TINH HOA CÁC ĐẠO GIÁO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32

 

»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

 

CHƯƠNG XVIII.

TỐI THƯỢNG THỪA PHẬT GIÁO.

A. NhỮng nguyên tẮc tu thân căn bẢn.

1. Băng qua Vạn Pháp biến thiên, trở về với Chân Như Bản Thể.

Khi nhận thấy rằng chỉ có một Bản Thể duy nhất bao trùm không gian và thời gian, bao trùm cả vạn hữu, khi đã chấp nhận rằng Bản Thể ví như Đại Dương, hiện tượng và quần sinh ví như muôn nghìn sóng cả, hay như những bọt nước bồng bềnh trên mặt, thì điều kết luận dĩ nhiên sẽ là:

a. Bản Thể thì trường tồn, vĩnh cửu.

b. Hiện Tượng, quần sinh thì phù du, hư ảo.

c. Cho nên, phải bỏ phù du, để trở về với vĩnh cửu; bỏ hiện tượng để tìm về Bản Thể Chân Như.[1]

Phật xưa đã ba lần chuyển Pháp Luân:

Lần thứ Nhất: Giảng kinh Hoa Nghiêm, để chỉ vẽ gốc rễ, căn bản con người.

Lần thứ hai: thuyết kinh A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng, để chỉ vẽ chi mạt, ngọn ngành con người.

Lần thứ ba: thuyết kinh Pháp Hoa, Niết Bàn để dạy đời thu nhiếp ngọn ngành để trở về cội gốc, bỏ Hiện Tượng để trở về với Bản Thể, Chân Như. Đó là thành Phật, thành Đạo, đó là vào Niết Bàn.[2]

2. Tìm ra Chân Tâm, Chân Như Bản Thể dưới lớp Vọng Tâm, Vọng Ngã.

Sau khi đã dùng 2 chữ Bản Thể và Hiện Tượng để bao quát hết mọi lớp lang đại vũ trụ từ vô hình đến hữu hình, ta trở lại tiểu vũ trụ là con người chúng ta.

Như trên đă nói, trong vũ trụ, một Bản Thể Duy Nhất phát sinh muôn ngàn hiện tượng, nay trở lại con người, ta cũng thấy vẫn một Bản Thể Duy Nhất, Tuyệt đối ấy phát sinh ra mưôn vàn hiện trạng, điều động mọi suy tư, hướng dẫn mọi hành động. Bản thể ấy, theo từ ngữ Phật Giáo, chính là Phật Tính, làm căn cốt cho mọi người, cũng như làm căn cốt cho vũ trụ và muôn vật, vì thế nói: Chúng sinh đều có Phật Tính (Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tính).

Cũng như vũ trụ có 2 phương diện Biến Thiên và Hằng Cửu, mỗi một người chúng ta cũng có 2 bộ mặt, 2 con người. Bộ mặt bên ngoài, con người bên ngoài thì nhem nhuốc, biến thiên chịu định luật thành, trụ, dị, không của thời gian; một bộ mặt, một con người bên trong thì uy nghi, rực rỡ, siêu thoát trên mọi hình, thức, sắc, tướng, và không điêu tàn với quang âm, tuế nguyệt. [3]

Vì thế mà Phật giáo mới phân Chân Tâm, Vọng Tâm, Chân Ngã, Vọng Ngã.

Vọng Tâm, Vọng ngã gồm tất cả những trạng thái biến thiên của tâm hồn, gồm thất tình, lục dục, tri giác, cảm giác, hoài bão, lý luận, tư tưởng, sinh sinh, diệt diệt với các hiện tượng bên ngoài.

Còn Chân Tâm, Chân Ngã thời tế vi, huyền diệu, bất biến trường tồn.

Chân Tâm, Chân Ngã còn gọi là Đại Ngã. Vọng tâm, Vọng Ngã gọi là Tiểu Ngã. Đại Ngã là có. Tiểu Ngã là không. [4]

Con người tưởng chừng hữu hạn, tưởng chừng lao lung, tưởng chừng tảo vong, yểu tử, mà kỳ thực đã chứa đựng sẵn vô biên, vô tận, đã sẵn có hạnh phúc, đã sẵn có trường sinh, bất tử.

Có như vậy, mới cắt nghĩa được con người tại sao luôn mơ ước vô biên, luôn tìm cầu hạnh phúc, luôn mong mỏi trường sinh bất tử.

Tìm ra được Chân Tâm tiềm ẩn dưới lớp Vọng Tâm, các hiền triết Phật Giáo mới chủ trương con người thay vì có ngũ quan và ý thức, lại còn có đến tám thức: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, A lại Da thức.

Ý thức là Vọng Tâm, mà A Lại Da [5] chính là Chân Tâm. Còn Mạt Na ở giữa đóng vai môi giới.

Khi mê thì Mạt na đóng vai vô minh chỉ liên lạc được 1 chiều từ Chân Tâm ra Vọng Tâm, thành thử Vọng Tâm không bao giờ nhìn nhận ra được Chân Tâm. Khi Ngộ thì Mạt Na đóng vai Bát Nhã, thành con thuyền đưa người từ bến bờ Vọng Tâm cho tới bờ bến Chân Tâm, lúc ấy sự liên lạc sẽ hoàn tất cả hai chiều, không còn Sâm Thương đôi ngả.

Duy thức Tông có thơ:

Đệ huynh bát cá, nhất nhân si,

Độc hữu nhất cá, tối linh ly,

Ngũ cá môn tiền tố mãi mại,

Nhất cá gia trung tác chủ y.[6]

(Tu tâm, tr. 21)

Anh em tám kẻ, một người si (mạt na = Ngã si)

Duy có một chàng rất linh ly. (ý thức)

Năm người buôn bán ngoài cửa ngõ (Ngũ quan)

Một vị trong nhà đứng chỉ huy. (A Lại Da)

 

Các sách thường chủ trương khi giác ngộ, Thức sẽ biến thành Trí. Và A Lại Da sẽ biến thành Đại Viên Cảnh Trí. Chủ trương này xét ra cũng chính xác, vì nếu trong A Lại Da thức còn có chút tì ố nào, thì chưa phải là Chân Tâm.

Có sách lại chủ trương còn có Đệ Cửu Thức gọi là Bạch Tịnh Thức, mà Đệ Cửu Thức mới là Căn Nguyên Tuyệt Đối. [7]

Khám phá ra được rằng, sau những lớp lang tâm tư biến ảo, còn có Tuyệt Đối Chân Tâm, sau bộ “mặt nạ” tiểu ngã hoá trang, còn có “bộ mặt Bản lai diện mục”, “bộ mặt Đại Ngã”; khám phá ra được rằng: dưới làn sóng vô thường, vô ngã, tràn ngập vũ trụ, tràn ngập lòng mình, dưới lớp ba đào trùng điệp ấy, còn có Giác Hải Chân Như tĩnh lãng, ấy là giác ngộ.

Đại Ngã là Phật Tính, là Chân Như, là căn cốt của tạo vật và của con người; vĩnh cửu, trường tồn, chân thường, bất biến, bất hoại.

Còn tiểu ngã là vọng tâm của mỗi người, kết cấu bằng những tầng lớp hình ảnh, tư tưởng, dục tình, biến thiên, vô thường, vô định. [8]

“Lạc trong muôn tứ, nghìn tình,

Soi gương, nào biết tướng mình thế nao?”

