PHẬT HỌC CHỈ NAM

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 3

BẢN THỂ LUẬN VÀ HIỆN TƯỢNG LUẬN

 

Tôi rất là khổ tâm khi phải dùng đến những danh từ dao to, búa lớn; những danh từ hàn lâm, trường ốc, xa vời dân gian, quần chúng, như Bản thể luận và Hiện tượng luận. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm quen với ít nhiều danh từ «nghênh ngang» như vậy, vì thế giới đã chấp nhận chúng.

Tôi cũng sẽ không đưa ra ngay một định nghĩa nào đó về Bản thể và Hiện tượng, vì tôi không muốn trói chặt tôi vào trong những thừng chão của giới hạn. Tôi sẽ cứ bàn về vấn đề, rồi từ từ các bạn sẽ nhìn thấy nó rõ ràng.

Nôm na mà nói, thì Bản thể là căn cơ sinh xuất ra vũ trụ quần sinh này. Còn hiện tượng bao gồm tất cả vũ trụ, quần sinh, tất cả những gì chúng ta nhìn được, nghe được, sờ được, nếm được, ngửi được; tất cả những gì mà tâm tình, trí lự ta cảm được, suy được, tưởng tượng được. Á Châu gọi hiện tượng là «Hình, Danh, Sắc, Tướng» nếu là ở ngoại giới; là «Pháp» nếu là ở nội giới tâm linh.

Như vậy, ta đã thấy ngay tầm quan trọng vô biên của Bản Thể. Đa số triết gia Âu Châu chủ trương rằng mỗi vật lại có một bản thể riêng biệt: Thượng đế có bản thể của Thượng đế; vạn hữu có bản thể của vạn hữu; người, vật, cỏ cây, nhất nhất đều có bản thể riêng tư. Nhưng các bậc đại thánh, đại hiền Đông cũng như Tây đều chủ trương ngược lại rằng: Bản Thể có một; chỉ Hiện Tượng mới là ngàn muôn, sai biệt. Chính vì vậy mà Á Đông đã tạo ra được 1 khẩu hiệu hết sức là đẹp đẽ: Thể Duy Nhất, Dụng Vạn Thù. Và lạ lùng thay, bất kỳ là Bà La Môn, hay Phật giáo, hay Lão giáo, Khổng giáo, tất cả các đạo giáo lớn Á Đông đều nhất luật chia sẻ quan niệm then chốt nói trên. Những khẩu quyết như: THIÊN ĐỊa VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ hay NHẤT TÁN VẠN, VẠN QUI NHẤT đã trở thành sáo ngữ ở cửa miệng dân gian. Phật giáo có khẩu quyết NHẤT THIẾT CHÚNG SINH GIAI HỮU PHẬT TÍNH. Tất cả đều nói lên cái Bản Thể duy nhất của đất trời.

Nếu Bản Thể là Duy Nhất, thì nó sẽ là MỘT. Đã là MỘTthì không có đối đãi, như vậy nó sẽ là TUYỆT ĐỐI, hay VÔ ĐỐI Nếu ta tô điểm cho từ ngữ thêm trang trọng, ta sẽ nói Bản Thể CHÍ TÔN VÔ ĐỐI. Đã là MỘT sẽ không biến thiên, tức là không có SINH, LĂO, BỆNH, TỬ. Ta cũng có thể nói Bản Thể thời vĩnh cửu trường tồn, trường sinh bất lão. Nó sinh ra muôn vàn biến thiên, muôn ngàn hiện tượng. Như vậy ta sẽ sánh nó như một vừng dương ở trung tâm vũ trụ, tung tỏa ra muôn ngàn hiện tượng, như muôn ánh dương quang. Vì thế mà Á Đông còn gọi Bản Thể là TRUNG. Nếu Bản Thể là TRUNG, là TÂM ĐIỂM sinh vạn tượng, thì ta cũng gọi được đó là TÂM, chữ TÂM viết hoa, chữ TÂM nguồn sinh vạn vật, chứ không phải cái tâm hồn rạo rực muôn ngàn tình cảm riêng tư của con người, hay cái con tim thịt, bóp bóp, đập đập, để đưa máu đi cùng khắp cơ thể. Nếu Bản Thể là TRUNG, là TÂM, là CHÂN TÂM, thì Hiện Tượng, thì Vạn Hữu bên ngoài sẽ được tượng trưng bằng hình tròn bên ngoài. Cho nên vòng tròn bên ngoài được coi là vòng Dịch, vòng Biến Thiên hay vòng Luân Hồi. Nếu bây giờ, ta cầm được cái TÂM mà kéo nó lên, nó sẽ thành cái đỉnh, cái chóp; vòng tròn bên ngoài sẽ thành cái đáy. Vì cái đỉnh, cái chóp là cao nhất, nên ta gọi được TRUNG, là THÁI CỰC. Thế là ta đã chứng minh được rằng Bản Thể, hay Chân Tâm, hay Tâm, hay Trung, hay Thái Cực, hay Nguồn Gốc hay Căn Nguyên đều là những danh hiệu tương đương với nhau.

