THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

» Mục lục | Phi lộ | chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19


Chương 5

THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ

VỚI CÁC TRIẾT GIA TRÊN THẾ GIỚI

(CHÂN ĐẠO NỘI TÂM LÀ CON ĐƯỜNG HIỀN THÁNH MUÔN THỦA, MUÔN PHƯƠNG)

 

Các Thánh triết này từ xa xưa đã lan tràn khắp thiên hạ. Các thánh triết này sau trước đều chủ trương con người có Bản thể Trời và có thể trở về sống kết hợp nhất như với Trời (Union mystique avec Dieu; Mystical union with God; hay Atonement = At one ment).

Họ chủ trương vũ trụ này đã từ một Đại thể phóng phát, tán phân ra mà thành, (emanation theory), sẽ biến hóa đa đoan, nhưng lúc chung cuộc muôn loài lại trở về với Đại thể trên (Final Apocastatasis).

Học Thuyết này, Âu Châu gọi là the Emanation theory.

Ái châu gọi là The Monistic theory, tức là thuyết Nhất thể tán vạn thù, Vạn thù qui nhất thể.

Kinh Dịch cũng chủ trương như vậy.

Vì một kiếp người không sao đủ để trở về với Trời, nên các triết gia theo chiều hướng trên, đều chủ trương con người sẽ tái sinh.

Có điều chắc chắn là các triết gia có chủ trương trên, bất kỳ thuộc đạo giáo nào, đều là những bậc thánh hiền đạo cao, đức cả. Lời họ giảng đều giống nhau. Mạnh tử viết: «Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã.» (Mạnh tử, Ly Lâu chương cú hạ, 1)

Ramakrishna viết: «Thánh hiền sau trước đều có những lời giảng dạy như nhau.» (Tous les sages ont un enseignement unique. ‒ L'enseignement de Ramakrishna, p. 256)

Thuyết này xưa nay ở Âu Châu rất ít người bàn cãi tới và thường coi đó là tà đạo. Các Đạo giáo công truyền ở Âu Châu theo thuyết Sáng Tạo (Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo). Trái lại, các đạo giáo lớn Ái Châu như Bà La Môn, Phật, Lão, Khổng, Cao Đài đều theo thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể.

Sau đây là bản tóm lược 2 thuyết trên:

A. Thuyết Thiên địa Vạn vật nhất thể (The monistic theory)

1/ Vũ trụ hữu hình này là những phân thể của một Toàn Thể, đã được phóng phát, tán phân ra.

2/ Như vậy, vạn hữu đồng căn, dị dạng, nhất thể vạn thù.

3/ Thượng đế tiềm ẩn trong lòng quần sinh, vũ trụ.

4/ Giác ngộ là biết rằng mình có bản thể Thượng đế, có tính Trời.

5/ Tìm trời, tìm Đạo phải tìm trong lòng, phải đi vào nội tâm.

6/ Lúc chung cuộc vạn vật sẽ siêu thăng, trở về với Thượng Đế. Như vậy, chung cuộc là hòa hợp.

7/ Vũ trụ, lịch sử chuyển hóa 2 chiều, vãng lai, thuận nghịch, thành một chu kỳ. (Cyclical Conception of History) 

B. Thuyết Sáng Tạo (Creationism)

1/ Vũ Trụ hữu hình này là do quyền năng của Thượng đế sáng tạo ra từ Không.

2/ Vạn hữu dị thể, dị dạng, và hoàn toàn khác nhau từ căn cốt.

3/ Thượng đế siêu việt và tách ra khỏi vạn hữu.

4/ Mạc khải là tin theo giáo hội rằng Thượng đế là đầu và cùng sau hết mọi sự.

5/ Tìm Trời, tìm Đạo phải tìm trong nhà thờ, nhà thánh và qua các phép Bí Tích.

6/ Chung cuộc là phán xét, và tan vỡ kinh hoàng (Tận thế).

7/ Lịch sử, vũ trụ và con người biến hóa một chiều theo đường thẳng (Linear Conception of History).

Sánh 2 triết thuyết trên, tôi thấy thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể mới đích thực là thứ Triết học bất biến vĩnh cửu của nhân quần (Philosophia perennis: Perennial Philosophy). Và tôi không sao chấp nhận được thuyết Sáng Tạo, vì thấy nó chẳng ra đầu ra đuôi gì. Như vậy sao gọi là Triết Học được?

