TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

CHƯƠNG XIX

ĐẠO KHỔNG

CHÂN DUNG KHỔNG PHU TỬ.

 

 

Nói tới đạo Khổng ai cũng hay. Nói tới đức Khổng ai cũng biết. Nhưng biết đạo Khổng cho rành, hiểu đạo Khổng cho đúng, hồ dễ mấy ai? Vậy trước khi tìm hiểu về Đạo Khổng, chúng ta hãy tìm hiểu về Đức Khổng.

Tìm hiểu về chân dung, chân tướng Đức Khổng đem lại cho ta nhiều lợi ích.

1. Trước hết chúng ta hiểu rõ về Đức Khổng.

2. Thứ hai, chúng ta sẽ nắm được đại cương học thuyết của Ngài một cách tự nhiên, linh động.

3. Thứ ba, chúng ta sẽ biết được một mẫu người lý tưởng. Qua mẫu người này, chúng ta sẽ nhận ra bóng hình một con người lý tưởng muôn thủa. Chúng ta sẽ đi sâu vào căn cốt con người, và nhờ vậy, chúng ta cũng sẽ tìm ra được chân dung, chân tướng của chúng ta, chúng ta sẽ tìm ra được định mạng sang cả của chúng ta.

Hiểu được Đức Khổng không phải là chuyện dễ.

Chính Ngài cũng đã vói:” Ôi! đời chẳng biết ta.”

Tử Cống hỏi:” Tại sao, thày than rằng: Chẳng ai biết Thày.”

Đức Khổng đáp:”Ta không oán Trời, ta không trách Người. Còn về đạo lý, thì ta khởi học từ mức thấp, để đạt lên mức cao. Biết ta chăng, chỉ có Trời.” (Luận Ngữ, XIV, 37).

Sách Vựng Uyển có chép:” Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống: “Đức Khổng có phải hiền nhân chăng

Tử Cống đáp:” Ngài là một vị Thánh Nhân.”

Tề Cảnh Công hỏi: “Sự thánh thiện Ngài ra sao?”

Tử Cống đáp: “Tôi không biết.”

Tề Cảnh Công biến sắc nói: “Mới đầu thời Ông nói: Khổng Tử là thánh nhân, nay lại nói: Không biết.”

Tử Cống đáp: “Tử này suốt đời đội trời, mà chẳng biết Trời cao bao nhiêu. Suốt đời đạp đất, mà chẳng biết đất dày bao nhiêu. Tử này, theo thày Phu Tử, cũng y như kẻ khát nước, đem gáo, đem bình ra sông, ra bể, để múc nước uống. Uống no bụng, xong rồi đi, mà chẳng biết sông, biển sâu là bao nhiêu.” [1]

Các cao đệ Ngài cho rằng:

Phàm nhân sở dĩ không hiểu nổi Ngài vì chưa đủ khả năng, chưa đủ tầm kích mà hiểu Ngài, y như một người đi ở ngoài đường, bị bức tường cao ngăn chặn, không sao nhìn thấy được những đồ trần thiết quí báu bên trong nhà.” [2]

Chính vì vậy, mà đã có rất nhiều sự ngộ nhận về Đức Khổng cũng như về Đạo Khổng. Có nhiều người thường nghĩ rằng Đức Khổng bất quá chỉ dạy 2 chữ Hiếu Trung. Đạo Khổng chẳng qua chỉ là một thứ Đạo nhập thế, dạy con người Nhân Đạo, tức là ăn ở cho xứng đáng với danh hiệu con người. Đạo Trung Dung chẳng qua là một thứ Đạo, dạy sống cho đúng mức, không thái quá không bất cập.

Nói như vậy, chẳng qua là biết sơ lược một vài khía cạnh thứ yếu của Khổng Giáo chẳng khác nào như sẩm sờ voi, không biết được toàn diện của Đạo Nho.

Nếu Đức Khổng xuống thế, cốt dạy Hiếu với Trung, thì Ngài hơn gì Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ, môn đệ Ngài, là những người chí hiếu; Ngài hơn gì Cơ Tử, Tỉ Can xưa là những người chí trung,

Nếu Ngài thật sự chủ trương Trung Quân, thì tại sao đã âm thầm bỏ vua nước Lỗ, bỏ chức Nhiếp Tướng Sự, chỉ vì vua Lỗ đã tỏ ra ham mê thanh sắc của bọn ca vũ, để ra đi dấn thân vào con đường lưu vong mười mấy năm trời, [3] và 2 lần bỏ Vệ Linh Công, vua nước Vệ ra đi, chỉ vì Vệ Linh Công có thái độ thờ ơ, bất kính đối với Ngài? [4]

Như vậy, chủ trương Ngài rõ ràng là Vua thời phải ra Vua, bề tôi phải cho ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. [5]

Từ nền tảng ấy, sau này, Mạnh Tử đã đắp xây cả một học thuyết chính trị Nho Giáo với khẩu hiệu bất hủ:

Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.”

Dân là quí, nhì đến đất nước, vua là phụ.” [6]

Có nhiều người cho rằng Đạo Khổng chỉ dạy nhân đạo, mà không đề cập đến Thiên Đạo, chỉ biết dạy nhập thế, không biết dạy xuất thế, cho nên thường quan niệm rằng: Nhất Phật, nhì Đạo, ba Nho.