Bản thể khi đã sinh ra vạn hữu, thì gọi là Hữu; khi chưa sinh ra vạn hữu, thì gọi là Vô. Hữu là hiện, Vô là ẩn. Ẩn hiện chỉ là hai phương diện của một Bản Thể. Lại nữa, Bản Thể dù khi chưa sinh ra vạn hữu, dù khi đã sinh ra vạn hữu, lúc nào cũng vẫn thuần nhất bất khả phân: Mặt trời kia khi phóng ra muôn ánh hào quang, nào đâu có vì thế mà nát tan, rạn vỡ? Vì thế Bản Thể cũng còn được mô tả bằng những danh từ như HỒNG MÔNG, HỖN ĐỘN. Hỗn Độn, Hồng Mông, vì bao giờ cũng Vô Sai Biệt, Vô Gián Cách. Bản Thể vì sinh ra vạn hữu, sinh ra mọi hiện tượng, nên người xưa cũng còn sánh nó với NGUỒN, với GỐC, hay gọi nó là CĂN NGUYÊN. Hơn nữa chữ Bản trong chữ Bản Thể cũng đã có nghĩa là gốc rồi.

Bước sang Hiện Tượng, ta thấy ngay nó chỉ là cái gì hình hiện lên bên ngoài nó chỉ là ảnh tượng của một cái gì ẩn khuất bên trong. Hiện tượng thời ngàn muôn, nên người xưa gọi nó là Vạn. Vì nó chỉ là ảnh tượng nhắc nhớ tới Bản Thể, nên nó không có bản ngã riêng biệt, nên nó không có thực. Người xưa gọi đó là VỌNG. Vọng tâm, vọng ngã như vậy đều nằm trong vòng hiện tượng. Hiện tượng vì chỉ là những biến thái, biến dạng, những hình thức, những ứng dụng của Bản Thể, nên nay còn, mai mất, chất chưởng như trứng để đầu đẳng; mau qua như bóng câu qua cửa sổ; chóng tàn phai như thân phận một đóa hoa. Nói cho trang trọng hơn, nói cho có vẻ triết học hơn, ta sẽ rằng hiện tượng nằm trong vòng SINH, LĂO, BệNH, Tử, trong vòng SINH DIỆT, LUÂN HỒI, trong vòng BIẾN THIÊN, SINH HÓA. Cái gì nay còn mai mất sẽ tạo cho con người khổ đau, vì thế mà Vạn Tượng hay Vạn Hữu gợi lên sự âu sầu, khổ não. Ngược lại, Bản Thể sẽ gợi lên ý niệm hạnh phúc vô biên.

Cung Oán Ngâm Khúc đã mô tả cảnh phù du, hư ảo của hiện tượng bằng những vần thơ lâm ly, thống thiết nhưng thật tuyệt vời:

Kìa thế sự như in giấc mộng,

Máy huyền vi mở đóng khôn lường,

Vẻ chi ăn uống sự thường,

Cũng còn tiền định khá thương lọ là.

