PHẬT HỌC CHỈ NAM
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5
6 7
8 9
10 11
12 13
14 15
16 17
18 19
20
Chương 6
CHÂN TÂM, VỌNG
TÂM
Tối ngày 2/20/1989, trong khi thảo luận về
Giải Thoát, đạo hữu Nguyễn Cao Triển đã đặt vấn đề như sau: Khi Tiểu
Ngã đạt Tâm điểm hằng cửu của trời đất, sẽ làm gì sau đó? Đạo Hữu
cho rằng suy tới đó, thấy kẹt, không thông sướng. Mỗi người bàn một
cách. Sau đó mấy phút đột nhiên đạo hữu lại tự tìm được câu giải đáp:
Nếu ta và vạn vật là một, thì làm gì có Tiểu Ngã. Thế là đạo hữu mặc
nhiên đã giải được công án: «Vạn
pháp qui nhất, nhất qui hà xứ»
của Thiền Tông.
Nhận định rằng vấn đề Tiểu Ngã, Đại Ngã là
một vấn đề tối ư quan trọng của Đạo Phật nói riêng, và của các đạo giáo
nói chung, nên bữa nay tôi đem vấn đề này ra trình bày.
Đối với tôi:
– Khi con người còn là chúng sinh, chỉ
thấy mình là một Tiểu Ngã, sống trong hoàn võ bao la, mà vẫn chỉ ôm ấp
được một bầu tâm sự riêng tư, những ước mơ hạn hẹp, xa lạ với tha nhân,
với quần sinh và vũ trụ.
– Khi con người giác ngộ là khi thấy được
Chân Tâm, Chân Ngã, Bản Lai diện mục nơi mình.
– Tất cả công trình tu trì tinh tiến chỉ
là một công chuyện đấu tranh, một công chuyện chọn lựa giữa Chân Tâm và
Vọng Tâm; Chân Ngã và Vọng Ngã.
Chân Tâm thời quang minh chính đại, vĩnh
cửu thường hằng, uy nghi trang trọng; Vọng tâm thời ám muội, tà khuất,
biến thiên, sinh tử, thấp kém hèn hạ, người tu học sẽ chọn bên nào? Dĩ
nhiên là phải chọn Chân Tâm. Thế là Bất Nhị Pháp Môn, thế là Trung Đạo.
– Đắc đạo, thoát luân hồi là khi nhận chân
rằng: Vọng Tâm thực ra chỉ là một ảo ảnh, một ngưng kết của Vô Minh, và
lập tức phải trút bỏ nó. Từ đó chỉ sống bằng Chân Tâm, bằng Tâm vô lượng
chính đẳng chính giác, chứ không sống bằng các «tướng đoạn diệt» nữa.
(Xem Kim Cương kinh, chương 27: Vô đoạn vô diệt).
Cho nên các bậc siêu nhân xưa nay thường
có cái nhìn vĩnh cửu, cái tâm đại đồng.
Tô Đông Pha trong bài
Tiền Xích Bích phú đã viết:
Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,
Thì đất trời phút chốc đã qua.
Từ trong bất biến nhìn ra,
Muôn loài muôn vật như ta vô cùng...
Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh:
Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.
(Nam Hoa Kinh, Tề vật luận).
Ông cũng còn nói:
«Duy đạt giả tri thông vi
nhất.»
唯 達 者 知 通 為 一
(Chỉ có người đạt đạo mới dung thông hòa
hài nên như một cùng vũ trụ). (Nam Hoa Kinh, Tề vật luận.)
Người đạt đạo có cảm nghiệm rằng cái vọng
tâm riêng rẽ đã chết đi, chỉ còn có Đại Ngã sống động trong mình.
– Đạo Phật gọi thế là Diệt Ngã
滅 我.
– Đạo Lão gọi thế là «Tâm tử thần hoạt»
心 死 神 活.
– Công giáo gọi thế là: «Bỏ mình» (Mat.
16:24)
– Thánh Paul viết: «Tôi sống chẳng phải là
tôi sống mà là Chúa sống trong tôi.» (Galates 2:20).
– Nho gọi thế là: Nhân dục tận, Thiên lý
hiện.
– Kinh Coran Hồi giáo viết: “Chúa là đầu,
là cuối, là trong, là ngoài. Ngài hay biết mọi sự. (Koran, LVII Mecca)
Nếu Chúa là trước là sau, là trong là
ngoài thì dĩ nhiên là đã chiếm hết chỗ của cái Tôi!