Qui Nguyên trực chỉ viết: “Chỗ không giống nhau giữa Nho, Thích là: nhà Nho chỉ nói cái phép ở đời, họ Thích (Phật) lại nói cái phép ra khỏi đời. Nhà Nho chỉ nói một đời, rồi gom về Trời. Họ Thích biết rõ gốc ngọn của nghiệp duyên nhiều đời chồng chất, đó là chỗ đôi đằng không giống nhau vậy. [7]

Chương XXIV sách này viết: “Người học Nho chết rồi thì hết, chẳng qua trong khoảng 100 năm mà thôi. Người học Đạo (Lão) vụ cầu sống mãi, chẳng qua muôn ngàn năm mà thôi. Người học Phật dứt mãi với sống chết, trong trẻo hoài hoài, chẳng qua trải khắp cái số kiếp nhiều như cát bụi, mà không có cùng tận vậy. [8]

Rồi lại có nhiều người tưởng rằng: Đạo Khổng dạy Trung Dung là sống nước đôi, không thái quá, không bất cập. Đọc những lời bình luận thiển cận như vậy thật rất buồn lòng và liên tưởng đến lời Tào Tháo chê Trần Cung:” Yến tước an tri hồng hạc chí tai.” (Phận gi sẻ làm sao biết được chí chim hạc, chim hồng).

Tuy nhiên, vẫn còn có những lời nhận định rất đứng đắn về Nho Giáo. Cụ Minh Thiện, trong quyển Minh Lý Yếu Giải, nơi tr. 52, có viết: “ Đến khi chứng quả, thành chân, người theo phái Thích thì gọi là Phật, người theo phái Đạo thì gọi là Tiên, người theo phái Nho thì gọi là Thánh. Phật, Tiên, Thánh là những danh từ khác nhau nhưng đồng chỉ 1 bực người chứng đặng tính hoàn toàn sáng suốt mà thôi, gọi chung là Chân Nhân...” [9]

Như vậy, mới đúng với tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên, Vạn Giáo Nhất Lý...

Vì Đức Khổng là con người đa năng, đa dạng, nên muốn hiểu Ngài, ta phải nghiên cứu Ngài dưới nhiều khía cạnh.

1. Đức Khổng là con người nhiệt thành đi tìm chân lý.

Thế nhân thường cho rằng: đã là Thánh Nhân, đã là Giáo Chủ thì phải là Thánh Nhân ngay từ trong bụng mẹ; phải có những cách thai sinh kỳ bí, thoát khỏi các định luật và trật tự chi phối vũ trụ, nhân quần, lại thông minh tuyệt mức, sinh nhi tri chi, không cần học hỏi suy tư gì mà đã biết hết mọi sự trên trời, dưới đất, quá khứ, vị lai ngay từ tấm bé. Nói thế, chẳng khác nào nói rằng có những cây vừa mọc đã cao vút từng mây, đã sinh hoa, kết quả sum suê, hay có những người vừa sinh ra, đã trưởng thành ngay, không cần cúc dục, cù lao, không cần thời gian, tuổi tác.

Thiết tưởng, muốn tìm hiểu Thánh Hiền, ta không nên bắt chước lối phàm tục đó, mà phải tìm ra những tiêu chuẩn chính xác để giúp cho sự suy khảo của chúng ta. Tuân Tử nói: “Quân tử thời nói điều chân thường, hợp lý, còn tiểu nhân nói điều kỳ quái,” [10]

Mạnh Tử nói: “Phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao, riêng nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị Thánh Nhân và chúng ta đều cùng một loại.” [11]

Khảo về đời sống và những lời giảng giáo của các bậc giáo chủ, ta thấy:

A. Sự khôn ngoan, thông thái các Ngài cũng cần phải có thời gian, tuổi tác, mới phát triển được.

B. Nhiều khi các Ngài cũng phải học hỏi với các bậc tiền bối đương thời mới trở nên minh giác.

C. Học thuyết các Ngài, tư tưởng các Ngài cũng có nhiều vay mượn ở nơi các học thuyết hoặc các luồng tư tưởng khác.

D. Các Ngài có công ở chỗ là làm cho tư tưởng cũ kỹ trở nên linh động, có thần lực tác động, lôi cuốn, hoán cải được tâm hồn quần chúng.

Nhờ những quan niệm lành mạnh, chính xác trên hướng dẫn, ta có thể vạch lại được bước đường tìm cầu đạo lý của Đức Khổng.

Ngài tâm sự:

-Hồi 15 tuổi, ta để hết tâm trí vào sự học.

-Đến 30 tuổi, ta vững chí mà tiến lên con đường đạo đức.

-Đến 40 tuổi, tâm tư ta sáng suốt, hiểu rõ việc trái phải, đạt được sự lý chẳng còn chi nghi hoặc.

-Đến 50 tuổi, ta biết mạng Trời. (Tức là biết căn cốt, biết Đạo Trời, biết định mệnh con người).

-Đến 60 tuổi, lời tiếbg chi lọt vào tai ta, thì ta hiểu ngay, chẳng cần suy nghĩ lâu dài.

-Đến 70 tuổi, dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép. [12]

Đức Khổng không bao giờ nhận Ngài sinh nhi tri tri. Ngài nói:” Ta chẳng phải là người sinh ra đã biết. Thực ta là người hâm mộ tinh hoa đạo lý cổ nhân và mê mải tìm cầu tinh hoa đạo lý ấy mà thôi.” [13]

Đức Khổng luôn tỏ ra mình là một con người hiếu học, chịc trông, chịu nhìn, chịu quan sát, chịu hỏi, chịu học, chịu suy tư.

