DỊCH KINH YẾU CHỈ
Hướng đi của Thánh
nhân
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến
Lê
»
Mục lục |
Lời nói đầu | Phần
1 2
3 4
5 6
7 8
9
Lời nói đầu
Có nhiều bè bạn thấy
chúng tôi cho xuất bản bộ Dịch Kinh Đại Toàn, khoảng 1500 trang, hỏi
chúng tôi tại sao trên thị trường đã có nhiều bộ Kinh Dịch, còn ra
thêm, và như vậy nó có những đặc điểm gì?
Tôi thấy đó là một câu hỏi
hữu lý, nên tôi sẽ trình bầy cùng quí vị tại sao tôi viết bộ Dịch Kinh
Đại Toàn này.
Tôi bắt đầu soạn thảo bộ
Dịch Kinh này vào khoảng năm 1966. Tôi định bỏ ra 15 năm để hoàn tất nó,
nhưng may thay sau hơn 7 năm miệt mài nghiên cứu, thì đã hoàn thành
được. Khi ấy, tôi đi mua, hoặc đi mượn tất cả những sách Dịch bằng Hán
Văn, Anh văn, Pháp văn và Việt văn hiện có lúc bấy giờ. Đọc qua những
tác phẩm của cụ Từ Thanh, Phan Bội Châu, Nguyễn Mạnh Bảo, Ngô Tất Tố,
Nguyễn Duy Tinh, v.v... tôi thấy lời văn thật là khó hiểu.
Về Hán Văn, tôi may mắn có
bộ Tuân Bổ Ngự Án Dịch Kinh Đại Toàn, xuất bản ngày 18 tháng 3 năm Khang
Hi 54 tức 1715, do các vị khoa bảng xưa cho tôi. Quyển này mỗi quẻ đều
có lời bình của Trình Tử, Chu Hi, Khang Hi và chư tử chứ không phải là
tư tưởng của riêng ai.
Về Anh văn, tôi có những bộ
như của James Legge, Wilhelm / Baynes, R. G. H Siu, v.v... Tôi thấy
những bộ trên không có gì đặc sắc.
Về La Ngữ, tôi có đọc bộ của
P. Regis, Yiking, antiquissimus Sinarum liber.
Về Pháp văn, tôi có De
Harlez, Le Yiking, texte primitif rétabli, trad. et commentaires.
Philastre, P. L. F. Le
Yiking ou Livre de Changements de la dynastie des Tscheou traduit pour
la première fois du Chinois en Francais.
Tôi cũng đã đọc Bộ Dịch của
cụ Nguyễn Hiến Lê, xuất bản gần đây ở hải ngoại. Sách trình bầy sáng
sủa. Tiếc rằng cụ đã bỏ đi Thập Dực, và như cụ nói, Cụ đã hoàn thành bộ
sách này trong vòng có 2 năm, và chỉ soạn lại bộ Dịch của cụ Phan bội
Châu mà thôi.
Tất cả đều không có gì làm
tôi phải say sưa, bái phục. Gần đây, có vô số sách Dịch bằng Anh văn,
nhưng toàn thiên về bói toán. Theo tôi, Kinh Dịch không phải sách bói
toán, vì Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, Trình Tử, Chu Hi không
hề bói toán. Tôi không bói toán. Trong Hệ Từ Thượng chỉ bàn qua về phép
bói Dịch bằng cỏ Thi, và trong Ngũ Hành bàn qua về luật Tương sinh,
Tương khắc, để quí vị nào thích bói toán, địa lý nghiên cứu thêm, chứ
không biết gì về cách bói gieo tiền theo Dã Hạc, và Bốc Dịch chính tông,
hay cách bói Mai Hoa Dịch số của Thiệu Khang Tiết. Nhiều người đi vào
Dịch, cũng là muốn học bói toán. Họ có biết đâu rằng bói toán là một
năng khiếu do Trời ban. Muốn bói hay, phải có giác quan thứ sáu, (quí vị
nào thích nghiên cứu về bói toán, thì xin đọc phần Ngũ Hành, nơi quyển
I, và nơi quyển III Hệ từ Thượng Chương 9).
