DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK


Phần 3

VÔ CỰC LUẬN

Chương 1. Phi lộ

 

Đối với đại đa số quần chúng, Vô cực 無 極 là một danh từ xa vời, thường không gợi ra cho họ một ý niệm nào, y thức như đỉnh một non thần quanh năm có mây mù che lấp, không để cho cặp mắt thế nhân dòm hành được.[1]

Bàn về Vô cực cũng hết sức khó khăn, vì Vô cực mênh mông vô hạn, không thể nào lồng vào trong khuôn khổ ý niệm, từ ngữ, tượng hình.

Chúng ta chỉ có thể dùng thần trí lãnh hội Vô cực, chứ không thể dùng tâm tư suy cứu Vô cực.

Tất cả những ý niệm, những danh từ, những hình dung có liên quan tới Vô cực chỉ là những phương tiện eo hẹp giúp ta linh giác được Vô cực, chứ không phải là những ý niệm, những hình ảnh chính xác về Vô cực.

Có hiểu như vậy, người viết và người đọc mới thoát vòng tù túng của ý niệm, từ ngữ.

Chữ Vô cực đã xuất hiện từ lâu đời trong nền văn học và đạo giáo Trung Quốc.

Dịch Kinh không đề cập đến Vô cực; chỉ đề cập đến Thái cực 太 極. [2]

Trong thư tịch Nho giáo, chữ Vô cực phát tích từ thiên «Thái cực đồ thuyết» 太 極 圖 說 của Chu Liêm Khê.[3]

Chu Liêm Khê viết: «Vô cực nhi Thái cực» 無 極 而 太 極. Như vậy đối với Nho giáo, chung qui, Vô cực, Thái cực đều cũng là bản thể của vũ trụ, có khác nhau chăng là ở hai thế: ẩn, hiện.

Nói chung, thì Nho gia thường luận về Hữu, ít đề cập đến Vô. Ít đề cập, nhưng không phải không hay không biết. Vả lại, Vô vẫn trọng hơn Hữu, Vô thường áp dụng cho Trời, cho thần minh.

Trung Dung viết: «Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, chí hĩ.» 上天 之 載  無 聲 無 臭 至 矣.

Dịch Kinh viết: «Thần vô phương, nhi Dịch vô thể.» 神 無 方 而 易 無 體 [4]

Trái lại, chữ Vô cực, chữ Vô đã được dùng trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử [5] từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.

Các Đạo gia cũng thường đề cập đến Hư, Hư Vô, Không. [6]

Dẫu sao, Hư vô, Vô cực cũng là một quan niệm hết sức trọng đại đối với Á Châu. [7]

Vô cực, Hư vô đấy chính là Tuyệt đối bất khả thư nghị, chứ không phải là hư không, hu ảo như các sách giáo khoa thường lầm tưởng. [8]

Hiểu vấn đề Vô cực, Hư vô, ta sẽ vén được bức màn bí mật, từ bao lâu nay, đã bao trùm trên siêu hình học Á Châu, và tránh được những sự hiểu lầm, những lối giải thích ngây thơ, nông cạn.

Trong thiên khảo luận sau đây, tác giả sẽ dẫn chúng các nhà huyền học Đông Tây kim cổ để xiển minh rằng Vô cực hay Hư vô là quan niệm cao siêu nhất về Tuyệt đối thể, về Thượng Đế. [9]

Để cho vấn đề được sáng tỏ, và để cho độc giả dễ dàng theo dõi, xin lập thành một biểu nhất lãm ghi chú những cung cách, quan niệm, hình dung về Thượng Đế qua các triết học đạo giáo cổ kim [10] như sau:

CÁC QUAN NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ

Môn phái Quan niệm về Thượng Đế Danh hiệu Thượng Đế

Quan niệm của các nhà Huyền Học

Tuyệt đối thể vô ngã, bất khả tư nghị, vô thanh vô xú, vô trụ, vô phương sở

Vô Cực, Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn (Néant, Chaos, Vide)

Quan niệm của các nhà Huyền Học và các Triết gia

Tuyệt đối thể, Bản thể, Căn nguyên, Cùng đích của vũ trụ

Trung, Nhất, Thái Cực, Đạo (Principe, Logos, L'Un, Tout)

Quan niệm của các Đạo giáo

Tuyệt đối thể, Bản thể, Căn nguyên, Cùng đích của vũ trụ

Thượng Đế, Hoàng Thiên, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Thiên, Trời, Tạo Hóa, Chủ Tể (Dieu, Créateur, Roi, etc...)

