DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 9

NGŨ HÀNH

Chương 1. Nhận định tổng quát

 

Tứ Tượng hay 4 trạng thái biến thiên ở bên ngoài không thể làm cho chúng ta quên đi được thực thể duy nhất, làm chủ chốt bên trong.  Vì thế nói đến Tứ Tượng, tất nhiên là phải nói đến Ngũ Hành, nghĩa là phải đề cập thêm đến Hành Thổ ở tâm điểm.

Dịch không trực tiếp đề cập đến Ngũ Hành.  Ngược lại Ngũ Hành đã được đề cập đến ở Kinh Thư, Thiên Hồng Phạm; ở Lễ Ký, Thiên Nguyệt Lệnh.

Tuy nhiên, trong bộ Ngự Án Đại Toàn Dịch Kinh Tôn Bổ, nơi chương Văn Vương Bát Quái phương vị, ta cũng thấy có đôi nhà bình giải đề cập đến vấn đề Ngũ Hành, trong đó có Ngự Án của Khang Hi, và lời bình của Hạng Bình Am.

Ngự Án bình rằng:  Khảm Thủy, Ly Hỏa, Tốn Mộc, Khôn Thổ thì đã đành là hợp với Tượng các quẻ (ở trong Thuyết quái).  Đến như Kim, thì mới chỉ là một trong những Tượng quẻ Kiền; Thương Lang Trúc (Mộc) thì mới chỉ là một trong những Tượng quẻ Chấn.  Cấn mà suy ra là Thổ thì cũng tạm gọi là được; đến như Đoài thì tuyệt không thấy có Tượng là Kim. (Xem Đại Toàn, quyển I, trang 46, 47)

Hạng Bình Am bình rằng:  Thứ tự các quẻ Hậu Thiên đem Ngũ Hành phối hợp với Tứ Thời.

- Chấn Tốn đều thuộc Mộc chủ Xuân, cho nên Chấn ở Đông phương, Tốn ở Đông Nam. 

- Ly, Hỏa, chủ Hạ nên ở Nam.

- Đoài, Kiền, hai Kim, chủ Thu, nên Đoài ở Chính Tây, Kiền ở Tây Bắc.

- Khảm Thủy, chủ Đông, nên là quẻ của Bắc phương.

- Thổ vượng Tứ Quí, nên Khôn thổ ở Hạ, Thu giao nhau, tức là ở phía Tây Nam.  Cấn Thổ, tại nơi Đông Xuân giao nhau, tức là ở Đông Bắc.

- Mộc, Kim, Thổ mỗi hành có 2 quẻ.  Đó là hình vượng.  Thủy, Hỏa có một quẻ.  Đó là khí vượng.

- Khôn, Thổ Âm cho nên ở phía Âm.

- Cấn, Thổ Dương cho nên ở phía Dương.

- Chấn là Dương Mộc cho nên ở chính Đông.  Tốn là Âm Mộc cho nên ở gần phía Nam và tiếp giáp với Âm.

- Đoài là Âm Kim nên ở phía Tây. 

- Kiền là Dương Kim cho nên ở gần phía Bắc và tiếp giáp với Dương. (Dịch Kinh Đại Toàn, quyển I, tr. 47)

Các nhà bình giải cho rằng vòng Dịch Tiên Thiên của Phục Hi không phân Ngũ Hành. Vòng Dịch Hậu Thiên của Văn Vương mới phân Ngũ Hành.  Phương vị như sau:

Dịch, trong chính Kinh, không đề  cập đến Ngũ Hành.  Nhưng Hà Đồ đã xếp các số theo phương vị Ngũ Hành như sau:

 

7 / 2

 

8 / 3    5 / 10    4 / 9

 

1 / 6

Phương vị của Ngũ Hành có thể được giản lược như sau:

  Hỏa

  Nam

 

Đông      Trung     Tây

  Mộc       Thổ         Kim

 

Bắc

Thủy

 

A.  TRUNG THỔ LÀ BẢN THỂ, LÀ TRUNG CUNG THÁI CỰC

Hỏa, Mộc, Kim, Thủy, là 4 hiện Tượng biến thiên ở bên ngoài.  Cho nên Trung Thổ chính là tinh túy, là Bản Thể, là Tinh Hoa.

Âu Châu gọi là Quintessence hay là Quinte Essence: Tinh túy thứ 5.

Ngũ Hành mới là quan niệm toàn bích vì nó gồm cả Tứ Tượng bên ngoài lẫn Thái Cực bên trong.

Quan niệm Ngũ Hành đã được các học giả Đông Tây bàn cãi rất nhiều.  Đi vào chi tiết sẽ không bao giờ cùng. Đây ta chỉ tháo gỡ cho ra những giường mối chính, những ý nghĩa chính.  Ngũ Hành có quan hệ mật thiết đến Siêu Hình Học và Vũ trụ quan Trung Hoa thời cổ.  Có hiểuVũ trụ quan Trung Hoa thời cổ mới hiểu được học thuyết Ngũ Hành.

Trung Hoa cũng như các dân tộc xa xưa, tin rằng vũ trụ vạn vật đều do một nguyện thể, một nguyên động lực phân tán vận chuyển ra bốn phương theo hai chiều kinh (dọc) vĩ (ngang) thành ra hai cặp ngẫu lực chính.  Các ngẫu lực này hoạt động, ảnh hưởng lẫn nhau và dần dà sinh ra mọi loại năng lực.