– Kinh Áo Nghĩa Thư, Bà La Môn
viết:
Kìa sông tới biển thời tiêu,
Hết danh, hết sắc, hết điều riêng tây.
Trở thành biển cả từ nay,
Gọi là biển cả mảy may khác gì.
Con người nhìn lại cũng y:
Khi "mười sáu bộ" đã qui về Ngài,
Còn đâu danh tướng lôi thôi,
Rồi ra cũng chỉ là ngôi Chân Thần.
Thế là vĩnh cửu bất phân,
Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa.
Đã điều qui tụ hiệp hòa,
Như đũa liền trục, ắt là Chân Nhân.
Chân nhân là chính Chân Thần,
Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.
(Prasna 6.5-6. Brih. 4.4.1-2.)
Tất cả các Kinh Phật chỉ có 2 mục đích:
– Một là chứng minh không có Tiểu Ngã. Cho
nên tưởng mình có Tiểu Ngã là một cái nhìn điên đảo.
– Hai là dạy con người tìm cho ra Bản Tâm,
bản Tính.
Bác Sĩ Lê Đình Thám, trong Lời nói đầu của
Kinh Lăng Nghiêm, đã viết: «Chư
Phật ra đời chỉ nhằm mục đích là dạy bảo, chỉ bày cho chúng sinh giác
ngộ và thật chứng Pháp Giới Tính như Phật. Pháp giới tính là tính bản
nhiên của tất cả sự vật, nghĩa là của tất cả các chuyển động và các hiện
tượng trong vũ trụ...
«Then chốt nhân quả là Pháp Giới Tính
trùng trùng duyên khởi, nghĩa là một sự vật duyên tất cả sự vật; tất cả
sự vật duyên một sự vật; trong một có tất cả; trong tất cả có một; một
tức là tất cả; tất cả tức là một. Tính ấy gọi là tính chân như, là thật
tướng là Phật tính, là Như Lai tạng tính, là Pháp tính, là tâm tính
v.v...
«Tính ấy bình đẳng, không thật có sinh, có
diệt, có người, có mình, có tâm, có cảnh, có thời gian, có không gian,
không thấp, không cao, không mê, không ngộ; tính ấy duyên khởi ra tất cả
sự vật, không có ngăn ngại, đồng thời cũng tức là bản tính của tất cả sự
vật không hề thay đổi...
«Tam thế chư Phật, chư Đại Bồ Tát, thật
chứng và nhập một với Pháp Giới Tính nên phát khởi vô duyên đại từ, đồng
thể đại bi, hiện ra vô số thân, theo duyên hóa độ vô lượng vô biên chúng
sinh, nhưng vẫn không có gì ra ngoài Pháp giới tính. Chúng sinh chưa
chứng được Pháp giới tính, nên theo duyên mà luân hồi trong lục đạo.
Nhận thức khác nhau nên chỗ thụ dụng của Phật và của chúng sinh khác
nhau, nhưng Pháp giới tính vẫn như vậy, không thêm, không bớt...
»
Câu Xá Tông (Koucha-shu) chủ trương không
có bổn ngã, tức là không có Vọng Tâm, không có Tiểu Ngã. Tại sao vậy? Vì
cái gì là hiện tượng, đều ở trong vòng biến thiên, sinh tử luân hồi, đều
là hình danh sắc tướng hữu hạn biến thiên.
Mã Minh Bồ Tát, tổ 12 trong nền Phật Giáo
Ấn Độ (thế kỷ 2 Dương Lịch) được tổ 11 là Phú Na Dạ Xa dạy rằng: Trong
Pháp Phật nên phân biệt hiển giáo (exotérisme) và mật giáo (ésotérisme).
Theo hiển giáo người ta dạy cho cư gia thiện nam tín nữ, dường như có
một cái bổn ngã (le moi). Còn theo mật giáo người ta không công nhận sự
sống thật, người ta dạy rằng tất cả đều là giả dối, bào ảnh, thì đâu có
chỗ nào cho cái Bổn ngã dựa nương? Mã Minh rất hài lòng bèn qui y tam
bảo, thọ giới, xuất gia...
