PHẬT HỌC CHỈ NAM

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 11

THÀNH CHÂN, CHỨNG THÁNH

 

Từ trước đến nay, chúng ta toàn bàn về lý thuyết, về phương pháp tu Chân chứng Thánh. Chương này sẽ đưa ra ít nhiều tiêu chuẩn để đoán định thế nào là Thánh Nhân, Chân Nhân. Nó cũng có mục đích bổ sung cho chương Con đường giải thoát trên đây.

Trước hết, tôi hiểu chữ THÁNH một cách rộng rãi hơn, siêu tuyệt hơn chữ 'thánh' mà dân gian thường hiểu. Đối với tôi, thánh là những người đã:

– đạt tới THIÊN TÂM.

– đạt tới TRUNG TÂM ĐIỂM hằng cửu của vũ trụ và của lòng người.

– ĐẮC NHẤT, ĐẮC THIÊN, ĐẮC ĐẠO.

– ĐÁO BỈ NGẠN; NHẬP NIẾT BÀN.

Tôi cũng thường hay gọi các vị Thánh, vị Tiên, vị Phật là những người sống 'huyền đồng, huyền hóa với đất trời', mà Âu Châu thường gọi là 'MYSTICS'.

– Tùy đạo giáo, mà THÁNH NHÂN có thể được gọi là Phật, là Chúa, là Tiên, là Chân Nhân, là ĐẠI GIÁC, ĐẠI NGỘ.

Tôi nảy ra ý tưởng viết chương này, khi đọc quyển Cosmic Consciousness của Richard Maurice Bucke, M.D., xuất bản lần thứ 1, năm 1901, và lần thứ 24 năm 1967. Lần xuất bản cuối cùng do New York, E. P. Dutton and Company, Inc. phát hành.

Bác sĩ Bucke, sinh năm 1837, là con một vị mục sư, gốc Anh quốc. Ông sinh ra được một năm thì gia đình di cư sang Canada. Cuộc đời thơ ấu và niên thiếu của ông hết sức là cơ cực. Khi ông lên bảy tuổi, mẹ chết; 17 tuổi, mẹ ghẻ chết. Sau đó ông bỏ nhà nhà đi lang thang, là đủ nghề cực nhọc, như làm vườn, làm phu hỏa xa, làm nghề đi tìm vàng v.v... Năm 20 tuổi, đi lên núi tìm vàng, bị lạnh, suýt chết cóng. Tuy được cứu sống, nhưng bị cưa hoàn toàn một chân, và một phần chân còn lại. ông khổ công học tập, và nhờ một số tiền do mẹ để lại, ông vào trường thuốc năm 21 tuổi, và năm 26 đỗ bằng bác sĩ y khoa. Tuy là một bác sĩ, nhưng ông lại rất thích thơ, thích triết. Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Đức, để đọc các triết gia Âu Châu. Một buổi tối mùa xuân, 1872, khi ấy ông 35 tuổi, ông cùng 2 người bạn họp nhau đọc thơ của Wordsworth, Shelly, Keats, Browning, và Whitman. Nửa đêm, khi chia tay, ông đánh xe ngựa ra về. Trên đường trường, khi còn đang say sưa với những lời thơ, bỗng nhiên ông như có một làn mây màu lửa bao quanh. Thoạt tiên ông tưởng là có cháy ở đâu đây trong tỉnh, nhưng sau mới biết là ánh sáng đó tự trong mình ông phát ra. Ông tả rằng ánh vinh quang của Brahman đó tuy là như điện xẹt trong giây phút, nhưng đã soi sáng cho suốt đời ông sau này. Một chút hồng ân của Thượng đế khi ấy đủ làm cho đời ông từ đó như vẫn hưởng được dư vị của thiên đường. Sau đó ông bắt đầu viết sách để mô tả lại sự giác ngộ của ông. Quyển sách đầu tiên của ông ra đời năm 1877 nhan đề là Man's moral nature (G.P.Putmam & Sons, New York); quyển thứ hai chính là quyển Cosmic Consciousness, ra đời năm năm 1901. Đêm ngày 19 tháng Hai, 1902, ông cùng vợ đi ăn tiệc ở nhà bè bạn về, vì đêm đó trời đầy sao, nên trước khi đi ngủ ông ra ngoài hiên ngắm sao một lần nữa. ông trượt chân vì một tảng đá băng, và ngã đập đầu vào hiên nhà, chết lập tức (Xem chương đầu sách: The man and the book).

Quyển sách của ông đã được Triết gia William James, giáo sư triết học Đại Học Harvard, và P. D. Ouspensky, một triết gia Nga Sô, hết sức ca ngợi.

Đọc sách của ông, biết ngay ông cũng là một bậc đại giác, đại ngộ. ông dựa vào chứng nghiệm tâm linh của mình, dựa vào những dữ kiện lịch sử, khoa học, tâm lý, đạo giáo để tìm cho ra những nét chính yếu, để có thể minh định được ai là những người đã thành chân chứng thánh. Tôi mượn sách này tại thư viện Huntington Beach, dưới ký hiệu 126 BUC. Đó là một cuốn sách nên đọc, cho nên nhân tiện, tôi giới thiệu nó với các độc giả.

Sau đây tôi toát lược tư tưởng của Bucke, và sẽ góp ý với Bucke.

– Tuy cha ông là mục sư, nhưng từ bé, ông không chấp nhận giáo lý của Giáo Hội. ông coi Chúa Jesus chỉ là một người giác ngộ, cao cả. ông không tin con người có thể bị phạt đời đời (tr. 8).

– Ông cho rằng trần gian này phải trải qua 3 cuộc cách mạng:

Trước hết là Cách Mạng Kỹ Thuật.

Thứ đến là Cách Mạng Xã Hội để quân bình hóa kẻ giàu, người nghèo.

Sau hết là cuộc Cách Mạng Tâm Linh, khiến con người từ thân phận một con người phàm tục, sẽ đạt Thiên tâm mà ông gọi là Cosmic Consciousness, để thành Chân, chứng Thánh (tr. 4).

Thánh đường, thánh thất, hàng giáo phẩm sau này sẽ không còn là cần thiết, con người sẽ trực tiếp tiếp xúc với Thượng đế bằng tâm linh mình (tr. 5).

Richard M. Bucke nhận định rằng con người có ba phần.

– Con người cảm giác, tri giác, mà ông gọi là Simple Consciousness.

– Con người tâm tư mà ông gọi là Tư Tâm (Self Consciousness).

– Con người siêu tuyệt, có linh tri, linh giác mà ông gọi là

Vũ Trụ Tâm (Cosmic Consciousness) (Xem sách trích dẫn trang 1– 18; nhất là trang 1– 2).

Theo ông, Vũ Trụ Tâm, nói theo từ ngữ Công Giáo, đó chính là Đấng Cứu Thế, đấng Christ nội tại trong mỗi con người (sách trích dẫn tr. 6).

– Đối với ông, Chúa, Phật, hay Thánh, hay Tiên là những người đã đạt tới Vũ Trụ Tâm nơi con người, hay đã có Thượng Đế sống động, linh hoạt trong tâm hoàn mình (tr. 147).

