PHẬT HỌC CHỈ NAM

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20


Chương 12

SUY TƯ VỀ THIỀN 

 

Thiền quả là một cái gì đa dạng. Cao thì hết sức cao, thấp thì cũng hết sức thấp. Khi cao, thời vẫy vùng trong Bản thể vũ trụ và Bản thể con người, chỉ bàn về Chân tâm, Vọng Tâm, Bản thể và Hiện tượng, chỉ bàn về giác ngộ, siêu thoát. Khi thấp, thời một ngu phu cũng có thể bắt đầu thực hành được lập tức: Đó là ngồi xuống và bắt đầu thở cho điều hòa...  

Chữ Thiền trong thời đại này gắn liền với công phu tu trì. Ai không ngồi Thiền, không tập thở, thì người ấy chưa tu. Thiền cũng có thể là một liều thuốc chữa bách bệnh. Nhiều người khoe rằng vì ngồi Thiền mà đã chữa cho mình được nhiều bệnh, nhất là Thiền có thể làm hạ áp huyết. Thiền có thể là một nghệ thuật sống: Sống đơn sơ, sống tự nhiên, bình dị, sống hòa hài với thiên nhiên. Thiền cũng đã gợi hứng cho cả một nền văn học nghệ thuật: ta có thơ thiền, trà đạo (trà thiền), kiếm đạo, cung đạo, võ đạo như ta đã thấy nhất là ở Nhật Bản. Nhiều người còn quảng cáo Thiền có thể giúp ta xuất hồn, đi chu du thiên hạ, mà không mất vé máy bay, lại có thể giúp ta xuất thần lên các cung trời, gặp tiên, gặp Phật, để thụ giáo. Dẫu sao thì thế lực của Thiền đã có thời lớn mạnh đến nỗi làm lu mờ các tông phái Phật giáo khác, mà trở nên một biểu tượng duy nhất của Phật giáo, đến nỗi nói Cửa Thiền thì ai cũng hiểu là một cảnh chùa. Ngày nay ảnh hưởng Ấn Giáo, Phật giáo đang thẩm thấu vào Âu Mỹ qua ngả Thiền.

Tôi không phủ nhận một khía cạnh nào nói trên của Thiền, tôi chỉ muốn lên tới nguồn Thiền, xem khi Thiền sơ phát, thì các Tổ Thiền muốn gì, dạy gì, và bộ mặt thực của Thiền là cái gì.

Thế tức là:  

«Muốn tắm mát thời lên ngọn cái con sông đào,

Muốn ăn sim chín, thời vào rừng xanh.» 

Khi đã đặt cho mình một mục đích rõ ràng như vậy, ta mới nghiên cứu vấn đề một cách chính xác, và khoa học.

THIỀN LÀ GÌ? 

Tôi rất ngại khi phải đưa ra một định nghĩa về bất kỳ một vấn đề gì, vì khi đã đem từ ngữ, đã đem tượng hình để cùm xiềng điều mình muốn quan sát, lập tức nó sẽ trở nên tù túng, mất tự nhiên, trở thành hữu hạn, và bị luân hồi trong vòng sinh, bệnh lão tử.

Dưới đây tôi chỉ mượn lời Thiền sư Suzuki, đưa ra một khái niệm tổng quát về Thiền như sau: «Thiền cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát; đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống, uống ngụm nước đầu nguồn. Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sinh linh hữu hạn, luôn luôn quằn quại dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả những năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.» [1]

Lấy khái niệm trên làm kim chỉ nam, chúng ta đi vào Thiền sẽ không sợ lạc hướng.

Trước hết, chúng ta giải thích lại từng đề mục của định nghĩa trên:

Thế nào là Thể Tánh? Thể tánh chính là Phật tánh, là Tự Tánh, hay Bản Lai diện mục, hay Chân Như Bản tánh, tiềm ẩn trong đáy sâu, dưới các lớp tâm tư, niệm lự, ngũ uẩn, lục trần của con người chúng ta, hay nói khác đi, dưới lớp vọng tâm, vọng ngã, hình hài của con người chúng ta.

Nhìn ra được Chân Tâm hay Bản Lai Diện Mục là Giác Ngộ.  

Hàng phục được Vọng Tâm, phát dương được Chân Tâm, an trụ vào được Chân tâm, là chứng quả Bồ Đề.

Nếu vậy thì sống bằng Vọng Tâm là sống trong vòng Luân Hồi. Sống bằng Chân Tâm tức là đạt cảnh Niết Bàn, tức là thành Phật.

Để cho Chân Tâm hoạt động, con người sẽ khai thông được một nguồn năng lực vô biên nơi chính mình, sẽ sống thảnh thơi, thoải mái, thoát vòng kiềm tỏa của ngoại cảnh và của tha nhân...  

Đạt Ma tổ sư toát lược Thiền tông vẻn vẹn như sau:

Giáo ngoại biệt truyền,              敎 外 別 傳

Bất lập văn tự,                           不 立 文 字

Trực chỉ nhân tâm,                    直 指 人 心

Kiến Tính thành Phật.              見 性 成 佛 

Phỏng dịch:  

Giáo ngoại truyền riêng đạo tự nhiên,

Chẳng dùng văn tự để tương truyền,

Tâm người trực chỉ vào đáy thẳm,

Kiến tính rồi ra Phật sẽ nên. 

Đây thực là một Bản Tuyên Ngôn đầy tính chất cách mạng, gạt bỏ hết mọi mê tín dị đoan, hết sức thực tế và khoa học, theo đúng tinh thần khai phóng của Đức Phật khi Ngài còn sinh thời.

Khảo sát lời tuyên ngôn trên, ta thấy nổi bật những đặc điểm sau:

1. Không mất thì giờ tán dương, ca tụng, van vái Phật.

2. Không lệ thuộc vào kinh sách.

3. Không chú trọng đến các lễ nghi hình thức bên ngoài.

4. Đề cao giá trị của con người hiện tiền, trông vào tự lực, chứ không trông vào tha lực của chư Phật, không tin rằng chư Phật sẽ cứu độ được con người.

5. Có lệ thuộc chăng là lệ thuộc vào Tổ, vào Thày, khi chưa giác ngộ. Khi đã giác ngộ, coi mình không thua Tổ thua thày.

6. Thiền là Tư Duy, là mài miệt suy tư để tìm ra chân lý. Thiền cũng có nghĩa là Tịnh Lự, là dẹp lo âu.

7. Không tìm cầu Phật bên ngoài mình mà tìm Phật trong thân mình.

8. Thiền không câu nệ phải ngồi Thiền, phải hít, phải thở mà Thiền chỉ có mục đích thể hiện Chân Tâm, sống bằng Chân Tâm, và hàng phục Vọng Tâm...  

 Chúng ta đi lại từng tiết mục trên và sẽ dùng các lời tổ sư hoặc các thiền sư danh tiếng để chứng minh.

1. Không mất thì giờ tán dương, ca tụng, van vái Phật.

Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 ở Ấn Độ và là Sơ tổ ở Đông độ (khi sang Trung Hoa).

Ngài vào Trung Quốc, tại Quảng Đông vào năm 520, ngày 21 tháng 9 ta, đời vua Lương Võ Đế, và cũng năm 520 đã được vào bệ kiến nhà vua tại Kinh đô Kiến Khang.

Phật giáo truyền bá vào nước Tầu vào khoảng năm Vĩnh Bình thứ 10, tức là năm 67 C.N. đời vua Minh Đế nhà Đông Hán.

Phật giáo Trung Hoa đến thời vua Lương Vũ Đế là đã được 500 năm. Đạo Phật lúc đó đã biến thành một đạo giáo quần chúng, chỉ lo xây chùa đúc tượng, cầu Phật bên ngoài, van vái Phật bên ngoài, chứ không biết gì về bí quyết tìm Phật nơi tâm, tìm Niết Bàn nơi tâm. Lương Võ Đế khi gặp Đạt Ma tổ sư đã lấy làm hãnh diện, vì mình đã xây được nhiều chùa, chép nhiều kinh, độ nhiều tăng. Nhưng Đạt Ma đã dõng dạc coi thường những chuyện đó. Dưới đây là lời đối thoại giữa Lương Võ Đế và Đạt Ma:

Lương Võ Đế hỏi: Từ ngày tức vị đến nay, trẫm cất chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, có công đức gì không?

Sư đáp: Đều không có công đức.

Đế nói: Sao không có công đức?

Sư nói: Đó chỉ là nhân hữu lậu chỉ đem đến quả nhỏ trong cõi trời người, như bóng theo hình, tuy có nhưng không thực.

Đế hỏi: Vậy công đức chân thực là gì?

Sư nói: Trí phải thanh tịnh, thể phải lắng không. Đó là chân công đức. Công đức ấy không thể lấy việc thế gian mà cầu được.

Lương Võ Đế lại hỏi: Chân lý cùng tột của đạo thánh là gì?

Sư đáp: "Khuếch nhiên vô thánh" nghĩa là Trống rỗng hồn nhiên không gì là Thánh.

Đế hỏi: Trước mặt trẫm là ai?

