DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6


Phần 2

DỊCH LUẬN THIÊN

Mở đầu

Dịch là một cuốn sách được Thánh Hiền xưa nay sùng thượng. Nho gia coi Kinh Dịch như một Thánh kinh.

Đức Khổng học Dịch rất công phu. Ngài về già học Dịch, đọc Dịch, đọc đến ba lần đứt lề sách mới làm ra các thiên truyện. [1]Thế mà Ngài còn nói trong Luận Ngữ: Nếu Trời cho ta sống thêm ít năm nữa, cho ta học xong Đạo Dịch, thì ta có thể không phạm lỗi lớn nữa. [2]

Ngài đã viết Thập dực để bổ sung cho Dịch Kinh. Thập dực là: [3]

1. Thoán thượng truyện để cắt nghĩa Thoán từ ở Thượng Kinh. [4]

2. Thoán hạ truyện để cắt nghĩa Thoán từ ở Hạ Kinh.

3. Tượng thượng truyện để giải các Tượng trong Thượng Kinh.

4. Tượng hạ truyện để giải các Tượng trong Hạ Kinh. [5]

5. Hệ Từ thượng truyện

6. Hệ Từ hạ truyện

7. Văn ngôn truyện [6]

8. Thuyết quái truyện

9. Tự quái truyện

10. Tạp quái truyện

Trình Di viết Dịch truyện. Chu Hy viết Dịch kinh bản nghĩa, Dịch học Khải Mông. Thiệu tử nhân

đọc Chu Dịch đã viết thành bộ Hoàng Cực Kinh Thế.

Khảo thư tịch đạo Lão, ta thấy Đạo Đức Kinh, Xung Hư Chân Kinh, Nam Hoa Kinh có rất nhiều điểm liên quan với Dịch. Đạo gia, Đơn gia toàn áp dụng định luật Dịch để tu đức, luyện thần. [7] Ngụy bá Dương đã áp dụng Dịch lý viết thành bộ Tham Đồng Khế.

Nhìn sang phía Đạo Phật, ta thấy Vương Cảnh Mạnh lấy Thiền Tông minh Dịch, Thích Ngẫu Ích lấy Dịch lý áp dụng vào khoa Thiền học. [8] Hiện nay ta còn thấy những bộ như Dịch Học Thiền giải của Trí Húc Thiền sư v.v...

Giảng bình về Dịch xưa nay đã có hơn 700 tác giả.

Ví dụ:

+ Vương Bật chú giải Dịch

+ Mạnh Hỉ

+ Kinh Phòng đem các quẻ phối hợp với Thập Can gọi là Nạp Giáp.

+ Tuân Sảng lấy nhẽ thăng giáng để giải Dịch.

+ Lai Tri Đức lấy lẽ thác tống tức là Âm Dương điên đảo, vãng lai để giải Dịch.

+ Tiêu Tuần lấy lẽ bàng thông tức là Âm biến Dương, Dương biến Âm để giải Dịch. [9]

Ngoài ra còn có nhiều danh nhân, danh sĩ đã dùng Dịch để đoán định vị lai, trong số đó có: Trương Lương (Hán), Nghiêm Quân Bình (Hán), Chư Cát Lượng (Tam Quốc), Lý Thuần Phong (Đường), Viên Chính Cương (Đường), Thiệu Khang Tiết (Tống), Lưu Cơ (Lưu bá Ôn) (Minh). [10]

Dịch có ba loại:

1.- Liên Sơn lấy quẻ Cấn làm căn bản.

2.- Qui Tàng lấy quẻ Khôn làm căn bản.

3.- Chu Dịch lấy quẻ Càn làm căn bản.

           

 

         

 

[11]

Hiện nay Liên Sơn, Qui Tàng đã thất lạc [12], chỉ còn lại Chu Dịch.

Trịnh Huyền cho rằng: đời nhà Hạ có Liên Sơn, đời nhà Ân có Qui Tàng, đời nhà Chu có Chu Dịch.

Trịnh Huyền giải thích ba nhan đề ấy như sau:

- Gọi là Liên Sơn để tượng trưng cho mây từ đầu các ngọn núi bốc lên, miên man không ngừng.

- Gọi là Qui Tàng vì Vạn Vật đều tàng ẩn bên trong.

- Gọi là Chu Dịch vì biến dịch phổ quát không đâu không có. [13]

Hội ý tác giả, ta thấy rằng dẫu Dịch Kinh có thay tên, đổi quẻ, nhưng ý nghĩa và mục đích trước sau vẫn là một.

Dịch cốt bàn về Vạn Vật, Vạn Tượng liên tục biến thiên, phát triển như mây ùn ùn liên tục bốc lên từ những dãy núi xa xăm. Dịch bàn về sự biến thiên, mà biến thiên thì thường xuyên diễn biến khắp nơi trong vũ trụ. Nhưng sách Chính nghĩa không đồng quan điểm với Trịnh Huyền và cho rằng:

Sách Dịch thời Thần Nông gọi là Liên Sơn.

