HỆ TỪ THƯỢNG

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

 » Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12 


 

 

CHƯƠNG  V

(Chương V gồm 9 Tiết)

Luận về Đạo

 

Có thể nói Chương này luận về Đạo và những thể hiện của Đạo.

Tiết 1.

一陰一陽之謂道,

 

Nhất Âm nhất Dương chi vị đạo.

Dịch.  Tiết 1. Âm Dương đắp đổi đạo trời.

Đạo tuy vô hình, vô thanh, bất khả tư nghị (không thể bàn cãi được), nhưng đạo đã được thể hiện trong thế giới này bằng hai phương diện Âm Dương:

-Tinh thần, vật chất.   

- Vô hình, hữu hình.

-Vi ẩn, Hiển hiện.

- Thăng, giáng.

- Vãng, Lai.

-Tán,  tụ  v v ...

Tiết 2.

  , 也。 

Kế chi giả thiện dã.  Thành chi giả tính dã.

Dịch. 

Theo thời tốt đẹp, suốt thời toàn chân.

Như vậy, khởi thủy cuộc biến hóa ắt phải tốt đẹp, mà chung cuộc của sự biến hóa ắt cũng phải tốt đẹp.  Sự biến hóa cốt là giúp ta thực hiện được Thiên tính, Thiên mệnh. 

Tiết 3.  

仁者見之謂之仁,知者見之謂之知。百姓日用而不知,故君子之道鮮矣。

Nhân giả kiến chi vị chi nhân.  Tri giả kiến chi vị chi trí.  Bách tính nhật dụng nhi bất tri.  Cố quân tử chi đạo tiển hĩ.

 Dịch.  Tiết 3. 

Người nhân gọi thế là nhân,

Người khôn gọi thế muôn phần khôn ngoan.

Chúng nhân thường nhật lo toan,

Tuy nương nhờ Đạo, hoàn toàn si ngây.

Đạo người quân tử, hiếm thay,

Chỉ người quân tử mới hay đạo Trời.

Đạo hay Trời, hay Thái Cực, vì vô biên tế, vô hình thể, nên khó mà thấu hiểu được cho toàn vẹn.  Mỗi người chỉ hiểu được Đạo theo một khía cạnh nào đó.  Người nhân thì gọi là Nhân.  Người trí thì gọi là Trí.  Bách tính thì tuy tiếp xúc với Đạo hàng ngày, mà vẫn chưa biết đạo là gì.

Cho nên, cái Đạo của người quân tử, cái đạo đi tìm hiểu Trời, thật là hiếm thấy vậy. 

Tiết 4.

仁,藏 用,鼓 懮,盛 哉。

Hiển chư nhân.  Tàng chư dụng.  Cổ vạn vật nhi bất dữ Thánh nhân đồng ưu.  Thịnh đức đại nghiệp chi hĩ tai.

Dịch.  Tiết 4. 

Phô lòng nhân ái khắp nơi,

Nhưng mà đường lối, đất trời dấu che.

Muôn loài cổ xúy, vỗ về,

Nhưng không lo lắng như bề Thánh nhân.

Đức cao, cao thẳm muôn tầm,

Rỡ ràng sự nghiệp, muôn phần lớn lao.

Đạo cưu mang cùng khắp vũ trụ, bao dung, dưỡng dục cùng khắp vạn vật, nên lòng nhân từ của Đạo được thể hiện khắp nơi.  Còn những phương thế, những cung cách mà Đạo dùng để dưỡng dục, sinh hoá quần sinh, thì lại được giữ bí mật, không cho phát lộ.  Đạo cổ xúy muôn loài, mà vẫn thảnh thơi, không hề có ưu lự như đấng Thánh nhân.

Thánh nhân lo lắng dạy đời.  Còn Trời, còn Đạo thì im lìm không tăm tiếng.  Thế nhưng, đức Trời thì bao la, việc Trời thì vĩ đại. 

Tiết 5. 

業,日 德。

 Phú hữu chi vị đại nghiệp.  Nhật tân chi vị thịnh đức.

Dịch.   Tiết 5. 

Giầu sang, muôn vật gồm thâu,

Mỗi ngày một mới, đức mầu vô biên.

Việc Trời vĩ đại vì gồm thâu vạn vật.  Đức Trời thì bao la vì luôn luôn biến hóa muôn loài, mỗi phút giây, mỗi ngày mỗi đổi mới. 

Tiết 6.

易,

Sinh sinh chi vị Dịch.

Dịch.  Tiết 6. 

Dịch là sinh hóa triền miên.

Vì Trời, Đạo sinh hóa vô cùng cho nên gọi là Dịch.

Tiết 7. 

乾,效  

Thành tượng chi vị Kiền.  Hiệu pháp chi vị Khôn.

Dịch.   Tiết 7

Kiền chuyên sinh tượng.  Khôn chuyên tạo hình.

Khi sinh vạn tượng, thời gọi là Kiền, khi sinh vạn hình, thời gọi là Khôn. 

Tiết 8.

占,通

 Cực số tri lai chi vị chiếm.  Thông biến chi vị sự.

 Dịch.  Tiết 8. 

Đoán là đoán định tiến trình,

Tương lai cùng cực, hoàn thành ra sao?

Trần hoàn muôn việc thấp cao,

Biến thông để mở lối vào Bồng Lai.

Đạo biết trước hết mọi đường tương lai của vạn hữu, vì thế nên gọi là Chiếm.  Chiếm là đoán định.

Cổ súy cho vạn vật biến hóa mãi, mà vẫn thông suốt, nên gọi là Sự.  Sự là tác thành công việc cho muôn loài. 

Tiết 9. 

神。 

Âm Dương bất trắc chi vị thần.

Dịch.   Tiết 9. 

Âm Dương biến đổi ngược xuôi.

Thật là thần diệu, ai người suốt thông.         

Biến hóa, khuất thân, vãng lai, tiến thoái khôn lường, nên gọi là Thần.

 

 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12