PHẬT HỌC CHỈ NAM
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
Chương 5
CẢM NGHĨ, CẢM TÁC VỀ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
TÂM KINH
般 若 波 羅 蜜 多 心 經
Không phải là Phật tử, mà đọc sách Phật
giáo, suy tư về Phật giáo đối với tôi có một thích thú riêng. Thích thú
là vì mình không bị lệ thuộc vào môn phái nào, nhân vật nào, đoàn thể
nào, mà được hoàn toàn suy tư theo mình, nhận xét theo mình, viết lách
theo mình, phát biểu ý kiến theo mình, được quyền bất đồng ý kiến với
bất kỳ ai, dù là những vị đại sư thượng thặng. Hai nữa là mình không ở
trong tư thế lập ngôn, lập thuyết, nên chẳng tranh đấu cho ai, cũng
chẳng cưỡng bách được ai theo ý của mình, chẳng qua chỉ là muốn «đàm
đạo». Cho nên quý vị độc giả khi đọc bài này có chê tôi là dốt, là nông
cạn, là tà ma ngoại đạo, hay là cái chi chi chăng nữa, tôi cũng chẳng
quan tâm. Còn nếu thấy nó ứng hợp với quan điểm của quý vị, với tâm tư,
nguyện vọng của quý vị, thì tôi cũng coi là một chuyện dĩ nhiên, vì
«đồng thanh tương ứng» đâu phải là kỳ lạ. Với một tâm tư bình thản như
vậy, tôi sẽ trình bày các quan điểm của tôi về kinh Bát Nhã. Tôi đến với
kinh Bát nhã cũng như là do một cơ duyên. Năm 1986, trong khóa giảng của
tôi về Kinh Dịch và Đạo giáo Đông phương, tôi đã trình bày về các môn
phái Triết học Phật giáo với các học viên trong khoảng 20 chiều Chủ
nhật. Khi tôi sắp chuyển sang để dậy về Lão giáo, thì có một học viên,
hết sức uyên thâm về Phật giáo, đã yêu cầu tôi giảng kinh Bát Nhã. Tôi
vui vẻ nhận lời. Sáng hôm sau, tôi lấy kinh Bát Nhã ra đọc, và lập tức
cảm tác ra thành 12 bài thơ tứ tuyệt (bài thứ 13 mới làm sau đây).
Dưới đây, tôi sẽ sao chép lại để cống hiến
quý vị. Tôi dùng chữ cảm tác, chứ không dùng chữ phiên dịch, để tránh
mọi sự gò bó, trói buộc. Và từ từ, tôi sẽ mượn «cọng cỏ» sắc tướng làm
phương tiện, để cùng quý vị, như Đạt Ma sư tổ, lướt trên sóng nhân
duyên, sinh tử; dùng năng lượng siêu vi của Tuệ Giác, để sang tới «bờ
bên kia»; từ «tâm phan duyên» sang tới «tâm Niết Bàn Nguyên thanh tịnh
thể» theo lời kinh Lăng Nghiêm; hay sang tới «Tâm bên kia» mà
kinh Bát Nhã đặc biệt gọi là Tâm Ba La Mật Đa; mà kinh Lăng Già
gọi là Như Lai Tạng; mà các kinh điển Phật giáo còn gọi bằng nhiều danh
hiệu đa đoan như: Như Lai giới, Như Lai tính, Phật tính, Tự tính thanh
tịnh tâm, Phật giới, Như Lai Pháp giới thân, Trừng tịch thanh tịnh đích
tâm, Bát Nhã, Niết Bàn, Bản Lai Diện Mục, v.v... Kinh Hoa Nghiêm
còn gọi cái Tâm siêu việt ấy một cách bóng bẩy là Lầu Các Tì Lô. Nó cũng
được Long Thọ Bồ Tát gọi là Trung Đạo; Pháp tướng tông gọi là Duy Thức;
Tam Luật Tông gọi là «Bát Bất»; Thiên Thai Tông gọi là Thực tướng; Hoa
Nghiêm Tông gọi là Pháp Giới... Cái Tâm Bát Nhã ấy chính là mục phiêu
tìm kiếm của chúng ta, và cũng là đề mục của bài này.
