TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»    mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG VI

LÃO GIÁO

ĐẠO ĐỨC CHÂN THUYÊN

ĐẠO ĐỨC LÀ GÌ?

 

Muốn học Đạo Lão, trước hết phải hiểu hai chữ Đạo Đức.

A. ĐẠO.

Đạo chính là Tuyệt Đối Thể, là Bản Thể thường hằng đã sinh xuất ra vũ trụ, vạn hữu, và luôn tiềm ẩn trong đáy lòng vạn hữu.

Vì là Tuyệt Đối Thể, nên Đạo không thể bàn cãi được. không thể danh xưng được. Tất cả mọi nghị luận về Đạo, tất cả mọi danh xưng về Đạo, vì nằm trong hình, danh, sắc, tướng, nên đều cưỡng ép, bất xứng, chỉ có thể cho ta thấy ít nhiều khía cạnh của Đạo.

-Đạo chính là nguồn gốc sinh xuất Vũ Trụ, quần sinh.

-Đạo có thể ở vào một trong hai trạng thái sau đây:

-a. Tĩnh tức là trạng thái chưa hiển dương, chưa sinh xuất ra vũ trụ, quần sinh (Tiên Thiên, Vô Vi, Diệu).

-b. Động, tức là trạng thái đã hiển dương, đã sinh xuất vũ trụ (Hậu Thiên, Hữu Vi, Kiếu).

Chưa hiển dương thì hết sức minh linh, ảo diệu.

Đã hiển dương thời có công trình vân vi, hình thanh, danh sắc, độ số.

Nhưng Đạo, dầu chưa hay đã hiển dương, cũng vẫn chỉ là một Thực thể siêu vi, duy nhất. Danh hiệu tuy khác, nhưng thực thể vẫn một.

Đạo thể siêu vi ấy chính là Cửa Thiêng sinh xuất mọi nguồn huyền vi, áo diệu trong hoàn võ.

Những tư tưởng then chốt trên đã được trình bày nơi Chương I, Đạo Đức Kinh, như sau:

 

Đạo khả Đạo phi thường Đạo

Danh khả danh phi thường danh

Vô danh thiên địa chi thủy

Hưũ danh vạn vật chi mẫu

Thường vô dục dĩ quan kỳ Diệu

Thường hữu dục dĩ quan kỳ Kiếu

Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh

者 同 而異

Đồng vị chi huyền

Huyền chi hựu huyền

Chúng diệu chi môn

 

Dịch:

Hoá Công hồ dễ đặt tên,

Khuôn Thiêng hồ dễ mà đem luận bàn.

Không tên, sáng tạo thế gian,

Có tên, là mẹ muôn ngàn thụ sinh.

Tịch nhiên cho thấy uy linh,

Hiển dương cho thấy công trình vân vi.

Hai phương diện một hóa nhi,

Huyền linh khôn xiết, huyền vi khôn lường,

Ấy là chúng diệu chi môn,

Cửa thiêng phát xuất mọi nguồn huyền vi.

Lưu Tư, tác giả cuốn Bạch Thoại Dịch Giải Lão Tử, có toát lược và phân loại các lời bình luận của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh như sau:

1. Khi gọi tên Đạo, Lão Tử dùng những chữ:

- Đạo (chương 1, 4, 21, 24 v.v...)

- Nhất (chương 10, 22).

- Cốc Thần (chương 6).

- Huyền Tẫn (chương 6).

 

2. Khi mô tả hình dáng của Đạo, Lão Tử nói:

-Hoảng hề, hốt hề (chương 21)

-Ảo hề, minh hề (chương 21)

-Vô trạng chi trạng (chương 14)

-Thị chi bất khả kiến (chương 14)

-Thính chi bất khả văn (chương 14)

-Bác chi bất khả đắc (chương 14)

-Nghinh chi bất kiến kỳ thủ (chương 14)

-Tùy chi bất kiến kỳ hậu (chương 14)

 

3. Khi mô tả đến gốc Đạo, Lão tử nói:

-Đế tượng chi tiên (chương 5)

-Tiên Thiên Địa sinh (chương 25).

