DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 9

NGŨ HÀNH

Chương 2. Ngũ Hành sinh khắc

 

Người có thân và thù, thì Ngũ Hành cũng có tương sinh, tương khắc.

Ngũ Hành tương sinh là: Mộc sinh Hỏa.   Hỏa sinh Thổ.  Thổ sinh Kim. Kim sinh Thủy.  Thủy sinh Mộc.

Ta có thể trình bày lẽ tương sinh đó bằng hai cách như sau:

Ngũ Hành tương khắc là: Mộc khắc Thổ.  Hỏa khắc Kim. Thổ khắc Thủy. Kim khắc Mộc.  Thủy khắc Hỏa

Ta có thể trình bày lẽ tương khắc đó bằng hai cách như sau:

Sinh có thể hiểu được là sinh dưỡng, phù trợ, tác phúc, tóm lại bao gồm tất cả mọi ảnh hưởng tốt.

Khắc có thể hiểu được là kiềm chế, thù địch, lấn át, xung khắc, tác hại, tóm lại tất cả mọi ảnh hưởng xấu.

Mỗi một Hành đều có liên lạc tốt xấu với các Hành khác.

- Hai SINH gọi là phụ Mẫu và Tử Tôn.

- Hai KHẮC gọi là Quan Quỉ và Thê Tài.

- Một HÒA gọi là Huynh Đệ.

Người xưa đã lập thành như sau:

 - Sinh Ngã giả vi Phụ Mẫu (Sinh ra ta là Phụ Mẫu, cái gì phù trì ủng hộ, hi sinh cho ta là Phụ Mẫu)

- Ngã sinh giả vi Tử Tôn (Ta sinh ra là Tử Tôn, cái gì mà ta săn sóc, bao bọc, yêu đương, hộ trì, chắt chiu, thì gọi là Tử Tôn)

- Khắc Ngã giả vi Quan Quỉ (Khắc ta thì gọi là Quan Quỉ, cái gì ức chế, đàn áp, bóc lột, lợi dụng, làm hại được ta thì gọi là Quan Quỉ)

- Ngã khắc giả vi Thệ Tài (Cái gì mà ta ức chế, đàn áp, lợi dụng chi phối được thì gọi là Thệ Tài)

- Tỉ Hòa giả vi Huynh Đệ (Hòa với ta thì gọi là Huynh Đệ, cái gì đối với ta có ảnh hưởng ngang ngửa, đồng đều thì gọi là Huynh Đệ)

Ví dụ: Nếu ta lấy Kim làm đương nhân, đương sự, thì:

- Thổ là Phụ Mẫu của Kim vì Thổ sinh ra Kim

- Thủy là Tử Tôn của Kim vì Kim sinh ra Thủy

- Hỏa là Quan Quỉ của Kim vì Hỏa khắc Kim

- Mộc là Thê Tài của Kim vì Kim khắc Mộc

- Kim là Huynh Đệ của Kim vì Kim với Kim đồng điệu, đồng loại.

Sau này người ta còn bày ra lắm chuyện phức tạp hơn nữa.  Chẳng những Phụ Mẫu, Huynh Đệ, Quan  Quỉ, Thê Tài còn được gọi bằng những tên khác, mà tùy như Dương gặp Dương, Âm gặp Âm, hay Âm Dương, Dương Âm gặp nhau cũng còn gọi bằng tên khác.

Thật là vô cùng rắc rối.  Tuy nhiên chúng ta cũng cố đơn giản hóa những cái rắc rối ấy trong sơ đồ sau:

Sinh Ngã giả vi:

Phụ Mẫu  (Ấn Thụ) 

+ gặp -, hay - gặp + = Ấn thụ (Chính ấn)

+ gặp +, hay - gặp -  = Kiêu ấn (Thiên ấn) 

Ngã sinh giả vi:

Tử Tôn (Phúc đức)

(Thực thương)

+/- hay -/+ = Thương quan

+/+ hay -/- = Thực thần

Khắc Ngã giả vi:

Quan Quỉ (Quan  sát)

+/- hay -/+ = Chính quan

+/+ hay -/- = Thiên quan (Thất sát)

Ngã khắc giả vi:

Thê tài (Tài Bạch)

+/- hay -/+ = Chính tài

+/+ hay -/- = Thiên tài

Đồng loại giả vi:

Huynh đệ (Tỉ, Kiếp)

+/- hay -/+ = Bại tài (Kiếp tài)

+/+ hay -/- = Tỉ kiên

 Lẽ Ngũ Hành sinh khắc hết sức phức tạp nhưng cũng hết sức phong phú và biến hóa.  Đi sâu vào chi tiết sẽ tốn hao rắt nhều thì giờ rất nhiều giấy mực.  Hơn nữa các sách tướng số bàn cãi rất nhiều về vấn đề này.  Vì thế ở đây chúng ta sẽ không đề cập đến những chi tiết phiền toái mà chỉ ghi nhận rằng: Ngoài nhẽ NGŨ HÀNH THUẬN SINH THUẬN KHẮC còn có nhẽ NGŨ HÀNH NGHỊCH SINH NGHỊCH KHẮC tức là NGŨ HÀNH ĐIÊN ĐẢO. [1]

Cái quan hệ đối với chúng ta là tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của Ngũ Hành sinh khắc. Hiểu lẽ Ngũ Hành sinh khắc, chúng ta sẽ tìm ra con đường xu cát, tị hung.

Phàm ở đời mà người này lấn át ngưòi kia, vật này xung khắc vật nọ, sẽ đưa đến những hậu quả chẳng hay. Chống đối ít thời tai hại ít, chống đối nhiều thời tai hại nhiều.  Nếu hai đằng cùng mạnh, thì hư hao càng lắm.

