DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6


Phần 2

DỊCH LUẬN THIÊN

Chương 6. Dịch là tượng

 

Dịch là Tượng, vì Dịch toàn dùng ký hiệu, toàn dùng ảnh tượng làm phương thế dạy đời.

Hiểu được những ký hiệu của Dịch, những hình ảnh của Dịch, sẽ biết được thâm ý của người viết Dịch, sẽ suy ra được lời lẽ của người viết Dịch, sẽ tìm ra được nhiều định luật của Dịch.

Các nhà bình giải Dịch xưa nay đã có bàn về Tượng rất nhiều và rất tỉ mỉ, nhưng thường vội đi sâu vào chi tiết, nên quên mất đại thể, thường chú trọng đến ảnh tượng mà quên mất ký hiệu. Cho nên truớc khi đi vào phần chi tiết của Tượng, ta hãy bàn đến phần đại cương chính yếu của Tượng.

1. Những quan niệm chính yếu về Tượng Học

Phần Chính yếu của Tượng chính là các đồ bản Dịch, các ký hiệu Dịch, không hình ảnh, không lời lẽ.

Tuy không hình ảnh, không lời lẽ, nó vẫn rất là quan trọng. Chẳng hạn như trông vào vòng Dịch Tiên Thiên Bát Quái hay Lục Thập Tứ Quái, ta thấy nó tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, cho Hằng Cửu và Biến thiên, cho 2 chiều tiêu tức của vũ trụ, cho định luật vãng phản, tuần hoàn của Tạo Hóa, cho nguyên lý: tinh thần sinh vật chất, vật chất sinh tinh thần v.v...

 

KHÁI NIỆM

KÝ HIỆU

Bản Thể (Nhất thể)

Thái Cực

Vạn Tượng ,Vạn Hữu

Hào Quải

Bản Thể bất biến

Tâm điểm, hay Thái Cực ở giữa vòng Dịch

 Vạn Tượng biến thiên

Vòng Dịch 8 hay 64 quẻ bên ngoài

Chiều tiêu, chiều vãng

Nửa vòng Dịch phía phải

Chiều tức, chiều phản 

Nửa vòng Dịch phía trái

Vòng tuần hoàn

 

Từ Thái Cực, ra Cấu đến Khôn, rồi lại từ Phục đến Càn, đến Thái Cực.

Nguyên lý: Tinh thần sinh vật chất, vật chất sinh tinh thần 

 Càn          Khôn

 

Đối với Dịch, vũ trụ, Vạn Vật, Vạn Hữu chỉ là ảnh tượng, là bóng hình, là biểu dương của Tuyệt đối cũng như Hào Quải là ảnh tượng là bóng hình của Thái Cực.

Hệ Từ hạ truyện viết: Thị cố Dịch giả, tượng dã. Tượng dã giả, tượng dã.

Hóa cho nên Dịch là Tượng, mà tượng là hình ảnh vậy!

Mỗi Hào Quải chẳng qua là một trạng thái, một quá trình biến hóa của Bản Thể duy Nhất.

Dịch chủ trương dùng hai ký hiệu đơn giản là:

Âm               

Dương        

rồi chồng lên nhau thành 8 quẻ, 64 quẻ, sẽ có thể mô tả Vạn Vật, Vũ Trụ.

Leibniz nhận thấy chủ trương này chẳng có gì là sai quấy. [1] Leibniz đã dùng Khoa Nhị Nguyên Toán Thuật (Arithmétique binaire ou arithmétique dyadique) của Ông để giải Dịch, Ông mã lại Âm Dương và 64 quẻ Dịch theo toán thuật của Ông như sau:

Dương

= 1

Âm

= 0

Càn

= 111111

Khôn

= 000000

Cấu

= 011111

Bác

= 000001

Ngày nay khoa học đã mặc nhiên công nhận và áp dụng phương pháp của Dịch, trong các công cuộc truyền tín hiệu, truyền hình ảnh từ các vệ tinh về mặt đất, bởi vì các máy điện tử chỉ dùng có 2 ký hiệu là 0 và 1, xếp thành 64 nhóm, mỗi nhóm có 6 số.

