DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2


Phần 1

DỊCH HỌC NHẬP MÔN

Chương 1. Dẫn Nhập

 

Học Dịch có thể chia ra làm hai đường lối:

1. Một là học gốc Dịch tức là chuyên khảo về Vô Cực, Thái Cực, tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ và con người.

2. Hai là học ngọn Dịch tức là khảo sát về lẽ Âm Dương tiêu trưởng của trời đất, tuần tiết thịnh suy của hoàn võ, tức là học về các Hào, Quải, học về Tượng, Từ, Số.

Học Dịch theo lối thứ nhất sẽ giúp ta tìm lại được căn nguyên của tâm hồn và biết đường tu luyện để tiến tới Chân, Thiện, Mỹ, Phản bản, Hoàn nguyên.

Học Dịch theo lối thứ hai có thể giúp ta tiên tri, tiên đoán phần nào vận hội, khí thế của lịch sử nhân loại, cũng như những động cơ biến hóa trong hoàn võ..

Chúng ta nên nhớ Dịch là do Trời truyền! Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử đều là những người đã được Thượng Đế mặc khải, đều có những khối óc siêu việt. Các Ngài đã dày công suy tư, khảo sát, ghi chú, sáng tác mới lưu truyền cho chúng ta được gia tài Dịch học quí báu ấy. Đi vào khoa Dịch học, ta phải cố gắng đạt cho được vi ý cổ nhân, tìm cho ra cội rễ cuộc đời, gốc gác vũ trụ, những định luật chi phối mọi sự biến thiên của đất trời, cũng như viễn đích, cùng lý của quần sinh, và nhân loại. Chúng ta sẽ dùng những họa bản Dịch để làm những bản đồ chỉ đường, dẫn lối cho tâm thần ta băng qua các lớp lang biến ảo bên ngoài của vũ trụ để đi vào căn nguyên bất biến, tâm điểm hằng cửu của trần hoàn. Từ đó ta sẽ đi ngược lại, để tìm cho ra dần dần các căn cơ, then chốt cũng như những nhịp điệu, tiết tấu của mọi biến thiên.[1]

Sự khảo cứu này sẽ đòi hỏi chúng ta nhiều công phu, bắt buộc ta phải tiềm tâm suy cứu đêm ngày, nhưng cũng rạt rào lý thú. Sự học hởi của chúng ta sẽ không phải là một sự cóp nhặt máy móc, mà là cả một công trình sáng tạo hồi hộp. Sự tìm tòi học hỏi này cũng có thể giúp chúng ta gạn đục, khơi trong cõi lòng để hòa hài cùng Tạo Hóa,[2] để gặp gỡ lại các Thánh Hiền muôn nơi, muôn thủa.

Thực vậy, nhìn vào các đồ bản Dịch ta sẽ lĩnh hội được sự kiện vô cùng quan trọng này là Tạo Hóa hay Thái Cực ẩn áo ngay trong lòng sâu Vạn Hữu. Tạo Hóa và Vạn Hữu hợp lại thành một đại thể, y như một cây vĩ đại có muôn cành lá, hoa quả xum xuê.[3]

Thái Cực, Tạo Hóa là căn cốt; Vạn Hữu là những hiện tượng biến thiên chuyển dịch bên ngoài.

Suy ra: nếu ta biết vượt qua những lớp lang, biến ảo của hoàn cảnh, xác thân và tâm hồn, ta sẽ tìm về được với Tạo Hóa, với Thái Cực ẩn áo nơi đáy lòng ta.

Thế tức là: từ ngọn suy ra gốc, từ biến thiên suy ra hằng cửu, từ các tầng lớp biến thiên bên ngoài suy ra tâm điểm bất biến bên trong. Như vậy học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó, sẽ suy ra được chiều hướng tiến thoái và trở về được cùng bản thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình. Xưa nay đã có biết bao người nhờ học Dịch mà trở về được với căn nguyên của mình, với Trời, với Thái Cực.

Ngụy bá Dương chân nhân đời nhà Hán, tác giả bộ Chu Dịch Tham Đồng Khế, một bộ sách căn bản cho đạo Thần Tiên, đã đề tựa sách như sau:

Đạo Thần Tiên luyện đơn, tu Đạo thực hết sức giản dị: chẳng qua là kết hợp với Thái Cực (Tạo Hóa) mà thôi[4]

Ông giải thích:

Tham là tham dự cùng Thái Cực.

Đồng là hòa đồng cùng Thái Cực.

