TRUNG DUNG TÂN KHẢO

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

TRUNG DUNG YẾU CHỈ

» Mục Lục » Trung Dung Yếu Chỉ » Phụ lục: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10


 

TRUNG DUNG YẾU CHỈ

 

«Luân lạc mãi tới bến bờ xa lắc»

Trong đêm tăm tối biết dạt về đâu!

Lênh đênh sống trên trùng dương thời khắc,

Chẳng buông neo dừng lại được ngày sao.[1]

Biên khu luân lạc từ bao,

Tìm sao cho thấy đường vào Trung dung! [2]

Đường Trung dung lung linh ẩn khuất.[3]

Nẻo Bồng lai gai dấp lau che.[4]

Bao giờ mới tỉnh giấc mê,[5]

Bao giờ tâm mới hướng về tinh vi.

Bao giờ cái thế nguy mới hết.[6]

Biết bao giờ ‘Nhân hiệp với thiên’,[7]

Bao giờ thiên mệnh sáng lên,[8]

Trời mây khắp chốn âm êm hiệp hòa.[9]

Ngẫm cho kỹ: Tính là thiên mệnh,[10]

Là tinh hoa[11] là chính đạo trời.[12]

Vầng trăng ‘minh đức sáng ngời’,[13]

Mà mây ‘nhân dục’ lấp vùi mất trăng.[14]

Nhưng trăng sáng muôn năm vẫn sáng

Mây dù che chẳng phạm đến trăng.

Chỉn e trần thế tối tăm,

Con đường phiêu lãng muôn phần gian lao.[15]

Trời cao cả lẽ nào không sợ?

Trời chẳng xa, trời ở đáy lòng.[16]

Cho nên nội kính ngoại cung,[17]

Mắt nhìn chẳng thấy, tưởng chừng kề bên.[18]

Trời tuy nhị vô biên vô tận,

Nhưng mà Trời vẫn lẩn trong tâm.[19]

Thật là kỳ ảo khôn cùng,[20]

Không hơi không tiếng vẫn lừng uy danh.[21]

Khuôn phép Trời ‘chí thành, chí thiện’.[22]

Tiếng của Trời là tiếng lương tâm.[23]

Mới hay trong chốn cát lầm,

Muôn ngàn đã sẵn, vô ngần ngọc châu.[24]

Mới hay giữa sông sâu núi thẳm,

Vẫn có đường bằng phẳng thênh thênh.

«Đường trời rong ruổi mặc tình,

Không xiên, không vẹo, không vênh không tà.

Đường trời nọ bao la thảng đãng,

Không quanh co, không vặn, không xiên;

Đường trời phẳng lặng êm đềm.

Không hề tráo trở, đảo điên, vậy vò.

Đường trời nọ thẳng vo, thẳng tắp,

Vút một lèo tới cực cao minh.» [25]

Đó là duy nhất duy tinh,[26]

Đó là thái cực tinh, thành xưa nay.[27]

Cuộc phù thế chớ say danh lợi,[28]

Bả lợi danh phất phới hão huyền,

Chớ mê những cái đảo điên,

Mà quên mất cái vững bền ngàn thu.

Sông thế sự hãy ưa chèo ngược,

Chèo ngược dòng lên tuốt căn nguyên.[29]

Căn nguyên là chính thanh thiên,

Vô biên, vô tận, triền miên không cùng.[30]

Bỏ phù phiếm tìm tông tìm tích,[31]

Dương cung thần ngắm đích thâm tâm.[32]

Bắn vào trung điểm tâm thần,

Ấy là thoát cõi hồng trần lầm than.[33]

Như trăng sáng băng ngàn trần thế,

Rẽ Đẩu, Ngưu, đượm vẻ thần tiên.[34]

Ấy là tâm pháp Thánh, Hiền,

Ấy là Trung đạo tương truyền xưa nay.[35]

Máy tạo hóa phơi bày trước mắt,

Lẽ huyền vi đâu bặt tăm hơi.[36]

Mới hay muôn sự tại người,

Một lòng vàng đá, thì trời cũng thua.[37]

Hãy học hỏi cho ra gốc ngọn,[38]

Hãy cố công làm trọn mệnh Trời.[39]

Tâm kia lạc lõng tả tơi,

Thu về chớ để vãi rơi ngoài đàng.[40]

Tính trời ấy khuôn vàng, thước ngọc,[41]

Phải chắt chiu bao bọc ngày đêm.[42]

Tồn tâm dưỡng tính cho nguyên,

Tơ hào nhân dục chớ hoen gương Trời.[43]

Lòng băng tuyết thảnh thơi thảng đãng,[44]

Sống đơn sơ kết bạn vô biên.

