HỆ TỪ THƯỢNG

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12


 

 

CHƯƠNG  XII

(Chương XII gồm 7 Tiết)

Toát lược.

 

Tiết 1. 

「自 之,吉 利。」子 曰﹕「祐 者,助 也。天

者,順 也;人 者,信 也。履 順,又

也。是 之,吉 也。」

Dịch viết.  Tự thiên hựu chi.  Cát vô bất lợi. 

Tử viết.  Hựu giả trợ dã.  Thiên chi sở trợ giả thuận dã.  Nhân chi sở trợ giả tín dã.  Lý tín tư hồ thuận.  Hựu dĩ thượng hiền dã.  Thị dĩ tự thiên hựu chi.  Cát vô bất lợi dã. (Bình Hào Thượng Cửu quẻ Đại Hữu).

 

Dịch   Tiết 1. 

Dịch rằng: Trời đã giúp người.

Rồi ra muôn việc xong xuôi, thành toàn.

Dạy rằng: Trời giúp người ngoan,

Dân phù người tín, thế gian lẽ thường.

Theo tín nghĩa, biết tư lường,

Thuận Trời, lại trọng hiền lương mới là.

Cho nên, Trời mới hộ phù,

Làm gì, cũng được trơn tru vẹn mười   

Người mà được Trời giúp, sẽ hay, sẽ lợi.  Cái đó lẽ dĩ nhiên rồi.  Ai là người được diễm phúc đó?  Thưa: Theo đúng các định luật tự nhiên, sẽ được Trời giúp.  Cũng như những người thành khẩn sẽ được người giúp. Vậy muốn được Trời giúp, ta phải sống hợp thiên lý, có lòng thành khẩn, và biết sùng thượng các bậc Thánh hiền.  

Tiết 2.

曰﹕「書 言,言 意。然 意,其 乎。」

曰﹕「聖 意,設 偽,繫 言,變

利,鼓 神。」

 Tử viết.  Thư bất tận ngôn.  Ngôn bất tận ý.  Nhiên tắc thánh nhân chi ý.  Kỳ bất khả kiến hồ.

Tử viết.  Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý.  Thiết quái dĩ tận tình ngụy.  Hệ từ yên dĩ tận kỳ ngôn.  Biến nhi thông chi dĩ tận lợi.  Cổ chi vũ chi dĩ tận thần.

 

Dịch.  Tiết 2.  Tử viết:

Dạy rằng: sách chẳng cạn lời.

Lời không hết  ý,  lẽ đời đã phân.

Lời không cạn ý xa gần,

Làm sao hiểu nổi Thánh nhân cho rành.

Dạy rằng: Muốn tận ý mình,

Thánh nhân đã phải lập hình tượng thêm.

Giả, chân, lập quẻ để xem,

Hệ từ cốt để bàn thêm rõ ràng.

Biến, hằng bầy tỏ tinh tường.

Cốt đem lợi ích muôn đường bầy ra.

Lại còn cổ võ, đưa đà,

Triển khai cho hết tinh hoa, tinh thần.

 

Sách không thể nào nói được hết lời, lời không thể nào nói được hết ý.  Vì thế, nên Thánh nhân đã:

a).  Lập ra tượng (bát quái) để nói cho hết ý. Như vậy là mỗi tượng có thể hình dung được nhiều vật, nhiều sự. Ví dụ: Kiền tượng trưng cho Trời, vua, cha, quân tử, vàng, ngọc, ngựa vv ...

b).  Lập ra 64 quẻ, để mô tả mọi hoàn cảnh, mọi điều chân, giả.

c).  Phụ thêm lời, để nói cho hết lời.

d).  Cho các quẻ, các Hào biến hoá, để dạy chúng ta mọi điều ích lợi.

e).  Cổ võ, khuyến khích chúng ta, làm cho tinh thần chúng ta trở nên linh hoạt.

