TÍNH MỆNH KHUÊ CHỈ TOÀN THƯ

» MỤC LỤC  |  NGUYÊN  |  HANH  |  LỢI  |  TRINH

HANH TẬP

1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16


HỔ LONG GIAO CẤU PHÁP TẮC

Con người do Khảm Ly giao mà sinh ra, Khảm Ly mà phân chia thời chết, Lý này là tất nhiên, ai cũng biết điều này.

Ly ở về hướng Nam, ngoài Dương trong Âm, nên là Chân Hống.

Khảm ở về hướng Bắc, trong Âm ngoài Dương, nên là Chân Diên. Cho nên Tử Dương Chân Nhân nói: Nhật cư Ly vị phản vi nữ, Khảm phối thiềm cung khước thị Nam 日 居 離 位 反 為 女, 坎 配 蟾 宮 卻 是 男 (Ly
cư Nhật mà lại thành Nữ, Khảm ở thiềm cung, biến thành Nam).

Nói thế nghĩa là Khảm là Nam, Ly là Nữ. Nói Khảm Ly cũng như là nói tinh cha, huyết mẹ; nói Nhật Ô, Nguyệt Thố; nói Hống, nói Diên; nói Thiên Huyền, Địa Hoàng; nói Long Hổ vậy. Tham Đỗng Khế nói: Ly Kỷ Nhật quang, Khảm Mậu Nguyệt tinh 離 己 日 光 坎 戊 月 精.

Cho nên Ly Kỷ tượng trưng cho Huyền Khí của Long, Khảm Mậu tượng trưng cho huyền khí của Hổ. Mà Mậu với Kỷ là bản thể của Huỳnh Đình Chân Thổ. Khi Thái Cực đã chia, thì ở sang hai bên Long Hổ.

Người tu học luyện Đan, nếu biết phản bản, phục sơ, biết đem Long Hổ trở về Đỉnh hợp nhất với nhau, đem Tính Tình hợp nơi Tổ Khiếu, thì phải dùng hai khẩu quyết: Long tòng Hỏa (Ly) lý xuất, Hổ hướng Thủy (Khảm) trung sinh 龍 從 火 里 出 虎 向 水 中 生 (Long từ trong Lửa ra, Hổ từ trong Nước sinh). Như vậy lửa sẽ phừng phực bốc lên, rồng sẽ bay vút lên cao; và từ đáy nước trong veo, hổ sẽ nhảy lên đăm đăm nhìn.

Long Hổ sẽ tương giao và sẽ trở về Hồng Mông, Hỗn Độn. Vợ chồng sẽ hợp thể, và sẽ nhập vào Hư Vô, sẽ cùng vào Huỳnh Phòng (Đan Điền), cùng nhau âu yếm. Nhị Khí (Âm Dương) tương giao, như Thiên Địa cấu tinh, Nhật Nguyệt giao quang, nhập vào tổ khiếu, trở lại cái Nguyên Khí chưa chia lúc ban đầu, thành ra Cái Hỗn Nguyên Chân Nhất chi tinh. Thành ra căn nguyên của Đại Dược, thành ra cơ bản của Hoàn Đơn vậy.

Vả tình tính của Long thường ở Mậu, tình tính của Hổ thường ở Kỷ. Chỉ tại hai bên đều có Thổ Khí, hai Thổ hợp lại sẽ thành Đao Khuê.

Chỉ vì Khảm Ly giao mà thành Địa Thiên Thái, Long Hổ giao mà thành Mậu Kỷ Thổ. Mậu Kỷ hợp thành nhất thể, thế là Tứ Tượng hợp hội mà thành Đại Đơn vậy. Dịch viết: Thiên Địa nhân ôn, vạn vật hóa thuần; Nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh.[1] 天 地 氤 氳, 萬 物 化 醇; 男 女 媾 精, 萬 物 化 生.

Đất Trời quấn quít hợp đôi,

Rồi ra vạn vật sinh sôi, thành hình.

Những từ trai gái cấu tinh,

Rồi ra vạn vật hoá sinh dưới trời.

Đất Trời dùng Âm Dương giao cấu mà sinh vật, Đơn gia dùng Âm Dương giao cấu mà sinh dược, vì không bao giờ không có giao cấu mà sinh ra được cái gì.

Sách Ngọc Chi viết:

Huyền hoàng nhược dã vô giao cấu,

 玄 黃 若 也 無 交 媾,

Tranh đắc Dương tòng Khảm hạ phi.

 爭 得 陽 從 坎 下 飛.

Đất Trời nếu chẳng giao nhau,

Thế thì Dương Khảm biết đâu mà về.

Đó chính là đầu mối của đơn đạo, là ý nghĩa thứ nhất của việc tu tiên. Nếu đất Trời không hoà hài, thì sương trên Trời không rơi xuống; Nếu Khảm Ly không phối hợp thì Huỳnh Nha không sinh; Long Hổ nếu không phối ngẫu thì Chân Nhất Chủng Tử không sinh. Chân Nhất Chủng Tử không sinh, thì lấy đâu ra then chốt để ngưng kết thành đại đơn ?