HAI TÂM CỦA MỘT CON NGƯỜI
Trước khi đi vào kinh Bát Nhã, đi
vào Tâm Bát Nhã, chúng ta cần có một cái nhìn khái quát về hai thứ tâm
trong một con người, tìm ra tương quan giữa hai thứ tâm đó, tìm ra
chướng ngại vật ngăn cách hai thứ tâm đó rồi tìm ra đường hướng, phương
tiện, để đi từ Tâm chúng sinh, từ phàm tâm tới tâm Phật, tâm Bát Nhã.
Nói rằng con người có hai thứ Tâm, thực ra
không phải là phát minh riêng tư của tôi, mà chính là di giáo của Phật
tổ, đã được lưu truyền qua kinh sách.
Kinh Lăng Nghiêm
viết: «Phật bảo A Nan: Từ muôn
kiếp tới nay, chúng sinh như bị lao lung điên đảo, các nghiệp chướng
sinh ra đầy dẫy như trái ác xoa. Còn những người tu hành chẳng thành
được vô thượng bồ đề lại thành ra bậc thanh văn, duyên giác, và các thứ
ngoại đạo, các Trời, và ma vương, ma quyến, đều là vì không biết HAI THỨ
CĂN BẢN, tu luyện cuồng xiên, thác loạn y như đòi nấu cát thành cơm, thì
có đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng được.
«Thế nào là hai thứ căn bản, hỡi A Nan!
Một là CĂN BẢN TỬ SINH từ muôn kiếp, y như nay ngươi và chúng sinh lấy
TÂM VỌNG TƯỞNG làm Tự Tính.
«Hai là CĂN BẢN NIẾT BÀN NGUYÊN THANH TỊNH
THỂ đó ở nơi người, chính là THỨC TINH NGUYÊN MINH có thể sinh ra vạn
duyên vạn sự mà đã bị trần duyên làm mất bỏ. Cũng vì chúng sinh đã BỎ
MẤT cái CĂN NGUYÊN SÁNG LÁNG ấy cho nên hàng ngày tuy vẫn luôn luôn dùng
mà chẳng tự biết được nó, rồi ra lặn lội, đắm đuối vào các thú vui, uổng
phí cả cuộc đời.»
Ta có thể gọi CĂN BẢN SINH TỬ là VỌNG TÂM,
PHÀM TÂM; CĂN BẢN NGUYÊN THANH TỊNH THỂ là CHÂN TÂM, là BÁT NHÃ BA LA
MẬT ĐA TÂM, hay BỔN TÂM.
Chân tâm thời viên dung, hằng cửu; vọng
tâm thời khuy khuyết biến thiên. Chân tâm, Ba La Mật Tâm vì siêu xuất
trên hình thức, sắc tướng, nên cũng chính là KHÔNG, là Tịch Diệt, là
Niết Bàn. Ta có thể mô tả CHÂN TÂM này bằng bốn chữ THƯỜNG, LẠC, NGÃ,
TỊNH. Thường là vĩnh cửu, bất biến, trường tồn; Lạc là hạnh phúc; Ngã là
bản thể, thực thể; Tịnh là thanh tịnh. Còn VỌNG TÂM có thể được mô tả
bằng những chữ VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ, UẾ TẠP.
Nói theo danh từ triết học bây giờ thì
CHÂN TÂM chính là BẢN THỂ, VỌNG TÂM chính là HIỆN TƯỢNG.
Lăng Nghiêm kinh bình tiếp rằng:
«Bỏ mất Bản Tâm, mà nhận lầm duyên trần, nhận
vật làm mình, nhận giao
động biến thiên làm Chân Tâm, chân cảnh, thì làm sao mà chẳng bị quay
cuồng trong ngọn lốc luân hồi lưu chuyển.»
Không ý thức được quan niệm căn bản ấy, đã
mất CHÂN TÂM, BẢN TÂM rồi, thì dẫu «có đem thân xuất gia, lòng vẫn chẳng
nhập đạo, chẳng khác nào đứa con bỏ cha ra đi, ắt bị lao lung khổ ải. Tu
trì như thế làm sao mà chứng quả được, cũng ví như nghe người nói chuyện
uống ăn, thì làm sao mà no được.»