Nay, bên Trung Quốc cho in
ra nhiều sách Dịch, như bộ Chu Dịch Đại Tự Điển, dày 1546 trang, hay bộ
Bạch Thư Chu Dịch, một bộ Dịch đã được khai quật lên từ một ngôi mộ nhà
Hán, ở Mã Vương Đôi, Trường Sa, tháng 12, năm 1973. Bộ này viết trên lụa
trắng, vì thế gọi là Bạch Thư, và đã được Trương Lập Văn nghiên cứu và
dịch ra Bạch thoại.
Có người khuyên tôi mua,
nhưng tôi không bao giờ đi vào con đường Sách uẩn, Hành quái, không bao
giờ đi vào con đường quái dị để cầu danh, nên tôi đã không mua.
Tôi quen nhiều vị khoa bảng,
và ngỏ ý xin thụ giáo các Cụ về Dịch Lý. Nhưng cụ nào cũng nói không
biết gì về Dịch Lý, vì không học Dịch khi đi thi, và các Cụ đề nghị vào
tủ sách các Cụ thấy cái gì hay thì cụ biếu, chứ đừng hỏi về Dịch. Cụ Phó
Bảng Nguyễn Hà Hoàng (Điện Bàn - Quảng Nam), cho tôi một phần bộ Tuân bổ
Ngự Án. Cụ cử Lương Trọng Hối (Quế Sơn - Quảng Nam) cho tôi bộ Kinh Dịch
của Lai Trí Đức.
Nên, tôi đi vào Kinh Dịch,
qua Đạo Nho, bằng đường lối riêng tư của tôi, như tôi sẽ trình bầy sau
đây.
Tôi vào đạo Khổng từ năm
1956, qua sách vở hiện có, chứ không hề nhờ cậy vào ai. Và tôi đã học
nơi Khổng Giáo nhiều điều hay ho, mới lạ. Đặc biệt là biết được con
người vừa có Thiên Tâm, vừa có Nhân Tâm. Thiên Tâm thời muôn đời công
chính, quang minh, chính đại, thuần túy, chí thiện. Còn Nhân Tâm thời
đầy tư tà, nhân dục.
Thiên Tâm đó khốn thay, lại
ẩn ước nên ít người thấy được. Thiên Tâm là Thiên Lý, Nhân Tâm là Nhân
Dục, nên xưa mới nói Nhân dục thắng, Thiên Lý vong hay Nhân dục tận, tắc
Thiên Lý hiện, v.v... Thiên Tâm giúp ta trở thành Thần thánh, Nhân tâm
giúp ta trở thành con người thực sự. Thành thử tôi mới dịch được câu
Kinh Thư, mà xưa nay chưa ai dịch cho đúng ý nghĩa của nó. Đó là:
Nhân tâm duy nguy
人
心
惟
危
Đạo tâm duy vi
道
心
惟
微
Duy tinh duy nhất
惟
精
惟
一
Doãn chấp quyết trung 允
執
厥
中
Dịch:
Lòng của
Trời siêu vi, huyền ảo,
Lòng con
người điên đảo, ngả nghiêng.
Tinh
ròng chuyên nhất ngày đêm,
Ra công,
ra sức giữ nguyên lòng Trời.
Tôi thấy Khổng Giáo cho rằng
con người có 3 thứ Đạo. Thiên đạo dạy con người làm thần minh, Nhân đạo
dạy con người làm Hiền nhân quân tử, Vật đạo dạy con người kiếm ăn sinh
sống. Sở dĩ có 3 thứ đạo, vì con người có 3 phần:
-Thần để làm Thần. Sau này,
Thần còn được gọi là Đạo Tâm, Thiên Tâm, hay nói theo Phật gia, là Chân
Tâm, hay Đại Ngã. Thần liên lạc với ngoại giới bằng Tuệ giác
(Intuition), bằng Huệ hay bằng Đại trí.
