DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6 | BẠT


Phần 5

HÀ ĐỒ

Chương 6. Những vấn đề siêu hình tàng ẩn trong Hà Đồ

 

Trong Hà Đồ tàng ẩn nhiều bí quyết siêu hình, nhiều vấn đề triết lý, nhân sinh, đạo giáo.

Chúng ta sẽ lần lượt khảo cứu ít nhiều vấn đề then chốt sau đây:

1/. Trung Cung, Trung Điểm hay Bản Thể Vũ trụ.

2/. Chu Vi hay là Vạn Hữu với Nguyên Lý Diễn Dịch Tuần Hoàn.

3/. Quan niệm Âm Dương, hay Nhất Thể Lưỡng Diện.

4/. Nguyên tắc sinh thành hay là sự cộng tác của Âm Dương, của tinh thần vật chất, để thực hiện đại công của vũ trụ.

5/. Các hình thái hay các tầng lớp con người theo Hà Đồ.

6/. Quan niệm Thiên Nhân Tương Dữ theo Hà Đồ.

7/. Tạo hóa Qui Trung Chi Diệu theo Hà Đồ.

 

1. Trung Cung, Trung Điểm hay là Bản Thể của Vũ trụ

Kinh Dịch chỉ dùng có mấy đồ bản Hà Đồ, Lạc Thư và các họa bản Dịch mà đã mặc nhiên đề cập được hết các vấn đề:

a). - Căn Nguyên, Cùng đích của vạn vật

b). -Sự biến thiên: Các giai đoạn biến thiên, và chiều hướng biến thiên của vạn vật. [1]

Tất cả các họa bản đều diễn tả một chân lý siêu việt: Vạn vật từ một thực thể siêu vi sinh xuất, biến hóa muôn vàn, thi triển hết mọi khả năng, tận dụng mọi kết quả, rồi cuối cùng lại trở về Căn Nguyên bản thể.

Vũ trụ dẫu tán phân, phóng phát bao nhiêu chăng nữa rồi ra cũng qui về Đại thể siêu vi.

Phân tán thì chu lưu cùng vũ trụ, thâu liễm thì kết tụ trong tâm điểm tế vi. [2]

Có biết nhẽ: Nhất thể biến Vạn thù, Vạn thù qui Nhất thể, có biết nhẽ biến hóa tuần hoàn, phản phúc, phóng đãng, di lưu, rồi lại qui căn, phản bản, thì mới hiểu được vi ý của các họa bản Hà Đồ, Lạc Thư và Dịch.

Đại thể, Bản Thể Bất Khả Tư Nghị ấy các nhà Huyền Học Nho, Lão đã gượng ép mà đặt cho những tên Thái Cực Đạo và gượng ép tượng trưng bằng những số những hình.

Thái Cực trong Dịch

Ngũ trong Lạc Thư

Ngũ thập trong Hà Đồ.

Theo cùng khuôn mẫu ấy các khoa Thiên văn, Địa lý, Nhân sinh cũng chủ trương:

1. Trung tâm trời là Thiên Khu [3], Thiên Cực, Bắc Cực hay Tử Vi cung [4].

Trung Điểm đất theo quan niệm Trung Hoa là núi Côn Lôn [5].

Trung Điểm trong con người là: Nê Hoàn Cung, Côn Lôn, Cốc Thần hay Thiên Cốc v.v.. [6]

Như vậy ngũ thập cư trung trong Hà Đồ là bản thể, tức là Thái Cực. [7]

5 và 10 là số đại thành bao quát Âm Dương:

             5 = 1 + 4

             5 = 2 + 3

            15 = 6 + 9

            15 = 7 + 8

cũng như 5 và 10 phân tán ra tứ phương sẽ sinh ra các số Âm Dương bên ngoài, Thái Cực cũng sinh xuất muôn vật.

Cho nên bất kỳ trong một đồ bản nào, Trung Cung, Trung Điểm cũng tượng trưng cho Thái Cực, Căn nguyên sinh xuất muôn vật và cũng là nơi giao hội, qui hoàn của vạn vật:

Mới hay:

Con con cháu cháu vấn vương,

Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phương hồi đầu.

Càn, Khôn, Ly, Khảm gặp nhau,

Hợp thành một khối, gót đầu chẳng phân.

Thế là thần khí qui căn,

Một lèo khinh khoát, băng chừng hư vô.

Âm Dương thông lý, hiệp hòa,

Sẽ cùng tạo hóa vào ra muôn đời. [8]

Cổ nhân dùng Trung Cung, Trung Điểm để tượng trưng cho Thái Cực, cho Bản Thể của vũ trụ là một sự kiện hiển nhiên được minh chứng chẳng những bằng Hà Đồ, mà còn bằng Lạc Thư, và các đồ bản của Dịch.

Cao tăng Diệu Hư viết:

Đãn đắc thử trung vô quải ngại.

Thiên nhiên bản thể tự hư không [9].

Tạm dịch:

Được Trung, là hết lôi thôi.

Thiên nhiên, Bản thể đất trời là Trung.

Đại Đổng Chân Kinh còn ghi: Tìm căn bản phải tìm nơi Thái Cực [10]

Hiểu được ngũ thập của Hà Đồ tức là đi sâu vào lòng sâu muôn vật, tìm ra vi diệu của Càn Khôn, hay Ngọc Châu của Tạo Hóa. 

Cố khai phá Huyền nguyên tam ngũ

Mới tìm ra Tạo hóa khuê chương

Huyền cơ Trời ở trung ương,

Gần trong gang tấc, chẳng vương tượng hình. [11]

 

2. Chu vi Hà Đồ hay là Vạn hữu với  Nguyên lý Diễn Dịch tuần hoàn

Hà Đồ chỉ mới có tứ chính mà không có tứ duy nên chính là một vòng tròn, mà vòng tròn là tượng trưng cho sự tuần hoàn biến Dịch.