Có một điều rất là ly kỳ, là thường chúng
ta chỉ biết có VỌNG TÂM, mà không hề biết rằng mình có CHÂN TÂM. Lấy một
ví dụ hàng ngày cho dễ hiểu. Trong nhà tôi có tivi, có nước, có gaz, có
điện. Mở tivi là coi được vô số đài, điện thời chỗ nào cũng có; xài gaz,
xài nước ê hề. Tuy nhiên, những hình ảnh những âm thanh trên tivi của
tôi, không phải do tivi tôi mà có, mà từ những đài truyền hình từ xa
chuyển tới; điện tôi dùng trong nhà không phải từ tường nhà tôi sinh ra,
mà do từ nhà máy điện dẫn tới; gaz lẫn nước cũng vậy. Như vậy thì những
niệm lự, những hình ảnh trong tâm hồn tôi phát xuất trong tâm tư tôi,
trong đầu não tôi cũng từ một nguồn mạch huyền diệu tung tỏa ra, mà nào
tôi có biết, có hay? Nếu tôi muốn tìm cho ra các đài truyền hình, nhà
điện hay nhà gaz, thì tôi phải mất công, phải mất thì giờ tìm kiếm. Cũng
một lẽ, muốn tìm cho ra BẢN TÂM, TÂM BÁT NHÃ của tôi, tôi lại càng phải
tốn công phu hơn nhiều. Tìm ra TÂM BÁT NHÃ cũng còn được gọi là phát BỒ
ĐỀ TÂM. Suzuki cho rằng: Phát Bồ Đề Tâm không phải là biến cố trong một
ngày, vì nó đòi hỏi một cuộc chuẩn bị trường kỳ, không phải trong một
đời, mà phải qua nhiều đời. Đối với những người chưa từng tích tập thiện
căn, TÂM đó vẫn đang ngủ vùi...
Chủ trương của Phật giáo chính là: Con
người hữu hạn hàm tàng Chân Như vô hạn. Như vậy, phương châm và mục đích
tu luyện đã được vạch rõ:
Từ VỌNG TÂM, VỌNG NGÃ, ta sẽ phát huy ĐẠI
NGÃ mênh mông vô tận
; từ trong
sắc thân phàm tục, ta sẽ cố phát huy Pháp Thân siêu việt; từ trong phàm
thân dễ bị hủy hoại, ta sẽ cố phát huy KIM CƯƠNG THÂN bất khả tiêu diệt;
từ trong u minh, ta sẽ làm bừng sáng lên ngọn đuốc CHÂN TÂM.
Chữ «diệt ngã», hiểu cho đúng đắn, sẽ là
phá tan mọi hình tướng, để tìm cho ra CHÂN TÍNH (khiển tướng chứng tính)
; làm tan
biến mọi nhỏ nhen ti tiện cho Quang Minh Chính Đại hiển hiện ra
; mục đích
tối hậu là hòa hợp với Chân Như Tuyệt Đối
, hòa hợp
với Bản Thể Tuyệt Đối. Thế là đi từ hữu vi, hữu lậu trở về Vô Vi, Vô
Lậu; rũ bỏ hết mọi phiền trược buộc ràng, để sống ung dung tự tại, vứt
bỏ mọi giả tạm, để tìm ra Chân thực trường tồn (khiển hư tồn thực)
; bỏ tạp
thù để giữ lấy thuần túy (xả lạm, lưu thuần)
; bỏ ngọn
ngành chi mạt, để trở về gốc gác căn nguyên (nhiếp mạt, quy bản)
.
Bây giờ ta có thể dùng một hình vẽ đơn
giản là ba vòng tròn đồng tâm, để tượng trưng cho ba tầng lớp trong con
người, từ trong ra ngoài là:
1. Chân tâm hay Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm.
2. Vọng tâm.
3. Thân xác
Giữa Chân tâm và Vọng tâm ta vẽ thêm một
vầng đen, tượng trưng cho bức màn Vô minh, hay «biển Vô minh».
