TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XVI

 

 

Đạo Phật, cũng như mọi Đạo có một có một quá trình lịch sử lâu dài, tuy do một Giáo chủ khởi xướng, nhưng kỳ thực là công trìnhcủa biết bao con tim, khối óc, trải qua bao thời đại.

Cho nên Đạo Phật, cũng như các Đạo, dần dà trở thành muôn mặt, cái hay chen cái dở, cái thấp lẫn cái cao, phản ảnh đúng mọi sắc thái, mọi trình độ của con người muôn mặt.

Bởi thế, trong công trình khảo cứu Phật giáo, nếu muốn tìm tòi, lượm lặt ít nhiều khía cạnh phiến diện thì dễ, nhưng nếu muớn đi tìm tinh hoa Phật Giáo mà không có bí quyết thì cũng ví như mò trăng đáy nước, hái sao trên Trời.

Không có những tiêu chuẩn chắc chắn để khảo cứu Phật Giáo, ta sẽ quanh quất, lạc lõng trong rừng thư tịch Phật Giáo, mà chẳng còn biết đâu là lối thoát, nẻo ra; sẽ chuốc mua, đeo đẳng vào thân muôn dây rợ tu trì, mà chẳng sao gỡ được ra; sẽ nghiện ngập, say sưa lời kinh, câu kệ, mà không sao chinh phục được tự do, khinh khoát.

Nhưng nếu ta có kim chỉ nam mà đi vào học thuyết Phật giáo, ta sẽ ung dung lui tới, tung hoành dọc ngang mà chẳng sợ lạc đường, lạc đích, ta sẽ dễ dàng gạt bỏ những phù hoa, bác tạp bên ngoài, mà thâu thái lấy tinh hoa, vi diệu bên trong.

Chúng ta sẽ khảo sát:

A.Những điều kiện tiên quyết để khảo cứu Phật giáo cho có hiệu quả.

B.Siêu hình học Phật Giáo.

C.Tối thượng thừa Phật giáo.

 

ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ KHẢO CỨU PHẬT GIÁO

CHO CÓ HIỆU QUẢ.

 

1. Muốn khảo cứu Phật Giáo cho tới căn để, cần phải thông minh, linh lợi, và cần có một nền tảng học vấn vững chãi.

Triết lý Phật giáo cao siêu, nếu không thông minh, linh lợi, không học nhiều, biết rộng, làm sao thấu triệt được?

2. Cần có một tinh thần vô tư, vô uý khi khảo sát Phật Giáo.

Phật nói trong kinh Kalamasutta: “Đừng nên vội tin những lời đồn thổi, những lời truyền tụng lưu lai tự cổ thời; những phong thanh, những lý lẽ, những suy luận hữu lý, những hình thức bên ngoài; những dư luận, trào lưu đang được sùng thượng, những giả thuyết, những ức đoán; và cũng đừng tin, vì thế giá ta là sư phụ. Nhưng nếu kinh nghiệm bản thân chư vị thấy điều chi là xấu, điều chi làm cho chư vị tần phiền, khổ cực, thì hãy vứt bỏ nó đi. Còn nếu chư vị thấy điều nào là hay, là hoàn toàn không chê trách được, và sẽ đem lại cho chư vị thảnh thơi, giải thoát, thì chư vị hãy đem thực thi, áp dụng.” [1]

3.Thế tức là Phật dạy phải lấy lương tâm, lương tri mình làm đuốc sáng soi cho mình, phải trọng lương tâm, lương tri mình, hơn mọi sách vở, mọi truyền thống.

Thế mới hay:

“Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Tâm ta, mới thực chính thày ta” [2]

4.Phật bảo A Nan: “ ...Các Ông là nam tử, đã học rộng, biết nhiều, mà trở lại chấp chỗ thấy, nghe suông, chẳng biết tiến tu, sao tự khinh mình đến thế!” [3].

Như vậy, ta phải biết tự tôn, tự trọng, đừng quá khinh khi mình và đừng quá tán dương Phật. [4]

Phật nói: “Bạn là Phật đang thành, Ta là Phật đã thành” [5], chứ Phật không hề nói: “ Hỡi loài người mê muội kia, từ nay hãy thờ lạy ta, vì ta đã được siêu thoát, giác ngộ...”

5.Phải có thành tâm thiện chí, cố gắng khảo sát, để tìm tinh hoa, để tìm những điều huyền vi, áo diệu, chứ không phải để thu lượm thêm ít nhiều sáo ngữ, thêm vài khái niệm phù phiếm, hay thêm ít câu chuyện làm quà.

6.Muốn giải thoát, cần phải hiểu đường lối, tôn chỉ, cần phải giác ngộ, cần phải chuyển hoá tâm hồn, hồi quang phản chiếu, tập trung tinh thần cho thoát ly hình tướng, chứ không phải hành hạ xác thân, tụng niệm đến rát cổ, bỏng họng.

Phật nói: “ Bao lâu con người còn ở trong lưới mê vọng, sẽ chẳng sao mà được thanh tịnh, mặc dầu khảo cứu thánh thư, cúng dường thần thánh, ăn chay, nằm đất, thức đêm, thức hôm, hay trì tụng kink kệ.”

“Bố thí cho kẻ tu hành, hành hạ thân xác, lễ bái, cúng quải, cũng không làm cho thanh tịnh được những kẻ mà lòng còn đầy ham muốn vị kỷ. Chẳng phải do ăn thịt cá, mà con người trở nên ô trọc, nhưng chính ô trọc vì say sưa, ương bướng, cố chấp, gian lận, ghen tuông, kiêu căng, tự thị, khinh khi, hay có đầy ác ý.” [6]

7. Phải tìm hiểu từ ngữ Phật Giáo.

Nếu không hiểu từ ngữ, làm sao quán triệt được ý nghĩa.

Kinh Lankavatara-Sutra viết: “ Những kẻ ngu muội sa lầy trong từ ngữ, như voi sa lầy trong đống bùn.” [7]

8.Khảo cứu Phật Giáo muốn cho thấu đáo, cần mở con tim, khối óc cho rộng rãi; cần phải am tường các học thuyết Đông Tây, kim cổ, để phối kiểm, để tìm cho ra chỗ đồng qui, nhất trí; cần hiểu cho thấu đáo về con người, vì không có học thuyết nào vượt quá được con người toàn diện. [8]

9.Nhiều người chỉ hiểu Phật giáo một cách tiêu cực.

Họ cho rằng: đời là bến mê, bể khổ nên cần thoát ly đời. Họ cho rằng: sinh ra đời là cái tội nợ, hứng lấy biết bao luân hồi, nghiệp chướng, coi thân tứ đại giả hợp là ô trọc, cho nên họ sợ đời, sợ mình; bè bạn cùng khói hương kinh kệ, cố làm cho lòng mình héo hon, cô quạnh, xác thân mình ốm o, gầy mòn, tưởng thế là đắc đạo, thành Phật. Họ muốn đi tìm tự do, hạnh phúc, mà thực tình đã tự rước cho mình biết bao giây rợ, trói buộc, khổ đau. Thực đáng thương thay!

Nhưng thực ra, chủ trương của Phật đâu có âu sầu, ảm đạm, trì trệ, tiêu cực như vậy.

Phật, cũng như các Thánh Triết mọi nơi, mọi đời, đã cố gắng vạch cho nhân loại con đường vinh quang và hạnh phúc, một nếp sống vô biên, vô tận, vĩnh cửu, trường tồn.

Tuy sống giữa phù hoa của cuộc đời vương giả, Phật đã cảm thấy sâu xa sự chất chưởng của vinh quang, phú quí bên ngoài; Phật muốn đi tìm một cái gì cao siêu và vĩnh cửu.

Sống trong biến thiên, tương đối, Phật đã phát nguyện tìm cho ra hằng cửu, tuyệt đối.

Nhìn thấy mọi nỗi đau thương chết chóc của nhân quần, Phật đã phát nguyện tìm cho ra hạnh phúc và trường sinh.

Thấy con người bị trói buộc, nô lệ, Phật đã phát nguyện tìm cho ra tự do, giải thoát.

Vậy ta sẽ theo lối đường của Phật mà đặt lại những vấn đề then chốt của cuộc đời.

10. Như trên đã nói, sống trong biến thiên,, chất chưởng, tương đối, dĩ nhiên sẽ phải lệ thuộc, sẽ không thể nào được hạnh phúc bền bỉ, như vậy, muốn được tự do, hạnh phúc, trường tồn, tất nhiên phải tìm cho ra tuyệt đối hằng cửu, bất biến.

Phật nói: “Hỡi các tì kheo, có một thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực trạng ấy, thì làm sao giải thoát được những cái sinh, thành, ỷ, tạp. Nhưng vì có thực trạng ấy, nên có đường thoát cho những cái sinh, thành, ỷ, tạp.” [9]

Vậy chúng ta phải tìm cho ra thực trạng ấy. Nó sẽ là Chân Lý tuyệt đối, chân lý rốt ráo, nó sẽ gỉai thoát ta. Đó là chính Niết Bàn ta tìm kiếm. [10]


 

CHÚ THÍCH

[1] Présence du Bouddhisme, p. 245.

[2]   Thiên thánh giai quá ảnh,

Lương tri nải ngô sư. (Vương dương Minh)

     千

      良

[3] Thủ Lăng Nghiêm , Hướng Đạo xuất bản, tr. 121.

[4] Các bậc Như Lai chỉ có làm cái việc là chỉ đường thôi: mỗi người phải tự mình đi đến chứ không ai đi thế cho ai được cả.

Phật học tinh hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 59

Vous devez faire votre travail vous-mêmes, les Tathagata enseignent seulement le chemin.

Présence du Bouddhisme, p. 261; Dhammapada XX, 4.

[5] Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật. ; 成佛

Phật học tinh hoa, Nguyễn Duy Cần, p. 54.

[6] “L’homme pris dans le filet de l’aveuglement ne sera jamais purifié par la simple étude des Écritures Saintes, ou par des sacrifices aux dieux, non plus que par les jeunes ou par le sommeil sur la terre nue, par des veillées difficiles et fatigantes ou par la répétition des prières...”

“ Ni les donations aux moines, ni le châtiment de soi-même, ni l’accomplissement de rites et de cérémonies ne sauront purifier celui dont le coeur connait encore le désir égoiste. Ce n’est certainement pas par la consommation de la viande ou du poisson qu’un homme devient impur mais bien par ivresse, obstination, bigoterie, fraude, envie, exaltation de soi-même, mépris des autres et mauvaises intentions. C’est par ces choses-là que l’homme devient impur...”

Présence du Bouddhisme, p. 245.

[7] Les ignorants se laissent engluer dans les mots comme un éléphant dans la boue.

[8] Cáo Thần Tông viết: “ Tiên Thánh, hậu thánh, nhược hợp phù tiết; phi truyền Thánh Nhân chi Đạo; truyền Thánh Nhân chi tâm dã; phi truyền Thánh Nhân chi tâm dã; truyền kỷ chi tâm dã. Kỷ chi tâm quảng đại vô hạn, vạn thiện giai bị. Dục Thánh Nhân chi Đạo, khuếch sung thử tâm yên nhĩ.”

節;

,傳 也;

  也,傳 也。 限, 備。

Trùng biên, Tống Nguyên Học Án, q. 1, tr. 144.

Thiên Thánh nhất Tâm, vạn cổ nhất Đạo.

心, .

Tính Mệnh khuê chỉ, q. 2, tr. 1

Đạo (tức Chân Lý). Giá cá đông tây thị chỉ năng hữu nhất cá đích. Cao Hoàng đàm luận Nhu, Phật, Đạo tam giáo thời thuyết: Thiên hạ vô nhị Đạo, Thánh Nhân vô nhị tâm.

... 道(即 ) 西 的。

.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. 1. tr. 15.

[9] “O moines, il y a un état non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé. S’il n’y avait pas un tel état qui soit non-né, non-devenu, non-conditionné, non-composé, il n’y aurait aucune évasion possible pour ce qui est né, ce qui est devenu, ce qui est conditionné, et ce qui est composé”

“Puisqu’il y a un tel état, il y a une évasion de ce qui est né, de ce qui est devenu, de ce qui est conditionné et de ce qui est composé.”

Udana, p. 129. Colombo, 1929. Présence du Bouddhisme, p. 268.

[10] “O moines, le Nibbana qui est la Réalité, est l’ultime Noble Vérité...”

... “il n’y a plus de places ici pour les quatre éléments , solidité, fluidité, énergie, mouvements; les notions de longueur et de largeur, de subtil et de grossier, de bon et de mauvais, de Nom et de Forme, sont absolument détruites; on n’y trouve les notions ni de ce monde, ni de l’autre, ni de venir, ni de partir, ni de rester, ni de mort, ni de naissance, ni des objets des sens.”

Digha-nikaya I, p. 172 (Colombo 1921);

Udana page 128 (Colombo 1929); Présence du Bouddhisme p. 267.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32