Rộng dày cùng đất sánh duyên,

Cao minh kết ngãi thanh thiên muôn nghìn.[45]

Mỗi động tác phải nêu gương mẫu,

Mỗi hành vi nêu dấu nên khuôn,

Lời lời ngọc nhả châu phun,

Lưu cho hậu thế muôn ngàn dài lâu.[46]

Gẫm đạo lý có sau có trước,

Lẽ âm dương có ngược có xuôi.

Xuôi là gió cuốn bụi đời,

Đẩy đưa vào chốn trần ai cát lầm.

Có thử thách mới phân vàng đá,

Có lầm than mới rõ chuyện đời.

Ngược là sấm chớp tơi bời,

Tầng sâu bày giãi căn trời nội tâm.[47]

Trông tỏ đích chí nhân chí chính

Biết mục phiêu sẽ định sẽ an.[48]

Rồi ra suy xét nguồn cơn,

Con đường «phối mệnh» chu toàn tóc tơ.[49]

Vốn hoàn thiện quang hoa mọi lẽ,

Ấy tính Trời muôn vẻ tinh anh.

Quang minh rồi mới tinh thành,

Ay nhờ giáo hóa tập tành mà nên.

Đã hoàn thiện tất nhiên thông tuệ,

Thông tuệ rồi ắt sẽ tinh thành.[50]

Việc gì tính trước cũng linh,

Không toan tính trước âu đành dở dang.

Lời xếp trước hoang mang khôn lẽ,

Việc tính rồi hồ dễ rối ren.

Hành vi đã sẵn chốt then,

Sẽ không vấp vướng, sẽ nên tinh thành.

Đạo làm người có rành duyên cớ,

Sẽ mênh mang muôn thuở muôn đời.[51]

Hoàn toàn là đạo của Trời,

Trở nên hoàn thiện, đạo người xưa nay.

Người hoàn thiện cất tay là trúng,

Chẳng cần suy, cũng đúng chẳng sai.

Thung dung Trung Đạo tháng ngày,

Ấy là vị thánh từ ngay lọt lòng.

Còn những kẻ cố công nên thánh,

Gặp điều lành phải mạnh tay co.

Ra công học hỏi thăm dò,

Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.

Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,

Biện minh đã thấu, quyết mang thi hành.

Đã định học, chưa thành chưa bỏ,

Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.

Đã suy, suy hết khúc nhôi,

Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.

Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,

Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.

Đã làm, làm tới tinh hoa,

Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.

Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,

Ta tốn công dở dói trăm khoanh;

Người làm mười lượt đã thành,

Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.

Đường lối ấy nếu ai theo được,

Dẫu u mê sau trước sẽ thông.

Dẫu rằng mềm yếu như không,

Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.

Đạo quân tử như in lữ thứ,

Muốn đi xa phải tự chỗ gần.

Đạo người như cuộc đăng san,

Muốn lên tới đỉnh, đầu đàng là chân.[52]

Việc Trời thực muôn phần huyền ảo,

Thực sâu xa ẩn áo khôn cùng.[53]

Cho hay đức nhẹ như lông,

Như lông chưa thoát được vòng trọng khinh.[54]

Đức Trời thực uy linh siêu việt,

Không tiếng tăm, trác tuyệt vô cùng.[55]

Cho người cái đạo Trung Dung,[56]

«Thiên nhân nhất quán» thần thông điệu huyền

Khủng cụ[57] rồi phối Thiên,[58] phối mệnh,[59]

Ấy đầu đuôi động tĩnh phù trầm.

Nguyên lai, bản mạt,[60] thiển thâm,

Hiển vi,[61] tụ tán , xa gần,[62] ngược xuôi.

Cái tạm bợ bao ngoài vĩnh cửu,

Áo thô sơ che dịu gấm hoa,[63]

Rồi ra vàng ngọc sáng lòa,

Trời người định vị «Trung, Hòa» [64] vô biên.


[1] Ainsi toujours poussés vers de nouveaux rivades,

Dans la nuit éternelle emportés sans retour,

Ne pourrions-nous jamais sur l’océan des âges,

Jeter l’ancre d’un seul jour. (Lamartine, La lac)

[2] Thi vân: bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ. 詩 云: 邦 畿 千 里 惟 民 所 止. (Đại học)

[3] Tử viết: Trung Dung kỳ chí hĩ hồ. Dân tiển năng cửu hĩ. 子 曰: 中 庸 其 至 矣 乎. 民 鮮 能 久 矣. (Trung Dung, ch.2)

[4] Mạnh Tử vị Cáo tử viết: Sơn kính chi khê gian, giới nhiên dung chi, nhi thành lộ. Vi gián bất dụng, tắc mao tắc chi hĩ. Kim mao tắc tử chi tâm hĩ! : , . . . (Mạnh Tử, Tận tâm [ha-21])

- Tâm tức thị đạo, đạo tức thị tâm. Tâm dữ đạo li, tắc nhập lục đạo tam đồ. Tâm dữ đạo hợp, tắc tạo Bồng lai, Tam đảo. 心 即 是 道. 道 即 是 心. 心 與 道 離, 則 入 六 道 三 途. 心 與 道 合. 則 造 蓬 萊 三 島 (Thái Thượng bảo phiệt đồ thuyết, q.I, tr.16)

[5] Chuyển mê khải ngộ. 轉 迷 啟 悟.

