DỊCH KINH YẾU CHỈ
Hướng đi của Thánh
nhân
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến
Lê
Mục lục | Lời nói
đầu | Phần 1 2
3 4
5 6
7 8
9
| chương 1 2
3 4
5 6
7 8
Phần 9
NGŨ HÀNH
Chương 5. Thuyết Âm
Dương Ngũ Hành với Đạo Giáo Trung Hoa
Thuyết Âm Dương, Ngũ Hành
của Trâu Diễn chẳng những có ảnh hưởng lớn lao trên phương diện Chính
trị và Học thuật, mà còn có ảnh hưởng lớn lao trên phương diện Đạo Giáo
Trung Hoa.
Từ thời Tần, ta đã thấy các
phương sĩ dựa vào thuyết Âm Dương Ngũ Hành, để luyện thuốc trường sinh
bất tử.
Đến thời Hán Vũ Đế
(140-86), học thuyết này càng trở nên mạnh. Ngoài việc nhờ các phương sĩ
đi ra Đông Hải để tìm thuốc trường sinh, hoặc lên miền sa mạc Gobi, để
tìm thần mã, có thể đưa nhà vua bay thẳng về Trời, vua Vũ Đế còn dựa vào
thuyết Âm Dương, Ngũ Hành mà lập ra một thứ tôn giáo mới. Vua lấy
núi Cam Tuyền, làm trung tâm điểm thờ tự. Trên núi, có lập nhiều
bàn thờ, để thờ Thái Ất (tức Thái Cực), Thiên Ất (tức Kiền), Địa Ất
(Khôn), Ngũ Đế (Ngũ Hành), tức Hoàng, Thanh, Xích, Bạch, Hắc Đế.
Thái Ất, Thiên Ất, Địa Ất
được thờ nơi tâm điểm, trung điểm. Hoàng, Thanh, Xích, Bạch, Hắc Đế thờ
nơi các bàn thờ chung quanh. Thanh, Xích, Bạch, Hắc Đế thờ ở đúng bốn
phương. Hoàng Đế thờ ở phía Tây Nam (Thổ).
Ngày đại lễ, có những nghi
thức rất là quan trọng. Vua cho sửa sang lễ vật, rượu, trâu, bò, dê,
lợn, để làm lễ Tam sinh. Vị chủ tế bận áo tím; năm vị bồi
tế mặc các sắc phục xanh, đỏ, trắng, vàng, đen.
Sáng ngày lễ, vua trai giới,
cùng quần thần ra dự lễ với các vị tăng sĩ. Vua lạy trước bàn thờ Thái
Ất, còn quần thần thời lạy trước vua. Vũ Đế cho rằng những nghi lễ đó đã
làm đẹp lòng trời đất, và đã đem lại thịnh vượng cho đất nước. Thái Ất
nói trên cũng tương đương với Đạo của Đạo Lão, với Thái Cực của Dịch
Kinh, với Nguyên của Đổng Trọng Thư, còn Thiên Ất, Địa Ất, và Ngũ Đế
thời tương đương với Âm Dương, Ngũ Hành.
Đến thời Vương Mãng, sự tổ
chức lễ nghi lại còn chu đáo hơn nữa. Vương Mãng cho xây tòa Minh
Đường. Minh Đường gồm 9 cung. Tùy theo mùa, vua sẽ
ở cung tương ứng với mùa đó, theo đúng thuyết Ngũ Hành, lại mặc
sắc phục tương ứng, làm các công vụ quốc gia tương ứng, y như đã ghi nơi
thiên Nguyệt Lệnh trong bộ Lễ Ký, để cho việc ngưòi hòa hợp với chiều
trời, vận trời trong năm.
Vương Mãng tổ
chức lại công cuộc thờ tự như sau: Ông thờ Thái Ất, Thiên Ất tại Kinh
Đô,trong một đền thờ, và Địa Ất trong một đền thờ riêng. Còn Ngũ Đế
(Ngũ Hành) thời thờ ở ngoài châu thành. Ngũ Đế bây giờ lại là
5 vua đầu trong lịch sử Trung Hoa. Hoàng Đế
được thờ trong một đền ở phía Tây Nam, cùng với Hoàng Long, mặt trời,
sao Bắc Thần, 7 ngôi bắc đẩu, và Thổ Tinh, cùng các ngôi sao ở cung Tử
Vi viên.
Phục Hi
hay Thanh Đế được thờ ở một đền phía Đông, với Thanh Long,
thần Sấm, thần Gió, với Mộc Tinh, và các sao trong chòm sao Thanh Long.
(Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ).
Thần Nông
hay Xích đế được thờ trong một đền thờ phía Nam, cùng với
Châu Tước, Hỏa Tinh, và các sao trong chòm sao Châu Tước (Tỉnh, Quỉ,
Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.)
Thiếu Hiệu hay Bạch
Đế, được thờ
trong một đền thờ ở phía Tây cùng với Bạch Hổ, Kim Tinh, và các sao
trong chòm sao Bạch Hổ (Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.)
Chuyên Húc hay Hắc Đế,
được thờ trong một đền thờ phía Bắc cùng với Huyền Võ, mặt trăng, thần
mưa, Thủy tinh, và các sao trong chòm sao Huyền Võ. (Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư,
Nguy, Thất, Bích)
Vương Mãng cho rằng như vậy
đã tạo nên được sự hòa hợp giữa đất trời, và đem lại hòa bình, thái
thịnh cho đất nước.
Mục lục | Lời nói
đầu | Phần 1 2
3 4
5 6
7 8
9
| chương 1 2
3 4
5 6
7 8
|