Phương pháp như sau:

1. Chụp ảnh.

2. Phân ảnh ra thành 64 biến thái của màu sám. Mỗi một biến thái của màu sám được đổi sang thành 6 số ví dụ như sau:

110110 110011 010001 v.v...

3. Đánh các tín hiệu trên về trái đất.

4. Các máy điện tử ở dưới đất đổi các tín hiệu trên lại thành các biến thái màu sám.

5. Cuối cùng ta có các ảnh về hình thể của Mặt trăng hay của hành tinh như Hỏa tinh. [2]

Như vậy nói rằng Dịch dùng Âm Dương và 64 quẻ để tượng trưng Vạn Vật, không có ngoa vậy.

Tượng của Dịch có thể chia làm 2:

1. Văn là những nét vạch liền, đứt như ☰ ☷ ☲ ☵ để chỉ trời, đất, lửa, nước, v.v... 

2. Những ảnh tượng hữu hình cụ thể, như con gà con ngựa, con rồng, con nhạn, v.v...

Văn là những ký hiệu trừu tượng nhất, nhưng lại phổ quát nhất, hàm súc nhất, vì nó không qua trung gian từ ngữ.

Cho nên, nếu chủ tâm nghiên cứu các đồ Dịch các họa bản không lời của Dịch, ta có thể khám phá ra nhều định luật và rất nhiều quan niệm Chính xác về vũ trụ, về nhân sinh.

Chẳng hạn, ta có thể giải thích Thái Cực và Tứ Tượng:

Như sau: 

: Dương khí từ lòng đất vươn lên (Xuân) 

: Dương khí tới thời toàn thịnh, phát huy Vạn Vật biến hóa vạn sự (Hạ) 

: Âm khí thu liễm Vạn Vật (Thu) 

: Âm khí hàm tàng Vạn Vật (Đông) 

Bản Thể là nơi xuất sinh của Vạn Vật và nơi phản hoàn của Vạn Vật. 

Như vậy ký hiệu Thái Cực với Tứ Tượng đã diễn tả một cách hùng hồn lẽ biến hằng của vũ trụ, cũng như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của trời đất của cuộc đời và của niên canh.

Những ký hiệu và những cách sắp xếp nói trên cũng cho ta thấy: vạn sự, Vạn Vật có thể có khí chất ngược nhau ( , ) có nhiều hướng trái nhau ( , ), hoặc lịch sử con người sẽ qua hai chiều hướng ngoại, hướng nội, từ tinh thần tiến dần ra vật chất, rồi lại từ vật chất tiến dần về tinh thần v.v... [3]

2. Ít nhiều chi tiết về Tượng Học

Dịch dùng rất nhiều ảnh tượng làm lợi khí diễn tả tư tưởng, làm phương tiện giáo hóa.

Từ người, đến vật, đến dụng cụ, đến sông núi, mây mưa, sấm chớp, lửa nước, nhất nhất cái gì cũng có thể trở nên hình ảnh, nên tượng trưng đối với Dịch.

Những hình ảnh ấy thực đa đoan, sự xuất hiện của chúng nhiều khi rất là kỳ bí, không biết tại duyên do nào. Nếu ta không đặt vấn đề vì đâu Dịch lại có những hình ảnh ấy, những lời lẽ ấy, thì học Dịch cũng không mấy khó khăn. Nhưng nếu ta tìm hiểu vì đâu có những hình ảnh này, hình ảnh nọ trong các Hào Quải, thì Kinh Dịch trở nên những bài thai đố nan giải.

Về vấn đề này, có thể chia các nhà bình giải Dịch thành ba phái.