Đòi những kẻ thiên ma, bách chiết,

Hình thì còn, bụng chết đòi nau!

Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra,

Khóc vì nỗi xót xa sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu,

Trắng răng đến thuả bạc đầu,

Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,

Lớp cùng thông như róc buồng gan,

Bệnh trần đòi đoạn tâm can

Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da,

Gót danh lợi bùn pha sắc xám,

Mặt phong trần, nắng rám mùi dâu,

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê...  

 Ngụp lặn trong vòng hiện tượng, là đắm đuối trong vòng sinh tử luân hồi, là chơi vơi trong bến mê bể khổ. Từ hiện tượng biến thiên, nếu biết vươn vượt lên cho tới Bản Thể trường tồn, sẽ được giải thoát; đó chính là thoát Luân hồi. Muốn được vậy, phải vận dụng được tuệ giác của mình.

Buông thuyền Bát Nhã tếch bờ mê,

Bến giác bên kia thoắt đã kề,

Tịch Diệt Niết Bàn đây há phải?

Tự Tại Căn Nguyên chứng Bồ Đề! 

Nói rằng Bản Thể là vĩnh cửu, trường tồn; hiện tượng là phù du hư ảo, ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận. Nhưng có cái lạ là người ta thường tách rời cái Bản thể ra khỏi hiện tượng; tách rời vĩnh cửu ra khỏi ảo ảnh, phù du. Riêng tôi sau nhiều năm tháng suy tư, tôi đã đi đến một niềm tin sắt đá rằng Bản thể không bao giờ rời xa được hiện tượng. Nếu Bản Thể là hình, hiện tượng sẽ là bóng; nếu Bản thể là trùng dương, hiện tượng sẽ là những đợt sóng nhấp nhô trên mặt; nếu Bản Thể là gốc gác, hiện tượng sẽ là hoa, lá, cành xum xuê, tươi tốt bên trên.

Thiền sư Trí Khải (viên tịch năm 597), người sáng lập ra Thiên Thai Tông, và sau đó thiền sư Đỗ Thuận (viên tịch năm 640) cũng đã giảng dạy quan niệm này. Theo các Ngài, Bản Thể với Hiện Tượng như nước với sóng. Sóng do nước hình hiện lên. Sóng được hình hiện lên là cái tôi, là vạn pháp, vạn tượng. Nước ở phía dưới là Bản Thể, là Chân Như, là Phật. Kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm cũng quảng diễn hai tư tưởng lớn đó.[1]

 Tô Đông Pha đã làm bài Xích Bích phú để trình bày quan điểm trên:

Tô tử đáp: Kìa trăng, nọ nước,

Nước kia trôi sau trước vẫn nguyên.

Trăng kia tròn khuyết ngày đêm,

Mà nào có giảm, có thuyên bao giờ.

Trong biến chuyển nhìn ra trời đất,

Thì đất trời phút chốc đã qua,

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài, muôn vật như ta vô cùng...   

Trang tử, trong thiên Thu thủy, Nam Hoa Kinh cũng có nhận định tương tự:

Nhìn vạn vật từ trong phân biệt,

Thời mật gan, Sở Việt khác xa.

Từ trong đồng nhất nhìn ra,

Muôn loài, muôn vật đều là một thôi.  

Đối với Dịch Kinh, Bản Thể chính là Thái Cực; vũ trụ, quần sinh là bát quái; các hiện tượng đa tạp, các hoàn cảnh chi li bên ngoài là 64 quẻ. Thái Cực là Thể; Vạn hữu là Dụng. Tuy nhiên:

«Thể dụng nhất nguyên;

Hiển vi vô gián».

Thể với Dụng đều cùng nguồn mạch,

Hiển cùng Vi phân cách sao đang!  