Hà Đồ xét về phương diện ngũ hành có thể đơn giản hóa như sau:

 Nam

 Hỏa 

       Đông    Mộc Thổ     Kim Tây 

 Thủy

 Bắc

Nhìn vào đồ bản này ta thấy hình chữ thập:

Trong đó Thủy Hỏa chống đối nhau như dưới với trên, như Nam với Bắc, Kim Mộc chống đối nhau như Tả với Hữu, như Đông với Tây. Tức là trong sự biến Dịch có tung hoành thuận nghịch, phải có thể đổi thành trái, dưới có thể đảo lên trên.

Trong trời đất, và trong xã hội ta cũng thấy đây những hiện tượng đối đãi, phản phúc: Đông mà sáng, thì Tây tối; Bắc lắm đất, Nam lắm biển; có lúc cá nhân được trọng, có khi đoàn thể được trọng; có thời, vua là trọng, có thời, dân mới quí; có nơi tinh thần được sùng thượng, có chỗ vật chất được suy tôn; tất cả đều tùy nơi, tùy thời. 

Lẽ thuận nghịch (Tống), đối đãi (Thác ) của Hà

Đồ được tượng trưng bằng hai cặp mâu thuẫn:

            Kim     Mộc

           Thủy   Hỏa

và được Dịch kinh tượng trưng bằng:

28 cặp quẻ phản phúc (Tống)

4 cặp quẻ đối đãi (Thác) [12]

Ngay trong ngôn ngữ, từ ngữ cũng có nhiều chữ để chỉ, để gợi ra sự đối đãi, thuận nghịch.

Ví dụ: Lá mặt, lá trái;

            Xoay xở, Lật lọng;

            Đảo điên, Phản phúc.

hay cách nói lái trong tiếng Việt, các loại văn biền ngẫu, câu đối. Trong chữ Hán cũng có những loại chữ đảo điên, phản phúc, đối đãi.

Ví dụ: Cảo = Sáng sủa, Yểu = Mờ mịt

 Thượng = Trên, Hạ = Dưới

            Hữu = Phải, Tả = Trái

            Diệt = Lồi, Ảo = Lõm

            Tường = Nửa trái, Phiến = Nửa phải [13]

            Suy ra muốn biến hóa phải biết nhẽ điên đảo, thuận nghịch. Áp dụng vào con người muốn có một đời sống lý tưởng, phải biết tùy như cầu, khuynh hướng, tùy thời gian, tuổi tác mà biết lúc nào phải trọng vật chất, lúc nào phải trọng tinh thần. Nói chung từ bé đến lớn, con người càng ngày càng hướng ngoại, đi tìm vật chất, tìm cơm áo địa vị, từ lớn đến già càng ngày càng hướng nội, đi tìm tinh thần, và các giá trị siêu nhiên.

Đó chính là chiều hướng biến hóa của Hà Đồ:

Tiến về vật chất trước (Thoái hóa)

Tiến về tinh thần sau (Tiến hóa) để rốt ráo trở về Trung Cung Thái Cực.[14]

 

Đó là tiến hóa theo chiều Dương, chiều Ngũ Hành tương sinh, chiều đi về hướng tinh thần ngược lại với chiều tiến hóa của Lạc Thư tức là chiều Âm, chiều Ngũ Hành tương khắc, chiều đi về vật chất, ngoại cảnh.

 

Nếu trời đất chỉ biến hóa một chiều thì sẽ có lúc cùng, nhưng vì luôn luôn biến hóa theo hai chiều, hai hướng cho nên lúc nào cũng có một bên tăng, một bên giảm, bên tiêu, bên tức, thành thử dẫu biến hóa mấy, toàn bích vẩn y nguyên, không vơi, không cạn.

Suy ra trong vũ trụ, sự biến hóa luôn có hai chiều hai hướng: Tinh tú vận chuyển theo hai chiều thuận nghịch, Đạo giáo và Chính trị theo đuổi những mục đích ngược nhau, con người có hướng ngoại, hướng nội, vật chất có tụ, có tán, v.v..

Trong chiều biến hóa của Lạc Thư, động lực ngày một giảm, hư lực ngày một tăng theo Nguyên lý Nhiệt lực II của Carnot-Clausius. [15]

Trong chiều biến hóa của Hà Đồ, động lực ngày một tăng, hư lực ngày một giảm.

 

3. Quan niệm Thái Cực, Âm Dương, hay Nhất Thể Lưỡng Diện

Sự biến hóa theo hai chiều hướng đối nghịch nhau, truy kỳ nguyên là vì cơ cấu vũ trụ đã được tổ chức theo hai hình thức đối nhau. Đó là quan niệm Thái Cực Lưỡng Nghi, Nhất Thể Lưỡng Diện của Dịch kinh. Hà Đồ tượng trưng quan niệm này bằng số như sau:

            5 = 2 + 3

            5 = 4 + 1

Dịch kinh viết:

Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo.

Nếu viết thành phương trình ta sẽ có

Đạo = Âm + Dương

Thái Cực = Âm + Dương [16]

Muốn hiểu bí quyết Dịch, không được coi Âm, Dương là hai thực thể đối lập, mà là hai phương diện của một thực thể, hai chiều hướng của một vòng tuần hoàn.

Thúy Hư Thiên viết: Thực ra, hai chữ Âm Dương chỉ là một vật. [17] Cho nên Âm Dương chỉ là hai chiều hai mặt của một Thực thể là Thái Cực. Thái Cực tuy là Căn Nguyên của Âm Dương, nhưng Thái Cực siêu xuất trên Âm Dương, bao quát Âm Dương.

Số 5 là phi Âm, phi Dương vì bao quát Âm Dương: 5 = 2 + 3 = 1 + 4 [18]

Cổ nhân cho rằng Thái Cực tức là Thần, Thần

tức Thái Cực cho nên Thần cũng siêu xuất Âm Dương,

năng Âm, năng Dương, vì thế nên Hệ Từ viết: Âm Dương bất trắc chi vị Thần. [19]

Khoa học ngày nay đã tiến dần tới quan niệm nhất thể lưỡng diện, Thái Cực Âm Dương của Dịch kinh, và của Hà Đồ.

Thực vậy, theo thuyết tương đối của Einstein thì năng lực có thể biến thành vật chất, vật chất có thể biến thành năng lực theo phương trình.