 

4. Khi đề cập đến sự vận hành của Đạo, Lão Tử nói:

-Độc lập nhi bất cải (chương 25)

-Chu hành nhi bất đãi (chương 25)

-Kỳ thượng bất kiểu (chương 14)

-Kỳ hạ bất muội (chương 14)

 

5. Khi nói về cái dụng của Đạo, Lão tử viết:

-Uyên hề tự vạn vật chi tông (chương 14)

-Dĩ duyệt chúng phủ (chương 21)

-Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân (chương 32)

-Vạn vật đặc chi nhi sinh (chương 34)

-Đạo thường vô vi nhi vô bất vi (chương 3)

-Thiên đắc Nhất dĩ thanh, thần đắc Nhất dĩ linh, Cốc đắc Nhất dĩ doanh, địa đắc Nhất dĩ ninh, hầu vương đắc Nhất nhi thiên hạ trinh. (chương 39)

-Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. (chương 42) 

Chữ Đạo theo từ nguyên:

Có rất nhiều sách đã phân tích, tìm hiểu chữ Đạo, ví dụ:

-Tu Chân tiệp kính, nơi tr. 1a.

-Tu chân bất tử phương, nôi tr. 12.

-Tiên học từ điển, tr. 150 v.v...

Đại khái ta thấy rằng: Chữ Đạo gồm 2 phần chính:

-Một chữ Thủ (đầu)

-Một chữ Sước (Khi đi, khi ngừng)

Chữ Thủ gồm:

a. 2 nét trái phải: tượng trưng cho Âm Dương.

b. Chữ Nhất tượng trưng cho Thái Cực.

c. Chữ Tự(mình). Ý nói Thái cực bao quát Âm Dương ấy, đã sẵn có nơi mình.

Tất cả hợp thành chữ Thủ. Ý nói: Thái Cực hay Đạo đã tiềm ẩn ngay trong đầu não ta.

Sách Tu Chân Tiệp Cảnh viết: Đầu là nơi tối cao trong con người, thống toàn thân Dương khí. Khí Dương nơi người đều hội tụ nơi đó, y như vị Nguyên thủ quốc gia, tôn trưởng trong nhà. Đã thế, trong đầu còn tàng ẩn một Huyền Khiếu. Đạo từ Hư Vô mà sinh ra Hữu cũng bắt đầu từ đó. Từ Hữu phản về Hư, cũng không thể bỏ khiếu đó mà cầu nơi đâu xa lạ. [1]

-Chữ Sước gồm chữ Sách hay Khuể là nửa bước, là bước đi và chữ Chỉ là ngừng lại.

Ý nói: Đã hiểu Đạo thời phải hành trì, phải xử sự cho thuận tự nhiên, khi đáng làm, thời làm, khi đáng nghỉ, thời nghỉ.

René Guénon giải rằng: Đạo vì gồm chữ Thủ và chữ Sước, tức là Đầu và Chân, nên tượng trưng cho cả Thuỷ lẫn Chung. [2]

Dựa vào Từ  Nguyên của chữ Đạo, ta có thể vịnh chữ Đạo như sau

Nhất thể hoành không, thống vạn thù

Bao quát Âm Dương, quán Thái Hư

Ẩn tại hình sơn, đầu não lý

Giáo nhân hành chỉ hợp nguyên sơ

 

Các tác giả Âu Châu đã dịch chữ Đạo là Voie (Đường) là Principe (Nguyên thủ) v.v...

Gần đây Đạo Thiên Chúa cũng dùng chữ Đạo để dịch chữ Logos, tức Ngôi Hai Thiên Chúa. Ví dụ: Nơi chương Nhất thánh John ta đọc: Thái Sơ hữu Đạo, Đạo dữ Thần (Thượng Đế) đồng tại, Đạo tức thị Thần (Thượng Đế). [3]

Ít Nhiều danh xưng tương ứng với chữ Đạo.

