TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG IX

DỊCH KINH YẾU CHỈ

CỐT TUỶ KINH DỊCH.

 

Học Dịch muốn cho có kết quả, phải tâm niệm rằng Dịch không phải là sách dạy bói toán, sấm vĩ, như người thường tưởng, mà chính là một cuốn sách Triết học, Đạo học, sâu sắc. Tác giả quyển: Thái Cực quyền bổng viết:

“Dịch là một phương pháp, một con đường đưa ta về với Trời.”

(Dịch chi vi thư, giáo nhân hồi Thiên chi đại kinh, đại pháp dã.      

也。)

Thái Uyên, một nho gia đời Tống, cho rằng:

“Người quân tử học Dịch, để tiến tới Thần minh.”

(Quân tử học Dịch chi chí ư Thần dã. [1]   )

Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa hiện đại, tác giả bộ Trung Hoa ngũ thiên niên sử, đã viết:

“Dịch là một sách học cả về Trời lẫn Người, khảo về nguồn gốc sự sáng tạo vũ trụ, để rõ lẽ kiết hung, tiêu trưởng, tiến thoái, tồn vong. Nó là sách căn bản dạy Tu, Tề, Trị, Bình, nhớn như là kinh luân quốc gia, nhỏ như là Tu thân xử thế. Nếu thâm đạt tinh hoa Dịch, mà đem áp dụng thì tất cả đều ở trong kinh đó.” [2]

Ông viết thêm:

“Sách Dịch là sách rộng rãi, bao quát, nhưng nói đại ý, nó chỉ cốt dạy: Trời, người hợp nhất.” [3]

Tiên Nho cho rằng: “Dịch là một sách đứng đầu mọi kinh”. [4]

“Dịch là nguồn gốc Ngũ Kinh” [5]

Dịch kinh nơi Thuyết quái truyện cũng viết:

“Dịch là một sách dạy cùng lý muôn vật, thấu suốt tính người, giúp con người đạt tới định mạng (sang cả) của mình.” [6]

A. BỐn tác giẢ kinh Dịch.

Dịch có 4 tác giả:

-Phục Hi (c. 2852) vẽ Tiên Thiên Bát Quái.

Tiên Thiên Bát Quái

Phục Hi và Tiên Thiên Bát Quái Đồ

-Văn Vương (1231-1135), vẽ Hậu Thiên Bát Quái, viết Thoán Từ.

Hậu Thiên Bát Quái

-Chu công (c. 1100) viết Hào từ.

-Khổng Tử (551-479) viết Thập Dực. Thập Dực gồm: Thoán (Thượng, Hạ Truyện),

-Tượng (Thượng, Hạ Truyện)

-Hệ Từ (Thượng Hạ Truyện)

-Văn Ngôn Truyện.

-Tự Quái.

-Thuyết quái

-Tạp quái.

 

B. Chìa khoá mỞ cỬa DỊch.

Ta có một chìa khoá giản dị để mở cửa Dịch. đó là:

Vòng tròn với Tâm Điểm và hai chiều Vãng, Lai, Xuất Nhập.

Nếu ta chấp nhận:

1. Tâm Điểm là Thái Cực, là Bản Thể.

2. Vòng tròn bên ngoài là Vạn Hữu, Hình Tướng đa tạp, biến thiên, ta sẽ hiểu được ý nghĩa Hà Đồ, Lạc Thư, và vòng Dịch tiên thiên, hậu thiên.

Ta sẽ thấy nơi Hà Đồ:

 

 

(Hoả)

7

2

 

(Mộc)

8/3

(Thổ)

5/10

(Kim)

4/9

 

1

6

(Thuỷ)

 

 

5, 10 ở Trung Điểm là Thái Cực.

1, 2, 3. 4 bên ngoài là Tứ Tượng.

6, 7, 8, 9 là Biến Hoá.

7---> 9 = Dương tiến.

8---> 6 = Âm thoái.

Vạn Hữu chẳng qua là phân thể của Thái Cực:

2+ 3 = 5

1+ 4 = 5

Vạn Hữu nhờ có Thái Cực (5) mới biến hoá được:

1 + 5 = 6

2 + 5 = 7

3 + 5 = 8

4 + 5 = 9

Vạn Vật biến Hoá để trở về Thái Cực (10):

1+ 2 + 3 + 4 = 10

Lưu Nhất Minh viết:

Thái Cực là một điểm ở chính giửa Hà Đồ. Nhân bởi cái Tâm Điểm này là cái gốc rễ của Trời Đất, cội nguồn của Tính Mạng. [7]

Văn Đạo Tử viết: “ Số 5 tượng trưng Thái Cực hàm tứ tượng. Điểm giữa của 5 điểm lại tượng trưng cho Thái Cực hàm Nhất Khí.” [8]

Toàn Du Diễm, nhà bình giải Tham Đồng Khế, bình về Hà Đồ như sau:

Ngũ tán ra tứ phương, thành 6, 7, 8. 9; thế là Thuỷ, Hoả, Mộc, Kim đều nhờ đó mà thành. Nếu lấy các số 1, 2, 3, 4 ở tứ phương đem về Trung Ương sẽ thành 10. Thế tức là Thuỷ, Hoả, Kim, Mộc đều phản bổn, hoàn nguyên, và hợp tại nơi Trung Thổ. Ôi! huyền diệu thay!”

Ngộ Chân Thiên viết:

Lưỡng vật tổng nhân nhi sản mẫu,

Ngũ hành toàn yếu nhập Trung ương.”

[9]

 

Hồn Nguyên Bảo Chương vấn:

Tứ vị phân minh điên đảo dụng,

Ngũ hành đồng khởi, phục đồng qui.

[10]

 

Như vậy thì ở Lạc Thư, số 5  ở Trung Điểm cũng là Thái Cực, căn nguyên và cùng đích vạn hữu (10/15)

 

 

4

9

2

3

5

7

8

1

6

 

Lạc Thư

8 ô bên ngoài là Vạn Hữu biến thiên.

Ta nhận thấy: trong Lạc Thư, 2 số đối đỉnh cộng lại đều thành 10. Các số ngang, cọc, chéo cộng nhau để thành 15, mà ta biết:

5 là Thượng đế lúc khởi nguyên.

10 là Thượng đế lúc chung cuộc.

15 là Thượng Đế thuỷ chung như nhất.