Sách Dịch thời Hoàng Đế gọi là Qui Tàng.

Sách Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Như vậy Chu Dịch là sách Dịch đời Chu, cũng như Chu Lễ, Chu Thư, v.v..[14]

Học Dịch phải tốn công phu. Có tốn công phu, mới tìm ra được cái hay, cái đẹp của Dịch. Dưới đây ta sẽ lần lượt khảo sát về chữ Dịch dưới nhiều tiết mục:

1.- Chữ Dịch theo Từ nguyên

2.- Dịch là biến Dịch

3.- Dịch là bất Dịch

4.- Dịch là giản dị

5 - Dịch là nghịch số

6 - Dịch là Tượng

 

Chương 1. Chữ Dịch theo Từ Nguyên

 

Học Dịch trước tiên cần phải hiểu chữ Dịch. Hiểu được chữ Dịch tức là đã hiểu được phần nào ý người viết sách. Bồ Điền Trịnh thị nói: Chữ Dịch do hai chữ Nhật Nguyệt tạo nên. Lý trong thiên hạ có thể tóm thâu trong một Chẵn một Lẻ. [15] Suy ra: Nhật là mặt trời, tượng trưng cho sự bất biến, Hằng Cửu, viên mãn. Nguyệt là mặt trăng, tượng trưng cho sự biến thiên, tạm bợ, khuy khuyết. Như vậy, chữ Dịch gồm trong thân cả 2 nguồn sinh lực tương đối, lẽ tôn ti của Âm Dương, lẽ biến hằng của vũ trụ, sự Hằng Cửu của Bản Thể do vừng Dương đại diện, và các trạng thái doanh hư, tiêu trưởng của Vạn Hữu, do vừng Nguyệt tượng trưng.

Như vậy, Dịch bao quát cả biến hằng, bao quát cả hiện tượng lẫn bản thể. Dịch là Toàn Nhất.

Chữ Dịch mà tách đôi sẽ thành ra Nhật, Nguyệt hai vừng, Âm Dương chia rẽ, nhật dạ cách trùng. 

+

Sự qua phân này sẽ là đầu dây mối rợ, sinh ra mọi hiện tượng trong trời đất. Dương là Càn, Âm là Khôn, nên Dịch cho rằng: Càn Khôn là cửa của Dịch. [16]

Mới hay: Một Dịch qua phân, hóa đất trời,

Đất trời cảm ứng, sẽ sinh sôi,

Sinh sôi, tạo tác, thành muôn vật,

Muôn vật chung qui một Dịch thôi.

Khi mà Nguyên Thể đã chia ly, phân tán, thì mầm đấu tranh, chống đối tự nhiên sẽ sinh ra. Đấu tranh, chống đối ấy xét về một phương diện là một động cơ hết sức hữu hiệu để sinh biến hóa, vì thế Dịch nói: Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa. [17]

Nhưng nếu chỉ thấy sự đấu tranh, chống đối giữa Âm Dương, thì mới thấy được chiều biến hóa đưa đến chia ly, chết chóc, đổ vỡ, mới thấy được có một chiều hướng của vũ trụ.

Ngoài chiều hướng trên, Vũ trụ cũng như Dịch còn có một chiều hướng thứ hai: là chiều Âm Dương tương sinh, tương thừa. Âm Dương vẫn có thể tiếp tay nhau, có thể thỏa hiệp, đoàn tụ, để làm nên đại nghiệp. Đây là chiều hướng xây dựng, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, cố hàn gắn lại những gì đã đổ vỡ, đoàn tụ lại những gì đã chia ly, tản lạc. Thánh Hiền cho rằng chiều hướng này mới là chính yếu. Các đạo gia lý luận một cách rất sâu sắc như sau:

Nếu Bản Thể vì qua phân nên đã thành Âm Dương, thành Vạn Hữu, thì ta cũng có thể phối hợp Vạn Hữu lại thành Âm Dương; phối hợp Âm Dương lại để thành Bản Thể. Mà Âm Dương chẳng qua là Thần Khí, Tâm Thần trong ta.

Tu luyện cho Tâm kết hợp với Thần, khiến cho Thần Khí hợp nhất, không để cho ngoại vật khiên dẫn, làm tản lạc ra bên ngoài; tu luyện Tâm Thần để trở thành Siêu Nhân, thành Tiên Thánh, đó là mục đích của công trình mà Đạo gia gọi là luyện đơn.

Đại đỗng Chân kinh viết:

Nhật Nguyệt hợp bão nhi thành Thái Cực. [18]

Theo Đạo gia, chữ Đơn chính là chữ Dịch biến thể, vì có đầu Nhật, mà chân là Nguyệt. [19]

Thế mới hay:

Một Dịch qua phân tạo đất trời.