– Bucke cho rằng Vũ Trụ Tâm, đối với Chúa Jesus, là 'Nước Chúa', 'Nước Trời' (kingdom of God); đối với Paul, đó là Đấng Christ nội tại, hay Thần Chúa; Dante gọi đó là Béatrice (Making happy = Nguồn hạnh phúc); Balzac gọi là «Specialism» (Toàn giác) [1]; Phật gọi đó là Niết Bàn (Nirvana). [2]

– Con người có thể từ Tư tâm mà đạt tới Thiên tâm, nhưng đó là một sự kiện hết sức hãn hữu. Theo ông, từ khi có lịch sử loài người mới có khoảng 40 hay 50 chục người, ví dụ như Moses, Lão Tử, Phật Thích Ca,, Socrates, Jesus, Paul, Plotinus, Mohammed, Dante, John Yepes (John of the Cross) Spinoza v.v... (xem tr. 81)

Như vậy, họa hoằn mới có một thánh nhân ra đời. Trong nhiều triệu người sống ở gian trần này, may ra mới có một người thành chân chứng thánh.

Và theo thống kê của ông thì từ Đức Phật Thích Ca đến Dante, là 1800 năm chỉ có 5 vị thành thánh, nghĩa là trung bình 360 năm mới được một người. Từ Dante tới nay là 600 năm, có khoảng 8 người; trung bình cứ 75 năm mới được 1 người (Xem tr. 67).

Ông Bucke còn cho rằng khi con người đạt Thiên Tâm sẽ biến thể, biến dạng (transfiguration), và sẽ siêu phàm nhập thánh, siêu nhân hợp Thiên (transhumanization, theo từ ngữ Dante) (Xem tr. 77). Sau khi khảo sát từng đời sống của những vị đã thành Chân, chứng Thánh, ông Bucke đã tìm ra được những dữ kiện hết sức độc đáo như sau:

– Muốn thành chân chứng thánh con người cần phải «giác ngộ» mà ông gọi là Illumination. Sự giác ngộ này thường xảy ra trung bình vào khoảng 34–36 tuổi.

Cũng có những trường hợp sớm hơn hay muộn hơn, nhưng hãn hữu. Ví dụ, Chúa Jesus, Paul, Phật Thích Ca, Dante v.v... đều giác ngộ khi 35 tuổi.

Socrates, Mohammed giác ngộ khi 39 tuổi (xem đồ bản tr.81).

– Thường giác ngộ vào những mùa Xuân, Hạ (xem tr. 81).

– Giác ngộ thường kèm theo một cảm giác phát quang trong đầu hay trước mắt.

– Nữ giới cũng đã có người đạt Thiên tâm nhưng ít hơn nam giới.

– Những người giác ngộ thường là những người nhiệt tâm cầu đạo.

– Sự giác ngộ đến một cách hết sức thình lình và bất ngờ.

– Sau khi giác ngộ con người sẽ được chuyển hóa: Sống cao siêu hơn, khinh khoát hơn, hạnh phúc hơn; hết còn sợ hãi tội khiên và chết chóc.

– Cảm thấy rằng mình sẽ sống vĩnh cửu cùng trời đất.

– Có thể tỏa ra một sức hấp dẫn phi thường.

– Sau khi giác ngộ, sẽ sống hết sức hoạt động, phong phú và có thể sẽ bắt đầu sáng tác rất nhiều. (xem tr, 78- 79).

– Những người sau khi đã giác ngộ đều giống nhau khó mà phân cao thấp, và những lời giảng giáo hầu như là giống nhau. ông viện dẫn lời Victor Hugo: «Phân biệt ai hơn ai kém, chọn ai hơn ai, thực là không thể được.» [3]

Và lời của Arthur Lillie: «Phật hay Chúa Kitô cũng dạy một bài.» [4]

Sau đó, tác giả dùng một phần lớn cuốn sách để trình bày đời sống của từng vị đã thành chân chứng thánh, trường hợp giác ngộ, tư tưởng, khẩu khí v.v...

Theo ý tôi, thì quyển sách trình bày tư tưởng một cách vững vàng, khoa học.

Tiện đây, tôi góp thêm ít nhiều suy tư về từng vấn đề.

– Tác giả nhìn thấy nơi con người có Simple consciousness Self Consciousness, Cosmic Conscious- ness (sách trích dẫn tr, 1- 3). Danh từ tuy khó hiểu nhưng vẫn không ngoài ba bình diện nơi một con người: Đòa, Nhân và Thiên, (Xác, Hồn, Thần).

Đã từ mấy chục năm nay, tôi đã nhận thấy rằng:

Nếu không chấp nhận con người có ba bình diện: Xác, Hồn, Thần, thì chúng ta sẽ bế tắc, từ tư tưởng cho đến đời sống, cho đến tương lai. Chúng ta sẽ không thấy cùng đích con người, không bao giờ tìm được chân hạnh phúc.

– Tác giả cho rằng con người có thể tiến vào được Vũ Trụ Tâm.

Tôi hết sức đồng ý. Năm 1968, khi viết quyển Lecomte du Noüy và học thuyết Viễn Đích tôi đã viết như sau:

«Mở rộng tầm mắt bao quát vạn vật và không gian thời gian, Lecomte du Noüy cho rằng vũ trụ có hai chiều, hai hướng, biến dịch, tiến hóa.

«Một chiều tiến hóa theo các định luật vật chất một ngày một tiến tới bất động, ù lì, lạnh lẽo, hỗn loạn.

«Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh thần một ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp đẽ, trật tự, hòa hợp. Và khi tinh thần tiến tới chỗ tinh hoa tuyệt diệu, thì vật chất sẽ tiến tới chỗ hỗn loạn và triệt tiêu.

«Ta thấy nó giống với các định luật "Dương tiêu Âm trưởng", và "Âm tiêu Dương trưởng" của Dịch Kinh, cũng như hai chiều hướng tinh thần, vật chất, tiên thiên hậu thiên mà các tiên nho thường đề cập tới khi vẽ các đồ bản Hà Đồ, Lạc Thư cách đây mấy nghìn năm.

«Những vấn đề triết học, siêu hình, đạo giáo, và định mệnh con người mà Lecomte du Nouy đề cập tới trong các tác phẩm của ông, có thể hiểu được dễ dàng, nếu ta đem lồng chúng vào trào lưu tư tưởng của các hiền thánh bốn phương xưa nay.

«Thực vậy, song song với các đạo giáo các triết thuyết hiện hành, còn có một thứ triết thuyết và đạo giáo của các nhà huyền học tứ phương.

«Về triết lý, các ngài chủ trương con người gồm đủ tam tài thiên, địa, nhân. Nói theo từ ngữ triết học Âu Châu, con người gồm có: Xác (địa), Tâm (Nhân), Thần (Thiên).

«Đó là quan niệm Tam Tài mà chính Thánh Kinh cũng nhiều lần đề cập tới (I Thess. 5:23. Mat.22:37)

«Theo nhãn quan trên, thì con người có ba thứ đạo, tức là ba thứ bổn phận:

«- VẬT ĐẠO: lo cho xác thân được khang kiện, no ấm; chế ngự được ngoại cảnh.