Sư đáp: Không biết.  

Tôi cô đọng lời Đạt Ma thành mấy vần thơ sau:  

Xây chùa, đúc tượng, chép kinh,

Độ tăng, niệm Phật, công lênh đáng gì!

Trí thanh, tâm tịnh, huyền vi,

Chân Tâm thể nhập, diệu kỳ biết bao!

Vào nơi Vô Tướng mới hào,

Thánh phàm như nhất, lẽ nào biện phân.

Xá chi Vọng Ngã phàm trần,

Nay còn, mai mất bận tâm làm gì!  

Lương Võ Đế, một người còn ôm ấp cái Tâm phan duyên, cái Vọng tâm sinh diệt, luôn luôn chạy theo sắc tướng phù phiếm bên ngoài thì làm sao có thể hiểu được Bồ Đề Đạt Ma, một người thì đã đạt tới Chân Tâm minh linh huyền diệu của vũ trụ. Một đằng là Thô, một đằng là Tinh, thì làm sao mà chẳng Sâm Thương đôi ngả?

Từ khoảng giữa thế kỷ VII đến nay, không biết bao nhiêu là Thiền sư đã hỏi nhau: Đạt Ma tổ sư từ Ấn Độ sang có ý gì? (Như hà thị tổ sư nhi lai ý) Và có cái lạ là ai cũng tránh né không chịu trả lời. Người không cho câu giải đáp, tôi tự tìm lấy câu giải đáp như trên.

Nếu mà mục đích Thiền là đi vào tâm mà tìm Phật, tìm giải thoát, thì chuyện cầu Phật, lễ Phật bên ngoài trở thành không cần thiết, hay cốt dành cho những người sơ cơ, theo đúng tôn chỉ: Lý sự vô ngại.

Trong quyển Thiền Luận, nơi các chú thích 2 và 3 trang 80 quyển trung của Suzuki có ghi:

Có một thày tăng đến kiếm Triệu Châu hỏi: «Tôi sẽ hành cước về phương Nam, Thày có vui lòng khuyên bảo điều gì không?» Châu nói: «Nếu ông sang phương Nam, nơi nào có Phật, ông cứ lặng lẽ đi qua, nơi nào không có Phật cũng đừng ở lại.»

Một thày tăng hỏi Kim Sơn Đạt Quán: «Thày có niệm Phật không?» Sư đáp: «Không hề.» – «Tại sao không?» – «Vì e dơ miệng.»

Thiền sư Đơn Hà, trong một đêm đông đã chẻ tượng Phật, đem đốt để sưởi.

Indra đời Nguyên đã vẽ thành tranh và Sở Thạch (1296-1397) đã đề bút vào tranh như sau:

Cổ tự thiên hàn độ nhất tiêu,                      古

Bất câm phong lãnh, tuyết phiêu phiêu.   不

Hiện vô thiện lợi hà kỳ đặc,                         現

Đán thủ đường trung mộc phật thiêu.         旦  

Dịch:  

Đêm đông chùa cổ ngủ nhờ đêm,

Gió thổi, tuyết rơi, lạnh khắp miền.

Nay thấy tượng kia không ích lợi,

Chi bằng bổ đốt, sưởi ấm thêm.[2]

 Sau này có một vị tăng hỏi một thiền sư về ý nghĩa Đơn Hà đốt tượng Phật, Sư nói:

«Hàn tức vi lô hướng mãnh hỏa,

Nhiệt tức trúc lâm, khê bạn tọa.» 

Dịch  

 Lạnh đến lò than bên lửa sưởi,

Nóng ra rừng trúc cạnh khe ngồi. 

Đó chỉ là một hành động tự nhiên mà thôi, chẳng có gì đáng khen chê...  

Mới hay:  

Phật vẫn tại tâm, tâm chẳng thấy,

Còn dùng gỗ đá tạc tô chi?  

Có thể nói được rằng quan niệm Phật tại Tâm; đi vào Tâm mà tìm Phật là một sáng kiến của tổ Đạt Ma và của Thiền Đông độ (Trung Hoa). Nhưng cũng có thể nói được đó là một chân lý mà các bậc đại giác, đại ngộ xưa nay đã tìm ra.

Mạnh tử (372 – 289 TCN) – một nhà giác ngộ đơn độc – sống trước Đạt Ma khoảng 800 năm đã viết:

Tận kỳ tâm giả tri kỳ Tánh dã.               盡 其 心 者 知 其 性 也

Tri kỳ Tánh tắc tri Thiên hĩ.               知 其 性 則 知 天 矣

Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ Tánh        存 其 心 養 其 性

Sở dĩ sự Thiên dã.                    所 以 事 天 也

(Mạnh tử, Tận tâm chương cú thượng, 1).  

Dịch:  

Thấu triệt lòng, sẽ hay biết Tính,

Hay biết Tính nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng Tính chẳng rời,

Thế là giữ đạo, thờ Trời chẳng sai.  

Các tổ, và các đại thiền sư Trung Hoa, theo gót Đạt Ma, cũng bàn rất nhiều về quan niệm Phật tại tâm.

Mã tổ (709-788) chủ xướng: «Tức tâm, tức Phật.»

Ông xác tín rằng Sơ Tổ sang Trung Hoa mục đích cốt dạy mọi người: trong Tâm có Phật; Phật đây không phải là Phật sinh tại vườn Lâm Tì Ni, mà là Bản Thể sinh xuất ra quần sinh, vũ trụ; dưới lớp Vọng tâm hữu hạn có Chân tâm vô cùng; dưới những lớp lang biến hóa của các bộ mặt hóa trang bên ngoài, còn có bộ mặt chân thựuc vĩnh cửu, tức bản lai diện mục bên trong. Chân Tâm, Phật Tính đó luôn luôn cảm ứng với ngoại cảnh qua cửa các giác quan mà con người chẳng biết chẳng hay. Cốt tủy của Thiền nằm trong mấy dòng trên. 

Tôi trình bày lại: 

Dưới lớp vọng tâm, còn có Chân tâm. Vọng tâm thời sinh diệt, Chân tâm thời bất biến trường tồn; Vọng tâm thời được kết tập bởi tri thức, niệm lự, vọng trần. Chân tâm thời sinh xuất ra vũ trụ, siêu xuất sinh tử, sinh ra mọi hiện tượng, mà không lệ thuộc vào bất cứ hiện tượng nào, cầm cân thiện ác mà không tơ vương thiện ác..

Mới hay:  

Lơ thơ chùa rách giữa đàng,

Ai hay lại có Phật vàng ở trong.

Trong thân sắc tướng long đong,

Ai hay lại có Chủ nhân đất trời!  

Không có chìa khóa này sẽ không mở ra được cửa vào vừơn hoa Thiền học.

Ngày kia tổ Lâm Tế (867-?) nói: «Trên đống thịt đỏ lòm có một vị chân nhân thường ra vô theo lối cửa mở trên mặt các ngươi. Thày nào sơ tâm chưa chứng cứ được thì nhìn đây.» Có một thày bước ra hỏi: «Vô vị chân nhân ấy là cái gì?» Lâm Tế vụt bước xuống thiền sàng, nắm cứng thầy ta hét lớn: «Nói đi! nói đi!» Thày ta đang lính quýnh thì Tổ buông ra, trề môi nói: «Vô vị chân nhân, ồ chỉ là một cái cọc phân khô.» Rồi đi thẳng vào phương trượng. [3]

Thế tức là:  

Biết ra: tức Phật, tức Trời,

Vô minh, ngu muội: muôn đời phàm phu!  

Tứ tổ Đạo Tín (580-651) truyền tâm yếu cho Pháp Dung (593-637) như sau: «Trăm ngàn pháp môn thâu về trong gang tấc; hà sa công đức toàn ở nguồn tâm; tất cả giới môn, định môn, huệ môn, tất cả thần thông biến hóa đều tự sẵn đủ chẳng ngoài tâm ngươi. Tất cả bổn lai nghiệp chướng vẫn là không tịch. Tất cả nhân quả đều như mộng mị. Không có ba cõi nào thoát ra, mà cũng chẳng có bồ đề nào há cầu được. Người với chẳng phải người tánh thường đều bình đẳng. Đạo lớn vốn hư huyền khoáng đạt, tuyệt không có nghĩ, không có lo. Cái pháp như vậy, ông đã được, rốt chẳng khiếm khuyết, đồng với chư Phật, ngoài ra chẳng Phật nào khác. ông cứ tự tại mà nhiệm tâm, đừng theo quán hạnh, cũng chớ trừng tâm, chớ nổi tham sân, chớ mang sầu lự, cứ thản nhiên vô ngại, dọc ngang nhiệm ý, chẳng làm lành chẳng làm dữ, đi đứng nằm ngồi cứ tùy duyên mà cảm nghĩ, đó là toàn chỗ diệu dụng khoái lạc vô ưu của Phật, có thế mới gọi là Phật...» [4]

 Đạo Tín nghị luận thật tuyệt vời: Yếu chỉ của Thiền chẳng qua là diệt Vọng tâm, đạt Chân tâm, rồi sống hồn nhiên khinh khoát vô tư, vô cầu. Ngoài ra không có pháp nào khác.