Lập tức ta thấy hiện ra hai bờ:
1. Bờ bên này, là bờ sinh tử luân hồi, bờ
sinh, lão, bệnh, tử; bờ khổ đau. Bờ bên này là thế giới vọng tâm, vọng
ngã, là bờ của chúng sinh..
2. Bờ bên kia là bờ bất biến, hằng cửu,
bình đẳng tuyệt đối, bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh, là thế giới
của chư Phật, là thế giới của Ba La Mật Đa tâm.
Từ bên này muốn sang tới bờ bên kia,
phương tiện duy nhất là phóng khai Tuệ Giác, thi triển Tuệ Giác, mà Tuệ
Giác tiếng Phạn là Bát Nhã. Cho nên con thuyền Bát Nhã mà ta dùng để
vượt biển Vô minh, chính là Tuệ Giác vậy. Ngoài ra còn phải thu thần,
định trí, nhiếp tâm, vô niệm v.v..
Với những ý niệm khái quát đó là tiên
phong, ta có thể đi vào kinh BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM.
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM
KINH
Bát Nhã Tâm Kinh là một kinh hết
sức vắn. Trong bản Hán dịch của Huyền Trang, nó chỉ gồm có 262 chữ. Mục
đích của nó chỉ bàn về Chân Tâm mà thôi.
Nó chỉ có một mục đích là phơi bầy cho
chúng ta thấy Chân Tâm vi diệu, và khẩn khoản mời mọc chúng ta bước vào
Chân Tâm ấy. Chính vì thế nó là kết tinh của bộ kinh Đại Bát Nhã vô cùng
lớn lao, và cũng là kết tinh của Phật giáo.
Vì nó quá ngắn, nên tôi xin viết ra đây cả
phần phiên âm Hán văn, mà nhiều vị độc giả có thể nói là thuộc như cháo
chẩy.
Kinh mở đầu bằng câu:
Quán Tự Tại Bồ
Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời.
觀 自 在 菩 薩, 行 深 般 若 波 羅 蜜 多
時.
Các bản dịch thường là như sau: Khi Bồ Tát
Quán Tự Tại (Avalokistevara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa.
Khi đọc bản dịch đến đây, tự dưng lòng tôi
thấy dâng lên một nỗi niềm chua xót, là thấy chỉ có Bồ Tát Quán Tự Tại,
hay là Bồ Tát Quán Thế Âm mới có thể thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu
xa, còn chúng ta hết thẩy lại bị gạt ra ngoài. Nên riêng tôi thấy có gì
không chỉnh, và tôi tự động hiểu theo lối dốt nát của tôi là: bất kỳ ai,
nếu thực hành được Bát Nhã Ba La Mật, cũng có thể vào được Chân Tâm.
Tôi lại có cái tật là không nệ văn tự,
kinh sách, ỷ y vào câu: «Phật thị tâm tác. Mê nhân hướng văn tự trung
cầu; ngộ nhân hướng tâm nhi giác.»
Tôi liền phóng tác lại như sau:
Buông thuyền Bát Nhã tếch bờ mê
Bến Giác Bên Kia thoắt đã kề
Tịch diệt Niết Bàn đây há phải
Tự Tại Căn Nguyên, chứng Bồ Đề.
Tôi nhất quyết không dịch, mà chỉ mong đạt
được vi chỉ của kinh. Hôm tôi đem trình bày quan điểm của tôi về hai câu
này trong lớp, có mấy vị Phật tử, mấy vị cư sĩ có vẻ bất mãn về lối nhìn
của tôi, nhưng sau khi nghe phân trần, lại theo quan điểm của tôi.
Thú thật là khi tôi giải thích hai câu
trên, mới đầu là do tự tâm của tôi, không hề bị ảnh hưởng của sách. Sau
khi thấy có sự bất đồng quan điểm, tôi mới về khảo lại sách, để xem lập
trường mình có thể đứng vững hay không. May mắn là trong tay tôi có
quyển TÂM KINH TƯỜNG CHÚ của Vô Tích Đinh Phúc Bảo Trọng Hữu soạn
năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 9 (1920), chú giải kinh văn hết sức là tinh
tường, tôi liền đọc xem lời giải thích của ông ra sao.