Khế là khế hợp với Thái Cực. [5]

Thái Uyên, nho gia thời Tống cho rằng: Người quân tử học Dịch để tiến tới thần minh[6]

Tác giả quyển Thái Cực quyền bổng đồ huyết cho rằng: Dịch là một phương pháp, một con đường lớn lao, trọng đại giúp ta trở về với Trời, với Thượng Đế.[7]

Văn đạo Tử gần đây cũng chủ trương rằng học Dịch cốt là để tìm cho ra căn cốt tinh hoa của mình, tìm cho ra định mệnh sang cả của mình, tìm cho ra nhẽ phản bản hoàn nguyên, chứ không phải vụ chuyện bói toán, sấm vĩ.[8]

Người xưa chê những người học Dịch một cách thiển cận, bỏ căn bản, để đi tìm chi mạt, ngọn ngành như sau:

Chư Nhu đàm Dịch mạn phân phân

Chỉ kiến phiền chi bất kiến căn

Quan tượng đồ lao suy hỗ thể,

Ngoạn từ diệc thị sính không ngôn,

Tu tri nhất bản sinh song cán,

Thủy tín thiên nhi dữ vạn tôn.

Khiết khẩn Bao Hi vi nhân ý

Du du kim cổ hướng thùy luân. [9]

 Tạm dịch:

Chư Nho bàn Dịch nói lông bông,

Ngành ngọn tinh tường, gốc chẳng thông

Xem Tượng, tốn công suy quẻ Hỗ

Ngoạn Từ, phí sức sính lời không

Có hay một gốc hai cành chẽ

Mới thấy nghìn con, vạn cháu đông,

Nối gót Phục Hi ai đó tá,

Ngàn sau tri kỷ, dạ vời trông.

Cổ nhân xưa tìm ra được bí quyết của Hóa Công, tạo ra được Hà Đồ, Lạc Thư, Hồng Phạm, sáng tác ra được Dịch Tượng, Dịch Quái, không phải vì thấy Thần qui, Long mã, mà chính vì đã biết quan sát hiện tượng đất trời, tiềm tâm suy cứu, để đi sâu vào đáy lòng vũ trụ, vào tới Thiên địa chi tâm, Hoàng cực chi cực, để rồi từ đó, có cái nhìn bao quát cả nội giới lẫn ngoại giới.

Cho nên điều kiện căn bản để học Dịch cho có kết quả là:

- Khảo sát kinh văn.

- Quan sát nội giới, ngoại giới.

- Tiềm tâm suy cứu. [10]

Có như vậy mới tìm ra được vi ý cổ nhân, tìm ra được nhẽ biến hằng của trời đất cũng như của bản thân, tìm ra được bản nguyên vũ trụ tiềm ẩn ngay trong lòng mình, tìm ra lẽ nhất quán ngay trong người mình. [11]

Khi con người tìm ra được căn nguyên của tâm hồn, sẽ không còn quan niệm theo đường lối qua phân gián cách. Khi đã nhận thức được bản nguyên duy nhất ẩn tàng dưới các lớp lang phiến diện của vũ trụ, tâm hồn sẽ khai thông được nguồn mạch ánh sáng, sẽ thông tuệ, sẽ trực giác, và sẽ nhìn thấy rõ hướng đi của tâm thần. Dần dà nhờ sự trung thành theo rõi ánh Hào quang ẩn ước chỉ đường, nhờ sự bền bỉ trên hướng đi đã được chỉ vạch, lướt thắng mọi gian lao, mọi cạm bẫy, mọi trở ngại gây nên bởi tà ma, vật dục; thức thần, kiêu ý, tâm hồn càng ngày càng thấy căn tâm bừng sáng, hạo khí gia tăng.

Dần dà tâm hồn sẽ nhận ra Chân Thể tiềm ẩn đáy lòng khỏi mất công tìm tòi, mò mẫm như xưa. Lúc ấy tâm hồn sẽ phát huy, phóng phát được ánh Thiên Chân ra bên ngoài, soi sáng cho thế nhân biết đường lối Qui nguyên, Phản bản. [12]

Muốn học Dịch cho có kết quả, cần phải tìm cho ra lẽ biến hằng ngay trong lòng mình, tìm ra được bản nguyên của vũ trụ, được lẽ nhất quán ngay trong lòng mình.

Khi tìm ra được căn nguyên, sẽ thông tuệ, sẽ nhận thức và sẽ tìm ra được Thiên Chân. Nhận ra được Thiên Chân, là vào được tâm điểm của vòng Dịch. Lúc ấy sẽ biết được những định luật chi phối sự biến Dịch, lý do và mục đích của sự biến Dịch.