Mới hay:  

Thiền là quán đạt Chân tâm,

Nhập vào Bản Thể vô ngần siêu linh.

Vọng tâm: 'nghiệp chướng, tử sinh',

Vọng tâm: 'nhân quả, phù sinh', liệng vèo.

Từ nay ta sống khinh phiêu,

Giữa dòng biến dịch, muôn chiều thảnh thơi.

Vọng tâm khi đã biến rồi,

Bồ đề, giải thoát, đồng thời cũng tiêu.

Ngã nhân, nhân ngã đồng đều,

Phật nay, Phật trước đâu điều qua phân?

 Phó Đại Sĩ nói: 

«Dạ dạ bão Phật miên,

Triêu triêu hoàn cộng khởi.

Khởi tọa trấn tương tùy,

Ngữ mặc đồng cư chỉ.

Phân hào bất tương ly,

Như thân ảnh tương tự.

Dục thức Phật khứ xứ,

Chỉ giá ngữ thanh thị... » 

Dịch:  

Đêm đêm ôm Phật ngủ vùi,

Sáng ngày, ta Phật đồng thời tỉnh ra.

Đứng ngồi, ta Phật chẳng xa,

Lặng yên, ăn nói, Phật ta một vành.

Phật ta, ta Phật cộng sinh,

Phật ta, ta Phật bóng hình khác chi.

Muốn tìm đường nẻo Phật đi,

Noi đường "nghe, nói", là suy ra liền. 

Vân Môn dạy đại chúng: 

«Hàm cái Kiền Khôn,

Triệt đoạn chúng lưu,

Tùy ba trục lãng.» 

Nghĩa đen:  

Bao quát đất trời,

Diệt trừ tục tập,

Tùy sóng đuổi sóng. 

Tôi phóng tác thành mấy vần thơ sau:

Chân tâm bao quát đất trời,

Chúng sinh vọng niệm, lầm sai diệt trừ.

Trùng dương thời khắc nhấp nhô,

Ta nương theo sóng, nhởn nhơ tháng ngày.

 Tóm lại các vị thiền sư, sau khi giác ngộ, đã sống hết sức hồn nhiên tiêu sái.

Đạo Ngộ (768-835) có kệ: 

«Nhiệm tính tiêu dao,

Tùy duyên phóng khoáng,

Đãn tận phàm tình,

Biệt vô thánh giải.» 

Dịch:  

Chân tâm mặc sức tiêu dao,

Tùy duyên phóng khoáng, hùng hào thung dung.

Phàm tình gạn đục khơi trong,

Xưa nay Phật, Thánh sống không khác vành. 

Cổ Đức có thơ: 

«Quân đãn tùy duyên đắc tự phong,

Phi sa tẩu thạch bất quai không.

Đãn ư sự thượng thông vô sự,

Kiến sắc, văn thanh bất dụng thanh.»  

Dịch:  

Hãy như gió thoảng giữa duyên trần,

Đá chạy cát bay, vẫn không tâm.

Sự đời rắc rối, tâm vô sự,

Thanh sắc nghe xem, vượt sắc thanh. 

2. Không lệ thuộc vào kinh sách

Thiền tông rất ít câu nệ vào kinh sách. Tuy nhiên, Thiền Tông cũng có hai quyển kinh căn bản. Đó là Kinh Lăng Già và Kinh Kim Cương.

Thiền từ Đạt Ma đến Ngũ Tổ ưa dùng kinh Lăng Già; Thiền tông từ Ngũ tổ về sau ưa dùng kinh Kim Cương.

Ta sẽ bàn qua về hai Kinh này.

a. Kinh Lăng Già (Lankavatara). 

Kinh Lăng Già được dịch ra tiếng Trung Hoa lần đầu tiên do ngài Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) đời Lưu Tống (424–454) đặt tên là Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh. Đến đời Nguyên Ngụy (500–516) ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) dịch thành mười quyển tên là Nhập Lăng Già. Đời Đường thời Võ Tắc Thiên (684–705), ngài Thật Xoa Nan Đà (Siksananda) cùng với ông Phục Lễ v.v...  dịch thành bảy quyển tên là Đại Thừa Nhập Lăng Già.

Bản dịch đời Đường rất đơn giản, không bằng bản dịch đời Tống rất cao sâu. Cho nên từ xưa đến nay những nhà nghiên cứu hầu hết đều theo bản dịch ban đầu (thời Tống).

Sau này có một số người chú giải kinh Lăng Già, như Tông Lặc và Như Khỉ vào năm Hồng Võ nguyên niên (1368) đời Nguyên; Đức Thanh đời Vạn Lịch (1620 nhà Minh); Trí Húc đời Sùng Trinh (1628–1643 nhà Minh); Hàm Thị đời Thuận Trị (1644–1661 đời Thanh).

Ở Việt Nam có Sư Bà Diệu Không dịch và ấn hành vào năm 1970, 1971, và Thích Thanh Từ dịch năm 1975. [5]

Kinh Lăng Già là một kinh tương đối khó đọc, khó hiểu, cho nên sau này chính nhiều vị Thiền sư cũng không bao giờ đọc nó. Suzuki có viết quyển Khảo Cứu Kinh Lăng Già, và có nhận định về kinh Lăng Già và quan hệ của Kinh Lăng Già với Thiền Học trong quyển Thiền Luận Bộ Thượng, nơi chương Thiền và Kinh Lăng Già (Xem sách trích dẫn nơi các tr.132-148.)

Lăng Già là tên một ngọn núi giữa biển Nam. Núi này cao chót vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không có đường vào. Vua Dạ Xoa La Bà Na và Bồ Tát Ma Đế đến thỉnh Như Lai lên núi thuyết pháp. Toàn kinh là một cuộc đối thoại giữa đức Phật và Bồ tát Đại Huệ và có thể nói đề tài chính của kinh là xiển minh Như Lai Tạng, xiển minh Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa, tức là giúp con người phát triển Thánh trí tự giác của Như Lai.

Muốn lên tới đỉnh núi Lăng Già, biển lòng phải sóng lặng, gió yên, con người phải có thần thông, thần lực, phải có căn cơ thuần thục.

Nói nôm na kinh Lăng Già dạy chúng ta vượt lên trên thế giới của ngôn từ, của suy tư, niệm lự, của thế giới lưỡng nguyên đày mâu thuẫn, đầy phân biệt mà vào tới cảnh giới Đại đồng, cảnh giới siêu việt, nhất quán, thường hằng của chư Phật, chư Bồ Tát.

Thánh đế đệ nhất nghĩa – Paramartha satya – là gì? Thưa chính là Thực Tại Tối Thượng, chính là Lý Tánh Thường Hằng Phổ Quát của Vũ Trụ và của con người (paurana sthiti dharmata). Ngày nay ta có thể dùng danh từ tương ứng thay thế, tức là Bản Thể của Vũ Trụ và của Con Người.

Bản thể chân thật thường hằng ấy các kinh Phật thường gọi là Như Lai Tạng, là Chân Như, Chân Tánh, Niết Bàn, Tâm, Không v.v... Kinh Lăng Già Tâm ấn (bản của Thích Thanh Từ, Phật Học viện xuất bản 1982), nơi tr. 323-325 còn cho chúng ta vô số danh từ đồng nghĩa khác như: Đạo, Pháp Tánh, Thật Tế, Vô Diệt, Thường, Nhất Thiết Trí, Giải Thoát, Bình Đẳng, Bất Nhị v.v...  

Kinh Lăng Già khuyên ta phải tư tu, tự chứng lấy Chân Lý tuyệt diệu ấy. Chứng được chân lý ấy nơi mình, tìm ra được Bản thể chân thực ấy nơi mình, tức là đạt tới Thánh trí tự giác của Như Lai, hay là Giác, hay là Bồ Đề. (Xem Thiền luận, Bộ Thượng tr. 142).

Kinh Lăng Già luôn luôn chủ trương: Tìm ra được Thực Tại tối thượng nơi mình, là cái sở đắc của Thánh trí tự giác (của tuệ giác), chứ không phải là do cảnh giới ngôn ngữ, cảnh giới của lý trí suy luận và cảnh giới của phân biệt (ib. 143).

Cảnh giới lý trí là Thức, là huyễn vọng; cảnh giới của Chân Tâm là Tâm, là Chân thực.

Đem những tư tưởng trên của Kinh Lăng Già soi rọi vào Thiền ta thấy toàn thể giáo lý Thiền hiện lên sáng trưng như vừng nhật giữa thinh không.

