TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XX.

TINH HOA KHỔNG GIÁO THEO

TỨ THƯ, NGŨ KINH.

 

Muốn hiểu ý nghĩa một cuốn sách, cần biết chủ trương cả cuốn sách. Muốn hiểu ý nghĩa một cuốn sách, cần biết chủ trương toàn bộ sách.

Vậy muốn hiểu Trung Dung, tất nhiên ta phải duyệt qua những quan niệm then chốt, cốt cán trong Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Nếu tạm gác những vấn đề luân lý, chính trị thông thường sang một bên, ta có thể toát lược những tư tưởng nòng cốt trong Tứ Thư, Ngũ Kinh như sau:

1. Trời là chủ tể vạn vật.

Tứ Thư, Ngũ Kinh nhất là Thi, Thư luôn đề cập đến Thượng Đế.

2. Trời là thực thể cho muôn loài, muôn vật dựa nương, làm chủ chốt mọi biến hóa, và là căn nguyên mọi hiện tượng.

Niềm tin tưởng này được cụ thể hoá bằng vòng Dịch, trong đó Tâm Điểm là Thái Cực, tượng trưng cho Trời bất biến, trường tồn; các hào quải bên ngoài tượng trưng cho muôn hiện tượng luân lưu, biến hóa. Đó là quan niệm: Thiên địa vạn vật đồng nhất thể của Nho giáo. [1]

3. Trời, người quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Các Thánh Hiền Nho giáo đều chủ trương: “ Thiên Nhân tương dữ; Thiên Nhân hợp nhất.” [2]

Trung Dung viết:

Biết người trước phải biết Trời,

Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao? [3] 

Kinh Thi viết:

Trời xanh dẫn dắt chúng nhân,

Như là tấu khúc nhạc Huân, nhạc Trì,

Trời người đôi ngọc chương khuê,

Bên cho, bên lấy đề huề biết bao.

Tay cầm, tay giắt khéo sao,

Trời xanh dẫn dắt dân nào khó chi. [4]

4. Trời luôn ẩn áo, ngự trị trong lòng con người. [5]

Thiên Mệnh, Thiên Lý, Thiên Đạo “một giây, một phút không rời khỏi ta”. [6]

Thiên Mệnh, Thiên Lý chính là Bản tính con người, là cốt cách con người. [7]

Như vậy, tâm hồn con người tuy một mà hai: Trong nhân tâm nghiêng ngửa, còn có đạo tâm siêu vi, ẩa áo. [8]

Dưới lớp nhân tình, còn có Thiên Lý làm khuôn phép. [9]

Phần Thiên Lý, Thiên Tính phổ quát chí thành, chí thiện ấy, Tứ Thư, Ngũ Kinh gọi là: Dịch ,[10] Thần ,[11] Thái Cực, [12] Thiên Địa chi tâm, [13] Đạo Tâm, [14] Hoàng Cực, [15] Trung , [16] Di, [17] Tắc, [18] Tính, [19] Cách, [20] Minh Đức. [21]

5. Mọi người phải học hỏi để tìm cho ra bản tính chí thiện, cốt cách căn nguyên ấy.

Tìm ra được là Trí Tri, là đi tới cùng cực của sự hiểu biết. [22]

6. Muốn tìm Đạo Trời phải tìm nơi đáy lòng.

Vì Bản Tính con người, vì Thiên Lý, Thiên Đạo tiềm ẩn đáy lòng, nên muốn tìm ra Bản Tính, muốn tìm ra Thiên Lý, Thiên Đạo, cần phải quay về ta, mà tìm, mà kiếm, cần phải hôì Tâm, tĩnh Trí, tránh phóng đãng, phải biết tập trung tư tưởng, miệt mài suy tư, mới thành công được.

Trung Dung viết:

Tử Tư nương ý chân truyền,

Trung Dung hạ bút, nói liền duyên do:

Nguồn đạo ấy phát từ Thượng Đế,

Chẳng đổi thay, chẳng thể biến rời,

Hoàn tòan đày đủ nơi người,

Một giây, một phút chẳng rời khỏi ta.

Rồi bàn tiếp chi là cần thiết,

“Nhẽ Dưỡng, Tồn, Tỉnh, Sát” vân vân...

Cuối cùng tác giả luận bàn,

Sức thiêng “biến hoá, thánh thần” uy linh.

Những học giả muốn tìm Đạo ấy,

Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.

Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,

Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung... [23]

 

Mạnh Tử viết:

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành,

Kiện toàn hoàn thiện, tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui. [24]

 

7. Phải biết “kính cẩn” “khử nhân dục”, “tồn Thiên Lý”, hoàn thiện mình để kết hợp với Trời.

Khi đã tìm thấy Đạo, thấy Trời ẩn áo ngự trị trong lòng mình, con người phải “kính cẩn” [25] “cố gắng hoàn thiện mình”, [26] noi theo gương Trờì, [27] rũ bỏ mọi tình ý riêng tây (vô ý) [28], thoát khỏi cái mình nhỏ nhoi, ti tiện (vô ngã), [29] để sống kết hợp với Trời. Đó là Phối Thiên [30]; đó là Cực điểm tiến hóa của con người. Đó là Đạt Thế Trung Hòa [31], đạt tới Trung Tâm huyền diệu của Vũ Trụ và của con người.