Trở về Đại Ngã Đại Đồng, Chân Ngã vô tướng, tức là không còn cái mình nhỏ nhoi, hèn mọn nữa, và sẽ trở thành Pháp Thân uy nghi, trang trọng, phổ biến, phổ quát. Đạt tới Đại Ngã là đạt tới Niết Bàn . Vì thế Niết Bàn được định nghĩa là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Bà Blavatsky viết: “Bao giờ Thần con người hoàn toàn không còn tơ vương chút vật chất nào, không còn chút hình tượng nào, sẽ trở thành Linh Khí hoàn toàn. Khi ấy, nó mới vào được Niết Bàn vĩnh cửu, bất biến, trường tồn, đó là Niết Bàn vĩnh cửu thật sự. Linh Khí ấy là Thần, là Không, vì nó là mọi sự. Nó hoàn toàn vô hình tướng; nhưng về phương diện thuần Thần, thì nó là chính Bản Thể. Khi hồn con người đã thành thần thì được gọi là Nhập vào Bản Thể Đại Đồng, hay là phối hợp với Bản Thể chứ không bao giờ có nghĩa là huỷ diệt, vì huỷ diệt là vĩnh cửu chia ly.“ [9]

Nhiều người theo Phật giáo chỉ chú trọng đến vô thường, vô ngã mà quên biến mất Chân Thường, Chân Ngã. Như vậy mới là biết Biến Thiên chưa biết Hằng Cửu, mới biết hiện tượng chưa biết Bản Thể, mới biết Luân Hồi chưa biết Niết Bàn. [10]

Biết Vô Thường, Vô Ngã mới là biết Biến Thiên, Khổ Ải, Luân Hồi, mà chưa biết Niết Bàn. [11]

Biết Vạn Pháp là Vô Thường, Vô Ngã mới là biết hiện tượng phù phiếm, biến thiên; chưa biết Bản Thể bất biến, chưa biết được Thực Tại trường tồn. [12]

Biết Hiện Tượng, chưa biết Bản Thể gọi là Mê; thấy Bản Thể mà không thấy hiện tượng cũng chưa gọi được là Ngộ. [13]

Giác Ngộ là phải thông suốt lẽ biến hằng, thông suốt hai phương diện thể dụng trong trời đất và lòng người. [14]

Người theo đạo Phật mà chỉ nói Vô Ngã, Vô Thường, mà không biết Chân Ngã, Chân Thường, thì cũng y như người học Dịch mà chỉ biết hào quải bên ngoài, chưa biết Vô Cực, Thái Cực bên trong...

Nhiều người khảo cứu về Đạo Phật rất bạo dạn khi nói về thuyết vô ngã Anatta [15], Anatman [16], nhưng không dám đả động đến Chân Ngã. Nhưng may thay, cũng còn có nhiều người dám bàn về Chân Ngã, [17] nhưng may thay trên nhiều cổng chùa, còn có viết 4 chữ đại tự lớn; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: “Thất nhữ Nguyên Thường, cố thụ luân chuyển.” [18] (không biết căn nguyên vĩnh cửu, nên bị luân chuyển)

Kinh Đại Niết Bàn viết: “Kiến nhất thiết Không, bất kiến bất Không, bất danh Trung Đạo, nãi chỉ kiến nhất thiết Vô Ngã, bất kiến Ngã giả, bất danh Trung Đạo. Trung Đạo giả, danh vi Phật tánh. 空, 空, 道。 我,

    者, 道。 者,名

“Thấy tất cả đều là “Không”, mà chẳng thấy cái ”chẳng Không”, thì chẳng gọi là Trung Đạo; thấy tất cả là ”Vô Ngã” mà chẳng thấy có “Ngã’ thì cũng chẳng gọi là Trung Đạo. Trung Đạo ấy gọi là Phật Tánh.” [19]

Không hiểu trong con người có 2 thứ Ngã (Đại Ngã, Tiểu Ngã), có 2 thứ căn nguyên (Niết Bàn, Sinh Tử), có phân ngôi Chủ khách (Hằng, Biến), thì không sao hiểu được giáo lý đạo Phật, không sao thành Phật được, dù tu luyện mấy muôn kiếp.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết:

“Phật bảo A Nan: Từ muôn kiếp tới nay, chúng sinh bị lao lung, điên đảo, các nghiệp chướng sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng thành được vô thượng Bồ Đề lại thành ra bực thanh văn, duyên giác, và các thứ ngoại đạo, các Trời và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết 2 thứ căn bản, tu luyện cuồng xiên, thác loạn, y như đòi nấu cát thành cơm, thì có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.

Thế nào là 2 thứ căn bản, hỡi A Nan! Một là căn bản tử sinh từ muôn kiếp, y như nay ngươi và chúng sinh lấy tâm vọng tưởng (tâm phan duyên) làm tự tính.

Hai là căn bản “ vô thuỷ Bồ Đề Niết Bàn Nguyên Thanh Tịnh Thể” đó ở nơi ngươi, chính là “Thức Tinh Nguyên Minh”có thể sinh ra vạn duyên, vạn sự, mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã bỏ mất cái căn nguyên sáng láng ấy, cho nên hằng ngày tuy vẫn luôn luôn dùng mà chẳng tự biết được nó, rồi ra lăn lộn, đắm đuối vào các thú vui, uổng phí cả cuộc đời. [20]

Bỏ cái “nguyên thường” trường cửu, mà theo cái vô thường biến dịch, coi vọng tưởng mà lầm là “chân tính” thì có khác gì nhận giặc làm con, làm sao thoát khỏi Luân Hồi, khổ ải?

Phật bảo A Nan: “Cái đó là vọng tưởng do lục trần bên ngoài mà sinh, nên gọi là vọng tưởng; nó làm hoặc loạn chân tính ngươi. Bởi vì từ xưa tới nay, ngươi nhận giặc làm con, bỏ mất tính chân thường của ngươi, nên ngươi bị luân chuyển, luân hồi. [21]

Làm sao phân biệt được Chân Tâm, Vọng Tâm nơi con người?

Phật cho rằng: cái gì từ bé đến già mà chẳng đổi thay là Chân Tâm. Theo đà thời gian, đầu ta tuy bạc, mặt ta tuy nhăn, nhưng cái Tính Thấy ấy chẳng hề nhăn, chẳng hề bạc, [22] mà đã không nhăn, không biến thì làm gì có sinh, có diệt? [23] Suy ra, trong con người, cái gì bất động, bất biến là Chân Tâm.

Đã bất biến, thường trụ thời là Chủ Nhân, đã trừng tịch bất động thời là “Không”. [24]

Trái lại, cái gì thay đổi, biến thiên trong con người, cái gì giao động thì là Vọng Tâm. Mà đã giao động, biến thiên, thì chẳng qua là trần ai, hay khách qua đường mà thôi.

Cho nên Vọng Tâm chính là hiện tượng sẽ bị sinh, diệt; còn Chân Tâm mới là Bản Thể bất sinh, bất diệt.[25]

Bỏ mất bản tâm, mà lại nhận lầm duyên trần, nhận vật làm mình, nhận giao động biến thiên làm Chân Tâm, Chân Cảnh, thì làm sao mà chẳng bị quay cuồng trong ngọn lốc Luân Hồi lưu chuyển. [26]

Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã mất Chân Tâm, bản tâm rồi, thì dẫu “có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng nhập đạo, chẳng khác nào đứa con bỏ cha ra đi, ắt bị lao lung, khổ ải. Tu trì như thế, làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện uống ăn, thì làm sao mà no được.” [27]

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bảo Lục Tổ Huệ Năng:”Kẻ nào chẳng biết Bổn Tâm, thì học đạo vô ích. Nếu ai biết Bổn Tâm, thấy Bản Tánh tự nhiên, tức thị là Trượng Phu, là thày của Trời, Người, là Phật. [28]

 

3. Bỏ Vọng Tâm để sống theo Chân Tâm, hay diệt ngã để khế hợp với Chân Như Bản Thể.

Nếu không phân biệt Chân Tâm, Vọng Tâm, thì không sao hiểu được đạo Phật. Phật giáo chủ trương Vô Ngã, rồi lại dạy Diệt Ngã. Nếu chỉ có Vọng Tâm, mà không có Chân Tâm, thì chủ trương như vậy rất vô lý, vì đã Vô Ngã thì còn gì mà diệt; vả lại tu mà đi đến tận diệt, thì tu để làm gì? Nhưng trái lại, nếu biết sau Vọng Ngã, còn có Chân Ngã, thì vấn đề sẽ sáng tỏ ngay.

Chủ trương Phật giáo chính là: con người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như vậy, phương châm và mục đích tu luyện sẽ được vạch rõ:

Từ Vọng Ngã nhỏ hẹp ta sẽ phát huy Đại Ngã rộng lớn, mênh mông; [29] trong sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy pháp thân siêu việt; trong phàm thân dễ bị huỷ hoại, sẽ cố phát huy kim cương thân bất khả tiêu diệt; trong u minh, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc Chân Tâm.

Chữ Diệt Ngã, hiểu cho đứng đắn sẽ là phá tan mọi hình tướng để tìm ra Chân Tính (khiển tướng, chứng tính), [30] làm lu mờ, tan biến mọi nhỏ nhen, ti tiện cho quang minh chính đại hiện ra (ẩn liệt, hiển thắng). [31] Mục đích tối hậu là khế hợp với Tuyệt Đối, [32] là hoà hợp với Bản Thể tuyệt đối.

