HỆ TỪ THƯỢNG

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12 


 

CHƯƠNG  4

(Chương 4 gồm 4 Tiết)

Dịch kinh viết khuôn theo Thiên nhiên

Thánh nhân sống khuôn theo Thiên nhiên.

 

Đúc kết lời bình giải của Tiên nho về chương IV này, ta có thể nhận định như sau: Dịch Kinh phóng tác lại vũ trụ, và sự biến hóa của vũ trụ, nên có thể giúp ta tìm hiểu được các định luật thiên nhiên.  Thánh nhân cũng khuôn theo đường lối tự nhiên của Trời đất, nên sự hiểu biết của Ngài bao quát, hành vi của Ngài nhân hậu, đời sống của Ngài thung dung.  Học Dịch có thể giúp ta:

a) Cùng lý: Biết thấu đáo nghĩa lý của muôn vật.

b) Tận tính: Biết thấu đáo bản thể của con người.

c) Chí mệnh: Thực hiện được định mệnh sang cả của con người.

Chương IV này gồm 4 Tiết:

-Hai Tiết đầu chủ trương rằng: Sách Dịch rập theo khuôn mẫu của trời đất, tự nhiên, nên giúp ta hiểu biết được sự biến hóa trong trời đất

-Tiết Ba chủ trương rằng: đạo Thánh nhân chính là đạo tự nhiên của trời đất; giúp cho vạn vật đi đến thành toàn,linh động, biến hóa vô cùng.  Ta sẽ lần lượt khảo sát kỹ hơn: 

Tiết 1.

準,故

Dịch dữ thiên địa chuẩn.  Cố năng di luân thiên địa chi đạo.

Dịch.  Tiết 1. 

Dịch Kinh khớp với đất trời,

Lẽ trời, lẽ đất, muôn đời bao dung.

Sách Dịch khuôn theo trời đất, cho nên bao quát đường lối trời đất, và làm cho ta thấy rõ ràng đường lối trời đất. 

Tiết 2.

文,俯 理,是 故。原 終,故 說。精 物,遊 變,是 狀。

Ngưỡng dĩ quan ư thiên văn. Phủ dĩ sát ư địa lý. Thị cố tri u minh chi cố. Nguyên thủy phản chung. Cố tri tử sinh chi thuyết. Tinh khí vi vật.  Du hồn vi biến. Thị cố tri quỉ thần chi tình trạng.

 Dịch. 

Ngửng lên, thiên tượng vời trông,

Cúi nhìn cho thấu lạch sông, ngọn nguồn.

Lẽ Trời, tối, sáng nguồn cơn,

Đầu đuôi, xuôi ngược,thông tuông ngọn  ngành

Khảo từ khởi thủy, quần sinh,

Rõi nhìn thấu hết quá trình biến thiên.

Tử sinh, manh mối rõ liền,

Khí tinh kết tụ, vật bèn sinh ra.

Du hồn biến hoá lại qua,

Quỉ thần tình trạng âu là đã hay.

Quan sát thiên văn, địa lý ta đều thấy có sáng tối.  Thiên văn thì có thứ tự ngày đêm, có Nhật nguyệt tinh thần. 

Nhật = Mặt trời.  Tinh = tinh tú = Dương = sáng.

Nguyệt = Mặt trăng.  Thần = Hành tinh = Âm= tối.

Mặt trời mọc lên thời sáng, lặn đi thời tối.  Bầu trời có một nửa ở trên trái đất, một nửa ở dưới trái đất.  Như vậy, về Thiên văn, lẽ u minh đã rõ.

Địa lý thời: Phía Nam sáng, phía Bắc tối. Chỗ cao sáng, chỗ sâu tối.  Như vậy về Địa Lý, lẽ u minh đã rõ. 

Phóng tầm mắt bao quát cả quá trình tiến hóa của vạn vật, ta thấy Sinh  chẳng qua là sự tiến bước vào cõi hữu hình. Tử  chẳng qua là sự rút lui về cõi vô hình.  Sinh tử chẳng phải là khởi điểm hay chung điểm tuyệt đối, mà chỉ là sự luân lưu tiến thoái trong Trời đất (Nguyên thủy phản chung.  Cố tri sinh tử chi thuyết).