«- NHÂN ĐẠO: lo cho tâm hồn được khinh khoát, thoát vòng kiềm tỏa của dục tình, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, tiếp nhân xử kỷ cho phải phép.

«- THIÊN ĐẠO: vươn lên tới bình diện tâm linh, tâm thần, sống phối hợp cùng Thượng đế, bỏ lốt "phàm tâm", thể hiện "Thiên tâm". Đó là giai đoạn "tâm tử, thần hoạt" của các nhà huyền học Lão giáo, hay "nhân dục tận, Thiên lý hiện" của các nhà huyền học Nho giáo.

Đó là luận điệu của các nhà huyền học muôn phương, và giở thánh thư thánh Paulô, ta cũng thấy đầy tràn âm hưởng tương tự (Rom. 8:14. I Cor. 7:10. Gal. 4:6- 7; 5:18; 11:20).

«Theo nhãn quan này, thì con người sinh ra chưa phải là con người thực; còn phải tốn công mài dũa, tu luyện lâu lai mới thành người; lại Đi từ con người đến địa vị thần thánh cũng thực là nhiêu khê vất vả. Sinh ra là phàm nhân, con người phải dùng đời mình để cố gắng trở nên hiền thánh. Như vậy thì càng về chiều, càng về già, thời gian càng trở nên quí báu, quan trọng, và con người không bao giờ được ngừng nghỉ, phải tiến bước mãi để đạt đích hoàn thiện. Con người chỉ trở nên bất tử khi đạt Thiên địa tâm. Các hình thức bên ngoài, các giáo lý, mới đầu rất cần thiết vì nó hỗ trợ con người trong công trình đi tìm chân lý, nhưng khi đã nhìn nhận thấy con đường nội tâm, và đã biết phương pháp suy tư, định tâm, định trí bên trong, thì các phương thức bên ngoài trở thành tùy thuộc. Tất cả các phương thức, chỉ có giá trị ở chỗ giúp đỡ con người tìm ra được CHÂN THẦN, sống cao siêu, phối hợp được cùng Thượng đế, ngay từ khi còn ở gian trần này. Khi đã đạt đích, thì mọi sự không còn cần yếu nữa.

«Con người phải chứng nghiệm được những giai đoạn mình đã băng qua, những kết quả đã thâu lượm được, ngay từ khi còn ở trần hoàn; cho nên mới đầu thì phải nhờ người hướng dẫn, sau dần dà phải tự mình điều khiển, lèo lái lấy cuộc đời mình, theo đúng đường lối, gương tích của các bậc thánh hiền tiền bối...

«Định mạng mỗi cá nhân và định mạng nhân quần chỉ là một. Định mạng ấy rất cao siêu, sang cả. Tuy nó đã được tiền định do Thiên ý, nhưng sự thực hiện định mạng này hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian, tuổi tác cá nhân và nhân loại, vào tầm nhìn lối nghĩ, trình độ hiểu biết của cá nhân và nhân loại, cũng như vào sự cố gắng và sự tha thiết tìm cầu. Vì thế nó cần có một tiến trình vô hạn để thực hiện.» [5]

– Bác sĩ Bucke cho rằng thành Chân, chứng Thánh là một chuyện rất sức hi hữu. Trước kia, cứ ba trăm năm mới được một người. Trong khoảng năm trăm năm gần đây, ngót 100 năm mới lại có một người. ông xếp Chúa, Phật, Lão tử vào trong 1 bảng thành chân chứng thánh như mọi người khác.

Thực ra không ai phủ nhận được rằng Thành Chân Chứng Thánh là một chuyện hết sức hi hữu. Chúa Jesus cũng đã nói: «Kẻ gọi thì nhiều, kẻ chọn thì ít.» (Mat. 22: 14). Đông phương cũng thường nói: «Vào đạo như lông trâu; đắc đạo như sừng thỏ». Nhưng thực sự không đến nỗi ít như vậy. Sở dĩ tác giả thấy quá ít, chỉ vì tác giả không đi sâu vào từng đạo giáo mà tìm. Nguyên tìm trong các thư mục Âu Châu bàn về các bậc Chân Nhân (Mystics), ta cũng đã thấy có khá nhiều Chân Nhân thuộc Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo v.v...ấy là ta còn chưa đi vào các Mật tông, Mật giáo Âu Châu, như Kabbalah (Do Thái giáo), Free Masonry, Rosi-crucians, Alchemy, hoặc Huyền học Hồi giáo, như Sufism (Bạch Y). ấy là ta cũng chưa khui ra các vị thánh nhân trong Bà La Môn, như Gandhi, như Ramakrishna, như Sri Aurobindo v.v..., chưa tìm được đầy đủ danh sách các vị Thiền Sư Trung Hoa đắc đạo, như Bồ Đề Đạt Ma, Tuệ Khả, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng, Lâm Tế, Bách Trượng, Mã Tổ, Qui Sơn, Vân Môn, hoặc các vị Phật, các vị Bồ Tát, như Ma ha Ca Diếp, Vô Trước, Thế Thân, Long Thọ, hay các vị thánh hiền Khổng giáo, mà Nho gia gọi chung là các vị đã đạt đạo Trung Dung, như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Chu Công, Khổng tử, Mạnh Tử, Chu Liêm Khê, Trình Di, Trình Hạo v.v... và các vị Chân tiên trong đạo Lão như Quảng Thành Tử, Lão Tử, Trang Tử, Liệt tử, Trương Tam Phong, Hán Chung Li, Lã Đồng Tân, Bạch Ngọc Thiềm, Vương Trùng Dương, Khưu Xử Cơ, v.v...

Có một điều chúng ta dễ dàng nhận xét thấy được rằng, từ hai thế kỷ nay, khi mà Đông Tây gặp gỡ nhau, trao đổi nhau về văn hóa, khi mà các thánh thư, thánh truyện Đông Tây đã được đăng tải, khi mà chúng ta có nhiều phương tiện, có nhiều sách vở hơn, nhiều thư viện hơn, thì số người Thành Chân, chứng Thánh càng ngày càng trở nên đông đảo hơn. Nhưng tuy gọi là đông đảo, nhưng cứ nhiều triệu người sinh ra, mới có một đôi người thành chân, chứng thánh.

– Bucke cho rằng Chúa Jesus cũng chỉ là một con người giác ngộ.

Về điểm này, chúng ta cũng nên nhận định rằng dưới con mắt tín đồ, thì Phật, hay Chúa, hay Lão, đó chính là những vị Tiên, Phật, Chúa giáng trần, tuyệt luân, siêu việt.

Nhưng khi xem thái độ các Ngài, thì thấy các Ngài hết sức khiêm cung. Chúa Jesus tuy xưng mình là một với Chúa Cha, là Con Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đã dùng lời Kinh Thánh cũ, long trọng tuyên xưng mọi người đều là Chúa, là Thần (John 10:34- 35); tuy Ngài làm nhiều phép lạ, nhưng đồng thời vẫn long trọng nói rằng, nếu ai tin vào những khả năng con người, thì cũng có thể làm được những phép lạ, cũng có thể đảo hải di sơn (Luke 17:6. Marc 11:23. Mat. 17:20; 21:21); chẳng những làm được phép lạ như Ngài, mà còn hơn Ngài nữa (John 14:12).