Ví dụ, thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể không chấp nhận chuyện Chúa 3 ngôi có cùng 1 bản tính, vì nó chủ trương muôn loài đều cùng một bản tính. Không chấp nhận tội tổ tông, vì không chấp nhận truyện Adong, Eva mới có từ 4004 B.C., hoặc thiên đàng, địa ngục đời đời vì cho rằng chung cuộc muôn loài đều trở về cùng Thượng đế (final Apocatastasis) v.v.

Chính vì vậy, mà Đạo Công giáo công khai chống lại và lên án Thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể.

Ví dụ Công giáo nói:

*  Kẻ nào cho rằng Thượng đế và muôn vật đều có cùng một bản tính sẽ bị vạ tuyệt thông.[1]

*  Kẻ nào nói rằng vạn vật hữu hạn, dù là vật hay là thần, đã phóng phát ra từ bản thể Trời; hay Bản Thể Trời đã hóa thành vạn vật bằng cách thể hiện hay bằng cách tiến hóa; hoặc Thượng đế vốn là phổ quát và bất định, đã hạn định mình để trở thành muôn loài, và muôn loài đã phân hóa thành dòng giống, chủng tộc và cá thể, kẻ đó bị vạ tuyệt thông.[2]

Tôi không muốn kể thêm, ai muốn tìm hiểu thêm xin xem sách trên.

Như vậy, Công Giáo, Do Thái Giáo chính thống, Hồi Giáo chính thống chỉ có thể được xếp vào loại Đạo Giáo Công Truyền, chứ không có chút gì là Mật truyền. Trái lại sách này chỉ bàn về Mật Truyền, mà ngày nay Âu Châu gọi là huyền học (Mysticism), nghĩa là chỉ dạy cách sống hợp Đạo, hợp Trời, cách sống khinh phiêu, huyền hóa với Trời Đất. Đó chính là bàn về cái đạo tự nhiên, vĩnh cửu của nhân loại.

Trước hết, ta đề cập đến các Triết gia bên phương Tây, đã theo thuyết Thiên Địa vạn vật nhất thể:

1) Người đầu tiên là Pythagoras (582-507 B.C.). Ông mở trường ở miền Nam nước Ý. Ông quảng bá thuyết Tứ Tượng mà ông gọi là Tetraktys hay Vạn hữu. Ông trường trai, và chủ trương Luân Hồi. [3]

 Ông chủ trương vạn vật đã do một căn cơ Duy Nhất sinh hóa ra.[4] Ông tin có Thượng đế nhưng lại tin rằng Thượng Đế tiềm ẩn trong lòng vạn hữu. Ông không chủ trương thờ lạy Thượng đế bằng những hình thức bên ngoài, như lễ nghi, hình thức, lễ lạt, cúng quải. [5]

Pythagore cho rằng con người có thể kết hợp với Thượng đế và trở nên bất tử, trở thành thần minh. [6]

 

Pythagoras (582-507)                                Plato (427-347)

2) Sau đó là Plato (427-347 B.C.). Plato cho rằng con người sống trong hình tướng (Phenomena), nên không biết gì về thế giới Chân thực (Noumena). Ông tin rằng con người có hồn thiêng bất tử, tin luân hồi, và con người có thể sống trong thế giới chân thực của Chân, Thiện, Mỹ.

3) Môn phái Eleatics (XenophanesParmenides sáng lập) thế kỷ 6 và 5 B.C.)

4) Plotinus (khoảng 204-270) 

  

Plotinus                     Porphyry

Plotinus là môn đệ của Ammonius Saccas (c. 160-242) và là một trong những người sáng lập ra môn phái Tân Bá Lạp Đồ (Néo-Platonism).

Đối với Plotinus và môn đệ ông là Porphyry (223-303), và Jamblicus (250-330), cũng như đối với các người theo môn phái Kabbalah, thì Thượng đế là Nguyên Nhân Nội tại, và là căn cơ sinh xuất vạn hữu. Vạn hữu đều ở trong Ngài, đều sinh xuất ra từ Ngài, và sẽ trở về với Ngài. Thượng đế là Khởi Nguyên và là chung điểm vạn hữu. Ngài ở khắp nơi, vì vạn hữu đều ở trong Ngài và do Ngài mà sinh. Ngài chẳng có ở đâu, vì Ngài chẳng bị hạn chế trong một vật nào nhất định, và vạn hữu cũng không đủ để chứa nổi Ngài. Gọi Ngài là Nhất, chỉ là gượng ép, vì không có từ ngữ nào thỏa đáng để mô tả Bản Thể Ngài. Ngài là đấng Bất khả tư nghị.[7]