Quan niệm của các Đạo giáo và quần chúng

Tuyệt đối thể được nhân cách hóa, nhân hình hóa; Thượng Đế có nhân hình, nhân dạng

Tạo hóa đành hanh

Trời già oan nghiệt

Nhìn vào đồ bản, ta thấy, đối với các bậc thượng trím thượng nhân, Thượng Đế càng ngày càng trở nên vô hình tướng, vô biên tế, bất khả tư nghị [11]; Ngược lại đối với quần chúng, Thượng Đế càng ngày càng trở nên hữu tình, hữu tướng, hữu hình, có tòa ngôi, có hành động, cũng yêu thương, hờn giận, ghen tuông, thù oán như con người. Đó là một công lệ có thể đem áp dụng vào bất kỳ đạo giáo nào.

Tác giả sẽ đi vào đề tài với một thái độ hết sức khách quan, không biện hộ cho một tôn giáo nào, mà chỉ muốn cùng độc giả đi tìm chân lý, trao lại cho độc giả những chìa khóa để mở các kho tàng tư tưởng Á Âu.

Bàn về Vô cực, về Thượng Đế, về Tuyệt đối bất khả tu nghị, tác giả sẽ dùng phương pháp đối chiếu. Tác giả sẽ so sánh các quan niệm, từ ngữ của các nhà đạo giáo. Sự so sánh này sẽ làm sáng tỏ những quan niệm huyền bí của Á Châu.

Tại sao, lại dựa vào các nhà Huyền học (mystiques)?

Vì các nhà huyền học, tức là các vị chân tu đắc đạo, là những người đã trực tiếp thông đạt được Thượng Đế.

Trong quyển «Studies in Mystical Religion», bác sĩ Rufus Jones định nghĩa huyền học như sau: «Huyền học là một loại tôn giáo chú trọng sự trực giác được mối liên lạc với Thượng Đế; đến sự nhận thức trực tiếp được sự hiện diện của Thượng Đế. Đó là tôn giáo tới giai đoạn cao siêu nhất, mãnh liệt nhất, sống động nhất». [12]

Thánh Thomas d'Aquin định nghĩa huyền học là sự nhận thức được Thượng Đế một cách sống động do kinh nghiệm bản thân. [13]

Bergson cũng đã dựa vào các nhà huyền học để nhận định là có Thượng Đế.

Ông cho rằng nếu ta chấp nhận các kết luận của các nhà khoa học về khoa học, thì ta phải chấp nhận các kết luận của các nhà huyền học về Thượng Đế. [14]

Tại sao lại khảo sát quan niệm của các vị đắc đạo của các đạo giáo?

Thưa: vì chân lý cần phải phổ quát, vượt tầm không gian, thời gian; vượt tầm các quốc gia và đạo giáo, vì chân lý là gia tài chung của nhân loại, chân lý phải là cái gì vĩnh cửu, phổ biến mọi nơi, mọi đời. [15]

Tại sao cần khảo sát các triết gia?

Thưa: vì triết gia là người mài miệt suy tư, cố công tìm hiểu, dám có những tư tưởng mới mẻ, tầm khuôn sáo xã hội.

Bergson nhận định: «Triết học không phải nguyên là sự phục hồi của thần trí, sự phối hợp giữa tâm thần với căn nguyên sáng tạo. Triết học còn nghiên cứu sự biến thiên tổng quát, sự tăng trưởng, diễn biến của chân lý và, như vậy, triết học chính là sự tăng bổ của khoa học». [16] Nhưng trong thiên khảo luận này tác giả không theo loại triết học phổ thông khoa cử. Nền triết học bí điển mật truyền cả Đông lẫn Tây lại chú trọng đến Vô hơn Hữu. [17]

Những từ ngữ, những quan niệm tương đồng giữa Đông và Tây phải chăng là ấn tín và là biểu hiệu cho chân lý hằng cửu phổ quát ? [18]

Tại sao phải dựa vào các sách thánh, các kinh điển đạo giáo ?