Thế là về phương diện triết học, chúng ta đã mặc nhiên cùng nhau lên tới tuyệt đỉnh của thần trí, phóng mắt nhìn ra muôn phương, muôn ngả; bao quát vũ trụ, và đã không cho một thứ gì trong hoàn võ lọt khỏi tầm nhìn, lối nghĩ, lọt khỏi vòng tay của chúng ta. Thật vậy, muôn loài đều nằm gọn trong hai chữ Bản Thể và Hiện Tượng của chúng ta; mà Bản Thể và Hiện tượng lại nằm gọn trong chữ MỘT viên dung, toàn mãn

***

Từ quan niệm triết học về Bản Thể và Hiện tượng nói trên, chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa, để đi vào lãnh vực đạo giáo. Lúc này Bản Thể vì là Nguồn Sinh muôn vật, nên sẽ được gọi bằng Thượng đế, bằng Allah, bằng Đạo, bằng Thái Cực, bằng Chân Như. Hiện tượng sẽ là vũ trụ, quần sinh; sẽ là sinh linh vạn hữu; sẽ là vọng tâm, vọng ngã.

Trong phần trên, chúng ta đã chứng minh Bản thể không thể nào rời xa hiện tượng: đâu có Bản Thể, đấy có hiện tượng. Như vậy, bây giờ, chúng ta bắt buộc phải đi đến kết luận: Thượng Đế không bao giờ, và không thể nào rời khỏi được vũ trụ quần sinh. Tưởng mình sống rời xa Thượng đế, xa Thái Cực, Chân Như, dù là một phút giây, cũng là điều lầm lỗi lớn của nhân quần từ trước tới nay.

Tính Mệnh Khuê Chỉ, một quyển sách đạo Lão có thơ:

Yểu yểu, minh minh khai chúng diệu,

Hoảng hoảng, hốt hốt bảo châu khiếu,

Liễm chi, tiềm tàng nhất lạp trung,

Phóng chi, di mạn hợp lục biểu. [2]

 Phỏng dịch:

Yểu yểu, minh minh chúng diệu khai,

Phảng phất, hư vô vẫn một Trời.

Tiềm tàng, nằm gọn trong trần cấu,

Phóng phát, bao trùm khắp chốn nơi!

 Lại có thơ:

Tá vấn chân nhân hà xứ lai?

Tòng tiền nguyên chỉ tại linh đài!

Tích niên vân vụ thâm già tế,

Kim nhật tương phùng đạo nhỡn khai!

 Phỏng dịch:

Chân nhân ướm hỏi tới từ đâu?

Tâm khảm tiềm tàng sẵn đáy sâu,

Thủa trước linh đài vân vụ phủ,

Ngày nay chợt tỉnh, thấy bên nhau! [3]

Thánh giáo sưu tập 1968-1969 của Cao Đài giáo có thơ:

 Thày ngự trong lòng mỗi chúng sinh.

Chúng sinh giác ngộ biết tu hành,

Thương yêu mựa tách người khôn dại,

Điều độ đừng chia kẻ dữ lành. [4]

 Trong một đàn cơ khác có thơ:

Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,

Chẳng màng hạ giới dựng cao ngôi,

Sang hèn trối kệ, tâm là quí,

Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.  

Vô Cấu Tử có kệ rằng:  

Ngũ uẩn sơn đầu nhất đoạn không,

Đồng môn xuất nhập bất tương phùng,

Vô lượng kiếp lai nhẫm ốc trú,

Đáo đầu bất thức chủ nhân ông! [5] 

Phỏng dịch:

Đầu non ngũ uẩn một vầng không,

Vào ra cùng cửa chẳng tương phùng,

Từ bao nhiêu kiếp thuê nhà ở,

Tới nay nào biết chủ nhân ông. 