Từ nhỏ đến 34 tuổi, Ngài học hỏi ở quê nhà, sưu khảo các sách vở như Dịch Tượng, Xuân Thu, Thi, Nhạc, trong tàng thư nước Lỗ. [14]

Năm 34 tuổi, Ngài sang kinh đô nhà Châu (Lạc Dương) để cầu học. Ngài phỏng vấn đức Lão Tử về Lễ, Trành Hoàng về Nhạc, đi xem các địa điểm tế Giao, tế Xã, khảo sát về phép tắc của tòa Minh Đường. xem cách tổ chức nơi Tông Miếu, và học hỏi được nhiều bài học về chính trị, và cách tu thân, tiếp nhân, xử thế, và hiểu được lý do tại sao nhà Châu xưa đã cường thịnh. Sự cường thịnh ấy chính là do tinh thần trách nhiệm, tài lãnh đạo tổ chức của các bậc quân vương, lòng trung liệt của các vị trọng thần, của các bậc thần tử, sự đoàn kết nhất trí giữa các tầng lớp nhân dân.

Nhưng mãi đến năm 50 tuổi, Ngài mới trực giác được Thiên Mệnh, biết được Thiên Đạo. Từ đấy cho đến chết, Ngài hoàn toàn là một con người khác, luôn luôn hoạt động, luôn luôn cải hóa thiên hạ, khi thì chu du liệt quốc, khi thì ở nhà dạy học, viết sách. Các sách Ngài soạn thảo có thể nói được là từ 58 tuổi trở đi. Dẫu sao, thì từ trước tới sau, ta thấy Ngài luôn luôn tỏ ra thiết tha đi tìm chân lý, thiết tha suy tư, cầu học.

Tấm lòng thiết tha cầu học Đạo ấy đã được Ngài xác quyết khi Ngài 63 tuổi. Diệp Công hỏi Tử Lộ về Đức Khổng. Tử Lộ không đáp. Đửc Khổng nói: “Tại sao ngươi không nói thế này: Đó là người hăng say suy tư, đến quên ăn; khi được Chân Lý thì vui sướng đến quên hết mọi nỗi buồn lo; chuyên tâm về Đạo, đến nỗi tuổi già sắp đến mà chẳng biết.” [15]

Và cũng vì lòng tha thiết, luôn luôn cầu học, cầu tiến, mà ngay khi gần chết, Ngài vẫn còn học Dịch, đến bật cả lề sách đến ba lần. [16]

Nhờ có sự cố gắng học hỏi, suy tư như vậy, mà Đức Khổng đã có một kiến thức hết sức sâu rộng khiến mọi người bỡ ngỡ. [17]

Nhưng quí báu nhất là nhờ sự thành khẩn tìm cầu Chân, Thiện, Mỹ, mà Chân, Thiện, Mỹ đã đến với Ngài, đã nhập thể vào Ngài. Thế tức là:” Ngã cầu Nhân, nhi Nhân chí hĩ.” [18]

2. Đức Khổng, con người rất cũ và rất mới.

Đức Khổng là con người siêu không gian, thời gian, nên vừa rất cũ vừa rất mới.

-Rất cũ, vì rất hiếu cổ, viết Ngũ Kinh thâu tóm tinh hoa nhân loại từ thời Nghiêu, Thuấn cho đến đời Ngài, tức là ròng rã khỏang 2000 năm lịch sử.

Ngài nói:

“Ta trần thuật chứ không sáng tạo,

Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân. “ [19]

 Trung Dung viết thêm:

“Đức Khổng nối tiếp đạo Thuấn, Nghiêu,

Làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.” [20]

Nhờ sự hiếu cổ, tồn cổ này, mà chúng ta thấy được Đạo, được Thiên Đạo, được Chân Đạo mà các bậc Hiền Thánh muôn nghìn đời trước đã theo.

Thế nào là Thiên Đạo?

Đọc Kinh Thi, thiên Đại Nhã, đã thấy rằng thời xa xưa, nhân loại đã tin rằng Trời chiếu ánh sáng muôn trùng vào tâm hồn chúng dân, Trời đã ẩn tàng trong lòng chúng dân, để làm khuôn phép mẫu mực, để ra mệnh lệnh, để hướng dẫn chúng dân trên mọi bước đường đời. Các bậc vương giả, các bậc hiền nhân thời ấy, cố gắng sống sao cho đức hạnh tuyệt vời, để kết hợp với Trời, để có thể được coi như là vẻ sáng của Trời như Văn Vương...

Đó chính là cái đại đạo Thiên Nhân Hợp Nhất của người xưa.

Nhờ sự hiếu cổ của Đức Khổng, mà ta còn biết được về nền Thiên Trị của người xưa.

Thế nào là một nền Thiên Trị?

Nền Thiên Trị là một nền chính trị lấy Trời làm khởi điểm, và làm cùng điểm nhân loại. Các bậc Thánh Vương là những vì Thiên Tử thay Trời trị dân. Luật pháp của các ngài là những định luật tự nhiên. là nhân luân, là tam cương, ngũ thường, là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Các vị Thánh Vương lên trị nước không phải là để hưởng thụ, để buông thả cho dục tình tha hồ phóng túng, nhưng chính là để tuân theo ý Trời, tuân theo những định luật thiên nhiên chi phối vũ trụ và sự tiến hóa nhân quần.

Các Ngài hứa đem an bình lại cho nhân loại, nhưng không có hứa xuông, mà lại dạy mọi ngươì phải thực hiện an bình bằng cách tu thân, bằng cách tôn trọng Tam Cương, Ngũ Thường, giữ vẹn tín nghĩa, trọng đức, khinh tài, cố gắng không ngừng để cải thiện hoàn cảnh, cải thiện nội tâm, tiến mãi trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Đó chính là chủ trương của sách Đại Học:

Đại Học có mực phiêu rõ rệt,

Đuốc Lương Tâm cương quyết phát huy.

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng...

 Nhờ có sự hiếu cổ của Đức Khổng mà ta có được bộ kinh Dịch, biết được tinh thần của kinh Dịch là Tùy Thời Biến Dịch Nhi Tòng Đạo; Biết Tiến Thoái Phải Thì để Xu Cát, Tị Hung...