[6] Nhân tâm duy nguy. 人 心 惟 危 (Kinh Thư, Đại Vũ mô)

[7] Thiên nhân tương dữ. 天 人 相 與.

[8] Minh minh tại hạ. Hách hách tại thượng. 明 明 在 下 赫 赫 在 上. (Kinh Thi, q.6, Đại minh bát chương)

[9] Trí trung hòa, Thiên địa vị yên. Vạn vật dục yên. 致 中 和 天 地 位 焉. 萬 物 欲 焉. (Trung Dung)

[10] Thiên mệnh chi vị tính. 天 命 之 謂 性 (Trung Dung)

[11] Tự thành minh vị chi tính. 自 誠 明 謂 之 性 (Trung Dung, ch.21)

[12] Thiên tính, Thiên mệnh dữ thiên đạo bản thị nhất quán đích. 天 性 天 命 與 天 道 本 是 一 貫 的 (Trung Dung kim thích, tr.5)

[13] Minh đức. 明 德.

[14] Tính vi dục luy tắc hôn. 性 為 欲 累 則 昏. (Thái Thượng bảo phiệt đồ thuyết, q.I, tr.3)

[15] Tử viết: Nhân giai viết dư trí. Khu nhi nạp chư cổ, hoạch hãm tỉnh chi trung nhi mạc tri tỵ dã. 子 曰 人 皆 曰 予 知. 驅 而 納 諸 罟 獲 陷 阱 之 中 而 莫 知 辟 也. (Trung Dung, ch.7)

[16] (1) Thi viết: Thần chi cách tư, bất khả đạc tư; Thẩn khả địch tư. : , . .

Thần giáng lâm lúc nào ta đâu biết,

Cớ sao ta dám bơ thờ khinh miệt.

(2) Nhân gian tư ngữ thiên văn nhược lôi, ám thất ô tâm, thần mục như điện. , . (Thuận Trị quá giang, hồi 1)

(3) Giới thận hồ kỳ sở bất đổ. 戒 慎 乎 其 所 不 睹 (Trung Dung, ch.1)

[17] Khâm minh văn tư an an, doãn cung khắc nhượng quang bị tứ biểu. , (Kinh Thư, Nghiêu điển)

- Khâm tồn ư trung, cung hiện ư ngoại. 欽 存 於 中 恭 見 於 外.

[18] Thị chi nhi phất kiến, thính chi nhi phất văn, thể vật nhi bất khả di. 視 之 而 弗 見 聽 之 而 弗 聞 體 物 而 不 可 遺 (Trung Dung, ch.16)

[19] Phóng chi tắc di lục hạp, Quyện chi tắc thoái tàng ư mật. 放 之 則 彌 六 合, 卷 之 則 退 藏 於 密 (Trung Dung, Chu Hi chương cú)

[20] Kỳ vị vô cùng. 其 味 無 窮 (Trung Dung, Chu Hi chương cú)

[21] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú chí hĩ. 上 天 之 載 無 聲 無 臭 至 矣 (Trung Dung, ch.33)

[22] Thiên sinh chưng dân hữu vật hữu tắc. Dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức. . .

Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy định phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵng căn lành,

Nên ưa những cái tinh lành tốt tươi. (Thi Kinh, Chưng dân)

- Duy hoàng Thượng đế giáng trung vu hạ dân. Nhược hữu hằng tính, khắc tuy quyết du duy hậu. . , . (Thi Kinh, Thang cáo)

- L’Auguste roi du Ciel imprime la loi morale dans le coeur de tous les hommes. Ceux qui la suivent conservent leur bon naturel. Leur constante persévérance dans l’observation de ses préceptes dépend du souverain.

- Chú: Thiên chi giáng mệnh, nhi cụ nhân nghĩa lễ chí tín chi lý, vô sở thiên ỷ, sở vị trung dã. 天 之 降 命 而 具 仁 義 禮 智 信 之 理 無 所 偏 倚 所 謂 中 也. «Le ciel en donnant l’existence à l’homme met dans son coeur des principes d’humanité, de justice, d’urbanité, de prudence et de bonne foi. Ces principes ne dévient ni dans un sens ni dans l’autre c’est pour cela qu’on les appelle le juste milieu. (Thi Kinh, Thang cáo; Couvreur dịch)

[23] Tứ di tiểu tử, tương thiên mệnh minh uy. 肆 台 小 子 將 天 命 明 威. (Vua Thang: Tôi thơ dại, xin thi hành mệnh Trời.) (Kinh Thư, Thang cáo)

