DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 7

ÂM DƯƠNG

Chương 3. Quan niệm Âm Dương

 

Quan niệm Âm Dương thoạt nhìn thì giản dị, nhưng càng suy khảo càng thấy khúc mắc, khó khăn.

Cho nên, muốn hiểu rõ Âm Dương, ta sẽ khảo cứu Âm Dương dưới nhiều khía cạnh.

1. Ta có thể coi Âm Dương không phải là hai thực thể riêng rẽ đối lập, mà chỉ là hai chiều hai mặt của một Thực thể duy nhất.

2. Ta cũng có thể coi Âm Dương như hai thực thể riêng rẽ có nhiều loại tác dụng trên nhau.

3. Ta có thể khảo Âm Dương trên phương diện Tiên Thiên.

4. Ta có thể khảo Âm Dương trên phương diện Hậu Thiên. Mỗi quan điểm, mỗi khía cạnh nói trên sẽ cho ta những nhận định khác nhau về Âm Dương.

 

1. Âm Dương, hai chiều hai mặt của một thực thể duy nhất

Nếu ta khảo sát Âm Dương trên giòng biến Dịch chuyển hóa, thì ta có thể coi Âm Dương như là hai chiều, hai mặt của một thực thể duy nhất. [1]

Chu Hi viết: Âm Dương tuy là hai chữ, nhưng lại chỉ là một Khí tăng giảm, một tiến một thoái, một sút một lớn; khi tiến thì là Dương, khi thoái thì là Âm; khi tăng trưởng thì là Dương, khi giảm thiểu thì là Âm. Chỉ nguyên có một Khí giảm hay tăng mà tạo nên muôn vạn sự trong trời đất từ xưa tới nay. Cho nên gọi Âm Dương là một cũng được, mà là hai cũng được. [2]

Gần đây bên phía trời tây, Teilhard de Chardin cũng viết: Vật chất và tinh thần không phải là hai thực thể, mà là hai trạng thái, hai phương diện của một Bản Thể vũ trụ, tùy như ta nhìn theo chiều sinh, hay chiều diệt, chiều tăng, hay chiều giảm. [3]

Trương Tải viết: Không có Hai đứng ra, thời Một không trình hiện, thời công dụng của Hai cũng chẳng còn. Hai thể là hư và thực, động và tĩnh, tụ và tán, thanh và trọc, nhưng suy cho cùng thì cũng là một vậy... Một vật mà hai thể là Khí. Một nên là Thần, Hai nên là Biến hóa. [4]Có Hai thì có Một, ấy là Thái Cực vậy... Một vật là hai thể, ấy gọi là Thái Cực ư? [5]

Như vậy đối với Trương Tải, thời Âm Dương chính là hai phương diện của một thực thể duy nhất. Chu liêm Khê viết: Vô Cực rồi Thái Cực. Thái Cực động nên sinh Dương, động cực rồi lại tĩnh; tĩnh nên sinh Âm. Tính cực rồi lại động trở lại. Một động, một tĩnh, làm căn cơ lẫn cho nhau; phân Âm, phân Dương, nên Lưỡng Nghi lập vậy. [6]

Tóm lại, chúng ta thấy rằng các Triết gia Trung Hoa không bao giờ cho rằng Âm Dương là hai thực thể riêng biệt thực sự, mà trái lại có liên lạc mật thiết với nhau, cái nọ có thể sinh ra cái kia, cái kia có thể biến thành cái nọ...

Dịch Kinh rất trọng Âm Dương. Đầu Thượng kinh để hai quẻ Kiền, Khôn. Đầu Hạ kinh để hai quẻ Hàm, Hằng.

Kiền, Khôn ở Thượng kinh còn tách rời nhau để định vị, để phân tôn ti.

Nhưng ở Hạ kinh, thời Sơn (Dương), Trạch (Âm) hòa hợp nhau (Sơn Trạch thông khí) để thành quẻ Hàm; Phong (Âm), Lôi (Dương) tăng cường lẫn nhau (Phong Lôi tương bác) để thành quẻ Hằng.

Ở Thượng kinh, Kiền, Khôn là khí hóa chi thủy (khí trời khí đất bắt đầu biến hóa) thời Thoán truyện quẻ Kiền lại có 4 chữ phẩm vật lưu hình.