Sự khảo sát về bản thể và hiện tượng cho chúng ta một cái nhìn khái quát rằng từ trước tới nay nhân loại chỉ có hai con đường: Một con đường mênh mông, sông Ngô, bể Sở, mà quần chúng ùa nhau đi vào. Họ tin rằng Bản thể dĩ nhiên phải lìa xa hiện tượng; Trường sinh phải rời xa kiếp phù sinh; Thượng đế, Allah, Ngọc Hoàng, hay Zeus chắc chắn là phải ngự trị trong những cung vàng điện ngọc nơi những thiên đình, những cung Bạch Ngọc, hay những ô-Liêm-Bá (Olympia) xa tít tắp chín tầng mây. Phật, Trời phải ở Lhassa, Mecca hay ít nhất là trong những vương cung, những thánh đường, những đền đài miếu mạo nguy nga, mà mái được dát vàng, mà những ngọn tháp vươn lên cao như muốn ngạo nghễ với trời mây.Họ bằng lòng đi hành hương thật xa, thật gian khổ; có khi là đi ba bước một lạy; có khi là đi một bước một lạy, với thâm ý là để thần phật, từ trời cao trông thấy, sẽ động lòng thương mà ban ơn, mà độ trì, cứu rỗi. Họ đâu có ngờ rằng trái đất của chúng ta thật ra đang vần xoay lơ lửng bên lề một giải Ngân Hà, trên dưới chung quanh đâu đâu cũng có thể gọi được là trời, không thể gọi đâu là trên, đâu là dưới...  Họ ngụp lặn trong bể khổ trần gian, mà không bao giờ chịu tìm ra những phương pháp khoa học hữu hiệu để diệt khổ. Họ chuyên nịnh hót thần thánh, hối lộ thần thánh; đưa thần thánh vào con đường hủ hóa, tham nhũng của trần gian; bắt thần thánh nhận tiền tài, lễ vật, để thiên vị, để bao che. Họ không cần sống thanh cao, không cần chuyển hóa nội tâm, mà phó mặc chuyện đó cho thần thánh. Thần thánh sẽ tẩy rửa, sẽ tế độ họ. Họ đặt tất cả tham vọng vào một lai sinh và đạo giáo đối với họ chẳng qua là một cuộc đầu tư, buôn bán vĩ đại.

Con đường thứ hai là con đường hết sức chật hẹp, mà rất ít người tìm ra được, mà rất ít người dám đi vào. Đó là con đường nội tâm. Đó là con đường của Như Lai, của Lão, của Trang, của Khổng, của Mạnh, của Hán Chung Ly, của Lữ Đồng Tân, của Vương Trùng Dương, của Eckhart, của John of the Cross, của Ramakrishna, của Vivekananda, của Al Hallaj. Họ đi vào con đường này vì xác tín rằng Trời không bao giờ có thể lìa xa vạn vật, lìa xa con người; y thức như bóng với hình, như nước với sóng, không có bao giờ lìa xa nhau. Thế tức là Bản Thể không lìa xa hiện tượng; hằng cửu không rời khỏi biến thiên. Con đường này hết sức là giản dị, hết sức là gần gũi; chẳng cần đi mà đã tới liền. Thế là «Bất hành nhi chí» vậy. Đi vào con đường này, họ chứng nghiệm được từng bước tiến, từng những thành quả thâu lượm được. Họ đúng là những người khát mà được uống nước thật sự, ăn trái mai thật sự; chứ không như ai chỉ mơ uống nước, chỉ tưởng thấy rừng mai...

Chẳng hạn như ở bên Hồi giáo, có môn phái Bạch Y (Sufism). Sở dĩ có môn phái này là vì họ dựa vào một lời thánh kinh Coran (Quran): «Ta đã tạo nên con người; và ta biết tâm hồn nó thở than gì; và ta gần gũi nó hơn tĩnh mạch cổ của nó» (Quran 50:16). Các đại thánh thuộc môn phái này cho rằng vũ trụ hữu hình chẳng qua là những bức màn che dấu Thượng đế, và người thấu thị lúc nào cũng thấy Ngài, xuyên thấu qua bức màn hình danh, sắc tướng.

Baba Kuhi ở Shira (chết 1050) có bài thơ mà tôi phỏng dịch như sau:

Ở ngoài chợ, ở trong dòng,

ở đâu cùng thấy thuần ròng Chúa thôi.

Xuống khe, lên núi, lên đồi,

ở đâu cũng thấy Chúa tôi tràn đầy.