[24] Đạo gia phù lê chi châu, Phật gia tu di chi giới, Tiên gia thử mễ chi túc, diệc như Nho gia thước thủy chi giao long, quyển thạch chi bảo tàng, liễm chi tắc vi vô ngoại, sung chi tắc đại nhi vô gián, giai ngô tâm chi toàn thể diệu dụng dã. 道 家 浮 梨 之 珠, 佛 家 須 彌 之 芥, 仙 家 黍 米 之 粟, 亦 如 儒 家 勺 水 之 蛟 龍, 拳 石 之 寶 藏, 斂 之 則 微 無 外, 充 之 則 大 而 無 間 皆 吾 心 之 全 體 妙 用 也. (Hàm phân Lâu bí cấp. Kỷ thượng ngữ, tr.3)

[25] - La route Royale des mystiques: «Seigneur, Celui qui vous aime vraiment est en sureté sur une route large et royale.» (Ste Thérèse d’Avila Vie, chap.27; Marcelle Auclair, La vie de Ste Thérèse d’Avila, p.91)

- Tuân vương chi lộ, vô thiên vô đảng, Vương đạo đãng đãng, vô đảng vô thiên, Vương đạo biền biền, vô phản, vô trắc. Vương đạo chính trực, hội kỳ hữu cực, qui kỳ hữu cực. 遵 王 之 路, 無 偏 無 黨, 王 道 蕩 蕩 無 黨 無 偏. 王 道平 平 無 反 無 側 王 道 正 直 會 其 有 極, 歸 其 有 極 (Kinh thư, Hồng phạm)

- Dĩ thượng tá dịch lý: hoặc ngôn thiên đạo, hoặc ngôn vương đạo, hoặc ngôn thánh đạo. 以 上 借 易 理: 或 言 天 道, 或 言 王 道, 或 言 聖 道 (Tham đồng trực chỉ, tr.24)

Xem thế thì: Thiên đạo = Vương đạo = Thánh đạo.

[26] Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, Duy tinh duy nhất, Doãn chấp quyết trung. . . . . (Kinh thư, Đại vũ mô)

Lòng của trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng.

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên lòng trời.

[27] - Chu Tử viết: Thái cực chi nghĩa chính vị lý chi cực trí nhĩ. : .

- Đạo tức Thái cực, Thái cực tức đạo, dĩ kỳ thông hành nhi ngôn chi viết đạo; dĩ kỳ cực trí nhi ngôn chi viết Cực. 道 即 太 極, 太 極 即 道, 以 其 通 行 而 言 之 曰 道, 以 其 極 致 而 言 之 曰 極 (Dịch kinh đại toàn, Chu Hi đồ thuyết, tr.14)

[28] Quân tử dĩ đạo sung vi quí, an thân vi phú, nhi thù thị hiên miện, trần thị kim ngọc. 君 子 以 道 充 為 貴, 安 身 為 富, 而 殘 視 軒 冕 塵 視 金 玉 (Chu Liêm Khê, Tống Nho, tr.52)

[29] Diên lưu tố nguyên, do uẩn thám vi. 沿 流 溯 源, 由 蘊 探 微. (Dịch kinh đại toàn, Cương lĩnh, tr.13)

[30] Phù thiên giả nhân chi thủy dã. Phụ mẫu giả nhân chi bản dã. Nhân cùng tắc phản bản; Cố lao khổ quyện cực, vị thường bất hô Thiên dã. Tật thống thảm đát, vị thường bất hô phụ mẫu dã. 夫 天 者 人 之 始 也. 父 母 者 人 之 本 也. 人 窮 則 反 本, 故 勞 苦 倦 極, 未 嘗 不 呼 天 也. 疾 痛 慘 怛 未 嘗 不 呼 父 母 也 (Sử ký Tư Mã Thiên, Khuất Nguyên Truyện; và Chou-King Couvreur dịch, tr.110)

[31] – Dục cùng tượng chi ẩn vi, tận số chi hào hốt. , . (Muốn hay bí ẩn muôn hình ảnh, muốn rõ tăm hơi mọi số phận) (Dịch kinh đại toàn, Cương lĩnh, tr.1)

– Thái cực giả, tượng số vị hình toàn thể. . (Thái cực là toàn thể nguyên phân, chưa hiện nên hình, chưa chia ra số) (Dịch kinh đại toàn, Chu Hi đồ thuyết, tr.20)

– Thiên địa chi gian mạc phi Thái cực âm dương chi diệu. Thánh nhân ngưỡng quan phủ sát, viễn cầu cận thủ, cố hữu siêu nhiên nhi mặc khế ư tâm hĩ. . , , .

