DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK


Phần 3

VÔ CỰC LUẬN

Chương 4. Những hậu quả của quan niệm Vô Cực

 

Thuyết Vô Cực nay đưa ra những hậu quả hết sức quan trọng:

1. Người Á Châu đề cập tới Vô Cực, tới Hư vô tức là tới Thượng Đế vô hình tượng bất khả tư nghị, tới Tuyệt đối thể vô gián, vô hình, vô tượng.

Người Âu Châu ngoại trừ một số triết gia lỗi lạc một số học giả uyên thâm, phần đông không hiểu biết gì về Vô Cực, về Hư vô, nên không thế nào hiểu được các thánh hiền Đông Á, ngược lại họ cho người Á Châu không hiểu biết gì về Thượng Đế, về siêu hình Đó là một lỗi lầm hết sức lớn lao của các học giả chuyên nghiệp Âu Châu, lỗi lầm mà các nhà tư tưởng lỗi lạc Âu Châu như G.G. Jung, René Guénon đã nhận định thấy.

2. Nói tới Vô Cực, tức là chỉ nguyên nói tới Thượng Đế khi chưa có van vật vạn hữu, tức là mới bàn đến tiên thiên (avant la manifestation), chưa bàn đến hậu thiên (après la manifestation) ([1])

3. Những vấn đề triết học và đạo giáo được nêu ra sẽ là:

a) Nếu Vô Cực là Hư vô, vô gián vô phương vô hình tướng, thì làm sao tạo thành vũ trụ, vạn vật, hữu hình hữu tướng.

b) Sau khi tạo thành vạn hữu thì Vô Cực tăng giảm ra sao?

c) Vạn hữu liên quan thế nào đến Vô Cực.

d) Định mệnh vạn hữu và con người sẽ ra sao?

e) Như vậy là sẽ phải đề cập đến những vấn đề:

 Căn nguyên của vũ trụ.

 Biến hóa của vũ trụ.

 Cùng đích của vũ trụ.

4. Từ Vô Cực ra tới vạn hữu có một trung gian là Thái Cực.

Thái Cực tức là Đạo, là Logos, là «Ngôi Hai» theo danh từ các triết học, các đạo giáo Tây phương.

Thái Cực được gọi là Trung gian.

Vì Thái Cực là sự hiển dương của Vô Cực.

Vì Thái Cực sẽ phát sinh ra vạn hữu, sẽ lồng trong vạn hữu, như vậy vạn hữu lại là sự hiển dương phân hóa của Thái Cực.

Thái Cực, vì lồng trong vạn hữu, nên y như đã tự giới hạn mình vào trong khuôn khổ vũ trụ không gian thời gian; vả lại hiển dương tức là đã chịu một giới hạn nào.

Thay vì đề cập ngay tới những cung cách Vô Cực, Thái Cực sinh hóa ra vạn hữu ta tiếp tục lý luận trên bình diện lý thuyết:

a) Nếu Vô Cực là vô gián (continu), thì dẫu có vũ trụ, hay không có vũ trụ, Vô Cực cũng không thể nào tăng giảm được gì.

Vô cục tất nhiên vô thủy chung.

Mà khi đã có vũ trụ vạn vật rồi, những hình hài, sắc tướng cũng không ngăn chặn qua phân được Vô Cực.

Thành thử Vô hạn, Vô Cực, vừa ở trong, vừa ở ngoài Hữu hạn

Vô hạn y như là một trùng dương, mà hữu hạn như là những làn sóng nhấp nhô, trên mặt. [2]

Các khoa học gia đã bắt đầu nhận thức được thực thể siêu vi, vô hạn ấy. [3]

Các nhà huyền học suy luận thêm rằng: nếu Vô Cực là vô gián, trường tồn bất biến và là căn để muôn loài, thì dĩ nhiên có tôi rồi, hay chưa có tôi, Vô Cực ấy vẫn nguyên vẹn.

Như vậy trong người chúng ta có một nguyên thể bất biến. Dưới lớp lang hình hài, tâm trí của ta có một thực thể siêu vi, vĩnh cửu, vô biên. Các nhà huyền học gọi đó là Bản lai diện mục.

