PHẬT HỌC CHỈ NAM
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
Chương 7
TỪ KINH DỊCH
ĐẾN PHẬT GIÁO
Đối với tôi Dịch Kinh không phải là sách
bói toán, cũng như Kim Vân Kiều không phải là sách dạy bói Kiều.
Kinh Dịch là một bộ sách thâm cứu về Bản
Nguyên của vũ trụ, về các hiện tượng trong vũ trụ, về các định luật chi
phối các sự biến thiên trong hoàn võ, về sự khởi thủy cũng như về chung
cuộc của vũ trụ hữu hình này. Dịch cũng là sách dạy ta lối sống huyền
hóa cùng trời đất.
Đạo gia, đơn gia đã áp dụng Dịch để tu đức
luyện thần.
Ngụy Bá Dương đã áp dụng Dịch Lý để viết
ra bộ sách Tham Đồng Khế, tức là một bộ sách dạy cách sống tham tán hòa
hài cùng vũ trụ.
Về phía Phật Giáo, ta thấy có Vương Cảnh
Mạnh lấy Thiền tông minh Dịch; Thích Ngẫu Ích lấy Dịch Lý áp dụng vào
khoa thiền học; Trí Húc thiền sư đã viết bộ Dịch Thiền Giải.
Xưa nay ít người tìm ra được cái triết của
Dịch; mà một khi đã không biết, thì bàn về Dịch làm sao nổi?
Nơi đây tôi không đi sâu vào Dịch, mà chỉ
đề cập đến những gì của Kinh Dịch có thể làm sáng tỏ thêm giáo lý Phật
Giáo mà thôi.
Lại nữa khi bàn về Dịch, tôi không chỉ
nguyên dựa vào chính kinh mà còn dựa vào bách gia, chư tử, vào các đơn
gia, đạo gia. Chẳng hạn như khi tôi dùng danh từ Vô Cực, là đã dùng một
danh từ ngoài chính bản của Dịch, một danh từ do Chu Liêm Khê tạo ra...
Ta có thể trình bày Kinh Dịch một cách
toát lược như sau:
Dịch Kinh chủ trương Thuyết Thiên Địa Vạn
Vật Đồng Nhất Thể.
Nói cách khác Dịch cho rằng: Vũ trụ này đã
được hình hiện lên từ một Nguyên Thể, minh linh, viên dung, toàn mãn,
chẳng khác nào như từ một mặt trời đã tung tỏa ra muôn triệu ánh sáng,
hay từ một gốc cây, một thân cây đã sinh xuất ra vô số lá cành. Người Âu
Châu gọi học thuyết này là Học Thuyết phóng phát (Theory of Emanation).
Nguyên Thể ấy ở trong hai thể ẩn và hiện.
Khi ẩn thì gọi là Vô Cực, hay là Hư, Không, hay Hồng Mông, Hỗn Độn.
Khi thoạt bắt đầu hiển dương thì gọi là
Thái Cực.
Thái Cực sinh hóa ra vũ trụ bằng cách
«phân cực» thành hai đối lực Âm Dương, Cơ Ngẫu. Ngẫu lực Âm Dương tác
động trên nhau mà sinh ra mọi hiện tượng, mọi biến hóa.
Khi còn là Vô Cực, Thái Cực thì vũ trụ này
còn ở trong thế đồng nhất, bất khả phân, bình đẳng, vô gián cách. Khi đã
hình hiện thành âm Dương lưỡng cực, thì sinh ra các hiện tượng bên
ngoài. Do đó hiện tượng bao giờ cũng mang sẵn trong mình một cặp mâu
thuẫn.
Mặt khác, sau khi đã sinh hóa ra muôn ngàn
hiện tượng, thì cái Đại Thể, cái Thái Cực vô biên đó vẫn hằng tiềm ẩn
trong lòng sâu vạn hữu.
Nếu ta tượng trưng Vũ Trụ này bằng một
vòng tròn, thì Tâm Điểm sẽ là Thái Cực, Vô Cực; vòng tròn bên ngoài sẽ
là vòng hiện tượng biến thiên, sinh hóa. Dịch gọi cái vòng hiện tượng
bên ngoài đó là vòng Dịch, vòng Biến Dịch.
Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể còn
có những hệ luận sau đây.
1. Thể duy nhất, dụng vạn thù: Muôn vật
xét về bản thể thì đồng nhất, xét về hình thái, ứng dụng thì khác nhau
muôn vàn.
2. Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián.
«Thể với Dụng đều chung gốc rễ,
Hiển cùng vi không thể rời nhau.»
3. Nhất tán vạn, vạn qui Nhất.
Nhất tán ra Vạn, Vạn tụ về Nhất...
Thế là Thủy Chung như nhất, hay Nguyên
Thủy phản Chung của Hệ Từ.
Nhìn sang Phật Giáo ta cũng thấy Phật Giáo
chủ trương Thuyết Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, với những khẩu quyết
như:
Nhất tức Nhất Thiết, Nhất Thiết tức Nhất:
Một là Tất Cả; Tất Cả là Một.
Thiền cũng đã có công án: «Vạn pháp qui
Nhất, Nhất qui hà xứ ?»
Các bậc thiện tri thức Việt Nam khi bình
giải các kinh Phật cũng cho rằng Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể
là một học thuyết cốt cán của Phật Giáo.
Khi giải tên kinh Hoa Nghiêm, cư sĩ
Minh Lạc, Vũ văn Phường đã viết:
«Kinh này thuyết minh chân lý, mà Chân Lý
là Đạo là Tuyệt Đối, ly ngôn tuyệt tướng, rời tâm duyên, nên phải dùng
một hình ảnh mà diễn tả, hình ảnh đó là một tràng hoa gồm nhiều thứ hoa
để trang nghiêm Phật quốc. Hoa thì nhiều thứ, nhiều mầu khác nhau, tượng
trưng cho vạn vật có hình tướng sai khác, nhưng hoa được xâu lại thành
một tràng hoa liên kết tất cả các hoa lại thành một sợi dây dài để trang
hoàng nơi Đức Phật thuyết pháp.
Tràng hoa tượng trưng cho một cái gì chung
cho muôn loài vạn hữu, đó là Bản Thể, Lý Tánh, Chân Như... Tướng thì
nhiều và sai khác, nhưng Thể chỉ có một. Tuy Tướng không phải Thể, mà
rời Tướng thì không tìm thấy Thể, - lìa các bông hoa không tìm thấy
tràng hoa. Động đến tràng hoa là động đến các bông hoa. Chạm đến một
bông hoa là ảnh hưởng đến tất cả tràng hoa. ự muốn nói rằng: toàn thể
pháp giới vũ trụ là MỘT, CHÂN và BÌNH ĐẰNG (L'Univers est Un, Réel et
Identique à soi-même). Một là Tất cả; Tất Cả là Một. Phật và chúng sinh
không khác, đồng một Bản Thể Chân Tâm. Khi nào giác là Phật, khi nào mê
là chúng sinh. Đó là lý: Vạn vật đồng nhất thể.
Đã là Một, thì vạn vật đều liên quan mật
thiết với nhau, rứt dây thì động rừng. Phải thấu rõ cái lẽ liên đới đoàn
kết với nhau, không thể sống chia rẽ lẻ loi được.»
Cư sĩ Tịnh Liên, Nghiêm Xuân Hồng, viết
trong cuốn Lăng Nghiêm ảnh hiện như sau:
«... Nay nếu nương theo Chân
Lý Duy tâm sở hiện mà diễn giải, rõ rệt ra, thì có thể tạm nói rằng: Cái
diễn trình vận hành của Pháp giới vốn là như vậy, cái màn Vô Minh tuy
chỉ là chiếc bóng mờ của Diệu Tâm, nhưng nó cũng bất tư nghị và luôn
luôn hằng khởi không đoạn tuyệt. Nó hằng khởi không ngừng nghỉ để làm
gì? Chỉ là để mở cuộc hành trình chuyển hiện, từ Một biến hiện thành
NHIềU, từ Một lóe ra thành Vô LượNG... Rồi lại từ cái NHIỀU hay VÔ LƯỢNG
ấy, do sức huân tập thâu hút của Chân Tâm, tức là Pháp lực, cũng như do
Thần lực cứu độ của Chư Phật cùng Bồ Tát, cái NHIỀU hay VÔ LƯỢNG ấy lại
mở cuộc hành trình để trở về cái MỘT của Biển Diệu Tâm.»