Trong trời đất, chi thoát Thái cực, âm dương,

Hiền thánh xem xét trên dưới tận tường,

Tìm xa xôi, mà lượm thu gần gũi,

Bao siêu nhiên cố hữu, ghi tâm trường.

(Dịch kinh đại toàn, Chu Hi đồ thuyết, tr.220)

– Trình Tử viết: Thượng thiên chi tải vô thanh vô xú, kỳ thể tắc vị chi Dịch, kỳ lý tắc vị chi đạo, kỳ dụng tắc vị chi thần.

: , , , (Dịch kinh đại toàn, Cương lĩnh, tr.1)

– Nghiêu phù viết: Tri dịch số vi tri thiên, tri dịch lý vi tri thiên. 堯 夫 曰 知 易 數 為 知 天. 知 易 理 為 知 天. (Dịch kinh đại toàn, Cương lĩnh, tr.2)

[32] Trung theo từ nguyên là một tên bắn vào hồng tâm của cái đích (Tchoung = le centre; Tchoung = toucher le centre, atteindre; image d’une cible carrée percée au centre par une flèche (Wieger, Leçons étymologiques, tr.260). Và đây là hồng tâm theo kinh Upanishad: O bel adolescent, prends cet arc, l’arme puissante de la sagesse sacrée, fixe la flèche (du moi) aiguisée par une adoration dévouée, tire-la avec le mental absorbé dans sa pensée et frappe le but, cet être impérissable: (Mundaka 2,2.3,4) (Enseignement de Ramakrishna, tr.132) = Hỡi thiếu niên ưu tú, hãy dương cung thần khôn ngoan, lắp tên bản ngã đã được mài nhọn bằng lòng sốt mến kính thờ, hãy bắn đi, bắn đi với tất cả một tâm trí miệt mài chăm ngắm vào ngài, hãy bắn trúng đích, bắn trúng vào đấng vô cùng!

- Tử viết: xạ hữu tự hồ quân tử, thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân. 子 曰: 射 有 似 乎 君 子, 失 諸 正 鵠, 反 求 諸 其 身 (Trung Dung, ch.14)

[33] So sánh: «Thi tịch» của Ngô Án thiền sư:

Diệu tính hư vô bất khả phan,                                   

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.                                       

Ngọc phần sơn thượng quang thường nhuận,      

Liên phát lô trung thấp vị can.                                  

«Hư vô tính ấy khó vin noi,

Riêng bụng hư vô hiểu được thôi

Trên núi ngọc thiêu màu vẫn nhuận

Trong lò sen nở, sắc thường tươi.»

(Ngô Tất Tố, Văn học đời Lý, tr.54)

[34] Phỏng câu: Thiểu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian. , , . (Tô Đông Pha, Xích Bích phú)

Chẳng mấy chốc đông ngàn trăng ló,

Rẽ Đẩu Ngưu, bỡ ngỡ đường mây.

- Mạnh Tử viết: «Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên.» 孟 子 曰: 萬 物 皆 備 於 我, 反 身 而 成 樂 莫 大 焉 (Mạnh Tử, Tận tâm [thượng-4])

Mạnh Tử nói:

Cả vạn vật ở trong ta đó,

Quay về ta, ta cố tinh thành.

Kiện toàn hoàn thiện tinh anh,

Vui nào hơn được vui mình đang vui.

[35] Tâm pháp chi nguyên ư tính mệnh giả, tiên hậu đồng quỹ, bách thế chi thánh quân hiền phụ vị năng dịch dã. , , . (Xưa nay ‘tâm pháp’ đều bắt nguồn ở hai chữ ‘tính mệnh’. Thánh hiền muôn đời chưa thay đổi được.) (Kinh thư đại toàn, q.1, Tựa)

- Tinh nhất chấp trung Nghiêu, Thuấn tương thụ chi tâm pháp dã. ‘Kiến trung’ (Thang) ‘Kiến Cực’ (Vũ) Thương, Thang, Chu, Vũ tương tuyền chi tâm pháp dã. Viết Đức, viết Nhân, viết Kính, viết Thành. Ngôn tuy thù nhi lý tắc nhất; vô phi sở dĩ minh thử tâm chi diệu dã. Chí ư ngôn Thiên, tắc nghiêm kỳ tâm chi sở tự xuất, ngôn dân, tắc cẩn kỳ tâm chi sở tự thi. Lễ nhạc giáo hoá, tâm chi phát dã, điển chương văn vật tâm chi trứ dã. Gia tề quốc trị thiên hạ bình tâm chi suy dã, tâm chi đức kỳ thịnh hĩ hồ. ( ) ( ) . ; . , (Kinh thư đại toàn, q.1) Dịch:

«Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ra công ra sức giữ nguyên tính trời.»