Ở Hạ kinh, Hàm là hình hóa chi thủy (hình hài bắt đầu biến hóa) thời lại có 4 chữ nhị Khí cảm ứng. Ý muốn nói Hình và Khí, Âm và Dương không hề rời nhau.

Thoán truyện quẻ Kiền đề cập đến chữ Tính, Thoán truyện quẻ Hàm đề cập đến chữ Tình. Thoán truyện quẻ Phục nói đến Thiên địa chi tâm, Thoán truyện quẻ Hàm nói đến Nhân tâm.

Thế là Tính, Tình không hề rời xa nhau; Trời, Người chẳng hề xa nhau, Hình Khí chẳng hề xa nhau. Âm Dương có hòa hài, thì vạn vật mới sinh. Trong nhân quần, Âm Dương có hòa hài, thì nhân luân mới có cơ bền vững, xã hội mới có cơ thanh bình.

Ngoài vũ trụ, Âm Dương là Đất Trời; trong nhân quần Âm Dương là nam nữ. Vũ trụ là một từ trường bao la, nhân quần là một từ trường rộng lớn. Vạn vật hấp dẫn, cảm ứng nhau không ngừng, nên mới có được thế giới ngày nay.

Vạn vật cũng như con người không thể sống riêng rẽ, cũng không phải sinh ra để mà chống đối lẫn nhau, nhưng chính là để cộng tác, hòa hài cùng nhau.

Vì thế người xưa mới nói: Cô Âm tắc bất sinh, Cô Dương tắc bất trưởng, cố Thiên Địa phối dĩ Âm Dương. Nam dĩ nữ vi thất, nữ dĩ nam vi gia, cố nhân sinh ngẫu dĩ phu phụ. Âm Dương hòa nhi hậu vũ trạch giáng; phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành.

Tạm Dịch:

Cô Âm, không thể sản sinh,

Cô Dương, không thể hoa vinh, xương phồn.

Cho nên Trời Đất đôi đàng,

Hòa hài, chẳng có quải gàng khi nao.

Trai thời tìm gái tất giao,

Gái mong chắp nối tơ đào với trai. 

Cho nên từ có loài người,

Gái trai phối ngẫu, nên đôi vợ chồng.

Âm Dương, Trời Đất hòa đồng,

Rồi ra vũ trạch, non sông ơn nhờ,

Vợ chồng chắp nối duyên tơ,

Rồi ra gia đạo có cơ vững vàng.

Như vậy thời Dịch kinh cho rằng nhờ có khí Trời, khí Đất hòa hài, nên vạn vật mới có thể hóa sinh, trưởng dưỡng; nhân quần có hòa hài, thì xã hội mới có cơ thanh bình, thịnh trị.

Dịch chủ trương hòa hợp chứ không chủ trương chia ly; Dịch đề cao sự giao hòa, chứ không cổ súy sự mâu thuẫn, chống đối. Những mâu thuẫn mà ta tưởng là thấy có ở trong hoàn vũ này chỉ là những mâu thuẫn phiến diện, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một sự phân công, để mỗi đằng lo chu toàn về một phương diện, để lúc hòa hợp lại sẽ có một sự hoàn hảo toàn bích.

Thoán truyện quẻ Khuê viết:

Đất Trời đôi ngả phân phôi,

Nhưng mà công việc, thời thôi một vành.

Gái trai, đôi ngả phân trình,

Nhưng mà ý chí, tâm tình cảm thông.

Muôn loài, cách biệt giống giòng,

Nhưng mà công việc cũng không quải gàng.

Sự đời, ngang trái, dở dang,

Mà dùng nên chuyện, ấy trang hiền tài...

 

2. Âm Dương hai thực thể riêng rẽ có nhiều loại tác dụng trên nhau

Tuy nhiên, nếu ta tạm quên thời gian, tạm quên mọi cuộc biến hóa, thì ta thấy như Âm Dương là hai thực thể đối đãi nhau, tách biệt nhau, tuy vẫn có liên lạc với nhau về phương diện cơ cấu, cũng như về phương diện tác dụng.

Các Triết gia Trung Quốc đại khái cho rằng:

1/ Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

2/ Âm cực sinh Dương, Dương cực sinh Âm.