1. Phái thứ nhất, trong đó có Hán Nho, cho rằng cần phải hiểu Tượng, phải hiểu duyên do đã phát sinh ra các ảnh tượng dùng trong Hào, Quải thì mới có thể hiểu thấu Dịch được. [4]

Muốn đạt mục phiêu này họ đã dùng nhiều phương cách, như:

1. Dựa vào Thuyết quái.

2. Dựa vào các quẻ Hỗ thể.

3. Dựa vào các quẻ Bàng thông.

4. Dựa vào các quẻ Thác và quẻ Tống.

5. Dựa vào hình tượng mà toàn quẻ gợi nên.

6. Dựa vào đặc tính của mỗi quẻ.

7. Dựa vào các quẻ Phi, Phục.

8. Dựa vào các quẻ Biến.

9. Dựa vào phương pháp nạp giáp ngũ hành [5] v.v...

Thực là rất công phu, rất phiền toái, Trong những trang dưới đây sẽ bàn qua về một vài phương pháp kể trên.

2. Phái thứ hai, gồm những Học giả như Vương- Bật, chủ trương không cần phải lưu tâm đến ảnh tượng, mà chỉ cần hiểu nghĩa lý [6]

3. Phái thứ ba, gồm những Triết gia như Trình tử, như Chu Hi, chủ trương ảnh tượng là những phương thức, những thí dụ dùng để diễn đạt tư tưởng.

Tìm được duyên do, càng hay, không tìm được cũng chẳng quan hệ, không hơi sức nào mà làm công chuyện đáy bể mò kim, miễn sao mình hiểu được ý Dịch là đủ. [7]

Riêng tôi, tôi cũng thấy công cuộc đi tìm duyên do của các ảnh tượng nhiều khi chỉ làm cho óc chất mình thêm rốị loạn. Hơn nữa cũng chẳng có gì bảo đảm rằng đó chính là đường lối mà các tác giả Kinh Dịch xưa đã theo.

Tuy nhiên, ta cũng nên biết sơ qua về các phương pháp đi tìm duyên do của các ảnh tượng dùng trong mỗi quẻ, mỗi Hào. Những phương pháp ấy đại khái như sau:

 

1. Dựa vào những hình ảnh mà Thuyết quái đã gán cho tám quẻ chính.

Dùng các hình ảnh trên, ta có thể suy ra ảnh tượng của mỗi quẻ, cũng như sự tượng trưng của mỗi quẻ. Đại Tượng truyện trong Kinh Dịch đã dùng phương pháp này. Ví dụ quẻ Tiểu Súc trên có quẻ Tốn là gió, dưới có quẻ Càn là trời.

Đại Tượng truyện viết: «Phong hành thiên thượng Tiểu Súc.» 風 行 天 上 小 畜.

Ta thấy ngay rằng gió bay trên trời cao thì chẳng có sức nuôi dưỡng, chẳng ảnh hưởng đến Vạn Vật được là bao, vì thế gọi là Tiểu Súc (nuôi dưỡng ít)

Ví dụ: quẻ Lữ trên có Ly là lửa, dưới có Cấn là núi. Lửa cháy trên núi, là những đám cháy rừng lan rất mau lẹ, nên gọi là Lữ, y như người lữ thứ không có sở cư nhất định.

 

2. Nhân tính chất của quẻ, mà suy ra hình ảnh. Ví dụ:

- Quẻ Càn là quẻ thuần Dương, biến hóa, thì lấy con rồng mà tượng trưng.

- Quẻ Hàm nói về sự cảm thông, cảm xúc, thì dùng các phần mình như ngón chân cái, vế, đùi, gáy, má, cằm, mồm mà tượng trưng, vì các phần trong cơ thể đều có cảm giác [8]

- Quẻ Trung phu nói về trung tín, thì dùng lợn, cá, nhạn, gà. Theo Lai tri-Đức thì lợn, cá biết được gió nổi, nhạn biết được thu về, gà biết sáng mà gáy, không sai chệch vì thế dùng để tượng trưng sự trung tín [9]

- Quẻ Tiệm nói đến chim Hồng vì nó đến có kỳ, nó bay có hàng ngũ thứ tự, hơn nữa chim Hồng không lấy hai đời chim đực, nên hợp với lời Thoán từ của Văn Vương là gái về nhà chồng [10]

 

3. Dựa vào hình dáng quẻ mà suy ra ảnh tượng.

- Như ở quẻ Bác có một Dương ở trên, năm Âm ở dưới, thì nói đến nhà, đến giường, vì nhà có mái, giường có mặt na ná như hình quẻ Bác.