-Hồn để làm người. Hồn đầy
thất tình, lục dục, nên cần phải kìm hãm, phải tu sửa. Hồn con người
chính là Tiểu Ngã. Nó liên lạc với ngoại giới bằng Trí (Intelligence)
hay Tiểu trí.
-Xác để làm ăn, sinh sống.
Xác liên lạc với ngoại giới bằng ngũ quan (les cinq sens).
Hồn và Xác trước sau sẽ biến
thiên, tiêu diệt, vì chúng nằm trong vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chỉ có
Thần là bất biến, bất tử, bất sinh, vì Thần mình và Thần Trời đất là
một.
Tôi thấy Đức Khổng, khuyên
con là Bá Ngư nên đọc Kinh Thi, nên tôi đã cùng một cự nho mà tôi quen ở
Đà Nẵng, dịch toàn bộ Kinh Thi, xem trong đó ẩn dấu điều gì bí mật. Sau
khi dịch xong Quốc Phong, sang tới Đại Nhã, tôi mới khám phá ra được một
chuyện mà xưa nay không ai biết. Đó là Chân Đạo Nội Tâm, hay Đạo Thần
Linh mà ta có thể tìm ra trong lòng ta. Ngày nay, người ta gọi là Đạo
Huyền đồng (Mysticism), hay Phối
Thiên, hay Thiên Nhân tương
dữ, Thiên Nhân nhất quán. Xưa, Nghiêu, Thuấn, Thành Thang, Văn Vương, Võ
Vương v.v... đã đi được vào đạo cao siêu này.
Chân Đạo Nội Tâm dạy rằng:
Trời chẳng xa người, và Hiền Thánh là những người đã sống phối kết với
Trời ngay từ khi còn ở trần gian này. Từ khi biết được điều này, tôi mới
tìm xem trong hoàn võ này, có những ai biết được cái đạo cao siêu này,
vì thế tôi đã tìm đọc các kỳ thư, bí điển của mọi đạo giáo lớn, nhỏ trên
Thế Giới, và mới tìm ra được lẽ Nhất Quán, Thù Đồ Đồng Qui của các đạo
giáo, nhất là thấy được rằng Tam Giáo, Nho, Thích, Lão là đồng nguyên.
Từ đó, tôi không còn đóng khung vào 1 đạo giáo nào cố định, và đã đi vào
khoa tôn giáo đối chiếu, tìm hiểu và so sánh mọi đạo giáo. Sau đó, tôi
lại nhận thấy rằng Trời ở trong tâm khảm mình, Chân, Thiện, Mỹ là ở
trong mình. Nên biến thiên, tiến hóa, hay Hằng Cửu cũng nằm gọn trong
mình. Đi tìm tòi nơi xa vời, nghe tuyên truyền, dụ dỗ, nhất nhất đều là
mê vọng.
Nói thế, có nghĩa là Kinh
Dịch đã tiềm ẩn trong lòng mình, vì Thái Cực là chốt Dịch, đã nằm sẵn
trong mình, và mọi sự biến thiên, tiến hóa của Kinh Dịch cũng đều do nơi
ta. Xưa nay thiên hạ có gì hay, có gì tốt, đều do Thái Cực trong ta đã
xui nên. Trong ta có 2 phần: Thiên bẩm (inné), và Thủ đắc (Acquis).
Cho nên, khi tôi viết Kinh
Dịch, đã đi từ lòng sâu con người là Vô Cực, Thái Cực, đi dần ra Hà Đồ,
Lạc Thư, Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành, Tượng, Từ, Hào, Quải, Vạn Hữu,
Vạn Tượng, và các hoàn cảnh dở hay mà con người có thể gặp. Thế là đi từ
Tĩnh lãng nội tâm ra tới ồn ào ngoại cảnh. Muốn cho Kinh Dịch trở nên
cao siêu, trang trọng tôi đã dịch Kinh Dịch hoàn toàn bằng thơ, mong
rằng:
Lời lời
ngọc nhả, châu phun,
Lưu cho
hậu thế muôn vàn dài lâu.
