DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 9

NGŨ HÀNH

Chương 8. Tổng luận về Ngũ Hành

 

Quan niệm về Ngũ Hành thực là một quan niệm phong phú nhưng cũng hết sức phức tạp.  Phong phú như cuộc đời, phức tạp như cuộc đời.  Có mất thì giờ nghiền ngẫm mới thưởng thức được hết cái hay của nó.

Về phương diện Đạo Đức và Triết Học, thuyết Ngũ Hành coi vũ trụ là Thượng Đế, và là biểu dương của Thượng Đế. Đó là một quan niệm chung của các khoa Huyền  Học  Đông  Tây.   Ta  đã  thấy  phái  Rose- Croix, hay Tarot, cũng đã chủ trương như vậy.

Đạo Lão viết:

Đông tam, Nam nhị, đồng thành ngũ

Bắc nhất, Tây phương, tứ cộng chi

Mậu Kỷ, tự cư, sinh số ngũ.

Tam gia tương kiến, kết Anh nhi.

Về phương diện Triết Học, người xưa muốn dùng Ngũ Hành để suy ra các hiện Tượng, cũng như các yếu tố căn bản tạo thành vũ trụ.

Dịch cho rằng vũ trụ được tạo nên do Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.  Ấn Độ, Tây Tạng, Aristote cho Ngũ Hành là Đất, Nước, Lửa, Khí và Thái Hư.  Phật giáo thời chỉ có Tứ Đại là Địa, Thủy, Hỏa, Phong...

Bây giờ, chúng ta chỉ nên coi Ngũ Hành là những tiếng dùng để Tượng trưng cho Thượng Đế, và những yếu tố cơ bản, để tạo thành vũ trụ, từ khinh thanh đến trọng trọc.  Có vậy, ta mới giữ nguyên được giá trị của học thuyết Ngũ Hành về phương diện Triết Học, và Khoa Học.  Bằng nếu chúng ta cố bám víu vào nghĩa đen, mà giải thích thì chắc chắn sẽ lạc hậu, lỗi thời.

Thực vậy, nếu hiểu theo nghĩa đen, thì tất cả thuyết xưa từ Ngũ Hành của Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng, Hi Lạp, hay Tứ Đại của Phật Giáo đều không đứng vững, trước những phát minh của Khoa Học.   

Ngày nay, theo Khoa Học, thì 4 nguyên tố chính yếu tạo nên Vũ trụ là Dưỡng khí (O), Khinh khí (H), Thán khí (C), Đạm khí (N).

Nếu chúng ta đi sâu vào chiều hướng vi tử, vi trần, ta lại có thể phân mỗi nguyên tử ra làm nhiều yếu tố khác nhau như: 

Khinh tử......... Proton  ........................  0

(Leptons)....... Neutrino.......................  0

                           Electron.......................   I

                           Muon (Méson  m ) ......   206,9 

Trung tử......... Pion (Méson p )..........   264

(Mésons).......  Méson K......................   966 

Trọng tử........  Nucléons.... Proton....  1836,12

(Baryons)............................  Neutron   1838,65

                          Hypérons     Lambda     2182

                                                Sigma +     2328

                                                Sigma  -     2342

                                                Sigma 0    2330

                                                Ksi -           2583

                                                Ksi 0          5579     v.v...

Thế là về phương diện Khoa Học, chúng ta càng ngày càng xa với quan niệm Ngũ Hành, hay Tứ Đại xa xưa...

Về phương diện Văn Chương, và Tượng hình ta thấy quan niệm Tứ Tượng, Ngũ Hành đã đóng góp rất nhiều.

Về phương diện Y, Lý, Số, ta thấy quan niệm Ngũ Hành được khai thác, và áp dụng hết sức là tài tình.  Tuy nhiên, ta phải công nhận rằng ngay từ căn bản, nó đã là tính cách ước lệ (conventionnel).

Nó còn có yếu điểm là coi Hành Thổ (Principe) như bốn hành kia, mặc dầu bốn hành kia trên nguyên tắc chỉ là biểu dương (manifestations) của hành Thổ.

Sau khi đã khảo về Âm Dương, Tứ Tượng, Ngũ Hành, sau khi đã  biết nhẽ  sinh, khắc, chế, hóa, của Trời đất, ta có thể áp dụng quan niệm Âm Dương, Tứ Tượng,

Ngũ Hành, để tạo cho chúng ta một đời sống hợp tình, hợp lý, biết cách xu cát, tị hung. 

Phương pháp đó có thể toát lược như sau:

Nhận định rằng ta lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, nên nếu ta biết hoàn cảnh, là biết được một phần lớn số phận cá nhân.

Hoàn cảnh hay, dở khác nhau, tùy năm, tùy tháng, tùy mùa, tùy ngày, tùy giờ, tùy như ở tâm trạng quần chúng, tùy như ở chỗ chính thắng, hay tà thắng; quân tử thắng, hay tiểu nhân thắng; tinh thần thắng, hay vật chất thắng; tinh thần làm chủ, hay vật chất làm chủ.

Nhưng trong mỗi hoàn cảnh, cá nhân có hay, có dở khác nhau, tùy tâm tư, chí hướng, hoài bão, tài đức, hành vi của mỗi người. Lại cũng còn tùy vào địa vị của mỗi người, tùy như có người giúp đỡ hay gàng quải, tùy như ở gần quí nhân, hay tiểu nhân; hành động ta cũng có hay, có dở khác nhau. 

Hành động hay, sẽ đem lại cho ta lợi ích.  Hành động hay, là hành động hợp đạo lý, hợp tình, hợp cảnh, không làm ta phải xấu hổ, hối hận, hay phàn nàn.

Hành động dở, sẽ đem lại cho ta hung họa, làm cho ta băn khoăn, hối hận.  Những hung họa ta gặp một phần lớn phát sinh là vì: Chúng ta sống trong những hoàn cảnh không thuận lợi;  làm những công việc không thích hợp với tài cán;  cộng tác hay sống gần gũi những người không đồng tình, đồng ý, đồng quan niệm với ta.

Vậy muốn sống một cuộc đời lý tưởng, phải thuận theo đạo lý, tức là theo những định luật thiên nhiên, không được gàng quải với trời đất, với thời gian, tuổi tác.  Phải tìm hoàn cảnh thuận tiện những công việc mình ưa.  Rồi ta  lại phải tránh họa hung,  khi chúng hãy còn  chưa  chớm phát, phải cố gắng dùng thời gian, dùng hoàn cảnh, để tạo cho mình một đời sống lý tưởng, cao đại.

Tóm lại đời vừa là bể khổ vừa là tiên cảnh, tùy như ta biết dùng đời, hay không biết dùng đời.

Chính vì vậy mà Âm Phù Kinh mới viết: Thiên hữu ngũ tặc, kiến chi giả xương.

Không biết dùng đời, không biết xử dụng Ngũ Hành, thời đời sẽ thành giặc cướp, Ngũ Hành sẽ thành giặc cướp hãm hại ta.  Biết dùng đời, biết dùng Ngũ Hành, thời đời sẽ trở nên tấm thảm thần, Ngũ Hành sẽ trở thành 5 con rồng linh đưa chúng ta tới một tiền trình viễn đại và hạnh phúc...


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8