Ông bình về mấy chữ Quán Tự Tại Bồ Tát như
sau: «Theo bản dịch của Diêu Tần Cưu Ma La Thập và bản dịch của
Đường Pháp Nguyệt, thì đều giải là Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo bản dịch của
Đường Trí Tuệ Luân, thì giải là Quán Thế Âm Tự Tại. Nhưng theo bản Đường
Thích Tịnh Mạn tâm kinh chú sớ, lại cho rằng tất cả các vị Đại sĩ đều có
khả năng như vậy. Và giải «Quán Tự Tại» là Nhìn thấy rằng chư pháp là
không, và không vướng mắc vào cảnh giới nào, thực hiện được TẤT CẢNH
KHÔNG; quan đạt được TỰ TẠI, TỰ TẠI VÔ NGẠI..»
Quán tự tại
觀 自 在
Như vậy thực ra không khác với lối nhìn
của tôi, khi cho rằng QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT là một người đại trí đã nhìn
thấu thấy CĂN NGUYÊN, BẢN THỂ của mình. Đó là điều kiện tất yếu để vào
được Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm.
Thế nào là «hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa
thời»? Đó chính là khi tâm linh trừng triệt, dùng thần lực của «tâm vô
lậu» của trí huệ Bát Nhã mà vượt lên trên mọi hình danh sắc tướng; thu
nhiếp được vọng tâm; tiêu trừ mọi vọng niệm; làm cho vạn duyên tan biến
thành hư vô, và cũng là khi «vô chứng, vô đắc», «vô trụ»; là khi vượt
ngoài phân biệt, chấp trước, thanh tịnh tuyệt đối; viên dung, bình đẳng,
nhất nhất, như như...
Thế là từ nay chúng ta đã xa lìa Tâm Chúng
Sinh, mà vào được Tâm Phật, Tâm Bát Nhã.
Vì thế nên, theo tôi, từ đây sắp xuống là
chỉ bàn về Tâm Bát Nhã Ba La Mật.
Như đã nói trên, ngũ uẩn là như những vừng
mây che lấp Chân Tâm, nên vào Chân Tâm rồi, thì còn gì là Ngũ Uẩn. Khổ
đau là gia tài của Tâm Sinh Diệt. Chúng ta đã vào Chân Tâm, thì làm gì
còn chuyện khổ đau. Vào tới đây, mới thấy tuy là nơi «tất cánh không»,
nhưng cũng là nguồn suối sinh ra mọi cảnh sắc, và cũng là nguồn suối
mạch của THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, của Vọng Tâm sau này. Ý thức như khi ta
lên ngọn nguồn, chúng ta mới chứng kiến được rằng muôn sông, nghìn suối
cũng là từ đây phát xuất ra. Nói theo triết học hiện đại, thì Bản Thể
tuy là Không Tịch, nhưng cũng chính là gốc nguồn của muôn vàn Hiện Tượng
sau này. Hiện tượng khi còn nằm trong lòng Bản Thể, thì vẫn là Bản Thể,
nào có gì sai khác đâu? Cho nên kinh viết tiếp:
Chiếu kiến
ngũ uẩn giai không,
照 見 五
蘊 皆 空
Độ nhất
thiết khổ ách.
度 一 切 苦 厄
Xá Lợi tử,
sắc bất dị không, không bất dị sắc;
舍 利 子, 色 不 異 空, 空 不 異 色
Sắc tức thị
không, không tức thị sắc.
色 即 是 空, 空 即 是 色
Thụ, tưởng, hành,
thức, diệc phục như thị.
受 想 行 識 等 亦 復 如 是
Tôi phóng tác như sau:
Chiếu soi ngũ uẩn, thấy toàn không.
Khổ ách từ nay hết vân mòng.
Này này Xá Lợi hay chăng tá?
Sắc không vốn một, há đôi dòng!
Sắc không vốn một, há đôi dòng,
Mới hay Không, Sắc vốn hồn dung.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức trông kỹ lại
Cũng nào có khác với Chân Không.
