THUYẾT QUÁI

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11


 

CHƯƠNG II

(Độc Tiết)

Những tiêu chuẩn dùng để viết Dịch Kinh

 

Độc Tiết

. . .

. . . . .

. . . .

 Tích giả Thánh nhân chi tác Dịch dã. Tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. Thị dĩ lập Thiên chi đạo. Viết Âm dữ Dương. Lập Địa chi đạo. Viết Nhu dữ Cương. Lập Nhân chi đạo. Viết Nhân giữ nghĩa. Kiêm tam tài nhi lưỡng chi. Cố Dịch lục hoạch nhi thành quái. Phân Âm phân Dương. Điệt dụng nhu Cương. Cố Dịch lục vị nhi thành chương.

 

Dịch.

Thánh xưa làm bộ Dịch kinh,

Thuận theo Tính Mệnh, siêu linh lẽ Trời.

Đạo Trời, xác định hẳn hoi,

Âm Dương đôi ngả, rạch ròi phân minh.

Cương Nhu, Đạo Đất phân trình,

Đạo Người nhân nghĩa, lập thành cơ ngơi.

Gồm Tam tài, lại nhân đôi,

Dịch dùng 6 nét, vẽ vời quẻ nên.

Âm, Dương phân định đôi bên,

Cương Nhu, đắp đổi, thay phiên hoài hoài.

Cho nên, Dịch có 6 ngôi,

Sáu ngôi, tả một cảnh đời trước sau.

 

Thánh nhân xưa viết Dịch, cốt là thuận theo các định luật tự nhiên của Trời Đất. Trên trời, Âm Dương, sáng tối đắp đổi lẫn nhau, thì trong quẻ cũng có các vị ngôi Âm Dương, Chẵn, Lẻ đắp đổi lẫn nhau. Dưới đất, cứng mềm, pha phách, chen lẫn nhau mà làm nên mọi cảnh sắc. Cho nên, trong quẻ cũng có Hào Cương, Hào Nhu xen kẽ.

Ở nơi con người, cũng có Nhân Nghĩa, như là hai mặt trong ngoài, cho nên trong Kinh Dịch cũng đề cao Nhân Nghĩa. Tóm lại, Đạo Trời chỉ có một là Thái Cực; nhưng có thể tùy nghi mà phân thành: Thiên đạo, Nhân đạo, Vật đạo. Ngoài ra, Thiên đạo, Nhân đạo, Vật đạo, đều phân thành thể dụng, vì thế mà Tam Tài lại được nhân đôi thành 6 Hào:

-Hai Hào trên cùng là Thiên.

-Hai Hào giữa là Nhân.

-Hai Hào dưới là Địa.

Như vậy, Đạo phát huy ra đức, Đạo đức lại phát huy ra nghĩa lý. Nơi Trời, thì gọi là Mệnh. Nơi người, thì gọi là Tính. Nơi vật, thì gọi là Lý. Một tinh hoa phát huy ra dần mãi, để sinh ra các hiện tượng bên ngoài.

Sau khi, ta đã biết rõ các lớp lang biến hóa rồi, nếu muốn trở lại căn nguyên, ta chỉ cần đi ngược chiều lại, vì thế chương trên viết: Cùng lý (Địa). Tận tính (Nhân). Dĩ chí ư Mệnh (Thiên). Và ta cũng nhận định thêm rằng mọi biến hóa trong trời đất hữu hình này, đều do 3 yếu tố cấu tạo Thiên, Địa, Nhân hỗ tương tác dụng mà sinh ra, và Thiên, Địa, Nhân đều qui về một Thái Cực.

 

 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11