Lẽ Trời giản dị thấy rồi,

Ngôi Trời cao cả, tức thời hiện ra.

Bỏ được phiền tạp, tìm ra được sự giản dị, là hiểu được thiên lý phổ quát, và thực hiện được Thiên vị, Thánh vị (Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hĩ.  Thiên hạ chi lý đắc.  Nhi thành vị hồ kỳ trung).


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12