3/ Âm có thể biến thành Dương, Dương có thể biến thành Âm.

4/ Cô Dương bất sinh, Cô Âm bất hóa. Nói cách khác Âm Dương riêng rẽ, cô lập thì không làm nên công chuyện gì.

5/ Âm Dương phải tác dụng trên nhau mới sinh ra mọi cơ vi biến dịch.

Những tác dụng giữa Âm và Dương rất là đa đoan, phức tạp. Ta có thể ghi nhận ít nhiều hình thức tác dụng chính như sau:

1/ Tương thừa (invasion réciproque)

2/ Tương khắc (Antimonie ou antagonisme)

3/ Tương chế (Inhibition)

4/ Tương hóa (Catalyse réciproque)

5/ Tương thành (Réalisation réciproque)

6/ Kế tục luân phiên nhau (Alternance)

7/ Tương sinh (Génération réciproque)

8/ Tương hại (Destruction réciproque)

9/ Phản phúc (Bouleversement ou Révolution)

10/ Tương giao (Échange)

11/ Bất tương giao (Indifférence)

12/ Thắng (Dominance)

13/ Phụ (Récession)

14/ Tương đãng (Recouvrement réciproque)

15/ Phục (Latence)

16/ Khởi (Manifestation) v.v...

Cho nên, nếu chúng ta chỉ nói là Âm Dương mâu thuẫn chống đối nhau thì thiệt là thiếu sót; hoặc cô Âm, cô Dương (duy vật, duy linh) thì cũng hết sức chủ quan, không bao quát được hết thực tại...

Suy cho cùng, thì muốn hiểu về Âm Dương, phải hiểu nhẽ đối đãi trong Trời Đất.

Đối đãi là hai chiều, hai hướng, hai cực, hai trạng thái đối đỉnh, đối lập nhau. Vũ trụ này đã được xây dựng trên nền móng đối đãi.

Ngay Tuyệt đối cũng có đối đãi là Tương đối. Cho nên đã có Hằng thời có Biến; đã có khiếm khuyết tất thị phải có viên mãn; đã có Vật, thế tất phải có Thần; có gian lao thế tất phải có hạnh phúc...

Thế giới tương đối chúng ta này dĩ nhiên là tràn đầy những cặp đối đãi.

Chu Hi viết: Đông Tây, trên dưới, lạnh nóng ngày đêm, sống chết đều tương phản lại nhau, và sóng đôi với nhau. Trong Trời Đất, chưa từng có vật nào lại không có cái đứng sóng đôi với mình. [7]

Như trời sinh vật, không thể sinh một mình Âm, ắt là phải có Dương, không thể sinh một mình Dương, ắt phải có Âm, ấy đều là đối đãi cả. [8]

Như vậy, nếu hiểu nhẽ Âm Dương đối đãi cho rành rẽ, hễ đã biết một, tất sẽ biết hai, biết được một phương diện, sẽ suy ngược lại, mà tìm ra phương diện đối đãi, sau đó hợp nhất cả hai phương diện lại, sẽ tìm ra được bộ mặt thực của vật thể, của vũ trụ cũng như của con người...

 

3. Âm Dương trên phương diện Tiên Thiên

Người xưa đã phân biệt Âm Dương Tiên Thiên và Âm Dương Hậu Thiên. Dịch Kinh Đại Toàn nơi trang 38 có câu: Vô Cực chi tiền, Âm hàm Dương dã. Hữu tượng chi hậu, Dương phân Âm dã.

Ở trong Tiên Thiên thì Âm hàm Dương, như vậy tức là Dương ở trong, Âm ở ngoài.

Ở nơi Hậu Thiên, thì dĩ nhiên là cục diện sẽ đảo ngược: Dương sẽ ở ngoài mà Âm sẽ ở trong.

Dựa vào các đồ bản Dịch trong quyển Chu Dịch Xiển Chân của Lưu nhất Minh, nhất là đồ bản Tiên Thiên Viên Đồ thường thấy trong các sách Dịch, chúng ta có thể suy diễn về Âm Dương Tiên Thiên như sau:

Âm Dương sở dĩ sinh là do sự phân cực của một thực thể duy nhất.