Chu Tử nói: Cái vi diệu của Tạo Hóa, chỉ có những người đi sâu vào nguyên lý mới có thể biết được [13]

Hoàng miễn Trai viết: Trí tri là phương tiện để vào đạo, mà trí tri đâu có dễ; cần phải nhận thức được thực thể của vũ trụ; lúc ấy đầu đuôi cơ sự mới hiển lộ ra; bằng không thì chỉ là giảng thuyết văn tự, ngày một lao sao, làm cho bản thể vỡ vụn, mà căn nguyên cũng chẳng biết là chi. [14]

Ông viết thêm: Lòng nguyên vẹn, không bị xuyến xao, chia xẻ mới có thể thấy được cái bao la của Đạo thể, có học nhiều biết rộng, mới rõ được cái tế vi của Đạo thể.

Trên phương diện bản thể, bản tính, thì vạn vật in nhau, nhưng trên phương diện biến Dịch thì mọi sự, mọi vật đều có một vẻ mặt khác lạ. Cho nên tồn tâm sẽ hàm súc được Lý vạn vật; bác học sẽ hiểu rõ Lý vạn vật [15]

Nếu ta học Dịch với mục đích là tìm chân lý, tìm nguyên thể, thì chẳng những ta tìm ra được bản ý của các hiền triết Á đông, mà còn tìm ra được bình sinh chi chí của các hiền triết Âu Châu.

Thực vậy, Héraclite nghiên cứu sự biến Dịch chính là để tìm cho ra Đạo thể (Logos), cho ra Chân lý đại đồng phổ quát. [16]

Salomon Ibn Gebirol cũng khuyên mọi người hãy vươn lên cho tới bản thể, để thực hiện định mệnh mình và để được hạnh phúc, khoái lạc tuyệt vời. [17] 


CHÚ THÍCH

[1] L’homme qui étudie le Livre des Changements connaîtra la raison d’être du bonheur et du malheur, de la décadence et de l’élévation, et la voie rationelle (Tao) selon laquelle il convient d’avancer ou de reculer, de laquelle il résulte le salut ou la perte.

-- Yi king, tome I, page 11, en note.

-- La voie rationnelle, page 67, note 2)

[2] Duy tích thánh hiền hoài huyền bão chân. 唯 昔 聖 賢 懷 玄 抱 真 .-- Chu Dịch Tham Đồng Khế.

[3] Xem các họa bản Dịch của Phục Hi.

[4] Chu Dịch Tham Đồng Khế - trang 1.

[5] Ib. 1.

[6] Quân tử học Dịch nhi chí ư thần dã. 君 子 學 易 而 至 於 神 也.-- Trùng Biên Tống Nguyên Học Án, quyển III, trang 678.

[7] Dịch chi vi thư giáo nhân hồi Thiên chi đại Kinh đại pháp dã. 易 之 為 書 教 人 回 天 之 大 經 大 法 也.-- Trần thị, Thái cực quyền bổng đồ thuyết - trang 52.

[8] ... Lại Thiên tâm nhân ái cố sử long mã phụ Đồ xuất ư Hà, thần qui tải Thư xuất ư Lạc, sở dĩ chiêu thị thánh nhân tỉ đạo tư dân phản bản qui căn dĩ chí ư Đạo nhĩ. Tiên Thánh nhân chi nhi hoạch quái, dĩ minh Âm Dương vận hành chi đạo. Hậu Thánh xiển chi nhi thành Dịch, dĩ cùng tính mệnh phản hoàn chi lý. Thiển kiến giả bất sát, hoặc cánh mục vi bốc phệ sấm vĩ chi thuật, vụ ngoại nhi thất nội, xả bản nhi trục mạt, khuy đắc nhất đoan dĩ tự hảo, nhi bất kiến đạo chi đại toàn. 賴 天 心 仁 愛 故 使 龍 馬 負 圖 出 於 河, 神 龜 載 書 出 於 洛, 所 以 昭 示 聖 人 俾 導 斯 民 返 本 歸 根 以 至 於 道 耳. 先 聖 因 之 而 劃 卦, 以 明 陰 陽 運 行 之 道. 後 聖 闡 之 而 成 易, 以 窮 性 命 返 還 之 理. 淺 見 者 不 察, 或 竟 目 為 卜 筮 讖 緯 之 術, 務 外 而 失 內, 舍 本 而 逐 末, 窺 得 一 端 以 自 好, 而 不 見 道 之 大 全. -- Văn Đạo tử giảng đạo tinh hoa lục, quyển I, trang 9.