Giàu sang, nghèo khó tuy thay,

Bao giờ cũng thấy Chúa ngay bên mình.

Dù khi tĩnh tọa, cầu kinh,

ăn chay, giữ giới, thấy mình Chúa thôi.

Bất kỳ hay dở trên đời,

Truy nguyên vẫn thấy Chúa tôi rành rành.

Mở to đôi mắt nhìn quanh,

Trông gì cũng thấy hóa thành Chúa thôi!

Nến tôi thắp cháy lửa Ngài,

Hào quang vừa tỏa, Chúa tôi hiện hình,

Mượn đôi mắt Chúa nhìn quanh,

Bỏ đôi mắt tục, vẫn rành Chúa thôi.

Giã từ hiện tượng hình hài,

Lạ sao vẫn thấy Chúa tôi như thường.

Tưởng mình tan biến, hư vương,

Nào hay mình vẫn miên trường, vô biên.[6]

 Rumi, một thánh nhân Hồi giáo khác, cũng dứt khoát cho rằng chỉ có thể tìm thấy Chúa trong tâm hồn con người mà thôi. ông có thơ sau:

 Tôi lục lạo khắp cùng Thiên Chúa Giáo,

Thánh giá nhìn lên, tôi thấy nó trống không!

Tăm tích Ngài, sao tôi thấy vẫn mịt mùng!

Tôi lang thang trong chùa chiền, miếu mạo,

Ngài ở đâu, sao chẳng thấy hình dung?

Đá Kaaba, tôi quanh quất, ruổi rong,

Đô hội ấy, mà sao Ngài vắng bóng!

Tâm hồn tôi, tôi nhìn tận bên trong,

ôi lạ thay, kìa sao Ngài ở đó!

Thần trí tôi bỗng mãnh liệt động rung,

Rũ sạch hết bụi trần gây chia rẽ... [7]

 Al Hallaj, một vị đại thánh Hồi giáo khác tuyên xưng:

Ta cùng với Đấng ta yêu,

Hai đằng là một, khôn chiều qua phân,

Một thân mà có hai thần,

Thấy ta, thấy Chúa, cũng ngần ấy thôi. [8]

 Các vị thánh hiền này có một điểm tương đồng là khinh thị những lễ nghi hình thức bên ngoài, mà các Ngài cho là rườm rà, phù hoa, không cần thiết; hơn nữa các Ngài không chịu gò mình vào trong vòng cương tỏa, triền phược của các tôn giáo có tổ chức bên ngoài, nên thường bị các giáo quyền ra tay bách hại. Các giáo quyền cho rằng đó là những phần tử phá rối trật tự, đầu độc quần chúng, có ý đồ làm khuynh đảo giáo quyền, vì thế cần phải trừ khử. Chính vì vậy mà Al Hallaj chẳng hạn, đã bị cầm tù chín năm; sau đó còn bị chặt chân tay, bị treo trên thập giá 3 ngày rồi đem xuống chém đầu cho chết, với tội trạng là làm lẫn lộn Trời người (cho Trời là mình, mình là Trời). Bàn tay công thẳng, sấm sét của Chúa cần phải trừng phạt những kẻ dám đứng ra chỉ trích, mặc dầu là chỉ trích những hủ hóa, những sai lầm; và cửa hỏa ngục cần mở ra để chờ đón những kẻ dám nghĩ rằng mình mến yêu Thiên Chúa, đến độ kết hợp với Ngài như một. Chắc là có nhiều thánh hiền trong quá vãng đã phải kinh qua dàn hỏa thiêu sinh của đám người thô bạo, cuồng tín, để mà siêu thăng miền cực lạc.