Âm Dương cách trở, mới chia phôi

Tâm thần ví thể đoàn viên lại,

Thái Cực rồi ra sẽ rạng ngời.

Một chữ Dịch phân ra, thì thấy cách thức trời đất Vạn Vật phát sinh, thấy căn bản của Vạn Hữu; hợp lại thì thấy cùng đích muôn loài, thấy phương thức tu luyện để tiến tới Thần minh. Như vậy, chẳng phải là kỳ diệu sao?

Học Dịch để quán thông thượng hạ, vạn biến phùng nguyên, há chẳng phải là một công việc thích thú lắm sao?[20]


CHÚ THÍCH

[1] Khổng tử vãn nhi học Dịch, độc chi vi biên tam tuyệt chi nhi vi chi truyện. 孔 子 晚 而 學 易, 讀 之 為 編 三 絕 之 而 為 之 傳 .

[2] Gia ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch khả dĩ vô đại quá hĩ.  , 卒 , .— Luận Ngữ Thuật nhi đệ thất, câu 16 - Bản dịch Đoàn Trung Còn.

[3] Cf. Wilhelm Baynes, The I Ching Book II, p. 274 - 280.

[4] Thoán truyện khác Thoán từ của Văn Vương - Thoán từ bao giờ cũng ở ngay đầu quẻ. Thoán truyện bao giờ cũng có chữ Thoán viết.

[5] Tượng còn chia làm Đại Tượng (cắt nghĩa hình ảnh toàn quẻ), Tiểu Tượng cắt nghĩa hình ảnh từng Hào. Như vậy Quẻ nào, Hào nào cũng có Tượng truyện và bắt đầu bằng chữ Tượng viết.

[6] Văn ngôn chỉ có trong 2 quẻ Kiền và Khôn và bắt đầu bằng chữ Văn ngôn viết.

[7] Cf. Nguyễn Ấn Trường - Tạo hóa thông - trang 56

Tạ Vô Lượng, Trung Quốc triết học sử. Đệ nhất chương hạ - trang 25.

[8] Cf. Nguyễn Ấn Trường, Tạo hóa thông - trang 56.

[9] Cf. Nguyễn Ấn Trường, Tạo hóa thông - trang 56

- Lý Chứng Cương, Dịch học thảo luận tập, trang 1,2,3.

- Về nhẽ thác tống xin đọc Dịch Kinh lai chú đồ giải - quyển I, các trang 38 - 44.

[10] Các lời sấm ngữ của Gia Cát, Lý thuần Phong, Viên Chính Cương, Thiệu khang Tiết, Lưu Cơ hiện còn ghi trong tập Trung Quốc nhị thiên niên chi dự ngôn.

[11] Hình vẽ phỏng theo Dịch học thảo luận tập - trang 69.

[12] Thư viện bên Nam Dương, nói có những Bộ Liên Sơn, Qui Tàng trong Thư Viện.

[13] Ngô Khang Chu Dịch đại cương - trang 11.

[14] Tạ Vô Lượng Trung Quốc Triết học sử - trang 31.

[15] Bồ Điền Trịnh thị viết: Dịch tòng Nhật tòng Nguyệt thiên hạ chi lý nhất Cơ, nhất Ngẫu nhi tận hĩ. 浦 田 鄭 氏 曰: 易 從 日 從 月 天 下 之 理 一 奇, 一 偶 而 盡 矣 . — Dịch Kinh Đại Toàn - Chu Dịch thượng kinh - trang 77.

[16] Tử viết: Càn Khôn kỳ Dịch chi môn da. 子 曰 乾 坤 其 易 之 門 邪. Hệ Từ hạ, VI

[17] Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa. 剛 柔 相 推 而 生 變 化. Hệ Từ thượng II.

[18] Nhật Nguyệt hợp bão nhi thành Thái Cực. 日 月 合 抱 而 成 太 極 . Đại đỗng Chân Kinh quyển hạ trang 23.

[19] Đơn tự Nhật đầu Nguyệt cước, trung gian nhất hoạch hệ Nhật Nguyệt hợp nhất chi vị dã. Kỳ nội nhất điểm vi tinh khí hồn hợp, dĩ tượng nhất lạp kim đơn dã. 丹 字 日 頭 月 腳, 中 間 一 劃 係 日 月 合 一 之 謂 也. 其 內 一 點 為 精 氣 渾 合, 以 像 一 粒 金 丹 也.

Tu chân bất tử phương - trang 26.

[20] Thủy Tâm tập học ký ngôn. (Diệp Thủy Tâm Tiên sinh thích.)

Trùng biên Tống Nguyên học án quyển 3, trang 593


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6