Và
Lời thơ
ta rút đáy lòng muôn thuở,
Cho
giáng trần,cho khoác áo văn chương.
Tôi đã muốn:
Rẽ sóng
thời gian tìm nghĩa lý,
Khơi
lòng Trời đất lấy tinh hoa...
Như vậy, học Dịch là để biết
các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó
sẽ suy ra được chiều hướng tiến, thoái, và sẽ trở về được với Bản Thể
duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình.
Khi viết bộ Dịch này, tôi đã
khám phá ra được nhiều điều mới mẻ:
1). Dịch trình bầy học
thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, với các hệ luận của nó, như Nhất
thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể hay Đồng qui nhi thù đồ. Hiện nay
nhân loại còn tưởng rằng muôn loài có muôn bản thể khác nhau. Tuy nhiên,
Khoa Học đã giúp ta thay đổi tầm nhìn, lối nghĩ dần dần.
2). Và tôi nhìn thấy Thái
Cực trong mọi người chúng ta. Đó là Lương tâm, là Thiên Nhãn trong ta.
Lương tâm trong ta, thời muôn đời bất biến. Còn Nhân tâm trong ta thời
luôn luôn biến thiên. Chúng ta dần dần phải trút bỏ cái gì Biến Thiên để
đi vào Bất Biến, tức là bỏ Tiểu Ngã để trở về Đại Ngã.
3). Dịch có Tiên Thiên & Hậu
Thiên. Tiên Thiên là cái gì Hoàn Thiện, Lý tưởng. Hậu Thiên là cái gì
bất toàn, là thực tại, là những gì ta trông thấy, nhìn thấy trong cuộc
đời chúng ta. Phục Hi vẽ ra 8 quẻ và 64 quẻ Tiên Thiên. Văn vương vẽ và
viết ra 8, và 64 quẻ Hậu Thiên. Hà đồ là Tiên Thiên, Lạc thư là Hậu
Thiên. Dịch có mục đích khuyên ta đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên.
4). Phục Hi vẽ 8 và 64 quẻ
Tiên Thiên, cho thấy rằng Dịch chỉ có Âm và Dương. Mà Âm phải đi trước,
Dương phải đi sau, mới trọn đạo Trời. Đi được hết con đường ấy, là hoàn
thành được Thiên Tính của mình.
5). Nghiên cứu sâu xa hơn,
tôi thấy 64 quẻ Tiên Thiên chia làm 2 nửa rõ rệt: Nửa phải là 32 quẻ Âm,
từ quẻ 1 Âm đến quẻ 6 Âm: 1 Âm là Cấu, 2 Âm là Độn, 3 Âm là Bĩ, 4 Âm là
Quan, 5 Âm là Bác, 6 Âm là Khôn.
Còn nửa trái, cũng có 32 quẻ
Dương, từ quẻ 1 Dương, đến quẻ 6 Dương : quẻ 1 Dương là Phục, 2 Dương là
Lâm, 3 Dương là Thái, 4 Dương là Đại Tráng, 5 Dương là Quải, 6 Dương là
Kiền.
Nửa Âm là nửa đời đầu con
người (50 năm đầu của cuộc đời ), khi ấy con người phải dấn thân vào
cuộc đời, phải đua tranh với đời, phải xây dựng giang sơn, tổ quốc.
Nửa Dương là nửa đời sau con
người (50 năm sau của con người), khi tóc đã hoa dâm, khi ấy con người
phải biết quẳng gánh lo, quay về lo tu tỉnh nội tâm, mong sao có thể trở
thành Thánh Hiền, Tiên, Phật.
Thiệu Khang Tiết cho rằng:
Con người phải đi nửa chiều Âm trước, cốt là đi vào vật chất, khám phá
và tìm hiểu vật chất, và phải đi nửa chiều Dương sau, để tìm hiểu căn
cốt về tâm hồn mình. Có như vậy, cuộc đời mới thực đẹp đẽ.