Vì Chân Tâm, vì Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm
là tâm vô phân biệt, nên vĩnh cửu trường tồn, siêu xuất trên luân hồi
sinh tử; siêu xuất lên trên vòng tương đối, tương đãi của hiện tượng
biến thiên, nên không tăng, không giảm, không dơ, không sạch. Dĩ nhiên
là như vậy. Nên kinh viết tiếp:
Xá Lợi tử,
thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất
tăng, bất giảm.
舍 利 子,
是 諸 法 空 相, 不 生, 不 滅, 不 垢, 不淨, 不 增, 不 減.
Tôi phóng tác:
Xá Lợi, có hay cái Tướng Không,
Không sinh, không diệt, chẳng vân mòng
Không dơ, không sạch, không tăng giảm,
Ấy chính là nơi Tất Cảnh Không.
Chúng ta đã phân biệt Bát Nhã Ba La Mật Đa
tâm, là Chân Tâm, là Bản Thể; còn Vọng Tâm là Hiện Tượng. Chỉ có Hiện
Tượng mới có sắc tướng; chỉ Vọng Tâm mới có thọ, tưởng, hành, thức; mới
có lục căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý), mới tiếp xúc với lục trần
(sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), mới có tầm nhìn, lối nghĩ; mới ở
trong vòng sinh, lão, bệnh, tử; mới muốn thoát vòng sinh, lão, bệnh, tử;
chỉ có Vọng Tâm mới phải nhận thức rằng mình đang mắc vòng Vô Minh; mới
cố tìm cách diệt Vô minh; mới phải có những phương tiện để diệt khổ, mới
phải dùng trí Bát Nhã để đắc Đạo, để trở về Chân Tâm. Nhưng một khi đã
vào Chân Tâm, vào cảnh giới vô phân biệt, an nhiên, tự tại, thì khỏi
phải bận tâm ngay cả đến «trí», đến «đắc» nữa. Vì vậy kinh viết tiếp:
Thị cố
Không trung vô sắc,
是 故 空 中 無 色
Vô thụ,
tưởng, hành, thức,
無 受 想 行 識
Vô nhãn,
nhĩ, tị, thiệt, thân, ý,
無 眼 耳 鼻 舌 身 意
Vô sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp.
無 色 聲 香 味 觸 法
Vô nhãn
giới, nãi chí vô ý thức giới,
無 眼 界 乃 至 無 意 識 界
Vô vô minh,
diệc vô vô minh tận,
無 無 明 亦
無 無 明 盡
Nãi chí vô
lão tử, diệc vô lão tử tận.
乃 至 無 老 死 亦 無 老 死 盡
Vô khổ,
tập, diệt, đạo.
無 苦 集 滅 道
Vô trí,
diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
無 智
亦 無 得 以 無 所 得 故
Tôi phóng tác:
Ấy chính là nơi Tất cảnh không,
Cho nên vô sắc, với vô tung,
Thọ, tưởng, hành, thức đều không có,
Nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý: không.
*
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đâu?
Lục trần vì vậy hết đương đầu.
Nhìn ra: Không Tịch; suy: Vô Niệm!
Vô minh quét sạch, mới nhiệm mầu
*
Vô minh quét sạch hết không còn
Vào nơi Viên Giác, hết đa đoan,
Hết già, hết chết, không
bệnh hoạn
Khổ, Tập, Diệt, Đạo cũng tiêu luôn.
*
Vào nơi vô tận, chứng vô biên
Viên giác vời trông sáng mọi miền
Hết Trí, hết còn chi để Đắc!
Thiệt lạ lùng thay Tính Bản Nhiên.
Tuy nhiên đắc quả Bồ Đề rồi, phải lo độ
chúng sinh. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có lời thệ nguyện:
Như nhất chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ Nê Hoàn
(Như một chúng sinh chưa thành Phật,
Lòng đây nguyền chẳng nhập Niết Bàn)
Thực là một tình yêu bao la, một lòng từ
bi vô hạn lượng. Chính vì vậy mà kinh viết tiếp:
Bồ Đề Tát
Đỏa 菩
提 薩 埵
Tôi phóng tác:
Bồ Đề: Phật đạo đã viên
thành
Tát Đỏa: Phát tâm độ chúng sinh
Phát tâm phổ độ vô hạn lượng
Tự lợi, lợi tha thế mới tình.