[2]
Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền viết trong
quyển Pháp Hoa huyền nghĩa như sau:
«Sự giác ngộ của Phật là vô thượng, trí huệ của Phật là vô lượng
vô biên, cái thấy biết của Phật (tri kiến) đã đạt đến mức tuyệt đối. Cái
thấy biết đó là gì? Là “Tất cả là Một”, tất cả chúng sinh đều từ Phổ
Quang Minh Trí (nguồn ánh sáng bao trùm vũ trụ vô biên cũng vừa là trí
tuệ sáng ngời: Lumière omniprésente - Intelligence éclairante) mà ra,
thì tất cả sẽ trở về với Ánh sáng Trí huệ ấy tức là thành Phật.»
[3]
Như trên đã nói Dịch đã dùng Vòng Tròn và
Tâm điểm toát lược Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.
Tâm điểm là Nhất Thể, là Trường sinh vĩnh
cửu, là Nhất, là Thái Cực.
Vòng tròn bên ngoài, là Vạn Hữu, là Vạn
Tượng biến thiên.
Nếu ta dùng danh từ Phật Giáo, ta sẽ gọi
Tâm Điểm là Chân Tâm hay Chân Như hay Phật Tính và ta sẽ gọi cái vòng
tròn bên ngoài là vòng Luân Hồi, hay vòng Sinh Tử, Luân Hồi. Từ ngữ tuy
thay, nhưng ý tưởng là một.
Qui Nguyên Trực Chỉ, một cuốn sách
viết về Tam Giáo, bàn như sau:
«Chân Như Bản Tính là Bản Thể chân thực,
là Bản Lai Diện Mục sẵn có từ khi cha mẹ chưa sinh ra mình, Thiền Tông
gọi đó là Chánh Pháp Nhãn Tàng; Liên Tông gọi là Bổn Tánh Di Đà; Khổng
Tử gọi là Thiên Lý; Lão Tử gọi là Cốc Thần; Dịch gọi là Thái Cực. Tên
tuy có khác nhau, nhưng kỳ thực cũng chỉ là một Chân Như Bản Tính.
«Cái Chân Như Bổn Tánh ấy trống rỗng mà
linh thiêng, vắng vẻ mà nhiệm màu. Khi trời đất chưa phân, trước đã có
Lẽ đó, trải qua không biết bao nhiêu trần kiếp nó vẫn không có mục, thế
giới này sụp đổ mà nó chẳng dời.
«Tổ sư nói rằng:
Có vật trước trời đất
Không hình, vốn tịch liêu,
Sinh ra muôn hình tượng,
Bốn mùa chẳng làm tiêu.
Đó là Chân Như Bổn Tánh vậy.
Than ôi! Con người chẳng biết nương
theo cái Chân Như Tự Tại ấy, mà lại trói buộc mình vào cái thể chất được
cấu tạo nên bởi đất nước, gió lửa. Khi con người vừa mới thọ hình
trong lòng mẹ, đã bị âm huyết của mẹ, trược khí của cha làm mờ ám cái
thể vốn trong lặng tự nhiên. Kịp khi con người sinh ra đời lại bị lục
trần, ngũ dục là mê đảo, mù mịt cái Thiên Chân vốn có của mình...»
Sách lại viết: «Thái Cực hay Chân Như
Bản Tính ấy chính là Bản Tính con người. Bản Tính ấy ở nơi người thánh
hay người phàm, cũng không hề có tăng giảm. Suy rộng ra, vạn hữu đều hàm
tàng Thái Cực.» (Ibid. tr. 369).
Phật gia còn gọi đó là Pháp.
Kinh Kim Cương viết:
«Pháp ấy bình đẳng không có
cao thấp. Pháp là Bản Tính. Bản Tính cũng ví như kim cương, kiên cố vững
bền không thể hư hoại được.»
(Ibid. 369).
Nói cách khác, Phật Giáo cũng chủ trương
thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Trở về với những lời giảng giáo
của Đức Phật, ta thấy Ngài dạy đại khái như sau:
1. Tất cả các hiện tượng trên thế gian
này, tất cả những gì nằm trong lục trần, ngũ uẩn, tất cả những gì là
hình, danh, sắc tướng, tư tưởng, ý niệm, dục tình của con người đều biến
thiên, đều vô thường, và đều nằm trong vòng sinh tử, khổ đau. Tất cả
những cái đó không phải là con người chân thực của ta. Con người Chân
Thực của ta – Bản Lai Diện Mục của ta – chính là Chân Như Bản Thể,
thường hằng, bất diệt. Bao lâu ta còn chấp trước con người hình tướng,
biến thiên trên làm «Mình»,
bấy lâu sẽ luân lạc trong Lục Đạo Tam Đồ, luân hồi sinh tử. Bao giờ thực
hiện được Chân Như Bản Tính lúc ấy mới là giác ngộ, lúc ấy mới đạt được
cảnh giới Niết Bàn.