Thế là đi từ Hữu Vi, Hữu Lậu trở về Vô Vi, Vô Lậu; rũ bỏ hết mọi phiền trược, buộc ràng, mà sống thung dung, tự tại; vất bỏ mọi giả tạo, để tìm ra Chân Thực trường tồn (khiển Hư, tồn Thực); [33] rũ bỏ mọi tạp thù, để giữ lấy nguyên thuần tuý (xả lạm, lưu thuần); [34] bỏ ngọn ngành, chi mạt, để trở về gốc gác, căn nguyên (nhiếp mạt, lưu bản). [35]

Đạo Nho gọi thế là Khử Nhân Dục, tồn Thiên Lý, vì theo qui luật “phục, khởi” ( ) của Kinh Dịch, thì “Nhân dục thắng, Thiên Lý vong” và ngược lại “Nhân dục tận, Thiên Lý hiện”, hay Âm tận thì Dương thuần. Nhân dục và Thiên Lý không thể lưỡng lập.

Đạo Lão gọi thế là “tâm tử, thần hoạt . (tâm có chết đi, thần mới sống được.)

Suy ra thì nhẽ Phản Bản, Qui Nguyên trước sau chỉ là một, từ ngữ tuy thay đổi, cảch diễn tả tuy không đồng nhất, nhưng tinh thần muôn đời vẫn chẳng có hai.

B. Con đưỜng giẢi Thoát: Tìm Chân Tâm Ở đáy lòng.

Hướng ngoại mà tìm cầu,

Tất cả đều ngoan si.

Hướng nội mà tuỳ xứ tiện nghi,

Tất cả đều là chân thật.

           (Lâm tế lục thị chúng, ĐĐ Thiên Ân, Triết học Zen, tr.103)

Tất cả các kinh sách Phật Giáo, các môn phái Phật Giáo đều có mục đích chỉ vẽ Chân Tâm. Như trên đã nói: Chân Tâm là Phật Tánh, là Chân Như bất biến, hằng cửu lồng ngay trong vạn hữu và trong tâm hồn ta, chẳng ở đâu xa.  Kỳ lạ thay là thân thế con người: thân thế con người, tuy lao lung, chất chưởng, nhưng chính đã được gắn liền vào trường sinh, tuyệt đối, như sóng gắn liền với nước. [36]

Như vậy, con đường giải thoát không phải là đường sông, đường biển, đường Tây Trúc xa xăm, mà chính là con đường nội tâm của mỗi người.

Phải đi sâu vào đáy lòng mới tìm ra Chân Tâm, mới tìm ra Niết Bàn, mới tìm ra hạnh phúc, tự do, giải thoát. Lục Tổ Huệ Năng nói: ”Tự mình tu, tự mình hành, thấy Pháp Thân của mình, thấy Phật ở Tự Tâm mình, độ lấy mình mới được.” [37]

Như vậy châm ngôn để đi tìm chân lý sẽ là:

Con đường hướng nội tiến cho sâu,

Càng sâu, càng thấy lắm nhiệm mầu.

Tâm khảm bao la không bờ bến,

Vũ trụ mênh mông đã thấm đâu.

 Tâm con người càng tìm hiểu, càng thấy kỳ diệu. Phiến diện, thì lao lung, chất chưởng, biến thiên, [38] đày tràn trần ai, nghiệp chướng, mà trái lại, căn cốt thì vô biên, tuyệt đối.

Như vậy, mỗi người đã sẵn có bảo châu vô gía dấu trong vạt áo, sao không cố tìm kiếm cho ra, mà cứ an phận sống một cuộc đời khổ ải. [39]

Như vậy, mỗi người có thể ví như một hoàng tử lưu vong, mà bụi phong trần đã phủ kín hết các nét hào hoa, phong nhã, mà cuộc đời luân lạc đã làm cho lầm than, chìm nổi, cho đến quên khuấy cả giòng giõi sang cả mình, quên hết căn nguyên huy hoàng, quên hết cả đến định mệnh siêu việt đang chờ đón mình trong những bước đường tương lai.

Phật đã nhắc nhở con người về giòng giõi sang cả cũng như về định mệnh cao quí của con người. [40]

Phật khi đắc đạo đã nhận định rằng: “Đạo quả chân thật giải thoát không phải do hành hạ xác thân, không thể nương vào kẻ khác và cũng không phải tìm kiếm đâu xa ngoài chính mình.” [41]

Vậy muốn tìm Chân Tâm, muốn tìm Phật Tính, phải tìm ngay trong người mình, trong lòng mình.

Phật bảo A Nan: Chân Tính đã ở nơi ngươi mà ngươi chẳng tin, lại theo nơi miệng ta mà tìm Chân Tính, vậy ngươi đã lầm chưa? [42]

Tây Du Ký cũng đã vạch rõ đâu là động phủ để tầm sư học Đạo: Muốn tìm Chân Đạo, muốn gặp Chân Sư, Tề Thiên Đại Thánh phải tìm về Phương Thốn Sơn, vào Tà Nguyệt Tam Tinh Động, mà Phương Thốn Sơn là Tấc Vuông, hay Tấc Lòng, còn Tà Nguyệt Tam Tinh Động, chính là chữ TÂM, viết bằng nửa vành trăng khuyết và ba sao rực rỡ. [43]

Trong Hồi 85 của Tây Du, tác giả còn nhắc lại: Tìm Phật phải tìm ở đáy lòng:

“Phật ở Linh Sơn, vốn chẳng xa,

Linh Sơn kỳ thực, tại lòng ta.

Người người đều có Linh Sơn tháp,

Tu tại Linh Sơn, mới khéo là.”[44]

 

Thiền Tông tha thiết chủ trương: “Trực Chỉ Nhân Tâm, kiến Tính thành Phật.” [45]

Các tổ sư thiền học giúp các đệ tử đả thông vấn đề này bằng câu thoại đầu:

Bính Đinh đồng tử lai cầu hoả”, Thần lửa Bính Đinh đến xin lửa. [46]

Lục Tổ Huệ Năng thường đề cập tới bí quyết: “tìm Phật ở đáy lòng.” Ngài nói:

“Phật tự Tính trung tác,

Mạc hướng thân ngoại cầu.”

Phật do trong Tính khởi lên,

Chớ đừng vất vả, kiếm tìm ngoài thân. [47]

Trong Phẩm Sám Hối, Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ lại nói: “ Qui y Phật, thì Phật ở nơi đâu? Nếu không thấy Phật, thì không biết nơi nao tìm về. Hoa Nghiêm Kinh viết:” Quy y với Phật của mình, chớ chẳng quy y với Phật khác”. [48]

Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, vị sáng lập Thiền Tông tại Trung Quốc, là người tha thiết nhất với vấn đề đi vào nội tâm để tìm Phật Tính, tìm Bồ Đề, Niết Bàn.[49]

Quyển Đạt Ma Huyết Mạch Luận [50] đã ký thác hoài bão Ngài. Ngài chủ trương:

 

Bất lập văn tự

Trực chỉ nhân tâm

Kiến Tính thành Phật

佛。

 

Lĩnh hội vi ý sách Đạt Ma huyết mạch luận, [51] ta có thể thâu tóm tư tưởng của Ngài Bồ Đề Đạt bằng mấy vần thơ sau:

Chân tâm bao quát đất Trời,

Xưa nay, chư Phật chẳng ngoài Chân Tâm.

Chẳng cần lập tự, lập văn,

Xưa nay chư Phật, tâm tâm tương truyền.

Tâm ta gồm mọi nhân duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.[52]

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật Đà ở tại tâm ta chẳng rời.

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài tâm tìm kiểm, công toi, ích gì?

Ngoài tâm, tìm kiếm được chi?

Niết Bàn đâu có lối về ngoài tâm.

Tự Tâm chí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm, Niết Bàn.[53]

Ngoài tâm, tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Bỏ tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu,

Phật tâm, tâm Phật trước sau,

Ngoài tâm, tìm Phật, hỏi sao chẳng lầm.

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan, quán chiếu mà tầm siêu linh.

