HỆ TỪ THƯỢNG

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12 


 

CHƯƠNG VII

(Chương VII gồm 2 Tiết)

(Sự ích lợi của Kinh Dịch)

 

Chương này chỉ gồm 2 Tiết:  Ta có thể tóm như sau:

1). Tiết đầu chủ trương nhờ học Kinh Dịch, sự hiểu biết của Thánh nhân, một ngày trở nên sâu rộng; hành động ngày trở nên qui mô.

2). Tiết 2 chủ trương nhờ học Kinh Dịch, con người sẽ giữ vẹn được tính thành, tính bản nhiên của mình.  Do đó đạo nghĩa có thể triển dương, phóng phát.

 Tiết 1.

曰﹕「易 乎!」,夫 易,聖 也。

卑,崇 天,卑 地。 

Tử viết. “ Dịch kỳ chí hĩ hồ.”  Phù Dịch.  Thánh nhân sở dĩ sùng đức nhi quảng nghiệp dã.  Tri sùng lễ ti.  Sùng hiệu thiên.  Ti pháp địa.

Dịch: Tiết 1.  Tử viết:

Dạy rằng: Dịch mới hay sao,

Thánh nhân nhờ đó, mà cao công trình.

Trước là huyền hóa tính linh,

Sau là sự nghiệp trở thành bao la.

Cao minh, trí huệ sáng lòa,

Nhưng mà lễ độ như là thường nhân.

Cao minh theo gót  Thiên quân (Trời).

Khiêm cung như Đất, hồng trần mấy ai.

Sách Dịch thật là cao siêu.  Nó có thể giúp con người nhân đức ngày thêm cao, sự nghiệp ngày thêm rộng. Nhờ học Dịch, sự hiểu biết của ta ngày thêm tăng tiến; và đời sống của ta cũng sẽ khuôn theo những định luật tự nhiên của trời đất, do đó ta sẽ trở nên khiêm cung.  Giỏi giang để bắt chước Trời.  Khiêm tốn để bắt chước Đất.

* Kinh Dịch luôn dạy ta quan sát các hiện tượng của Trời đất, của nhân quần, vạn vật, để tìm cho ra những định luật chi phối sự biến hóa của vũ trụ quần sinh.  Nếu chúng ta theo được đường lối ấy, trí huệ sẽ ngày một mở mang, tri kiến ngày một trở nên quảng bác.

* Kinh Dịch cũng dạy ta luôn phải cố gắng không ngừng để tu đức lập thân.  Nếu chúng ta bền gan, vững chí  đi theo con đường ấy, thì làm gì mà chẳng có đạo cao, đức cả.

* Kinh Dịch dạy ta phải tuân theo những định luật tự nhiên, mà sống động xử sự.  Nếu ta theo được đường lối ấy, thì công việc ta nhất nhất đều có qui mô, và tầm kích hoạt động của ta ngày một thêm lớn rộng   

Tiết 2.

天地設位,而易行乎其中矣,成性存存,道義之門。

Thiên địa thiết vị.   Nhi  Dịch hành hồ kỳ trung hĩ.  Thành tính tồn tồn.  Đạo nghĩa chi môn.

Dịch.   Tiết 2.  

Trời cao, đất thấp phân ngôi,

Muôn vàn biến hoá, chơi vơi giữa chừng.

Tính Trời cố giữ chính trung,

Mở đường đạo nghĩa, dặm chừng vân du.

Muốn có sự biến hóa,  trước hết phải có Trời.   Cũng một lẽ, muốn có đạo nghĩa phải tìm ra được căn cơ của đạo nghĩa: đó là tính bản nhiên của con người.  Như vậy, Đạo không đâu xa, mà Đạo đã tiềm ẩn trong con người.  Không đi sâu vào tâm hồn, không sao tìm được nguồn mạch chân thực của đạo nghĩa.  Chạy ra bên ngoài để đi tìm căn cơ Đạo Nghĩa, là chạy đi tìm ảo ảnh mà thôi. 

Tóm lại, tính bản nhiên con người, là cửa Đạo, cửa Trời. Không qua cửa Tính, gặp Đạo gặp Trời sao được (Thành tính tồn tồn.  Đạo Nghĩa chi môn).

 

 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12