E = mc2 [20]

Theo Teilhard de Chardin, vũ trụ được tạo dựng bởi một thực thể duy nhất, mà tinh thần, vật chất, chỉ là 2 phương diện tương đối. [21]

Tóm lại, vì thực thể, có hai mặt, hai bên, nên cuộc biến thiên tiến hóa cũng có hai chiều, hai hướng.             Vũ trụ, dù xét về cơ cấu, hay xét về vận động, tiến hóa, luôn luôn theo định luật Âm Dương. Khoa học ngày nay đã chấp nhận quan điểm này khi cho rằng:

Thời gian là chiều kích thứ tư của không gian.

Tinh thần là biến thể của vật chất, vật chất là biến thể của tinh thần v.v..

Tóm lại không có gì có thể hoạt động riêng rẽ mà luôn luôn phải dựa dẫn vào nhau.

 

          4). Hà Đồ với lẽ sinh thành.

Hà Đồ còn đưa ra một nguyên lý căn bản là bất kỳ cái gì không thể sinh ra mà đã trưởng thành, toàn hảo ngay, mà còn phải biến hóa qua nhiều giai đoạn, nhờ sự hỗ trợ của hoàn cảnh, chịu các ảnh hưởng tinh thần, vật chất mới trở nên thành toàn, hoàn hảo được.

Dương phải có Âm phụ bật mới thành tựu, Âm phải có Dương bổ sung mới toàn hảo. Suy ra tinh thần muốn khuếch sung, tiến triển phải nhờ hoàn cảnh vật chất hỗ trợ, vật chất muốn phát triển cần phải có tinh thần khai thác, điều động.

Âm Dương phải cộng tác với nhau, tinh thần vật chất phải hỗ trợ lẫn nhau, mới thực hiện được đại công vũ trụ.

Vì thế Hà Đồ mới chủ trương:

Thiên Nhất sinh thủy, Địa Lục thành chi

Địa Nhị sinh hỏa, Thiên Thất thành chi v.v...

 

5). Các hình thái, các tầng lớp con người theo Hà Đồ

Thay vì phân chia con người thành ba phương diện: Xác, Hồn, Thần hay Tinh, Khí, Thần, theo nguyên lý Tam Tài.

            Hà Đồ, vì trọng nguyên tắc Âm Dương đối trĩ, nên lại phân chia tỉ mỉ hơn nữa, tức là:

            phân Hồn thành        A- Du Hồn (Dương)

                                                B- Quỉ Phách (Âm)

Theo tài liệu của Lưu Nhất Minh, trong quyển Chu Dịch Xiển Chân, và quan niệm các nhà Huyền Học Âu Châu, ta áp dụng lời phân chia con người theo phương thức Ngũ Hành, Tứ Tượng như sau:

       

Du hồn (Dương), gần Thần minh hơn, ưa ánh sáng.

Quỉ phách (Âm), gần vật chất hơn, ưa bóng tối.

Các nhà Dưỡng Sinh Học, đã áp dụng quan niệm này vào công cuộc vệ sinh, và cho rằng nhà cửa không nên cao quá, sáng quá vì như vậy sẽ thương phách, không nên thấp quá, tối quá vì như vậy sẽ thương hồn và bệnh tật do đó sẽ sinh.[22]

Âu Châu cũng có quan niệm Hồn, Phách.

Theo các nhà Huyền Học Âu Châu thì Hồn, Phách, khác nhau cũng như khí với nước.

Lúc chết, Phách quanh quất bên xác, còn Hồn thì khinh phiêu cùng thần khí lãng du. Phách là cứ điểm của dục tình, ngã chấp lúc sống; và đến khi chết, Phách sẽ tan biến dần trong giòng sông quên lãng, y như xác

tan biến trong đất cát. Còn hồn là Khí, là xe của Thần theo từ ngữ Platon, đó là hạt giống Trường Sinh, mầm mộng Kim Thân, Thánh Thể...[23]

Đem những quan niệm trên đối chiếu với khoa Cơ Thể và Sinh Lý Học hiện đại ta có thể ức đoán:

Cứ điểm của Phách có thể ở trung khu não bộ (diencéphale), nơi thị tầng (thalamus ou couches optiques), hạ thị tầng (hypothalamus), [24]hoặc ở trong các Dung Dịch luân chuyển trong các xoang não tủy.

Còn Hồn thì lại liên hệ mật thiết đến các khí thể, lưu hành trong các xoang não bộ. Đó cũng là những quan điểm xa xưa của Galien và thánh Augustin. [25]

 

6). Quan niệm Thiên Nhân Tương Dữ trong Hà Đồ

Trong đạo Lão cũng như trong đạo Nho, vốn có quan niệm Thiên Nhân Tương Ứng[26], Thiên Nhân Tương Dữ. [27]

Ý nói Trời chẵng ở xa con người, mà đã ở ngay trong tâm khảm con người, để làm chủ chốt cho con người, ám trợ con người.[28]

Quan điểm này thực ra không phải của riêng một đạo nào, mà là gia tài của nhân loại. Đi sâu vào các Đạo giáo, các môn phái Huyền Học Đông, Tây, ta thấy quan điểm này thường được đề cập tới. [29]

Hà Đồ bày ra lẽ Âm Dương phối ngẫu theo nhau như bóng với hình. Các nhà Huyền Học Lão giáo dựa vào Hà Đồ, xiển minh nhẽ Trời người hợp nhất, Thiên Lý tại nhân tâm.

Theo quan niệm này ta có thể nói: Trời là Thần, là Chân Dương. Hồn con người là Khí, là Chân Âm[30]. Một bên hùng dũng chỉ lối đưa đường, một bên nhu thuận, tuân theo sự hướng dẫn, đúng như hai quẻ Kiền, Khôn trong Kinh Dịch.