Có điều lạ là 32 quẻ Âm đều
nằm về hướng Tây, còn 32 quẻ Dương laị nằm về hướng Đông, y như Dịch
muốn nói rằng Văn minh vật chất phải nhường cho Âu Mỹ lãnh đạo, còn Văn
minh tinh thần phải nhường cho Á Châu chỉ huy.
6).Vòng Dịch Tiên Thiên (8
và 64 quẻ) xếp theo nhẽ Âm trưởng, Dương tiêu ở nửa bên phải (hình con
cá đen) và Dương trưởng, Âm tiêu ở nửa bên trái (hình con cá trắng).
Còn Dịch Hậu Thiên của Văn
vương thì xếp theo cách lộn lạo, đảo điên. Ý nói, trên đời vấn đề gì
cũng có xuôi, có ngược, cần nghiên cứu mọi mặt cho thấu đáo, như vậy mới
tránh được lỗi lầm, tránh được rủi, gặp được may.
7). Tôi đã sửa một lỗi của
Dịch. Dịch xếp Tứ Tượng như sau: Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Thái
Dương. Tôi thấy không ổn. Vì con trai nhỏ (Thiếu Dương), lớn lên không
thành được con gái lớn (Thái Âm), và con gái nhỏ (Thiếu Âm ) không thể
thành con trai lớn (Thái Dương). Nên cái mà Dịch gọi là Thiếu Dương, tôi
gọi là Thiếu Âm, cái mà Dịch gọi là Thiếu Âm tôi gọi là Thiếu Dương, và
ta sẽ có: Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương; đúng với lẽ Âm
trưởng, Dương tiêu và Dương trưởng, Âm tiêu của Trời đất.
8). Tôi đã tìm ra được Dịch
biến thiên và xoay quanh 1 Tâm điểm. Tâm điểm ấy chính là Thái Cực, và
được tượng trưng bằng con số như 5, 10, 15. Ở nơi con người thì Tâm điểm
ấy là Thiên Tâm, Chân Tâm, Cốc Thần, Thái Cực, Lương tâm con người, ở
ngay giữa đầu não con người, nơi mà ta gọi là Nê Hoàn Cung, Huyền Quan
Nhất Khiếu hay Huyền Tẫn Chi Môn.
Tâm điểm thời bất biến, Vạn
Tượng bên ngoài thời biến thiên. Con người phải tiến từ Vạn Tượng về với
Thái Cực. Khi vào tới Thái Cực thì Nho Gia gọi là đạt đạo Trung Dung,
Phật gia gọi là đạt tới Kim Cương, Viên Giác, Lão gia gọi là đã luyện
xong Kim Đơn. Á Châu còn gọi chung là Qui Nguyên, Phản Bản.
9). Tôi càng ngày càng thấy
Dịch dạy ta phải luôn luôn tiến hóa. Tiến hóa chính là biến Dịch. Vì thế
Trình Tử mới nói: Tùy thời biến Dịch, dĩ tòng Đạo.
Mà tiến hóa là gì? Là đi từ
thô thiển tới tinh vi, từ Phàm phu tới Sĩ phu, Quân tử, Hiền Thánh.
Chúng ta nên phân biệt Tiến Hóa (évolution) với Thích ứng ngoại cảnh
(adaptation). Trong Kinh Dịch, ta thường thấy nhắc đến Quân tử và Tiểu
nhân. Quân tử có thể là những người biết tiến hóa, Tiểu nhân là những
người chỉ biết thích ứng với hoàn cảnh.
Đạo Lão cho rằng Quân tử là
những người tuân theo được những khuôn mẫu truyền thống; Hiền nhân là
những người thoát ra được vòng cương tỏa của cuộc đời; còn Tiểu nhân là
những người sống theo thất tình, lục dục, chỉ biết lo sống và hưởng thụ.
Họ tiến lên nấc thang xã hội bằng sức mạnh, bằng mưu mô, bằng bất công
và bạo lực, chỉ biết nghĩ đến mình mà quên người.