Khi vào được Chân Tâm, vào được Tâm Bát
Nhã Ba La Mật Đa, là sẽ được an nhiên, tự tại; không còn bị «tử, sinh,
kinh, cụ» làm nau mấylần, không còn có những cái nhìn lộn lạo, đảo điên;
không còn mộng tưởng, vì đã ở trong Thực Tại, Thực Tướng, vì Bản Thể là
Niết Bàn. Vì thế kinh viết tiếp:
Y Bát Nhã
Ba La Mật Đa cố,
依 般 若 波 羅 蜜 多 故
Tâm vô quái
ngại.
心 無 罣 礙
Vô quái
ngại cố, vô hữu khủng bố,
無 罣 礙 故 無 有 恐 怖
Viễn ly
điên đảo, mộng tưởng
遠 離 一 切 顛 倒 夢 想
Cứu cánh
Niết Bàn.
究 竟 涅 槃
Tôi phóng tác:
Bến Giác một khi đã tới rồi,
Tâm hết lo lường, hết chơi vơi
Xa rời điên đảo, xa mộng tưởng
Niết Bàn cứu cánh đã tới nơi.
Kinh
tán dương công dụng vô biên của sự thấu triệt vi diệu về Tâm Bát Nhã.
Thấu triệt vi diệu về Tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, liễu ngộ Chân Tâm nơi
chính bản thân mình, là chứng được Vô Thượng Bồ Đề. Chư Phật trong quá
khứ, hiện tại và vị lai không có hiểu biết nào khác, phương tiện nào
khác, quả vị nào khác. Vì thế Kinh cho rằng:
Hết thẩy
chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đều y cứ vào Bát Nhã Ba La
Mật Đa, mà chứng đắc giác ngộ viên mãn, tối thượng.
Vì vậy, nên biết Bát Nhã Ba La Mật là đại thần chú, là chú của đại minh
huệ, là thần chú cao tuyệt, thần chú vô giá, có thể trừ diệt hết mọi khổ
đau; đó là chân lý vì không sai lầm...
Tam thế chư
Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu, Tam Bồ Đề.
三 世 諸 佛 依 般 若 波 羅 蜜 多
故, 得 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提.
Cố tri Bát Nhã Ba
La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô
đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
故 知 般 若 波 羅 蜜 多, 是 大 神 咒, 是
大 明 咒, 是 無 上 咒, 是 無 等 等 咒, 能 除 一 切 苦, 真 實 不 虛.
Tôi phóng tác:
Chư Phật xưa nay ấy chốn nơi,
Bát Nhã Ba La thật tuyệt vời
Bát Nhã Ba La là thần chú
Bao nhiêu sầu não cũng tiêu vơi.
Kinh kết thúc bằng một câu thần chú: Đây
là thần chú được công bố trong kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: Gate, gate,
paragate, parasamgâe, bodhi, svaha! (Này Bodhi, đi qua, đi qua, qua
bờ bên kia, qua đến bờ bên kia, Svaha)
. (Ở Việt
Nam, cũng có nhiều người hiểu câu chú này như sau: «Qua đi, qua đi, qua
bờ bên kia đi, hoàn toàn qua bờ bên kia đi, thì có Bồ Đề. Ngài khéo nói
như vậy.»)
Vì thế kinh viết tiếp:
Cố thuyết Bát Nhã
Ba La Mật Đa chú tức thuyết chú viết:
故 說 般 若 波 羅 蜜 多 咒 即 說 咒 曰:
Yết đế, yết đế,
ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ
đề tát bà ha.
揭 諦 揭 諦, 波 羅 揭 諦, 波 羅 僧 揭 諦, 菩 提 薩 莎 訶.