Đó là tâm pháp Nghiêu truyền cho Thuấn. ‘Kiến trung’: cố đạt tới Trung Dung, tới tinh hoa nhân loại (Thang). ‘Kiến cực’: cố đạt tới tuyệt đỉnh tinh hoa toàn thiện (Vũ). Đó là tâm pháp của các đời Thương, Thang, Chu, Vũ. Sự toàn thiện đó hoặc gọi là Đức, là Nhân, là Kính, là Thành; lời tuy khác nhau nhưng ý là một; nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏ nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn. Nói đến Trời, thì nghiêm chỉnh lòng lại trời tự hiện, nói đến dân thì cố cẩn thận tâm tư, là dân sẽ được nhờ. Lễ nhạc, giáo hóa, cốt là để phát huy tâm hồn. Điển chương văn vật là sự biểu dương phát lộ của tâm hồn. Suy lòng mình ra thì có thể làm cho nhà yên, nước trị, thiên hạ bình. Sức mạnh tâm hồn thiệt là kỳ diệu vậy.

[36] Thể dụng, nhất nguyên, hiển vi vô gián. (Dịch kinh đại toàn, Truyện tự)

Thể và dụng đều chung một gốc,

Hiển cùng vi liên tục chẳng phân.

[37] Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên. 世 上 無 難 事 人 心 自 不 堅.

[38] … Quảng đại tất bị, tương dữ thuận tính mệnh chi lý; thông u minh chi cố, tận sự vật chi tình, nhi thị khai vật thành vụ chi đạo dã. , ; , , . (Đầy đủ mọi điều cao rộng; từ lẽ thuận tính mệnh, hiểu nguyên do sáng tối, và đầu đuôi công chuyện mà giảng cách hiểu sự vật để thành công trình.) (Dịch kinh đại toàn, truyện tự)

- Mạnh Tử viết: Quân tử thâm tháo chi dĩ đạo; dục kỳ tự đắc chi dã. Tự đắc chi, tắc cự chi an; Cư chi an, tắc tư chi thâm; Tư chi thâm, tắc thủ tả hữu, phùng kỳ nguyên. Cố quân tử dục kỳ tự đắc chi dã. Bác học nhi tường thuyết chi, tương dĩ phản thuyết ước dã. ; . , ; , . , , . . , (Mạnh Tử, Ly Lâu, [hạ-14])

Ngày đêm suy rộng xét sâu,

Xét suy sâu rộng ngõ hầu tìm ra.

Tìm ra rồi sống an hoà,

An hòa thanh thản, vốn nhà càng tăng.

Vốn tăng mặc sức tiêu dùng,

Vén mây tỏ nhẽ cùng thông gốc nguồn.

Nên người quân tử lo toan,

Cố sao nắm được vẹn toàn tinh hoa.

Học nhiều bàn tỏ mãi ra,

Để rồi tóm lại chẳng qua vài lời.

[39] Mạnh Tử viết: Tận kỳ tâm giả tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hĩ. Tồn kỳ tâm dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã; yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã. : . . , ; , (Mạnh Tử, Tận tâm [thượng-1])

Mạnh Tử viết:

Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,

Hay biết tính nhất định biết Trời.

Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,

Đó là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.

Yểu hay thọ không thay lòng dạ,

Cố tu thân một thuở đợi ngài.

Đó là theo đúng mệnh trời…

[40] Hữu phóng tâm nhi bất tri cầu. Học vấn chi đạo vô tha: cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ. 有 放 心 而 不 知 求. 學 問 之 道 無 他. 求 其 放 心 而 已 矣 (Mạnh Tử, Cáo Tử [thượng-2])

[41] Thiên sinh chưng dân. Hữu vật hữu tắc. Dân chi bỉnh di. Hiếu thị ý đức. . . . . (Kinh Thi, chưng dân)

«Trời sinh ra khắp muôn dân,

Vật nào phép nấy mười phân rành rành.

Lòng dân chứa sẵn căn lành,

Nên luôn yêu chuộng tinh thần đẹp tươi.»

[42] Tồn tâm dưỡng tính. 存 心 養 性 (Mạnh Tử, Tận tâm, [thượng-1])

[43] Nhân giả vô tư tâm nhi hợp thiên lý chi vị. (Người nhân đức là người dẹp hết lòng tư tà ngang trái, hoàn toàn sống đúng thiên lý.) (Trung Quốc triết học sử, q.I, tr.61)

- Nhân giả, nãi tối cao chi nhân cách dã. (Người nhân đức là người có nhân cách siêu việt.) (Ib., tr.62)

- Tận phù thiên lý chi cực nhi vô nhất hào nhân dục chi tư. 盡 夫 天 理 之 極 而 無 一 毫 人 欲 之 私 (Vương Dương Minh toàn tập, q.1, tr.1)

[44] Quân tử thản đãng đãng. 君 子 坦 蕩 蕩 (Luận Ngữ, Thuật nhi, #36)

[45] Bác hậu phối địa, cao minh phối thiên, du cửu vô cương. 博 厚 配 地 高 明 配 天 悠 久 無 疆 (Trung Dung, ch.26)

[46] Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo, hành nhi thế vi thiên hạ pháp; ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc. 是 故 君 子 動 而 世 為 天 下 道 行 而 世 為 天 下 法, 言 而 世 為 天 下 則 (Trung Dung, ch.29)

[47] Nhĩ mục thông minh nam tử thân,                  

Hồng quân phú dữ bất vi bần.a                      

Tu tham nguyệt quật phương tri vật,              

Vị nhiếp thiên căn khởi thức tâm.                    