Sau này Ngài có viết quyển Đại Thừa
Khởi Tín Luận. Quyển sách này đã được Đường Pháp Tàng bình giải, và
đã được bình dịch bằng tiếng Việt, nơi bộ Phật Học Phổ Thông,
Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Khóa thứ X, XI. Chủ đề của bộ luận trên
là bàn sâu rộng về Chân Tâm và Vọng Tâm. Chân tâm
thời có đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; còn Vọng tâm thời được mô tả
là tâm sinh diệt. Tôi đọc Đại Thừa Khởi Tín Luận bằng
tiếng việt khoảng tháng 4 năm 1989, vào đọc chính bản bằng Hán Văn vào
tháng 5, 1989, nhưng từ 1964, khi đọc kinh Lăng Nghiêm tôi đã
khẳng định rằng: Muốn hiểu triết lý Phật Giáo, điều kiện tiên quyết là
hiểu rành Chân Tâm và Vọng Tâm nơi con người. Ngày nay đọc bộ luận của
Mã Minh, tôi hết sức vui mừng vì cái nhìn sơ khởi của tôi về Phật Học đã
hoàn toàn đúng với lời giảng giáo của chư Phật.
Tóm lại, Mã Minh Bồ Tát, khi chưa xuất
gia, mới chỉ sống bằng Vọng Tâm, nên thấy mình còn như thiếu thốn cái
gì, vì thế mới qui y, mới xuất gia để cầu đạo. Sau khi xuất gia, Ngài đã
chứng ngộ Chân tâm và thành Tổ thứ 12. Kinh Kim Cương viết:
«Nếu Bồ Tát còn chấp có tướng ta, tướng người,
tướng chúng sinh, tướng thọ giả, tức không phải là Bồ Tát.»
Nói thế có
nghĩa là bao lâu con người còn thấy mình chỉ có vọng tâm, vọng ngã, bấy
lâu con người chưa đạt tới giác ngộ.
Truyền Tâm ấn tức là dạy cho nhau biết Bản
tâm mình là Phật, Chân Tướng mình là Như Lai Vô Lượng Thọ, Vô Lượng
Quang...
Tâm ấn mà đức Phật xưa truyền cho Ca Diếp
là: «Ngô hữu Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô
Tướng, Vi Diệu Pháp Môn, kim phú Ma Ha Ca Diếp.»
Nói thế nghĩa là: Trong ngươi đã sẵn có
Tâm Vô Thượng Chính Đẳng chính giác. Cho nên ngươi chớ ôm ấp những cái
tướng đoạn diệt nơi ngươi, những gì phù vân, hư ảo nơi ngươi, tức là
ngươi hãy thoát khỏi các vỏ kén Tiểu Ngã, để mà vươn lên tới vô cùng.
Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đệ tử của Tam Tổ
Tăng Xán, sang Việt Nam truyền đạo vào cuối thế kỷ VI. Trước khi viên
tịch, Ngài gọi đệ tử là Pháp Hiển vào phòng phú chúc rằng: «Tâm ấn của
Phật, không thể mập mờ được. Tâm ấn viên mãn như Thái Hư không thừa,
không thiếu, không đến, không đi, không được, không mất, không phải đồng
nhất, cũng không phải sai biệt, không thường cũng không đoạn, không sanh
cũng không diệt, không xa cách cũng không phải không xa cách. Chỉ vì đối
với vọng nên giả đặt ra tên ấy (tâm ấn) mà thôi.»
Như vậy truyền Tâm ấn tức là truyền dạy
Chân Tâm.
Thiện Hội thiền sư hỏi sư phụ là Cảm Thành
thiền sư: «Trong kinh Phật có dạy: "Đức Thích Ca Như Lai từng tu hành
trải vô số kiếp mới thành Phật", thế mà nay thày cứ dạy rằng: "Tâm tức
là Phật, Phật tức là Tâm" là nghĩa làm sao?» Cảm Thành thiền sư trả lời:
«Ngày xưa có người hỏi Mã tổ rằng: "Nếu bảo tâm ấy là Phật, thì trong
tâm ấy cái gì là Phật?" Mã Tổ trả lời: "Thế ông ngờ trong tâm ấy cái gì
không phải là Phật, hãy chỉ vào đấy cho ta xem?" Người ấy không chỉ
được. Mã Tổ lại tiếp: "Đạt được thì khắp nơi chỗ nào cũng là Phật, mà
không đạt được, thì cứ sai lầm đi mãi mãi". Thế là chỉ vì một lời nói nó
che đi, mà thành ra sai lầm đó thôi. Ngươi đã hiểu chưa?» Ngài Thiện Hội
trả lời: «Nếu vậy đệ tử hiểu
rồi.» – «Ngươi hiểu thế
nào?» – «Đệ tử hiểu rằng khắp hết mọi nơi, chỗ nào cũng là tâm Phật cả.»