Ngài cũng dạy: «Hỡi các tì khưu, có một
thực trạng bất sinh, bất thành, bất ỷ, bất tạp, vì nếu không có thực
trạng ấy thì làm sao giải thoát được cái sinh thành ỷ tạp. Nhưng vì có
thực trạng ấy, nền có đường thoát cho cái sinh thành ỷ tạp.»
Đối với Dịch, vũ trụ và con người thảy đều
có hai phương diện: Biến và Hằng; Biến và Bất Biến, thì đối với Phật
Giáo chúng cũng có hai phương diện Hằng và Biến như vậy.
Đối với Dịch:
Hằng là Vô Cực hay Thái Cực.
Biến là âm Dương đối đãi, là các hào quải
tượng trưng cho vạn hữu và muôn vàn hoàn cảnh do vạn hữu trong khi giao
tiếp nhau gây nên.
Đối với Bà La Môn:
Hằng là Atman/Brahman.
Biến là vọng thân, vọng ngã. Chúng là
những trạng thái mà con người gặp, hay làm khi:
- Thức;
- Ngủ có mơ;
- Ngủ không mơ.
Bà La Môn giáo còn gọi những gì biến thiên
là:
- Mê vọng (Avidya).
- Luân hồi (Samsara).
- Ảo hóa (Maya).
- âm chất (Prakriti).
Đối với Phật giáo Biến là những gì sinh ra
bởi Ngũ Uẩn, Lục Trần, Thập Nhị Nhân Duyên.
Phật giáo cũng gọi những gì biến thiên là:
- Mê vọng (avidya).
- Huyễn ảo.
- Vô ngã.
- Vô thường.
- Đau khổ.
- Phù sinh.
Còn cái bất biến, Phật giáo gọi là:
- Hư, Không.
- Chân tâm, Chân Như.
- Viên giác tính.
- Vô niệm.
- Niết Bàn v.v.
Tóm lại, điểm đặc thù của Phật Giáo, là đã
thấy thêm rằng cái gì biến thiên, cái gì vô thường là khổ đau, là vọng
ngã; cái gì vĩnh cửu mới là hạnh phúc, mới là Chân Tâm, Chân Ngã. Có nắm
được cái chìa khóa này mới thấy chủ trương của Phật giáo hết sức là thực
tế: Bỏ cái Mê Vọng, giữ cái Chân Thường.
Trong kinh Viên Giác, Phật dạy tu
tập «Như huyễn tam muội»,
tức là dạy chúng sinh xa lìa các huyễn.
Tam Muội tức là Chánh Định, Chánh Thọ.
Ngài Tông Mật nói: «Rõ thấu thân và tâm đều như huyễn, thầm hiệp với
Chân Như, như thế gọi là Chánh Thọ.»
Đức Phật nói bài kệ sau:
Phổ Hiền, ông nên biết:
Các vô minh huyễn hóa
Của tất cả chúng sinh,
Từ vô thủy đến giờ,
Đều sinh trong Viên Giác
Của các Đức Như Lai.
Cũng như các hoa đốm
Sinh trong Thái Hư Không.
Hoa đốm diệt hết rồi,
Hư Không vẫn trong tịnh.
Các huyễn từ "Giác" sinh,
Huyễn diệt, "Giác" viên mãn;
Viên Giác không vọng động,
Các Bồ Tát hiện tại,
Và chúng sinh đời sau,
Thường phải xa lìa huyễn.
Xa lìa cho hết huyễn,
Như lửa từ cây sinh,
Trở lại cháy hết cây.
Lửa tàn tro bay tận,
"Giác Ngộ" không tuần tự,
"Phương tiện" cũng không cần.
Cho nên khi Phật giác ngộ, Ngài đã thấy
tỏ tường rằng cái gì là thô thân, cái gì do tứ đại giả hợp, cái gì do
ngũ uẩn cấu thành, cái gì do ngoại cảnh nhân duyên tạo tác, đều là những
nghiệp chướng, đều là duyên do khiến con người sinh tử luân hồi. Diệt
tất cả những cái đó đi, con người sẽ được giải thoát. Ngài nói:
Trong vòng sống chết vô tận,
Ta chạy mãi không nghỉ ngơi.
Từ bào thai này sang bào thai khác,
Đuổi theo người chủ ngôi nhà.