Càn ngộ Tốn thời quan nguyệt quật,b           

Địa phùng lôi xứ kiến thiên căn.c                   

Thiên căn nguyệt quật, nhàn lai vãng,          

Tam thập lục cung, đô thị xuân.                      

(Dịch Kinh đại toàn, Chu Hi đồ thuyết, tr.36) Thiệu Khang Tiết

a/ Hồng quân=tạo hóa; b/ Thiên phong Cấu; c/ Địa lôi Phục. Dịch:

Thông tuệ nam nhi đứng cõi đời,

Lòng mang tạo hoá, phải đâu chơi?

Quyết thăm nguyệt đông cho hay vật,

Cố hiểu thiên căn để biết người.

Trời nổi gió, thông động nguyệt,

Đất vang sấm chớp, lộ căn trời.

Căn trời đông thường lai vãng,

Ba sáu cung xuân trọn vẹn đời.

[48] –Tri chỉ nhi hậu định. (Đại Học)

- Tâm dữ huyền đồng cố dâm tà bất năng hoặc. Lão tử viết: Bất kiến khả dục sử tâm bất loạn, hựu viết: thánh nhân vị phúc bất vị mục dã. 心 與 玄 同 故 淫 邪 不 能 惑. 老 子 曰: 不 見 可 欲 使 心 亂, 又 曰: 聖 人 為 腹 不 為 目也(Nếu tâm hồn hợp với đấng Huyền linh thì dâm tà không làm mê hoặc được, Lão Tử nói: không nhìn những cái kích động lòng ham muốn để lòng khỏi hỗn loạn. Lại nói «khinh giác quan giữ chắc lòng son.») (Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, q.1, tr.1)

- Âm Dương phối hợp ‘thủ khảm điền ly’… luyện thần hoàn hư… Phục qui vô cực. 陰 陽 配 合 取 坎 填 離... 鍊 神 還 虛... 復 歸 無 極 (Chu Liêm Khê, Thái Cực đồ thuyết; Trung Quốc triết học sử, q.5, tr.5)

[49] Vĩnh ngôn phối mệnh. Tự cầu đa phúc. 永 言 配 命 自 求 多 福. (Kinh Thi, Đại nhã tam, Văn vương chi thập tam chi nhất) Mệnh trời phối hiệp vào thân, muôn nghìn phúc lộc xa gần chiêu lai.

[50] Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ. Minh tắc thành hĩ. , . , , (Trung Dung, ch.21)

- Chu Tử viết: Nhân tâm đạo tâm chỉ thị giá nhất cá tâm. Tri giác tòng nhĩ mục chi dục thượng khứ, thị đạo tâm; tòng nghĩa lý thượng khứ, thị đạo tâm. Tự nhân tâm nhi thu chi, tắc thị đạo tâm; tự đạo tâm nhi phóng chi, tiện thị nhân tâm. Nhân tâm như tốt đồ, đạo tâm như tướng soái… Nhân tâm thắng nhi đạo tâm vong, đạo tâm vi chủ tắc nhân tâm diệc hóa vi đạo tâm. Nhân tâm như thuyền, đạo tâm như đà. Nhậm thuyền tắc sở tại vô đinh hướng, nhược chấp định đà tắc khứ trú tại ngã. 朱 子 曰: 人 心 道 心 只 是 這 命 箇 心, 知 覺 從 耳 目 之 欲 上 去 是 人 心 從 義 理 上 去 是 道 心. 自 人 心 而 收 之 則 是 道 心;自 道 心 而 放 之 便 是 人 心 人 心 如 卒 徒, 道 心 如 將 帥. 人 心 勝 而 道 心 亡. 道 心 為 主 則 人 心 亦 化 為 道 心 矣 人 心 如 船 道 心 如 柁. 任 船 則 所 在 無 定 向 若 執 定 柁 則 去 住 在 我 (Chu Tử nói: «Nhân tâm đạo tâm vẫn là 2 phương diện 1 chữ tâm. Tri giác theo đà ngũ quan ham muốn mà đi thì là nhân tâm, theo chân lý thì là đạo tâm. Nhân tâm như tôi tớ, sĩ tốt, đạo tâm như tướng soái. Nhân tâm thắng thì đạo tâm mất, đạo tâm làm chủ thì nhân tâm sẽ hóa thành đạo tâm. Nhân tâm như thuyền, đạo tâm như lái. Ngồi thuyền mà không lái thì chẳng biết đi ngả nào, nhưng cầm vững lái thì đi ở là tùy mình.)(Kinh Thư đại toàn, q.1, tr.67)