Bản Lai Diện Mục của mình,

Muốn tìm thì phải ly hình, nhập tâm. [54]

Khi đã biết rõ căn bản cao siêu của mình, khi đã nhận thức được Pháp Thân trường tồn trong mình; khi đã biết rõ bộ mặt thật của vọng tâm, biết rõ thân phận mây trôi, bèo nổi của vọng tâm, các bậc Chân Tu mới ra công “diệt ngã”. “Diệt Ngã” là “diệt Tiểu Ngã”, cho Chân Như Đại Ngã hiện ra. [55]

“Diệt Ngã” đây cốt là để:

-Hoà hợp với Bản Thể tuyệt đối. [56]

-Nhất trí với thực tại. [57]

-Đồng thể với Di Đà. [58]

-Khế hợp với Chân Như tuyệt đối. [59]

Diệt Ngã là cốt diệt trừ hết những vọng tưởng, vọng niệm, diệt trừ hết mọi dây rợ luyến ái bên ngoài, thoát ly hết mọi giây triền phược, trói buộc mình vào hoàn cảnh và vật chất. Đây là một thái độ tinh thần trừu tượng, chứ không phải là một sự trốn tránh, thoát ly vật chất cụ thể. Cho nên, ta có thể diệt ngã ngay giữa lòng đời, ngay trong chốn phồn hoa, đô hội. Đó tức là sự thanh tịnh, tự do, tự tại về tinh thần, đó tức là”đắc thiên hạ nhi bất dự yên” [60]

Diệt ngã là vén mây mù tăm tối cho vừng dương muôn thủa hiện ra, bỏ Sắc Thân mà hiển “Pháp Thân” [61] bỏ phàm thể mà mặc Thánh Thể. [62]

Như trên đã nói: Chân Như là Bản Thể, là Như Lai siêu xuất trên hình thức, sắc tướng, siêu xuất trên mọi vọng tưởng, vọng niệm, cho nên muốn thấy Bản Thể phải lìa bỏ hình tướng, đi ngược lại dòng tư tưởng, niệm lự; đi sâu vào chỗ dục tình chưa phát xuất; chỗ tư tưởng chưa manh nha; hư không, trạm tịch mới chứng quả được. [63]

Mượn ý kinh Kim Cương và Đạt Ma Huyết Mạch Luận, ta phác hoạ phương pháp Tu thân Kiến Tính, Thành Phật như sau:

Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng,[64]

Hãy cố tìm vô thượng Bồ Đề,

Niết Bàn muốn rõ nẻo về,

Đừng nên chấp trước, đam mê luỵ trần.

Con đường giải thoát nội tâm,

Cố suy, cố nghĩ, cố tầm cho ra. [65]

Vọng Tâm cố vén mây mù, [66]

Băng qua hình tướng, vào toà Như Lai. [67]

Nơi Vô Trụ là nơi an lạc,[68]

Pháp Vô Vi là Pháp Thánh Hiền. [69]

Chớ đừng dính líu sụ duyên,

Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai.[70]

Hãy nhớ kỹ hình hài, sắc tướng,

Đều là tuồng mộng tưởng, mau qua.

Đều là bào ảnh, quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp loà chân mây. [71]

Như Lai chẳng ở đây, ở đó,

Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu. [72]

Như Lai ở sẵn lòng sâu,

Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai.

Tóm lại, trước sau, chư vị Phật, chư vị Đạt Trí, Đại Giác đều công nhận rằng: Không thể nào tìm ra được Bản Thể Tuyệt Đối ngoài vũ trụ và ngoài tâm mình. Bản Thể ấy, Chân Tâm ấy đã lồng ngay trong lòng vũ trụ, và trong lòng con người. Sự giác ngộ cũng bắt đầu từ đó, và sự chứng quả cũng tận cùng ở đó.

Cho nên ta có thể mượn lời Đạt Ma tổ sư mà kết thúc như sau:

Tâm, tâm, tâm,

Tâm kia sao khó, khó sao tầm,

Khi rộng, rộng trùm muôn pháp giới,

Khi thu, thu nhỏ, khó lọt châm.

Ta chỉ tìm tâm, không tìm Phật,

Rũ không tam giới, mới hết lầm.

Phật kia, muốn chứng, muốn tầm,

Muốn tầm ra Phật, ngoài tâm chớ hòng.

Tâm ấy Phật, chớ không đâu nữa,

Phật tính nào, đời thủa ngoài tâm

Tâm sinh, sinh cả cát lầm,

Tâm sinh, tội cũng âm thầm sinh theo.[73]


 

 

PHỤ LỤC.

ÍT NHIỀU THI, HỌA TRUYỀN TÂM ẤN.

 

 

I

 

Bồ Đề Bản Tính bản như như

菩 提 本 性 本 如 如

Vạn Pháp thông hề thấu Thái Hư

萬 法 通 兮 透 太 虛

Tự hữu linh minh khai Bát Nhã

自 有 靈 明 開 般 若

Cơ giam lộ xứ hiện Chân Như

機 緘 露 處 現 真 如

 Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. Hanh, tr. 1.

 

Bồ Đề Bản Tính vốn như như

Vạn pháp suốt qua thấu Thái Hư.

Sẵn có linh minh khai Bát Nhã,

Phanh phui then chốt, lộ Chân Như.

 

II

 

Không Chiếu Thiền Sư vận:  空 照 禪 師 云

 

Giá cá phân minh giá cá đồng

Năng bao Thiên Địa vận hư không

Ngã kim trực chỉ chân tâm địa

Không tịch linh tri thị bản tông.

 Tính Mệnh khuê chỉ, q. Hanh, tr. 9

 

Chân Như tính ấy, thế nhân đồng,

Bao trùm trời đất, chuyển hư không.

Ta nay chỉ thẳng Chân Tâm địa,

Vắng lặng linh tri, ấy bản tông.

 

III

 

Trí Giác Thiền Sư vận: 智 覺 禪 師 云﹕

Bồ tát tòng lai bất ly chân

Tự gia muội liễu bất tương thân

家昧

Nhược năng tĩnh tọa hồi quang chiếu

Tiện kiến sinh tiền cựu chủ nhân

便

 Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 10.

 

Bồ tát từ xưa chẳng lìa chân,

Tại mình mê muội chẳng thân gần.

Nếu hay tĩnh tọa, hồi quang chiếu,

Liền thấy sinh tiền cựu chủ nhân.

 

IV

 

Vô Cấu Tử kệ vân: 無 垢 子 偈 云

Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không

Đồng môn xuất nhập bất tương phùng

Vô lượng kiếp lai. nhẫm ốc trú

Đáo đầu bất thức chủ nhân ông.

 Tính Mệnh Khuê Chỉ q.2, tr. 11.

 

Đầu non ngũ uẩn một vừng không,

Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng.

Từ bao nhiêu kiết thuê nhà ở,

Tới nay nào biết Chủ Nhân Ông.

 

V

 

Chí Công hoà thượng vân: 志 公 和 尚 云

Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng

Ẩn hiển linh tung hiện chân tướng

Độc hành độc tọa thường nguy nguy

Bá ức hoá thân vô số lượng.

 Tính Mệng Khuê Chỉ, q. II, tr. 11

 

Đốn ngộ nguồn tâm mở bảo tàng,

Bóng hình Chân Tướng hiện diểu mang,

Một mình đi đứng thường nghiêm chỉnh,

Vạn ức hoá thân chẳng thể lường.

 

VI

 

Khải Đường thiền sư vân: 凱 堂 禪 師 云 ﹕

 

Ưng vô sở trụ sinh kỳ tâm

Khuếch triệt viên minh, xứ xứ chân.

Trực hạ đỉnh môn, khai chính nhãn

Đại Thiên sa giới, hiện toàn thân.

身。

 Tính Mệnh Khuê chỉ, q. II, tr. 11.

 

Nên từ Vô Trụ khởi sinh tâm,

Sáng láng bao la xứ xứ chân.

Ngay dưới đỉnh đầu, khai chính nhãn,

Trăm nghìn thế giới hiện trong thân.

 

VII

 

Duy Khoan Thiền Sư vân: 惟 寬 禪 師 云

Khuyến quân học Đạo, mạc tham cầu

Vạn sự vô tâm, đạo hợp đầu.

Vô Tâm, thuỷ thể vô tâm Đạo

Thể Đạo Vô Tâm, Đạo dã hưu

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 11

 

Khuyên ai học Đạo chớ tham cầu,

Đem tâm vô sự hợp Đạo mầu.

Vô Tâm hợp với Vô Tâm Đạo,

Hợp Đạo Vô Tâm, Đạo mới sâu.