Trời có:

1) Ngũ Nguyên:

 a - Nguyên tính

 b - Nguyên thần

 c - Nguyên tình

 d - Nguyên tinh

 e - Nguyên khí

2) Ngũ Đức:

 a - Nhân

 b - Nghĩa

 c - Lễ

 d - Trí

 e - Tín [31]

Người có:

1) Ngũ Vật:

 a - Du hồn

 b - Thức thần

 c - Quỉ phách

 d - Trọc tinh

 e - Vọng ý

2) Ngũ Tặc:

 a - Hỉ

 b - Lạc

 c - Nộ

 d - Ai

 e - Dục 

Trời là Chân, Người là Giả, hai đàng như hình với bóng chẳng lìa nhau.[32]Người cần phải tuân phục Trời, thuận theo Mệnh lệnh Trời, mới có thể đi đến chổ Âm Dương hòa hợp, thái hòa trường cửu.[33]Trời, Người đều có thể làm chủ hay làm khách. [34]

Nhưng con người vì bản tính nông cạn, si mê, nếu tự động đóng vai chủ nhân, định đoạt mọi sự, thì chắc sẽ đi đến chỗ thất bại. Cho nên, hay hơn hết là nhường cho Trời làm chủ, cho lương tâm, lương tri làm chủ [35], còn mình chỉ biết tuân thuận theo, như vậy chắc chắn sẽ tốt đẹp. Đó là nhẽ Chủ, Khách trong Hà Đồ.

Vì thế các nhà Huyền Học Lão giáo mới nói: Nhường ngài làm Chủ, ta làm Khách. [36]

Hà Đồ lấy vị số mà chứng minh rằng:

            Sâu là Chủ, Nông là Khách,

            Trong là Chủ, Ngoài là Khách

Cho nên, nếu Thượng đế là chủ của ta, thì chắc chắn phải ở ngay trong tâm của ta.

Vì vậy người xưa cho rằng:

Tu hành phải biết nông sâu,

Nông sâu chẳng biết, tìm cầu luống công. [37]

 

7). Bí quyết Tạo Hóa Qui Trung Chi Diệu theo Hà Đồ

Dịch kinh cốt là để mô tả diễn Dịch một chân lý trọng đại. Muôn loài đều từ một Đại thể, từ một Căn Nguyên sinh xuất; biến thiên, tiến hóa tưởng là vô biên vô tận, nhưng kỳ thực chỉ theo định luật Âm Dương, theo hai chiều hướng ngoại, hướng nội; Vãng Lai theo định luật tuần hoàn, nên khi hết chu kỳ lại trở về Nguyên Bản. [38]

Lão tử cũng đã đề cao Nguyên lý ấy:

Đạo Đức Kinh viết:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn Bản Nguyên,

Hoàn Bản Nguyên, an nhiên phục Mệnh,

Phục Mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng. [39]

Hà Đồ cũng xiển minh nhẽ Vạn Vật Qui Trung bằng cách đặt lại số 10 vào Trung Cung.

Hơn nữa nếu ta bắt đầu từ Trung (Thổ) đi theo vòng Ngũ Hành tương sinh: Thổ( Kim( Thủy( Hỏa( Thổ thì hết một vòng biến Dịch ta lại trở về Trung (Thổ).

Vả lại nếu ta xếp lại các con số trong Hà Đồ theo phương thức dưới đây, ta sẻ thấy chiều hướng luân chuyển các con số là trở về Trung Cung, Trung Điểm. [40]

Ngụy Bá Dương viết:

Lấy con số 5 trung ương, tán phân ra tứ phương sẽ thành 6, 7, 8, 9 tức là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, đều dựa vào Thổ mới thành.

Lấy các số 1, 2, 3, 4 ở bốn phương thu về trung ương sẽ được 10, tức là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, đều Phản Bản Hoàn Nguyên, hội họp ở Trung thổ. Thực là vi diệu thay. [41]

Vi chỉ của Dịch thực là cao siêu, huyền diệu.

Mới đầu chỉ cho ta thấy Thái Cực, Đạo Thể biểu dương dần dà thành Số, Vị, Hình Tượng, Màu Sắc, Thể chất, Không gian, Thời gian, Vạn Vật, Vạn Hữu.

Sau đó, lại cho ta nhìn thấy những giai đoạn biến thiên, những yếu tố cấu tạo nên vạn vật, những then chốt biến hóa, từ Vạn Tượng rút lại về Ngũ Hành, về Tứ Tượng, Âm Dương rồi lại trở về Thái Cực, Vô Tượng, Vô Vị, Vô Số. Mới hay:

Tự Đạo phân chia, Số mới thành,

Ngũ Hành hình tượng: Đạo nha manh

Năm phương vũ trụ: Thần phân liệt,

Chất sắc năm mầu: Đạo tán sinh. [42]

Số từ vô số xuất sinh,

Trở về vô số, mới thành vãng lai.

Tượng từ vô tượng, phân bài,

Trở về vô tướng, trong ngoài ấm êm

Vị hoàn vô vị, mới nên,

Chất hoàn vô chất, tinh tuyền trước sau.

Chớ chia đạo thể nhiệm mầu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành.

Muốn trừ cho hết tượng hình,

Ngừng cơ biến hóa, mối manh tiêu liền.

Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt Bản Nguyên làm gì.

Đạo không phát tán chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời.

Đạo là vô số, vô ngôi,

Vô hình, vô chất, chia phôi nhẽ nào.

Đạo Trời vi diệu xiết bao...[43]

Hà Đồ với con số 15 viết ở Trung Cung, tức là cho ta thấy rằng căn bản hay cùng đích của vạn vật là ở tại Trung Cung, mà Trung Cung lại là Thái Cực, cho nên, theo Hà Đồ, thì Căn Nguyên và cùng đích của vũ trụ vẫn là Thượng Đế. Sách Đại Đỗng Chân Kinh viết: Căn bản vốn ở trung tâm điểm. [44]

Sách Nhập Dược Kính viết: Người nào biết Tạo hóa, sẽ tìm căn nguyên vũ trụ nơi Trung Cung (Chân Thổ). [45]

Mới hay:

Huyền cơ Trời ở Trung ương,

Gần trong gang tấc chẵng vương tượng hình. [46]

Như đã nói trên số 15 ở Trung Cung tượng trưng

Thái Cực. Lạ lùng thay, đối với các nhà Huyền Học Âu Châu, số 15 chỉ Thượng Đế. Và họ cho rằng Lạc Thư được quí trọng vì ngang dọc đều cộng thành 15, cho nên Lạc Thư là biểu dương của Thượng Đế. [47]

Đọc bài thơ trong sách Kim Liên Chính Tông Ký, ta càng nhận thấy rõ rằng Trung Cung, Trung điểm ở Hà Đồ chính là Nhất, là Thượng Đế, là Thủy Tổ Vũ Trụ, Càn Khôn.