Ngài cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Chân Chúa duy nhất, còn Ngài chỉ là sứ giả của Chúa Cha (John 17:3); Chúa Cha lớn hơn Ngài (John 14: 28).

Phật cũng tuyên xưng: «Ta là Phật đã thành, các bạn là Phật sẽ thành.»

Ngài chỉ nhận «mình là ngón tay chỉ trăng», và khuyên mọi người hãy tự thắp đuốc mà soi cho chính mìmh. Thực là khiêm cung vô hạn.

Còn như đối với các triết gia, các bậc giác ngộ, thì các Ngài chỉ là những bậc giác ngộ trước chúng ta mà thôi.

William Blake (1757- 1827) nói với Robinson: «Chúa Jesus Christ, là Thượng đế duy nhất, và tôi cũng vậy, và bạn cũng vậy.» [6]

Daniel Rope, khi phê bình quyển Định Mệnh con người (L'Homme et sa destinée) của Lecomte du Noüy, đã nhận định rằng, đối với Lecomte du Noüy, Chúa Jésus có lẽ chỉ là một tấm gương hoàn thiện nhân loại hơn là Thiên Chúa giáng trần. [7]

Ngày 18 tháng 3, 1838, Ralph Waldo Emerson, đã viết trong Nhật ký (Journal) của ông như sau: «Tôi tiếc rằng trong loạt bài diễn văn của tôi mới đây, tôi đã không nói rành rẽ và vạch ra cái điều sai lầm lớn của xã hội hiện nay của chúng ta về phương diện tôn giáo. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới bình an, tới uy dũng, cho đến khi nào đặt được niềm tin vào cơ cấu tâm linh của con người, thay vì vào Thiên Chúa Giáo của lịch sử. Cái niềm tin vào Thiên Chúa giáo mà nhiều người đang có là một sự 'bất tín' về con người. Họ coi đấng Kitô như là một Vị Chúa thay vì như là một Người Anh. Đấng Kitô rao giảng sự cao cả của con người, nhưng chúng ta chỉ nghe thấy sự cao cả của đấng Kitô.» [8]

Trong bức thư đề ngày 24- 7- 1966, Đức Hồng Y Ottaviani gửi cho các Chủ Tịch Giám mục đoàn, Ngài đã có đề cập đến những dư luận «kỳ dị và nguy hiểm» đang làm xao xuyến giáo dân, ví dụ... có người coi Chúa Cứu Thế như là một người thường «đã dần dà nhận ra mình là Con Thiên Chúa»; cũng như sự Chúa sinh do Đức Mẹ đồng trinh, những phép lạ của Ngài, và sự Ngài sống lại, tuy vẫn được «chấp nhận trên từ ngữ», nhưng sự thực đã được coi là những sự kiện tự nhiên...[9]

Nhìn sang phía trời Đông, ta cũng thấy Cát Hồng nhận định về Lão tử như sau: «Các học giả có óc chất hẹp hòi đã coi Lão Tử như là một người Trời siêu xuất quần sinh, và khuyên các thế hệ tương lai bắt chước Ngài; nhưng làm như thế tức là ngăn cản không cho mọi người tin được rằng có thể nhờ học hành mà tìm ra được bí quyết trường sinh bất tử. Thực vậy, nếu Lão tử chỉ là một hiền nhân đã đắc đạo, thì mọi người phải hết sức để theo gương, bắt chước Ngài; nhưng nếu ta nói rằng: đó là một nhân vật đặc biệt, có thiên tính, thì ta không thể nào bắt chước Ngài được nữa.» [10]

– Bucke cho rằng giác ngộ thường vào khoảng 34-36 tuổi.

Theo ông, Chúa Jesus sinh năm – 4, trước Công nguyên, giác ngộ khoảng 35, 36 tuổi, chết vào năm 35 Công nguyên (xem sách trích dẫn, tr.97- 98).

Thực ra cho đến bây giờ quần chúng được dạy dỗ rằng Chúa sinh ra năm 1, ra giảng đạo năm 30 tuổi, chết năm 33 tuổi.

Nhưng khảo sát lại lịch sử, thì ta thấy Giáo Hội Công giáo, vào khoảng giữa thế kỷ thế VI, đã dựa vào một sự tính toán sai lầm của tu sĩ Dyonisius the Dwarf, nên mới dạy rằng Chúa sinh năm 1 (Sách trích dẫn, tr.98, chú thích *). Cho nên, Giáo Hoàng Gregory 1 (540- 604), khi cải lịch đã lấy năm La Mã 754 làm năm 1, vì tưởng Chúa sinh năm ấy. Ngày nay, các học giả thế giới đều biết đó là kết quả của một sự tính lầm. Các tác giả Bible de Jerusalem, một bản văn Thánh Kinh mà Công Giáo chấp nhận, nơi cuối sách đã ghi Chúa Jesus sinh khoảng năm – 7, hay – 6 trước Công Nguyên. Thánh sử Luke ghi Chúa ra giảng đạo «khoảng năm 30 tuổi» (Luke 3:1- 23). 3 thánh sử Matthiew, Marc, Luke chép Chúa đi giảng đạo một năm. Theo John, thì khoảng 3 năm. Như vậy Chúa sinh năm nào, chết năm nào, đi giảng mấy năm cũng không hoàn toàn chính xác.

Cho nên, nếu Bucke suy toán Chúa giác ngộ năm 35 cuõng có thể chấp nhận,

Từ năm 1956, tôi cũng đã tìm ra được định luật về tuổi tác này. Tôi dựa vào Dịch, và thấy Dịch bàn về Giác Ngộ nơi quẻ Phục. Dịch cho rằng khi con người giác ngộ, tức là khi con người tìm thấy được Thiên tâm nơi lòng mình. Nhìn vào vòng Dịch tiên thiên, nếu ta coi Cấu là lúc sơ sinh, thì Phục sẽ là giữa cuộc đời. Nếu tính trung bình cuộc sống con người là 70, thì Phục sẽ là vào khoảng 35. Sánh với Thiên Văn Học Âu Châu, thì quẻ Cấu ứng với Cung Cự Giải (Cancer), và Phục ứng với cung Ma yết (Capricorn). Người Âu Châu cho rằng cung Cự Giải là Cửa Người, cung Ma yết là Cửa Thần Minh.

Phục là Tí, là điểm NHẤT DƯƠNG SINH, nên Tí cũng hàm nghĩa sinh lại, hàm nghĩa phục sinh, chẳng những cho mặt trời mặt trăng, cho vạn vật, và cũng cho cả tâm linh con người.

Nên phối hợp Dịch và Chiêm Tinh học Á và Âu, ta thấy con người sống như là Con Người cho đến 35 tuổi, sau đó Tâm Linh có thể bừng nở, và từ ấy con người có thể sống một cuộc sống Thần Linh, huyền hóa với trời đất.

Và như vậy, con người cũng như một cây, có lúc chỉ sinh lá; muốn sinh hoa, kết trái, cần phải có một thời gian nào...