 

VIII

 

Phật quốc Thiền Sư vân: 佛 國 禪 師 云

 

Tâm, Tâm tức Phật, Phật tâm, tâm

Phật, Phật, Tâm, Tâm tức Phật tâm

Tâm Phật, ngộ lai vô nhất vật

Tướng quân chỉ khát vọng mai lâm.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 10

 

Tâm Tâm là Phật, Phật là Tâm,

Phật, Phật, Tâm, Tâm, tức Phật Tâm.

Tâm Phật hiểu rồi, còn chi nữa,

Tướng quân đỡ khát, ngó mai lâm.

 

IX

 

Viên Ngộ Thiền Sư vân: 圓 悟 禪 師 云

Phật Phật Đạo đồng, đồng chí Đạo

Chân Tâm chân khe,á khế Chân Tâm.

Khuếch nhiên thấu xuất uy âm ngoại

Địa cửu, thiên trường, hải cánh thâm

 

Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 12

 

Phật Đạo vô vi, chí Đạo đồng,

Tâm Tâm khế hợp với Chân Không.

Mang nhiên siêu xuất uy âm ngoại,

Trời đất lâu lai, biển thẳm lòng.

 

X

 

Trung Phong Thiền Sư vân: 中 峰 禪 師 云﹕

Tùng lai, chí Đạo dữ tâm thân

Học đáo vô tâm, đạo tức chân

無心

Tâm Đạo hữu vô câu mẫn tuyệt

Đại thiên thế giới nhất nhàn thân

 Tính Mệnh Khuê Chỉ, q. II, tr. 14.

 

Xưa nay Chí Đạo với tâm gần,

Học tới Vô Tâm, đạo mới Chân.

Tâm Đạo hữu vô đều rũ sạch,

Muôn ngàn thế giới, một nhàn thân.

 

XI

 

Cao tăng Diệu Hư vân: 高 僧 姚 虛 云﹕

 

Hoàng hoàng nhất cá Chủ Nhân Ông

 

Tịch nhiên bất động tại Linh Cung.

 

Đãn đắc thử trung vô quải ngại

Thiên nhiên bản thể tự hư không

 

Phảng phất mơ màng ấy chủ nhân,

Im lìm, lặng lẽ tại linh cung,

Miễn sao thông tỏ trung tâm ấy,

Thiên nhiên Bản Thể hợp hư không.

 

HỌA BẢN I

 

Tứ Đại chuyển vần, vạn vật xoay,

Hình hài, tâm tưởng phút giây thay.

Cố tìm trường tịch trong hư ảo,

Cố tìm bất biến, giữa chuyển lay.

 

 

HỌA BẢN II.

Hình Pháp Luân

Giữa muôn hình tướng có Chân Như

Hình tướng hư hoài, Thể chẳng hư.

Tìm thấy Chân Như trong ảo ảnh,

Ấy là Giác Ngộ, thoát phù du.

 

HỌA BẢN III.

 

Hình Hoa Sen [74]

Cánh hoa tuy đẹp, tuy xinh,

Nhưng mà nhân quả, trường sinh ở đài.

Trường sinh chẳng ở hình hài,

Chẳng trong tâm vọng, chẳng ngoài tâm chân.

  

HỌA BẢN IV.

 

Liên Tâm ở sẵn trong đầu,

Niết Bàn chớ có tìm đâu ngoài lòng.[75]

 

HỌA BẢN V.

 

 

Sư đệ tứ mục

Tuệ nhãn tương giao

Ấn chứng Như Lai

Truyền y tự tổ

 

Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói năng,

Truyền nhau tuệ nhãn, gửi nhau lòng.

Như Lai siêu xuất trên từ ngữ,

Tâm Ấn tương truyền, “không bất không”.[76]


 

 

CÁC SÁCH THAM KHẢO.

Pháp Văn.

Présence du Bouddhisme.

France-Asie.

Le Bouddhisme contemporain.

A. Russel

Le Bouddhisme Zen.

A. W. Watts

L’Enseignement du Bouddha.

Walpola Rahula

Les Grandes Religions.

E. Aegerter

Aspects du Bouddhisme

Henri de Lubec

Origine et Histoire des Religions.

J. Murphy.

Entretiens du Maitre Dhyana,

Chen Houei du Ho Tao.

J. Gernet

La conception bouddhique.

du devenir

N. V. Trung.

Des Opinions Philosophiques

en Chine.

Léon Wieger.

La Connaissance Transcendentale.

David Néel (A)

La Pensée Du Bouddha.

Séménoff (M.)

Bouddhisme Chinois.

Léon Wieger.

Les grands penseurs de L’Inde.

Albert Schweitzer

Le mental Cosmique.

Yun (Hsi)

 

Anh Văn

Buddhism in translation.

Henri Clarke Warren

The teaching of the Compassionate Bouddha.

E. A. Burtt

Buddhism.

Christmas Humphreys

Manuel of Zen Buddhism.

D. T. Suzuki.

How the great religious began.

Joseph Gaer

Buddhism today (Monthly Magazine).

Buddhism today Association

Trung Anh Phật học từ điển (A dictionary of Chinese  Buddhist terms).

 

Foundation of the Tibetan.

 

Mysticism.

Anagarika Govinda

 

Hán Văn.

Tính Mệnh Khuê Chỉ.

 

Phật Học Chỉ Nam.

Phi Mại Phẩm

Qui Nguyên Trực Chỉ.

Hà Nam-Tế Xuyên, Bảo Kham Tự Tàng Bản.

Vô lượng nghĩa kinh.

Tiêu Tề

Kinh Xuyên.

Ẩn Sĩ Lưu Cầu.

Diệu pháp liên hoa kinh.

Đường Chung Nam Sơn

Thích Đạo Tuyên thuật.

 

Ngự Chế Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh.

 

Hoa Nghiêm Kinh

 

Lăng già kinh

 

Cầu Na Bạt Đà La dịch

 

Duy Ma Cật sở thuyết kinh.

 

 

 

 

 

Kim Cương kinh giảng luận.

Giáng Vị Nông Cư Sĩ di trước

Bồ đề Đạt Ma huyết mạch luận.

Tài liệu viết tay của cụ Nguyễn Minh Thiện Tam Tông Miếu.

 

Việt Hán.

Qui Nguyên trực chỉ.

Đỗ Thiếu Lăng dịch.

Nhất cá khoa học giả.

Uông trí Biểu nghiên cứu.

Phật kinh đích báo cáo.

Đồ Nam dịch.

Kim Cương Kinh.

Thiều Chửu biên dịch

 

Việt Văn.

Đại cương Triết học Phật Giáo.

Thích Đạo Quang dịch

Triết học Zen.

ĐĐ Thích Thiên Ân.

Qui Nguyên trực chỉ.

Đoàn trung Còn dịch

Diệu Pháp liên hoa kinh.

Thích Trí Tịnh dịch.

Phật Học Tinh Hoa.

Nguyễn Duy Cần

Lịch sử Triết học Đông Phương.

Nguyễn Đăng Thục.

Thủ Lăng Nghiêm kinh.

ĐĐ Thích Chân Giác.

Pháp Hoa huyền nghĩa.

Chánh Trí Mai thọ Truyền

Kinh Dược Sư.

Thiều Chửu dịch.

Kinh Viên Giác.

Tuệ Quang

Phật Giáo.

Trần Trọng Kim.

Phật Giáo triết học.

Phan Văn Hùm.

Toạ thiền tam muội.

Thích Thanh Từ.

Làn sóng tôn giáo trên đất Việt.

Tâm Ngọc.

Phật giáo xưa và nay.

Trần Trọng Kim.

Văn học đời Lý.

Ngô tất Tố.

Văn học đời Trần.

Ngô Tất Tố.

Quan thế Âm bồ tát tín luận.

Hải Tín Cư Sĩ.

Triết Lý Đạo Phật.

Thích Thiện Hoa.

(Đại Cương Thủ Lăng Nghiêm).

 

Đường vào ánh sáng Đạo Phật.

Tịnh Mặc.

Tạp chí Vạn Hạnh.

 

Minh Lý Đạo.

Nguyễn Minh Thiện (T. T. M.)


 

CHÚ THÍCH

[1] La formule “se tirer de l’impermanence, obtenir la permanence” avait été le point d’orgue final de tous les discours du Bouddha Sakyamuni.

Léon Wieger, Histoire des Croyances religieuses... p. 438.