Lưu Nhất Minh cho rằng:” Trời có đức hiếu sinh, mượn con Thần Qui mà tiết lộ Đạo Phản Hoàn cho con người biết Qui Gia Nhận Tổ, giữ gìn Căn Bản Tính Mệnh của mình. Căn Bản tại chỗ nào? Ấy là tại một vạch tại Trung Cung của con số 5, chỗ gọi là Cửa Huyền Tẫn là nơi đó:

Bởi vì tại nơi đó có một cái gốc của đất Trời...[11]

Văn Đạo Tử, trong quyển Giảng Đạo Tinh Hoa Lục, cũng cho rằng: “Năm gạch ở giữa tượng trưng cho Thái Cực; một vạch ở giữa lại tươợng trưng Thái Cực hàm nhất khí.” [12]

Sách Dịch Vĩ, nơi quyển Hạ tr. 3b. (Càn Tạc Độ, q. hạ) chép đại khái như sau:

Thái Nhất là Thần Danh của Bắc Thần. Lúc ở Trung Cung, thì gọi là Thái Nhất. Lúc tuần du nơi Tám Quẻ thì gọi là Thiên Nhất. Có người nói Thái Nhất ra vào, dong chơi, nghỉ ở Tử Cung (Cung Tía, Trung Cung). [13]

Tử Cung như vậy là Đế Đô. Tám cung bên ngoài như là Cung Quán của Thiên Tử nghỉ ngơi, khi đi tuần du. Cứ 4 cung lại trở về Trung Cung. Ta thấy:

Nhất Khảm, Nhì Khôn, Tam Chấn, Tứ Tốn,

Ngũ Trung,

Lục Kiền, Thất Đoài, Bát Cấn, Cửu Ly. [14]

Ở nơi Tiên Thiên hay Hậu Thiên bát quái, ta thấy 2 quẻ đối xứng cộng với nhau bao giờ cũng thành 15. (Nơi Tiên Thiên bát quái, Tâm là Đối Xứng, nên 2 quẻ đối đỉnh cộng vào với nhau thành là 15. Ta chấp nhận vạch Dương là 3, vạch Âm là 2.)

Nơi Hậu Thiên Bát Quái, thì trục đối xứng là trục Đông Tây.

Bát quái, có khi thì có vẽ hình Thái Cực bên trong, có khi thì không. Mà Không lại cao siêu hơn có, vì Thượng Đế chính là Vô Hình.

Cho nên Bát Quái Tiên hay Hậu Thiên hoặc có hoặc không có hình Thái Cực ở giữa, đều tượng trưng cho Thượng Đế và Vạn Hữu, Vạn Tượng. Cho nên, mới giải thích được tục lệ xa xưa ở Việt Nam cũng như ở Việt Nam và Trung Hoa là việc treo hình Bát Quái trước cửa nhà, để trừ tà ma.

Học Dịch mà biết được huyền nghĩa của Trung Cung, Trung Điểm là biết được nửa pho Dịch rồi.

Mà như là từ trên xuống tới đây, ta đã thấy dù là ở Hà Đồ hay ở LạcThư, ở Tiên Thiên hay Hậu Thiên Bát Quái, hay Lục Thập Tứ Quái, bao giờ Trung Cung, Trung Điểm cũng là Thái Cực, là Trời. Trời bao giờ cũng ẩn tàng trong lòng sâu vạn hữu, để làm căn cơ, làm trụ cốt, làm cốt lõi, để chủ trì tất cả mọi biến hoá. Sau này, khi học đến con người, ta sẽ thấy áp dụng của Trung Cung, Trung Điểm, của Dịch Lý vào nơi con người, để tìm cho ra Căn Cơ Trời trong Ta.

Mới hay Trung Cung hết sức là quan trọng.

Thuý Hư Thiên viết: “Trung ương chính vị sản huyền châu.” [15]

Phục Mệnh Thiên viết: “Tứ tượng bao hàm qui Mậu Kỷ.” [16]

Kim Đơn Đại Thành viết: “Phân Minh biến hoá tại Trung ương.” [17]

Học Dịch mà biết được rằng VẠN VẬT TÒNG TRUNG NHI KHỞI, TÒNG TRUNG NHI CHUNG thời đã là quí lắm rồi. [18]

Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ viết, nơi chương 13:

Ngô kim lược thuyết tầm chân lộ,

Hoàng Trung Thông Lý tải Đại Dịch,

Chính vị cư thể thị Huyền Quan,

Tí Ngọ trung gian, kham định tức.

間堪

Quang hồi tổ khiếu, vạn Thần an. [19]

 

Dịch:

Ta nay truyền dạy đạo Trời,

Nương theo Dịch Lý dạy người điểm Trung.

Huyền quan ở chính giữa lòng,

Giữa chừng Tí Ngọ khơi dòng Thần Tiên.

Hồi quang soi tỏ căn nguyên,

Căn nguyên rạng rỡ, ước nguyền thoả thuê.

 

Sách Huyền Không bí chỉ của Ngô Cảnh Loan viết:

 

Bất tri lai lộ, yên tri nhập lộ,

Bàn trung bát quái giai không.

Vị thức nội đường,

Yên thức ngoại đường

Cục lý ngũ hành tận thác. [20]

錯。

 

Dịch:

Đường về chẳng rõ tiêu hao,

Làm sao biết được lối vào Trung cung.

Thế là Bát Quái thành không,

Thế là vòng Dịch uổng công vẽ vời.

Bên trong mù mịt tăm hơi,

Làm sao biết được bên ngoài mà mong.

Thế là bố trí như không,

Ngũ hành thác loạn, rối tung, rối bời.

 

2. Hai chiều vãng lai của Dịch cho thấy vòng Dịch biến hoá có chu kỳ, thăng giáng, vãng lai, có thời tiết.

Lục Tượng Sơn ( 1139-1192) bình:

“Đạo Dịch là nhất Âm, nhất Dương có vậy thôi. Trước, sau; đầu, cuối; động, tĩnh; sáng, tối; trên, dưới; tiến, lui; đi, về; đóng, mở; đầy, vơi; tiêu, tức; tôn, ti; quí, tiện; biểu, lý; ẩn, hiện; hướng, bối; thuận, nghịch; còn, mất; được, thua; ta, vào; làm, cất, đi đâu mà chẳng có một Âm, một Dương.” [21]

Như vậy, là nắm được Dịch Lý rồi vậy.

Suy ra thì chiều biến hoá của Dịch đúng là có 2 chiều:

Một chiều Tán, chiều Vãng, chiều Hướng Ngoại, chiều Giáng.

Từ Lý ra Khí, ra Hình tượng, ra Chất.

Từ Thái Cực ra Âm Dương, ra Tứ Tượng, ra Bát Quái. Đó là chiều sinh Nhân, sinh Vật. Trong chiều này, nói theo danh từ Khoa Học bây giờ, thời:

-Khí lực ngày một suy.

-Ba động ngày một lớn.

-Tần số ngày một giảm.

Đó là chiều từ Vô Hình vào Hữu Hình.

Một chiều Tụ, chiều Lai, chiều Hướng Nội, chiều Thăng.

Trong chiều này:

-Khí lực ngày một tăng.

-Ba động ngày một ngắn.

-Tần số ngày một cao.

Đó là chiều từ Hữu Hình trở về Vô Hình.

Hai chiều này hoàn toàn ngược nhau.

Bát quái tiên thiên và Lục Thập Tứ Quái Tiên Thiên cho thấy rất rõ ràng 2 chiều biến hoá xuôi ngược này.