Chủ nhà, ta đã phát giác mi rồi,
Mi không cất nhà lại được! Kèo cột gãy
hết rồi,
Mái sườn sụp đổ hết,
Tâm lìa hết tạo tác,
Tất cả diệt trừ xong.
Tuệ Sỹ chú rằng:
«Người tạo ra ngôi nhà đây
là hành uẩn (sankhara - Mental formation), tức là những hành động tạo
tác của tâm thức, tâm tư, tư duy, hoặc tư tưởng được coi là chủ lực của
vô minh, Ngôi nhà đây là nhân sinh và vũ trụ, do tâm sở tạo ra, do thức
sở biến...»
[7]
Tóm lại, muốn thoát luân hồi không được
chấp trước vào những hiện tượng biến thiên, dù là ở nơi lục trần, ngoại
cảnh, dù là ở ngay trong tâm tư, tâm thức mình.
Dịch Kinh cốt dạy con người bỏ vòng biến
thiên bên ngoài, mà vào tâm điểm vĩnh cửu bên trong. Dịch kinh gọi thế
là «thông lý Trung Hoàng».
Văn Ngôn quẻ Khôn viết:
Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,
Vào nơi chính vị mà an thân mình.
Đẹp từ tâm khảm xuất sinh,
Làm cho cơ thể xương vinh mỹ miều,
Phát ra sự nghiệp cao siêu,
Thế là đẹp đẽ đến điều còn chi...
Nho Gia gọi thế là đạt đạo Trung Dung,
hay đạt Lý Thái Cực, hay là «liễu
Nhất» (Thực hiện được chữ
Nhất).
Trở về được với Tâm Điểm, với Nhất với
Thái Cực, ta sẽ hóa giải được hết mọi cặp mâu thuẫn, và sẽ vào lại được
thế giới Vô Phân Biệt.
Ngô Cảnh Loan nói đại khái như sau:
«Một trời bát ngát trăng sao,
Vần xoay âu cũng nương vào Trung Cung.
Sen kia nghìn cánh nở tung,
Nhưng mà gốc gác vẫn cùng một tâm.»
Dịch Kinh sở dĩ được viết thành, sở dĩ có
những đồ hình, hào quải, cốt là chỉ cho ta Trung Cung Trung Điểm đó.
Không biết được vi ý đó của người xưa, sẽ không sao hiểu Dịch. Ngô Cảnh
Loan viết:
Đường về chẳng rõ tiêu hao,
Làm sao biết được lối vào Trung Cung.
Thế là Bát Quái thành không,
Thế là vòng Dịch uổng công vẽ vời.
Bên trong mù mịt tăm hơi,
Làm sao biết được bên ngoài mà mong?
Thế là bố trí như không,
Ngũ hành thác loạn, rối tung rối bời.
Thái ất Kim Hoa tông chỉ của đạo Lão cũng
viết:
Ta đây truyền dạy đạo Trời,
Nương theo Dịch Lý dạy người điểm
Trung.
Huyền quan ở chính giữa lòng,
Giữa chừng Tí Ngọ khơi giòng thần tiên.
Hồi quang soi tỏ căn nguyên,
Căn nguyên rạng rỡ, ước nguyền thỏa
thuê.
Quan niệm trên sẽ giúp ta hiểu được thế
nào là TRUNG ĐẠO của Long Thọ Bồ Tát, và chủ trương Bát Bất của Ngài
[bất sinh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị (nhị), bất
lai bất khứ (xuất)].
Những lời lẽ có vẻ bi ẩn ấy chẳng qua là
muốn nói rằng con người cần phải bỏ cái cảnh trí phân biệt, mà về với
cảnh trí vô phân biệt, Cái cảnh trí vô phân biệt ấy còn có tên là BẤT
NHỊ PHÁP MÔN.
Vào được Tâm điểm của hoàn võ và của con
người thế là sang Bờ bên kia, thế là vào được Tâm Bát Nhã, thế là Giải
Thoát.
Thế là:
Vào nơi vô tận, chứng vô biên,
Viên giác vời trông sáng mọi miền.
Hết Trí, hết còn chi để "đắc",
Thiệt lạ lùng thay tính Bản Nhiên.
Lúc ấy con người đã: «Băng qua hình
tướng vào tòa Như Lai», như đã nói trong kinh Kim Cương (ly
nhất thiết chư tướng tắc danh chư Phật. Kinh Kim Cương, chương
14: Ly tướng tịch diệt).