Để dễ suy luận, ta hãy tưởng tượng thực thể duy nhất như một hình cầu. Như vậy sự phân cực sẽ có ba chiều hướng: Trong - Ngoài ; Trên - Dưới ; Tả - Hữu.

Nếu ta chấp nhận Trung Tâm Điểm của hình cầu nói trên như là nguồn gốc phát tiết ra ánh sáng và sự sống, nếu ta chấp nhận qui ước của Dịch lấy phía tả làm phía Đông, phía mặt trời mọc, phía ánh sáng; phía hữu làm phía Tây, phía mặt trời lặn, phía tối tăm; nếu ta chấp nhận khinh thanh thì bốc lên trên, trọng trọc thì lắng xuống dưới, ta sẽ gọi:

Phía trên, phía Tả, phía trong là Dương.

Phía dưới, phía Hữu, phía ngoài là Âm.

Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ trong ra ngoài là chiều Âm. Từ dưới lên trên, từ phải sang trái, từ ngoài vào trong là chiều Dương.

Như vậy ta thấy ngay được rằng cơ cấu vũ trụ cũng như cơ cấu con người, không có đồng đẳng ở mọi chiều hướng, mà trên dưới khác nhau, phải trái khác nhau, trong ngoài khác nhau, ngay trên bình diện cơ cấu và tổ chức.

Ở nơi con người, ta thấy một cách dễ dàng rằng tinh thần thời ở trên, ở trong, vật chất thời ở dưới, ở ngoài. Suy ra thì tinh thần phải qui tụ nơi đầu não con người...

Đi từ trong ra ngoài, là đi xa lìa Chân tâm, xa lìa Thượng Đế, để tiến về phía ngoại cảnh vật chất. Đó là đi theo chiều Âm, vì càng ngày tâm thần càng trở nên u tối, đối với những vấn đề siêu nhiên, thần bí; vì con người càng ngày càng trở nên thực tiễn, thực tế. Đó là những con người hướng ngoại, và tinh thần họ càng ngày càng tản mạn, phá tán. Họ sẽ chịu ảnh hưởng của lực ly tâm (force centrifuge).

Đi từ ngoài vào trong, là tiến từ vật chất trở ngược về tâm thần, để tìm về Chân tâm, tìm về Bản thể hằng cửu, tìm về Thượng Đế. Đó là chiều Dương, vì càng ngày tâm thần càng trở nên sáng suốt, dễ dàng lĩnh hội được các vấn đề siêu nhiên, vì con người càng ngày càng trở nên khinh khoát tiêu sái, lý tưởng. Đó là những con người hướng nội; họ sẽ chịu ảnh hưởng của định luật hướng tâm (force cetripète), nghĩa là tinh thần họ càng ngày càng được tập trung, càng được định tĩnh, trở nên vô trước, vô lậu.

Đi từ trong ra ngoài cũng y như đi từ các tầng trên xuống các tầng lớp dưới, đi từ trời xuống đất. Đó là trạng thái Âm càng ngày càng thắng Dương, và con người càng ngày càng trở nên sa đọa về tinh thần, tiến bộ về vật chất.

Đi từ ngoài vào trong, cũng y thức như đi từ các tầng lớp dưới lên các tầng lớp trên, đi từ đất lên trời, từ vật đến Thần. Đó là trạng thái Dương càng ngày càng thắng Âm, và con người càng ngày càng tinh tiến trên phương diện tinh thần, càng thoát ly vòng kiềm tỏa của vật chất.

Người thường cho Hữu là Dương, Tả là Âm, nguời tu đạo thì lại cho Tả là Dương, Hữu là Âm. Nguời tu đạo như vậy sẽ đi ngược với đường lối thế nhân. Cái gì thế nhân cho là hay là phải (Dương: phải, droit, dextre, right), thì người tu đạo lại cho là dở là trái (Âm: gauche, sinistre, left, trái).

Như vậy càng thấy rõ chuyện đời tất cả đều tương đối. Nhận định về Âm Dương như trên, tuy ngược với nhận định thông thường về Âm Dương, nhưng lại giúp ta tìm ra được những định luật thiên nhiên chi phối quá trình tiến hóa của cá nhân cũng như của nhân loại.