Cho nên, muốn làm nên công chuyện gì, cần phải đuợc sự phù trợ, sự cộng tác của thời gian, của hoàn cảnh, của nhân tâm..  Đó là nhẽ thường tình ở trong trời đất.

Tuy nhiên, trời đất cũng hay dùng sự tương xung, tương khắc để làm nảy nở các tiềm năng, tiềm lực của vạn hữu nhất là của con người.

Vàng mà không được chau chuốt bằng lửa, thời vàng không thể trở nên tinh ròng.  Gỗ mà không bị dao cưa xẻ cắt, búa rìu đẽo gọt thì chẳng có thể trở thành cột kèo, bàn ghế.

Cũng một lẽ, nếu Tạo hóa không để cho con người sống trong nghịch cảnh, thì con người sẽ trở nên ù lì, lười biếng, cầu an hưởng thụ, do đó không thể nào tiến hóa được.

Đằng khác, trong hoàn võ cũng như trên đời, cũng cần phải có sự xung khắc, kiềm chế lẫn nhau để giảm bớt sự quá trớn, dông dỡ ngông cuồng, thái quá, y như xe xuống dốc cần có thắng xe, mới tránh được sự đi quá tốc độ, sinh tai nạn.  Nhưng sự xung khắc, kìm hãm chỉ hay, chỉ tốt tới một mức độ nào.  Quá mức đó nó sẽ trở thành họa hại. Ví như xe đã bị thắng, lại còn bị ngăn, bị chặn, thì làm sao mà tiến lên được.

Cho nên, một khi đã giác ngộ được rằng con người sinh ra không phải là để sống ù lì, hưởng thụ, mà cần phải dùng thời gian, ngoại cảnh, dùng xã hội và tha nhân để giúp mình ngày một trở nên hoàn mỹ, thời lúc ấy con người có quyền, cũng như có bổn phận tránh nghịch cảnh, đồng thời tạo cho mình thuận cảnh để mà thành tựu công phu tu dưỡng, ngõ hầu trở nên con người toàn diện.

Trong thực tế, muốn biết một con người hạnh phúc nhiều hay ít, chỉ cần xem họ sống trong thuận cảnh, hay nghịch cảnh, xem tâm hồn họ có bình an, xác thân họ có khang kiện, xem họ có được xa gần yêu mến, giúp đỡ hay không, xem nơi họ cư ngụ có được trang nhã hay không...

Chính vì thế mà Âm Phù Kinh đã viết: Thiên hữu ngũ tặc, kiến chi giả xương.

Ngũ tặc đây chính là Ngũ Hành.

Tại sao Âm Phù Kinh lại gọi Ngũ Hành là Ngũ Tặc? Thưa: vì hai lý do:

1. Ngũ Hành mà không biết xử dụng, sẽ trở nên tặc hại.

2. Ngũ Hành trong trời đất, sinh khắc, tác dụng trên nhau, hết sức đa đoan, phiền tạp, và do đó ảnh  hưởng  nhiều  đến  sự  thành  bại  của con người.

Ngũ Hành hay Ngũ tặc, theo từ ngữ Âm Phù Kinh, ở trên trời là Ngũ Tinh (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ); ở dưới đất là Ngũ Nhạc (là Tung Sơn, Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn); ở âm nhạc là Ngũ Âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy, V3ũ); ở  thực phẩm là Ngũ Vị; ở thân thể là Ngũ Tạng; ở Đạo giáo là Ngũ Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).

Tuy nhiên, nếu ta biết xử dụng Ngũ  Hành cho hay, cho phải, thời Ngũ Hành không còn phải là Ngũ Tặc nữa, mà chúng sẽ trở thành nguồn mạch hạnh phúc cho ta.

Vì thế Âm Phù Kinh mới nói: Nếu biết thuận dụng Ngũ Hành thời sẽ được thịnh xương, phúc khánh.

Ví dụ một người ra làm quan mà biết thi hành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, thì ắt sẽ đi đến chỗ vinh quang, thịnh đạt.

Ví dụ một ngưòi làm Tướng mà biết Thiên văn, Địa lý, Nhân tình, biết cường điểm, nhược điểm của phía địch thời ắt sẽ nên công.

Thế chẳng phải làm am tường Ngũ Hành, sẽ đi đến chỗ xương thịnh hay sao?

Tóm lại, theo đường tương sinh của trời đất, biết xử dụng ngoại cảnh, biết hòa hợp với nhân quần, biết hòa hài với thiên nhiên và vũ trụ, làm những công chuyện đạo đức, đi vào con đường công chính, con đường Dương minh của đất trời, tức là đi vào vinh quang, phúc khánh, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả.

Còn như đi vào con đưòng tương khắc của Ngũ Hành, của trời đất, gây gổ, chống đối với mọi người, sống trong nghịch cảnh, hoạt động lỗi thời, làm những chuyện  tai  hại, thế  tức là đi vào con đường Âm ám của trời đất, và dĩ nhiên sẽ chiêu tai, rước họa vào mình. Các kinh sách đều không ngoài ý ấy.


[1] Mệnh Lý Nhập Môn, trang 50-51.

—  Mệnh Học Thiển Thuyết, tr. 20 trở đi.

—  Xem Tinh Hiệu Thần Phong Tịch Mậu Mệnh Lý Chính Tông, quyển 3, tr. 2.

Đạt Nhân Mệnh Lý Thông Giám quyển 1, tr. 112.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8