Chân Nhất ở Trung Cung có Tứ Tượng, Tứ Sắc (đỏ, đen, xanh, trắng) bao quanh, được thi sĩ mô tả như là Thánh Mẫu ẩn thân trong thạch động mầu đỏ, [48]như Linh Thần ngự trên lầu giáng cung, [49], như Chân Cống, hay Kim Đơn chìm dưới làn sóng hồ màu biếc, [50] như đám mây bay trước ngọn núi Bạch Ngọc màu trắng [51].

Nguyên văn bài thơ như sau:

Nhất trung hữu Nhất, Nhất nan luân,

Tam cảnh nguyên tòng nhất xứ phân,

Xích thạch động trung tàng Thánh Mẫu,

Giáng cung đài thượng liệt Thần Tôn.

Bạch đàm ba nội chân chân cống,

Bạch ngọc phong tiền ải ải vân.

Cá thị càn khôn khai tịch tổ.

Thế gian ngu tục, khởi giao văn.[52]

Khi đã biết Trung Cung tượng trưng cho Thượng Đế Bất Khả Tư Nghị, Vô Số, Vô Vị, Vô Tượng, thì bí quyết trở về với Thượng Đế, về Trung Cung là phải biết vượt lên trên hết mọi ảnh tượng [53], chi ly, phiền tạp, phải biết thu nhiếp vạn thù, qui nhất bản.

Người xưa gọi thế là:

Toản thốc Ngũ Hành,

Hòa hợp Tứ Tượng

Tam hoa tụ đỉnh

Ngũ khí triều Nguyên

Tạo Hóa Qui Trung Chi Diệu. [54]

Nói một cách thiết thực hơn, muốn tìm về Trung cung, con người phải biết đâu là Chân Tâm trong con người.

Các nhà Huyền Học Lão giáo đã cho biết Nê Hoàn Cung, ở trung tâm não bộ chính là Chân Tâm, là Trung Cung, Trung Điểm nơi con người.

Mới hay:

Nê hoàn một khiếu, thấu cửa Trời

Ngọc Hoàng Thượng Đế, ấy tòa ngôi,

Thánh Hiền lui tới, duy đường ấy,

Cưỡi hạc băng chừng, thẳng tới nơi. [55]

Giai đoạn sau là thu thần, liễm khí cho qui tụ về óc não, sống đời sống nội tâm cho thật rồi rào, dùng hết tâm thần ý chí vào công cuộc chiêm ngưỡng Thượng Đế, sống hợp nhất với Thượng Đế. [56]

Đó là ý nghĩa những khẩu quyết:

Hoàn tinh bổ não

Tam hoa tụ đỉnh

Ngũ khí triều Nguyên [57]

hay:

Tử dục bất tử tu Côn Lôn [58]

Qui Trung tóm lại là:

Đem ngựa ý, qui về thần thất [59]

Bắt vượn tâm, giữ chắc động phòng. [60]

Tâm, Thần, Hồn, Phách, Ý qui trung. [61]

Nói theo từ ngữ Công giáo tức là muốn sống kết hợp với Thượng đế, phải kính mến Thượng đế hết lòng, hết sức tâm thần. [62]

Hiểu được ý nghĩa Trung Cung, biết được bí quyết Tạo Hóa Qui Trung Chi Diệu, con người mới có thể tìm ra được địa vị sang cả của mình [63] Định Mệnh con người là sống kết hợp với Thượng Đế. [64]


CHÚ THÍCH

[1] Vạn vật tắc ngũ hành chi tử dã. 萬 物 則 五 行 之 子 也. — Âm Phù Kinh Sớ, trang 2.

[2] Phóng chi tắc di lục hạp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật. 放 之 則 彌 六 合 卷 之 則 退 藏 於 密.— Trung Dung Tựa.

[3] Cổ nhân sở xưng đích thiên khu bất động. — Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện Bảo Điển, trang 113.

[4] Thiên cực nhất tinh danh Bắc cực vị tại trung ương, tứ phương sở thủ chính, cố danh trung cung. Viết: Thiên cực tức Bắc thần dã 極 一 星 名 北 極 位 在 中 央, 四 方 所 取 正, 故 名 中 宮. 曰 天 極 即 北 辰 也. (Khảo yếu). Thượng Đế Thái nhất thần tại Tử vi cung, thiên chi tối hiển dã. 上帝 太 一 神 在 紫 微 宮 天 之 最 顯 也. — Gustave Schlegel - L'Uranographie Chinoise, page 524. — J. Legge, the Shoo King, page 34 notes.

[5] Trung nguyên, Côn Lôn sơn, thiên địa tâm. 中 原 崑 崙 山 天 地 心.—  Joseph Needham: Science et Civilisation in China, (Cambridge at the University Press) quyển 3, trang 566 - 567.

[6] Nê hoàn hựu xưng Bá hội... tức cổ nhân sở chỉ đích bách mạch tổng hội... Não xoang cổ nhân xưng vi Thiên cốc, nhi cư ư thử trung đích tinh thần tác dụng, khiếu tố Cốc Thần, giá thị Sinh Mệnh chi chân tể...hợp xưng vi Thiên khu.  泥 丸 又 稱 百 會 ... 即 古 人 所 指 的 百 脈 總 會 ... 腦 腔 古 人 稱 為 天 谷 而 居 此 中 的 精 神 作 用﹐ 叫 做 谷 神, 這 是 生 命 之 真 宰 合 稱 為 天 樞. — Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện Bảo Điển, trang 113.

[7] Hà Đồ ngũ thập hư trung nhi vi Thái Cực 河 圖 五 十 虛 中 為 太 極. — Địa Lý Chính Tông, trang 3.