Nếu ta coi đó là một định luật vũ trụ, thì sẽ thấy không ai có thể là Phật, là Thánh từ khi mới lọt lòng...

Trong quyển Chân Dung Khổng Tử của tôi, đã xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987, nơi Chương VI, tôi đã nhận định về vấn đề này như sau:

«Thế nhân thường cho rằng đã là Thánh nhân, đã là giáo chủ, thì phải là Thánh nhân ngay từ trong bụng mẹ, phải có một thai sinh kỳ bí, thoát khỏi hết các định luật và trật tự chi phối vũ trụ, nhân quần, lại thông minh tuyệt đối, sinh nhi tri chi, không cần học hỏi suy tư gì, mà đã biết hết mọi sự trên trời dưới đất, quá khứ vị lai, ngay từ tấm bé.

Nói thế chẳng khác nào nói rằng có những cây vừa mới mọc đã cao vút từng mây, đã sinh hoa, kết quả sum sê, hay có những người vừa mới sinh ra đã trưởng thành ngay không cần cúc dục, cù lao, không cần thời gian, tuổi tác...

Thiết tưởng muốn tìn hiểu thánh hiền, ta không nên bắt chước đường lối phàm tục đó, mà phải tìm cho ra những tiêu chuẩn chính xác hướng dẫn sự suy khảo của chúng ta.

Tuân tử nói: Quân tử thời nói điều chân thường, hợp lý; tiểu nhân nói điều kỳ quái. (Vinh nhục VI) (Xem Trần Trọng Kim, Nho giáo tr. 308).

Sách Minh Triết, thánh thư Công giáo nói:

Ta đây cũng phận hèn như chúng,

Cũng tổ tông xác đất vật hèn,

Cũng từ bụng mẹ thai nên,

Tinh cha huyết mẹ, đôi bên tạo thành.

Cũng mười tháng, mới sinh, mới nở,

Khi lọt lòng cũng thở khí phàm,

Như ai cũng kiếp trần gian,

Mới sinh cũng khóc mà toan chào đời,

Cũng tã lót, cũng thời cúc dục,

Cũng cù lao cực nhọc như ai.

Xưa nay vua cũng như tôi,

Tử sinh một phép, có đời nào đâu?

(Phỏng dịch Livre de la Sagesse VII, 1:6)...

Mạnh tử viết: «Phàm những vật đồng loại, thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một loại.» (Mạnh tử, Ly lâu chương cú hạ, tiết 12).

Khảo về đời sống và những lời giảng giáo của các vị giáo chủ, ta thấy:

1. Sự khôn ngoan, thông thái của các Ngài cũng cần phải có đủ thời gian, tuổi tác, mới phát triển được. [11]

2. Nhiều khi các ngài cũng phải học hỏi với các bậc tiền bối, trrước khi trở nên minh giác. [12]

3. Học thuyết các Ngaøi, tư tưởng các Ngài cũng có nhiều vay mượn ở nơi các học thuyết, hoặc các luồng tư tưởng đã có từ trước.

4. Các Ngài có công ở chỗ là làm cho những tư tưởng cũ kỹ trở nên linh động, có thần lực tác động, lôi cuốn, hoán cải được quần chúng.

Chủ trương rằng các vị thánh hiền xưa cũng cần phải có thời gian tuổi tác mới phát huy được trí tuệ và đức độ mình, mới đi đến chỗ giác ngộ, chủ trương rằng các Ngài cũng phải cố gắng nhiều mới tiến tới địa vị siêu việt, là một chủ trương hết sức lành mạnh.

– Nó phản ảnh lại chân thực cuộc đời các Ngài, giúp ta gạt bỏ được hết mọi huyền thoại.

– Nó hợp với các định luật tự nhiên.

– Nó cũng chẳng làm giảm giá trị các Ngài chút nào.

– Nó vạch cho ta thấy con đường và phương pháp để trở nên hiền thánh.

– Nó phù hợp với quan niệm của các danh nho, vì Nho gia vốn chủ trương rằng nếu chúng ta cố gắng tiến hóa, tu trì theo đúng đường lối, thì cũng có thể nên như vua Nghiêu, vua Thuấn (Cf. Mạnh tử, Ly Lâu chương cú hạ, tiết 28- 32...)

Nó cũng phù hợp với những học thuyết tiến háa, thuyết viễn đích mới mẻ nhất, cho rằng nhân loại sẽ còn tiến hóa lâu dài, để trong một thời gian còn xa lắc, sẽ tiến tới cực điểm tinh hoa: đó là sống một cuộc đời thần tiên, phối hợp với Thượng đế. Các Thánh Hiền chẳng qua là những người đã sớm lãnh hội được định mệnh cao cả của con người và đã thực hiện được ngay trong đời mình định mệnh sang cả ấy. Như vậy các Ngài chỉ là những người tiền phong khả kính, soi đường, chỉ lối cho chúng ta noi theo mà bắt chước để nên giống các Ngài (Xem Nguyễn văn Thọ, Chân Dung Khổng Tử, tr. 85- 88).

Trong khi bàn về các quẻ «Dịch Tiên Thiên» tôi đã nhiều lần nói rằng con người trong nửa đời đầu, sẽ là CON NGƯỜI, sẽ sinh con đẻ cái, sẽ làm mọi nhiệm vụ trần hoàn. Còn nửa đời sau, bắt đầu từ 34, 35 tuổi, con người sẽ có thể thành CON TRỜI. Và suy ra, thì NHÂN LOẠI trong tương lai, sẽ có rất nhiều người trở thành CON TRỜI.

Chính vì vậy mà trong quyển Lecomte du Noüy và Học Thuyết Viễn Đích, xuất bản năm 1968, nơi đầu chương IV, tôi đã viết:

Hoàn cầu phục vụ con người,

CON NGƯỜI nay trước, CON TRỜI mai sau.

Nội tâm cố tiến vào sâu,

Cửa trời dần mở. cơ mầu dần hay.

Chớ còn gàng quải đó đây,

Ngoài tuy muôn nước, nhưng nay một nhà,,,,

Thiên sơn vạn thủy băng qua,

Muôn ngươì như một, thái hòa khắp nơi...

Và với viễn tượng ấy, nơi đầu Chương III, trong sách trên của tôi, tôi đã mượn ý thơ Plein Ciel của Victor Hugo mà viết như sau:

Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?

Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên,

Tiến về mai hậu siêu nhiên,

Tiến về đức hạnh, nguyên tuyền tinh hoa.

Ánh khoa học trời xa lóng lánh,

Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,

Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,

Tiến về mai hậu, về miền muôn sao.

– Bucke nhận định rằng sự giác ngộ nó đến một cách bất thình lình, không sao mà ngờ trước được.

Có thể nói đó là một định luật, tất cả những người đã giác ngộ đều thấy như vậy.

Nho gia xưa đã dùng hai chữ «Hoạt Tý» (Cái giờ Tý linh động) để tả sự đến bất kỳ đó.

Thiền tông đã dùng hai chữ ĐỐN NGỘ.