Lại nữa vũ trụ vạn hữu không thể là những hữu thể khác biệt với Vô Cực, với Thượng Đế, với bản thể tuyệt đối được, chẳng vậy Tuyệt đối sẽ trở thành tương đối; vô biên, vô gián sẽ trở thành hữu hạn, gián cách.

Cho nên vạn hữu chỉ có thể là những hiện tượng của Thượng Đế, vũ trụ là hiện thân của Thượng Đế. [4]

Sự vô biên tế của Thượng Đế đã được vua David ca tụng trong thánh vịnh 139 như sau:

«Thần trí Chúa ai mà trốn khỏi

 Lánh mặt người biết tới nơi đâu ?

 Lên trời gặp Chúa trên cao.

 Xuống mồ gặp Chúa dưới sâu đất dày.

 Mượn hừng đông cánh bay khoảnh khắc,

 Tôi tới miền xa lắc biển khơi,

 Nơi đây vẫn Chúa đưa tôi,

 Bàn tay hữu Chúa nắm người tôi liên.

 Dù tôi gọi bóng đêm hãy đến,

 Phủ vây tôi ngày biến thành đêm.

 Chúa trong u tối rõ nhìn,

 Ban đêm sáng tỏ như in ban ngày...» [5]

Thượng Đế cũng phán: «Ta không tràn ngập đất trời sao?» [6]

Sách Minh triết chép: «Thần linh Thiên chúa chứa đày không gian, và đấng thống nhất muôn vật thấu suốt mọi sự con người nói.» [7]

Jacob Boehme cũng chủ trương vạn hữu chẳng qua chỉ là biểu tượng của Thượng Đế, và Thượng Đế tràn ngập vũ trụ. [8]

Cho nên Vô Cực, Hư vô là Thượng Đế bất khả tư nghị, là nguồn gốc muôn vật. Vạn tượng, vạn hữu luân lưu trên giòng biến thiên chuyển vận không phải là lung tung vô chiều hướng, mà chính là để phục hồi nguyên bản.

Dịch Kinh viết: «Nguyên thủy phản chung» [9] «Nguyên thủy sẽ trở thành cùng đích» là vì vậy.

Nếu nguyên thủy đã là Vô Cực là Trời, thì cùng đích cũng lại là Trời là Vô Cực. Đó là vòng tuần hoàn vô biên, biến dịch của Tạo hóa và của vũ trụ.

Các nhà huyền học từ Đông sang Tây đều đồng thanh ghi nhận con người phải tìm ra căn để tâm hồn mình và cần phải tu luyện để trở về kết hợp với Hư vô với Thượng Đế vô hình tích.

Niềm tin, cũng như lòng nguyện ước của các thánh hiền đạo Lão là:

Phục qui Vô Cực [10]

Luyện thần hoàn Hư [11]

Đạo Đức Kinh viết:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên

Hoàn bản nguyên qui nguyên phục mệnh

Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng [12]

Sách «Tứ bách tự giải» có câu: «Đả phá Hỗn độn, khiêu nhập Hư vô.» [13]

«Phanh phui Hỗn độn, băng chừng Hư vô» cũng không ngoài ý đó.

Chu Liêm Khê viết: «Từ Vô Cực mà suy luận tới vạn vật tức là suy luận ra đầu đuôi của trời đất. Từ vạn tượng suy ngược Vô Cực, tức là đầu đuôi của thánh nhân.» [14]

Các nhà Huyền học nhờ suy luận về Vô Cực vô trụ, vô biên tế nên đã giác ngộ.

Kinh Kim Cương viết: «Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.» [15] (Tìm nơi không dựa nương mà sinh tâm).

Thưa đó là Bản thể tuyệt đối, là Thượng Đế. Câu trên có thể giải nôm na là phải biết sống kết hợp với Tuyệt đối thể, mới được trường tồn.

Lục tổ Huệ Năng nhờ nghe câu này mà giác ngộ. (Xem Pháp bảo đàn kinh Tự tư Phẩm đệ nhất, Kinh Kim Cương chương X.)

