DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | STK


Phần 6

LẠC THƯ

Chương 6. Lạc Thư và chính trị

 

Lạc Thư đã giúp Đại Võ và Cơ tử lập ra Hồng Phạm Cửu Trù, một hiến chương dùng để trị quốc, an bang. Từ nguyên có ghi: Hồng Phạm Cửu Trù là phương pháp đại qui mô để cai trị thiên hạ. 

Hồng Phạm Cửu Trù gồm 9 chương:

1. Ngũ Hành     4. Ngũ kỷ         7. Kê nghi

2. Ngũ sự         5. Hoàng cực   8. Thứ trưng

3. Bát chính      6. Tam đức      9. Ngũ phúc

Chín chương Hồng Phạm gồm tất cả 55 tiết, ứng với số 55 của Hà Đồ.  Hồng Phạm  Cửu  Trù  là hiến chương căn bản dạy đấng quân vương cách thay Trời trị dân.

Hình vẽ dưới đây giúp ta hiểu rõ liên lạc giữa Lạc Thư và Hồng Phạm Cửu Trù: 

Ta có thể tóm tắt Hồng Phạm bằng những ngôn ngữ thông thường ngày nay như sau:

1. Ngũ Hành

Đấng quân vương phải am tường vật lý, phải biết khai thác hết tài nguyên của đất nước để lo cho dân no ấm.

2. Ngũ Sự

Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân.

a. Giáng điệu phải nghiêm trang, kính cẩn.

b. Nói năng phải hợp lý.

c. Trông nhìn phải cho sáng suốt.

d. Nghe ngóng phải cho tinh tế.

e. Nghĩ ngợi phải cho thấu triệt.

Được như vậy, đấng quân vương sẽ trang nghiêm, oai vệ, lý sự, đàng hoàng, khôn ngoan, sáng suốt, tinh tường, mưu lược, thánh thiện, đạo đức.

3. Bát chính

Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân.  Cương lĩnh trị dân gồm 8 điểm, trị dân là lo cho dân: 

1 - No ấm

2 - Sung túc, đủ tiện nghi

3 - Có lễ nghi, tế tự

4 - Có nhà cửa, đất đai

5 - Có một nền giáo hóa hẳn hoi

6 - Khỏi bị bọn gian ác, bất lương, quấy nhiễu.

7 - Biết đường tiếp nhân, xử thế

8 - Được bảo vệ tính mạng và tài sản, thoát nạn ngoại  xâm nhờ binh hùng, tướng mạnh của nhà nước.

4. Ngũ Kỷ

Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của Năm; Tháng; Ngày; sự  vận  chuyển  của  Nhật  Nguyệt,

tinh cầu; Lịch số.  Như vậy, mới có thể dạy dân biết cách điều hòa công tác cho hợp thời, hợp tiết, để được ấm no, thịnh vượng; cho trời, đất, người cùng hòa tấu một bản nhã ca thanh bình, thái thịnh.

5. Hoàng Cực

Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực thay Trời trị dân.  Muốn được vậy, phải có đức hạnh tuyệt vời, siêu phàm, thoát tục, xứng đáng làm môi giới giữa Trời và muôn dân.

6. Tam Đức

Thuật trị dân phải dựa vào ba đức: Chính trực, Cương, và Nhu.  Nói thế, tức là muốn trị dân, chính trực chưa đủ, còn phải biết cương, nhu, quyền biến, tùy thời.

7. Kê Nghi

Đấng quân vương phải biết suy nghĩ, bàn bạc, hỏi han khi gặp trường hợp nan giải.  Đứng trước một công việc trọng đại, sẽ hội ý kiến của nhà vua, của khanh sĩ, thứ dân, của Trời (bằng cách bói thi, qui).  Phối kiểm lại, sẽ biết thế nào là tốt, thế nào là xấu, và tìm ra được đường lối đẹp đẽ nhất để xử sự. 

8. Bát Trưng

Đấng quân vương phải nhân các điềm Trời mà soát xét lại đường lối cai trị của mình; xem tuần tiết, độ lượng gió mưa, nóng lạnh của Trời mà suy ra mình đã cai trị hay, hay dở.  Lý do là vì đấng quân vương, đúng danh hiệu, sẽ cảm ứng được với Đất Trời, và hiểu được tiếng nói thầm lặng của Đất Trời, qua các biến thiên của thời tiết.

Ví dụ: Nếu thấy quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt rồi rào, thì biết cách cai trị dân nước đã khôn khéo, dân thịnh, nước yên.  Nếu quanh năm, thời tiết gàng quải, lúa má hư hao, thì chắc là việc trị dân đã tối tăm, kém cỏi, dân suy, nước khổ.

9. Ngũ Phúc, Lục Cực

Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh nhân dân để nhận định giá trị nền cai trị của mình. 

Nếu cai trị hay, dân chúng sẽ hưởng được ngũ phúc: thọ, giàu, yên vui, ham chuộng nhân đức, chết già yên ổn.

Nếu cai trị dở, dân sẽ lao lung, tật bệnh, tảo vong, yểu tử, khổ sở, bất lương.  Thế là lâm vòng lục cực: chết non, bệnh tật, lo buồn, nghèo khổ, tội ác, yếu ớt.  Kinh Thư viết:  Người xưa có lời rằng:

Con người chẳng những soi bóng nước,

Còn phải ngắm mình trước gương dân. [1]

Mục đích của nền Thiên trị theo Hồng Phạm Cửu Trù chính là để:  Tạo cho mọi người dân một đời sống vật chất, đầy, đủ, một bảo đảm an ninh tối đa, một nền học vấn khả quan, một đời sống xã hội công bình trật tự, một nền giáo hóa hẳn hoi.  Như vậy, mọi người đều có cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện để tu luyện bản thân, trở nên thánh thiện, chẳng khác gì vị Thiên tử. [2]

Tổng kết lại, Hồng Phạm Cửu Trù thực là một hiến chương, một học thuyết chính trị có đầu đuôi, mạch lạc và đã được thực thi bởi các vị Thánh Vương Trung Quốc.  Đó là Lạc Thư áp dụng vào phạm vi chính trị vậy. [3]


CHÚ THÍCH

[1] Cổ hữu ngôn viết: Nhân vô ư thủy giám Đương ư dân giám.  古 有 言 曰 人 無 於 水 監 當 於 民 監.Kinh Thư, Tiểu Cáo, tiết 12.

[2] Hội kỳ hữu cực, qui kỳ hữu cực. 會 其有 極 歸 其 有 極. Kinh Thư Hồng Phạm.

[3] Xin đọc quyển Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trong đó đã bàn giải cặn kẽ về Hồng Phạm Cửu Trù.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | STK