[8] Chỉ huyền thiên vân: Miêu miêu duệ duệ miên miên lý, Nam Bắc Đông Tây tụ hợp lai. Thử Càn, Khôn, Khảm, Ly chi sở dĩ hiệp nhi vi nhất dã. Hợp nhi vi nhất, tắc thần khí qui căn, Kính nhập hư vô, yểu yểu minh minh, mạc tri kỳ sở dĩ nhiên hĩ. Đỗng hiểu Âm Dương, thông đạt Tạo hóa. 指 玄 天 云 : 描 描 裔 裔 綿 綿 裡. 南 北 東 西 聚 合 來. 此 乾 坤 坎 離 之 所 以 合 而 為 一 也. 合 而 為 一, 則 神 氣 歸 根, 涇 入 虛 無, 窈 窈 冥 冥, 莫 知 其 所 以 然 矣. 懂 曉 陰 陽, 通 達 造 化.— Chu Dịch Tham Đồng Khế, quyển Trung, trang 3. 

[9] Đại Đỗng Chân Kinh, quyển Trung, trang 10b.

[10] Căn bản do lai Thái Cực tầm. 根本由來太極尋.— Đại Đỗng Chân Kinh, Quyển Thượng, trang 4b.

[11] Tạc phá huyền nguyên tam ngũ, bát khai Tạo hóa khuê chương. Hi Di diệu chỉ tại trung ương, chỉ xích vô danh võng tượng. 鑿 破 玄 元 三 五 拔 開 造 化 圭 璋. 希 夷 妙 旨 在 中 央 咫 尺 無 名 罔 象 .— Phục Mệnh Thiên, trang 4a.

[12] 28 cặp quẻ phản phúc như: Truân, Mông; Nhu, Tụng; Sư, Tỉ; Tiểu súc; Lý; Thái, Bĩ v.v...

 4 cặp quẻ đối đãi là Càn, Khôn, Khảm, Ly, Di, Đại Quá, Trung Phu, Tiểu Quá.

[13] Xem thêm Dịch Kinh Tân Chứng, trang 5, đoạn Phúc Tượng.

[14] Atteindre le Ciel par achèvement de la Terre (Teilhard de Chardin). — Cf. Jean Onimus, Teilhard de Chardin, page 65.

[15] La quantité d'énergie que l'on peut transformer en travail va sans cesse diminuant, l'énergie se dégrade et l'univers tend vers l'immobilité etc... Clausius paraît avoir été le premier à donner du principe de Carnot une définition satisfaisante en introduisant la notion d'Entropie. Le second principe est alors devenu le principe de l'accroissement de l'entropie ou principe de Carnot-Clausius...

 En outre lorsqu'un système est en équilibre, son entropie est un maximum... C'est cette marche à sens unique, toujours dans le sens de la dégradation irréversible, qui justifie le nom de principe d'évolution par lequel on désigne souvent le principe d'évolution, le second principe de la thermodynamique. -- Lecomte du Noüy, L'homme devant la Science, page 94 - 95. 

[16] Nhất Âm nhất Dương chi vị đạo, Thiên Âm thiên Dương chi vị tật. 一 陰 一 陽 之 謂 道,   偏 陰 偏 陽 之 謂 疾.-- Phục Mệnh Thiên, 1a.

[17] Kỳ thật, Âm Dương nhị tự thị giai nhất vật dã. 其 實 陰 陽 二 字 是 皆 一 物 也. —Thúy Hư Thiên, trang 2a.

[18] Nhược Đạo chi thể tắc vô Âm Dương, nhi vi Âm Dương chi căn... 若 道 之 體 則 無 陰 陽, 而 為 陰 陽 之 根. — Xướng Đạo Chân Ngôn, tr.8b.

[19] Có thể là Âm, có thể là Dương, bất kỳ bất trắc nên gọi là Thần (Hệ Từ).

[20] E = énergie (năng lực)

 m = masse (khối lượng)

 c2 = tốc độ ánh sáng lên bình phương.

[21] Matière et Esprit, écrit le P. Teilhard en 1950, non point deux choses mais deux états, deux faces d'une même étoffe cosmique suivant qu'on la regarde ou qu'on la prolonge dans le sens où elle se fait ou au contraire dans le sens suivant lequel il se défait... -- Jean Onimus, Pierre Teilhard ou La foi au Monde, page 80.

... L'Esprit, n'est ni un surimposé, ni un accessoire dans les cosmos, mais il représente tout simplement l'état supérieur pris en nous par la chose première indéfinissable... rien de plus mais aussi rien de moins. L'Esprit n'est ni un méta, ni un épiphénomène: il est le phénomène. — Ib. page 85.

[22] Thiên Ẩn Tử, Dưỡng Sinh Thư, trang 1b.

 Si nous considérons les quatre Eléments dont le monde est composé: la Terre, l'Eau, l'Air et le Feu, le corps correspond à l'Elément Terre, l'Âme aux Eléments Eau et Air, l'Esprit à l'Elément Feu, et de même que dans le domaine physique, l'eau a le pouvoir de se mêler à la terre, l'air au feu, de même, une certaine Âme, l'Âme liquide est attachée au corps, à tout le moins demeure en son voisinage, même après la mort, l'autre Âme, l'Aérienne, rejoint l'Esprit. — Raoul Auclair, Le Livre des Cycles, page 143. 

[23] Cette âme (l'âme liquide) est le siège de nos passions et de notre individualité présente, mais elle est destinée à se dissoudre dans Léthé comme le corps dans la Terre. L'autre Âme, c'est le Pneuma, le char de l'Esprit, ainsi que l'appelait Platon, le noyau, sans cesse grossi de l'immortalité de l'homme, l'embryon du corps glorieux. — Ib. page 144.

[24] Le Thalamus participe, enfin, par ses relations avec les corps striés et l'hypothalamus à l'expression des émotions. -- A. Fabre et G. Rougir, Physiologie Médicale, page 558.

[25] According to Galen, the natural spirit, the product of nutrition, passed from the liver and the gut to the heart and were there modified by the material from the lungs. A portion of the resultant product, known as the vital spirits was passed to the head. Here within the rich collection of blood vessels at the base of the brain, a watery distillate was recovered and mixed with air and supposedly entered the cranial cavity through the porous base of the skull above the nose. The psychic pneuma was then collected and circulated in the chambers of the brain.