Trong Quyển Trung Quốc Thiền Tông Sử, tác giả là Ấn Thuận, xuất bản lần thứ ba, tại Đài Loan, năm 1978, nơi chương 2, nhan đề Đạt Ma dữ Lăng Già Kinh so sánh Như Lai Tạng của Kinh Lăng Già với Atman của Áo Nghĩa Thư với các kinh Đại Thừa khác và với lời Chư Tổ Thiền. Xin đan cử vài thí dụ:

Nhị Tổ, Tuệ Khả (486-593) nói: «Xác tín rằng tất cả chúng sinh đều có Chân tính. Chỉ do trần cấu bên ngoài che khuất, nên không hiển lộ ra được.» [6]

Đại Niết Bàn Kinh, quyển 7 viết: «Ngã chính là Như Lai Tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Chữ Ngã chính nghĩa là vậy. Như thế thì cái nghĩa chữ Ngã, từ trước đến nay, thường bị vô số phiền não che mất đi, nên chúng sinh không nhìn ra được.» [7]

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh quyển 35 ghi: «Trí huệ của Như Lai, Trí Huệ Vô Tướng, Trí Huệ Vô Ngại, đều đầy đủ trong con người mỗi chúng sinh, chỉ vì chúng sinh u mê, tư tưởng đảo điên, nên không biết, không thấy.» [8]

Bất tăng bất giảm kinh viết: «Cái Pháp thân ấy (cũng gọi là Như Lai Tạng), bị vô số kể phiền não, che khuất, từ vô thủy đến nay, theo dòng thế gian, lênh đênh, phiêu bạt, qua lại sinh tử, nên gọi là chúng sinh.» [9]

Đại Phương Đảng Như Lai Tạng Kinh viết: «Nhất thiết chúng sinh, tham luyến si mê trong vòng phiền não, vẫn có Như Lai Trí, Như Lai Nhãn, Như Lai Thân, ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động trong họ. Thiện nam tử! Nhất thiết chúng sinh, tuy đắm đuối trong vòng phiền não, vẫn có Như Lai Tạng không hề bị ô nhiễm trong thân họ, có đầy đủ các đức tướng, y thức như ta vậy.» [10]

Nơi trang 23, sách này còn đưa ra một cuộc đối thoại giữa Bồ Tát Đại Huệ và Đức Phật về Như Lai Tạng như đã thấy trong Kinh Lăng Già. Tôi cho rằng đây là một đoạn then chốt của Kinh Lăng Già, nên tôi tham khảo thêm Kinh Lăng Già, bản dịch của Thích Thanh Từ và ghi lại sau đây cho mọi người dễ bề tham khảo.

Trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thích Thanh Từ dịch, Phật Học Viện phát hành 1982, nơi đầu phần II, tr. 134, Bồ Tát Đại Huệ đã xác quyết với Phật rằng chư Phật xưa nay đã đồng thanh dạy rằng trong thân mọi chúng sinh, dưới lớp áo xống nhơ bẩn của tham dục, sân si, vọng tưởng và các thứ trần lao, đều đã có sẵn Như Lai Tạng với 32 tướng của Phật, chẳng khác nào một viên ngọc vô giá đã bị buộc vào trong một chiếc áo dơ bẩn. Nguyên văn như sau:

«Khi ấy, Đại Bồ Tát Đại Huệ bạch Phật: Bạch Thế tôn! Trong kinh Phật nói Như Lai Tạng, Tự Tính thanh tịnh, chuyển 32 tướng vào trong thân tất cả chúng sinh, như hạt châu rất quí cột trong chéo áo nhơ, Như Lai Tạng thường trụ không biến đổi cũng lại như thế, cột trong chiếc áo nhơ ấm giới và tham dục sân si, vọng tưởng chẳng thật, các thứ trần lao làm ô uế. Đây là lời diễn nói của tất cả chư Phật. Tại sao Thế Tôn đồng với ngoại đạo, nói có Ngã, có Như Lai Tạng? Bạch Thế Tôn! Ngoại đạo cũng nói có tác giả thường còn, lìa ngoài vi trần, khắp giáp (vô biên tế) chẳng diệt. Bạch Thế Tôn! ấy là ngoại đạo nói có Ngã.

«Phật bảo Đại Huệ! Ta nói Như Lai Tạng chẳng đồng cái Ngã của ngoại đạo nói. Đại Huệ! Có khi nói Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, Như Thật Tế, Pháp Tánh, Pháp Thân, Bản Lai Tịch Tịch, Tự Tánh Niết Bàn, những câu như thế đều chỉ Như Lai Tạng. Như Lai Tạng ứng cúng đẳng chánh giác vì đoạn cái sợ vô ngã của ngu phu, nên nói lìa vọng tưởng cảnh giới vô sở hữu có Như Lai Tạng. Này Đại Huệ! Đại Bồ Tát vị lai hiện tại không nên khởi chấp về ngã kiến.»

Tôi cho rằng đoạn Kinh Lăng Già này có một giá trị hết sức lớn lao: Nó một lần nữa cho thấy rằng trong phàm thân của chúng sinh, tuy còn đắm đuối trong muôn ngàn mê lầm, và dục vọng, vẫn có sẵn Pháp Thân, Phật Tính, Như Lai Tạng, bất biến trường tồn, nguồn sinh của vũ trụ, và cũng là cứu cánh Niết Bàn của con người. Đó là Đại Ngã, là Chân Ngã bất biến hằng cửu của con người. Chỉ ngu phu mới có cái sợ «vô ngã», còn những vị Bồ Tát hiện tại và tương lai không nên «khởi chấp về ngã kiến».

Vì Đạt Ma tổ sư giảng Như Lai Tạng, nên người đời thường gọi pháp môn của ngài là Như Lai Tạng pháp môn, Như Lai Thiền, hay Như Lai Tạng thiền [11].

Suzuki viết: «Như Lai Thiền. ở cái thiền cuối cùng này, hành giả đi vào đất Như Lai, chứng 'tự giác thánh trí', tâm an trụ trong ba đức bí tàng (Pháp thân, Bát Nhã, Giải Thoát) và thành tựu vô lượng công đức không nghĩ bàn được của chúng sinh.» [12]

Ba đức bí tàng nói trên làm tôi liên tưởng đến ba chữ Sat (Ngã), Cid (Trí, Giác), Ananda (Hạnh phúc) mà Ấn Độ Giáo thường dùng để suy lường về Brahman vô ngã, Bản thể của vũ trụ và của con người...

b. Kinh Kim Cương (Vajra Prajnaramita Sutra)

Kinh Kim Cương đã được đại sư Cưu Ma La Thập, người xứ Dao Tần (Koutcha) thuộc ấn Độ, sang Trung Hoa vào đời Văn Hoàn Đế, nước Hậu Tần, khoảng năm 397 Dương Lịch dịch ra tiếng Trung Hoa. Kinh này đã được nhiều vị dịch ra tiếng Việt, và chú giải, chẳng hạn như bản dịch của Đoàn Trung Còn, có chú thích khá kỹ lưỡng; bản dịch của Thích Tuệ Hải với chú thích sơ sài hơn.

Kinh Kim Cương hiện nay rất thông dụng trong quần chúng, có lẽ vì nó ngắn gọn. Có nhiều câu đã trở thành sáo ngữ ở cửa miệng con người như: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. 應 無 所 住 而 生 其 心 (Không nên nương dựa vào đâu mà sinh tâm) (Kim Cương, 10).  

Hoặc:  

«Nhất thiết hữu vi pháp,         一 切 有 爲 法

Như mộng huyễn bào ảnh,    如 夢 幻 泡 影

Như lộ diệc như điện,              如 露 亦 如 電

Ưng tác như thị quán.»            應 作 如 是 觀

Đoàn Trung Còn dịch:  

«Bao nhiêu những pháp nhận nhìn,

Vi như mộng ảo,bọt hình đó chi.

Cũng như hơi nước bay đi,

Cũng như chớp nhoáng trong khi mưa dào.

Thảy đều như vậy khác nào,

Các nhà học đạo xét vào cho minh.» 

Năm 1965, tôi phóng tác mấy câu trên thành thơ như sau:  

Hãy nhớ kỹ hình hài sắc tướng,

Đều một tuồng mộng tưởng mau qua,

Đều là bào ảnh, quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây... 

Hoặc:  

«Nhược dĩ sắc kiến Ngã,        若 以 色 見 我

Dĩ âm thanh cầu Ngã,             以 音 聲 求 我

Thị nhân hành tà đạo,             是 人 行 邪 道

Bất năng kiến Như Lai.»        不 能 見 如 來

Đoàn Trung Còn dịch:  

«Thấy sắc cho rằng thấy Phật đà,

Nghe thanh, lại bảo đó là Ta,

Những người như vậy hành tà đạo,

Hồ dễ thấy tường Đức Phật a?» 

Tôi phóng tác:  

Đừng dùng thanh sắc cầu ta,

Như Lai vô tướng, đâu là sắc thanh?

Nẻo tà thanh sắc liệng vành,

Như Lai mơ thấy, âu đành công toi! 

Câu kinh trên làm chúng ta liên tưởng đến một câu kinh tương tự trong Hoa Nghiêm:

«Sắc thân phi thị Phật,           色 身 非 是 佛

Âm thinh diệc phục nhiên,    音 聲 亦 復 然

Bất liễu bỉ Chân Tánh,          不 了 彼 眞 性

Thị nhân bất kiến Phật.»      是 人 不 見 佛

Đoàn Trung Còn dịch:  

«Sắc thân không phải Phật,

Âm thinh cũng như vậy,

Chẳng ngộ Chân Tánh kia,

Người ấy chẳng thấy Phật.» 