Chữ Đạo có nhiều danh từ tương đương:

a. Tiên Thiên.

Đạo, Vô Cực, Hư, Hư Vô, Hộng Mông, Hỗn Độn, Khí, Tiên Thiên chi khí.

b. Hậu Thiên.

1. Khởi Thuỷ:

Đạo, Thái Cực, Nhất, Thái Hoà, Nguyên Khí, Hạo Nhiên Chi Khí, Tổ Khí, Tổ Khiếu, Huyền Tẫn Môn, Huyền Quan Khiếu, Cốc Thần.

2. Trung cuộc Biến Hoá Tuần Hoàn.

Lúc ấy, Đạo hay Thái Cực ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu, để làm căn cơ, chủ chốt.

Huỳnh Nguyên Kiết viết: Thiên Địa vị phân, Thái Cực tại thiên chi thuỷ. Thiên địa ký phân, Thái Cực tại Thiên Địa chi trung. [4]

Đạo, Trung, Thiên Địa chi trung, Thiên Khu,[5] Căn Nguyên, Căn Cơ, Căn Bản, Thần, Trung Hoàng cung, Huỳnh Bà Xá, Qui Trung, Viên Trung, Mậu kỷ Môn, Huyền Tẫn Môn, Chủ Nhân Ông, Tử Đơn, Xích Thành Đồng tử, Nê Hoàn Phu Nhân.

Tuy lồng trong giữa mọi biến thiên, nhưng tính chất của Đạo lúc ấy vẫn là Hư Cực Tĩnh Đốc, Bất biến.

3. Chung Cuộc.

Đạo, Qui Căn Khiếu, Phục Mệnh Quan, Đơn. [6]

B. Đức.

Nếu Đạo là Bản Thể, là Căn Nguyên thì Đức là sự hiển dương của Đạo, là mọi Hiện Tượng trong trời đất này. Nó bao gồm:

-Vạn hữu.

-Mọi sự biến thiên trong trời đất, nhân quần.

Wieger, nơi trương 14 Đạo Đức Kinh chú giải chữ Đức như sau:

Đạo tán vi Đức

Đức giả, Đạo chi kỷ dã.

 

(Đạo tán ra thành Đức, nếu Đạo như cuộn tơ, thì Đức như là cuộn tơ xổ lần ra, và cuộn dần lại.)

Sự Xổ lần cuộn tơ Tạo Hoá đó, Âu Châu gọi là: Developpement, Evolution, Catabase, Déroulement, Enwichtlung.

Trang Tử gọi đó là Xuất Cơ: Sự tiến ra Hữu Hình (Sortie dans le Manifesté).

Trung Dung gọi là: Phóng chi tắc di lục hạp (Tung ra tản mạn khắt muôn phương Trời).

Sự Cuộn dần cuộn tơ Tạo Hoá đó, Âu châu gọi là: Enveloppement, Enroulement, Involution, Anabase,

Trang Tử gọi đó là Nhập Cơ (Rentrée dans le non-manifesté).

Trung Dung gọi đó là: Quyển chi tắc thoái tàng ư mật (Thu cuốn lại, dấu nơi ẩn áo).

Đạo Đức Kinh đã dùng 2 chữ Thượng Đức để mô tả vị Chân Nhân đạt Đạo. (Đạo Đức Kinh, chương 38).

Điều đó hợp lý, vì người đạt Đạo, là người có được Đạo hiển linh trong tâm hồn mình, và biết dùng đời mình để làm hiển dương Chân, Thiện, Mỹ của Đạo.

ĐẠo và ĐỨc.

1. Tóm lại, Đạo là Căn Nguyên sinh xuất vũ trụ.

2. Khi chưa có vũ trụ thời chỉ có Đạo. Lúc ấy, Đạo ở thể tĩnh, thể tiềm ẩn.

3. Khi đã có trời đất, thì Đạo ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu và hiển dương bằng Đức.

Đức bao quát mọi biến hoá, cho nên Đức là quyền năng vô biên của Đạo. Thấy được Đạo và sự biến hoá vô biên của Đạo là thấy được cả 2 bề động tĩnh của đất trời. Đạo Lão gọi thế là Diệu Khiếu Tề Quan.