 By the fourth century A.D. this ingenious Galenic conception of the circulation of psychic pneuma within the chambers of the brain had been much modified. Saint Augustin (A.D. 354 - 430) among others held that the three ventricles of the brain contained psychic pneuma with special qualities. Indeed some of the Aristotelian faculties were identified with the watery contents of the respective chambers but not, with the substance of the brain...

Cf. Lyman Bryson, An Outline of Man's Knowledge of the Modern World, page 44.

[26] Thiên nhân tương ứng chi lý bị ư Xuân Thu... 天 人 相 應 之 理 備 於 春 秋. — Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Toản Nghĩa, trang 1. 

Phù cổ ảnh hưởng chi lý: 桴 鼓 影 響 之 理 (Trời người như dùi với trống, như người với bóng, như âm thanh và tiếng vọng). — Thái Thượng Bảo Phiệt Đồ Thuyết, trang 6a.

[27] Đổng trọng Thư viết: Thiên nhân tương dữ chi tế, thậm khả úy dã. 董 仲 舒 曰 : 天 人 相 與 之 際, 甚 可 畏 也 .— Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Toản Nghĩa, trang 1a.

[28] Vô viết: Bỉ thương thậm diểu dã, nhất sự chi công tư, tức vi thiên địa sở thức lâm. Vô viết: nhĩ thất khả khi dã: Nhất niệm chi tà chính, tức vi quỉ thần sở chỉ trích. 毋 曰 彼 蒼 甚 渺 也 一 事 之 公 私 即 為 天 地 所 式 臨. 毋 曰 爾 室 可 欺 也. 一 念 之 邪 正 即 為 鬼 神 所 指 摘. — Thái Thượng Bảo Phiệt Đồ Thuyết

Dịch câu 53: Đừng nói: Xanh kia xa lắc: bất kỳ công việc gì dù công hay tư, đất trời đều hay biết; đừng nói: buồng kín có thể lừa đối được. Bất kỳ một ý niệm gì hoặc tà hoặc chính, đều được quỉ thần phê phán.

[29] Ne savez-vous pas que vous êtes un temple de Dieu, et que l'Esprit de Dieu habite en vous? Si quelqu'un détruit le temple de Dieu, celui-là, Dieu le détruira. Car le temple de Dieu est sacré, et ce temple c'est vous. -- I Corinthiens 3, 16, 17.

 ...Ou bien ne savez-vous pas que votre corps est un temple du Saint-Esprit, qui est en vous et que vous tenez de Dieu? Et que vous ne vous appartenez pas? Vous avez été bel et bien rachetés! Glorifiez donc Dieu et le portez dans votre corps. --I Corinthiens 6, 19, 20.

...In short, many see in the story of Solomon's Temple a symbolical representation of Man as the temple of God, with its Holy of Holies deep seated in the center of the human heart. -- Mackey's Revised Encyclopedia of Freemasonry, Tome II, page 961.

[30] Chân Âm Chân Dương thị Thần Khí. 真 陰 真 陽 是 神 氣. — Đơn Dương Chân Nhân Ngữ Lục - trang 5b.

[31] Xem Chu Dịch Xiển Chân, của Lưu nhất Minh - Chương Hà Đồ.

[32] Giả tá Chân tồn, Chân diệc tá Giả nhi lưu dã. 假 借 真存 真 亦 借 假 而 流 也.— Lưu nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, Chương Hà Đồ. 

[33] Âm Dương kết Thái nguyên. 陰 陽 結 太 元 .— Hoàn Nguyên Thiên, trang 1. 

[34] Dĩ nhân hợp thiên.  Dĩ thiên tòng nhân. 以 人 合 天 以 天 從 人.— Huyền Tông Chính Chỉ, trang 10.

[35] Vương Dương Minh tiên sinh thuyết: Lương tri tức Thượng Đế. 王 陽 明 先 生 說 良 知 即 上 帝.—Hiện Đại Đạo gia Tu Luyện Bảo Điển, trang 82. 

[36] Nhiêu tha vi chủ ngã vi tân. 饒 他 為 主 我 為 賓.— Nhập Dược Kính - trang, 14b.

[37] Thức phù trầm, minh chủ khách, yếu tụ hội, mạc gián cách. 識 浮 沉 明 主 客 要 聚 會 莫 間 隔. — Nhập Dược Kính, trang 14a.

[38] Thủy chung như nhất. 始 終 如 一.— Đại Đỗng Chân Kinh, trang 7b. 

[39] Đạo Đức Kinh, chương XVI.

[40] Xem đồ bản này, ta thấy chiều biến hóa là từ Dương dến Âm, rồi lại từ Âm trở về Dương trước khi trở về Trung Cung.

[41] Cổ dĩ Trung ương chi ngũ, tán ư tứ phương nhi thành 6, 7, 8, 9, tắc Thủy Hỏa Mộc Kim lại Thổ nhi thành. Nhược dĩ tứ phương chi nhất, nhị, tam, tứ qui ư trung ương nhi thành thập, tức Thủy Hỏa Mộc Kim giai phản bản hoàn nguyên nhi hội ư thổ trung dã. Hu huyền tai. 古 以 中 央 之 五, 散 於 四 方 而 成 六, 七, 八, 九, 則 水 火 木 金 賴 土 而 成. 若 以 四 方 之 一, 二, 三, 四 歸 於 中 央 而 成 十 即 水 火 木 金 皆 返 本 還 元 而 會 於 土 中 也. 吁 玄 哉.— Chu Dịch, Tham Đồng Khế Phát Huy, trang 24.

[42] Ngọc Thư viết: Nhất, tam, ngũ, thất, cửu, Đạo chi phân nhi hữu số. Kim mộc thủy hỏa thổ, Đạo chi biến nhi hữu tượng Đông Tây Nam Bắc Trung, Đạo chi liệt nhi hữu vị. Thanh, Bạch, Xích, Hoàng, Hắc, Đạo chi tán nhi hữu chất. 玉 書 曰 一, 二, 三, 五, 七, 九 道 之 分 而 有 數. 金 木 水 火 土 道 之 變 而 有 象. 東 西 南 北 中 道 之 列 而 有 位.  青 白 赤 黃 黑 道 之散 而 有 質.— Linh Bảo Tất Pháp, trang 12a.