Nhờ có sự hiếu cổ của Đức Khổng mà nay ta có Kinh Lễ, với tinh thần Kinh Lễ: Học hỏi, suy tư, quan sát vũ trụ, nhân quần, khai thác lịch sử, phong tục để tìm cho ra những định luật tự nhiên, chi phối vũ trụ và nhân quần, để sống thế nào cho hay, cho phải, để đối xử với nhau thế nào cho hay, cho phải, cho hợp tình, hợp lý, để đi đến chỗ đại hòa, đại thuận.

-Rất mới, đồng thời Đức Khổng cũng là con người rất mới. Những luận thuyết của Nho Giáo về Tính Mệnh tương ứng với những thuyết Siêu Thức, Tâm Thức Vũ Trụ cuả Triết Học ngày nay, với những thuyết Viễn Đích của Lecomte Du Nouy, với thuyết tiến về Omega của Teilhard de Chardin (chỉ ư chí thiện).

1. Khảo cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh cho kỹ lưỡng, ta sẽ thấy rằng Đức Khổng chủ trương Chân Đạo, Đại Đạo phát xuất tự thâm tâm, và Trời chẳng ở đâu xa, mà tiềm ẩn ngay trong đáy lòng con người. Thì gần đây, trong số báo Time ra ngày 16-12-69, với chủ đề là: “Thượng đế có đang sống lại không” (Thượng Đế có đang trở lại với cuộcc đờI chúng ta không?), có một đề mục rất là kỳ thú với nhan đề là “Sự du hành nội tâm”. Trong đề mục này, bà Jean Houston, một triết gia kiêm tâm lý học gia, giám đốc viện Khảo Cứu về Tâm Linh ở Mỹ, tin rằng những cuộc thí nghiệm gần đây về nội giác, bằng những phương pháp tâm lý, hay bằng những dược liệu, đã đưa đến một sự phát sinh ra một nền Thần Học Chứng Nghiệm. Theo bà Houston, thì tâm hồn con người có một điểm tiếp xúc được với Đại Thể, một Đại Thể đã được chứng nghiệm là Tâm Linh.

Trong các phòng thí nghiệm, ngày nay người ta đã cải thiện được các phương pháp các dòng tu xưa đã dùng, nên con người ngày nay, càng ngày càng tiếp xúc được với sự linh thiêng nội tại ấy...[21]

Như vậy, tức là ngày nay, con người đang chập chững đi vào nội tâm để tìm Trời, tìm Thần Linh, một công chuyện mà Đức Khổng và các Hiền Thánh xa xưa đã làm từ mấy ngàn năm nay...

2. Từ ngàn xưa, Đức Khổng nói: “Thiên hạ lo gì nghĩ gì? Đường đi khác nhau nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý không hai.” [22]

Ngày nay, sau ngót 2000 năm thù ghét nhau, hãm hại lẫn nhau, giết lát, chém giết nhau, vì bất đồng tín ngưỡng, con người gần đây đã tỏ ra thông cảm, hiểu biết nhau hơn, và ta đã thấy mọc lên khắp nơi phong trào Hòa Đồng Tôn Giáo.

3. Ấy là chưa kể đến thuyết Đại Đồng của Đức Khổng: “Thiên hạ là một nhà, bốn biển đều là anh em.”, mà còn lâu con người mới thực hiện được.

Như vậy, Đức Khổng chẳng phải là con người rất cũ, rất mới là gì?

3. Đức Khổng, con người có niềm tin vững mạnh về thân thế và sứ mạng mình.

Đức Khổng bình nhật rất khiêm cung, Ngài chỉ nhận Ngài là một học giả, chứ không nhận mình là Thánh Nhân hay Thánh Hiền. Ngài nói: “ Như là bậc Thánh, bậc Nhân thì ta há dám? Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi. ” [23]

Nhưng đến khi bị vây ở đất Khuông, bị nạn ở nươcù Tống, Ngài mới khẳng khái để lộ chân tướng mình ra. Lúc ấy Ngài mới xưng mình là:”vẻ sáng Thượng Đế, chẳng khác gì Văn Vương [24], mới xưng mình là Đức của Trời (là sự hiển dương của Trời.) [25]

Ngài biết mình sinh ra để đem lại cái Đạo toàn mãn cho con người.

-Đó là làm ăn, tức là Vật Đạo, hay cải thiện hoàn cảnh vật chất.

-Làm người, tức là Nhân Đạo, cải thiện nhân tâm, tu thân, để đem an lạc lại cho nhân thế.

-Làm Thần, tức là Thiên Đạo, sống cuộc đời hoàn thiện, Cao Minh Phối Thiên (Trung Dung, chương XXVI).

Vì vậy, mà có lần Ngài ví mình như một người đánh xe (L.N. IX, 12), đánh xe đạo lý để đưa muôn triệu người tới tinh hoa, hoàn thiện. Quan Tể đất Nghi còn ví Ngài như mõ gỗ (L. N. III, 24), mõ gỗ để rao truyền chân lý cho vang rậy khắp muôn phương.

4. Đức Khổng là con người đã được đạo thống Trung Dung.

Trung Dung là một Tâm Pháp của Thánh Hiền, kế thế tương truyền từ Nghiêu, Thuấn về sau, chẳng khác nào Tâm Ấn, Phật Ấn rõi truyền qua các thế hệ.

Đức Khổng là một trong những bậc Thánh Hiền đã được Tâm Pháp Trung Dung.

Tâm Pháp Trung Dung cao diệu trên có thể toát lược như sau:

1. Trực giác được rằng dưới lớp nhân tâm nghiêng ngửa, còn có Đạo Tâm, còn có Thiên Tâm siêu vi, ẩn áo, chi phối bên trong.