[2] Tam chuyển Pháp Luân: 1 Căn Bản Pháp Luân: thuyết Hoa Nghiêm. 2 Chi mạt pháp luân: Thuyết A Hàm chí Phương Đẳng; 3 Nhiếp mạt qui bản: Thuyết Pháp Hoa.

Phật Học Chỉ Nam, tr. 11.

[3] Phân biệt Nhất Tâm Chân Như, Nhất Tâm Sinh Diệt là chủ đích của kinh Lăng Già.

[4] 大 我 (đại Ngã) the greater self, or the true personality 真 我 (chân ngã). Hinayana (tiểu thừa) is accused of only knowing and denying the common idea of a self, or soul, whereas there is a greater self, which is a nirvana self. It specially refers to the Great Ego, the Buddha, but also to any Buddha...

Trung Anh Phật Học từ điển, tr. 89.

[5] 阿 賴 耶 識 A Lại Da Thức Alaya Vijnana “The receptacle intellect or consciousness; “the originating of receptacle intelligence”; basic consciousness (keith)... It is called 第 一 識 Đệ Nhất Thức the prime or supreme mind or consciousness...無 垢 識 Vô Cấu Thức unsullied consciousness when considered in the absolute i. e. the Tathagata and đệ bát thức 第 八 識 as the last vijnana. There has been much discussion as to the meaning and implication of the Alaya-Vijnana. It may be also termed the unconscious, or unconscious absolute, out of whose ignorance or unconsciousness arises all consciousness.

Trung Anh Phật Học Từ Đỉển, tr. 292.

[6] 弟 兄 八 箇 一 人 痴

    只 有 一 箇 最 伶 俐

    五箇 門 前 做 買 賣

    一 箇 家 中 作 主 依。

Tính Mệnh Khuê Chỉ, I, tr. 41.

[7] Xem Bát thức qui nguyên đồ, tính Mệnh Khuê Chỉ, q. I, tr, 41.

[8] Phật tính thị thường, thiện ác chư pháp nãi chí Bồ Đề Tâm, giai thị vô thường. (Niết Bàn kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trung Còn phiên dịch), Đốn tiệm phẩm, tr. 118.

[9] Lorsque l’Entité Spirituelle s’affranchit pour toujours de toute particule de matière, de substance ou de forme et redevient un souffle spirituelle. C’est alors seulement qu’elle entre dans le Nirvana éternel qui ne change jamais et qui dure, aussi longtemps que le cycle de vie a duré: une éternité vraiment. Et ce souffle qui existe en Esprit, n’est rien, parce qu’il est tout; comme forme ou comme apparence quelconque, il est complètement anéanti; mais comme Esprit Absolu, il Est, car il est devenu l’Être même. Lorsqu’il s’agit de l’”âme”, prise dans le sens d’Esprit, l’expression : “absorbée dans l’Essence Universelle”, signifie “union avec”...il ne peut jamais être question d’annihilation, car cela voudrait dire séparation éternelle.

H. P. Blavatsky. La Clé de la Théosophie, p. 162.

[10] Soit dit en passant que pour avoir ignoré l’importance de la connexion de ces deux ordres (le phénoménal et le transcendant, le samsara et le Nirvana) qu’on a si mal compris le Bouddhisme. Car il faut noter que si le Bouddha a jeté l’anathème sur l’existence terrestre dans son ensemble (tout est douleur, tout est impermanent, tout est sans-soi Sarvam Duhkha, sarvam anita, sarvam anatman), il s’est tout entier tendu vers ce qu’il appelait l’Autre Rive, le Nirvana.

Nguyễn Văn Trung, La Conception Bouddhique du devenir, p. 66.

[11] Toutes les choses conditionnées sont impermanentes...toutes les choses conditionnées sont dukka 苦 (khổ)... tous les dhammas sont sans soi...

Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha, p. 84.

[12] Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, tr. 177-178.

[13] Chấp trước vũ trụ chi hiện tướng nhi bất kiến Bản Thể giả vị chi Mê. Kiến Bản Thể nhi bất kiến hiện tướng giả, diệc bất đắc vị chi Ngộ.

Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa.

[14] Hải tín cư sĩ, Quán thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 36.

[15] Walpola Rahula, l’Enseignement du Bouddha, Chapitre 6: La doctrine du Non-Soi.

[16] Nguyễn Văn Trung, La Conception bouddhique du devenir, article 3, L’Anatman, ou l’explication bouddhique du devenir.

... Thuyết Vô Ngã đã được bàn cãi sâu rộng trong “Na tiên tì kheo kinh” (khoảng thế kỷ V sau công nguyên). đó là đề tài đối thoại giữa vua Di Lan ( Milanda) và tì khưu Na Tiên (Nagasena).

Cf. Léon Wieger, L’Histoire des Croyances et des opinions philosophiques en Chine, pp. 445,446.

[17] “Cái ta” có nhiều nghĩa là “giả ta”, “cái ta” không có tới 2 nghĩa là “Thật ta”...Nhờ đứng trên cái thuyết vô ngã này, mà người tu giải thoát được những tướng khổ của “Giả ta”. Bởi cớ sao? Nhận được cái “ta chân thật bất diệt” là không còn bám víu chạy theo những cái “Ta giả và sinh diệt” nữa.

Cư sĩ Hải Tín, Quán Thế Âm Bồ tát tín luận, tr. 42.

[18] 失 汝 元 常, 故 受 輪 轉。

Thủ Lăng Nghiêm kinh. Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 65.

[19] Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần, tr. 119-120.

[20] Thủ Lăng Nghiêm kinh quyển I. (Việt Nam Phật Tử hội xuất bản, tr. 22-23); Thủ Lăng Nghiêm, Linh Sơn phật học nghiên cứu hội, tr. 55-56.

[21] Phật cáo A Nan: ”Thử thị tiền trần hư vọng tướng, tưởng hoặc nhữ Chân tính; do nhữ vô thuỷ chí ư kim sinh, nhận tặc vi tử, thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển.”

Thủ Lăng Nghiêm kinh, q. I, V.N. P. T. H xuất bản, tr. 25.

Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Linh Sơn Phật Học tr. 55-56.

[22] Phật ngôn: “Đại Vương, nhữ diện tuy trứu, nhi thử kiến tính vị tằng trứu; trứu giả vi biến, bất trứu phi biến, biến giả thụ diệt, bỉ bất biến giả nguyên vô sinh diệt.

Thủ Lăng Nghiêm kinh q. II, tr. 5. hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[23] Trụ danh chủ nhân. Thủ Lăng Nghiêm kinh, V. N. P. T. H. tr. 33, hoặc Linh Sơn, tr. 75.

[24] Trần chất giao động , hư không tịch nhiên. Như thị tư duy: trường tịch danh Không, giao động danh trần.

Thủ Lăng Nghiêm, V.N. P. H 34. và Linh Sơn tr. 75-76.

[25] Nguyện văn Như Lai hiển xuất thân tâm, chân vọng, hư thực, hiện tiền sinh diệt dữ bất sinh diệt nhị phát minh tính.

Thủ Lăng Nghiêm kinh q. 2, V.N. P. H. tr. 1. -Linh Sôn, tr. 80

[26] Dĩ động vi thân, dĩ động vi cảnh...tính tâm thất chân, nhận vật vi kỷ, luân hồi thị trung, tự thủ luân chuyển.

Thủ Lăng Nghiêm, q. I, V.N. P. H 36; & Linh Sôn, 80.

[27] Thất ngã Bổn Tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo, thí như cùng tử, xả phụ đào thệ, kim nhật nãi từ. Tuy hữu đa văn, nhược bất tu hành, dữ bất văn đẳng, như nhân thuyết thực, chung bất năng bão.

Thủ Lăng Nghiêm , V.N.P. H. tr. 28-29; Linh Sôn, tr. 66-67.

[28] Tổ chi ngộ Bản tính vị Huệ Năng viết: “ Bất thức Bản Tâm, học pháp vô ích, Nhược thức tự Bản Tâm, kiến tự Bản Tánh, tức danh Trượng Phu, Thiên , Nhân sư, Phật.”

[29] Thích Đạo Quang, Đại cương Triết học Phật Giáo, tr. 55.

[30] Như trên, tr. 93-94.

[31] Như trên, tr. 94.

[32] Như trên, tr. 56 -tr. 94.

[33] Như trên, tr. 93.

[34] Như trên, tr. 93.

[35] Như trên, tr. 93.