Thánh nhân dùng Kinh Dịch đưa dần chúng ta vào đời sống thật sự, dạy chúng ta quan sát những hiện tượng thiên nhiên, theo dõi các cuộc biến hoá trong hoàn võ, biết cách theo lành, lánh dữ, tu luyện cho tâm thần mình một ngày một trở nên linh hoạt.

Viết ra một quyển sách, không nói nhiều lời, mà khiến người đọc phải suy nghĩ, nghiền ngẫm.  Suy nghĩ, nghiền ngẫm để sinh ý tưởng mới; lại dần dần hướng dẫn cho con người đọc được bộ sách Dịch thiên nhiên, tức là vũ trụ và tạo vật.  Công dụng bộ sách Dịch thật là lớn lao vậy.

Tiết 3. 

邪? 列,而 矣。乾 毀,

易,易 見,則 矣。

 Kiền Khôn kỳ Dịch chi uẩn da.  Kiền Khôn thành liệt.  Nhi Dịch lập hồ kỳ trung hỹ.  Kiền Khôn hủy tắc vô dĩ kiến Dịch.  Dịch bất khả kiến.   Tắc Kiền Khôn hoặc cơ hồ tức hỹ.

 

 Dịch.  Tiết 3. 

Kiền Khôn bí ẩn muôn phần,

Treo tranh, cho Dịch chuyển vần bên trong.

Đất trời ví thử không vong,

Dịch kia nào biết vân mòng thế nao?

Dịch không phát hiện thời sao?

Kiền Khôn âu cũng tiêu hao hết thời.

 

Kiền, Khôn là bí quyết của Dịch, là cha mẹ sinh ra Hào quải.  Mà Hào quải tượng trưng cho mọi hiện tượng biến thiên.  Đạo hay Dịch vô hình tướng, phải nhờ hình tướng bên ngoài mới phát lộ ra được.  Cho nên không có Kiền, Khôn (Âm, Dương), thì không có cách nào để thấy Dịch.  Nhưng nếu mà Dịch (Thái cực) không cần sự phát lộ, thì Kiền, Khôn cũng không còn lý do để tồn tại.  

Tiết 4.

故,形 道,形 器。化

變,推 通,舉 民,謂 業。

 Thị cố hình nhi thượng giả vị chi Đạo.  Hình nhi hạ giả vị chi khí.  Hoá nhi tài chi vị chi biến.  Suy nhi hành chi vị chi thông.  Cử nhi thố chi thiên hạ chi dân.  Vị chi sự nghiệp.

 

Dịch.  Tiết 4.  

Đạo siêu hình tướng cao vời,

Khí còn quanh quẩn ở nơi tượng hình.

Biến là biến hoá tài thành.

Đẩy đưa, tiến tới, dần sinh thành toàn.

Phát huy thiên hạ, dân gian,

Đó là sự nghiệp, quyết làm cho hay.

Vũ trụ ngày nay, có thể phân làm hai phương diện:

a). Đạo thì bất biến, vô hình tướng, siêu việt trên mọi hiện tượng, đồng thời lồng trong mọi hiện tượng.

b). Hiện tượng thì biến thiên.  Đạobản thể của hiện tượng.  Hiện tượng là công dụng, khí cụ  của Đạo.

Sự biến hoá trong trời đất, cốt để hoá thành vạn vật.  Thúc đẩy cho muôn vật vận chuyển, hoạt động gọi là thông (thông cái ù lì, bế tắc).  Cổ súy, thúc đẩy bàn dân thiên hạ, thế gọi là sự nghiệp.

Như thế là Dịch Kinh muốn chúng ta thấy:

a)- Có biến hoá ( tiến hoá), mới tiến tới được.

b)- Không thể sống ù lì, mà luôn phải vươn lên.

c).  Mục đích của Dịch là cổ súy cho mọi người có được một đời sống linh động, có ý nghĩa.

Tiết 5. 