Ở nơi cá nhân, ta thấy từ bé cho đến lớn, cho tới khi đứng tuổi, khoảng 40-45, con người thường hướng ngoại. Khi ấy con người càng ngày càng xa lìa các giá trị tinh thần, để lăn mình vào đời sống thực tiễn và vật chất.

Nhưng khi mái tóc đã hoa râm, khi đã đứng tuổi, khi mà tâm sự đã bắt đầu ngả sang thu, thì con người lại bắt đầu chuyển hướng. Lúc ấy con người lại muốn đi tìm những giá trị tinh thần, lại muốn quay trở về lòng mình để mà tu tâm, luyện tính.

Vả lại, thể chất và tinh thần chúng ta thịnh suy, tiêu trưởng theo những nhịp điệu ngược nhau.

Thể chất mới bắt đầu thì yếu đuối, nhưng theo đà tuế nguyệt, sẽ nở nang, cường tráng mãi thêm ra cho tới một cực điểm và khoảng 40-45, sau đó dần dần lại suy vi tàn tạ cho tới khi chết.

Tinh thần thì ngược lại, càng nhỏ càng thanh tao càng hùng mạnh, nhưng theo đà thời gian, tinh thần một ngày một trở nên phôi pha, tản mạn, cho tới một cực độ vào khoảng 40-45. Sau đó, nếu như biết tu luyện, tâm thần sẽ có cơ phục sinh, và phát triển cho tới khi chết. Lúc chết, chính là lúc tinh thần phải lên tới cực điểm tinh hoa. Vì thế mà, khi muốn kỷ niệm các vị Thánh Hiền, người ta thường chọn ngày các ngài viên tịch, thành đạo...

Xét lịch sử nhân loại, từ khi có văn tự, văn hóa đến nay, ta thấy nhân loại tiến dần từ những trạng thái thần linh, đến những trạng thái vật chất.

Khi mà sinh hoạt vật chất bắt đầu thịnh, thì thiên hạ lại xúm vào chê bai những sinh hoạt tâm linh cho đó là mê tín, dị đoan, lạc hậu, lỗi thời... Lúc mà sinh hoạt tâm linh thịnh, thì mọi người đều khinh chê vật chất.

Trên đà tiến về vật chất ngoại cảnh, mỗi sự thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng tâm linh, thường được coi như là một thắng lợi, một tiến bộ. Nhưng kỳ thực, chặng đường từ tâm linh, tâm thần xuống tới vật chất, ngoại cảnh, phải được coi là một sự sa đọa, thoái hóa.

Sau này khi văn minh vật chất lên đến cực điểm, con người lại sẽ thật sự hoài vọng tinh thần, sẽ lại chuyển hướng về phía tâm linh và mỗi một hành động thoát ly khỏi sự kiềm tỏa vật chất, lại sẽ được coi là một sự vươn lên, một sự tiến bộ chân thực.

Âu cũng là câu chuyện nợ đồng lần...

Có một điều cũng nên ghi nhận là Âm luôn muốn tiến về Dương, Dương luôn muốn tiến về Âm. Vì thế mà, sống trong những tổ chức sinh hoạt tinh thần, con nguời thường mơ ước những lạc thú vật chất; sống trong những xã hội vật chất con người lại khao khát những lạc thú tinh thần.

Cũng vì thế mà khi còn trẻ, ta thường có những khuynh hướng vật chất, thế tục, hướng ngoại; đến lúc trở về già, ta lại có những khuynh hướng siêu nhiên, hướng nội...

 

4. Âm Dương trên phương diện Hậu Thiên

Bây giờ chúng ta hãy dở thư tịch Trung Hoa, xem họ nhận định về Âm Dương một cách thực tế, thực tiễn ra sao. Tạ vô Lượng viết: Dương là cứng, là mạnh, là con giai, là vua, là động, là sáng, là phía ngoài, là giãn, là Trời, là Kiền, là mặt trời, là Thần, là ngày, là con đực, là hiển.

Âm là mềm, là yếu, là con gái, là bầy tôi, là tĩnh, là tối, phía trong, là co, là đất, là Khôn, là mặt trăng, là Quỉ, là đêm, là con mái, là ẩn... [9]

Quỉ Cốc tử cho rằng: Dương là mở, là nói, là mọi điều hay như sống lâu, an lạc, phú quí, tôn vinh, hiển danh, đắc ý, hỉ dục v.v...