[36] 現 相 之 我 與 本 體 之 佛, 猶 如 水 與 波。 此 本 體 謂 之 真 如, 亦 謂 之 佛¡

Hiện tượng chi Ngã dữ Bản Thể chi Phật do như thuỷ dữ ba. Thử Bản Thể vị chi Chân Như, diệc vị chi Phật.

Ngã hiện tượng với Phật Bản Thế là như sóng và nước. Phật Bản Thể ấy gọi là Chân Như, là Phật.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des opinions philosophiques en Chine, p. 546.

[37] Pháp Bảo Đàn Kinh (Đoàn trung Còn dịch), Sám Hối Phẩm, tr. 61.

[38]

Tam điểm như tinh tượng

Hoành câu tự nguyệt tà

Phi mao tòng thử đắc

Tác Phật cánh vô tha.

他。

 

Long lanh ba chấm tựa sao,

Mình cong vầng nguyệt, tiêu hao xế tà.

Muông chim nguồn ấy phát ra,

Duyên do Thần Phật cũng là đấy thôi.

 

[39] Diệu Pháp liên hoa quyển thứ 4. Phẩm ngũ bá đệ tử thụ ký, kệ của A Nhã Kiều Trần Như. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Liên Hải Phật Học Trường, tr. 243.

[40] Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Tín Giải. Kệ của Ma Ha Ca Diếp. Người cùng tử của Ông Trưởng giả). Diệu Pháp Liên Hoa, Liên Hải

Phật Học đường, từ tr. 145 đến 153

[41] ĐĐ Thiên Ân, Triết Học Zen I, tr. 162.

[42] 云 何 自 疑 汝 之 真 性, 性 汝 不 真, 取 我 求 實。

Vân hà tự nghi nhữ chi Chân Tính, Tính nhữ bất chân, thủ Ngã cầu thực.

Thủ Lăng Nghiêm kinh (V.N. P. T. hội xuất bản), q. II, tr. 16-17.-Thủ Lăng Nghiêm, -Linh Sơn, Phật Học, tr. 113-114.

...O Ananda, soyez des lampes pour vous-même, soyez un refuge pour vous-même; ne cherchez pas d’autre refuge. Prenez la vérité comme lampe, prenez la vérité comme refuge. Ne cherchez pas d’autre refuge qu’en vous-même. (Mahaparinibhana sutta-Niết Bàn kinh -Présence du Bouddhisme, p. 539.)

[43] 十 箇 大 字 乃 是 ﹕靈 檯 方 寸 山, 斜 月 三 星 洞。

Giá cá Thập Đại Tự nãi thị: Linh Đài Phương Thốn Sơn, Tà Nguyêt Tam Tinh Động. (Tây Du, hồi 1)

[44]

Phật tại Linh Sơn, mạc viễn cầu

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Nhân Nhân hữu cá Linh Sơn tháp

Hảo hướng Linh Sơn tháp tự tu.

.

Tây Du ký, hồi 85.

[45] Không nên hướng ngoại mà tìm cầu, trái lại, cần phải hướng về nội Tâm để tìm Phật Tính. (Truyền Tâm Pháp của Hoàng Bích Thiền Sư. ĐĐ. Thích Thiên Ân, Triết học Zen II, tr. 25)

...Tự Tâm của ngươi là Phật, Phật là tự tâm của ngươi. Tâm và Phật không sai biệt, vì thế cổ nhân nói: Tự Tâm tức Phật. (Truyền Tâm Pháp Yếu. Cf. ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 54.)

...Trong Tâm Tính của mọi loài chúng sinh vốn đầy đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Nhưng nếu không thật tu, thì không bao giờ hiển hiện, không thật chứng, không thể nào hoạch đắc.

Chánh Pháp Nhãn Tàng, Biện Đạo thoại. ĐĐ. Thiên Ân, Triết học Zen, II, tr. 87.

...Giáo Lý đã nói: Chân ở trong Vọng. Vậy tìm Chân Tâm ở ngoài thân và tư tưởng của mình, là không thể được.

(Hải Tín Cư Sĩ, Quan thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.)

[46] 丙 丁童 子 來 求 火。

ĐĐ Thích Thiên Ân, Triết Học Zen, II, tr. 55 và tiếp theo.

[47]      佛 自 性 中 作, 莫 向 身 外 求。

Quyết Nghi Phẩm, Pháp Bảo Đàn Kinh, Đoàn trung Còn dịch.

本 性 是 佛, 離 性 無 別 佛。

Pháp Bảo Đàn Kinh, Bát Nhã Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 28.

[48] Nhược nhiên qui y Phật, Phật tại hà xứ? Nhược bất kiến Phật, bằng hà sở qui... Kinh văn phân minh ngôn tự qui y Phật, bất ngôn qui y tha Phật.

若 然 歸 依 佛, 佛 在 何 處。 若 不 見 佛, 憑 何 所 歸。 經 文 分 明 言﹕ 自 歸 依 佛, 不 言 歸 依 他 佛。

Pháp Bảo Đàn Kinh, Sám Hối Phẩm, Đoàn trung Còn dịch, tr. 64-65.

[49] Le Nibbana “doit être réalisé par les Sages au-dedans d’eux-mêmes. (paccattam veditabbo vinnuhi).-Présence du Bouddhisme, p. 268.

[50] Xin xem Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine, p. 524 et ss.

[51] Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu (phần phiên Âm), và Léon Wieger , Histoire des Croyances Religieuses... p. 524 et ss.

[52] 三 界 本 起 同 歸 ㄧ 心。 先 佛 後 佛 以 心 傳 心 不 立 文 字。。。 從 無 始 曠 中j 劫 來, 乃 至 施 為 運 動 ㄧ 切 時 中, ㄧ 切 處 所 皆 是 汝 本 心, 皆 是 汝 本 佛。

Tam giới bổn khởi đồng qui nhất tâm. Tiên Phật, hậu Phật dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự...Tòng vô thuỷ khoáng đại kiếp lai, nãi chí thi vi, vận dộng, nhất thiết thời trung, nhất thiết xứ sở, giai thị nhữ bổn tâm, giai thị nhữ bổn Phật.

Đạt Ma huyết mạch luận. (Tài liệu viết tay của Tam Tông Miếu)

...Le monde tout entier est pensé dans le coeur. Tous les Bouddhas, passés et futurs ont été et seront formés dans le coeur. La connaissance se transmet de coeur à coeur, par la parole. A quoi bon, tous les écrits? Le coeur de chaque homme communie à ce qui fut tous les temps, à ce qui est tous les lieux..

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses ...p. 524.

[53]  即 心 是 佛,亦 復 如 是。 除 此 心 外, 覓 菩 提,涅 槃 無 有 是 處。 自 性 真 凳瞗A非 因 非 果 法, 即 是 心 義。

Tức tâm thị Phật, diệc phục như thị. Trừ thử tâm ngoại, mích Bồ Đề, Niết Bàn vô hữu thị xứ. Tự Tính chân thật, phi nhân, phi quả pháp, tức thị tâm nghĩa.

Đạt Ma huyết mạch luận.

...Le coeur est le bouddha. Il n’y a pas de Bouddha en dehors du coeur. Considérer l’illumination et le nirvana comme des choses extérieures au coeur, c’est une erreur. Il n’y a pas d’illumination en dehors du coeur vivant. Il n’y a pas de lieux où se trouvent des êtres nirvanés. Hors la réalité du coeur, tout est imaginaire...Il n’y a pas de causes, il n’y a pas d’effets. Il n’y a d’activité que la pensée du coeur, et son repos, c’est le Nirvana. Chercher quelque chose en dehors de son coeur, serait vouloir saisir le vide. Le Bouddha , chacun le crée dans son coeur par sa pensée. Le coeur est Bouddha, Bouddha c’est le coeur.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses ...p. 524.

[54] 若 言 心 外 有 佛, 求 菩 提 可 得 無 有 是 處。 佛 及 菩 提 皆 在 何 處?

譬 如 有 人 以 手 提 虛 空, 得 否? 除 此 , 心 外 見 佛, 終 不 得 也。。。

心 即 是 丞佛,佛 即 是 心。 心 外 既 無 佛, 何 起 佛 見? 際 相 誑 惑。。。

若 欲 見 佛 見 性 即 是 佛。

Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ. Phật cập Bồ Đề giai tại hà xứ? Thí như hữu nhân, dĩ thủ đề hư không, đắc phủ. .. Trừ thử , tâm ngoại kiến Phật, chung bất đắc dã...Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm, tâm ngoại ký vô Phật, hà khởi Phật kiến? Tế tương cuống hoặc... Nhược dục kiến Phật, kiến tính tức thị Phật.