[9] Dịch Kinh Đại Toàn, trang 35b.

[10] Tử viết: Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư. 子 曰: 吾 常 終 日 不 食, 終 夜 不 寢 以 思. -- Luận Ngữ - Vệ Linh Công, XV câu 30.

[11] La conscience pénètre dans le plan du Centre métaphysique. -- M. Sénard - Le Zodiaque - page 33.

[12] Lorsque l’identité humaine découvre l’origine de sa conscience, elle cesse de concevoir par catégorie et dualisme.

Lorsqu’elle prend conscience de l’Unité sous-jacente de l’univers, elle s’ouvre à la lumière de l’intuition qui la féconde; elle naît ainsi à la lumière de l’Intelligence claire et saisit la direction que doit suivre sa volonté. Puis par la fidélité constante au rayon entrevu, persistant dans cette même direction malgré les pièges et les obstacles de l’esprit des ténèbres, matérialisme, sensorialité, rationalisme, orgueil, elle sent croître en elle la lumière et avec elle la force. Peu à peu elle voit, reconnaît, concoit la divinité qu’elle cherchait d’abord obscurément tandis qu’elle la portait en elle, et peut alors la manifester dans le monde sensible. La servante de Dieu est devenue la Mère du Verbe, le lien et l’interprète entre l’Inconscient et le Supraconscient, entre la Terre et le Ciel, entre l’ Esprit et son Pôle réceptif, la substance, et la Vierge ouvre ainsi à l’homme la Voie du retour à L’Essence. -- Sénard, Le Zodiaque, pages 196, et 197.

[13] Tạo Hóa vi diệu, duy thâm ư lý giả năng thức chi. 造 化 微 妙, 惟 深 於 理 者 能 識 之. --Trùng biên Tống Nguyên học án, quyển 3, trang 673.

[14] Trí tri nãi nhập đạo chi phương, nhi trí tri phi dị sự. Yếu tu mặc nhận thực thể phương kiến đoan đích. Bất nhiên, tắc chỉ thị giảng thuyết văn tự, chung nhật huyên hoa nhi chân thể đoạn, nguyên bất tằng thức. 致 知 乃 入 道 之 方, 而 致 知 非 易 事. 要 須 默 認 實 體 方 見 端 的. 不 然, 則 只 是 講 說 文 字, 終 日 喧 嘩 而 真 體 段, 元 不 曾 識.-- Trùng biên Tống Nguyên học án III, trang 693.

[15] Tôn đức tính, sở dĩ tồn tâm nhi cực hồ Đạo thể chi đại, đạo vấn học sở dĩ trí tri, nhi tận hồ Đạo thể chi tế. Tự tính quan chi, vạn vật chỉ thị nhất dạng. Tự đạo quan chi, tắc vật các thị nhất dạng, cố đãn tồn thử tâm nhi vạn vật chi lý vô bất hoàn cụ, duy kỳ các thị nhất dạng, cố tu cùng lý trí tri, nhi vạn sự, vạn vật chi lý phương thủy quán thông. 尊 德 性, 所 以 存 心 而 極 乎 道 體 之 大, 道 問 學 所 以 致 知 而 盡 乎 道 體 之 細. 自 性 觀 之, 萬 物 只 是 一 樣. 自 道 觀 之, 則 物 各 是 一 樣, 故 但 存 此 心 而 萬 物 之 理 無 不 完 具, 惟 其 各 是 一 樣, 故 須 窮 理 致 知, 而 萬 事 萬 物 之 理 方 始 貫 通. -- Trùng biên Tống Nguyên học án quyển III -- trang 692.

[16] Le vrai c’est l’universel, la totalité des fragments du monde, l’intelligence de l’universel, la méditation de l’invisible, la saisie totale de la totalité. (Kostas Alexos - Héraclite et la philosophie p. 64)

...Le Logos est la Raison une, universelle, unificatrice (Vernunft)

Héraclite et la philosophie - page 58-59.

[17] Si tu t’élèves jusqu’à la matière universelle et que tu t’abrites sous son ombre, tu y verras tout ce qu’il y a de merveilleux. Il faut donc que tu fasses pour cela les plus grands efforts, car c’est là le but auquel l’âme humaine est destinée et là est la plus grande jouissance et la plus grande félicité. -- M. Sénard, Le Zodiaque - page 323.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2