THUYẾT QUÁI

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11


 

CHƯƠNG III

(Chương III gồm 2 Tiết )

Tiên Thiên Bát quái.

 

Sở dĩ gọi Chương này là Tiên Thiên Bát quái, là vì các sách Dịch thường lấy Tiết 1 của Chương này để giải thích Tiên Thiên Bát quái của Phục Hi.

Tiết 1.

. . . . .

 Thiên địa định vị. Sơn trạch thông khí. Lôi phong tương bác. Thủy Hỏa bất tương sạ. Bát quái tương thác.

 

Dịch. Tiết 1.

Đất Trời ấm chốn, êm nơi,

Khí đầm, khí núi đôi nơi giao hòa.

Đôi bên sấm, gió giao thoa,

Đôi bên nước, lửa chẳng là kình nhau.

Cho nên, tám quẻ tương cầu,

Khi trên khi dưới, trước sau thành toàn.

 

Nhìn vào Bát quái của Phục Hi, ta thấy:

-Kiền Khôn đối đỉnh ( Thiên địa định vị)

-Cấn Đoài đối đỉnh ( Sơn trạch thông khí)

-Chấn Tốn đối đỉnh (Lôi Phong tương bác)

-Khảm Ly đối đỉnh (Thủy Hỏa bất tương sạ)

 

Tuy ở vào vị trí đối đỉnh nhau, nhưng thực ra không có kình chống nhau, mà ngược lại, lại hỗ trợ lẫn nhau.

-Trời trên, đất dưới định tôn ti. Núi đầm thông khí. Nước trên núi tuôn xuống đầm hồ. Nước đầm hồ bốc lên núi thành mây, thành mưa. Gió, Sấm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau. Nước, Lửa không chống đối nhau. Thế cho nên, tám quẻ giao thoa, tác dụng lẫn với nhau, mà sinh ra mọi hiện tượng.

Tiết 2.

. .

 Số vãng giả thuận. Tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã.

 

Dịch. Tiết 2.

Tìm ra quá vãng là thường,

Tương lai tiên đoán rõ ràng, mới cao.

Dịch kinh có số ngược chiều,

Ngược chiều thời thế, khinh phiêu về nguồn.

Tiết 2 của chương này, đại khái nói rằng: Biết dĩ vãng là thuận, biết tương lai là nghịch.

Trong phần Dịch Học Nhập Môn (xem Dịch Kinh Đại Toàn tập I), tôi (Tác giả) đã để ra cả một Chương để giải thích Tiết này. Tôi chủ trương:

-Từ Thái Cực đi ra Vạn Tượng hữu hình là chiều thuận của Dịch. Từ hữu hình trở về Thái Cực là chiều nghịch của Dịch.

Trong dĩ vãng, con người đã đi chiều thuận, trong tương lai sẽ đi chiều nghịch. Biết đi ngược dòng đời để trở về với Thái Cực, tức là đi trên con đường của Thần Thánh xưa nay vậy.

 

 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11