Tôi phóng tác:
Bát Nhã Ba La ấy Chân Như
Đều là Chân thực, chẳng ngoan hư,
Diệu quyết nắm tròn, thành thần chú
Đọc lên trời đất chuyển rung chừ:
*
Minh giác từ xưa, ấy hỡi ai
Hãy băng, hãy vượt cảnh trần ai
Hãy mau sang tới bờ Viên Giác,
Phật quả viên thành đã chắc rồi.
BẠT
Vịnh chữ Tâm của kinh
Bát Nhã
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm
Là Tâm Bát Nhã, là Tâm Bồ Đề.
Tâm này trong vắt lưu ly,
Khách trần phiền não làm gì nổi đâu.
Tâm này trong vắt một mầu,
Vạn duyên câu tuyệt, vô cầu, vô tranh.
Không yêu, không ghét đã đành,
Không màng thiện ác, không dành thị
phi.
Vô niệm, vô sở đắc chi,
Người rằng: «Giải thoát», người thì:
«Bờ kia»!
Tâm không trước tướng mới kỳ,
Tâm vô sở trụ, siêu vi diệu huyền.
Ấy Tâm Thanh Tịnh Bản Nguyên
Ấy Tâm Phật tổ đã truyền Ma Ha.
Ấy tâm, chính tổ Đạt Ma,
Tâm truyền sang xứ Trung Hoa sau này.
Bồ Đề Tâm đích Tâm đây,
Niết Bàn Tâm cũng Tâm này chẳng sai.
Bát Nhã Tâm Kinh nguyên lai,
Đem Tâm này chỉ rạch ròi trước sau.
VỊNH CHỮ
KHÔNG
Học Phật phải rành một chữ Không
Chữ Không biến hòa, diệu nan cùng
Không tâm, vô trước, là đắc đạo
Nhiếp tâm, thành Phật, hiển thần thông.
*
Không: có Giả không, có Chân không
Giả Không: Sắc tướng cũng một dòng.
Chân Không diệu hữu là chân thực
Thể nhập Chân Không phúc vô cùng.
*
Những gì cấu tạo bởi nhân duyên
Đều là hư ảo, chẳng vững bền
Tỉnh giấc hoàng lương, nơi phù thế,
Duyên tan: tưởng có hóa không liền!
*
Bát Nhã giảng Tâm lại giảng Không
Thanh văn, Duyên giác thẩy mơ mòng,
Vào tới Chân Không, Chân bản thể,
Một hay sắc tướng thẩy đều không.
*
Đã đành sắc tướng thẩy đều không,
Nhưng mà Không Sắc vốn hồn dung,
Khổ hải, Niết Bàn vô phân biệt
Thượng thừa Bất nhị Pháp môn thông.
CHÚ THÍCH
Thủ Lăng
Nghiêm (TLN) quyển 1 Việt Nam Phật tử hội (VNPTH) xuất bản tr. 22, 23 -
Linh Sơn (LS) Phật học nghiên cứu hội, tr. 55- 56.
TLN,
VNPTH, tr. 36 – LS tr. 80.
TLN, VNPTH, tr. 28, 29 – LS, tr. 66 – 67.
Daisetz
Teitaro Suzuki, Thiền luận, quyển hạ (Tuệ Sỹ dịch – Đại Nam) tr. 310.
Thích Đạo
Quang, Đại cương Triết học Phật giáo, tr. 55.
lb. Tr. 93- 94.
lb. Tr. 56, 94.
lb. Tr. 56, 94.
lb. Tr. 93.
lb. Tr.
93.
lb. Tr.
3.
Suzuki dịch ra Anh văn như sau: «The Bodhisattva Avalokitesvara, while
engaged in the practice of profound Prajnaparamita, perceived that the
five aggregates are empty of «self-existence», thus he overcame the
sufferings and troubles.» (D.T. Suzuki, Garma Chan & E. Conze).
Vô Tích Đinh thị tàng bản, Tâm
kinh tường chú (19200), tr. 7a.
) lb. 12 b
và tiếp theo.
Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ điển, q. 1, tr. 322 nơi chữ Nê Hoàn,
và Thủ Lăng Nghiêm, cuối quyển 3.
Suzuki,
Thiền luật tập hạ (Tuệ Sỹ dịch - Đại Nam) tr. 330.
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
|