Kinh Thư viết:

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất, ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời. [26]

-Trung Dung phát khởi từ một niềm tin, một linh giác rằng con người thông phần bản tính của Trời, cho nên con người sinh ra đời có mục đích tối hậu là thực hiện Bản Tính Chí Thiện ấy. Nói cách khác, con người phải học hỏi, suy tư, cố gắng không ngừng để tiến tới hoàn thiện, hoàn mỹ. Vì vậy, mà ngay đầu sách Trung Dung viết:

Thiên mệnh cũng chính là Bản Tính,

Đạo là noi theo Tính Tự Nhiên...

-Nói theo từ ngữ Đạo giáo, thì Trung Dung dạy con người biết rằng Trời hay Đạo đã tiềm ẩn nơi thân tâm con người, luật Trời đã ghi tạc ngay trong lương tâm con người. Cho nên người quân tử phải biết kính sợ Trời tiềm ẩn nơi tâm hồn mình.

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều,

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.

(Trung Dung chương I).

-Tóm lại, Trung Dung đưa con người tới bậc chí thánh. Chính vì vậy mà mà các đoạn cuối Trung Dung toàn nói về bậc Chí Thánh, tham tán cùng đất trời trong công cuộc hóa sinh...

5. Đức Khổng con người vụ bản.

Đức Khổng khác chúng nhân ở chỗ là chúng nhân thì phù phiếm, sốc nổi, sống vụ vào những chi tiết vụn vặt, những hiện tượng hào nháng bên ngoài, những biến cố lịch sử phù du, vân cẩu, còn Ngài cũng như các bậc Minh Triết khác đều sống một cuộc sống nội tâm rồi rào, sâu sắc, dựa vào tinh hoa, bản thể con người, dựa vào những gì vĩnh cửu, trường tồn.

Ngài tìm cầu học hỏi, nhưng tìm cầu học hỏi những điều chính yếu, những điều tinh hoa căn bản, quan thiết đến định mệnh và hạnh phúc con người. Ngài súc tích, nhưng súc tích những gì không hao mòn, hủy hoại được. Ngài xây dựng, nhưng xây dựng trên những nền tảng vĩnh cửu...

Vụ bản là gì? Thưa là trọng gốc.

Luận Ngữ viết: Quân tử vụ bản. Bản lập nhi Đạo sinh. (L.N. I, 2) Người quân tử chuyên chú vào việc gốc. Cái gốc được vững tốt, tự nhiên Đạo Lý bắt đầu từ đó mà sinh ra.

Đại Học viết:” Mỗi vật đều có gốc ngọn, mỗi việc đều có đầu đuôi. Biết cái gì trước, cái gì sau là gần Đạo, gần Trời vậy.” (Đại Học, I)

Không bao giờ các gốc loạn mà cái ngọn trị được.” (Đại Học, I).

Đại Học cho rằng:” Nếu biết được gốc, đó là cái biết cao siêu nhất.” (Đại Học, 4)

Theo Đại Học, cái biết cao siêu nhất, chính là biết trong Tâm có căn cốt Trời, như vậy, mới có thể dừng chân nơi hoàn thiện được. (Đại Học chương I và IV).

Đại Học viết:

Dày công học vấn, sẽ hay khuôn Trời,

Hay khuôn Trời, ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt, lòng ngay,

Lòng ngay, ta sẽ hóa hay,

Ta hay, gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị,

Nước trị bình, bốn bể bình yên... (Đại Học, I)

Có biết được rằng vũ trụ, quần sinh là do một gốc Trời sinh sôi, nảy nở, thì mới nói được như Đức Khổng: “Đạo ta là do một nguyên lý mà suy rộng ra để quán triệt mọi sự.” (L.N. IV, 15. L.N. XV, 2).

6. Đức Khổng là con người biết tìm cho ra những định luật thiên nhiên để mà theo, mà giữ, cho cuộc sống cá nhân và xã hội trở nên hoàn hảo.

Ngài tìm ra những định luật thiên nhiên bằng:

-Trực giác.

-Bằng suy luận.

-Bằng cách nghiên cứu lịch sử.

-Bằng cách nghiên cứu lịch sử cổ kim.

-Bằng cách khảo sát lại cuộc thành bại xưa và nay.

-Bằng cách suy diễn từ những quan niệm của Dịch Kinh.[27]

Do đó, Ngài tìm ra được những định luật rất quan trọng. Xin đan cử một vài:

1. Định luật tôn ti, trật tự chi phối vũ trụ, quần sinh.

Về định luật này, Hạ Đương đã viết: “ Vạn vật đều có quí tiện, cao hạ, đại tiểu, tôn ti, văn chất khác nhau. Thánh Nhân chế phép tắc để mọi loài quí tiện, cao hạ sống xứng với tính cách mình.” (Lễ Ký, tựa)

2. Định luật hiệt củ, tức là Suy bụng ta ra bụng người. Do đó mới có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” [28]

3. Định luật: “Tâm vật hỗ tương ảnh hưởng” (Tâm Thần và ngoại cảnh ảnh hưởng lẫn nhau.)

Đại Học cho ví dụ: Tâm ảnh hưởng đến thể xác, đến vật:

“Giàu thời nhà cửa khang trang,

Đức thời thân thể khang an, rạng ngời.

Lòng mà khinh khoát, thảnh thơi,

Rồi ra sẽ thấy tốt tươi hình hài.” (Đại học, VI)

Ngược lại, Khổng Tử Gia Ngữ cho rằng:

Mặc áo tang, lòng sẽ không nghĩ đến sự vui,

Cầm phủ phất, mặc y cổn, mãng bào, tự nhiên sẽ nghiêm trang.