Đứng về phương diện nguyên liệu, chất liệu, Ngũ Hành là 5 yếu tố cấu tạo vũ trụ.  Hành Thổ ở Trung cung là căn cơ và là cùng đích cho muôn vật.  Chữ Thổ đây không nên hiểu là đất thường, mà nên hiểu là căn cơ, hay bản chất vạn vật.  Vì thế mà sách Ngộ Chân Thiên có viết:

Tứ Tượng Ngũ Hành toàn tạ Thổ. (Tứ Tượng Ngũ Hành đều nhờ Đất) [1]

Quan niệm này tương tự như quan niệm Âu Châu, vì Âu Châu cũng cho rằng ngoài 4 nguyên chất tạo thành vũ trụ, còn có tinh túy thứ năm (quintessence) mà họ gọi là Thái Hư (éther) hay Bản Chất (matière première) [2]

Ấn Độ, Tây Tạng và nhiều phái Huyền học Âu Châu cũng chủ trương con người là tiểu vũ trụ và gồm Ngũ Hành như đại vũ trụ bên ngoài.  Và họ hình dung con người như sau:

Nhiều đền đài Tây Tạng hiện còn xây theo hình đồ trên, ví dụ như đền Koumboum ở Gyantsé. [3]

Xét theo không gian thì Ngũ Hành lại chiếm 5 vị trí chính yếu là Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung.

Xét về thời gian, thì Ngũ Hành chính là 5 thời đại khác nhau, 4 mùa biến thiên bên ngoài và 1 mùa hằng cửu bên trong, vừa là mùa Hoàng Kim khởi thủy, vừa là mùa Hạnh phúc lý tưởng lúc chung cuộc.

Ngũ Hành còn có thể hiểu được là 5 yếu tố cần thiết cho sự sống. [4]  Ý nghĩa này hợp với Hồng Phạm.

Kinh Thư chương Đại Vũ Mô viết:

Nhân đức của nhà vua hiện ra trong một nền chính trị giỏi giang, khéo léo.  Mà làm chính trị, trước hết là phải biết nuôi dân. [5]

Sáu yếu tố cần cho dân là: Thủy, Hỏa, Kim Mộc, Thổ, Cốc (nước, lửa, kim khí, gỗ, đất, lúa); chúng cần được khai thác.  Nhà vua chẳng những phải lo giáo hóa, khuyến thiện cho dân, mà còn phải cho họ biết khai thác, lợi dụng vật chất thiên nhiên cho đời sống họ được rồi rào phong phú.[6]

Ngũ Hành chẳng qua là tấn tuồng vũ trụ, mà vai chính lại là Thái Cực, Tuyệt Đối.

Vì vậy mà Thiên Tử Trung Hoa thời xưa, hằng năm đã đóng lại tấn tuồng vũ trụ nói trên trong tòa Minh Đường.

Xuân thì phẩm phục xanh, cờ xí xanh, cưỡi ngựa thanh long, dùng ngọc bích, lại ngự cung Thanh Dương phía Đông.

Hạ thời phẩm phục đỏ, cờ xí đỏ, cưỡi ngựa hồng, mang ngọc đỏ, ngự cung Minh Đường phía Nam.

Sau ngày Hạ chí, thời phẩm phục vàng, cưỡi ngựa  vàng,  đeo  ngọc  vàng, ngự  nơi Trung Cung Thái Miếu, ngụ ý nhà vua làm chủ chốt cho không gian và thời gian.

Thu thời phẩm phục trắng, cờ xí trắng, cưỡi ngựa bạch, đeo ngọc trắng, ngự cung Tổng Chương phía Tây.

Đông thời phẩm phục đen, cờ xí đen, cưõi ngựa ô, đeo ngọc huyền, ngự cung Huyền Đưòng phía Bắc.

Đại khái như muốn nói lên chân lý này là, cũng như vũ trụ có thời gian, có tiết tấu trong công cuộc biến hóa, con  người cũng phải tùy theo thời gian tuổi tác mà hoạt động cho đúng tiết tấu thiên nhiên. [7]


CHÚ THÍCH

[1]  Chu Dịch, Tham Đồng Khế Phát Huy, thượng quyển, trang 4.

[2] D’une manière génerale, la quintessence symbolise la pure réalité spirituelle par rapport à ses traductions quarternaires, entachées des servitudes d’expression ou d’incarnation.  C’est par exemple, le Christ, Verbe divin, par rapport aux Évangélistes, témoins inspirés participant de sa lumière.  La quintessence n’est pas pur symbole, elle a sa réalité propre encore qu’insaisissable aux sens humains...

— Louis Lallemant, La Vocation de L’Occident, p. 24.

[3] Xem Fondements de la Mystique Tibétaine, p. 260-261.

[4] Legge dịch là:  The five essentials to human life.— J. Legge, The Shoo King, p. 326.

[5] Vũ viết: Ư đế niệm tai.  Đức duy thiện chính: chính tại dưỡng dân. 禹 曰 於 帝 念 哉. 德 惟 善 政: 政 在 養 民 . — J.  Legge,  The Shoo King, page 55.

[6] Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ, Cốc duy tu, chính đức lợi dụng hậu sinh. 水 火 金 木 土 穀 惟 修, 正 德 利 用 厚 生 . — Kinh Thư Đại Vũ Mô, tiết 7.

[7] Xem Lễ Ký Nguyệt Lệnh.

   Xem Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trang 158-173.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8