Sau khi đọc các bản kinh Kim Cương bằng chữ Hán và chữ Việt, sau khi sánh kinh Kim Cương với các kinh khác trong Đại Thừa, sau khi đọc kỹ lưỡng các lời chú, sau khi nghiên cứu Bát Nhã Ba La Mật Tâm kinh, sau khi suy cứu tâm ấn mật truyền của các tổ Thiền, và về sự chứng ngộ của Lục Tổ Huệ Năng sau khi được Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cương, tôi toát lược vi ý kinh Kim Cương như sau:

Mục đích kinh Kim Cương hết sức là giản dị:

Làm sao tìm cho ra Kim Cương Thân bất hủy hoại trong cái Sắc thân, và cái Vọng tâm bị hủy hoại.

Kim Cương Thân ấy có rất nhiều tên gọi. Đọc Kinh Kim Cương ta thấy nơi kinh và nơi những lời chú những tên gọi sau đây:

– Tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác hay Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. hay Quả Chánh Đẳng Chánh Giác, hay Pháp Chánh Đẳng Chánh Giác (Xem Đoàn Trung Còn, Kinh Kim Cương tr.15; tr.20).

– Tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa. (Xem Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh)

– Thật tướng, Chân Tâm vô tướng (Đoàn Trung Còn, Kinh Kim Cương, tr.27, chú 3, 4.)

– Chân Không, Vô Vi, Niết Bàn, Thật Tướng, Pháp Giái. (Ib. tr.14, chú 12; tr. 15, chú 1.)

– Chân Thật, Như Lai, Bổn Tánh của Bát Nhã, Bổn thể vô tướng (Ib. 12 chú 1)

– Pháp (Ib. tr. 13, chú 2).

– Bản tánh trọn lành sẵn có nơi con người (Ib. tr. 20, chú 1.)

–  Phi thân (Ib. tr. 21)

– Chân Như, Phật Tánh (Ib. tr. 24, chú 1)

– Chân Tánh, Bổn Tánh, Trung Đạo (Ib. tr. 30, chú 4, 5)

– Chân Tâm Thường Trụ (Ib. tr. 43, chú 1).

– 'Tâm' viết hoa, Chân Tâm (Ib. tr.43. chú 1). Nó khác vói 'tâm' viết thường, tức là vọng tâm (Ib. tr. 42, chú 1).

– Tánh Không (Ib. 43, chú 1).

– Phật quả (Vô thượng chánh đẳng chánh giác) (Ib. tr. 46, chú 2.)

– Diệu Tánh (theo Lục Tổ) (Ib. tr. 46, chú 1; tr. 48, chú 1)

– Như Lai Tạng, Như Lai Tánh (Ib. tr. 51, chú 1). Nên nhớ Lăng Già thì ưa dùng chữ Như Lai Tạng, Kim Cương Kinh ưa dùng chữ Tâm Chánh đẳng chánh giác.

– Lý = Pháp Thân, đối với Sự là thân tướng (Ib. tr.53, chú 1)

– Chân Tế (Ib. tr. 57, chú 1).  

Như vậy để hiểu kinh Kim Cương nói riêng, và các kinh Đại Thừa nói chung, và để hiểu Thiền, tu Thiền, thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải phân biệt nơi con người chúng ta hai thứ Tâm, hai thứ con người, hai bộ mặt:

1. Con người vĩnh cửu, cái Chân Tâm Như Lai, cái Bản Lai diện mục siêu xuất không gian thời gian, siêu xuất hình danh sắc tướng, không trụ trước vào hình danh sắc tướng, «phi thân», «phi tướng», vô biên tế, siêu xuất sinh tử.

2. Con người biến thiên, cái vọng tâm, cấu kết bởi nhân duyên, bởi ngũ uẩn, lục trần, trụ trước vào hình danh sắc tướng, cái vọng tâm có quá khứ, có hiện tại có tương lai, làm cho Đức Sơn không còn biết điểm vào tâm nào, cái bộ mặt hóa trang nhem nhuốc, bị trần ai ngoại cảnh dập vùi, bị vô minh ô trược làm dơ bẩn, cái giá áo, túi cơm, cái sắc thân luôn luôn bị tam độc tham sân si lũng đoạn, cái phàm tâm u mê, bị cuốn lôi trong cơn gió lốc luân hồi, mà không sao tìm cho ra lối thoát.

3. Kết luận là: Nếu chứng ngộ được Chân tâm thường trụ nơi mình tức là phát được Tâm Chánh Đẳng Chánh Giác, là vào được cõi Phật, và Niết Bàn hiện ra trong sát na.

4. Bao lâu còn ôm ấp vọng tâm, thời chỉ như Lương Huệ Vương lượm lặt được những ích lợi hết sức là nhỏ nhoi, hạn hẹp.

Giác ngộ là phải nhìn thấy Tự tánh, thấy Chân Như, thấy Như Lai chính là mình, vốn đã sẵn có nơi mình.

Tôi dẫn chứng những điều tôi nói trên bằng những lời lẽ của các bậc đại giác đại ngộ trong Phật giáo.

Lục Tổ Huệ Năng, trong khi được Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn giảng vi ý của Kinh Kim Cương, đến câu: ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ thân, lập tức giác ngộ được cái Tự Tính bất sinh bất diệt sẵn có nơi mình, và lập tức ứng khẩu đọc lên bài kệ sau:

Hà kỳ tự tính bản tự thanh tịnh,             何 其 自 性 本 自 清 凈

Hà kỳ tự tính bản bất sinh diệt,              何 其 自 性 本 不 生 滅

Hà kỳ tự tính bản tự cụ túc,                    何 其 自 性 本 自 具 足

Hà kỳ tự tính bản vô động dao,             何 其自 性 本 無 動 搖

Hà kỳ tự tính năng sinh vạn pháp...       何 其 自 性 能 生 萬 法  

Diên Sanh cư sĩ dịch:  

«Chẳng dè tánh mình vỗn sẵn thanh tịnh,

Chẳng dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt;

Chẳng dè tánh mình vốn sẵn đủ cả;

Chẳng dè tánh mình vốn không động lay;

Chẳng dè tánh mình hay sanh muôn Pháp.» 

Thế là Huệ Năng từ giữa lòng sắc thân, giữa lòng vọng tâm biến thiên, sinh tử đã tìm ra được Chân Tâm hằng cửu, bất sinh bất diệt nơi mình. Lời nói của ông trong sáng như trăng sao, vững vàng như non Thái, chứ không có những luận điệu ấp a ấp úng, mờ mịt như đêm tăm, rối rít như canh hẹ của những người hữu tu nhưng vô chứng!

Vương Nhựt Hưu, khi bình về ba thức tâm trong Kinh Kim Cương, đoạn 18, đã nói: «Cái Chân Tâm thường trụ tức là Chân Tánh vậy. Đó vì từ vô lượng vô số kiếp, nó thường là nhứt định mà không có biến động, há có quá khứ, vị lai, hiện tại sao? Nếu có quá khứ, vị lai, hiện tại, ấy là vọng tưởng. Ba tâm là vậy đó.»

Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh nói: «Đối với pháp ba đời, ai nói là Tâm? Tâm quá khứ đã dứt rồi; Tâm vị lai thì chưa đến; Tâm hiện tại lại không trụ...  Tâm pháp xưa nay vốn không hình tướng. Tâm pháp xưa nay vốn không có chỗ trụ. Tất cả chư Như Lai còn không thấy Tằng được Tâm, huống chi người khác thấy được Tâm Pháp sao?»

Vị Hữu Kinh: «Thiện nam tử! Tâm không có chỗ trụ: Nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa. Tâm không có sắc tướng. Nó chẳng xanh, chẳng vàng, chẳng đỏ, chẳng trắng. Tâm không có tạo tác, vậy nên không có tác giả. Tâm chẳng phải là ảo hóa, vốn nó là Chân Thật vậy. Tâm không có bờ bến cho nên không có chi hạn lượng Nó. Tâm không có giữ lấy, không có bỏ đi, cho nên Nó không thiện, không ác. Tâm không chuyển động, cho nên Nó chẳng sanh chẳnh diệt. Tâm như Hư Không, cho nên Nó không bị chướng ngại. Tâm chẳng nhiễm, chẳng tịnh, cho nên Nó lìa khỏi tất cả các số đếm.

Thiện nam tử! Khi làm phép quán ấy rồi. đối với tất cả các pháp, người ta không thể tìm cái Tâm. Tại sao vậy? Cái tự tánh của Tâm. tức là Tánh của các pháp (Chơn Như). Tánh Không của các pháp, tức là Tánh Chân Thật.» (Xem Đoàn Trung Còn, Kinh Kim Cương, tr.43, chú 1).

Những lời lẽ bàn về Chân Tâm như vậy thật là quá đẹp...  