Mang giáp trụ, sẽ thấy thêm mạnh bạo.” [29]

Đức Khổng chủ trương con người sinh ra đời cần tiến tới hoàn thiện.

Trung Dung viết:

Hoàn Toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.” [30]

Đó cũng chính là chủ trương: “Minh minh đức, Tân Dân, chỉ ư chí thiện” của sách Đại Học. (Đại Học, I)

7. Đức Khổng biết sống linh động, uyển chuyển tùy thời, xử thế.

Đức Khổng rất am tường Dịch Lý, nên hết sức là uyển chuyển. Chủ trương của Ngài là: “Người quân tử ở trên đời không nhất thiết phò các gì, không nhất thiết chống cái gì, cái gì phải thời theo.” (L.N. IV, 10).

Mạnh tử cũng khen Ngài là một vị Thánh biết thức thời, biết tùy thời. (Mạnh Tử, Vạn Chương Hạ,X,1).

Đức Khổng chủ trương con người sinh ra ở đời, hết sức là tùy thuộc vào hoàn cảnh, cho nên ở vào địa vị nào thì cư xử theo địa vị ấy. Trung Dung gọi thế là: “Tố kỳ vị nhi hành”:

Người quân tử sống theo địa vị,

Không ước mơ, suy nghĩ viển vông.

Sang giàu, sống lối giàu sang,

Nghèo hèn, sống lối nghèo hèn ngại chi.

Tới man di, sống y man mọi,

Gặp gian lao, vui nỗi gian lao,

Bất kỳ sống ở cảnh nào,

Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê...

(Trung Dung XIV).

8. Đức Khổng có tâm hồn hết sức thanh sảng, rất yêu thơ và yêu nhạc.

Vì yêu thơ, nên Ngài đã san định Kinh Thi.

Vì yêu Nhạc, nên Ngài đã đem 305 thiên Kinh Thi ra mà đàn ca với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng. (Xem Tư Mã Thiên, Khổng Tử Thế Gia.)

Có điều lạ lùng này là Đức Khổng yêu thơ nhất là lúc trở về già. Ngài càng trở nên yêu đời, yêu vẻ đẹp thiên nhiên. Ngài khen Tăng Tích vì Tăng Tích đã sống tiêu sái, muốn cùng ít nhiều bạn trẻ, vào những ngày cuối xuân ấm áp, tắm mát ở sông Nghi, hóng gió ở đền Vũ Vu, rồi trên đường về, cùng nhau ca vịnh cho vui. (L.N. XI, 25).

Ngài yêu Nhạc từ hồi còn trẻ:

Ai hát bài nào hay, Ngài thường yêu cầu hát lại, và tập hoà theo. [31] Ngài đã học hỏi với các nhạc sư danh tiếng như Trành Hoằng ở Châu, các nhạc sư ở Tề, [32] và ở Lỗ. [33]

Năm 35 tuổi, sang Tề, Ngài có dịp học Nhạc Thiều. Ngài học say mê, đến nỗi trong vòng ba tháng, ăn mà không để ý đến mùi vị thịt. [34] Thường nhật, Ngài hay đàn ca, hoặc gảy đàn sắt, [35] hoặc đánh khánh. [36]

Ngài thích các loại nhạc uy nghi, trang trọng, như nhạc Thiều, [37] và ghét những loại nhạc dâm đãng, phóng túng như nhạc Trịnh. [38]

Ngài chủ trương:

Học Kinh Thi, cho lòng thêm hứng khởi, vui sống.

Học Kinh Lễ, để biết tuân theo những định luật tự nhiên.

Học Nhạc, để con người trở nên vẹn hảo, hòa hợp được với nhân quần, vũ trụ. Đó là chủ trương: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc của Luận Ngữ. [39]

8. Đức Khổng, một vị giáo sư gương mẫu.

Đức Khổng rất tha thiết giáo hóa chúng nhân.

Ngài nói: “Ta chẳng dám coi mình là Thánh, là Nhân, nhưng thực ta làm không chán, dạy người không mỏi, ta chỉ có thể được gọi như vậy thôi. [40]

Các vua chúa sau này cũng xưng tụng Ngài là “Vạn Thế Sư Biểu “.

Ngài dạy học, cốt là dạy con người biết hiếu đễ, cẩn tín, yêu người, trọng đức, chứ không cốt học văn chương suông. [41]

Phương pháp giáo dục của Ngài y như phương pháp giáo dục của Socrates, mà người ta thường gọi là “ phương pháp giáo dục hộ sản”. Theo phương pháp này, thày dạy học bắt chước thày thuốc. Thày thuốc chỉ đỡ đẻ, chứ không đẻ hộ; thày dạy học cũng vậy, chỉ giúp cho học trò biết nghĩ, biết suy, chứ không suy hộ, nghĩ hộ, sống hộ học trò. Mục đích là càng ngày càng làm cho học trò phát huy được trí tuệ mình, trở nên sáng suốt, trở nên linh động, hoạt bát...

Nhan Hồi nhận định: “Thày ta tuần tự mà dẫn dụ người một cách khéo léo. Ngài dùng văn học mà mở mang trí thức ta. Dẫu ta muốn thôi, cũng không thôi được. [42]

Tóm lại, Ngài mở trường:

-Dạy cách làm người.

-Dạy cách sửa trị người cho nên tốt, nên hay. (Đại Học)

-Dạy cách làm Thánh Hiền. (Trung Dung)

Nhờ vậy, mà các cao đệ Ngài sau này đều trở nên những bậc Hiền Thánh, treo gương cho đời, và đạo Nho, từ xưa đến nay, cũng đã tạo nên được không biết bao nhiêu là anh hùng, hào kiệt, là chính nhân, quân tử.

10. Đức Khổng là một sử gia.