Các nhà huyền học tìm ra Vô Cực trong thâm tâm bằng lý luận sau: Vô Cực là vô gián, mà tư tưởng ta thì gián đoạn; nhưng gián đoạn phải dựa vào vô gián mới có thể phát sinh, vì vậy Vô Cực phải nằm sẵn trong tâm khảm ta. Ta có thể thấy Vô Cực vô gián vô sai biệt ấy trong những khi ta không có tư tưởng gì trong tâm tư, hay trong những khi tư tưởng này đã ngừng và tư tưởng kia chưa hiện.

Vô Cực vô gián vô sai biệt ấy chính là Bản lai diện mục, Chân như bản tính hay Bản nguyên tự tính của các nhà huyền học Phật giáo. [16]

Thần Hội tìm ra Tuyệt đối trong thâm tâm nhờ nhận định sau đây: Có tư tưởng tức là đã nhập vòng sinh diệt, hình thức sắc tướng, nhưng tư tưởng ta sinh ra là do tuyệt đối thể, mà tuyệt đối thể ấy luôn im lìm bất động, dù cho ta có hoạt động, có suy tư đến bao nhiêu cũng vậy. Thế tức là Vô niệm là căn nguyên cho hữu niệm. [17] Tìm ra được Vô niệm tức là tìm ra được bản tâm, bản tính, tìm ra được Vô Cực, được Tuyệt đối. [18]

Hành Dương đạo nhân viết trong quyển Thượng phẩm đơn pháp đại khái như sau: Các quan năng ta đều do một căn nguyên trong người sinh xuất, căn nguyên ấy chính là ngọc châu vô giá, tìm đức căn nguyên ấy là quay trở được về Hư vô. [19]

Ta có thể vẽ như sau:

Công phu tu luyện của tiền nhân, tuy có những danh từ đa đoan khác biệt như: Nội quan (Lão), Phản chiếu (Lão), Tri chỉ (Nho), Quan tâm (Thích).

Nhưng mục đích vẫn là vượt khỏi cái tâm tri giác để trở về «thiên địa chi tâm», về nơi phát xuất ra tinh thần vật chất, tâm trí, hình hài; trở về bản thể vũ trụ. [20] Các nhà huyền học Hồi Giáo cho rằng thánh nhân phải biết tẩy trừ hết mọi trần cấu, mọi niệm lự, để tâm hồn chỉ cờn hàm tàng nguyên có Thiên chúa bên trong. [21]

Eckhart cho rằng nếu tẩy trừ nhân vi, nhân tạo, thì thiên chân hiện ra sáng quắc, sáng ngời. [22]

Thánh Jean de la Croix mô tả con đường thánh, thiện tuyệt hảo đưa tới Thượng Đế toàn bằng chữ Hư vô, Hư không. Ngài viết: «Từ khi tôi ở trong Không, tôi không còn thiếu gì hết.» [23]

Vì hiểu Vô Cực, Hư vô là bản thể căn nguyên vũ trụ các nhà Huyền học chú trọng đến công trình trở về nguồn gốc.

Các ngài gọi thế là: Phục thần hoàn Hư, Phục qui Vô Cực, Qui nguyên Phản Bản, v.v..

«Hoàn Hư, Phản Bản» suy ra là tìm lại được bản thể chân thực của mình [24], sống đời sống của Hóa công. [25] Tóm lại hiểu Vô Cực tức là hiểu căn nguyên vũ trụ, và con người. Tìm được căn nguyên vũ trụ và con người, sẽ tìm ra được con đường phản hoàn nguyên thể. [26]

Tổng kết lại: Vô Sắc Tướng sinh ra Hình Thức Sắc Tướng; Hình Thức Sắc Tướng đảo ngược lại sẽ thành thế Phản Hoàn Hồi Phục, chung qui vẫn là phải rũ bỏ hết mọi sự giả tạo hình thức bên ngoài mới tìm ra được Chân Thể. [27]

Cuối thiên khảo luận này, tưởng chỉ nên suy nghĩ ý tứ thâm trầm của điển tích «Tượng Võng Đắc Huyền Châu» của Nam hoa kinh. [28]


CHÚ THÍCH

[1] L' Advaitiste dit:  Tout n'est il pas Brahman quand le nom et la forme ont été enlevés? Vivekananda Les yogas pratiques, page 219.