Nói xong Thiện Hội thiền sư sụp xuống lạy. Ngài Cảm Thành nói:
«Thế là ngươi hiểu tới nơi
rồi.»
[5]
Chủ yếu của Kinh Lăng Nghiêm là
bàn về Chân Tâm và Vọng tâm.
Sống theo Vọng tâm là Luân Hồi.
Sống theo Chân Tâm là Niết Bàn.
Chương Ba kinh Lăng Nghiêm dạy:
«Ông nay muốn đặng Đạo vô
thượng Bồ Đề, thì điều cần nhất là phải hiểu hai thứ căn bản:
1. Một là căn bản sanh tử luân hồi là Vọng
Tâm.
2. Hai là Căn Bản của Bồ Đề Niết Bàn là
Chân Tâm.
Nếu ông nhận lầm căn bản sinh tử (Vọng
tâm) làm nhân tu hành, thì không bao giờ giải thoát. Cũng như ngươì nhận
giặc làm con, thì chỉ thêm bị phá hoại gia sản mình mà thôi. Và cũng như
người nấu cát thành cơm, dầu trải qua bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm
được...
Cái gì biến thiên, cái gì lệ thuộc vào
ngoại cảnh, cái gì là suy nghĩ phân biệt, cái gì là vọng tưởng phân
biệt, tất cả những cái đó là Vọng Tâm.
Phật dạy: Cái gì có co, có mở, có động, có
tĩnh, có sinh có diệt, cái đó là "khách", là vọng... Cái gì không có
động tĩnh, không có co mở, không sinh không diệt, thì cái đó mới là
Chân, là Chủ, là Chính ông.»
(Lăng Nghiêm Chương 3).
«Tại sao từ hồi nào đến giờ, các ông cứ
nhận cái vọng thân tứ đại giả hợp này cho là thật thân mình; cái vọng
tưởng sinh diệt này cho là thật tâm mình; cảnh vật giả tạm cho là thật
«cảnh» của mình, mà lại bỏ cái Chân Tâm thường còn bất sinh, bất diệt
của mình sẵn có kia đi? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sinh tử luân
hồi, thật là rất oan uổng.» (Kinh Lăng Nghiêm, Chương 3).
Phật dạy thêm: «Ta thường nói “các pháp do
tâm biến hiện, cho đến thân và tâm ông ngày nay cũng đều là vật ở trong
chơn tâm hiện ra”. Tại sao các ông lại vứt bỏ cái bản thể chơn tâm
đi. Các ông vẫn ở trong ngộ (Chân tâm) mà trở lại đành ôm lấy cái mê
vọng làm mình. Điên đảo là đó. Thật đáng buồn thương!» (Kinh Lăng
Nghiêm chương 4.)
Lời khuyên then chốt của Kinh Lăng Nghiêm
là: «Các ông hãy xoay cái hư vọng sanh diệt trở lại chân tâm thanh tịnh
không sanh diệt; phải lấy chân tâm không sanh diệt này làm nhân địa tu
hành, thì sau mới chứng được Phật quả thường trụ.» (Kinh Lăng Nghiêm,
chương X)
Trong Thiền Tông, thì Thần Tú là người chủ
trương chấp nhận có tâm sinh diệt, và cố gắng chùi rửa cái tâm sinh diệt
ấy, để cầu mong thành Phật.
Bài kệ của ông là:
Thân thị bồ đề thụ,
身
是
菩
提
樹
Tâm như minh kính đài,
心
如
明
鏡
臺
Thời thời cần phất thức,
時
時
勤
拂
拭
Vật
sử nhạ trần ai.
勿
使
惹
塵
埃
Chuyển dịch:
Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường ngày hằng chau chuốt,
Chớ cho dính trần ai!
Huệ Năng là người đã đạt tới Chân Tâm, đã
sống trong chân thường khinh khoát của Bản tâm bản tính.