Bởi vì đó chính là tinh hoa nhân loại đã cô đọng nên nhời...

oOo

Trong công trình khảo cứu kinh Dịch, ta bắt chước tiền nhân bàn về Vô cực, Thái cực trước tiên, vì Vô cực tức là căn nguyên vũ trụ, là chủ chốt của Dịch Kinh.

Có biết rõ căn nguyên gốc gác, thì chúng ta mới suy luận được ra ngọn ngành.

Thế tức là, chúng ta xoay ngược vấn đề nhận thức: Muốn biết mình, muốn hiểu vũ trụ, trước tiên phải biết Trời, biết Thượng Đế.

Saint Martin viết: Ta chỉ có thể hiểu biết được chúng ta trong Thượng Đế và sự vinh quang ngài. [19]

Có lẽ, cũng vì thế mà Trung Dung đã viết: «Tư chi nhân bất khả dĩ bất tri Thiên.» [20]

Tạm dịch:

Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao ?

Chúng ta khảo cứu về Thượng Đế, nhưng không theo lối quần chúng, thường nhân mà theo đường các vị thánh hiền, cho nên sẽ không câu nệ hình thức, sắc tướng, mà toàn đề cập tới Tuyệt đối siêu việt, trừu tượng.

Sự khảo cứu này không phải là sự khảo cứu suông mà cốt chuyển hóa con người, minh tâm, đắc Đạo.

Thánh Thomas, trong một lúc xuất thần, gặp chúa Kitô tại Naples. Chúa hỏi ngài muốn được tưởng thưởng về công phu biên khảo về Thánh thể, ngài trả lời: «Chúa, xin cho con được Chúa». [21]

Ước gì đó cũng là nguyện ước và chí hướng của chúng ta trong công trình khảo cứu Dịch Kinh.


CHÚ THÍCH

[1] Cf. I Corinthiens 1, 14: L'homme psychique n'accueille pas ce qui est de l'Esprit de Dieu.

[2] Dịch Hệ từ thượng (Chương 11)

[3] Tống Nguyên học án quyển 12 Liêm Khê học án (hạ) Thái cực đồ thuyết trang 1, 2, 3.

...Vô cực nhi Thái cực 無 極 而 太 極.

...Lý bản vô hình, cố vị chi Vô cực. 理 本 無 形 故 謂 之 無 極.— (Ib. 1b)

...Tự Vô cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi chung thủy dã Tự vạn sự phản đáo Vô cực thượng, thánh nhân chi chung thủy dã. — (Ib. 2a)

[4] Dịch Hệ từ thượng, chương IV.

[5] Thường đức bất thắc,  Phục qui ư Vô cực. 常 徳 不 忒, 復 歸 於 無 極.— Lão Tử, Đạo Đức Kinh chương 28.

Thiên hạ vạn vật sinh ư Hữu, Hữu sinh ư Vô. 天 下 萬 物 生 於 有, 有 生 於 無.— Lão Tử, Đạo Đức Kinh chương 40.

[6] Xem các bộ sách:Tính Mệnh khuê chỉ, Đạo thư thập nhị chủng, Tính Mệnh Pháp Quyết minh chỉ v.v...

[7] Cf. Fong Yeou Lan, Précis d'histoire de la Philosophie chinoise, pages 43-44.

[8] Cf. Tự điển và danh từ triết học của Trần Văn Hiến Minh, nơi chữ Hư vô: Hư vô (nihil, néant), không có gì cả, hay có cũng như không.

[9] G.G. Scholem, Les grands courants de la mystique juive, page 369.