Đạt Ma huyết mạch luận.

...Imaginer un Bouddha en dehors du coeur, se figurer qu’on le voit en un lieu extérieur, c’est du délire. Donc il faut tourner son regard , non vers le dehors, mais vers le dedans, il faut le concentrer en soi-même, et contempler en soi sa bouddhaité.

Léon Wieger, Histoire Des Croyances Religieuses, p. 524.

[55] Ở nơi mỗi người, nếu cái Vọng Tâm sinh, thì cái Chân Tâm phải ẩn, nhưng nó lại ẩn trong cái Vọng Tâm. Còn khi cái Chân Tâm hiện ra, thì cái Vọng Tâm phải mất, nhưng nó lại mất trong Chân Tâm.

Hải Tín Cư Sĩ, Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận, tr. 46.

...Trong cái bản ngã nhỏ hẹp, chúng ta phát huy cái Đại Ngã rộng lớn.

Thích Đại Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 55.

[56] Thích Đạo Quang, Đại Cương Triết Học Phật Giáo, tr. 56.

[57] Như trên, tr. 54.

[58] Di Đà đồng thể. Như trên, tr. 54.

[59] Như trên, tr. 94.

[60] Luận Ngữ, Thái Bá đệ Bát, tiết 18.

[61] Pháp Thân = Corps mystique.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 525.

... Sư viết: Ký nhược bất biệt, tức thử thân thị nhữ bổn Pháp Thân; tức thử nhữ bổn Pháp Thân thị nhữ bổn tâm.

Thử tâm tòng vô thỉ khoáng đại kiếp lai, dữ như kim bất biệt; vị thường hữu sinh tử; bất sinh, bất diệt; bất cấu, bất tịnh; bất hảo, bất ác; bất lai, bất khứ; diệc vô thị phi; diệc vô nam, nữ tướng; diệc vô tăng tục, lão thiếu; vô thánh, vô phàm; diệc vô Phật; diệc vô chúng sinh; diệc vô tu chứng; diệc vô nhân quả; diệc vô cân lực, diệc vô tướng mạo; do như hư không; thủ bất đắc; xả bất đắc; sơn hà thạch bích, bất năng vi ngại; xuất một, vãng lai, tự tại, thần thông...

Đạt Ma huyết mạch luận.

[62] Thánh Thể = Le Saint Corps.

Léon Wieger, Histoire des Croyances Religieuses... p. 526.

...Nhược trí huệ minh liễu, thử tâm hiệu danh Pháp Tính, diệc danh Giải Thoát Sinh Tử, Bất Câu Nhất Thiết Pháp, Câu Đà Bất Đắc; thị danh Đại Tự Tại Vương Như Lai, diệc danh Bất Tư Nghị; diệc danh Thánh Thể; diệc danh Trường Sinh Bất Tử; diệc danh Đại Tiên. Danh tuy bất đồng, Thể tức thị nhất.

Thánh nhân chủng chủng phân biệt, giai bất ly Tự Tâm.

Đạt Ma huyết mạch luận.

[63] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. .. (Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chảng phải tướng, tức là thấy Như Lai.)

Kim Cương Kinh, Đoạn V.

...Ly nhất thiết tướng, tức danh chư Phật. (Thoát ly mọi hình thức, sắc tướng tức gọi chư Phật.)

-Kim Cương Kinh, đoạn XIV.

...Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến.

Kim Cương kinh, XX.

[64] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.

[65] Tự tâm thị Niết Bàn. Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ Đề khả đắc, vô hữu thị xứ.

Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[66] Minh tâm kiến Tánh, nhược bất kiến Tánh, đắc thành Phật Đạo, vô hữu thị xứ.

Đạt Ma Huyết Mạch Luận.

[67] Ly nhất thiết chư tướng, tức danh chư Phật.

Kim Cương Kinh, đoạn V.

68 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

Kim Cương Kinh, X.

[69] Nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt.

Kim Cương Kinh, VII.

[70] Nhược dĩ sắc kiến Ngã, dĩ âm thanh cầu Ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai.

Kim Cương Kinh, XXVI.

[71] Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán. (Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt bóng, như sương và như chớp, nên quan sát như thế.)

Kim Cương Kinh, XXXII.

[72] Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. (Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. = Pháp Thân là Bản Lai Thường Trụ, không chỗ xuất hiện, không chỗ nhập diệt)

Kim Cương Kinh, XXIX.

[73]                   心, 心, 尋,

, 也不

本求 心,

物。

佛, 心,

佛。

心, 知,

得, 知。

得,

便 時。

Tâm, tâm, tâm,

Tâm nan khả tầm,

Khoan thời biến pháp giới,

Khích dã bất dung châm.

Ngã bổn cầu tâm, bất cầu Phật,

Liễu tri tam giới, không vô vật.

Nhược dục cầu Phật, đãn cầu tâm,

Chỉ giá tâm; giá tâm thị Phật.

Ngã bổn cầu Tâm, tâm tự tri,

Cầu Tâm bất đắc, đãi Tâm tri,

Phật tính bất tòng tâm ngoại đắc,

Tâm sinh tiện thị tội sinh thì.

Đạt Ma huyết mạch luận. Đoạn kết.

[74] Hình hoa sen phóng tác nhân bài thơ

Linh Sơn niêm hoa

Tung Sơn đắc tủy

Hoàng Mai truyền y,

Đông Sơn diên thọ

壽。

 Chánh Pháp Nhãn Tàng -Diên Thọ.

Dịch: “Niêm hoa ở núi Linh Sơn, Ngộ Đạo ở núi Tung Sơn, truyền y bát ở đất Hoàng Mai, trực tiếp diên thọ ở núi Đông Sơn.”

Thiên Ân, Đoàn văn Ân, Triết Học Zen, I, tr. 67.

Trong kinh Đại Phạm Thiên, vấn Phật quyết nghi, có chép: “ khi mà Phật ở trên Pháp Hội Linh Sơn (Grdhrakuta), có vị Đại Phạm Thiên (Mahabrahman: cõi trời thứ ba trong sơ thiền) có dâng hoa sen sắc vàng, cầu thỉnh Phật thuyết Pháp. Nhưng Phật chỉ nắm hoa không nói một câu nào. Đại chúng trong Pháp Hội đó không ai hiểu ý Phật, nên tất cả đều im lặng, và chỉ có Ông Ma Ha Ca Diếp mỉn cười. Phật dạy: Ta có Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm phó thác cho Ông Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa).” “Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm” là Diệu Tâm (Chân Trí), nhận rõ Diệu Lý (Chân Lý) của vũ trụ.

Thích Đạo Quang, Triết học Phật Giáo, tr. 129.

[75] Hình trích trong quyển Foundation of the Tibetan Mysticism của Anagarita Govinda -Charles Andrieu đã dịch ra Pháp Vân, dưới nhan đề Les Fondements de la Mystique Tibétaine.

Hình vẽ ngụ ý: Ngọc châu viên giác hay Tuyệt Đối Thể ở sẵn ngay trong Liên Hoa, tức là trong Trung Tâm Não Bộ con người.

[76] Chữ Nho 2 bên:

Bên trái, dòng 1: Tam thế Phật tổ truyền Tâm Ấn, tứ mục tương cố thái phân minh.

Dòng 2: Viên Đồng Thái Hư.

Bên Phải, dòng 3: Bồ Đề Tâm Ấn.

Bên Phải, dòng 4: Thái Hư nhất bản, vạn trường linh, tâm ấn nhân nhân nguyên tự thành.

Tài liệu và hính vẽ rút trong quyển: Trần Triều Dật Tôn Phật Điển lục. Thượng sĩ Ngữ lục (Trúc Lâm Thượng sĩ ngữ lục) tr. 6. Việt Nam Phật Điển tùng khan. Thư Viện Khảo cổ, số VD 2/6b.

Đó cũng là Tâm Ấn của Thiền Tông trong Thập Ngưu Đồ, nhan đề là Song Dẫn, (Phật Học Tinh Hoa, Nguyễn Duy Cần tr. 303). Đó tức là đã tiến tới “Tất cảnh Không”, hoà đồng, hợp nhất với Chân Nguyên (Chân Tâm) không còn chút chi phân biệt.

 


»  mục lục   |   chương trước    |    chương kế

» Chương 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32