Ông giác ngộ khi nghe câu kinh Kim Cương:
«Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.»
應 無 所 住 而 生 其 心
(Vào nơi Vô trụ, chứng vô biên.)
Bài kệ của ông là:
Bồ đề bản vô thụ
菩
提
本
無
樹
Minh kính diệc phi đài
明
鏡
亦
非
臺
Bản lai vô nhất vật
本
來
無
一
物
Hà xứ nhạ trần ai?
何
處
惹
塵
埃
Chuyển dịch:
Bồ đề vốn không cây,
Tâm há đài gương sáng.
Xưa nay không một vật,
Nơi nào bám trần ai.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khi đọc xong cả hai câu
kệ, bề ngoài thời cố ý khen lao bài kệ của Thần Tú, và xóa bỏ bài kệ của
Huệ Năng. Nhưng Ngài gọi Thần Tú vào mà dạy riêng rằng:
Nhà ngươi làm kệ này, chưa thấy được
Bản tính, mới ở ngoài cổng, chưa vào được trong nhà. Với cái nhìn, cái
biết ấy làm sao đạt được Vô Thượng Bồ Đề. Ngài truyền Huệ Năng vào
gặp Ngài lúc canh ba, lấy áo cà sa choàng cho, và giảng kinh Kim Cương.
Đến câu «ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm», Huệ Năng liền đại giác, đại
ngộ, và ứng khẩu đọc rằng:
Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh,
何 其 自 性 本 自 清 凈
Hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt,
何 其 自 性 本 不 生 滅
Hà kỳ tự tính bản tự cụ túc,
何 其 自 性 本 自 具 足
Hà kỳ tự tính bản vô động dao,
何 其 自 性 本 無 動 搖
Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp...
何 其 自 性 能 生 萬 法
Mới hay Bản tính vốn thanh tịnh,
Mới hay Bản tính vốn trường tồn,
Mới hay bản tính vốn viên mãn,
Mới hay Tự tinh vốn tĩnh lãng,
Mới hay Tự tính sinh muôn vật.
Khẩu khí Huệ Năng chứng tỏ Ngài đã đạt
Chân Tâm thường trụ của đất trời. Ngũ Tổ biết Huệ Năng đã chứng ngộ được
Chân Tâm, Bản Tính, bèn nói: «Nếu không biết được Bản Tâm, thời học Pháp
cũng vô ích. Nếu biết được Bản tâm, thấy được Bản tính, tức gọi là
Trượng phu, là Thiên Nhân Sư Phật.»
Sau đó Ngũ Tổ truyền Y bát cho Huệ Năng.
Tôi có một ông bạn, là Tiến Sĩ Nguyên Tử
Lực, Phạm Khắc Hàm. Tôi không quí ông vì cái bằng Tiến sĩ của ông, nhưng
quí ông vì ông là người say sưa tu học đạo Phật và đã đặt cho mình cái
Đạo hiệu là Vô Ngã.
Từ nhiều năm nay, tôi cố diệt Vọng Tâm,
Phàm tâm, và sống bằng Chân Tâm.
Trong bài Bàn Về Chân Lý của tôi, tôi đã
viết như sau:
Nói về Chân Lý, bàn về Chân Giả, mới đầu
tưởng chỉ ở nơi ngoài xã hội, nơi sách vở bên ngoài, cuối cùng té ra
không phải vậy.
Công cuộc suy tư tìm hiểu đâu là Chân, đâu
là Giả trong con người chúng ta càng ngày càng làm ta rùng mình: Rốt
ráo, phần lớn nơi con người chúng ta đều là giả cả. Cái gì thuộc hình
danh sắc tướng nơi chúng ta đều là giả. Thế là chúng ta phải vất đi một
mớ lớn các cái giả về xác thân. Tiếp đến cái gì biến thiên cũng đều là
giả cả. Thế là suy tư, niệm lự, thất tình lục dục cũng đều bị kiểm kê là
giả. Rồi đến tất cả những gì hữu hạn cũng đều là giả, cho nên tất cả
những ý niệm về luyến ái gia đình, quốc gia, chủng tộc, nhìn theo nhãn
quan siêu việt cũng đều là hư ảo, hão huyền. Chúng chỉ làm chật hẹp tâm
vô lượng của ta mà thôi.