Theo Dịch, thì thế giới của Bản Thể là thế
giới vô phân biệt, vô hình tích, là Hư Không, Tịch Tĩnh nhưng cũng chính
là nguồn sinh của Vạn Hữu.
Còn thế giới của Hiện Tượng, Hình tướng
bên ngoài là thế giới Nhị Nguyên được tạo thành bởi ngẫu lực âm Dương.
âm Dương tuy là mâu thuẫn, tuy là đối đỉnh nhau, nhưng lại vẫn hòa hài
với nhau để tạo nên vạn hữu, âm luôn biến thành Dương, Dương luôn biến
thành âm. Cho nên cái gì là hình tướng bên ngoài cũng đều mang trong
mình một sự mâu thuẫn cơ bản, cái gì cũng đều vô thường, vô định.
Thế giới hữu hình là thế giới của Thiện
Ác, của Sướng Khổ, của Họa Phúc, của Sống Chết, của Vắn Dài, của Cao
Thấp, của Sáng Tối, của Nóng Lạnh. Nói như La Fontaine, thế giới hữu
hình này như con dơi. Dơi có mình giống chuột, mà cánh giống chim. Gặp
chuột, thì dơi bảo mình là chuột; gặp chim thì dơi bảo mình là chim.
Ngày nay các nhà bác học cũng không còn hiểu được ánh sáng là gì, nên
tùy nghi mà gọi Ánh Sáng khi thì là Ba Động khi thì là Quang Tử. Từ ngữ
con người cũng nằm trong thế giới hữu hình, thế giới của mâu thuẫn, cho
nên ta nói mà thiên về một bên nào, ta lập tức nói sai. Chính vì vậy mà
các Kinh Phật thường viết theo lối vừa khẳng định, lại vừa phủ định, và
cho rằng như thế mới phản ảnh đúng thực tế...
Đọc Kinh Kim Cương chẳng hạn, ta thấy tràn
đầy lối nói đó. «Ông Tu Bồ
Đề! Thuyết pháp đó, mà thực ra không có pháp nào có thể thuyết cả, như
thế mới gọi là thuyết pháp.» (Kim Cương, chương 21: Phi thuyết sở
thuyết.)
Chính vì vậy mà một phật tử chân chính
luôn luôn phá chấp, không cố chấp...
Tôi rất thích câu kinh Kim Cương: «Tỳ
khưu các ông nên hiểu rằng: Pháp của ta nói ra, cũng ví như cái bè khi
sang qua sông, chính pháp có khi còn nên bỏ, huống chi là những cái phi
pháp.» (Kinh Kim Cương, Chương 6: Chính tín hi hữu).
Sau khi đã phân biệt được hai phương diện
biến hằng của vũ trụ và của con người, Dịch quan niệm rằng: Bản thể của
trời đất chỉ có một, nhưng những hình tướng bên ngoài thời muôn vàn. Tuy
nhiên trong lòng chúng sinh nhất nhất đều có Thái Cực tiềm ẩn. Như vậy
ta hiểu tại sao Phật Giáo cũng chủ trương: Nhất thiết chúng sinh giai
hữu Phật Tính. Kết quả là người Phật tử phải có lòng từ bi, có đức hiếu
sinh trải rộng ra khắp quần sinh...
Lòng từ bi lân tuất không phải chỉ có giữa
người với người, mà còn giữa người với quần sinh...
Nếu quan niệm rằng vũ trụ và quần sinh là
một Đại Thể, thì tất cả sinh linh trong trời đất, tất cả vật thể trong
trời đất đều có liên lạc hết sức là mật thiết với nhau. Kinh Hoa
Nghiêm đã mô tả cái tương dung, tương nhiếp của vạn vật, trong đó
mỗi vật đều như tấm gương, vừa in hình trong các vật khác, và đồng thời
cũng dung chứa tất cả các vật khác.
Thế là Nhất tức Nhất Thiết, Nhất Thiết tức
Nhất.
Quan niệm của Hoa Nghiêm làm ta
liên tưởng tới lời thơ của thi sĩ Francis Thompson. Thi sĩ Francis
Thompson viết:
... Thou cannot stir a flower
Without troubling of a star.
Dịch:
Cánh hoa vừa đụng tay vào,
Đã làm rung động, xuyến xao tinh cầu.