- Quẻ Đỉnh, gọi là Đỉnh vì các Hào được xếp như hình cái Đỉnh , Hào Sơ Lục là chân đỉnh, ba Hào Dương ở giữa là mình đỉnh, Hào Lục ngũ là tai đỉnh, Hào Thượng Cửu là nắp đỉnh.

 

4. Nhìn cơ cấu toàn quẻ, nhìn đại thể của sáu Hào, rồi tùy vị thứ Âm Dương mà qui nạp toàn quẻ về một trong tám quẻ chính.

Thể lệ như sau:

Hào Dương ở trên là tượng Cấn, Tốn.

Hào Dương ở dưới là tượng Chấn, Đoài.

Hào Dương ở giữa là tượng Khảm

Hào Âm ở giữa là tượng Ly.

Ví dụ: Ích có Hào Âm ở giữa, Hào Dương ở trên và dưới là tượng Ly , vì thế trong quẻ có đề cập đến con rùa (Rùa là 1 trong những tượng quẻ Ly trong Thuyết quái.) 

Như Đại Quá tượng Khảm nên nói đến cột. 

Như Di tượng Ly nên nói đến rùa v.v... [11]

 

5. Tìm xem quẻ Hỗ thể là quẻ gì để lập tượng.

Quẻ Hỗ thể là 2 quẻ sinh ra bởi các Hào thứ 2, 3, 4 hoặc thứ 3, 4, 5 của toàn quẻ.

- Ví dụ quẻ Bĩ  có hai quẻ Hỗ thể là quẻ Tốn (3, 4, 5), và Cấn (2, 3, 4) Tốn là lãnh đạm, Cấn là đình trệ. Tốn và Cấn hợp lại cũng thành quẻ Cổ cũng có nghĩa là đình đốn, đình trệ. Đã Bĩ là bế tắc rồi, mà lại còn thêm thờ ơ, đình đốn nữa thì thực nguy hiểm.

Ví dụ quẻ Tiệm  có hai quẻ Hỗ thể là Khảm (2, 3, 4) và Ly (3, 4, 5). Nơi Hào Cửu tam nói: Phụ dựng bất dục (đàn bà có chửa nhưng không nuôi được). Nói tới đàn bà chửa vì ở đây Khảm có 1 Hào dương ở giữa . Hào Cửu ngũ nói: «Phụ tam tuế bất dựng» 婦 三 歳 不 孕 (Đàn bà 3 năm không chửa). Nói không chửa ở đây vì Ly trung hư v.v... 

 

6. Lấy quẻ Thác (thác quái) hay quẻ Bàng thông mà thủ tượng.

Lai Tri Đức thì gọi là Thác quái. Ngu thị (Ngu Phiên) thì gọi là Bàng thông.

Bàng thông hay thác quái là những quẻ hoàn toàn đối nghịch nhau về phương diện Âm Dương như:

Kiền thác Khôn

Hằng  thác Ích

 Ví dụ: Ích Lục tứ có câu: «Trung hành cáo công tòng.» 中 行 告 公 從. Ngu thị chú: Trung hành 中 行 là nói về quẻ Chấn (ở bên quẻ Hằng có quẻ Chấn). Chấn có nghĩa là đi, là theo, nên nói «Trung hành cáo công tòng.» [12]

Đại súc Cửu nhị có câu: «Dư thoát phúc.» 輿 説 輹 (xe trút bánh).

Ngu thị giải: Đại súc  bàng thông Tụy .

Bên quẻ Tụy có Khôn mà Khôn là xe, là bánh xe.

Bên Đại súc có quẻ Càn thế là Khôn tiêu thành Càn vì thế dùng chữ thoát. [13]

Bác Thượng Cửu có câu: «Quân tử đắc dư.» 君 子 得 輿 (Quân tử được xe). 

Ngu thị giải: Bác bàng thông Quái .