[43] Số qui ư vô số, tượng phản ư vô tượng, vị chí ư vô vị, chất hoàn ư vô chất. Dục Đạo chi vô số, bất phân chi tắc vô số hĩ. Dục Đạo chi vô tượng, bất biến chi, tắc vô tượng hĩ. Dục Đạo chi vô vị, bất liệt chi tắc vô vị hĩ. Dục Đạo chi vô chất, bất tán chi tắc vô chất hĩ. Vô số Đạo chi nguyên dã, vô tượng Đạo chi bản dã, vô vị Đạo chi chân dã. 數 歸 於 無 數 象 反 於 無 象 位 至 於 無 位 質 還 於 無 質. 欲 道 之無 數 不 分 之 則 無 數 矣. 欲 道 之 無 象 不 變 之 則 無 象 矣 . 欲 道 之 無 位 不 列 之則 無 位 矣. 欲 道 之 無 質 不 散 之 則 無 質 矣. 無 數 道 之 元 也. 無 象 道 之 本 也. 無 位 道 之真 也.— Linh Bảo Tất Pháp, quyển Hạ, trang 12a.

[44] Căn bản nguyên do Trung. (Cứu kỳ căn bản, thật do ư trung, kiến hồ ngoại giả, bản hồ nội. Chiêu hồ dụng giả, do hồ thể dã). 根 本 原 由 中. 究 其 根 本 實 由 於 中. 見 乎 外 者 本 乎 內. 昭 乎 用 者 由 乎 體 也.— Đại Đổng Chân Kinh, trang 19.

[45] Thức Tạo hóa giả, tất ư Chân Thổ trung cầu căn đế yên. 識 造 化 者, 必 於 真 土 中 求 根 蒂 焉.—  Nhập Dược Kính 4b.

[46] ... Le monde, pris dans son universalité, n'émane pas immédiatement de Dieu. Ce qui émane de Dieu, c'est un Etre unique, qui est le Principe de toutes les créatures. C'est une intelligence séparée, c'est-à-dire une substance qui existe par soi, qui est exempte de toute multiplicité, qui se conaît et connaît son principe (Averroès). — Illan de Casa, La Religion Essentielle, p. 122.

[47] For fifteen was a sacred number among the Orientals, because the letters of the holy name Jah jy were, in there numerical value, equivalent to fifteen, and hence a figure in which the nine digits were so disposed as to make fifteen either way when added together perpendicularly, horizontally, or diagonally, constituted one of their most sacred talismans. —  Mackey's Revised Encyclopedia of Freemasonry,Vol. II, p. 1109.

 ...Thus in Hebrew, the name of God, Jah jy is equivalent to 15, because y =10 and j = 5 and 15 thus become a sacred number. — Ib. p. 722.

[48] Tượng trưng Nam Phương, Hỏa, Xích.

[49] Tượng trưng Bắc Phương, Thủy, Hắc.

[50] Tượng trưng Đông Phương, Mộc, Thanh.

[51] Tượng trưng Tây Phương, Kim, Bạch.

[52] Dung hợp vi nhất, thông quán vô gián, dữ Đạo vi thể, nhi hồn phách câu hóa, tứ đại giai không. Thất khí vô trệ Trạm tịch chân thành. Quán thông Vô Cực.融 合 為 一, 通 貫 無 間, 與 道 為 體, 而 魂 魄 俱 化, 四 大 皆 空, 七 氣 無 滯, 湛 寂 真 成, 貫 通 無 極 .— Đại Đỗng Chân Kinh, trang 23.

[53] Quả ư võng tượng vô hình xứ, Hữu cá trường sinh bất tử côn. 果 於 罔 象 無 形 處, 有 個 長 生 不 死 根. — Kim Đơn Đại Thành Tập, trang 10.

[54] ... Pour être satisfait par Dieu, il ne faut point se contenter de ce qui est ceci ou cela, mais de ce qui est Tout. Car Dieu est bien l'Un, et doit être l'Un, mais il est aussi Tout et doit être Tout...

Théologie Germanique. — Illan de Casa Fuerte, La Religion Essentielle, p.161.

[55] Nê hoàn nhất khiếu đạt Thiên môn,              泥 丸 一 竅 達 天 門

Trực thượng Hư Hoàng Ngọc Đế tôn           直 上 虛 皇 玉 帝 尊

Thử thị Chân Nhân lai vãng lộ                       此 是 真 人 來 往 路

Thời thời khóa hạc khứ triều Nguyên.           時 時 跨 鶴 去 朝 元

Nhập Dược Kinh, trang 10b.

[56] Thượng triều ngọc thanh, dữ Thiên vi nhất hĩ. 上 朝 玉 清 與 天 為 一 矣. — Đại Đỗng Chân Kinh, trang 7b.

[57] Cf. Hiện Đại Đạo Gia Tu Luyện Bảo Điển, trang 124.

[58] Nhập Dược Kính, trang 10b (Côn Lôn tượng trưng cho đầu não).

[59] Thần Thất tượng trưng cho xoang trung tâm trong óc.

[60] Động phòng là tên một xoang trong óc.

[61] Hoàn Nguyên Thiên Trang 1b.

[62] Tu aimeras ton Dieu de tout ton coeur, de toute ton âme, de tout ton esprit et de toute ta force. — L'Evangile selon St. Marc, 12, 30.

[63] Quân tử Hoàng Trung thông lý, chính vị cư thể. — Dịch Kinh Khôn Quải (Văn ngôn).

... Il (Pascal) sait, lui, que le tourment de l'homme tient à ce qu'il ne sait à quel rang se mettre, tendu qu'il est entre un infini de grandeur qui l'écrase et un infini de petitesse avec lequel il semble n'avoir aucune mesure... — Georges Cresp, De la Science à la Théologie (Essai sur Teilhard de Chardin), p. 13. 

[64] Dĩ nhân hợp Thiên 以 人 合 天.—  Huyền Thiên Chính Chỉ, trang 10.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6 | BẠT