Âm là đóng, là yên lặng. Âm gồm mọi điều xấu như chết non, ưu hoạn, bần tiện, khổ nhục, vong lợi, thất ý, hình lục v.v... [10]

René Guénon, trong bài khảo luận của ông về Âm Dương, trong quyển La Grande Triade đã cho rằng:

Dương là tất cả những gì thuộc tinh thần, vì tinh thần và ánh sáng là một, còn Âm là tất cả những gì thuộc vật chất. Ông dùng từ ngữ Triết học mà cho rằng Dương là cái gì hiện hữu, Âm là cái gì tiềm ẩn. [11]

Đổng Trọng Thư, trong quyển Xuân Thu Phồn Lộ đã viết: Vật gì cũng phải có cái để hợp. Đã có hợp tức là có trên có dưới, có Tả có Hữu, có trước có sau, có trong có ngoài, có tốt có xấu, có thuận có nghịch, có vui có giận, có lạnh có nóng, có ngày có đêm, đó đều là hợp nhau vậy. Âm là để hợp với Dương, vợ là để hợp với chồng, con là để hợp với cha, tôi là để hợp với vua. Vật nào cũng có cái hợp, mà hợp là có Âm Dương... Vua là Dương, tôi là Âm; cha là Dương, con là Âm; chồng là Dương, vợ là Âm... [12]

Nhiệm Ứng Thu, trong quyển Âm Dương Ngũ Hành của ông xuất bản gần đây, tại lục địa Trung Quốc, đã nhận định về Âm Dương như sau:

Dương là một khái niệm hết sức rộng rãi, Dương là động, Âm là tĩnh; Dương là xướng, Âm là tùy; Dương là cương, Âm là nhu; Dương là ban phát, Âm là thâu nhận; Dương là thăng, Âm là giáng; Dương là trước, Âm là sau; Dương là trên, Âm là dưới; Dương là trái, Âm là phải. Tiến là Dương, thoái là Âm. Dương thời đi nhanh, Âm thời đi chậm v.v... [13]

Như vậy thì bất kỳ việc gì đã có đối đãi, lập tức có thể phân thành Âm Dương...

Tố Vấn cho rằng: Trong con người, thì ngoài là Dương, trong là Âm, bụng là Âm, lưng là Dương; tạng là Âm, phủ là Dương.

Cho nên Ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận đều thuộc Âm. Lục phủ: đởm, vị, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu đều thuộc Dương. [14]

Đối với Y học Trung Hoa, thì Dương chủ khí lực; Âm chủ huyết.

Các mạch nơi cổ tay phải đều thuộc Dương:

            Mạch Thốn : Phổi (Kim)

            Mạch Quan : Tì (Thổ)

            Mạch Xích : Thận hỏa (Hỏa)

Các mạch nơi cổ tay trái đều thuộc Âm:           

            Mạch Thốn : Tim (Hỏa)

            Mạch Quan : Gan (Mộc)

            Mạch Xích : Thận thủy (Thủy)

Người cũng chi làm ba hạng:

            Dương tạng

            Âm tạng

            Bình tạng

Dương tạng là những người có khí lực mạnh mẽ, da nóng, mặt mũi hớn hở, tóc đen rậm và tốt, tiếng nói to, hơi thở mạnh, ăn uống dễ tiêu, tính tình nóng nảy, sống lâu... [15]

Âm tạng là những người sợ lạnh, da mát và ướt, mặt mũi hơi xanh, tóc mềm, lông thưa, người mau mệt, tiếng nói yếu ớt, hay đày hơi, hay bị tiêu chảy, lộ hầu, thịt mềm nhẽo, tính tình trầm tĩnh, v.v...

Bình tạng là những người cả hai phương diện khí huyết đều mạnh ngang nhau. [16]


 CHÚ THÍCH

[1] Hữu vị thị nhất nguyên khí chi sở phát, nhi hiện vi nhị vật giả... Âm Dương nhược luận lưu hành để, tắc chỉ thị nhất cá... 有 謂 是 一 元 氣 之 所 發, 而 見 為 二 物 者 ... 陰 陽 若 論 流 行 底 則 只 是 一 個 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên thượng, đệ nhị chương, trang 35.