10). Xưa nay, các nhà bình
giải Kinh Dịch, chưa ai phân biệt quẻ Kép khác quẻ Đơn cái gì? Tôi nhận
định như sau: Quẻ Đơn tượng trưng cho Vạn Hữu, quẻ Kép tượng trưng cho
Mọi hoàn cảnh mà vạn hữu và nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với
nhau. Thượng Kinh & Hạ Kinh viết lại 64 quẻ, tức là đưa ra 64 hoàn cảnh
tượng trưng, để dạy cho con người phương pháp sử xự cho khéo léo, tùy
theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.
11). Ngoài ra, tôi còn dùng
Tâm Điểm và 6 vòng tròn đồng tâm để giải Dịch: Tâm điểm là Thái Cực, 6
vòng tròn đồng tâm bên ngoài là 64 quẻ Dịch,
mỗi Hào nằm trên một vòng
tròn. Nay nếu ta đem xoay chuyển, vận động các vòng tròn đồng tâm nói
trên, thì
Tâm điểm sẽ đứng yên một
chỗ, còn các vòng tròn bên ngoài sẽ xoay chuyển và chịu định luật thăng
giáng, biến thiên. Ngoài ra chúng còn chịu định luật ly tâm và hướng
tâm. Nếu vậy, muôn vật trong vũ trụ, tức là những gì đã có hình tướng,
đều sẽ phải chịu những định luật biến thiên, thăng trầm, ly tâm (Force
centrifuge), hướng tâm vậy(Force centripète). Ly tâm là Tán, là hướng
ngoại (Extroversion); Hướng tâm là Tụ, là hướng nội (Introversion).
12). Sau cùng, tôi suy thêm
nếu Dịch là Biến, nếu Dịch là một khoa Triết Học, chuyên khảo về Bản Thể
bất biến và các Hiện Tượng biến thiên, thì Dịch phải được coi là một
Khoa học phổ quát, và muốn khảo Dịch cho có kết quả, không nên gò bó
mình vào những lời bình giải của Nho Gia, mà còn phải:
* Khảo các Đạo giáo
* Các Triết gia Âu, Á.
* Các phát minh khoa học.
* Các Học thuyết Triết Học,
Khoa Học cổ kim nữa.
Từ thế kỷ 17, Leibniz nhà
toán học Đức (1616 - 1716) cũng đã dày công nghiên cứu Dịch, vẽ lại 64
quẻ Dữch theo công thức của khoa Nhị nguyên toán pháp (Arithmetique
binaire ou arithmetique dyadique)
Sang tới thế kỷ 19, tinh
thần Kinh Dịch đã thâm nhập sâu xa vào Triết Học, Khoa Học Âu Châu, với
thuyết tiến hóa của Lamarck, Darwin, với biện chứng pháp (tức Dịch Lý)
của Hégel, và Marx, với thuyết tương đối của Einstein cũng như những
quan điểm mới mẻ nhất về tương quan giữa năng lực và vật chất của những
nhà Bác Học Âu Mỹ, với quan niệm của Werner Heisenberg: dưới mọi hình
thái biến thiên của vũ trụ chỉ có một bản thể duy nhất.
* Năm 1950, hai nhà bác học
Francis Crick và James Watson đã tìm ra được cơ cấu DNA cho muôn loài
muôn vật.
* Năm 1963, người ta tìm ra
được mật mã di truyền học (Genetic code). Năm 1961, khi làm quyển Trung
Dung, nơi trang 267, tôi đã chứng minh rằng 64 mã số (codons) trong khoa
di truyền hoàn toàn giống thứ tự 64 quẻ Dịch Phục Hi. Nhưng tôi chưa hề
công bố, nên cũng như không. Năm 1974, ông Harley Bialy tuyên bố cơ cấu
DNA hoàn toàn giống 64 quẻ Dịch. Ngày nay, nhiều nhà Bác Học cũng đồng ý
như vậy.
* Ông Gunther Stent trong
quyển The Coming of the Golden Age (1969), ông Martin Schonberger
trong quyển The I Ching and the Genetic Code (1979), Ông Johnson
F. Yan (Nghiêm Tôn Hiến) trong quyển DNA and the I Ching (1991)
v.v... đang triệt để khai thác các vấn đề trên.