Nhưng cái Lý Giao Cấu có hai: Nội giao và Ngoại giao. Khảm Ly, Long Hổ là Nội Giao là Sản Dược. Kiền Khôn, Tí Ngọ là Ngoại giao, là Kết Đơn. Hai bên cách nhau trời vực, học giả nên phân biệt cho kỹ.

Trương Tử Dương nói:

Ký khu nhị vật qui Hoàng Đạo,

 既 驅 二 物 歸 黃 道,

Tranh đắc Kim Đơn bất giải sinh?

 爭 得 金 丹 不 解 生 ?

Đã đem Thần Khí về Hoàng Đạo,

Kim Đơn như vậy ắt sẽ sinh.

Lã Thuần Dương nói:

Nhị vật hội thời vi Đạo Bản,

 二 物 會 時 為 道 本,

Ngũ Hành toàn thể đắc Đơn danh.

 五 行 全 體 得 丹 名.

Thần Khí hoà hài là gốc Đạo,

Ngũ Hành toàn thể gọi là Đơn.

Ý nghĩa là như vậy. Trần Bão Nhất nói:

Mậu Kỷ sạ giao, Tình Tính hợp,

 戊 己 乍 交 情 性 合,

Khảm Ly tài cấu Hổ Long hàng.

 坎 離 才 媾 虎 龍 降.

Mậu kỷ hoà hài, Tình Tính hợp,

Khảm Ly vừa kết: Hổ Long hàng.

Ý nghĩa là như vậy. Trương Dụng Thành nói:

Hổ dược, Long đằng phong lãng thô,

 虎 躍 龍 騰 風 浪 粗,

Trung ương chính vị sản Huyền Châu.

 中 央 正 位 產 玄 珠.

Hổ nhảy, Rồng bay gây sóng gió,

Trung ương Chính Vị sản Huyền Châu.

Ý nghĩa cũng là vậy. Trương Bình Thúc (Kim Đơn tứ bách tự) nói:

Long tòng Đông Hải lai,           龍 從 東 海 來,

Hổ hướng Tây Sơn khởi.         虎 向 西 山 起.

Lưỡng thú chiến nhất tràng,    兩 獸 戰 一 場,

Hoá tác nhất hoằng thủy.       化 作 一 泓 水.

Rồng từ Đông Hải tới,

Hổ tự Tây Sơn lai.

Hai bên đánh một trận,

Biến thành dòng nước trôi.

Long Hổ giao cấu là Tam Nguyên hợp nhất, cốt là hợp Kiền Khôn, giao Khảm Ly, thốc Âm Dương, hợp Tính Mệnh, để cái gì là Hai thì hợp lại thành Một. Cả đến Cửu Cung, Bát Quái, Thất Chính,[2] Lục Vị (lục hào), ngũ hành, Tứ Tượng, Tam Tài, những cái đó đều sinh ra từ Hai, tất cả đều phải qui về Một vậy.

Nhất là: Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh.[3] 有 物 混 成 先 天 地 生.

Có một đấng an nhiên tự hữu,

Trước đất Trời vĩnh cửu tự thành.

Lớn thay là Ngôi Nhất. Khi nó lưu hành, nên gọi là Khí. Khi nó ngưng tụ, thì gọi là Tinh. Khi nó tác dụng thì gọi là Thần. Thoạt đầu là Thái Cực vừa phân, sau phân hai thành Lưỡng Nghi, rồi ngày lại một ngày càng lúc càng suy thoái. Cho nên Thánh Nhân hiểu điều cốt yếu của Trời Đất, hiểu nguồn mạch biến hóa, nên mới thu Tinh từ Thủy Phủ (Hạ Đơn Điền), chiêu Thần từ Linh Quan, đem về Khiếu Huyền Tẫn (Nê Hoàn Cung), để cùng Tổ Khí hội hợp, Tam Gia (Nguyên Thần, Nguyên Tinh, Nguyên Khí) tương kiến, hợp thành nhất thể.

Trước là ngưng thần vu hỗn Độn, sau là Tịch Chiếu hàm Hư Không, bão nhất vô ly, thế gọi là cái Diệu Đạo hoàn nguyên phản bản vậy.

Kinh Thư nói:

Nhân tâm duy nguy,          人 心 唯 危

Đạo tâm duy vi,                   道 心 唯 微

Duy Tinh Duy Nhất,            唯 精 惟 一

Doãn chấp quyết Trung.   允 執 厥 中

Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,

Lòng con người điên đảo ngả nghiêng,

Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm,

Ta công ra sức giữ nguyên lòng Trời.

Thế là nói Thần và Tinh hợp nhất lại, ở nơi Huỳnh Trung, và giữ chắc lấy nó. Cái đó chính là đạo thống chân truyền của Thuấn, Nghiêu, cái học vấn tông chỉ của vạn thánh xưa nay.

_______________________

[1] Hệ Từ Hạ, ch. V, tiết 10.

[2] Nhật, Nguyệt, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

[3] Đạo Đức Kinh, ch. 25.


1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16