Bên quẻ Quái có Càn là quân tử là đức.

Bên quẻ Bác có Khôn là xe. Càn vào Khôn nên nói Quân tử được xe [14]

Ngu thị đã dùng phương pháp này để giải Dịch [15]

 

7. Dùng quẻ Tống (Tống quái) mà thủ Tượng.

Lai Tri Đức gọi là Tống quái [16]

Song Kiếm xí gọi là Phúc quái [17]

Tống quái hay Phúc quái là quẻ lộn ngược trở lại ví dụ Cấn lộn lại thì thành Chấn .

Ví dụ: quẻ Tổn lộn lại thành quẻ Ích .

Hào Lục ngũ của quẻ Tổn, tức là Hào Lục nhị của quẻ Ích vì thế nên đều có câu: «Thập bằng chi qui phất khắc vi.» 十 朋 之 龜 弗 克 違 (mười cặp rùa cũng không ngăn lại được).

Quẻ Quái lộn lại thành quẻ Cấu Hào Cửu tứ của quẻ Quái tức là Hào Cửu tam của quẻ Cấu cho nên đều nói: «Đồn vô phu.» 臀 无 膚 (mông không da). v.v...[18]

 

8. Biến Hào để thủ Tượng 

Như nơi quẻ Độn Hào Lục nhị nói đến trâu mà không biết vì sao. Ta biến Hào Sơ thành Dương ta sẽ có , quẻ dưới sẽ là Ly ; Ly giữa có Khôn khí vì thế nói đến trâu [19]

 

9. Nạp Giáp để thủ Tượng.

Theo phương pháp này:

Càn Khôn nạp Giáp Ất

Cấn Đoài nạp Bính Đinh.

Khảm Ly nạp Mậu Kỷ

Chấn Tốn nạp Canh Tân

Càn Khôn lại nạp Nhâm Quí.

Nạp Giáp cốt đề tượng trưng sự qua lại của 2 vầng Nhật Nguyệt, sự thăng trầm của Âm Dương. Dùng phép Nạp Giáp ta sẽ hiểu ít nhiều câu trong Dịch.

Ví dụ: Quẻ Thái , Hào Lục ngũ có câu Đế Ất có chữ Ất vì Khôn nạp Ất. [20]

Quẻ Cách Hào Lục nhị có chữ Kỷ nhật, vì Ly nạp Kỷ.

Quẻ Cổ Thoán từ có chữ «Tiên Giáp tam nhật, Hậu Giáp tam nhật.» 先 甲 三 日, 後 甲 三 日.

Quẻ Cổ Bàng thông với quẻ Tùy , nếu ta cho biến Hào Sơ của quẻ Cổ, ta thấy quẻ Càn hiện ra, mà Càn thì nạp Giáp v.v...

Duyệt xét lại các phương pháp trên, ta thấy cổ nhân xưa đã tốn rất nhiều công phu, xoay xở trăm chiều để giải các Tượng Dịch, dẫu đôi khi ta không hoàn toàn đồng ý về sự hữu lý của cách giải thích, nhưng ta cũng phải nhận là tài tình. [21]


CHÚ THÍCH

[1] Năm 1713 Ông Bạch Tiến (Bouvet) gửi cho Leibniz một bộ Chu dịch và một đồ bản 64 quẻ Dịch.

Ông Bouvet giải thích rằng: Theo người Trung hoa, thì 64 quẻ là biểu tượng của Vạn Vật, Trời Đất.

Bouvet hỏi Leibniz xem lời giải thích nay có thích đáng hay không.

Leibniz nhân đó đặc biệt nghiên cứu Dịch và các quẻ.

[2]   110110110011010001111

000000000000001111111

111011001100100000100

Tel est l’aspect que présentaient les premiers instantanés de Mars et cela parce que Mariner IV ne pouvait transmettre à la Terre que des O et des 1. Mais des ordinateurs IBM ont aidé à les transformer en ces remarquables photographies des cratères martiens que l’oeil humain n’avait encore jamais apercus. — Sélection Décembre 1965 page 101.