Ta cũng thấy rằng: Tinh và khí, nếu mà hợp nhau thời tạo nên muôn vật.  Còn nếu hồn phách lìa nhau, thời vạn vật cũng tan biến.  Khi lìa nhau, hồn khinh thanh sẽ bay lên; phách trọng trọc sẽ lắng xuống, còn xác sẽ tan rã ra.

Như vậy, quỉ thần chỉ là những động lực tạo thành vạn vật.  Gọi là Thần, khi sinh khí lồng vào vạn vật .  Gọi Quỉ, khi sinh khí lìa khỏi vạn vật. 

Tiết 3.

似,故 違。知 物,而 下,故 過。旁 流,樂 命,故 懮。安 仁,故 愛。  

 Dữ thiên địa tương tự. Cố bất vi. Tri chu hồ vạn vật. Nhi đạo tế thiên hạ. Cố bất quá. Bàng hành nhi bất lưu. Lạc thiên tri mệnh. Cố bất ưu. An thổ đôn hồ nhân. Cố năng ái. 

 Dịch. Tiết 3. 

Thánh nhân, Trời đất sánh vai,

Khuôn theo Trời đất, chẳng sai, chẳng lầm.

Biết trùm vạn vật, hồng trần,

Lối đường Thần Thánh, muôn dân nương nhờ.

Cho nên chẳng có sai ngoa,

Theo thời, mà vẫn chẳng sa dòng đời.

Thánh nhân vui cái vui  Trời,

Bởi hay định mạng, nên vui thập phần.

Ở đâu, cũng chẳng phong trần,

Nhân từ, khoan hậu, yêu dân như mình.

Đường lối Thánh nhân và đường lối Trời đất giống nhau, vì thế nên không trái ngược nhau.  Sự hiểu biết của Ngài bao quát muôn vật; đường lối của Ngài giúp ích cho khắp cùng thiên hạ, vì thế nên Ngài không hề lầm lỗi.  Ngài đáp ứng được mọi hoàn cảnh, mà không bị ngoại cảnh lôi cuốn.  Ngài vui trong cái vui Trời, vì biết rõ định mạng  mình.  Ở địa vị nào ngài cũng an vui, và chắt chiu, ấp ủ đức nhân, vì thế nên ngài có thể yêu thương mọi người.

Tiết này dạy chúng ta đường lối trở nên Thánh hiền.  Muốn trở nên Thánh hiền, chúng ta chỉ việc theo định luật Dịch, định luật của Trời đất, phát triển đến cùng cực mọi khả năng của mình. 

Tiết 4. 

過,曲 遺,通 知,故 體。

Phạm vi thiên địa chi hóa nhi bất quá. Khúc thành vạn vật nhi bất di. Thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri. Cố thần vô phương nhi Dịch vô thể.

Dịch. Tiết 4. 

Đất trời biến ảo, phiêu linh,

Lồng vào khuôn phép, sự tình chẳng sai.

Tác thành muôn vật, muôn đời,

Hữu thân, hữu dụng, tùy thời, tùy cơ.

Ngày  đêm,  hiểu  biết  duyên do,

Mới hay, thần vượt cõi bờ không gian,

Mới hay, thần thoát trần hoàn,

Mới hay, Dịch đạo hoàn toàn siêu linh.

Thánh nhân nhờ Kinh Dịch, có thể bao quát mọi biến hóa một cách chính xác; lại có thể tùy nghi ứng biến mà tác thành muôn vật.  Ngài thông tỏ đường lối của hữu hình, và của vô hình.  Cho nên công việc của Ngài in như thần, không bị giới hạn bởi không gian, và những sự biến hóa của Ngài như Dịch, không bị giới hạn bởi hình thức.

Ta có thể tóm tắt Chương này bằng những nhận định của Chu Hi:  Kinh Dịch có thể giúp ta:

- Cùng lý ( Biết thấu đáo nghĩa lý của muôn vật.)

- Tận tính (Biết thấu đáo bản thể con người)

- Chí mệnh (Thực hiện được định mệnh sang cả con người).  Nếu vậy khi học Kinh Dịch, ít là chúng ta phải có những hoài bão cao cả như thế.


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12