Chúa Jesus giác ngộ sau khi chịu phép rửa nơi sông Giorđanô; thánh Paul giác ngộ khi đang đi lo bắt các người Công giáo trên con đường tới thành Damas; Phật giác ngộ sau khi ngồi thiền định lâu lai, dưới gốc bồ đề; thiền sư Nghĩa Hoài giác ngộ khi đang gánh nước mà thùng nước bị bể; Linh Vân đồ đệ của Qui Sơn, nhân nhìn hoa đào mà giác ngộ; Thủy Lạo hòa thượng, bị Mã Tổ tống cho một đạp té nhào, hốt nhiên giác ngộ. Thật hết sức kỳ lạ.

Phúc âm khi viết: Không biết Con Người đến lúc nào và giờ nào (Mat. 24:42- 44; 25:13) cũng là nói lên ý ấy.

Bác sĩ Bucke cho rằng:

– Giác ngộ thường kèm theo một cảm giác phát quang trong đầu hay trước mắt.

Bucke tự thuật đêm phát huệ có thấy phát quang. ông cũng dẫn nhiều chứng tích cho thấy khi phát huệ thường có hiện tượng phát quang, như trường hợp thánh Paul, thánh John of the Cross, hay Mohammed v.v...

Những ai trải qua kinh nghiệm này rồi mới thấy Bucke nói là đúng. Khi giác ngộ, thần quang trong người như tụ lại trong đầu, hoặc người giác ngộ, phát huệ có thể thấy như được bao phủ bởi một bởi một làn điện khí...

Một vị La Hán trong bộ kinh Nikaya, tuyên bố về tâm sự giải thoát: «Tâm tôi bỗng bừng sáng lên chứng quả giải thoát vô thượng. Đây là thọ thân sau rốt của tôi, từ đây dứt hết nghiệp tái sinh rồi.» Lúc ấy, con người sẽ đạt tới trạng thái «soi thấy trong một niệm».

Suzuki viết trong quyển Thiền Luận: «Khi tâm chuyển ngược lại nếp vận động thường, thay vì phân tán ra ngoài thì thu nhiếp vào trong đến chỗ nhất như, đó là bắt đầu thành tựu trạng thái "soi thấy trong một niệm" (nhất tâm kiến chiếu), vô minh hết tạo tác, và những cảm nhiễm (lậu) hết hoành hành. Giác như vậy, là một trạng thái tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt: vọng tưởng... Giác như vậy, là một trạng thái tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt.» (Xem Suzuki, Thiền Luận I, Trúc Thiên dịch, tr. 200).

Và chính nhờ cái biết vô phân biệt này, hết còn khách thể, chủ thể, mà con Người đồng hóa mình với Thöôïng đế và vũ trụ. Cho nên, nói theo từ ngữ Phật giáo, thì khi chưa Giác Ngộ con người còn ở trong Vô Minh. Mà trong Vô minh, thì «người biết» tách rời «sự biết», ngoại giới biệt lập với nội tâm, nghĩa là luôn luôn có những cặp mâu thuẫn đối lập nhau...

– Bucke đã nhấn mạnh rằng khi con người đã giác ngộ, ngoài sự đạt được siêu thức, còn thấy mình được hạnh phúc, bình an trong tâm hồn. Pascal, John of the Cross. Bucke v.v... đều đề cập tới một nguồn vui, một nguồn hạnh phúc tràn ngập tâm hồn.

Nhiều người sau khi giác ngộ đã đánh dấu giây phút ấy bằng những bài thơ, như Thiệu Khang Tiết, như Chu Hi...

Tôi cho rằng: «Đạo tâm khai, thi văn xuất...»

Tôi còn thấy rằng phần đông sau khi giác ngộ các Thánh Hiền xưa đều đã thấy thần lực tăng thêm rất nhiều, và bắt đầu đi giảng giáo, đi hoằng hóa chúng sinh, như trường hợp đức Phật, Chúa Jesus, Khổng tử, Mohammed v.v...

– Bucke cho rằng thánh hiền sau trước đều có chủ trương giống nhau. Điều đó không sai. Mạnh tử cho rằng: Thánh trước, thánh sau đều cùng một đường lối (Tiên thánh, hậu thánh kỳ quĩ nhất dã).

Ramakrishna cũng viết: «Tất cả các vị thánh hiền đều có những lời giảng giáo như nhau.» [13]

Cát tiên ông cũng viết:

Thiên hạ vô nhị đạo,             天 下 無 二 道

Thù đồ nhi đồng qui.             殊 途 而 同 歸

Thánh nhân vô lưỡng tâm,  聖 人 無 兩 心

Bách lự nhi nhất trí.               百 慮 而 一 致

Dịch:

Đạo trong thiên hạ há pha phôi,

Đường nẻo khác nhau, đích một thôi.

Thánh hiền sau trước lòng không khác,

Lo lắng trăm đàng đích một thôi.

(Tây sơn quần tiên hội ký, tr. Ia)

Tại sao lại có sự tương đồng như vậy?

Ta có thể nói như Marc Semenoff, trong bài tựa của ông ở đầu quyển sách La Pensée du Bouddha (Tư Tưởng Đức Phật) rằng: «Sự tương đồng ấy chẳng phải ngẫu nhiên... Cái duyên do đã tạo nên sự tương đồng ấy – một sự tương đồng vượt lên trên không gian và thời gian – chính là Thực Thể duy nhất.

Thực Thể ấy là nguồn gốc thế giới chúng ta, và nhân quần.

Thực Thể ấy là sự phát triển, tiến hóa của thế giới chúng ta và nhân quần.

Thực Thể ấy cũng chính là cùng đích của thế giới chúng ta và nhân quần.

Chân lý chính là sự biểu dương, là sự phát huy của Thực Thể ấy.

Những chân lý (địa phương) là những cách thức mà Thực Thể ấy dùng, để biểu dương, qua những lời giảng giáo, những bút tích của các vị Chân nhân, các vị Tiên tri, các vị Hiền triết. Những cách thức dùng để phát biểu chân lý ấy, dĩ nhiên lệ thuộc vào chủng tộc, vào tính tình, vào tâm tư của từng dân nước. Vì thế cho nên tuy hình thức khác nhau, tuy cách trình bày khác nhau, nhưng căn cốt và nội dung chính yếu thì giống nhau, bởi vì căn cốt, nền tảng ấy, chính là chân lý phát xuất từ một Thực Thể duy nhất.» (Xem Chân dung Khổng tử tr.337- 338).

Riêng tôi, sau khi đọc kỹ về đời sống Khổng tử, và Tứ Thư Ngũ Kinh, vào khoảng những năm 1956-1957, tôi đã tìm ra lẽ nhất quán của trời đất. Sau đó, đọc Bà La Môn, hay Phật giáo, hay Lão giáo, hay Thiên Chúa Giáo, Hồi giáo, tôi chỉ toàn nhìn thấy cái tương đồng... Từ đó, cứ nhờ đọc đạo này mà tôi lại thấu hiểu thêm đạo kia... Và câu «Tiên thánh hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã» của Mạnh tử đối với tôi là một chân lý. Chính vì quan niệm như vậy, nên tôi rất mến đọc Meister Eckhart, John of the Cross, Paul, Ramakrishna, Vivekananda và các hiền thánh Đông, Tây, kim cổ, bất kỳ là các Ngài thuộc đạo giáo nào trong thiên hạ. Tôi càng ngày càng thấy rằng nếu ta không đồng thanh đồng khí được với các Ngài, thì các Ngài nói một đàng, ta sẽ hiểu một nẻo, hoặc lời lẽ các Ngài sẽ trở nên tối tăm, xa lạ. Còn như ta mà cảm thông được với các Ngài thì tất cả những lời các Ngài sẽ trở nên minh thị, trong sáng, và có năng lực chuyển hóa tâm linh chúng ta, bất kỳ là ta đọc thánh hiền Đông hay Tây, kim hay cổ.