... Chaque série de six O et l devint un élément d’information visuel qui fut ensuite transformé en une des 64 nuances de gris et l’ensemble de ces éléments donna une image. — Ib. 102.

[3] Dịch vĩ cho rằng:

Đời xưa đã biến văn thành chữ, biến khí thành Dịch, vẽ quẻ cho nên Tượng (Thượng cổ biến văn vi tự, biến khí vi Dịch, hoạch Quái vi Tượng... Dịch vĩ bát chủng quyển thượng trang 4b)

Dịch vĩ cho rằng: Bát quái chính là những nét gạch, những văn để thay chữ: ví dụ ☰ là chữ Thiên, ☷  là chữ Địa, ☴ là chữ Phong, ☶ là chữ Sơn, ☵ là chữ Thủy, ☲ là chữ Hỏa, ☳ là chữ Lôi, ☱ là chữ Trạch. — Ib. trang 5.

[4] Nhiên lưỡng Hán chư Nhu tất dục cứu kỳ sở tòng... 然 兩 漢 諸 儒 必 欲 究 其 所 從. — Chu tử Đại Toàn Văn, Lục thập thất - trang 1 và 2.

[5] Thị dĩ Hán Nhu cầu chi Thuyết Quái bất đắc, tắc toại tương dữ sáng vi Hỗ thể, Biến quái, Ngũ hành nạp Giáp, Phi phục chi pháp... 是 以 漢 儒 求 之 說 卦 不 得, 則 遂 相 與 創 為 互 體, 變 卦, 五 行 納 甲 飛 伏 之 法.— Ib trang 1 và 2.

[6] Vương Bật dĩ lai, trực dục suy kỳ sở dụng, tắc hựu sơ lược nhi vô cứ. 王 弼 以 來 直 欲 推 其 所 用, 則 又 初 略 而 無 據.— Chu Tử Đại Toàn Văn, Lục thập thất - trang 1 và 2.

[7] Trình Tử diệc viết: Lý vô hình dã, cố giả Tượng dĩ hiển nghĩa. 程 子 亦 曰 理 無 形 也, 故 假 象 以 顯 義. —Ib. 1 và 2.

[8] Cf. Dịch Kinh Lai Chú Đồ Giải quyển 1, trang 34.

[9] Đồn ngư tri phong, nhạn tri thu, kê tri đán, tam vật giai hữu tín, cố Trung phu thủ chi. 豚 魚 知 風, 雁 知 秋, 雞 知 旦, 三 物 皆 有 信, 故 中 孚 取 之. —Dịch Kinh Lai Chú Đồ Giải - quyển 1, trang 34.

[10] Tiệm nữ qui cát. 漸 女 歸 吉. Dịch - Quẻ Tiệm. Cf. Dịch Kinh Lai Tri Đức - quyển I, trang 34.

[11] Cf. Dịch Kinh Lai Chú đồ giải quyển 1, trang 45.

[12] Cf. Dịch Học Thảo Luận tập. Chương Ngu Thị Bàng Thông Nghĩa Cử Lệ - từ trang 7 đến trang 22.

Thí dụ trên ở, trang 20.

[13] Dịch Học Thảo Luận tập - trang 12.

[14] Ib. trang 10, 11.

[15] Xem Dịch Học Thảo Luận tập. Chương: Ngu Thị Bàng Thông Nghĩa Cử Lệ từ trang 7 đến, trang 22.

[16] Cf. Lai tri Đức - Dịch Kinh Lai Chú Đồ Giải - quyển 1, trang 36 và các trang 40 ,41, 42.

Cf. Dịch Kinh Tân Chứng - trang 4, 5, 6.

[17] Cf. Dịch Kinh Tân Chứng - trang 6.

[18] Cf. Dịch Kinh Tân Chứng - trang 6.

[19] Cf. Dịch Học Thảo Luận tập - trang 60.

[20] Cf. Dịch Học Thảo Luận tập.

[21] Trên đây chỉ là lược khảo về Tượng Học. Tôi không đi sâu thêm vào chi tiết.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6