故,夫 象,聖 賾,而 容,象

宜,是 象。聖 動,而 通, 以 行

其 典 禮,繫 辭 焉,以 斷 其 吉凶,是 爻。

 Thị cố phù tượng.  Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi trách.  Nhi nghĩ chư kỳ hình dung.  Tượng kỳ vật nghi.  Thị cố vị chi tượng.  Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi động.  Nhi quan kỳ hội thông.  Dĩ hành kỳ điển lễ.  Hệ từ yên dĩ đoán kỳ cát hung.  Thị cố vị chi Hào.

 

 Dịch.  Tiết 5.

Thánh nhân lập tượng soi đời,

Bao nhiêu bí ẩn dưới trời cũng thông.

Thánh nhân bắt chước hình dung,

Đem lồng vật tính vào trong ảnh hình.

Dùng ảnh tượng, tả tâm tình,

Mới hay chữ tượng, mối manh rạch ròi.

Thánh nhân quan biến dưới trời,

Xem nơi hội tụ, xét nơi phân kỳ.

Rồi ra minh định điển nghi,

Tùy chiều biến động, mà suy luật trời.

Rồi ra tô điểm thêm lời,

Cát hung đoán định, giỏi coi là Hào.

 

Tiết này nhắc lại Tiết 1 và Tiết 2, chương VIII.  Ta thấy chủ trương của Dịch chỉ là:

1).  Lấy quẻ để hình dung, mô tả mọi hoàn cảnh, mọi sự vật.

2).  Quan sát mọi sự biến thiên, ly hợp của vạn vật, để tìm ra những định luật hằng cửu của trời đất. 

Tiết 6.

者,存 卦;鼓 者,存 辭;

 Cực thiên hạ chi trách giả tồn hồ quái.  Cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ.

       

Dịch.  Tiết 6. 

Việc đời phức tạp thế nao,

Nguyên dùng các quẻ để bao, để trùm.

Việc đời dù có mấy muôn,

Dùng lời cổ võ, sẽ luôn chuyển vần.

 

Như ta đã nói trên, Dịch:

1)- Dùng quẻ, dùng tượng để mô tả, hình dung mọi sự, mọi hoàn cảnh trong trời đất.

2)-  Dùng Hào, dùng Từ để cổ súy mọi người hoạt động và tiến tới.

Tiết 7.

之,存 變;推 之,存 通;神 之,存 人;

之,不 信,存 行。

 Hoá nhi tài chi tồn hồ biến.  Suy nhi hành chi tồn hồ thông.  Thần nhi minh chi.  Tồn hồ kỳ nhân.  Mặc nhi thành chi.  Bất ngôn nhi tín.  Tồn hồ đức hạnh.

 

Dịch.  Tiết 7. 

Biến thiên vun quén, hay dần,

Đẩy đưa tiến tới lần lần, thênh thênh.

Người nay, rồi sẽ thần minh.

Tiềm tâm thực hiện, công trình bao la,

Người tin, chẳng cứ rườm rà.

Miễn sao đức hạnh cao xa tuyệt vời.

 

Dịch  cho thấy rằng:  Biến  hoá  (tiến hoá) cốt  là để vươn lên tới một trạng thái ngày một hoàn mỹ hơn. Dịch thúc đẩy con người hành động, biến hoá, sáng tạo, chứ không ù lì.  Nhưng phải người thông minh, duệ trí mới lĩnh hội được hết tinh hoa của sách Dịch.  Đã lĩnh hội được tinh hoa rồi,  hãy tiềm tâm thực hiện bản thể của mình, cố công trau dồi đức hạnh của mình.  Được như vậy, không cần nói ra lời, mà vẫn cảm hoá được người, vẫn khiến cho người tín phục.  Như vậy, Thánh nhân thực đã phơi bầy tâm tư, và đã cho ta hay rõ rằng các Ngài viết Dịch cốt là để giúp ta sống một cuộc đời nghĩa lý, linh động, đầy biến hoá sáng tạo, và luôn vươn lên cho tới Chân, Thiện, Mỹ.  

   

 


» Dịch Kinh Đại Toàn » chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12