Người xưa thường tránh nếu không gặp người «thanh khí», sẽ không thể thố lộ tâm tình, chính là vì vậy.

Mới hay:

«Lộ phùng kiếm khách, tu trình kiếm,

Bất thị thi nhân mạc hiến thi.»

Dịch:

Gặp tay kiếm khách, âu bàn kiếm,

Chẳng phải thi nhân, chớ tặng thi.

Chúa Jesus cũng đã phán: «Đừng cho chó những gì thiêng quí, đừng cho lợn những thứ ngọc châu. Chúng nó sẽ dẵm lên, và quay lại cắn xé bạn.» (Mat. 7,6)

Lời này sâu sắc biết bao: Xưa nay bao thánh hiền chỉ vì nói hay, nói phải, nói cao siêu, mà đã bị tiểu nhân, bị phàm phu tục tử bách hại...

Nhờ ở định luật «Thanh khí lẽ hằng» mà Eckhart đã dám viết: «Tôi thấy Chúa bằng con mắt nào, thì cũng bằng con mắt ấy Chúa thấy tôi. Mắt tôi, và mắt Chúa chỉ là một mắt, một khuôn mặt, một hiểu biết, một tình thương.» (Suzuki, Thiền luận I, tr.197). Câu này cũng y thức như câu của Chúa Jesus: «Cha ta và ta là một.» (John, 10:30).

Để chứng nghiệm được là khi nào đạt Thiên Tâm, Bucke đã toát lược tư tưởng thánh John of the Cross đại khái như sau:

Yepes cho rằng Thượng đế luôn hiện diện trong tâm hồn con người, nhưng thường thì là ở thế «thụ động» hay «tiềm ẩn», hay ít ra cũng vượt lên trên tầm trí lự con người, Tâm hồn nào biết có Chúa ngự bên trong đã là diễm phúc, nhưng tâm hồn nào có được Chúa linh hoạt bên trong, mới thực có diễm phúc siêu tuyệt. Trong quyển sách này (Cosmic Consciousness) gọi sự có Chúa linh hoạt bên trong tâm hồn là «Vũ Trụ Tâm, Thiên Tâm». [14]

Theo sự khảo sát của tôi thì tự ngàn xưa đã có những người đạt Thiên Tâm, dữ Thiên đồng đức, thấy như có Trời hoạt động trong lòng mình.

Điển hình là trong Kinh Thi, thiên Đại Nhã cho chúng ta thấy Văn Vương đã đạt trạng thái ấy:

Kinh Thi viết:

Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,

Nên dùng dạng thức Vua Văn hiển hình,

Cho muôn dân thấy mà tin...

(Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn vương chi thập tam chi nhất).

Văn vương trọn một niềm kính nể,

Làm chói chang Thượng đế ra ngoài,

Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,

Một niềm nhân đức chẳng phai lòng vàng...

(Kinh Thi, Đại Nhã, Văn vương thất chương, bát cú).

Trung Dung chương 31 cũng mô tả trạng thái những vị thánh nhân đạt Thiên đạo như sau:

Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,

Mới có đầy đủ thông minh, trí tuệ,

Y như thể có Trời ẩn áo giáng lâm;

Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần,

Y như có dung nhan Trời phất phưởng;

Phấn phát, tự cường, kiêm cương, hùng dũng,

Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;

Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,

Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn;

Nói năng văn vẻ, rõ ràng, tường tận,

Y như là chia được phần thông suốt tinh vi..

Huỳnh Đình Kinh của Đạo Lão cũng thường đề cập đến trạng huống của những người có Trời ngự trị, có Trời hoạt động trong lòng. Nơi chương 23 Huỳnh Đình nội cảnh viết:

«Cao nghiên điềm đạm, Đạo chi viên,    高 研 恬 淡 道 之 園

Nội thị mật phán, tận đổ chân,                  內 視 密 盼 盡 睹 真

Chân nhân tại kỷ, mạc vấn lân,                 真 人 在 己 莫 問 鄰

Hà xứ viễn sách, cầu nhân duyên?»        何 處 遠 索 求 因 緣

Dịch:

Điềm đạm, hư vô chơi vườn Đạo,

Phản quang nội chiếu sẽ thấy Thần.

Thần tại lòng ta, gần thật gần,

Còn phải đi đâu hỏi với thăm?

Thánh Paul mô tả trạng thái này như sau: «Tôi sống, chẳng phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.» (Galates, 1:20).

Bucke cho rằng muốn đạt tới Thiên Tâm, trước hết phải là những người có tâm tình trí lự đặc biệt.

Nho gia xưa đã nói: «Tận nhân đạo, tắc Thiên Đạo chí.»

Chúng ta cũng có khi đặt câu hỏi: Khi Thiên đạo chí, người giác ngộ thấy gì?

Ta có thể mượn lời một tác giả, khi viết về Jacob Behmen mà thưa rằng: «Tất cả những điều huyền vi mà Ngài bàn luận, không phải là Ngài đã nghe kể lại, mà chính là Ngài đã thấy thế. Ngài nhìn thấu gốc rễ của mọi điều huyền vi, thấy CĂN CƠ hay NGUỒN MẠCH từ đó đã phát sinh ra mọi mâu thuẫn, khắc phạt, như cương nhu; nghiêm từ; cam khổ; ái ố; thiên đường địa ngục. Ngài thấy chúng từ căn nguyên; Ngài cố mô tả chúng 'tòng đầu tuyệt vĩ', để cuối cùng hòa hài mọi mâu thuẫn, khắc phạt...

Ngài thấy chúng từ lòng Hóa công; thấy chúng từ đó tung tỏa ra thành muôn hình trạng. Các bức màn che vạn hữu đã rơi xuống; Ngài đã nhìn thấy 'tim đen' của vạn loài, sống thung dung trong chân tâm vạn hữu. Sách đọc của các Ngài, chính là Toàn thân các Ngài; cái tiểu vũ trụ của con người với ba tầng sinh hoạt của nó đã phơi bày ra trước mắt Ngài.» [15]

Bucke cho rằng nhân loại sẽ đi đến một cuộc cách mạng tâm linh, và sau này sẽ có nhiều người thành chân chứng thánh.

Đã từ lâu tôi cũng có một niềm tin sắt đá như vậy.

Thánh Paul chắc cũng đã tin như vậy, khi viết: «Tạo vật đang trông chờ, ao ước sự xuất hiện của những Con Thiên Chúa.» (Rom. 8:19).