* Chúng ta cũng ta cũng nên
biết rằng, năm 1957 hai nhà Bác Học trẻ tuổi người Trung Hoa, Yáng Zhèn
Ning (Dương Chấn Ninh),và Li Zhèn Dào (Lý Chính Đạo), đã tuyên bố nhờ
đọc Kinh Dịch mà đã phát minh và chứng nghiệm rằng trong thế giới điện
tử, phía phải và phía trái không có cùng đặc tính như nhau. Công trình
này đã được giải thưởng Nobel (1957) về vật lý và đã làm chấn động giới
khoa học chẳng kém gì thuyết tương đối của Einstein.
Mong rằng các nhà bác học
tương lai sẽ còn có nhiều người đi vào con đường này.
Tôi sẽ in bộ sách này thành
3 Tập:
- Tập đầu, khoảng 500 trang,
bàn về Dịch Lý, Vô Cực, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Âm Dương, Tứ Tượng,
Ngũ Hành. Tập đầu bàn về Thiên đạo, về Cốt Dịch (quí vị nào muốn khảo
cứu, Học Dịch để muốn tìm ra cái gì mới, nên đọc kỹ quyển này). Từ xưa
nay, các Học giả chưa ai chịu bàn về các vấn đề trên cho tường tận, và
đi vào Dịch là đi ngay vào quẻ, vào Hào, như vậy Dịch sẽ mất đi phần
Thái Cực, mà chỉ bắt đầu bằng phần Âm Dương, y như là con rồng mất đầu,
chỉ biết có Âm Dương biến thiên, mà không biết có Hằng Cửu là Thái Cực.
Tập đầu dạy cách làm Thánh Hiền, và cho ta nhiều kiến thức, nếu ta muốn
tiến thêm.
- Tập 2 là Thượng Kinh
(khoảng gần 400 trang) nơi đầu có phần Dịch Kinh giản lược, giảng sơ để
người coi sau này khi vào các quẻ sẽ hiểu dễ dàng hơn, sau đó là giải 30
quẻ Dịch đầu tiên.
- Tập 3 là Hạ Kinh (khoảng
trên 600 trang, gồm Hạ Kinh, Hệ Từ, Thuyết Quái, Tự Quái, Tạp Quái.).
Hai quyển sau bàn về Đạo quân tử, đạo làm người và dạy giải quyết mọi
hoàn cảnh khó khăn xảy ra trong cuộc đời.
Trong khi soạn thảo bộ Dịch
này, tôi đã dùng nó để dạy ở nhiều nơi như: Đại Học Minh Đức, cho một số
sinh viên Văn Khoa, Thông Thiên và Cao Đài tại trường Nhân Vị, Cơ Quan
Phổ thông giáo lý Cao Đài, và chùa Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Mỗi khóa giảng chừng 4 năm.
Học viên có người 80, 90 tuổi, có người chưa tới 30 tuổi.
Bộ Dịch này, tôi đã viết
xong vào khoảng năm 1973. Hồi đó đã nhiều cơ quan muốn xuất bản nó như
Khai Trí, Cao Đài, Đại Học Minh Đức, nhưng lúc đó đất nước chưa biết ra
sao, nên tôi đành chờ.
Đến kỳ lễ Sinh Nhật năm
1995, nhà tôi sau khi đọc ít quẻ, thấy nó rất có ích cho thế hệ sau, nên
nhà tôi quyết tâm cho xuất bản bộ này. Mới đầu thuê người đánh máy,
nhưng sau muốn cho hoàn hảo chu toàn hơn, hơn nữa lại muốn phổ biến
trong giới Sinh viên, với ước mong các em sẽ tìm được cái gì mới mẻ để
phát minh, ngõ hầu mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc sau này, nên
nhà tôi đã tự học đánh computer, tự đánh lấy, và soạn phần ÁP DỤNG VÀO
THỜI ĐẠI, để các em thấy Học Dịch là nên áp dụng vào đời sống, vào mọi
sự, một cách biến hóa, và để nhắc nhở các em rằng Dịch có từ thời Thượng
Cổ, mà cho tới ngày nay vẫn dùng được trong Khoa Học, thì đừng nên bao
giờ bỏ quên nó, vì học nó rất có lợi cho Tinh Thần lẫn Vật Chất.