[2] Âm Dương tuy thị lưỡng cá tự, nhiên khước thị nhất khí chi tiêu tức, nhất tiến nhất thoái, nhất tiêu nhất trưởng; tiến xứ tiện thị Dương, thoái xứ tiện thị Âm; trưởng xứ tiện thị Dương, tiêu xứ tiện thị Âm. Chỉ thị giá nhất khí chi tiêu trưởng, tố xuất cổ kim thiên địa gian vô hạn sự lai. Sở dĩ Âm Dương tố nhất cá thuyết diệc đắc, tố lưỡng cá thuyết diệc đắc. 陰 陽 雖 是 兩 個 字, 然 卻 是 一 氣 消 息, 一 進 一 退, 一 消 一 長 , 進 處 便 是 陽, 消 處 便 是 陰. 只 是 這 一 氣 之 消 長, 做 出 古 今 天 地 間 無 限 事 來 . 所 以 陰 陽 做 一 個 說 亦 得 . 做 兩 個 說 亦 得 — Chu Hi, Toàn thư, Lý khí Âm Dương thuyết.

[3] Matière et esprit non point deux choses, mais deux états, deux faces d'une même étoffe cosmique suivant qu'on la regarde ou qu'on la prolonge dans le sens où (comme eôt dit Bergson) elle se fait ou au contraire dans le sens suivant lequel elle se défait. — De la Science à la Théologie, p. 26.

[4] Lưỡng bất lập tắc Nhất bất khả kiến. Nhất bất khả kiến, tắc Lưỡng chi dụng tức. Lưỡng thể giả, hư thực dã, động tĩnh dã, tụ tán dã, thanh trọc dã, kỳ cứu cánh nhất nhi dĩ... 兩 不 立 則 一 不 可 見.一 不 可 見 則 兩 之 用 息. 兩 體 者 虛 實 也, 動 靜 也, 聚 散 也, 清 濁 也, 其 究 竟 一 而 已 .— Chính Mông, Thái hòa.

[5] Hữu Lưỡng tắc hữu Nhất, thị Thái Cực dã. Nhất vật nhi lưỡng thể, kỳ Thái Cực chi vị dư. 有 兩 則 有 一, 是 太 極 也. 一 物 而 兩 體, 其 太 極 之 謂 歟. —  Ib.

[6] Vô Cực nhi Thái Cực. Thái Cực động nhi sinh Dương; động cực nhi tĩnh, tĩnh nhi sinh Âm. Tĩnh cực phục động. Nhất động nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn. Phân Âm phân Dương, lưỡng nghi lập yên. 無 極 而 太 極 . 太 極 動 而 生 陽 ; 動 極 而 靜 , 靜 而 生 陰 . 靜 極 復 動 . 一 動 一 靜 , 互 為 其 根 . 分 陰 分 陽 , 兩 儀 立 焉 . Thái Cực Đồ Thuyết.

[7] Đông Tây, thượng hạ, hàn thử, trú dạ, sinh tử, giai thị tương phản nhi tương đối. Thiên địa gian, vật vị thường vô tương đối giả. 東 西, 上 下, 寒 署, 晝 夜, 生 死, 皆 是 相 反 而 相 對. 天 地 間, 物 未 常 無 相 對 者. — Chu Hi Loại Ngữ.

[8] Xem Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc II, trang 362.

[9] Dương vi cương, vi cường, vi nam, vi quân, vi động, vi minh, vi biểu, vi thân, vi thiên, vi Kiền, vi Nhật, vi thần, vi trú, vi hùng, vi hiển. 陽 為 剛, 為 強, 為 男, 為 君, 為 動, 為 明, 為 表, 為 伸, 為 天, 為 乾, 為 日, 為 神, 為 晝, 為 雄, 為 顯 .

 Âm vi nhu, vi nhược, vi nữ, vi thần, vi tĩnh, vi ám, vi lý, vi khuất, vi Địa, vi Khôn, vi Nguyệt, vi quỉ, vi dạ, vi thư, vi ẩn đẳng. 陰 為 柔, 為 弱, 為 女, 為 臣, 為 靜, 為 暗, 為 裡, 為 屈, 為 地, 為 坤, 為 月, 為 鬼, 為 夜, 為 雌, 為 隱, 等 . — Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên thượng, đệ nhị chương, trang 34.