Nếu ta chia vòng Dịch tiên thiên thành 2 nửa theo trục Bắc Nam, ta sẽ thấy:

Nửa Phải là chiều Âm trưởng, Dương tiêu.

Nửa trái là chiều Âm tiêu, Dương Trưởng.

Và 2 quẻ 2 bên mà đối đỉnh nhau thì sẽ hoàn toàn Âm Dương ngược nhau, thành thử chỉ cần biết 1/2 vòng Dịch tiên Thiên, ta sẽ suy ra được 1/2 vòng bên kia.

Số như vậy, chia làm 2 thành phần:

Vãng, chiều đi ra, Dịch gọi là chiều Thuận (Sinh Nhân, sinh Vật); Lai chiều đi vào, Dịch gọi là chiều Nghịch (Sinh Thánh, sinh Thần). Dịch quí chiều Nghịch hơn chiều Thuận. Chính vì thế mà Thuyết quái Truyện nơi chương 3, viết:

Số vãng giả Thuận, tri lai giả Nghịch, thị cố Dịch nghịch số dã.

Dịch:

Dịch Kinh có số Ngược chiều,

Ngược chiều thế sự, khinh phiêu về nguồn.

 

C. Sơ lưỢc vỀ DỊch Kinh.

1. Dịch có nhiều nghĩa:

Bất Dịch, Biến Dịch, Giao Dịch, Dễ.

Bất Dịch khi đề cập đến Bản Thể Vũ Trụ là Vô Cực, Thái Cực.

Biến Dịch như khi bàn về hào quải biến thiên, vạn vật luân lưu, biến hoá. Ví dụ: Tốn biến hai hào Dương thành quẻ Khôn, Cấn biến 2 hào Âm thành quẻ Kiền.

Giao Dịch tức là trao đổi lẫn nhau, ví dụ hiện tượng mua bán. Ví dụ quẻ Kiền và quẻ Khôn trao đổi lẫn nhau hào giữa, thành Khảm Ly. Khảm, Ly trao đổi lẫn nhau Hào Dương trên cùng và hào Âm dưới cùng biến thàng Chấn Đoài.

Từ Âm Dương, đến Tứ Tượng, Bát Quái...lục thập tứ quái biến hoá đều theo 1 phương pháp: Đó là Gia Nhất Bội Nhị.

Ví dụ: Âm Dương muốn sinh ra Tứ Tượng, Ta viết: Âm hai lần, Dương 2 lần. Ta có:

rồi viết chồng lên trên 1 Âm, 1 Dương. Ta có:

Ví dụ : muốn từ Tứ Tượng lập thành Bát Quái, ta viết mỗi tượng thành hai.

Trên mỗi Tượng, ta thêm 1 Âm, hay 1 Dương (Gia Nhất), ta có:

 

 

Từ 8 quẻ, đến 64 quẻ, muốn lập thành cho nhanh, ta theo phương pháp Nhất Trinh Bát Hối: một quẻ nằm, tám quẻ chạy. Nghĩa là ta vẽ một vòng tròn, chia thành 8 ô đều nhau. Mỗi ô, ta viết lại 8 Kiền, 8 Đoài, 8 Ly, 8 Chấn, 8 Tốn, 8 Khảm, 8 Cấn, 8 Khôn. Sau đó, trên mỗi 8 quẻ trong mỗi ô đó, ta viết lại đủ 8 quẻ Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Nếu ta thay : Kiền=1; Đoài=2; Ly=3; Chấn= 4; Tốn= 5; Khảm= 6; Cấn=7; Khôn= 8, ta sẽ có đồ bản sau:


 

2. Dịch kinh có ba loại ngôn ngữ:

Từ=Từ Ngữ.

Tượng= Hình ảnh.

Số= Các con số.

Ba loại từ ngữ ấy bổ túc lẫn nhau.

Ví dụ, muốn trình bày tư tưởng: Thái Cực, Bản Thể Duy Nhất của Vũ Trụ. Tuy là Duy Nhất, nhưng thực ra đã bao hàm cả Âm, lẫn Dương. Tuy là Nhất Nguyên nhưng lưỡng Cực.

Dịch Kinh đã trình bày tư tưởng này bằng:

a) Hình vẽ Thái Cực.

b) Bằng chữ Dịch. Dịch gồm Nhật, Nguyệt, tượng trưng cho Âm, Dương.

c) Bằng Số 5 (3+2) hay 15 (9+6).

Ví dụ, khi muốn trình bày tư tưởng: Thái Cực tạo dựng nên vũ trụ bằng phương pháp phóng phát, sinh hoá, qua phân, Dịch Kinh trình bày như sau:

a) bằng từ ngữ: “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát quái”.

b) Bằng Số: 1 chia 2, 2 chia 4, 4 chia 8, 8 chia 16, 16 chia 32, 32 chia 64.

c) Bằng Hình ảnh:

1) Vòng Dịch hình tròn.

Trong đó, Thái Cực ở Trung Điểm, như vầng Dương tung toả ra muôn ngàn hào quái, muôn ngàn hiện tượng, vạn linh, vạn hữu bên ngoài.

 

2) Dịch xếp theo hình dài.

Trong đó, Thái Cực như một gốc cây duy nhất ở dưới, Vạn Hữu như muôn cành lá xum xuê ở bên trên.

3. Đại ý Dịch Kinh.

Dịch bàn về 2 chiều, 2 mặt biến hằng của vũ trụ.

Dịch chủ trương:

-Thái Cực là nguồn gốc sinh ra vạn tượng, vạn hữu, vũ trụ quần sinh.

-Âm Dương là 2 động lực tương thừa, tương khắc, tương chế, tương thành, tạo nên mọi biến hoá.

Âm Dương cho ta thấy cấu trúc sơ khởi của vạn tượng. Dịch nói Âm Dương, thì khoa học ngày nay nói électron (Âm), proton (Dương). Phân tử (molécule) vừa là ba động (onde), vừa là phân tử (particule). Phân tử, xét về phương diện cơ cấu, thời gồm có 2 phần chính: Đó là:

1) Khinh tử (Leptons) gồm protons 0, neutron 0, électron 1, méson 2069.

2) Trọng tử (baryons) gồm:

protons: 1836, 12

a) Nucleons: (neutrons 1838, 65)

b) Hyperons: Lambda 2182.

Sigma + 2328.

Sigma -2342.

Sigma 0 2330.

Ksi -2383.

Ksi 0 5579 v.v...

Âm Dương cũng cho thấy hai chiều: động, tĩnh; vãng, phản; doanh, hư; tiêu, tức; phục, khởi (latence & dominance), thăng trầm của một nguyên khí khi biến hoá.