Còn quần chúng thì nghi kÿ, dè bỉu, cười chê các Ngài, cho là bọn lập dị, bọn điên khùng; tại sao có người chăn, người dắt mình, mà lại không chịu ép mình vào vòng cương tỏa; lại dám sống khinh phiêu, hào sảng, bên ngoài mọi ràng buộc, trói chăng. Tại sao không quì gối, cúi đầu, đấm ngực thú nhận mình là phận phàm hèn, tội lệ; mà lại dám đứng thẳng người, ngửng mặt lên, như muốn khoe khí phách, hiên ngang, hào hùng cùng vũ trụ? Cần chi mà trèo cao, cần chi mà rắc rối! Sao chẳng bắt chước chúng ta, thấy người đàn địch, ta liền múa nhảy; thấy người sầu than, ta liền khóc lóc. Người bảo đi, thì ta đi; người bảo đứng, thì ta đứng; người bảo sao, ta nghe vậy; nói xuôi ta ừ xuôi; nói ngược ta ừ ngược; suy làm chi cho thêm mệt; nghĩ làm chi cho thêm phiền; có như thế, mới thật là đạo đức, khiêm cung. ở với Bụt, thì mặc áo cà sa; ở với ma, thì mặc áo giấy; sống ù ù, cạc cạc, cho đoạn tháng qua ngày; chính ngu si lại hưởng thái bình; cầu an thân, cầu lợi lộc cho mình có hơn không, cần gì mà phải phiêu lưu, lập dị!

Nhưng thánh hiền xưa nay không nghĩ như vậy. Các Ngài mong muốn sống một đời sống huyền hóa với đất trời, mặc cho trần thế dèm pha, chỉ trích. Trang Tử viết đại khái trong thiên Tiêu Diêu Du, Nam Hoa Kinh như sau:

Hồn ta hỡi, hay tiêu diêu,

Tung đôi cánh rộng, khinh phiêu chín tầng...  

Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,

Cưỡi gió mây, bay thẳng về Nam,

Bay về quê cũ giang san,

Hồ trời vùng vẫy, miên man thỏa tình.

Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,

óc phàm phu sao hiểu Chí Nhân...  

Vùi thân trong chốn hồng trần,

Họ như ve sẻ, qua lần tháng năm,

Tầm mắt hẹp, mà thân ti tiểu,

Kiếp phù du, nào hiểu chi đâu,

Thân lươn bao quản lấm đầu

Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi,

Phận sâu bọ, đành rồi sâu bọ,

Thân nấm rêu, nào rõ tuần trăng,

Ve sầu nào biết thu xuân,

Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì?...  

Như Bành tổ có chi là thọ,

Mà chúng nhân quá cỡ tán dương,

Người vui tước phận lý hương,

Người vui mũ áo, xênh xang trị vì.

Kìa Liệt tử thích đi mây gió,

Cưỡi gió mây, đây đó thỏa lòng.

Còn ta khinh khoát vô cùng,

Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu,

Quên mình, quên hết mọi điều,

Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.

Sống đời sống thần linh sảng khoái,

Như Hứa Do, chẳng đoái công hầu,

Uống ăn nào có chi đâu,

Mà lo với lắng, cho rầu lòng ai.

Ta chẳng nói những bài phách lối,

Lời của ta, đâu nỗi hoang đường,

Lời ta minh chính, đàng hoàng,

Vì người không hiểu, trách quàng, trách xiên.

Kẻ mù tối, sao xem màu sắc,

Người điếc tai, sao bắt âm thanh.

Cho nên những kẻ vô minh,

Tối tăm, ù cạc, ngọn ngành hiểu chi,

Sao biết được uy nghi, sang cả,

Của những người huyền hóa, siêu linh,

Đất trời gồm tóm trong mình,

Lồng vào muôn vật, sự tình nào hai,

Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,

Dẫu nóng nung, cũng chẳng làm sao.

Trời mây mặc sức tiêu dao,

Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai...

 Tóm lại, thánh hiền, vì tin mình có Thiên tính, có Phật tính, nên khi đi vào tâm là để tìm Đạo, tìm Trời; khi đi ra ngoài xã hội, nhân quần, là đem nhân ái chan hòa, nhuần đượm khắp chúng sinh, vạn hữu. Cái điều mà các Ngài muốn rao truyền, chính là con người có Bản thể Thượng đế; con người không bao giờ có thể sống xa rời Thượng Đế. Nếu sống phối hợp với Thượng đế, chúng ta sẽ được khinh phiêu, hạnh phúc. Nếu sống xa rời Thượng đế, chắc chắn rằng chúng ta sẽ sống trong lo âu, khắc khoải.