Về vấn đề vạn vật hỗ tương ảnh hưởng, thế
giới ngày nay càng ngày càng cảm thấy một cách thấm thía. Vừa đây chẳng
hạn, có một người vô danh gọi giây nói đến tòa Đại Sứ Mỹ ở Santiago cho
biết trong các hoa quả từ Chi Lê tới có nhiễm độc. Tình Báo Liên Bang Mỹ
liền chặn khám các hoa quả nhập cảng vào Mỹ từ Chi Lê, và thấy có hai
trái nho bị tiêm chất cyanide vào. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh câu lưu hai
triệu sọt hoa quả tại các phi trường và thương cảng Mỹ. Gia Nã Đại và
Nhật Bản cũng theo chân Mỹ. Kết quả là hàng mấy trăm triệu người bị ảnh
hưởng vì vài ba quả nho nhiễm độc nói trên.
Theo Dịch thì Đại Thể đã phóng phát tán
phân, hóa thành vũ trụ; nhưng cũng có thể sẽ thâu nhiếp toàn thể vũ trụ
lại trong lòng sâu Đại Thể, đó là nhẽ tụ tán trong trời đất.
Áp dụng vào công cuộc tu trì, tôi mới hiểu
tại sao các thiền sư thường ngồi đại định. Theo tôi đại định là dùng
Thần thu nhiếp tất cả tâm tư cho nó hội tụ lại trong một điểm tâm linh.
Chẳng những thế còn thu nhiếp cả vũ trụ, cả không gian thời gian vào một
điểm Linh Đài của mình. Và tôi liên tưởng đến mấy vần thơ của William
Blake:
To see a world in a Grain of Sand,
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of hand,
And Eternity in an hour.
Dịch:
Giữa lòng hạt cát nhỏ nhoi,
Ta đà thấy đủ đất trời muôn phương.
Từ lòng hoa dại bên đường,
Trời mây cũng đã hiển dương muôn miền.
Tay ta nắm trọn Vô Biên,
Vô cùng lắng đọng trong nguyên một
giờ...
Tôi kết thúc bài này bằng mấy vần thơ của
Tông Bổn:
1. Sơn cư tĩnh địa ám ta
hu,
山 居 静 地 暗 嗟 吁
Hồng tử phân phân phản
loạn chu. 紅 紫 紛 紛 反 亂 朱
Yếu thức Tiên Thiên giai
thử lý,
要 識 先 天 皆 此 理
Cốc Thần, Thái Cực tức
Chân Như. 谷 神 太 極 即 眞 如
Dịch:
Sơn cư đất vắng luống vẩn vơ,
Hồng tía đa đoan, loạn sắc chu.
Phải biết Tiên Thiên đều lý đó,
Cốc Thần, Thái Cực tức Chân Như.
2. Sơn cư lãnh đạm Phật
gia phong, 山 居 冷 淡 佛 家 風
Thiệt thị thân cùng, Đạo
bất cùng. 實
是 身 窮 道 不 窮
Vô giá Ma Ni nhân bản
thức,
無 價 摩 尼 人 罕 識
Khả lân đối diện, bất
tương phùng. 可 憐 對
面 不 相 逢
Dịch:
Sơn cư đạm bạc, thói Phật quen,
ấy thiệt thân hèn, đạo chẳng hèn.
Của báu Ma Ni người ít biết,
Thương thay giáp mặt chẳng nên quen.
3. Sơn cư phong vật tự
thiên nhiên, 山 居 風 物 自 天 然
Đại đạo chiêu chiêu tại
mục tiền.
大 道 昭 昭 在 目 前
Bất thức tổ tông thân mật
chỉ,
不 識 祖 宗 親 密 旨
Đồ lao niệm Phật dữ tham
thiền.
徒 勞 念 佛 與 參 禪
Dịch:
Sơn cư phong vật vốn thiên nhiên,
Đạo lớn rành rành tại mục tiền.
ự nhiệm tổ tông không thấu hiểu,
Tốn công niệm Phật với tham thiền.
4. Sơn cư bao nạp Thái Hư
không, 山 居 包 納 太 虛 空
Vạn tượng sum la tận tại
trung.
萬 象 森 羅 盡 在 中
Tả hữu phùng nguyên giai
Phật sự, 左 右 逢 原 皆 佛 事
Bất tiêu bổng hát bất thi
công.
不 消 棒 喝 不 施 功
Dịch:
Sơn cư trùm chứa hết hư không,
Muôn tượng phô bày trọn ở trong.
Tông tích lo tìm là Phật sự,
Chẳng cần hét lớn với ra công.