[2] Hiện tượng chi ngã dữ bản thể chi Phật, do chi thủy dữ ba. ... Cái ba tắc hữu sinh diệt thủy chung, nhi thủy tắc vô thủy vô chung dã. Vũ trụ chi hiện tượng hữu sinh diệt, hữu thủy chung, nhiên kỳ bản thể tác bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm. Thử bản thể vị chi Chân Như, hiện tượng vị chi vạn pháp. 現 相 之 我 與 本 體 之 佛 猶 如 水 與 波 .... 蓋 波 則 有 生 滅 始 終, 而 水 則 無 始 無 終 也. 宇 宙 之 現 相 有 生 滅, 有 始 終, 然 其 本 體 則 不 生 不 滅 不 曾 不 減. 此 本 體 謂 之 真 如, 現 相 謂 之 萬 法. — Leon Wieger HCROPC, pages 546 - 548.

[3] La science la plus sérieuse la physique, arrive à la conclusion que le réel du savant n'est qu'une mince pellicule qui recouvre la vraie réalité. Les vagues ne sont pas l'océan, mais l'océan existe.

Le professeur Wheeler, dans son ouvrage Topics of modern physics, montre que le véritable océan, la réalité essentielle, est composé de tourbillons extrêmement petits et de dimensions différentes. Ces tourbillons sont tous plus petits qu'une longueur d'onde fondamentale. —  L: 1, 6            (10 to negative 33 power) cm

... Ce monde des tourbillions qui constitue le véritable réel porte des noms divers suivant les savants qui l'ont étudié. On peut l'appeler à volonté «océan de Dirac», «milieu subquantique» de Louis de Broglie, Bohn et Vigier, «espace topologique spécial « de Wheeler Planète No 19, page 48.

[4] Corpus symbolicum. — Cf. G.G. Scholem, Les grands courants de la mystique juive, page 40.

[5] Cf. Thánh Vịnh toàn tập (Mai Lân) trang 288.

            Où vais je loin de ton esprit,

            Où fuirai je loin de la face !

            Si j'escalade les cieux, tu es là,

            Qu'au schéol je me couche, te voici ;

            Je prends les ailes de l'aurore,

            Je me loge au plue loin de la mer

            Même là, ta main me conduit,

            Ta droite me saisit.

            Je dirai: «Que me couvre la ténèbre

            Que la lumière sur moi se fasse nuit»

            Mais la ténèbre n'est point ténèbre

            Et la nuit comme le jour illumine

(Bible de Jérusalem p. 78)       

[6] Est ce que le ciel et la terre, je ne les remplis pas ? Oracle de Yahvé. — Jérémie 23, 24.

[7] Cf. Gerard Gagnon Triết minh thánh kinh Minh triết I, 7

... L'esprit du Seigneur en effet remplit l'Univers, et lui, qui tient unies toutes choses, sait tout ce qui se dit.

Le livre de la Sagese 1, 7

La Bible de Jérusalem page 870.

[8] Jacob Boehme, Mysterium Magnum, pages 49-50

Jacob Boehme, Mysterium Magnum, 142.

[9] Nguyên thủy yếu chung. 原 始 要 終.— Dịch Hệ từ hạ chương IX.

[10] Phục qui ư Vô cực. 復 歸 無 極 .— Lão tử Đạo Đức Kinh chương 28.

[11] Cf. Tính mệnh pháp quyết quyển 4 trang 3.

[12] Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 16.

[13] Cf. Tứ bách tự giải trang 86.

[14] Tự Vô cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi chung thủy dã. Tự vạn sự phản đáo Vô cực thượng, thánh nhân chi chung thủy dã. 自 無 極 說 到 萬 物 上, 天 地 之 終 始 也. 自 萬 事 反 到 無 極 上 聖 人 之 終 始 也 .— Tống Nguyên học Án quyển 12 Liêm Khê học án (hạ). Thái cực đồ thuyết trang 2a.

[16] Cố tri vạn pháp tận tại tự tâm trung, đốn kiến Chân như bản tính. 故 知 萬 法 盡 在 自 心 中, 頓 見 真 如 本 性. — Pháp Bảo đàn kinh trang 15a.