[10] Bãi chi giả khai dã, ngôn dã, dương dã. Hạp chi giả bế dã, mặc dã Âm dã. Âm Dương kỳ hòa, chung thủy kỳ nghĩa. Cố ngôn trường sinh an lạc phú quí, tôn vinh, hiển danh, ái hiếu, tài lợi, đắc ý, hỉ dục vi dương, viết thủy. Cố ngôn tử vong ưu hoạn, bần tiện, khổ nhục, khí tổn, vong lợi, thất ý, hữu hại, hình lục, tru phạt vi Âm viết chung. 捭 之 者 開 也, 言 也, 陽 也. 闔 之 者 閉 也, 默 也 陰 也. 陰 陽 其 和, 終 始 其 義. 故 言 長 生 安 樂 富 貴, 尊 榮, 顯 名, 愛 好, 財 利, 得 意, 喜 欲 為 陽, 曰 始 . 故 言 死 亡 憂 患, 貧 賤, 苦 辱, 棄 損, 亡 利, 失 意, 有 害, 刑 戮, 誅 罰 為 陰 曰 終 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên hạ, đệ ngũ chương. Tạp Gia, Quỉ Cốc Tử, tr. 99.

[11] Âm đích tính năng thị lãnh đích, thị tĩnh đích; Dương chi tính năng thị nhiệt đích, thị động đích... Nhất chủng thị hướng ngoại đích thôi lực, nhất chủng thị hướng nội đích lạp lực. Sở vi Dương, tựu thị hướng ngoại đích thôi lực. Sở vi Âm tức thị hướng nội đích lạp lực... 陰 的 性 能 是 冷 的, 是 靜 的. 陽 之 性 能 是 熱 的, 是 動 的... 一 種 是 向 外 的 摧 力, 一 種 是 向 內 的 拉 力.所 為 陽, 就 是 向 外  的 摧 力. 所 為 陰, 即 是 向 內 的 拉 力. — Chu Đỉnh Hành, Dịch Kinh Giảng Thoại, trang 41.

[12] Phàm vật tất hữu hợp, hợp tất hữu thượng, tất hữu hạ, tất hữu tả, tất hữu hữu; tất hữu tiền, tất hữu hậu, tất hữu biểu, tất hữu lý; hữu mỹ tất hữu ác; hữu thuận tất hữu nghịch; hữu hỉ tất hữu nộ; hữu hàn tất hữu thử; hữu trú tất hữu dạ, thử giai kỳ hợp dã. Âm giả Dương chi hợp, thê giả phu chi hợp, tử giả phụ chi hợp, thần giả quân chi hợp. Vật mạc vô hợp, nhi hợp các hữu Âm Dương... Quân vi Dương, thần vi Âm; phụ vi Dương, tử vi Âm, phu vi Dương, phụ vi Âm. 凡 物 必 有 合, 合 必 有 上, 必 有 下, 必 有 左, 必 有 右, 必 有 前, 必 有 後, 必 有 表, 必 有 裡 . 有 美 必 有 惡 , 有 順 必 有 逆 , 有 喜 必 有 怒 , 有 寒 必 有 署, 有 晝 必 有 夜﹐, 此 皆 其 合 也 . 陰 者 陽 之 合, 妻 者 夫 之 合, 子 者 父 之 合, 臣 者 君 之 合. 物 莫 無 合, 而 合 各 有 陰 陽. 君 為 陽, 臣 為 陰, 父 為 陽, 子 為 陰, 夫 為 陽, 婦 為 陰. — Xuân Thu Phồn Lộ, Cơ Nghĩa, đệ ngũ thập tam.

[13] Xem Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 34.

[14] Xem Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 29.

 Xem Nội Kinh, Tố Vấn.

[15] Xem Lãn Ông, Khôn Hóa Thái Chân, trang 13, 14, 15, 16 - Y Học Tùng Thư p. 206-207, Huyền Tẫn Phát Vi p. 24-27.

[16] Ib,


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8