Chúa Jesus cũng nói: «Nếu ai tin ta, thì cũng sẽ làm được những việc như ta đã làm; mà còn làm được hơn ta nữa.» (John 13, 12).

Cho nên, nếu chúng ta không thành chân, chứng thánh được đó là lỗi tự chúng ta, đã không chịu tìm cầu, không chịu cố gắng, không chịu kiên trì, không chịu tinh tiến, không chịu gạt bỏ thiên kiến, có vậy thôi.

Chính vì vậy, mà tôi mượn lời Mạnh tử để kết thúc chương này. Mạnh tử nói: «Đạo thực như là một con đường lớn, đâu có khó biết? Chỉ tại người ta không chịu tìm. Bạn hãy trở về nước, về nhà mà cầu đạo, đừng sợ thiếu thày.» [16]


CHÚ THÍCH

[1] Specialism, species, sight, speculation, seeing all, and that at one glance; speculum, the mirror or means of estimating a thing by seeing it in its entirety). Richard Maurice Bucke, Cosmic Consciousness, New York, Dutton & Co, 1967, p. 212).

[2] The faculty itself has many names, but they have not been understood or recognized. It will be well to give some here. Either Gautama himself, or some of his early disciples, called it "Nirvana" because of the "extinction" of certain lower mental faculties (such as the sense of sin, fear of death, desire of wealth etc., etc..) which is directly incident upon its birth. This subjugation of the old personality along with the birth of the new is, in fact, almost equivalent to the annihilation of the old and the creation of a new self. The word Nirvâna is defined as "the state to which the Buddhist saint is to aspire as the highest aim and highest good." Jesus called the new condition "the Kingdom of God" or the "Kingdom of Heaven" because of the peace and happiness which belong to it and which are perhaps the most characteristic features. Paul called it "Christ." He speaks of himself as "a man in Christ", of "them that are in Christ." He also calls it "the Spirit", and "the Spirit of God". After Paul had entered Cosmic Consciousness, he knew that Jesus had possessed the cosmic sense and that he was living (as it were) the life of Jesus - that another individuality, another self, lived in him. This second self he called Christ (the divinely sent deliver), identifying it not so much with the man Jesus, as with the deliver which was to be sent and which had been sent in his person, who was both Jesus (the ordinary self conscious man) and Messiah (the herald and exemplar of the new higher race). This duplex personality of man having cosmic consciousness will appear many times as we proceed and will be seen to be a constant and prominemt phenomenon. -- (Libro citato, p.62).

[3] "Choisir entre ces hommes, cela ne se peut"(p. 69).

[4] Arthur Lillie says that "Buddha and Christ taught much the same doctrine."(libro citato, p. 72)

[5] Nguyễn Văn Thọ, Lecomte du Noüy và Học Thuyết viễn đích, tr. 344–350.

[6] «Jesus Christ, he said, conversing with Mr. Robin,"is the only God, and so am I, and so are you." »-- Richard Maurice Bucke, M.D. Cosmic Consciousness New York, E.P. Dutton Company, Inc.Publishers, 1967, p.195. Rossetti, W. M. Prefatory Memoir of William Blake, p. 77).

[7]... À ses yeux, Jésus Christ est peut- être bien plus le modèle de la perfection humaine que Dieu incarné... -- Lecomte du Noüy, L'Homme et sa destinée, Préface de Daniel Rops, p. 11).

[8] On March 18, 1838, there is an entry in the Emerson Journal: "I regret one thing omitted in my late course of lectures: that I did not state with distinctiveness and conspicuously the great error of modern society in respect to religion, and say, You can never come to any peace or power until you put your whole reliance in the moral constitution of man, and not at all in a historical Christianity. The belief in Christianity that now prevails is the Unbelief of men. They will have Christ for a Lord and not for a Brother. Christ preaches the greatness of man, but we hear only the greatness of Christ."  -- H.B. Van Wesep, SEVEN SAGES, The Story of American Philosophy, Longmans, Green and Co, Inc. New York, 1960, p. 84.

[9] Lettre datée du 27- 7- 1966 portant la signature du Cardinal Ottaviani adressée aux "Présidents des conférences épiscopales"... Elle signale que surgissent de divers côtés des opinions "singulières et dangereuses" qui troublent certains chrétiens... On en vient à réduire le Christ à un simple homme qui "aurait acquis peu à peu la conscience de sa filiation divine". De même, pour sa conception originale, pour ses miracles et pour sa résurrection "concédés en parole", mais qui sont ramenés, en réalité à des faits naturels.  -  Le Monde et la Vie No 161, Octobre 1966, p. 18.

[10] Kohong termine son fatras merveilleux par la déclaration suivante:"Des docteurs d'un esprit rétréci veulent faire passer Laotseu pour un être divin et extraordinaire, et engager les générations futures à le suivre; mais par cela même, ils empêchent de croire qu'on puisse acquérir par l'étude le secret de l'immortalité...En effet si Laotseu est simplement un sage qui avait acquis le Tao, les hommes doivent faire tous leurs efforts pour imiter son exemple, mais si l'on dit que c'est un être extraordinaire et doué d'une essence divine, il est impossible de l'imiter...  -- Matgioi, La Voie Rationnelle, p. 9.

[11] La tempête dans l'âme du Bodisattva s'était apaisée, il entreprit le laborieux voyage vers la suprême clarté. (Présence du Bouddhisme,p. 3).

       ... Quant à Jésus, il croissait en sagesse, en taille et en grâce...(Luc 2:52).

[12] Naturellement ceux qui suivent les voies nouvelles doivent toujours partir de ce qui est connu: Sakyamuni, pour s'éclairer, se tourna vers les maitres qui vivaient alors. Présence du Bouddhisme, p. 4.

[13] Tous les chacals ont le même cri, et tous les sages ont un enseignement identique. L'Enseignement de Ramakrishna, p. 256.

[14] Yepes' thought is that God is always existent in the human soul, but (in general) in a passive or sleeping state, or at least outside consciousness. The soul that knows that God ids in it is blessed, but the soul in which God wakes isa that which is supremely blessed. This waking of God in the soul is what is called in the present volume "Cosmic Consciousness." (libro citato, p. 140).

[15] The mysteries of which he discoursed were not reported to him, he BEHELD them. He saw the root of all mysteries, the UNGRUND or URGRUND, whence issue all contrasts and discordant principles, hardness and softness, severity and mildness, sweet and bitter, love and sorrow, heaven or hell. These he SAW in their origin... these he attempted to describe in their issue and to reconcile in their eternal results. He saw into the being of God; whence the birth or going forth of the divine manifestation. Nature lay unveiled to him - he was at home in the heart of things. His own book, which he himself was...the microcosm of man, with his threefold life, was patent to his vision. -- Richard Maurice Bucke, Cosmic Conciousness, p. 74.

[16] Viết: phù đạo nhược đại lộ nhiên. Khởi nan tri tai? Nhân bệnh bất cầu nhĩ. Tử qui nhi cầu chi, hữu dư sư. 曰: 夫 道 若 大 路 然, 豈 難 知 哉? 人 病 不 求 耳. 子 歸 而 求 之, 有 餘 師. --  Mạnh tử, Cáo tử chương cú thương, tiết 2.


» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20