5. Sơn cư mặc tọa ngộ Chân
Không, 山 居 默 坐 悟 眞 空
Nhất pháp thông lai vạn
pháp thông. 一 法 通 來 萬 法 通
Phi đãn ngã kim năng đạt
liễu,
非 但 我 今 能 達 了
Hằng sa chư Phật thể giai
đồng.
恒 沙 諸 佛 體 皆 同
Dịch:
Sơn cư ngồi lặng thấu Hư Không,
Một pháp thông rồi, vạn pháp thông.
Chẳng phải mình ta riêng liễu đạt,
Hằng hà chư Phật với ta đồng.
6. Sơn cư diêu yểu
tự vô trần,
山
居 遙 窈 自 無 塵
Bất giả tu trì, kiến
Bổn Chân.
不 假 修 持 見 本 眞
Chân Phật hà tằng ly
tả hữu,
眞 佛 何 曾 離 左 右
Kim nhân tiện thị
cựu thời nhân.
今 人 便 是 舊 時 人
Dịch:
Sơn cư sâu kín vắng hồng trần,
Chẳng mượn tu trì, thấy Tánh Chân.
Chân Phật chẳng hề lìa trái mặt,
Kim nhân âu cũng cựu thời nhân.
7. Sơn cư không tịch
học Vô Vi,
山 居 空 寂 學 無 為
Quá khứ nhân duyên
mạc yếu truy.
過 去 因 緣 莫 要 追
Hiện tại thượng ưng
vô sở trụ,
現 在 尚 應 無 所 住
Vị lai khởi khả dự
tiền tư.
未 來 豈 可 預 前 思
Dịch:
Sơn cư vắng lặng học Vô Vi,
Những việc qua rồi chớ nghĩ chi,
Hiện tại sinh tâm nơi Vô Trụ,
Tương lai há dễ nghĩ cùng suy...
Costa Mesa, 3/23/1989
CHÚ THÍCH
Minh Lạc, Vũ Văn Phường, Tìm hiểu kinh Hoa Nghiêm, Hội Phật Giáo
Việt Nam Washington, 1985, tr. 9-10.
Tịnh Liên,
Nghiêm Xuân Hồng, Lăng Nghiêm ảnh hiện, Bộ Văn Hóa Xã Hội, Chùa
Phật tổ ấn hành, 1983. tr. 68.
Chánh Trí,
Mai Thọ Truyền, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Chùa Phật giáo Việt Nam,
12292 Magnolia St. GG, CA 92641, 1984, tr. 30.
Qui
Nguyên Trực Chỉ, Đỗ Thiếu lăng dịch, II, tr. 369.
.... "There is an unborn, unarisen, uncreated, unconditioned; if there
is no unborn, there would be no release for what is born, arisen,
created, conditioned". Itivuttaka ed. E. Windisch, London 1889. p. 37).
Phật Học
Phổ Thông, Khóa Thứ VIII, Kinh Viên Giác, tr. 22-28.
Xem Thiền luận, Quyển Thượng, tr. 100.
Nhất thiên
tinh đẩu, vận dụng chỉ tại trung ương,
Thiên biện
liên hoa, căn đế sinh ư điểm thích.
Tống Ngô Cảnh Loan, Huyền Không bí chỉ.
Bất tri lai lộ, yên tri nhập lộ, bàn trung bát quái giai không.
Vị thức nội đường, yên thức ngoại đường,
cục lý ngũ hành tận thác.
Tống Ngô
Cảnh Loan, Huyền Không bí chỉ.
Ngô kim
lược thuyết tầm chân lộ,
Hoàng Trung tông lý tải đại Dịch.
Chính vị cư thể, thị Huyền Quan,
Tý Ngọ trung gian kham định tức,
Quang hồi tổ khiếu vạn thần an...
Thái ất
Kim Hoa tông chỉ, tr. 15.
Nancy
Wilson Ross, Buddhism, A Way of Life and Thought, Alfed. A. Knopf, New
York,, 1980, p.55.
Ib, p. 55.
Qui
Nguyên trực chỉ, tr. 837-390. (Tông
Bổn làm tất cả một trăm bài thơ tứ tuyệt với đầu đề là Sơn cư. 7 bài
trên đây, nếu theo số thứ tự trong số 100 bài, thì sẽ là: 66, 38, 40,
41, 42, 47, 68.
»
Mục lục |
Tựa | Chương:
1 2
3 4
5 6
7 8
9 10
11 12
13 14
15 16
17 18
19 20
|