Ngài đã san định 2 bộ sử vĩ đại: Kinh ThưKinh Xuân Thu.

1. Kinh Thư, từ thời Nghiêu (2356-2255) đến Tần Mục Công (659-620), gồm khoảng 1723 năm.

2. Kinh Xuân Thu từ năm Ẩn Công 1 (-721) đến năm Ai Công 14 (-481), gồm 242 năm.

Qua trung gian 2 bộ sử ấy, Ngài đã cho ta thấy những hoạt động, những lời lẽ, những nguyện ước, những đường lối, những cách tiếp nhân, xử thế của người xưa, nhất là của những người cầm đầu dân nước, nhân đó suy ra được các nguyên nhân hưng vong, loạn trị.

Ngài viết sử nhưng thực ra cũng muốn dùng sử của Ngài để đổi loạn thành trị, bằng phương pháp “chính danh, định phận”, đề cao tài năng, nhân nghĩa, đạo đức, chê bai mạt sát những chuyện thoán loạn, bạo tàn, gian ác (Xuân Thu); cổ súy và phục hưng lại nền Thiên Trị lý tưởng của các bậc Thánh Đế, Thánh Vương thời trước (Kinh Thư).

11. Đức Khổng là một chính trị gia.

Ngài cho rằng: Trong nhân đạo, không gì lớn hơn chính trị. [43]

Nhưng chính trị đây là cả một khoa học siêu vi, đem an bình thái thịnh đến cho dân nước, làm cho mọi người ăn ở xứng đáng với danh hiệu con người. Làm chính trị là làm cho con người trở nên ngay chính. Muốn được vậy, nhà cầm quyền phải ngay chính trước đã.

Ngài tha thiết cổ suý một chính quyền lý tưởng, một quốc gia lý tưởng, trong đó Vua ra Vua, Tôi ra Tôi, Cha ra Cha, Con ra Con, [44] biết tương kính, tương thân, thượng hòa, hạ mục. [45]

Chính quyền lý tưởng ấy phải được xây dựng trên căn bản hoàn thiện, hoàn mỹ, tức là phải tự coi mình có Thiên Chức, Thiên Mạng để đem an lạc lại cho chúng dân và có nhiệm vụ hướng dẫn chúng dân tới hoàn thiện, hoàn mỹ. [46] Chính quyền phải dựa vào hai tôn chỉ: Yêu dân và Kính dân. [47]

12. Đức Khổng là vị Thánh Nhân chân thực.

Tử Cống hỏi Đức Khổng: “ Thày là Thánh rồi chứ gì?” Đức Khổng đáp: “Ta chẳng dám nhận là Thánh. Nhưng làm lành, học Đạo mà không chán, dạy đời mà không biết mệt, ta chỉ được như vậy thôi.” Ông Tử Cống thưa rằng: “ Làm lành, học Đạo mà không chán, tức là Trí; Dạy đời mà không mệt tức là Nhân. Có đủ Nhân và Trí, Thày quả là Thánh rồi. [48]

Đức Khổng là vị Thánh Nhân chân thực, vì:

-Đã đạt tới Thiên Đạo, Trung Đạo. [49]

-Ngài đã “Tận Tính”, tức là đã đạt tới Siêu Thức Đại Đồng, [50]

-Ngài đã sống cuộc đời phối kết với Thượng đế nhất là trong tuổi già. [51]

-Ngài đã có công đem Thiên Lý, nhân luân dạy cho muôn triệu con người, thế tức là “tham tán tài thành” cùng trời đất. [52]

Ngài đáng được khen tặng bằng những lời Kinh Dịch:

Thánh nhân đức hạnh bao la,

Như Trời, như đất cao xa muôn trùng.

Sáng như nhật nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu, hợp khung bốn mùa,

Những điều lành dữ, ghét ưa,

Quỉ thần đường lối, đem xo khác nào.

Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sao Trời cho hợp cơ màu thời gian.

Trời không trách cứ, phàn nàn,

Thời người còn dám than van nỗi gì?

Trời, người chẳng trách, chẳng chê,

Quỉ thần âu cũng chẳng hề oán than. [53]

 

KẾt luẬn.

Phác họa lại chân dung Khổng Tử không phải là để khen lao Đức Khổng, mà chính là để ta dễ bề bắt chước Ngài.

Nhan Hồi xưa cũng đã nói: “Thuấn là ai? ta là ai? Nếu ta cố gắng. ta cũng sánh được với Thuấn vậy. [54]

Cụ Phan Sào Nam quả là người đã thấu hiểu được ý Đức Khổng khi lập giáo, là muốn cho mọi người tiến tới tinh hoa, hoàn thiện, vì thế cụ đã viết trong “Phàm Lệ” ở đầu bộ Khổng Học Đăng như sau:

Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cách tự nhiên rằng: Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có Đông, Tây, mà tâm lý in như nhau. Thánh hiền tức là ta, ta tức là Thánh hiền, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi.” (Khổng Học Đăng, Phàm Lệ, trang 10)

Vậy chúng ta hãy cố gắng theo chân Đúc Khổng, trở thành những con người viên dung, toàn mãn, gồm đủ trong mình ba thứ Đạo:

-Vật Đạo: Cố gắng cải thiện hoàn cảnh vật chất, chu toàn đời sống vật chất con người.

-Nhân Đạo: Ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người, đối đãi với nhau cho hợp tình, hợp lý, có thủy, có chung.

-Thiên Đạo: Cố gắng cải thiện tâm hồn, hoán cải khí chất, tiến tới hoàn thiện, sống hồn nhiên, phối kết với Thượng Đế.

Chung qui vẫn chỉ là: “ Hãy nhìn cho xa, hãy trông cho rộng, hãy nghĩ cho sâu, hãy vượt cho cao, đừng bao giờ dừng chân trước khi chưa tới hoàn thiện. [55]

Trung Dung viết:

Nên quân tử dốc một lòng, một dạ,

Trọng kính Trời, quyết gắn bó học hành.

Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh,

Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.

Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,

Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na,

Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,

Ở cấp dưới, không làm điều trái nghịch.

Nước có Đạo, chỉ một lời làm tiến ích,

Nước đảo điên, lặng lẽ đủ dung thân.

Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,

Khôn ngoan, nên mới bảo toàn tấm thân... [56]

&


 

CHÚ THÍCH

[1] Uyên Giám loại hàm, q. 4, tr. 4612 mục chữ Thánh

[2] Luận Ngữ. XIX, 23.

[3] Luận NgữXII, 9.-XVIII, 4.-Mạnh tử X,1.-XII, 6.-XIV, 17.

[4] Luận Ngữ IX, 17.-XII, 10.-XV, 1.

[5] Tề Cảnh Công vấn chánh ư Khổng Tử. Khổng tử đối viết: Quân, quân, thần, thần, phụ, phụ, tử, tử.

Luận Ngữ. XII, 2.

[6] Mạnh tử,Tận Tâm hạ, 14.

[7] Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, q. I, chương XXI, tr. 279.

[8] Qui Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu Lăng dịch, q. I, chương XXIV, tr. 335.

[9] Minh Thiện, Minh Lý Yêú Chỉ, tr. 52.

[10] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, tr. 308. Thiên Vinh Nhục VI của Tuân Tử.

[11] Mạnh tử, Cáo Tử Thượng, tiết 7.

[12] Tử viết: Ngô thập hựu ngũ, nhi chí vu học. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập, tùng tâm sở dục nhi bất du củ.

Luận Ngữ. II, 4.

[13] Luận Ngữ. XV, 30.

[14] Tả Truyện, Chiêu Công 2, và Chư Tử Thông Khảo tr. 47

[15] Luận Ngữ. Thuật nhi VII, 18.

[16] 易, 傳。 Khổng tử vãn nhi học Dịch, độc chi vi biên tam tuyệt, nhi vi chi truyện.

Nho giáo, 1, tr. 191. -Tư mã Thiên, Sử Ký, Khổng Tử Thế Gia, trong Từ Đỉển Chu Dịch, tr. 827.

Luận Ngữ. Thuật Nhi VII, 16

[17] Luận Ngữ. Tử Trương, XIX, 22.

[18] Luận Ngữ. Thuật nhi, VII, 29.

[19] Luận Ngữ. Thuật nhi, VII, 1.

[20] Trung Dung, ch.30.

[21] (Cf. Time, 28, 1969: Is God coming back to life? Changing Theology for a Changing World. Inner Voyages.

“What might the next in Theology? Philosopher-Psychologist Jean-Houston, co-director with her husband R. E. L. Masters of the Foundation for Mind Research, believes that current experiments in deepening awareness by psychological techniques or with drugs (which she does not advocate) are already leading to the rise of what she calls “experimental Theology”. According to Houston, the human psyche possesses a “built-in point of contact” with larger reality that is experienced as Divine. As the laboratory “improves upon techniques developed in the monastery,” people will increasingly encounter this interior sacrality. Indeed, she claims “Theology may soon become dominated by men whose minds and imaginations have been stimulated by inner voyages of one kind or another.”

Time, Dec. 26, 1969, p. 35.

[22] 慮。 途,

  而百 慮。 .

Thiên hạ hà tư, hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự?

Dịch, Hệ Từ hạ, chương 5, tiết 1.

[23] Luận Ngữ, VII, 33.

[24] Luận Ngữ, IX, 5.

[25] Luận Ngữ, VII, 22.

[26] 危, 微, 惟一, 中。

Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết Trung. Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15.

[27] Xem Lễ Ký chính nghĩa, Tựa, tr. 1. Xem Tống bản thập tam kinh, Lễ Ký.

[28] Đại Học, X.-Luận Ngữ. XV, 23.

[29] Khổng Tử Gia Ngữ, Hiếu sinh, X. Trần Trọng Kim, Nho Giáo I, tr. 149.

[30] 天之 也, 也。

Trung Dung, XX.

[31] Luận Ngữ. VII, 1.

[32] Luận Ngữ. VI, 13.

[33] Luận Ngữ. III, 23.

[34] Luận Ngữ. VII, 13.

[35] Luận Ngữ. XVI, 19.

[36] Luận Ngữ. XIV, 42.

[37] Luận Ngữ. III, 25.

[38] Luận Ngữ. XVII, 17.

[39] Luận Ngữ. VIII, 9.

[40] Luận Ngữ. VII, 33.

[41] Luận Ngữ. I, 6.-Luận Ngữ. I, 7.

[42] Luận Ngữ. IX, 10.

[43] Nhân đạo chính vi đại: 大。 Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6.

[44] Luận Ngữ. XII, 2.

[45] Luận Ngữ. III, 19.-Lễ Ký, Ai Công vấn chính, 9.

[46] Trung Dung chương XX.-Kinh Thư, thiên Hồng Phạm, tiết 9.

[47] 之本 也。 Ái dữ kính kỳ chính chi bản dã.

Lễ Ký, Ai Công vấn viết, tiết 9.

[48] Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng, 2.

[49] Mạnh tử, Tận Tâm hạ, 37, 38.-Luận Ngữ. XIII, 21.

[50] Trung Dung, XXII.

[51] Luận Ngữ. II, 4.

[52] Trung Dung, XXII.

[53] Dịch kinh, Kiền, Văn Ngôn, hào Cửu Ngũ.

[54] Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng, 1.

[55] Đại Học, I.-Luận Ngữ. IX, 18.

[56] Trung Dung XXVII.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32