[17] Jacques Gernet, Entretien du Maître de Dhyana Chen Houei du Ho Tso (668 - 760)

[18] Lorsqu'on voit l'absence de pensée, on est maître de toutes choses, lorsqu'on voit l'absence de pensée, on embrasse toutes choses (Notes 17)

Jacques Gernet, Entretiens du maître de Dhyana Chen Houei du Ho Tso (668 - 760)

            ...Tiên lập vô niệm vi thể, vô tướng vi thể, vô trụ vi bản.

Pháp bảo đàn kinh Diệu hạnh phẩm 24b.

            ... Ư chư cảnh thượng tâm bất nhiễm viết vô niệm.

Ibid. 25a.

[19] Cổ nhân vân: Hữu nhất bảo châu bế tại hình sơn. Thù bất tri thử nhất bảo châu tức tại lục căn môn trung; thời thời phóng đại quang minh. Nhân đa bất ngộ, sở dĩ hư sinh lãng tử. Ngô kim chỉ xuất lộ đầu hiển nhiên minh bạch. Nhân thân tuy hữu lục căn tổng tòng nhất căn sở phát. Cơ yếu duy thị tam nguyên hỗn nhất, tứ tượng hợp hòa, qui vu Hư vô. 古 人 云: 有 一 寶 珠 閉 在 形 山. 殊 不 知 此 一 寶 珠 即 在 六 根 門 中; 時 時 放 大 光 明. 人 多 不 悟 所 以 虛 生 浪 死 . 吾 今 指 出 路 頭 顯 然 明 白. 人 身 雖 有 六 根 總 從 一 根 所 發. 機 要 惟 是 三 元 混 一, 四 象 合 和, 歸 于 虛 無 . — Thượng phẩm đơn pháp, trang 2b, 3a.

[20] Thánh thánh tương truyền bất ly phản chiếu. Khổng vân tri chỉ. Thích hiệu quan tâm, Lão vân nội quan. Giai thử pháp dã. ... Phản giả: tự tri giác chi tâm phản hồ hình thần vị triệu chi sơ, tức ngô lục xích chi trung, phản cầu cá thiên địa vị sinh chi thể... 聖 聖 相 傳, 反照. 知 止. 釋 號 觀 , 觀 . . ... : , 則 , 返 . Thái nhất kim hoa tông chỉ, trang 5.

[21] L'indice du sage est d'être vidé (du souci) de ce monde et de l'autre... et de n'être occupé que de Dieu seul». — Cf. Louis Massignon, Essai sur les origines du Lexique technique de la mysstique musulmane p. 310.

[22] Maître Eckhart Traîtés et Sermon p.108.

[23] Ib. page 4.

[24] Reditio completa ad propriam essentiam (retour complet à l'essence propre: trở về tinh hoa bản thể). —  Cf. Revue des Sciences philosophiques et théologiques tome XIIV Juillet 1960 page 409.

[25] (Cet état final) c'est le retour à notre origine...

«... Jonayd explique ce mot de retour à notre origine» par l'accès à la vie même du Créateur.

Louis Massignon MM. page 307.

[26] Moi, Yahvé qui suis le premier et serai avec les derniers (Isaie 41 4)

[27] Tout ce qu'il y a de plus élevé, de meilleur dans la création, recouvre et décolore en nous l'image de Dieu. «Enlevez la rouille de l'argent, dit Salomon, et alors luit et brille le vase le plus pur, l'image de Dieu dans l'âme. Maître Eckhart Traités et Sermons page 108.

[28] Hoàng đế du hồ Xích thủy chi bắc... di kỳ huyền châu... Nãi sử Tượng Võng. Tượng Võng đắc chi. 黃 帝 遊 乎 赤 水 之 北 ... 遺 其 玄 珠... 乃 使 象 罔. 象 罔 得 之. Ý nói: con người muốn tìm ra được Thượng Đế, được Tuyệt đối thể, phải biết siêu xuất lên trên mọi ý tình, hình thức, sắc tướng...

Nam Hoa Kinh NDC Chương XII Thiên địa p. 601


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4 | phụ lục 1  2  | STK