Tôi đọc các lời giải thích của cụ Đoàn Trung Còn, tôi hết sức khâm phục Cụ. Rất tiếc là khi xưa tôi chỉ đến thăm Cụ có một lần. Cụ thật là người đã đóng góp rất nhiều cho Phật giáo, và nền văn học nước nhà, vì ngoài các trước tác của Cụ về Phật giáo, Cụ còn dịch bộ Tứ Thư ra tiếng Việt rất là khúc triết.

Tôi xin sao lục thêm ít nhiều nhận định của Cụ về Chân Tâm...  

Nơi trang 20 Kinh Kim Cương do Cụ bình dịch, Cụ chú:

Đức Phật Thích Ca hỏi ông Tu Bồ Đề: «Thủa xưa, nhơn khi đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, ta có đắc Pháp chăng?» ông Tu Bồ Đề biết ý Đức Phật, nên đáp rằng: «Lúc ấy Như Lai không có đắc Pháp.» Vì cái Pháp Chánh Đẳng Chánh Giác, cái quả Phật, cái bản tánh trọn lành, thì mỗi người sẵn có nơi mình, không được cũng không mất. Nếu nó có chỗ đắc thì có lòng chấp trước, có ngã tâm, có đắc tướng. Niết Bàn kinh quyển 17: Không có chỗ đắc, kêu là Huệ. Có chỗ đắc, kêu là Vô minh.

Cái Pháp mà mình đắc, là do Thầy khai thị, truyền thọ. Nhưng thật mình không có đắc. Chẳng qua là mình ngộ cái Tự Tánh, Vốn trong sạch sẵn có nơi mình, vốn yên lặng, sáng chói nơi mình. Tức tự mình thành Phật, chớ không do kẻ khác mà đắc Pháp.

Nơi trang 21, chú 3 Cụ chú: «Cái thân hình xác thịt người ta, ví dầu có to lớn lắm, thì cũng bằng núi Tu Di là cùng. Đó chỉ tạm gọi là to lớn mà thôi. Còn cái không phải thân (phi Thân), cái Pháp Thân, cái Phật Tánh, cái Như Lai Tánh, mới thật to lớn, vì Nó bao gồm vũ trụ, vạn vật. Nó tỉ như Không Gian vô tận.»

Nơi trang 46: «Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề) vốn chẳng phải mình đắc từ ngoài. Nó mới là Chân Tánh của mình.»

Nơi trang 51, chú 1: «Người tu Đại thừa nên nhận thấy đức Chân Phật là Chân Ngã, Như Lai Tạng hay Như Lai Tánh. Chân Như có đủ bốn đức Thường Lạc, Ngã Tịnh và bốn đức Vô lượng: Từ Bi Hỉ Xả. Đức Chân Phật ấy, Chân Ngã ấy tức là đức Thích Ca Mâu Ni, và cũng là mỗi người chân thật của chúng ta vậy. Đức Chân Phật ấy, Chân Ngã ấy, Chơn Như ấy, xưa nay vẫn ở nơi ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy, là vì bị các phiền não che ngăn vậy.»

Nơi trang 52, chú 2: «... Khi người ta nương theo sắc tướng và âm thanh là sự phát hiện bề ngoài, tức nhiên người ta không thể nghe thấy đức Phật Chơn Thật, cái Như Lai tánh ẩn tàng bên trong.»

Trên đây, tôi đã dài dòng lấy kinh sách chứng minh rằng: thực sự PHẬT, CHÂN NHƯ CHÍNH LÀ CĂN CỐT CỦA MỖI NGƯỜI CHÚNG TA. Của báu trong ta đã sẵn có, khỏi phải kiếm tìm đâu xa.

Đó chính là TINH HOA, là CỐT TỦY của Phật Giáo và của Thiền. Các kinh Phật, các dòng Thiền thực ra chỉ cốt ca tụng cái vinh quang của con người, đề cao căn cốt vô cùng sang cả của con người, đề cao những khả năng vô biên, vô tận còn tiềm ẩn trong mỗi con người, và giúp ta thực hiện một tiền trình hết sức sang cả của con người: Thân đồng Vũ Trụ, Vạn Nhất bất ly.

Năm 1965, tôi mượn ý kinh Kim Cương và Đạt Ma Huyết Mạch Luận, phác họa phương pháp tu thân, kiến tính thành Phật bằng mấy vần thơ sau:

Hãy rũ bỏ phù vân sắc tướng, [13]

Hãy cố tìm Vô Thượng Bồ Đề.

Niết Bàn muốn rõ nẻo về,

Đừng nên chấp trước đam mê lụy trần.

Con đường giải thoát nội tâm,

Cố suy cố nghĩ, cố tầm cho ra [14].

Vọng tâm cố vén mây mù, [15]

Băng qua hình tướng vào tòa Như Lai [16].

Nơi vô trụ là nơi an lạc [17],

Pháp vô vi là pháp thánh hiền [18].

Chớ đừng dính líu sự duyên,

Đừng đem thanh sắc mà phiền Như Lai [19].

Hãy nhớ kỹ hình hài, sắc tướng,

Đều một tuồng mộng tưởng mau qua,

Đều là bào ảnh quang hoa,

Sương vương ngọn cỏ, chớp lòa chân mây [20].

Như Lai chẳng ở đây ở đó,

Chẳng đi đâu, chẳng có đến đâu,

Như Lai ở sẵn lòng sâu,

Vào sâu tâm khảm mà cầu Như Lai [21].

 Trên đây, tôi đã mượn phương tiện kinh sách, dùng cái nhìn thấu thị, để đưa quí vị vào cõi Phật, để biết thế nào là quả Phật, quả Thiền. Từ đây sắp xuống, chúng ta lại trở lại con người thông thường, còn ở trong cõi trần ai tục lụy, ước mong sao tìm cho ra phương pháp, để giác ngộ, để rũ được gánh nặng quả kiếp nhân duyên còn đè nặng trên con người mình. Đã gọi là phương pháp, đã gọi là phương tiện thì chỉ có giá trị, tương đối, hay cho người này, mà dở cho người kia. Cho nên chọn phương tiện cho thích ứng với mình cũng là cả một nghệ thuật; bỏ phương tiện khi nó không còn cần thiết cũng là cả một nghệ thuật. Chính vì nhẽ đó mà Như Lai thường nói: «Tỳ khưu các ông nên hiểu rằng: Pháp của ta nói ra, cũng ví như cái bè khi qua sông; chính pháp có khi còn nên bỏ, huống chi là những cái phi pháp.» (Kinh Kim Cương)

3. Thiền không chú trọng đến các lễ nghi hình thức bên ngoài. 

Trên phương diện lý tưởng, Thiền dĩ nhiên là không thể chấp nhận những lễ nghi hình thức bên ngoài. Nói thế không có gì là sai trái. Đạt Ma diện bích chín năm; Đức Phật, vị Tổ Sư Thiền, dĩ nhiên là không có thờ phụng, cúng quải ai.

Đại sư Sankara, một triết gia Bà La Môn giáo, cũng có chủ trương tương tự. ông viết: «Hỡi Siva, xin Ngài tha cho tôi ba đại tội: Tôi đã đi hành hương tới Kasi để cầu Ngài, mà quên rằng Ngài ở khắp mọi nơi; tôi đã nghĩ tới Ngài, mà quên rằng Ngài vượt trên mọi nghĩ suy; tôi đã cầu xin Ngài, mà quên rằng Ngài vượt lên trên mọi ngôn ngữ.» [22]

Cái nét đặc thù nói trên của Thiền, theo đà thời gian đã pha phôi biến cải, nhất là ở Việt Nam, do ảnh hưởng của Thiền Lâm Tế, đã có sự phối hợp giữa Thiền đốn ngộ, và Thiền tiệm tu với Tịnh Độ, nghĩa là giữa pháp Giới Định Huệ, giữa không ngồi Thiền, với ngồi Thiền và chay cúng bên ngoài.

4. Thiền đề cao giá trị của con người hiện tiền, trông vào tự lực, chứ không trông vào tha lực của chư Phật, không tin rằng chư Phật sẽ cứu độ được con người.

Lục tổ Huệ Năng nói: «Khi Mê thì thầy độ, ngộ rồi mình độ lấy.» (Đàn Kinh, Phẩm thứ nhất).

Lại nói: «Thiện trí thức: Phàm phu tức là Phật; phiền não tức Bồ Đề, vì niệm trước còn mê, tức là phàm phu; niệm sau được ngộ. tức là Phật. Niệm trước nương cảnh, tức là phiền não; niệm sau lìa cảnh, tức là Bồ Đề.» (Xem Đàn Kinh, Phẩm thứ hai.)

Lại nói: «Lòng mê Pháp Hoa chuyển,

Lòng ngộ chuyển Pháp Hoa.» (Xem Đàn Kinh, Phẩm thứ 7.)  

Tất cả đều nói lên niềm tự tin, tự tu, tự chứng không lệ thuộc vào Phật, vào kinh!

5. Các Thiền sư có lệ thuộc là lệ thuộc vào Tổ, vào Thầy, khi chưa giác ngộ; khi đã giác ngộ, sẽ coi mình không thua Tổ, thua thầy. 