[10] Nhược tùy cơ thuận tục giả vi quyền vi thiển, nhược thanh bản, đạt nguyên giả vi thật vi thâm. Giáo chi dị như bách xuyên. Lý chi đồng giả như nhất thủy. Thuận tục chi giáo, bất quá hành ư nhất phương, cùng nguyên chi giáo nãi khả đốn ngộ vạn loại. Trí giả bất cuộc ư nhất phương, đạt giả biến hành ư vũ nội. Thị dĩ học nhân tại hồ phát phẫn lập chí, do thiển nhập thâm, tất cầu Lý chi cực trí. 若 隨 機 順 俗 者 為 權 為 淺, 若 清 本, 達 源 者 為 實 為 深. 教 之 異 如 百 川. 理 之 同 者 如 一 水. 順 俗 之 教 不 過 行 於 一 方, 窮 源 之 教 乃 可 頓 悟 萬 類. 智 者 不 局 於 一 方 達 者 變 行 於 宇 內. 是 以 學 人 在 乎 發 憤 立 志 由 淺 入 深 必 求 理 之 極 致. — Sao Kiểu Đỗng Chương quyển I trang 5.

[11] (The One is) alleged by mystics to be ineffable, incapable of being described in words etc...

Such phrases as «inexpressible», «unutterable», «beyond all expression» bespatter the writings of mystics all over the world... W.T. Stace, Mysticism and philosophy, p. 79.

...The God seeing man... can always enter, naked and unencumbered with images, into the inmost part of his spirit. There he finds revealed an Eternal Light...It(his spirit is undifferentiated and without distinction and therefore it feels nothing but the unity (Jan Van Ruysbroeck, 1293 1381). Ib. page 94.

[12] «Le Dr Rufus Jones, dans ses excellentes «Studies in mystical Religion» définit son sujet comme il suit:J'emploierai le mot pour exprimer le type de religion qui met l'accent sur l'intuition immédiate de la relation avec Dieu, sur la prise de conscience directe et intime de la Présence divine. C'est la religion à son stade le plus aigu, le plus intense et le plus vivant». G.G. Scholem, Les grands courants de la mystique juive, page 16.

[13] Thomas d'Aquin définit brièvement la mystique: «Cognitio Dei experimentalis», connaissance de Dieu par expérience. — G.G. Scholem, Les grands courants de la mystique juive, page 16.

[14] Des témoignages des mystiques, ces guides spirituels de l'humanité, le philosophe (Bergson) déduit l'existence de Dieu, car si nous acceptons les conceptions scientifiques des savants, nous devons de même admettre les opinions des mystiques sur la divinité. — Henri Bergson.

Cf. F. Tomlin, Les grands philosophes de l'Occident, page 265.

[15] Quod semper, quod ubique, quod ab omnibus. — Henri Gouhier, L'histoire et sa philosophie, trang 49.

[16] La philosophie n'est pas seulement le retour de l'esprit à lui même, la coincidence de la conscience humaine avec le principe vivant d'où elle émane, prise de contact avec l'effort créateur. Elle est l'approfondissement du devenir en général, l'évolutionnisme du vrai, et par conséquent la vrai prolongement de la science. -- Bergson, L'évolution créatice, page 339. -- Tomlin, Les grands philosophes de l'occident, page 263.

[17] Ainsi quand Aristote envisageait la métaphysique comme la connaissance de l'être en tant qu'être, l'identifiait à l'ontologie, c'est à dire qu'il prenait la partie pour le tout. Pour la métaphysique orientale, l'être pur n'est pas le premier ni le plus universel des principes, car il est déjà une détermination; il faut donc aller au delà de l'être, et c'est même là ce qui importe le plus. — René Guénon, La métaphysique orientale, page 10.

[18] Ce sont seulement les formes extérieures dont elle est revêtue pour les nécessités d'une exposition, pour en exprimer ce qui est exprimable, ce sont ces formes qui peuvent être soit orientales soit occidentales. Mais sous leur diversité, c'est un fond identique qui se retrouve partout et toujour partout du moins où il y a de la métaphysique vraie, et cela pour la simple raison que la vérité est une. — René Guénon, La métaphysique orientale, page 4.

[19] Nous ne pouvons nous lire que dans Dieu lui même, et nous comprendre que dans sa propre splendeur. — Saint Martin, Ecce Homo page 18. Tableau naturel agenl

[20] Trung Dung Chương XX.

[21] Interrogé par le Christ en une célèbre vision de Naples sur le prix de ses peines et de son labeur concernant l'Eucharistie, il répondit: «Vous même Seigneur».

L. Jugnel, Pour connaître la pensée de Saint Thomas d'Aquin, page 13.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK