TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»    mục lục   |   chương trước    |   chương kế

 

CHƯƠNG VII

VŨ TRỤ THÁM VI.

TÌM HIỂU HUYỀN CƠ VŨ TRỤ

 

Người xưa chỉ dùng Thần (tuệ giác = illumination, intuition). Trí (raisonnement), Giác quan để quan sát, suy tư và trực giác về vũ trụ, để tìm cho ra những điều vi ẩn của doanh hoàn.

Lão giáo cũng như các Đạo khác ở Đông Phương xác tín rằng có một Thượng Đế Tuyệt Đối, một Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên, vô hình, vô ảnh, nhưng lại linh động, biến hoá vô cùng, đã sinh xuất ra vũ trụ hiện tượng hữu hình, hữu tướng này. Đó là Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Bản Thể vô sinh, vô diệt, vô thuỷ, vô chung này, đạo Lão đã hài danh bằng nhiều danh hiệu, như nơi Chương IX, ta đã nói rõ điều đó, khi bàn đến danh từ Đạo.

Đại khái là:

a. Khi chưa có Trời Đất, thì Đạo hay Bản Thể tuyệt đối còn ở trong thế tiềm ẩn, chưa hiển dương, nên được gọi bằng những danh từ như: Hư Vô, Hư Không, Hồng Mông, Hỗn Độn, Vô Cực, Vô Vi, hoặc được tượng trưng bằng con số 1, hay bằng vòng tròn không có tâm điểm. Tất cả đều nói lên sự viên dung, toàn mãn, hoàn hảo, đồng đẳng tuyệt đối, không tịch tuyệt đối, hư tĩnh tuyệt đối.

b. Khi bắt đầu hiển dương, thì gọi là Đạo, là Thái Cực, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần, là Huyền Quan Khiếu, hay Huyền Tẫn chi môn, là 5, là 15, và được tượng trưng bằng vòng tròn có chấm ở giữa, hay bằng đồ hình Thái Cực mà ta vẫn thường thấy.

c. Khi đã có Trời đất, thì Bản Thể ấy tiềm ẩn dưới các lớp lang hiện tượng, và được gọi là Trung, là Đạo, là Tổ Khiếu, là Cốc Thần v.v... hay được tượng trưng bằng vòng Dịch với:

-Thái Cực ở giữa, tượng trưng cho Bản Thể duy nhất.

-Các hào quải bên ngoài tượng trưng cho vạn hữu, vạn tượng luân lưu biến hoá.

Ta vẽ lại, trình bày lại 3 quan điểm trên thành sơ đồ sau:

Tiên Thiên (Chưa hiển dương)

Thuỷ-Chung Tổ Khiếu.

Hậu Thiên (Đã hiển dương)

Đạo, Nhất, Hỗn Độn, Hư Vô, Hồng Mông, Thường, Hằng, Căn Nguyên,

Đạo, Thái Cực, Huyền Tẫn, Huyền

Vạn Hữu, Vạn Tượng, Dị Biệt, Tạp

Vô vi, Tiên Thiên, Trường Sinh, Bất tử.

Quan, Qui Căn

Khiếu, Phục Mệnh Quan

Thù, Biến thiên, Ảo hoá, Lưu Mạt, Hũu Vi, Hậu Thiên, Sinh Diệt, Phù Sinh

 

Nhờ những đồ hình và những quan niệm khái quát trên, ta hiểu được một điều rất trọng đại này là:

Vũ Trụ hữu hình này sở dĩ có là do sự phóng phát, tán phân của một thực thể duy nhất (Émanation).

Thuyết Phóng Phát của hiền, thánh muôn phương khác với Thuyết Tạo Dựng của các Đạo Giáo Công Truyền Tây Phương (Công Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo) như sau:

 

Thuyết Phóng Phát (Emanation)

 

Thuyết Sáng Tạo (Creationism).

 

1. Vũ Trụ Hữu Hình này là những phân thể của một Toàn Thể.

1. Vũ trụ Hữu Hình này là do quyền năng của Thượng Đế sáng tạo từ không

2. Vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

2. Vạn hữu nhất nhất đều có bản thể riêng biệt.

3. Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu (Immanent)

3. Thượng Đế siêu việt, tách rời khỏi vạn hữu. (Transcendent).

4. Chung cuộc là Hoà Hài, Hợp Nhất, Siêu Thăng, Hoà Giải.

4. Chung cuộc là Tan vỡ, kinh hoàng, là Tận Thế.

5. Lịch sử vũ trụ chuyển hoá 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, phản phục, thành một chu kỳ.

5. Lịch sử vũ trụ và con người chuyển biến một chiều, theo đường thẳng.

 

Dựa vào Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của Lão Giáo, ta suy ra:

1. Vạn Hữu đồng căn, dị mạt.

Tính Mệnh Khuê Chỉ viết:

Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Người xưa cũng nói:

                    Thiên, Nhân nhất Lý.                      

              Ngã Vật đồng nguyên. [1]             我 物 同 原

 

2.Vạn vật hữu hình biến hoá có chu kỳ, theo 2 chiều tán tụ.

-Chiều Tán:

Chiều phân hoá, giáng bản, qui mạt (Đi từ gốc tới ngọn).

Chiều giáng (từ Căn Nguyên Thái Cực xuống vạn vật, quần sinh, hào quái), chiều đi ra (từ nội tâm ra ngoại cảnh), chiều thuận (thuận theo dòng đời, thuận theo dục vọng), chiều ly tâm (từ hợp nhất ra phát tán chi ly).

-Chiều Tụ:

Chiều hoà hợp, qui nguyên, phản bản, thăng, lai, nghịch, hướng tâm.

Hai chiều biến hoá thuận nghịch nói trên là 2 chiều biến hoá từ vô tướng ra hữu tướng, rồi lại từ hữu tướng trở về vô tướng.

Đạo đức Kinh và Kinh Dịch đều đề cao chiều Nghịch hay chiều Phục.

Dịch Kinh viết: Số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch. Thị cố Dịch nghịch số dã.[2]

Dịch:

Tìm ra quá vãng là thường,

Tương lai tiên đoán rõ ràng mới cao.

Dịch kinh có số ngược chiều,

Ngược chiều thời thế khinh phiêu về nguồn.

 

Đạo Đức Kinh nơi chương 16 viết:

“ Phù vật vân vân, các qui kỳ căn, qui căn viết tĩnh, phục mệnh viết trường.”

Dịch:

Muôn loài sinh hoá đa đoan,

Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên,

Hoàn bản nguyên, an nhiên phục mệnh,

Phục mệnh rồi, trường vĩnh vô cùng.

 

Chương 29 viết:

“Thường đức bất thắc, phục qui ư vô cực.”

Chương 14:

“Phục qui ư vô cực.”

Sách Linh Bảo Tất Pháp cũng bàn về lẽ vãng phản như sau:

Tự Đạo phân chia số mới thành,

Ngũ hành hình tượng, Đạo nha manh.

Năm phương vũ trụ, Thần phân liệt,

Chất, sắc năm màu, Đạo tán sinh.

Số từ Vô Số xuất sinh,

Trở về Vô Số mới thành vãng lai.

Tượng từ Vô Tượng an bài,

Trở về Vô Tượng, trong ngoài ấm êm.

Vị hoàn Vô Vị mới nên,

Chất hoàn vô chất, tinh tuyền trước sau.

Chớ chia Đạo Thể nhiệm màu,

Số kia bám víu vào đâu sinh thành?

Muốn trừ cho hết Tượng Hình,

Ngừng cơ biến hoá, mối manh tiêu liền.

Vị ngôi muốn hết dưới trên,

Thời đừng phân biệt Bản Nguyên làm gì.

Đạo không phát tán, chia ly,

Thời thôi vật chất biến đi từ đời.

Đạo là Vô Số, Vô Ngôi,

Vô hình, vô chất, chia phôi nhẽ nào?

Đạo Trời vi diệu xiết bao? [3]

 

3. Vạn hữu vì là sự hiển dương của Đạo, của Bản Thể tuyệt đối, nên rất có giá trị.

4. Vạn hữu vì là phân thể của một đại thể, nên không có vật nào, người nào toàn mãn, mà phải dựa vào nhau, cái nọ bổ sung lẫn cái kia.

5. Mọi sự thay đổi trong vũ trụ đều có ảnh hưởng chẳng ít, thì nhiều, đến chung quanh.

Liệt tử đã viết trong Xung Hư Chân Kinh, chương 3, đoạn C:

“Nhất thể chi doanh hư, tiêu tức giai thông ư Thiên Địa, ứng ư vạn loại”:

一 體 之 盈 虛 消 息 皆 通 於 天 地, 應 於 萬 類。

Dịch:

Mỗi một sự thay đổi, đầy vơi, tăng giảm nơi sự vật, đều thông với trời đất, ứng với muôn vật.

Người xưa còn nói:

     Lạc hồng bất thị vô tình vật,                    落

    Hoá tác xuân nê, cánh bộ hoa                          

Dịch:

Hồng rơi chẳng phải vô tình,

Hoá thành bùn lại nuôi cành hoa xuân[4]

 

Nếu ta đồng ý dùng hình tròn để tượng trưng cho Bản Thể và Hiện Tượng, ta sẽ thấy vũ trụ này gồm 2 phần:

a. Một Thế giới của Bản Thể, của Thực Thể, lý tưởng, siêu việt, thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, vĩnh cửu, trường tồn. Đó là thế giới khinh thanh, bao la và đồng đẳng, vô phân biệt. Đạo Lão gọi đó là Đạo, là Tiên Thiên, là Vô Vi, là Hư, là Diệu.

b. Một Thế giới của Hiện Tượng, của giác quan, của Biến Thiên, của những gì phù du, biến ảo, những gì trọng trọc, những gì chất chưởng, những gì hữu hạn, những gì bị chi phối bởi sự duyên. Đạo Lão gọi đó là Hậu Thiên, là Hữu Vi, là Kiếu.

Người học Đạo, hiểu Đạo phải biết nhìn thấy cả hai mặt Biến, Hằng, Hữu Hạn và Vô Hạn, của một Bản Thể, một Thực Thể duy nhất. Có vậy, mới gọi được là Diệu, Kiếu Tề Quan.

Người học Đạo cũng còn phải biết nhìn thấy Đạo Thể vô biên tế xuyên qua các lớp lang hiện tượng, các bức màn hình, thanh, niệm, dục.

Ta cũng nên minh định thêm rằng: Bản Thể siêu việt sinh xuất ra vũ trụ hữu hình này, khi thì được Đạo Lão coi như là:

a. Vô Ngã, và hài danh bằng những danh từ như Đạo, Hư, Hư Vô, Vô Cực, Đơn, Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Hoà Nguyên Khí, Hạo Nhiên chi khí.

Lão Tử, Trang Tử theo chủ trương này. Đó cũng chính là chủ trương của Phật, của các đại hiền triết Hi Lạp cổ thời như Pythagore, Héraclite, Parménide, Platon, Anaximandre v.v... [5]

Đó là quan niệm Nhất Nguyên Vô Ngã theo danh từ Triết Học ngày nay.

 

b. Cũng Nhất Thể ấy, khi thì được Đạo Lão coi như là Hữu Ngã, và được gọi là Thái Thượng Lão Quân, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đó là Quan Niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã, tương đương với quan niệm Đại Nhật Như Lai, trong Phật Giáo, và Thượng Đế trong các đạo giáo.

 

c. Đạo Lão còn có khi dung thông hai quan niệm trên làm một, và gọi Bản Thể Vũ Trụ là Tiên Thiên Nhất Khí, Thái Thượng Lão Quân. [6]

Dù đứng trên lập trường vô ngã hay hữu ngã mà nhìn vào Nhất Thể, dù gọi Nhất Thể đó là Khí, là Thể, là Thần, là Lão, là Thiên, khái niệm cơ bản vẫn là Nhất Thể đó linh minh, huyền diệu, có khả năng biến hoá, sinh xuất, biến hoá ra vạn sự, vạn hình.

Nhất Thể đó có thể hoá thành Tam Thể, Vạn Thể.

Nhất Khí đó có thể hoá thành Tam Khí, Vạn Khí.

Nhất Thần đó có thể hoá thành Tam Thần, Vạn Thần.

Nhất Lão đó có thể biến thành Tam Lão, Vạn Lão.

Nhất Thiên đó có thể biến thành Tam Thiên, Vạn Thiên.

Thế tức là: Hiểu lẽ Một, sẽ hiểu được căn cơ, gốc gác muôn loài, muôn vật, và có thể đi đến một kết luận hết sức là Triết Học và Khoa Học sau đây: “Thiên Địa, vạn vật nhất tính, đồng thể.” (Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a).

Suy ngược lại, ta sẽ có:

-Nếu Nhất Thần sinh Chúng Thần, thì Chúng Thần sẽ qui về Nhất Thần.

-Nếu Nhất Khí hoá Vạn Khí, thì Vạn Khí sẽ qui về Nhất Khí.

-Nếu trong con người có chúng Thần, thì cũng có Nguyên Thần, có Nhất Thần.

-Nếu trong con người có Vạn Khí, Ngũ Khí, Tam Khí, thì ắt cũng có Chân Nguyên Nhất Khí, hay Nguyên Khí.

 

Vì hiểu lẽ Một của Trời Đất cho nên người Đạo Sĩ sẽ:

-Chọn cái Tinh Hoa, bỏ cái Bác Tạp.

-Chọn cái Giản Dị, bỏ cái Tần Phiền.

-Chọn cái Chân Tâm, Đạo Tâm, mà bỏ cái Thất Tình, Lục Dục, Âm Dương đối đãi.

 

Vì hiểu lẽ Một của Trời Đất, nên người Đạo Sĩ biết rằng mình là Tiên Thiên Nhất Khí hoá thân, nghĩa là Đồng Bản Thể với Tối Thượng Thần trong trời đất.

Vì hiểu lẽ Một, nên hiểu rằng Chân Thần trong mình và Chân Thần trong Trời Đất là Một. Mình và Chân Thần trời đất cũng là một. Mình đây chính là Hoá Thân của Chân Thần đó mà mình chẳng biết, chẳng hay.

Thế mới hay:

“ Đắc Nhất vạn sự tất”                   得一 萬 事 畢。

(Trang Tử, Nam Hoa Kinh, ch. Thiên Địa: Thông Nhất, nhi vạn sự tất.)

 

Chương này đưa ra 5 vấn đề rất quan trọng:

-Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. [7]

-Thuyết Vạn Vật tương ứng, tương thừa, tương giao, tương tiếp.

-Thuyết Vạn Vật biến dịch, tuần hoàn.

-Thuyết Phóng Phát, Tán Phân (Emanation and division) thành vũ Trụ.

-Thuyết Thượng Đế ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu (God Immanent.) Có như vậy, Thượng Đế mới ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự.


 

CHÚ THÍCH

[1] Huỳnh Nguyên Cát, Lạc Dục Đường ngữ lục, q. 4, tr. 6a.

[2] Dịch Kinh, Thuyết quái, chương 3.

順, 逆。 也。

[3] Ngọc Thư viết:

Nhất, Tam, Ngũ, Thất, Cửu, Đạo chi phân nhi hữu Số,

Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, Đạo chi biến nhi hữu Tượng.

Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, Đạo chi liệt, nhi hữu Vị,

Thanh, Bạch, Xích, Hoàng, Hắc, Đạo chi tán nhi hữu Chất.

Số qui ư Vô Số, Tượng phản ư Vô Tượng, Vị chí ư Vô Vị, Chất hoàn ư Vô Chất.

Dục Đạo chi Vô Số, bất phân chi tắc Vô Số hĩ.

Dục Đạo chi Vô Tượng, bất biến chi tắc Vô Tượng hĩ.

Dục Đạo chi Vô Vị, bất liệt chi, tắc Vô Vị hĩ.

Dục Đạo chi Vô Chất, bất tán chi tắc vô chất hĩ.

Vô Số, Đạo chi nguyên dã, Vô Tượng Đạo chi bản dã, Vô Vị Đạo chi chân dã.

Linh Bảo Tất Pháp q. hạ, tr. 12a.

Hai chiều Biến Hoá vãng lai để thành một chu kỳ, chính là một định luật thiên nhiên, chi phối sự biến hoá, tuần hoàn của nhiều chất trong vũ trụ.

Ví dụ Khí biến thành Nước, nước biến trở lại thành Khí.

Ví dụ chu kỳ Azote.

Thiên Văn Học ngày nay bắt đầu công nhận rằng vũ trụ này đang nở ra, khuếch tán ra...và nghĩ rằng trong tương lai xa xăm, vũ trụ này sẽ thu liễm lại, hội tụ lại.

[4] Nguyễn Hữu Lương, Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông Phương, tr. 170.

Trương Kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, q. 2, tr. 135.

[5] Nghiêm Xuân Hồng, Nguyên Tử, Hiện Sinh, và Hư Vô, Đông Phương Xuất Bản, 1969, q. thượng.