[51] Phàm sự dự, tắc lập; bất dự, tắc phế. Ngôn tiền định, tắc bất cáp. Sự tiền định, tắc bất khốn. Hạnh tiền định, tắc bất cửu. Đạo tiền định, tắc bất cùng. 凡 事 豫 則 立, 不 豫 則 廢, 言 前 定 則 不 跲, 事 前 定, 則 不 困, 行 前 定 則 不 疚, 道 前 定 則 不 窮 (Trung Dung, ch.20)

[52] Quân tử chi đạo thí như hành viễn tất tự nhĩ, thí như đăng cao, tất tự ty. 君 子 之 道 辟 如 行 遠 必 自 邇, 辟 如 登 高 必 自 卑 (Trung Dung, ch.15)

[53] Thượng thiên chi tải vô thanh vô xú chí hĩ. 上 天 之 載 無 聲 無 臭 至 矣. (Trung Dung, ch.33)

[54] Đức thù như mao, mao do hữu luân. 德 輶 如 毛 毛 猶 有 倫 (Trung Dung, ch.33)

[55] Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên, thiên hà ngôn tai. 天 何 言 哉, 四 時 行 焉, 萬 物 生 焉, 天 何 言 哉. (Luận Ngữ, Dương Hóa [ch.17] #18)

[56] Trung Dung: le mysticisme confucéen = đạo huyền đồng của Nho giáo.

- Nhân tâm nhi lập Trung đạo, vị thiên nhân cộng do chi tiêu chuẩn; viết: Thiên địa chi bản kỳ khởi do ư trung hồ. Thị dĩ càn khôn giao biến nhi bất ly hồ trung. Nhân cư thiên địa chi trung, tâm cư nhân chi trung, nhật trung tắc thịnh, nguyệt trung tắc doanh, cố quân tử quí trung dã. , ; : . . , . , (Thiệu Khang Tiết, Quang vật ngoại thiên; Tử Đồng Tạ Vô Lượng, Trung Quốc triết học sử, q5, tr.15) = Nhân tâm hồn mà lập ra Trung Đạo để làm tiêu chuẩn chung cho Trời người. Phải chăng căn bản đất Trời phát ra từ 1 trung điểm (cf. Hà đồ và Phục Hi bát quái), cho nên đất Trời tuy trao đổi sinh biến hóa mà vẫn không lìa trung điểm (cf. Phục Hi 64 quái phương vị đồ. Dịch kinh đại toàn, q.2, tr.33) Người ở giữa đất Trời, tim ở giữa người, mặt Trời mà lên chính ngọ trung thiên thì sáng quắc, mặt trăng mà tới trung nguyệt (hôm rằm) thì sẽ tròn vành vạnh, cho nên quân tử quí chữ Trung là vì vậy.

- Nhân quân cư thiên hạ chi chí trung tắc tất hữu thiên hạ chi tuyệt đức, nhi hậu khả dĩ lập chí cực chi tiêu chuẩn. 人 君 居 天 下 故 至 中 則 必 有 天 下 之 絕 德, 而 後 可 以 立 至 極 之 標 準 (Vua ở chỗ Trung ương trong thiên hạ tất cần phải có nhân đức tuyệt vời, thì mới lập ra được tiêu chuẩn tối cao cho mọi người.) (Kinh thư đại toàn, q.3, tr. 27)

[57] Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. 恐 懼 乎 其 所 不 聞 (Trung Dung, ch.1)

[58] Cố viết phối thiên. 故 曰 配 天. (Trung Dung, ch.31)

[59] Vĩnh ngôn phối mệnh. Tự cầu đa phúc. 永 言 配 命 自 求 多 福 (Kinh Thi, Đại Nhã tam Văn vương chi thập tam chi nhất.

[60] Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy. Tri sở tiên hậu, tắc cận Đạo hĩ. 物 有 本 末, 事 有 終 始. 知 所 先 後, 則 近 道 矣 (Đại Học)

[61] Thể dụng nhất nguyên, Hiển vi vô gián. 體 用 命 原 顯 微 無 間.

[62] Tri viễn tri cận. 知 遠 知 近 (Trung Dung, ch.33)

[63] Ý cẩm thượng quýnh. 衣 錦 上 絅 (Trung Dung, ch.33)

[64] Trí trung hòa thiên địa vị yên vạn vật dục yên. 致 中 和 天 地 位 焉 萬 物 育 焉(Trung Dung, ch.1)

» Mục Lục » Trung Dung Yếu Chỉ » Phụ lục: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10