Rút cục, chỉ còn Bản Thể Chân Thường hằng
cửu nơi chúng ta mới được tuyên bố là Chân thực, là Chân Lý. Mà Cái Đó
lại là của chung trời đất chứ chẳng phải của riêng ta. Cho nên cái ta
chẳng còn gì, cũng bị phế là giả luôn.
Đến đây, tôi thấy mình chẳng còn gì nữa,
vì cái mình riêng tư suy cho kỹ chỉ là hư ảo. Thảo nào mà người xưa dùng
chữ Tứ đại giả hợp, hay chữ Vọng Tâm, Vọng Niệm, Vọng Ngã, để chỉ cái
Tôi nhỏ bé của chúng ta. Nên tôi làm chúc thư để đời như sau:
– Thân xác tôi rút cuộc là những nguyên tử
khinh khí, Dưỡng Khí, Đạm Khí, Thán Khí hợp lại mà thành. Khi tôi thoát
tục sẽ trả chúng về muôn phương; và cho chúng toàn quyền đi xum họp chỗ
khác, lập tổ ấm nơi khác.
– Tân dịch, máu huyết tôi trả về sông
biển, trả về cho mây mưa.
– Cái gì là không khí, là «hồn» tôi trả về
cho không trung vô hạn.
– Cái gì là quang, là Thần, tôi cho nó
nhập lại với nhật nguyệt, tinh cầu.
– Còn lại Linh Giác, Linh Tri vì chính là
thuộc Bản thể của vũ trụ, nên dĩ nhiên sẽ y cựu thuộc về Bản thể vũ trụ:
chưa có tôi, chẳng hề tăng; có tôi rồi cũng chẳng hề giảm.
Để kết luận, ta nhận thấy:
– Sống bằng vọng tâm tức là sống bằng cái
tâm phân biệt: có nhĩ có ngã. có tiểu, có đại, có thân, có sơ.
– Sống bằng vọng tâm tức là luân lạc trong
vũ trụ hiện tượng biến thiên, sinh tử luân hồi.
– Sống bằng vọng tâm tức là sống trong
vòng hữu hạn của không gian thời gian, tưởng chừng như có quá khứ, hiện
tại, vị lai; sống trong không gian có đẹp, có xấu, có sướng có khổ.
– Sống bằng vọng tâm tức là sống trong
những thế giới hư ảo hão huyền, hư hư, thực thực.
– Đạt Chân Tâm, sống bằng Chân Tâm tức là
sống bằng Tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, bằng Tâm A Lậu Đa Na, Tam Miệu Tam
Bồ Đề theo thuật ngữ của Kinh Kim Cương.
– Sống trong Chân Tâm tức là sống trong
Chân Thường, Hằng Cửu, sống trong Chân Thực, Hiện tiền.
– Sống trong Chân Tâm tức là sống trong
Giải thoát: Thoát khổ, thoát chết, thoát già nua bệnh hoạn, vì Chân tâm
đã là trường sinh vĩnh cửu, đã là nguồn sống vô tận của trời đất thì làm
gì còn sinh diệt.
– Sống trong Chân tâm tức là sống trong
cảnh giới vô phân biệt, trong Bất Nhị Pháp Môn.
– Sống trong Chân Tâm tức là sống trong vô
cùng vô tận, vượt tầm không gian, thời gian...
Kinh Lăng Nghiêm viết:
«Còn ta (Phật) thì trái với
vọng trần, hiệp với Chân Tâm thường trụ, bất sanh, bất diệt, biến khắp
các pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại; ở trong một, hiện ra
vô số lượng; vô lượng hiệp làm một; trong nhỏ hiện lớn; trong lớn hiện
nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp mười phương thế giới. Thân ta
bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các
cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết
vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh sáng suốt, nên mới được như
vậy.» (Kinh Lăng Nghiêm,
Chương Tám).
CHÚ THÍCH
Đoàn Trung
Còn, Phật Học Từ Điển I, tr. 279-280.
Kim
Cương Kinh, Chương 27: Cứu cánh vô ngã.
Kim
Cương Kinh chương 27, chương 5, chương 32.
Phật Học
Tùng Thư, Phật học phổ thông V, tr. 149.
Phật học
tùng thư, Phật học phổ thông, tr. 153-154.
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5
6 7
8 9
10 11
12 13
14 15
16 17
18 19
20
|