Tứ Tượng cho ta thấy 4 yếu tố chính tạo nên muôn vật. Đó là:

Hoặc là 4 thứ acides cơ bản ( A = Adenine; G: Guanine: C = Cytosine; T = Thymine), sẽ tạo thành ra 64 thứ Nucleotides trong mọi cơ thể sinh vật sau này.

Có cái lạ là Dịch chủ trương: Tứ tượng chồng lên nhau từng Ba một sẽ tạo thành 64 quẻ, thì theo Génétique (Di Truyền học) cũng chủ trương nếu lấy 4 thứ acides nói trên, chồng lên nhau, từng Ba một, sẽ tạo nên 64 nucleotides.

Nếu ta nhận:


và chồng lên nhau Ba lần, ta sẽ có đồ bản sau, và chỉ cần thay A, G, C, T bằng các ký hiệu Thái Dương, Thiếu Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, ta sẽ có 64 quẻ Dịch theo đúng thứ tự của 64 quẻ Dịch Tiên Thiên Phục Hi:

1. AAA AAG AAC AAT AGA AGG AGC AGT

2. ACA ACG ACC ACT ATA ATG ATC ATT

3. GAA GAG GAC GAT GGA GGG GGC GGT

4. CCA CCG GCC GCT GTA GTG GTC GTT

5. CAA CAG CAC CAT GGA GGG GGC CGT

6. CCA CCG CCC CCT CTA CTG CTC CTT

7. TAA TAG TAC TAT TGA TGG TGC TGT

8. TCA TCG TCC TCT TTA TTG TTC TTT

(Xem Isaac Azimov, The Genetic Code, tr. 162-163. Phải chăng những hiện tượng sinh lý cũng đúng y như những định luật Dịch?)

Tứ Tượng cũng cho ta thấy định luật:

Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng.

Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.

 

Định Luật Âm, Dương, Tiêu, Trưởng, cùng như định luật Tứ Tượng: Sinh Trưởng, Liễm, Tàng, có thể vẽ thành đồ biểu sau:

 

Và như vậy chúng ta có định luật Ba Động (loi ondulatoire) chi phối mọi sự biến hoá trong Trời Đất.

Bát quái thời tượng trưng cho vạn tượng, vạn hữu (Êtres, Phénomènes).

64 quẻ, thời tượng trưng cho muôn vàn hoàn cảnh trong vũ trụ, do vạn vật hoà với nhau hay bất hoà với nhau mà gây nên.

Những hoàn cảnh này, một khi có, sẽ mang ngay tính chất CÁT, HUNG, HƯU, CỮU.

Người quân tử hiểu Dịch, muốn XU CÁT, TỊ HUNG, thời phải biết nghiên cứu thế đứng của mình, nghiên cứu vị trí của mình trong xã hội, tuỳ mỗi giai đoạn tiến triển của hoàn cảnh, mà tìm cách đối phó cho linh hoạt, khi cương, khi nhu, khi tiến, khi thoái, để tránh cái DỮ, được cái HAY.

Thế là không cần bói toán, mà tự nhiên CÁT HUNG hình hiện. Không cần CẦU PHÚC, NHƯƠNG TAI mà tự nhiên TAI TIÊU, PHÚC CHÍ.

D. Tiên Thiên và HẬu Thiên.

Học Dịch cũng nên hiểu 2 chữ Tiên Thiên và Hậu Thiên

A. TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN có thể hiểu được là TUYỆT ĐỐI (Thái Cực), khi chưa có đất trời hình hiện, và TƯƠNG ĐỐI (Âm Dương), khi đã có đất trời, vạn hữu hình hiện.

B. Nhưng TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN còn mang một nghĩa khác:

Ta thấy HÀ ĐỒ và TIÊN THIÊN BÁT QUÁI thuộc TIÊN THIÊN.

HÀ ĐỒ có hình Tròn, theo chiều Thuận, chiều Ngũ Hành tương sinh. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI khảo về Âm Dương nhị khí biến thiên.

LẠC THƯ và HẬU THIÊN BÁT QUÁI chủ HẬU THIÊN.

LẠC THƯ có 9 cung, vẽ theo hình Vuông, theo chiều Nghịch, chiều Ngũ Hành Tương Khắc. HẬU THIÊN BÁT QUÁI lụân về sự thăng trầm, vượng tướng của hình hài, phong thái bên ngoài.

HẬU THIÊN là PHÁ THỂ, TIÊN THIÊN là TOÀN THỂ (Ly thay cho Kiền, Khảm thay cho Khôn).

Vì thế, học Dịch cần phải biết từ PHÁ THỂ trở về TOÀN THỂ. Đó là thuyết: Dĩ Khảm Điền Ly, mà sau này ta sẽ có dịp đề cập tới lại.

Hậu Thiên vẽ lại cuộc sống thưc tế của con người, trong cảnh sống hình hài, cụ thể, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trong một thế giới đảo điên, tương đối, tương khắc

Hậu Thiên nương theo mặt trời, tức là nương theo 4 mùa. Ngày thời bắt đầu từ Dần, năm thời bắt đầu bằng mùa Xuân. Chiều buông được đánh dấu bằng vừng dương gác non Đoài, bằng giờ Dậu; cũng như cuộc sống trong nhà được đánh dấu bằng mùa Thu.

Hậu Thiên Bát Quái lấy bằng trục Chấn Đoài, hay trục Đông Tây làm trục đối xứng, lấy Chân Trời, Mặt Đất làm địa bàn hoạt động.

TIÊN THIÊN tượng trưng cho cuộc sống hồn nhiên bên trong, cuộc sống tâm linh. Cuộc sống tâm linh này được tượng trưng bằng HÀ ĐỒ vì HÀ ĐỒ theo Ngũ Hành Tương Sinh, và bằng Tiên Thiên Bát Quái hay Tiên Thiên Lục Thập Tứ Quái.

Vòng Dịch Tiên thiên lấy Tâm Điểm làm Tâm đối xứng, lấy trục TÍ, NGỌ, tức là Trục Trời, Đất làm giới hạn phân Âm Dương. 1/2 Âm phía phải vẽ lại 1/2 đời đầu con người. Khi ấy con người dấn thân vào ngoại cảnh. 1/2 Dương phía Trái vẽ lại 1/2 đời sau con người, vẽ lại hành trình con người càng ngày càng tiến sâu vào nội tâm, để trở về Tâm Điểm, về Thái Cực Nguyên C ăn.

Đó cũng chính là La Kinh sống động mà Trời trao cho con người, vì La Kinh hay La Bàn cũng lấy Tâm Điểm Thiên Trì làm Tâm, lấy Kim Châm hay hướng Tí Ngọ làm Kim Chỉ Nam.

Ở nơi con người, thì trục Đông Tây của Hậu Thiên có thể coi như là Hoành Cách Mô, còn trục Tí Ngọ chính là Tuỷ Xương Sống. Tâm Điểm, hay Thiên Tâm, Thiên Trì, Thái Cực chính là ở Tâm Điểm Nê Hoàn Cung.