8. Trong công cuộc tu thân, cần phải luôn luôn gắng gỏi công trình, luôn luôn học hỏi suy tư.

Học cho biết mình, biết người, biết định luật vũ trụ, biết thời thế để xuất xử, hành tàng, cho hợp thời, hợp cảnh. Đó là Thời Trung. [32]

Có học hỏi, có cố gắng mới phát huy được sự cao đại, huy hoàng, thiện mỹ tiềm ẩn nơi mình, mới có thể đạt thiên đức, thiên Đạo, mới có thể tung mình qua không gian, thời gian phù phiếm, biến thiên, trở về Trung Cung hằng cửu, bất dịch.

Tất cả học thuyết của Khổng Tử là cốt dạy cho ta tìm ra Chân, Thiện, Mỹ cao minh, tinh vi, hằng cửu, bất biến, đạt tới Trung Đạo, Thiên Đạo, Thiên Đức. Chưa đạt tới mức chí thành, chí thiện, người quân tử chẳng thể nào dừng chân, đứng lại. [33]

9. Tuy nhiên, như Đạo Trời có Âm, có Dương, đạo người cũng có 2 chiều: tinh thần, vật chất.

Người quân tử phải thu xếp thì giờ, lo sao cho trong ngoài vẹn cả 2 bề. [34]

Nưả đời đầu cố học hỏi để phát triển khả năng, tiến vào vật chất, vào đời, để mưu sinh, cải tạo hoàn cảnh, tô điểm giang sơn.

Nửa đời sau, khi mọi chuyện đời đã giải quyết êm đẹp, sẽ quay về Đạo để tu luyện bản thân, treo gương cho đời, cầu mong sao cho nên chí thành, chí thánh, chí thiện, để kết hợp với Trời. [35]

Đó là ý nghĩa cuộc đời theo Tứ Thư, Ngũ Kinh.

10. Cải thiện mình rồi, lại phải lo cải thiện người khác. Thế là Trung Thứ. [36]

11. Đạt tới mức chí thành chí thiện lại có công cải thiện muôn dân, sẽ được mệnh danh là Thiên Tử, là Hoàng, là Đế. [37]

Đó là huy hiệu mà cổ nhân tặng dữ cho các Thánh Vương như Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Văn Võ.

Những tư tưởng cao đại nói trên, theo đà thời gian, đã bị trần ai thế hệ che lấp mất.

Tước vị Thiên Tử đem áp dụng quàng xiên, Chữ Hoàng, chữ Đế không còn dùng để chỉ những người có đức độ sánh trời đất, theo nguyên nghĩa nữa, mà dùng để tâng bốc, suy tôn bất kỳ vua chúa nào.

Những chữ Thiên Nhân Tương dữ, Thiên Nhân Hợp Nhất, Phối Thiên, Phối Mệnh, nằm ngơ ngác trên những trang sách như tàn tích một lâu đài cổ, dầu dãi gió sương chẳng còn ai ngó ngàng tới nữa.

Cho nên khảo cứu một học thuyết, cũng như khảo cổ tìm di tích, cần tốn công phu. Một đằng đào bới đất cát để tìm di tích cũ, một đằng đào bới tư tưởng, để tìm cho ra vi ý tiền nhân. Cả đôi bên đều cần biết lọc lõi, biết tẩy trừ những hoen ố thời gian, nhân sinh, nhân thế mới có thể tìm ra được những gì quí báu của tiền nhân được.


 

CHÚ THÍCH

[1]  西 已。 已。

Tây Minh chi ý nhận thiên địa vi nhất gia dĩ. Dịch nhất thư ngộ thiên địa vi nhất dĩ. Bài Tây Minh là của Trương Tái (1020-1076), hiệu Hoành Cừ.

Tăng Dật, Tống Nguyên Học Án, quyển 7, tr. 15.

[2] 之思想

  道。

Trung quốc tự Đường Ngu dĩ lai tức hữu Thiên Nhân Hợp Nhất chi tư tưởng. Lịch đại Thánh Triết mạc bất kế tục hoành dương thử “ Thiên Nhân hợp nhất “ chi đạo.

Trương kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, đoạn Lão Tử.

[3] 人, 天。Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên.

Trung Dung, XX.

[4]         Thiên chi dũ dân

   如     Như huân như trì.

   如     Như chương, như khuê,

   如     Như thủ như huề.

   摳無      Huề chi viết ích,

   欑民 易。 Dũ dân khổng dịch.

Kinh Thi, Thi Bản.

[5] 遺。

Trung Dung, chương XVI.

[6] Trung Dung, chương I.

[7] 物, 至。

[8] 危, 微, 一, 中。

Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, duẫn chất quyết Trung.

Kinh Thư, Đại Vũ Mô, 15.

[9] 民, 則, 彝, 德。

Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, Dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức.

 Kinh Thi, Đại Nhã, Đãng, Chưng dân VI.

Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào, phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên ưa những cái tinh thành, tốt tươi.

[10] 矣。

     Kiền Khôn thành liệt nhi Dịch hành hồ kỳ trung hĩ.

Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, Chương XII, tiết ba.

  天 行乎 矣。

     Thiên địa thiết vị nhi Dịch hành hồ kỳ trung.

Hệ Từ Thượng, chương VII, tiết 2.

[11] 而為 也。

    Thần dã giả, diệu vạn vật nhi vi ngôn giả dã.

Thuyết quái, Chương VI.

[12] Thị cố Dịch hữu Thái Cực. Hệ Từ Thượng, XI, 5.

[13] 之心 乎? Phục kỳ kiến Thiên Địa chi tâm hồ. Dịch. Quẻ Phục, Thoán.

[14] . Đạo Tâm.

Kinh Thư, Ngu Thư, IV, Đại Vũ Mô, 15.

[15] 極。 Hoàng Cực.

Kinh Thư, Chu Thư IV, Hồng Phạm, 4.

[16] , Trung. Thương Thư 3, Thang Cáo 2.

[17] Di. Kinh Thi, Đại Nhã, Đãng, Chưng Dân VI, 2.

[18] Tắc. (Xem 17 trên).

[19] Tính. Trung Dung, chương I.

[20] Cách. Đại Học, I.

[21] . Minh Đức. Đại Học, I.

[22] 物, 至。

  trí tri tại cách vật , vật cách nhi hậu tri chí.

Đại học, chương 1.

理, 義。 學, 至。

  也。 至。

  至。 可,

理, 極, 中, 至, 也。

*Trung tức chí lý. Hà thường bất kiêm chí nghĩa. Đại Học, Văn Ngôn giai ngôn tri chí. Sở vị chí giả tức thử Lý dã. Ngứ độc Dịch giả viết tri Thái Cực tức thị tri chí. Ngứ độc Hồng Phạm giả viết năng tri Hoàng Cực tức thị tri chí. Phù khởi bất khả, cái đồng chỉ thử Lý, tắc viết Thái Cực, viết Trung, viết chí, kỳ thật Nhất dã.

*Trung là Chí lý, và cũng là Chí Nghĩa. Đại Học, Văn Ngôn đều nói Tri Chí. Người đọc Dịch thì cho rằng biết Thái Cực là Tri chí. Người đọc Hồng Phạm thì cho rằng biết Hoàng Cực là Tri Trí. Tất cả đều là một Lý. Gọi Thái Cực, gọi Trung gọi Chí lý, đều là một vậy.

Phụ Chú, Lục, Thái Cực đồ thuyết biện, Tống Nguyên Học Án, quyển 12, trang 6.

[23] Trung Dung, chương I, Bình Luận của Chu Hi.

[24] 矣, 成, 焉。

      Vạn vật giai bị ư Ngã hĩ, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.

Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú thượng, 4.

[25] Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, Khủng cụ hồ kỳ sổ bất văn. Mạc hiện hồ ần, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã.

Trung Dung, chương I.

[26] Trung Dung, XXX

[27] 大,

   Duy Thiên vi Đại, duy Nghiêu tắc chi.

Luận Ngữ. Thái Bá đệ bát, 19. .-Lễ Ký q. 1, Trọng Ni yên cư, tr. 10.

   行健,

Dịch, Quẻ Kiền, Đại Tượng Truyện.

[28] Luận Ngữ. Tử Hãn đệ cửu, 4.

[29] Luận Ngữ. Tử Hãn đệ cửu, 4.

[30] 天。 Cố viết Phối Thiên.

Trung Dung, 31.

天。 Cao minh phối Thiên.

Trung Dung 26.

[31] 和。 Trí Trung Hòa.

Trung Dung, chương I.

[32] 也, 中。

Trung Dung, II.

[33] 善。 Chỉ ư chí thiện.

Đại Học, I.

道, 也。Thung dung Trung Đạo, thánh nhân dã.

Trung Dung, XX.

微, 庸。

Trung Dung, XXVII.

知, 者, 之。

Cẩu bất cố thông minh, thánh trí, đạt thiên đúc giả, thục năng tri chi.

Trung Dung, XXXII.

[34] 也, 也。 也。 之道 也。 也。

Thành kỷ nhân dã, thành vật trí dã. Tính chi đức dã. hợp nội ngoại chi đạo dã. Cố thì thố chi nghi dã.

Trung Dung XXXI.

[35] 天。

Trung Dung, XXXI.

[36] 夫子 道, 矣。

Tăng tử viết: Phu tử chi đạo, Trung Thứ nhi dĩ hĩ.

Luận Ngữ. IV, 15.

忠, 恕。

Tận kỷ viết Trung, như kỷ viết Thứ.

Tiên Nho.

[37] = 帝。 Đế= đức giả hợp Thiên giả, xưng Đế.

Bạch hổ Thông. Khang Hi tự điển.

- = 也, 也。

Hoàng = Đại dã, Thiên dã.

Xin đọc thêm Nho Giáo, Trần trọng Kim, q. I, tr. 39, 40; 213-218; và q. II, tr. 103.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30