[6] Phù Lão Quân giả, Đạo Khí chi tổ, vạn hoá chi tông. Tòng tiên Thiên, tiên địa, không động, Hư Vô trung sinh xuất nhất khí, danh viết Đạo Khí. Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Cửu, Cửu sinh Vạn. Vạn khí sinh Vạn Thần. Cố trì thánh hiệu viết:”Tiên Thiên nhất khí, Thái Thượng Lão Quân...”

Tử Hà, Huỳnh Đình Nội Cảnh Kinh tường chuù, tr. 2a.

[7] Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.

Vũ Trụ này do Nhất Thể phóng phát ra, đã được chứng minh là một học thuyết dành cho các cao nhân, danh phái, còn quần chúng thì tin và Thuyết Tạo Dựng, mà các Đạo giáo Công Truyền Âu Châu như Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo giảng dạy. (Xem trang 11 và 12 chương này.)

Trong tập Khảo Luận về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể của tôi, tôi đã chứng minh rằng có nhiều hiền thánh Công Giáo (mystiques) như John of the Cross, Teresa of Avila, và nhiều hiền thánh Do Thái giáo thuộc Mật Tông Kaballah, hay nhiều Hiền Thánh Hồi Giáo thuộc môn phái Sufism (Bạch Y) cũng theo Thuyết Phóng Phát, Tán Phân, và chủ trương Thượng Đế ở trong lòng sâu vạn hữu.

Đây xin trưng thêm 1 tài liệu về một học thuyết của một vị thánh hiền Hồi Giáo mới chết năm 1934: Đó là Ông Cheikh Ben Aliona. Tài liệu này được đăng tải trong Lotus Bleu, Paris, số 39, tr. 89-106, và trong Gabriel Gobron, Histoire du Caodaisme, tr. 92.

Nội dung như sau:

Học Thuyết của Ben Aliona như thế nào?

Aliona chủ trương: Thượng Đế duy nhất và Nhất Thể. Thế giới hữu hình, hữu hạn này chỉ là những màn che “barzakh” làm cho chúng ta không trông thấy thế giới chân thực (Thế giới vô cùng).

Thế giới này do Thượng Đế phóng phát ra, ngược lại với Thánh Thư Hồi giáo Coran. Coran chủ trương thế giới này đã được tạo dựng.

Chủ trương thế giới này được tạo dựng dành cho quần chúng (Focara), còn cái Vi Diệu (Le Sirr= caché), thì chỉ dành cho một số môn đệ hiểu được áo nghĩa (bathen). Thuyết Phóng Phát ăn khớp với Thuyết “Thượng Đế nội tại”. Ai hiểu được Chân Thể mình sẽ biết Thượng đế; ai thăm dò Chân Thể đó sẽ tới gần Thượng Đế). l“Thuyết Thượng Đế nội tại” cũng không loại trừ “Thuyết Thượng Đế siêu việt.”

Nguyên văn chữ Pháp:

Les doctrines de Ben Aliona? Unité de Dieu (le monde temporel n’est qu’un exemple de voiles ”barzakh” nous cachant le monde réel: l’infini), Univers émané de Dieu, à l’inverse du Coran créationiste pour la masse des Focara, croyants ordinaires; le Sirr (caché) est réservé à certains disciples capables de saisir le “Bathen” (le sens occulte), émanationisme s’accordant avec l’immanentisme (qui pourrait connaitre son proprium, connaitrait Dieu; qui le scrute avec attention, s’approche de Dieu); doctrine de l’immanence n’excluant pas la transcendance...

Quyển Histoire du Caodaisme, nơi tr. 91, khi mô tả lại đời sống của Ben Aliona, có những dòng bất hủ sau đây:

“Nhờ ở phái Soufisme (Bạch Y), ông biết được mật giáo của Hồi Giáo, và nhờ mật giáo đó, ông có được khuynh hướng vươn lên tới Đại Đạo (bao quát Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, v.v...) Tất cả những mặc khải trước sau đều bổ sung lẫn nhau, và tất cả đều cùng do một nguồn mặc khải siêu việt:” Các đấng tiên tri, dẫu là vạn người -theo một ngạn ngữ của môn phái Soufisme -cũng chỉ là Một, cũng chỉ là những tia lửa của một thứ lửa duy nhất.

 


»    mục lục   |   chương trước    |   chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32