TIÊN THIÊN chủ KHÍ, HẬU THIÊN chủ HÌNH. Một đằng lo chuyện hình hài, xác thân; một đằng lo chuyện Tâm linh, hồn phách, với mục đích phản bản, hoàn nguyên, siêu phàm, nhập thánh.

TIÊN THIÊN, HẬU THIÊN không vì thế mà xa lìa nhau: Hậu Thiên như vỏ, như áo, hỗ trợ bên ngoài, Tiên Thiên như Tinh, như Hoa hoạt động bên trong. Hai bên hợp lại thành khúc hoà ca tuyệt diệu...

E. NHỮNG BÀI HỌC CHÍNH YẾU CỦA DỊCH KINH.

Dịch Kinh có những áp dụng hết sức là đa dạng:

-Nhà toán học trông vào, thấy:

Âm + Dương: A + B

Tứ Tượng: (A+B)2 = A2 + 2AB+ B2.

Bát quái: (A+B)3 = A3+ 3A2B+ 3AB2+ B3

64 Quái: (A+B)6 = A6+ 6A5B+ 15A4B2+ 20A3B3+ 15 A2B4+ 6AB5+ B6

LEIBNITZ nhìn thấy 64 quẻ từ KHÔN đến KIỀN là 64 số từ 0 đến 63, mã theo Toán Học nhị nguyên.

Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo và nữ Bác Sĩ Ngô Kiện Hùng đã dùng định luật Dịch 3/2, để đo những phóng xạ của hạt nguyên tử khi nổ. Lúc ấy, những ly tử Âm và Dương hợp nhau lại thành ra 2 tia sáng, tia Dương dài bằng 3 đơn vị, tia Âm dài bằng 2 đơn vị, và các Ông đã đem định luật CƠ NGẪU BẤT ĐỒNG ĐẲNG của Dịch Kinh thay cho định luật ĐỒNG ĐẲNG (loi de parité) xưa của Khoa Học Âu Mỹ. Sự kiện này xảy ra năm 1957, và các nhà Bác Học đó đã được giải thưởng Nobel về Lý Học.

Ta cũng có thể dựa vào định luật Tụ Tán của Dịch Kinh để theo rõi những giả thuyết mới nhất của Thiên Văn Học, đó là sự khuếch tán hiện thời của vũ trụ, và sự thu xúc của vũ trụ, trong tương lai.

Ta cũng có thể đem thuyết “Âm Dương hỗ vi kỳ căn” để sánh với phương trình E= MC2, trong đó, E là Energie, là Năng Lượng; M là Masse, là Vật Chất, C2 là vận tốc của ánh sáng lên bình phương.

Nhưng ta còn có thể dùng Dịch, để chứng minh tìm hiểu những vấn đề quan trọng hơn thế nữa, ví dụ: Đâu là Trung Cung, Trung Điểm nơi con người? Thế nào là Phản Bản, Hoàn Nguyên? Thế nào là Đơn Đạo? Thế nào là Tiên Thiên, Hậu Thiên nơi con người? Những vấn đề này, sau đây, ta sẽ cố đề cập tới.

Hiện nay, ta nhận định sơ khởi rằng Dịch dạy chúng ta nhiều bài học.

a. Dịch dạy chúng ta đối thoại với Trời, với Thiên Nhiên.

Mỗi một hiện tượng bên ngoài là một bài học mà Trời dạy chúng ta. Dịch nói: “Thiên thuỳ tượng, hiện cát hung, thánh nhân tượng chi” (Hệ Từ Thượng, XI). “Trời rủ hiện tượng xuống, cho cát hung hiện ra, thánh nhân lấy đó mà làm gương, mà bắt chước.”

Đại Tượng Truyện quẻ Kiền viết: “ Thấy Trời hoạt động không ngừng nghỉ, người quân tử cũng phải cố gắng không ngừng nghỉ.” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.)

Dịch kinh dạy: Cương kiện trung chính (Văn ngôn quẻ Kiền: Đại tai Kiền hề, cương kiện, trung chính, thuần tuý tinh dã.)

Phải có một sức mạnh tinh thần mãnh liệt; phải biết xử sự theo đúng lẽ phải, xử sự cho thích đáng.

b. Dịch Kinh chẳng những dạy con người biết XU CÁT, TỊ HUNG, mà còn dạy lấy CÁT, HUNG, ĐẮC, THẤT, HỐI, LẬN mà xét xem mình đi đúng, hay đi sai với đường lối Trời, Đất, Người.

Phương pháp XU CÁT, TỊ HUNG của Dịch có thể toát lược như sau: Nhận định rằng con người lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, nên nếu ta biết rõ hoàn cảnh, là biết được 1 phần lớn số phận cá nhân.

Hoàn cảnh hay dở khác nhau tuỳ năm, tuỳ tháng, tuỳ mùa, tuỳ ngày, tuỳ giờ, tuỳ tâm trạng quần chúng, tuỳ tình trạng chính trị, xã hội, tuỳ như ở chỗ quân tử thắng hay tiểu nhân thắng, tinh thần làm chủ hay vật chất làm chủ.

Tuy nhiên, trong cũng một hoàn cảnh, mỗi người lại có hay, có dở khác nhau, tuỳ tâm tư, chí hướng, tuỳ hoài bão, tuỳ tài đức, tuỳ địa vị xã hội, tuỳ tuổi tác, tuỳ như có người giúp hay không có người giúp, tuỳ như ở gần quân tử, quí nhân, hay tiểu nhân, tiện nhân.

Hành động ta có dở, có hay.

Hành động hay sẽ đem lại cho ta lợi ích (cát, đắc). Hành động hay là hành động hợp đạo lý, hợp tình, hợp cảnh ( Nguyên, Trinh), đem lại hanh thông (hanh), ích lợi (lợi), không làm cho ta phải xấu hổ (lận). hay hối hận, phàn nàn (hối), không làm cho ai chê trách ta được (vô cữu).

Hành động dở sẽ đem lại cho ta hung hoạ (hung, thất), làm cho ta băn khoăn, hối hận (hối), hay xấu hổ (lận).

Những hung hoạ ta gặp phải một phần lớn phát sinh vì:

-Chúng ta làm những công việc không thích hợp với tài cán, và ý thích chúng ta.

-Chúng ta cộng tác hay sống gần gũi những người không đồng tình, đồng ý, đồng quan niệm với chúng ta.

-Chúng ta cộng tác với kẻ tiểu nhân, với những người sống bừa phứa, không có lý tưởng.

-Chúng ta sống trong những hoàn cảnh không thuận tiện.

Vậy muốn sống đời sống lý tưởng, phải thuận theo đạo lý, tức là phải theo những định luật tự nhiên, không được gàng quải với thời gian, tuổi tác, với trời đất, với tha nhân. Phải tìm những hoàn cảnh thuận tiện mà sống, giao thiệp với những người mình thích, làm những công việc mình ưa.