René Guénon, trong quyển Le Symbolisme de la Croix, nơi chương VII: La Révolution des Oppositions, đã bình luận hết sức là sâu sắc, xác đáng về 2 chữ Đạo Đức. Nên tham khảo.

Mấy câu sách nên ghi nhớ.

1. Dữ Đạo vi thể, siêu xuất thiên địa. [7]

2. Chân Nhân khế Đạo, cố viết chí nhân. [8]

Sách Thái Thượng Bảo Phiệt chép:

Văn Đạo Tử một hôm gặp một Đạo sĩ, liền mời vào nhà đãi đằng, xong mới hỏi đâu là Huyền Môn Diệu Chỉ. Đạo sĩ đáp:

心 即 是 道, 道 即 是 心。 心 與 道 離, 則 入 六 道 三 途, 心 與 道 合, 則 造 蓬 來 三 島。

Tâm tức thị Đạo, Đạo tức thị Tâm. Tâm dữ Đạo ly, tắc tạo Lục Đạo Tam Đồ. Tâm dữ Đạo hợp tắc tạo Bồng Lai, Tam Đảo.

Tâm là Đạo, Đạo là Tâm,

Bỏ Tâm tìm Đạo, hỏi tầm đâu ra.

Tâm kia và Đạo lìa xa,

Thì là Lục Đạo, Tam Đồ chẳng sai.

Tâm kia mà hợp Đạo Trời,

Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra.9

Những câu vắn tắt trên có tính cách thức tỉnh con người, ta nên học thuộc.

Người xưa nói:

Nhất ngôn, bán cú tiện thông huyền

便

Hà Dụng đơn kinh, thiên vạn biên

Thông Huyền một chữ cũng Thông,

Đơn kinh lọ phải thuộc lòng ngàn pho. [9]

 

Chương này có mục đích giúp chúng ta nhận ra được Thiên Căn, Đạo Cốt trong ta, giúp ta sống đời đạo đức, trở nên vẻ sáng của Trời, sự hiển dương của Đạo.

Nó cũng cho ta thấy rằng: Sống phải phối kết với Trời, “dữ Đạo hợp chân”. Đó mới chính là nguyện vọng của các đạo gia chân chính.


 

CHÚ THÍCH

[1] Thủ cư nhân thể tối cao địa vị, thống toàn thân chi Dương nhi hội tụ chi, do quốc chi nguyên thủ, gia chi tôn trưởng. Cánh dĩ kỳ trung, ẩn tàng Huyền Khiếu. Đạo tự Hư Vô nhi hữu, thực thuỷ ư thử xứ. Do Hữu hoàn Vô, bất năng xả thử nhi tha cầu dã...

Tu Chân Tiệp Cảnh, tr. 1a, 1b.

[2] Le mot Tao, littéralement “Voie” qui désigne le Principe. est représenté par un caractère idéographique qui réunit les signes de la tête et des pieds, ce qui équivaut au symbole de l’’Alpha et de l’Oméga dans les traditions occidentales.

René Guénon, Le Symbolisme de la Croix, 3ème Édition, Véga, Paris, 1957, p. 50, note 10.

[3] Tân Ước Toàn Thư, Thánh Thư Công Hội Hương Cảng ấn hành.

[4] Huỳnh Nguyên Kiết, Lạc Dục Đường Ngữ Lục, tr. 50.

[5] Hiện Đại Đạo gia tu luyện bảo điển, tr. 113.

[6] Nguyễn Văn Thọ, Thái Cực Luận, tr. 217-258.

[7] 體,

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Nguyên, tr. 6a.

[8] 道, 人。

Động Huyền Linh Bảo Tất Pháp, tr. 2b.

[9] Tiên Học Diệu Tuyển, tr. 9.

 


 

»    mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32