Đạo Lão có câu:

Tâm dữ Đạo hợp,

Tắc tạo Bồng Lai, Tam Đảo,

Tâm dữ Đạo ly,

Tắc tạo lục đạo, tam đồ.[9]

Tạm dịch:

Lòng người mà hợp lòng Trời,

ấy là Tam Đảo, Bồng Lai hẳn rồi,

Lòng người mà tách lòng Trời,

Tam đồ, lục đạo, lôi thôi, khốn nàn. 

Chắc chắn rằng trong những thế kỷ sau 2000, nhân loại sẽ nhận chân được chân lý siêu việt này. Các phần tử tiền tiến âu Mỹ, đều đã chấp nhận chủ trương: TRỜI tiềm ẩn trong lòng sâu vạn hữu, và hoạt động âm thầm trong tâm khảm mọi người.

Hội nghị quốc tế Thông Thiên Học tại Salzbourg nước Áo, năm 1966 vừa qua, đã có những lời tuyên ngôn hết sức nảy lửa, ví dụ như:

Trong ta có một Vô Cùng... Giác ngộ tâm linh sẽ mặc khải cho thấy yếu tố thần linh duy nhất trong tâm thần mọi người... Thời buổi này, cần phải nhận chân rằng trong mọi con người, có một tàn lửa Thiên Chân, và những khả năng vô biên, vô tận... Tôn giáo xưa cho rằng: Trời và người xa cách nhau. Thông Thiên ngày nay dạy rằng: Trời, người là một... Người ta thấy Thượng đế trong tạo vật Ngài... Ngay trong lòng mình, con người có thể tìm thấy Thượng đế. Về phương diện đạo giáo, sự khám phá này vĩ đại như sự khám phá ra nguyên tử năng. Nó cho con người một quyền lực tinh thần không bờ bến, cũng như nguyên tử năng đã cho con người một sức mạnh vật chất kỳ diệu... [10]

Để kết thúc, và cũng là để cho bài luận đàm này đượm một chút mùi hương dân tộc, tôi mượn bài thơ trong Thánh Giáo sưu tập, Cao Đài, 1970-1971, như sau: 

Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,

Vọng cầu bôn ngoại, thị hôn trầm,

Nhân nhân tự hữu Như Lai tánh,

Tánh đắc Như Lai, pháp diệu thâm.[11]

 Tạm dịch:

Đạo tại tâm hề, Phật tại tâm,

Lầm tìm ngoại cảnh, ấy mê lầm,

Người người vốn sẵn Như Lai tánh,

Đạt tánh Như Lai, đạo mới thâm.


CHÚ THÍCH

[1] P. Leon Wieger S.J. HISTOIRE des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine depuis l'origine jusqu'à nos jours, Hien-hien, Chine, 1917, pp.541-559.

[2]nh Mệnh Khuê Chỉ, quyển Hanh, tr. 11a.

[3] Ib. tr. 11a.

[4] Thánh Giáo Sưu Tập, 1968-1969, tr. 86.

[5] Tính Mệnh Khuê Chỉ, quyển Hanh, tr. 11a.

[6] Prof. L.F. Rasbrook Williams Ed; Sufi Studies, East & West; ẸP. Dutton Co, Inc.,New York, 1973, p. 57.

[7] Ib. p. 70.

[8] Nasrollah S. Fatemi & al.,Sufism, Message of Brotherhood, Harmony, & Hope, Ạ S. Barnes & Co, S. Brunswick & New York, 1976, p. 48.

[9] Thái Thựợng Bảo Phiệt.

[10] Lotus Bleu, 72e Année, No 4, Avril, 1967, p.15 & Lotus Bleu 72e Année, No 12, Dec. 1967, p.327.

[11] Thánh Giáo Sưu Tập, 1970-1971, tr.52.


» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20