Rồi lại phải tránh hung họa ngay từ lúc chúng còn chưa chớm phát, nghĩa là phải biết tiên liệu, đề phòng, phải biết tổ chức, xắp xếp, thêm bạn, bớt thù. Luôn luôn xét mình, xét trạng thái tâm hồn, xét hậu quả công việc, định mức cát hung, để biết rõ mình đi đúng hay đi sai với định luật trời đất, định luật thiên nhiên...

Dịch Kinh gọi thế là CÁT HUNG SINH ĐẠI NGHIỆP (Hệ từ thượng, chương XI).

Nhưng bài học cao siêu nhất mà Dịch dạy chúng ta, như Trương Kỳ Quân đã nói là: THIÊN NHÂN HỢP NHẤT.

c. Dịch đã cho thấy là giữa lòng mọi biến thiên đều đã ẩn tàng sẵn Thái Cực. Nếu vậy, thì giữa lòng mọi biến thiên của hình hài, tâm tư, trí não chúng ta, phải có Thái Cực. Biết rằng trong ta có Thái Cực, có căn cốt Trời, chúng ta sẽ có cơ tinh tiến vô biên vô tận.

Học Dịch như vậy, mới gọi được là:

Tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã. (Hệ từ hạ, chương V).

Học cho tinh nghĩa, nhập thần,

Rồi ra áp dụng muôn phần hay ho...

 PHỤ LỤC.

Bài thơ để nhớ 64 quẻ Tiên Thiên.

1. Ô Kiền:

Kiền I/1, Quải I/2, hồ thỉ Hữu (Đại hữu) I/3 Tráng (Đại Tráng) I/4 hoài,

Súc (Tiểu súc) I/5, Nhu I/6, Súc (Đại Súc) I/7, Thái I/8. thỉ đầu thôi.

2. Ô Đoài:

II/1, Đoài II/2, Khuê II/3,, Muội II/4, Trung Phu II/ 5, Tiết II, 6.

Bất Tổn II, 7, Lâm II, 8 tiền trạch bạn lai.

3. Ô Ly.

Đồng Nhân III/1, Cách III/2, diện Hoả Đông Ly III/ 3,

Náo nhập Phong III/4, Gia (Gia Nhân) III/5, Tế (Ký Tế) III/ 6, Bí III/ 7, Di (Minh Di) III/ 8.

Ô. Chấn.

Vô Vọng IV/ 1, Tuỳ IV/2, nhân, Phệ Hạp III/ 3,

Chấn, IV/ 4

Ích, IV/5 Truân, IV/6 Di, IV/7 dạ, Phục IV/8, lôi phi.

Ô. Tốn,

Cấu V/1, quân, sơ Quaù (Đại quá) V/2, Đỉnh,V/3 lô Hằng,V/4

Tốn V/5, TỉnhV/6, phong thanh, CổV/7 nguyệt Thăng V/8.

Ô Khảm.

Tụng VI/1, Khốn VI/2, Vị (Vị Tế) VI/3 tri Giải VI/4, Hoán VI/5, Khảm VI/6,

Mông VI/7, Vi/8 chỉ xuất ngọc hồ băng.

Ô Cấn.

Độn VII/1, Hàm VII/2, Lữ VII/3, Quá (Tiểu Quá) VII/4, tửu gia liêm,

Tiệm VII/5, Kiển VII/6 sơn đầu, ngộ Cấn VII/7, Khiêm VII/8.

Ô Khôn.

VIII/1, Tuỵ VIII/2 khả kham Tần Tấn VIII/3 địa,

Dự VIII/4ï, Quan VIII/5, Tỉ VIII/6, Bác VIII/7, địa Khôn VIII/8 chiêm.

Giải thích: Trên đây là 4 bài thơ tứ tuyệt cho ta thứ tự 64 quẻ Tiên Thiên.

2 quẻ thành 1 bài thơ. Bài thơ 1, cho 2 quẻ Kiền, Đoài, Bài thơ sau cho 2 quẻ Ly, Chấn, v.v...

Số La Mã I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII chỉ tám quẻ nội quái ( quẻ nằm dưới) : Kiền = I, Đoài = II, Ly = III, Chấn= IV, Tốn = V, Khảm = VI, Cấn =VII, Khôn = VIII.

8 số Ả Rập 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 chỉ 8 quẻ ngoại quái (quẻ nằm trên): Kiền = 1, Đoài = 2, Ly = 3, Chấn = 4, Tốn = 5,

Khảm = 6, Cấn = 7, Khôn = 8.

Nên III/3 sẽ là quẻ Ly; V/7 sẽ là quẻ Cổ v.v...

2. Hai bài thơ để nhớ vị trí 64 quẻ Hậu Thiên trong Kinh Dịch:

Thượng Kinh.

Kiền, Khôn, Truân, Mông, Nhu, Tụng, Sư,

Tỉ, Tiểu Súc hề Lý, Thái, Bĩ.

Đồng nhân, Đại Hữu, Khiêm, Dự, Tuỳ,

Cổ Lâm, Quan hề, Phệ Hạp, Bí,

Bác, Phục, Vô Vọng, Đại Súc, Di,

Đại Quá, Khảm, Ly, tam thập bị.

 

Hạ Kinh.

Hàm, Hằng, Độn hề cập Đại Tráng,

Tấn dữ Minh Di, Gia Nhân, Khuê,

Kiển, Giải, Tổn, Ích, Quải, Cấu, Tuỵ,

Thăng, Khốn, Tỉnh, Cách, Đỉnh, Chấn, kế,

Cấn Tiệm, Qui Muội, Phong, Lữ, Tốn,

Đoài, Hoán, Tiết hề, Trung Phu chí,

Tiểu Quá, Ký Tế, kiêm Vị Tế.

 

Trong 2 bài thơ trên ta thấy 8 quẻ có gạch phía dưới. Đó là: Kiền, Khôn, Di, Đại Quá, Khảm, Li, Trung Phu, Tiểu Quá, là 8 quẻ Thác. Thác là những quẻ lộn xuôi, ngược vẫn như nhau không đổi. Còn 56 quẻ hay 28 cặp còn lại là quẻ Tống. Tống là những quẻ hễ lộn lên sẽ thành quẻ khác. Ví dụ: Truân lộn lên sẽ thành Mông, Nhu lộn lên sẽ thành Tụng, v.v... 8 quẻ Thác cộng với 28 quẻ Tống là 36, vì thế Thiệu Khang Tiết mới nói: Tam thập lục cung đô thị xuân.

64 quẻ, ý nghĩa, cách tìm ra 64 quẻ.

-Bĩ (Vận Bĩ, Bế Tắc) VIII/1; 12. (Thiên Địa Bĩ)

-Bác (bóc lột hết Dương) VII/7; 23. (Sơn Địa Bác)

-Bí (Vẻ Đẹp) III/ 7, 22 (Sôn Hoả Bí)

-Cấn (Núi; Ngừng Nghỉ) VII/7, 52 (Bát thuần Cấn)

-Chấn (Sấm) IV/4, 51 (Bát thuần Chấn).