Huệ Năng nói: «Từ xưa Phật Phật chỉ truyền BỔN THỂ, sư sư chỉ phó BỔN TÂM.» (Xem Đàn Kinh, Phẩm 1). Đã giác ngộ Bổn Tánh, Bổn Tâm, đã thấy Bản Lai Diện Mục của mình, thì thầy trò đâu còn có ai hơn ai nữa? Huệ Năng dạy Thần Hội: «Ngươi sao chẳng tự mình biết BỔN TÂM, tự mình thấy BỔN TÁNH, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?» (xem Đàn Kinh, Phẩm thứ 7).

Chính vì thế mà khi giác ngộ, Bách Trượng đã cuốn chiếu, không thèm nghe thầy là Mã Tổ thuyết pháp.

6. Thiền là Tư Duy, là mài miệt suy tư để tìm ra chân lý. Thiền cũng có nghĩa là Tịnh lự, là dẹp lo âu. 

Muốn bắt đệ tử mài miệt suy tư, để tìm ra chân lý, để có thể giác ngộ, các Tổ sau thời Huệ Năng, nhất là trong những thế kỷ X, XI, thường ra những công án, cho đệ tử. Những công án ấy, sau đó đã được tập đại thành, và gọi là Thoại đầu, Cơ Duyên, hay Vấn đáp.[23]

Tất cả có khoảng 1700 công án. Có công án nổi tiếng; có công án không. Dưới đây là ít nhiều công án nổi tiếng:

1. Mà cái gì đến? (Câu Huệ Năng hỏi Nam Nhạc).

2. Con chó có Phật tánh không? - Không! (Câu của Triệu Châu).

3. Muôn vật trở về một, một trở về cái gì? (Câu của Thiền sư Cao Phong).  

Tất cả các công án, chỉ có mục đích giúp con người vươn lên trên cái Thức Tâm, vươn lên trên thế giới nhị nguyên mâu thuẫn, để tìm ra cái thế giới Chân Thường, cái Bổn Tâm, Bổn Tánh thuần nhất của vũ trụ và của chính mình.

Các công án được đề ra, tuy khác nhau, nhưng đều có căn bản, có mục đích.

Về căn bản, chúng đều muốn đưa chúng ta trở lại cái Bản Nguyên linh diệu của vũ trụ và của con người; giúp ta hiểu lẽ: Nhất tức Nhất Thiết, Nhất thiết tức Nhất; hiểu lẽ Nhất sinh Vạn, Vạn qui Nhất.

Về mục đích, chúng giúp ta:

– Siêu xuất trên các hình tượng.

– Siêu xuất trên hai phương diện Thể, Dụng của trời đất.

– Siêu xuất trên quan niệm phàm thánh.

– Siêu xuất trên quan niệm Chủ, Khách.

– Siêu xuất trên quan niệm thị phi.

– Siêu xuất trên tri kiến.

– Siêu xuất trên ngôn ngữ.

– Siêu xuất không gian và thời gian.

– Siêu xuất cả hai bề động tĩnh.

– Siêu xuất trên quan niệm sinh tử.  

Tóm lại giúp chúng ta có cái nhìn viên dung, toàn bích, thoát được lối nhìn hạn hẹp, chia ly, gián cách.

Trong quyển Minh tâm kiến tính thoại Thiền Tông, do Bồ Đề học xã, xuất bản tại Hồng Kông, năm 1987, ban biên tập đã dùng các chủ đề trên để giải các công án. Tôi thấy không cần đi vào chi tiết, nên chỉ giới thiệu các đề mục trên của cuốn sách.

Tất cả các công án chỉ có ích lợi cho những người có căn cơ trung bình, còn đối với những bậc thượng căn, thì là một chuyện mất thì giờ vô ích. Vì thế từ thời Huệ Năng trở về trước, không có công án. Nhưng từ 300 năm sau thời Lục Tổ, khi Thiền trở thành một phong trào quần chúng, khi các thiền viện được mở ra, và có thể dung chứa cả ngàn đệ tử, nên công án được lập ra, để thổi vào Thiền học một luồng sinh khí mới, và để cho thiền sinh có những đề tài mà suy tư.

Đối với tôi, thì tri kiến thảy là vọng duyên. Cho nên muốn thoát vọng duyên, phải trừ tri kiến.

Huệ Lãng yết kiến Đại Tịch thiền sư. Sư hỏi: «Ngươi tới muốn cầu gì?» Huệ Lãng đáp: «Cầu Phật tri kiến.» Sư đáp: «Phật không có tri kiến. Tri kiến là ma giới.» Cho nên tri kiến là vọng. Lìa vọng là Phật. Tứ Tổ nói: «Đại đạo hư khoáng; tuyệt tư, tuyệt lự.» [24]

Cảnh Sầm thiền sư có thơ:

«Học đạo chi nhân bất thức Chân,

Chỉ vị tòng lai nhận Thức Thần.

Vô thủy kiếp lai sinh tử bản,

Si nhân hoán tác bản lai nhân.» 

Dịch:  

Người ta học đạo chẳng biết Chân,

Chỉ vị xưa nay nhận Thức Thần,

Thức thần vốn dĩ Sinh Tử gốc,

Người si mới ngỡ Bản Lai Nhân. (Ib. tr. 74) 

Thiền cũng giúp chúng ta nhìn ra được Chân Tâm của chính mình. Đó là phương pháp «Quán Tâm».

Thiền cũng dạy chúng ta: Hàng phục vọng tâm. Đó là «Trị tâm». Đó là Tịnh Lự.

Sau khi giác ngộ Thiền dạy ta sống an nhiên, tự tại, tự do, khinh khoát, nhưng không lập dị. Người xưa gọi thế là «trực tâm».

'Trị tâm' rồi 'Quán Tâm'; 'Quán Tâm' rồi 'Trực Tâm': Hàng phục vọng tâm, quán chiếu Chân Tâm; sống thuận Chân Tâm, sống thuận ngoại cảnh, thế là yếu chỉ của Thiền.

Chính vì thế mà nơi đây tôi không bàn về tiếng hét của Lâm Tế, cây hèo của Đức Sơn vì tất cả những phương tiện đó chỉ có giá trị tương đối, nhất thời...

7. Thiền không tìm cầu Phật ngoài mình, mà tìm Phật trong thân mình.  

Trên đây, tôi đã bàn giải dài dòng về vấn đề này. Đây chỉ nhắc lại một đoạn trong Pháp Bảo đàn kinh của Lục tổ:

Tăng nhân là Trí Thông, người ở An Phong, thuộc về Thọ Châu, ban đầu có xem kinh Lăng Già, ước hơn ngàn bận, mà chẳng thấu hiểu được chỗ Tam Thân, Tứ Trí, nên làm lễ cầu Sư giải ý nghĩa.

Sư đáp rằng: Tam Thân ấy là:  

- Thanh tịnh Pháp Thân, tức là Tánh của ngươi vậy.

- Viên mãn Pháp Thân, tức là Trí của ngươi vậy.

- Thiên bá ức Hóa Thân, tức là Hạnh của ngươi vậy...   

... Khá nghe kệ ta đây:  

"Tự Tánh đủ Tam Thân,

Phát minh thành bốn trí.

Chẳng lìa duyên thấy nghe,

Siêu nhiên lên cõi Phật.

Nay ta vì ngươi nói,

Tham thấu hết si mê.

Chớ học phường hướng ngoại,

Suốt ngày nói Bồ đề."  

Trí Thông lại mở lời hỏi rằng: Cái nghĩa Bốn Trí khá đặng nghe chăng?

Sư rằng: Đã hội Ba Thân, thì rõ được bốn trí, sao còn hỏi nữa? Nếu lìa Ba Thân, riêng bàn Bốn Trí, ấy gọi là có trí không thân, tức là có trí mà thành ra không trí.

Sư lại đọc bài kệ rằng:

"Trí đại viên cảnh: tánh thanh tịnh,

Trí bình đẳng tánh: lòng không bịnh.

Trí diệu quan sát: thấy 'vô công',

Trí thành sở tác: như Viên Cảnh.

Năm tám sáu bảy, quả nhơn chuyển,

Chỉ chuyển ngôn từ, không chuyển tánh.

Nhược không lưu tình vào chỗ chuyển,

Sẽ như rồng thiêng luôn đại định... "  

(Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm thứ bảy.)  

Nói thế có nghĩa là trong ta có đủ Tam Thân Phật, có đủ Tứ Trí Phật. Không cầu Phật trong thân, mà cầu Phật ngoài cảnh, đó là sai lạc.

8. Thiền không câu nệ phải ngồi Thiền, phải hít vô, phải thở ra, mà Thiền chỉ có mục đích thể hiện Chân Tâm, sống bằng Chân Tâm, và hàng phục Vọng tâm. 

Ngồi Thiền chỉ là một phương tiện cho những người sơ cơ, chứ không phải là điều kiện cốt yếu để thành Phật.

Chí Thành, từ chùa Ngọc Tuyền đến Tào Khê nghe Huệ Năng giảng pháp.

Chí Thành trình bày phương pháp Thiền của Thầy ông dạy như sau: «Thầy tôi hằng chỉ dạy cho đại chúng phải trụ lòng, quán tịnh, ngồi chẳng nằm.»