Đặc biệt 2 quyển sau này,
phần cuối tất cả các quẻ, đều có mục ÁP DỤNG CHO THỜI ĐẠI, nó rất có lợi
ích cho chúng ta hiện nay, khi phải đương đầu với bao nỗi khó khăn trong
cuộc sống hiện tại, mà từ xưa tới nay từ Á sang Âu chưa có vị nào làm
ra, nên độc giả luôn cho là đọc Dịch và hiểu Dịch quá khó. Tôi đề nghị
như sau:
* Quý vị nào đã hiểu Hán
Văn, đọc từ đầu quẻ.
* Quý vị nào đã đọc các sách
Dịch, mà không hiểu ý nghĩa của nó lắm, thì nên đọc phần Bình giảng,
hoặc phần Áp dụng vào Thời đại trước.
* Các em sinh viên, hoặc các
vị mà trình độ văn hóa trung bình, nên đọc phần Áp dụng vào Thời đại
trước, vì phần này nhà tôi soạn, đã dùng những lối văn rất thông dụng,
dễ hiểu, để cho chúng ta với lứa tuổi 18 trở lên, sức học đọc, viết, và
nói được thông thạo tiếng Việt là có thể hiểu được một cách dễ dàng.
Quý vị đừng ngại bộ Dịch quá
dài, không có thì giờ đọc, thực ra nó có 64 quẻ = 64 đoạn khác sau + 9
Chương của Tập I, và những đoạn, những Chương này không liên lạc gì với
nhau, nên đọc sau, trước gì cũng được. Quý vị đọc nó như đọc báo, dần
dần nó sẽ thấm nhập. Hơn nữa, với phần Áp Dụng vào Thời đại, và những
điển tích trong phần Bình Giảng, sẽ làm quí vị thích thú, và lúc đó lại
ước phải chi nó dài hơn..., đó là lý do tại sao nhà tôi lại say mê, tiếp
tay với tôi, để cho nó ra đời giữa lúc khó khăn này.
Nhà tôi đã sửa sang lại bộ
Dịch của tôi, cho nó được chững chàng hơn, và đã làm phần áp dụng vào
Thời đại cho mỗi quẻ, nên đã ký tên chung làm Kinh Dịch với tôi. Tôi
không bao giờ ngờ được về già, nhà tôi đã đi được với tôi vào Thiên Đạo.
Đó là một phần thưởng lớn cho tôi, khi già yếu, tàn tật. Còn phần chữ
Hán, thì nhà tôi khuyên tôi nên đảm nhiệm. Mới đầu tôi không chịu, vì
thấy quá sức tôi. Nhà tôi phải khuyến khích mãi, tôi mới chịu. Nay thì
mọi chuyện đã êm đẹp. Tôi bị Stroke từ 7 năm nay, tay phải bị bại không
cử động được, nhưng đánh mổ cò bằng tay trái vẫn được.
Tôi nghĩ bộ Dịch này rất có
ích cho thế hệ mai sau, và chắc chắn sẽ được ơn trên thu xếp cho đâu vào
đấy.
Bác sĩ Nhân tử Nguyễn văn
Thọ
Nguyên giảng sư Triết Học
Trung Hoa (Đại học Văn Khoa Saigon)
Nguyên giáo sư Triết Trung
Hoa (Đại Học Minh Đức Saigon)
và bà Nguyễn văn Thọ tức
Huyền Linh, Lê thị Yến
chuyết đề.
Westminster, thứ năm ngày 17
tháng 10 năm 1996
»
Mục lục |
Lời nói đầu | Phần
1 2
3 4
5 6
7 8
9 |