-Cách (Thay đổi) III/2, 49 (Trạch Hoả Cách).

-Cấu (Gặp Gỡ) V/1, 44 (Thiên Phong Cấu).

-Cổ (Hỏng, hủ bại), V/7, 18 (Thiên Phong Cổ).

-Dự (Đề Phòng), VIII/4, 16 (Lôi Địa Dự).

-Di (Má, nuôi dưỡng), IV/7, 27 (Thiên, Lôi Di).

-Đại Quá (Cái hay, cái lớn nhiều quá) V/2 , 28 (Trạch Phong Đại Quá).

-Đại Súc (Hàm chứa nhiều) I/7. 26 (Sơn Thiên Đại Súc).

-Đại Hữu ( Có nhiều, có lớn) I/3, 14 (Hoả Thiên Đại Hữu)

-Độn (Trốn Ẩn) VII/1, 33 (Thiên Sơn Độn)

-Đồng Nhân (Hoà Đồng với người) III/1 13 (Thiên Hoả Đồng Nhân).

-Đỉnh (Thay cái mới vào) V/3, 50 (Hoả Phong Đỉnh)

-Đại Tráng (Mạnh mẽ nhiều) I/4, 34 (Lôi Thiên Đại Tráng).

-Đoài (Trầm, Đầm) II/2, 58 (Bát Thuần Đoài).

-Giải (Giải thoát) VI/4, 40 (Lôi Thuỷ Giải).

-Gia Nhân (Gia Đạo) III/5, 37 (Phong Hoả Gia Nhân)

-Hàm (Cảm ứng) VII/2, 31 (Trạch Sơn Hàm)

-Hằng (Hằng Cửu) V/4, 32 (Lôi Phong Hằng)

-Hoán (Tiêu Tán, phá tán) VI/5, 59 (Phong Thuỷ Hoán).

-Ích (Thêm cho) IV/5, 42 (Phong Lôi Ich)

-Kiền (Trời) I/1 , 1 (Bát thuần Kiền).

-Ký Tế (Đã thành tựu) III/6, 63 (Thuỷ, Hoả Ký Tế).

-Khuê (Gàng Quải) II/3, 38 (Hoả Trạch Khuê)

-Kiển (Bế tắc) VII/6, 39 (Thuỷ Sơn Kiển).

-Khôn (Đất) VIII/8, 2 (Bát thuần Khôn).

-Khốn ( Khốn nạn) VI/2, 47 (Trạch Thuỷ Khốn).

-Khảm (Nước, nguy hiểm) VI/6, 29 (Bát Thuần Khảm)

-Khiêm (Khiêm tốn) VII/8, 15 (Địa Sơn Khiêm)

-Lâm (Người trên đến với người dưới) II/8, 19 (Địa Trạch Lâm)

-Ly (Lửa, bám víu) III/3 , 30 (Bát Thuần Ly).

-Lý (bước lên trên, theo định luật tự nhiên) II/1, 10 (Thiên Trạch Lý)

-Lữ (Lữ Thứ) VII/3, 56 (Hoả Sơn Lữ)

-Minh Di (Ánh Sáng bị lu mờ) III/8, 36 (Địa Hoả Minh Di)

-Mông (trẻ thơ, mê muội, giáo hoá) VI/6, 4 (Sơn Thuỷ Mông)

-Nhu (Chờ đợi, ăn uống) I/6, 5 (Thuỷ Thiên Nhu).

-Phong (Thịnh Vượng) III/4, 55 (Lôi Hoả Phong).

-Phục (Trở lại) IV/8, 24 (Địa Lôi Phục)

-Phệ Hạp (Nghiền đứt để hoà hợp) IV/3, 21 (Hoả Lôi Phệ Hạp).

-Quan (Nhìn xem, quan sát) VIII/5 , 20 (Phong Địa Quan)

-Quải (Quyết Định) I/2 , 43 (Trạch Thiên Quải)

-Qui Muội ( Gái về nhà chồng) II/4, 54 (Lôi Trạch Qui Muội).

-Sư (Quân Sự) VI/8, 7 (Địa Thuỷ Sư).

-Tỉ (Qui Dân Tụ Chúng để lập nước) VIII/6, 8 (Thuỷ Địa Tỉ)

-Thái (Thái Thịnh) I/8, 11 (Địa Thiên Thái)

-Tiệm (lớn từ từ, tiến triển từ từ) VII/5, 53 (Sơin Phong Tiệm)

-Trung Phu (Sự Thành Tín) II/5, 61 (Phong Trạch Trung Phu).

-Tổn (Bớt đi) II/7, 41 (Sơn Trạch Tổn)

-Tốn ( Gió, thấm nhập) V/5, 57 (Bát thuần Tốn)

-Tuỳ (Theo) IV/2 , 17 (Trạch Lôi Tuỳ)

-Tấn (Tiến Lên) VIII/3, 35 (Hoả Địa Tấn)

-Tuỵ (Tụ Họp) VIII/2, 45 (Trạch Địa Tuỵ)

-Tụng (Kiện Tụng) VI/1, 6 (Thiên Thuỷ Tụng)

-Tiểu Quá (Quá Mức ít nhiều) VII/4, 62 (Lôi Sơn Tiểu Quá)

-Tiểu Súc (Chứa Đựng ít, nuôi dưỡng ít, trở lực nhỏ) I/5, 9 (Phong Thiên Tiểu Súc).

-Tỉnh (Giếng) V/6, 48 (Thuỷ Phong Tỉnh)

-Thăng (lớn lên, tiến lên) V/8, 46 (Địa phong Thăng)

-Truân (Truân chuyên, Vất vả) IV/6, 3 (Thuỷ Lôi Truân).

-Tiết (Tiết Độ) II/6, 60 (Thuỷ Trạch Tiết)

-Vô Vọng (Không Nhầm, hồn nhiên, vô tội) IV/1, 25 (Thiên Lôi Vô Vọng)

-Vị Tế (Chưa thành tựu) VI/3, 64 (Hoả Thuỷ Vị Tế).

 

Bị Chú. Cách dùng 64 quẻ trên.

64 quẻ trên đây cho thấy cách thức vạch ra thành quẻ, bất kỳ là quẻ nào. 64 quẻ xếp theo ABC, nên dễ kiếm.

Mới đầu cho tên các quẻ, tiếp đến cho nghĩa quẻ, tiếp đến cho biết quẻ ấy nằm trong ô nào: I Kiền, II Đoài , III Ly, IV Chấn, V Tốn, VI Khảm, VII Cấn , VIII Khôn, và là quẻ thứ mấy trong ô đó: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8.

Vậy cặp số La Mã và Ả Rập đi với nhau, vừa cho biết quẻ nằm trong ô nào, vừa là quẻ thứ mấy, và cho biết cách xếp thành quẻ.