Huệ Năng đáp: «Trụ lòng quán tịnh ấy là bệnh, chẳng phải là thiền, ngồi hoài thì buộc vóc mình, theo lẽ chẳng ích chi, khá nghe bài kệ ta đây:

Khi sống ngồi chẳng nằm,

Thác rồi, nằm chẳng ngồi.

Chẳng qua cục xương thúi,

Có gì gọi công phu.»

(Xem Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm 8). 

Mã Tổ ngồi thiền. Nam Nhạc thấy hỏi: «Đại đức ngồi thiền để làm gì?» – «Để làm Phật.»

Nam Nhạc bèn cầm một miếng ngói, đến trước am ngồi mài trên phiến đá. Mẫ Tổ thấy lạ, hỏi:

- Sư mài ngói làm gì?

- Để làm gương.

- Mài ngói sao thành được gương?

Sư đáp: «Còn ngồi thiền há thành Phật được sao?» [25]

 Từ đỉnh thẳm linh thiêng của Thiền, từ Niết Bàn Diệu Tâm, Chánh Pháp Nhãn Tàng của Đức Như Lai, từ Chánh Đẳng Chánh Giác của kinh Kim Cương hay Như Lai Tạng của Kinh Lăng Già và của tổ Đạt Ma, từ Tự Tánh của Lục Tổ, đi xuôi dòng thời gian cho tới các bộ mặt hóa trang của Thiền thời đại, ta không khỏi bùi ngùi, và trạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ của bà huyện Thanh Quan:

«Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường,

Tới nay thấm thoát mấy tinh sương.

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương...»

 Nhiều người theo Thiền để xuất hồn xuất vía, mong gặp tiên, gặp Phật, sắc tướng bên ngoài, mặc dù Lục Tổ đã nói:

«Bồ Đề hướng tâm mích,

Hồ vi hướng ngoại cầu huyền» 

mặc dù Kinh Kim Cương đã nói:  

«Nhược dĩ sắc kiến Ngã,

Dĩ âm thanh cầu Ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.» 

Các sách Thiền viết cho người Âu Mỹ thì coi Thiền như là một phương pháp «xả hơi» để làm bớt sự căng thẳng của tinh thần, trong cái xã hội đa tạp này. Họ dạy ngồi bán già, ngồi kiết già, dạy ngồi cho thẳng lưng, dạy cách để tay trước bụng, dạy cách thở cho điều hòa, dạy cách vận khí về đơn điền (hạ đơn điền), để lập lại thế quân bình trong con người. Đã đành những thứ Thiền ấy có thể làm ơn ích cho nhiều người, nhưng đối với tôi sao chúng xa lạ thế! Thật đúng là: «Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!»

Tôi tóm tắt chương này bằng mấy vần thơ sau:

Chân Tâm bao quát đất trời,

Xưa nay chư Phật chẳng rời Chân Tâm.

Chẳng cần lập tự lập văn,

Xưa nay chư Phật Tâm Tâm tương truyền.

Tâm ta gồm mọi nhân duyên,

Mọi đời sau trước, mọi miền gần xa.

Tâm ta là chính Phật Đà,

Phật Đà ở tại Tâm ta chẳng ngoài.

Niết Bàn, Viên Giác, Như Lai,

Ngoài Tâm tìm kiếm công toi ích gì?

Ngoài Tâm tìm kiếm được chi?

Niết Bàn đâu có lối về ngoài Tâm.

Tự Tâm chí chính, chí chân,

Tự Tâm là Phật, Tự Tâm Niết Bàn

Ngoài Tâm tìm kiếm đa đoan,

Tay không bắt gió, mơ màng hư vô.

Tâm ta tạo Phật cho ta,

Ngoài Tâm tìm Phật, hỏi là tìm đâu?

Phật Tâm, Tâm Phật trước sau,

Ngoài Tâm tìm Phật hỏi sao chẳng lầm

Cho nên phải biết hồi tâm,

Nội quan quán chiếu mà tầm siêu linh,

Bản Lai diện Mục của mình,

Muốn tìm thời phải ly hình, nhập TÂM...  [26]


CHÚ THÍCH

[1] Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, bản dịch Trúc Thiên, An Tiêm, 1971, quyển thượng tr. 9.

[2] Xem Thiền luận, quyển trung, tr. 485.

[3] Thiền luận, quyển thượng, tr. 24.

[4] Xem Thiền luận, bộ thượng, tr. 317-318.

[5] Trung Quốc Thiền Tông sử, Ấn Thuận, Đài Loan, 1978, tr. 15. Thiền Luận, bộ thượng, tr. 133 ff. Lăng Già Tâm ấn, Thích Thanh Từ, Phật Học Viện Quốc Tế,1982, Xem Lời người dịch nơi đầu sách.

[6] Tuệ Khả thuyết: Thâm tín nhất thiết hàm sinh đồng nhất Chân tính. Đãn do khách trần vọng phúc, bất năng hiện liễu. Sách trích dẫn tr. 24.

[7] Đại Niết Bàn kinh quyển thất: Ngã giả, tức thị Như Lai tạng nghĩa. Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính, tức hữu Ngã nghĩa. Như thị Ngã nghĩa, tòng bản dĩ lai, thường vi vô lượng phiền não sở phúc, thị cố chúng sinh bất năng kiến đắc. (Sách trích dẫn, tr. 24)

[8] Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, quyển Tam Ngũ, Bảo Vương Như Lai Bản tính khởi phẩm: " Như Lai trí huệ, vô tướng trí huệ, vô ngại trí huệ, cụ túc tại ư chúng sinh thân trung, đãn ngu si chúng sinh điên đảo tưởng phúc, bất tri bất kiến. Sách trích dẫn, tr. 24.

[9] Bất tăng bất giảm kinh: Tức thử Pháp thân (Như Lai Tạng biệt danh) quá ư hằng hà vô biên phiền não sở triền, tòng vô thủy thế lai, tùy thuận thế gian, ba lãng phiêu lưu, vãng lai sinh tử, danh vi chúng sinh. Sách trích dẫn, tr. 24.

[10] Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh: "Nhất thiết chúng sinh, tham dục khuể si chư phiền não trung, hữu Như Lai trí, Như Lai nhãn, Như Lai thân, kết già phu tọa, nghiễm nhiên bất động. Thiện nam tử! Nhất thiết chúng sinh tuy tại chư thú phiền não thân trung, hữu Như Lai Tạng, thường vô nhiễm ô, đức tướng bị túc, như ngã vô dị."- Sách trích dẫn, tr. 23.

[11] Dĩ Lăng Già tâm ấn, Đạt Ma sở truyền đích Thiền pháp, bản chất thị Như Lai Tạng pháp môn; Như Lai Thiền, tựu thị Như Lai Tạng Thiền. -- Ấn Thuận, Trung Quốc Thiền Tông Sử, tr. 20.

[12] Thiền luận, bộ thượng, tr. 147.

[13] Phật cáo Tu Bồ Đề: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. 佛 告 須 菩 提 凡 所 有 相 皆 是 虚 妄 (Kinh Kim Cương, chương 5).

[14] Tự tâm thị Niết Bàn. Nhược ngôn tâm ngoại hữu Phật, cầu Bồ đề khả đắc, vô hữu thị xứ. (Đạt Ma Huyết Mạch Luận).

[15] Minh tâm kiến tánh. Nhược bất kiến tánh, đắc thành Phật đạo, vô hữu thị xứ (Đạt Ma Huyết Mạch Luận).

[16] Ly nhất thiết chư tướng, tắc danh chư Phật. 離 一 切 諸 相 則 名 諸 佛 (Kim Cương, 5).

[17] Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應 無 所 住 而 生 其 心 (Kim Cương 10).

[18] Nhất thiết hiền thánh giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt 一 切 賢 聖 皆 以 無 爲 法 而 有 差 別 (Kim Cương, 7).

[19] Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến như lai. 若 以 色 見 我以 音 聲 求 我, 是 人 行 邪 道, 不 能 見 如 來 (Kim Cương, 26)

[20] Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện, ưng tác như thị quán 一 切 有 爲 法, 如 夢 幻, 泡 影, 如 露, 亦 如 電, 應 作 如 是 觀 (Kim Cương 32).

[21] Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai 如 來 者, 無 所 從 來, 亦 無 所 去, 故 名 如 來 (Kim Cương 29). Xem thêm các chú 11, 12.

[22] Forgive me, o Siva, my three great sins. I came on a pilgrimage to Kasi, forgetting that you are omnipresent; in thinking about you, I forget that you are beyond thought; in praying to you, I forget that you are beyond words. Cf. Troy Wilson Organ, The Hindu Quest for the Perfection of Man, Ohio University, Athens, Ohio, 1970, p. 191.

[23] Xem Thiền Luận, quyển Trung, tr. 152.

[24] Xem Minh tâm kiến tính thoại thiền tông, tr. 73.

[25] Xem Thiền luận, bộ thượng, tr. 376-377.

[26] Tâm đây là Chân Tâm nên viết hoa.


» Mục lục | Tựa | Chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20