Muốn vạch thành quẻ, trước hết:

Đổi số La Mã ra thành quẻ viết xuống dưới (nội quái), rồi đổi số Ả Rập ra thành quẻ, viết chồng lên trên. (ngoại quái).

Ví dụ: Ta thấy Vô Vọng IV/1, 25, ta biết ngay Vô Vọng là ở trong Ô Chấn và là quẻ thứ I,

Ta đổi IV thàng Chấn, viết xuống dưới. (nội quái, hạ quái).

Ta đổi 1 thành Kiền và viết chồng lên trên. (ngoại quái, thượng quái).

Con số 25 sau chỉ cho biết quẻ Vô Vọng là quẻ thứ mấy trong bộ Kinh Dịch. Nếu ta ghi nhớ Kinh Dịch có Thượng Kinh và Hạ Kinh. Thượng Kinh có 30 quẻ, Hạ Kinh có 34 quẻ, thì ta thấy ngay quẻ Vô Vọng là ở gần cuối Thượng Kinh, vì là quẻ thứ 25. Các quẻ khác cũng như vậy mà suy ra.

Cuối cùng, cho biết cách đọc quẻ và vẽ quẻ theo lối người xưa. Nếu ta biết rằng:

Kiền vi Thiên.

Đoài vi Trạch.

Ly vi Hoả.

Chấn vi Lôi.

Tốn vi Phong.

Khảm vi Thuỷ.

Cấn vi Sơn.

Khôn vi Địa.

Thì ta cũng vẽ được thành quẻ. Ví dụ, ta thấy Thiên Lôi Vô Vọng, thì ta liền biết quẻ Vô Vọng, phía trên là quẻ Kiền, phía dưới là quẻ Chấn. Như vậy ta sẽ vẽ ngay được.


 

CHÚ THÍCH

[1] Trùng biên, Tống Nguyên Học Án, q. 3. tr. 878.

[2] Dịch chi vi thư cùng Thiên, Địa, Nhân chi tế; cứu tạo hoá chi nguyên, dĩ minh cát, hung, tiêu trưởng, tồn vong chi đạo, tu tề, trị, bình chi bản, đại nhi kinh luân quốc gia, tiểu nhi lập thân, xử thế, thể nhi dụng chi, vô bất tại thị.

Trương kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên niên sử, q. 2. chương 12: Chu Dịch tr. 123.

[3] Dịch chi vi thư, quảng đại tất bị, vô sở bất bao, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi minh Thiên Nhân hợp nhất chi Đạo.

Như trên, tr. 123.

[4] Dịch quán quần kinh chi thủ.

易 冠 群 經 之 首。

Như trên. tr. 123.

[5] Dịch vi ngũ kinh chi nguyên. 易 為 五 經 之 元

[6] Dịch chi vi thư, cùng lý tận tính, dĩ chí ư mệnh.

易 之 為 書 窮 理 盡 性 以 至 於 命。

Dịch kinh, Thuyết quái, chương 1, tiết ba.

[7] Chu Dịch Xiển Chân, Tam Tông Miếu xuất bản, tr. 21.

[8] Trung ngũ điểm hựu tượng Thái Cực hàm Tứ Tượng, Trung nhất điểm hựu tượng Thái Cực hàm Nhất Khí.

中 五 點 又 象 太 極 含 四 象。 中 一 點 又 象 太 極 含 一 氣。

Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, tr. 9a.

[9] Tham Đồng Khế phát huy, tr, 24b.

[10] Như trên, tr. 24b, 25a.

[11] Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, Tam Tông Miếu xuất bản, tr. 29-30.

[12] Trung ngũ văn hựu tượng trưng Thái Cực, Trung nhất văn hựu tượng trưng Thái Cực hàm nhất khí.

中 五 文 又 象 徵 太 極。 中 一 文 又 象 徵 太 極含 一 氣。

Văn Đạo Tử gỉang Đạo Tinh Hoa Lục, tr. 11a.

[13] Thái Nhất giả Bắc Thần chi Thần Danh dã. Cư kỳ sở viết Thái Nhất, thường hành ư Bát Quái, nhật thần chi giao, viết Thiên Nhất.

Hoặc viết: Thái Nhất xuất nhập sở du, tức ư Tử Cung chi nội. ngoại kỳ tinh nhân dĩ vi danh yên. Cố Tinh Kinh viết: Thiên Nhất, Thái Nhất chủ khí chi thần, hành do đãi dã.

Tứ chính, tứ duy do bát Quái, Thần sở cư cố diệc danh chi viết Cung. Thiên Nhất hạ hành do Thiên Tử xuất, tuần thú tinh phương nhạc chi sự. Mỗi xuất tắc phục.

Dịch VI, q. hạ, tr. 3b.

[14] Thái Nhất hạ hành Bát Quái chi cung, mỗi Tứ nãi hoàn ư Trung Ương. Trung Ương giả, Bắc Thần chi sở cư, cố nhân vị chi Cửu Cung. Thiên Số đại phân, dĩ Dương xuất, Âm nhập. Dương khởi ư Tý, Âm khởi ư Ngọ. Thị dĩ Thái Nhất hạ cửu cung, tòng Khảm cung Thuỷ. Khảm Trung Nam Thuỷ diệc ngôn vô thích dã. Tự thử nhi tòng ư Khôn Cung, Khôn mẫu dã. Hựu tự thử nhi tòng Chấn Cung, Chấn trưởng nam dã. Hựu tự thử nhi tòng Tốn cung. Ký hựu tự thử nhi tòng Kiền cung. Kiền phụ dã. Tự thử nhi tòng Đoài Cung. Đoài thiếu nữ dã. Hựu tự thử nhi tòng ư Cấn cung. Cấn thiếu nam dã. Hựu tự thử nhi tòng ư Ly cung. Ly trung nữ dã. Hành tắc chu dã. Thượng du tức ư Thiên Nhất, Thái Nhất chi cung nhi phản ư Tử Cung. Tòng Khảm cung thuỷ, chung ư Ly cung.

Xem Dịch VI.

[15] Như trên. tr. 4a

[16] Như trên. tr. 3a.

[17] Như trên. tr. 11a.

[18] Văn Đạo Tử giảng đạo tinh hoa lục, tr. 9b.

[19] Thái Ất Kim Hoa Tông Chỉ, tr. 15.

[20] Ngô Cảnh Loan, Huyền Không bí chỉ.

[21] Dịch chi vi thư, nhất Âm, nhất Dương nhi dĩ. Tiên hậu, thuỷ chung. động tĩnh, hối minh, thượng hạ, tiến thoái, vãng lai, hạp tịch, doanh hư, tiêu trưởng, xuất nhập, hành tàng, hà thích chi nhi nhất Âm, nhất Dương tai?

Trương Kỳ Quân, Trung Quốc Ngũ Thiên Niên Sử, q. 2, tr. 127.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32