Con người từ cõi thiêng liêng giáng trần, nên nhờ công phu tu luyện có thể kết hợp được với đấng Duy Nhất, Tuyệt Đối. [8]

5) Môn phái Neo-Platonism, khoảng thế kỷ 3 C.N. Người sáng lập ra môn phái là Ammonius Saccas (c.160-242), trụ sở ở Alexandria. Ammonius Saccas có những đệ tử trứ danh như Plotinus (v. 205-270 A.D.), Porphyry (223-303), Jamblicus (250-330), Giáo phụ Công giáo Origen (c. 185- c. 251) v.v...

Môn phái này ảnh hưởng sâu rộng đến các triết gia Công giáo, và Hồi giáo, và có nhiều điểm tương đồng với nhiều Mật giáo, Mật tông Âu Châu, cũng như các Đạo giáo Ái Châu.

Tự điển The American Heritage Dictionary định nghĩa «Neo-Platonism là một hệ thống triết học và đạo giáo phát xuất từ Alexandria, vào thế kỷ 3 C.N. dựa trên học thuyết Plato và các triết gia Hi lạp, mang nhiều màu sắc huyền học Ái Châu, với nhiều tư tưởng Do Thái và Công Giáo.»

Theo chủ trương của Ammonius, tín đồ Thiên Chúa Giáo, Do Thái giáo, hay người Ngoại giáo sẽ hết còn chống đối nhau, vì nhớ rằng mọi người đều có cùng một chân lý tuy hình thức bên ngoài có khác nhau.[9]

Ammonius gọi học thuyết ông là Tinh Hoa Thông Thiên học (The Eclectic Theosophical School).[10]

Bà Blavatsky cho rằng Ammonius chủ trương hòa hợp mọi Đạo giáo, mọi Giáo phái, mọi quốc gia cho họ sống bình an dưới một nền luân lý duy nhất dựa trên một chân lý vĩnh cửu. [11]

Đó thực là một nguyện vọng hết sức tốt đẹp.

Tiếc thay Thiên Chúa giáo, Do Thái Giáo v.v... không đồng ý với ông. Năm 553, Công Đồng chung thứ năm đã lên án Thuyết Tái Sinh của Origen. [12]

Năm 414, Giám mục Cyril thành phố Alexandria xui bộ hạ giết bà Hypatia tại một bàn thờ Công giáo, Sau đó, kéo xác bà qua nhiều đường phố, và sau cùng là lóc hết thịt bà ra. Bà Hypatia, lúc ấy là trưởng môn phái Neo-platonism ở Alexandria.

Sau đó, các triết gia môn phái này rút về Athens, nhưng đến năm 529, trường phái này bị vua Justinian đóng cửa, và 7 triết gia cuối cùng của môn phái trốn về miền Đông.

Sau cái chết của Hypatia, Âu Châu bước vào thời kỳ hắc ám (the dark ages). Ảnh hưởng của môn phái này truyền sang Ả rập, Ba tư và Tây ban Nha, chỗ nào thuộc quyền Hồi giáo. Nên nhớ Công giáo coi môn phái này là ngoại đạo (pagan philosophy) [13]

6) Các môn đệ xa xăm của phái Neo-platonism thời Trung Cổ. 

Saint Albertus

Trước hết là thánh Saint Albertus (1206-1280) và các đồ đệ ông như Hugh, Ulrich, DietrichMaster Eckhart.

Master Eckhart, Johannes (1260-1327) là một trong những huyền học gia nổi tiếng nhất Âu Châu từ trước đến nay. Đại khái, ông chủ trương rằng tính Trời lồng trong vạn hữu, cho nên ai cũng có một tàn lửa Trời trong mình. Nhờ sự giác ngộ, con người có thể sống kết hợp với Trời, vì Ngài là cùng đích muôn loài tiến tới. [14]

Giáo Hội La mã đã định kết án ông khi ông còn sống, nhưng sau khi ông mất 2 năm, tức là năm 1329, Giáo Hoàng John XXII, mới phi bác 28 luận điệu của ông. Ví dụ:

«Hồn ta có cái gì không đựơc tạo nên, và không thể tạo nên. Đó là lý trí.» Hoặc: «Chúng ta hoàn toàn biến thành Chúa, và trở thành Chúa y thức như trong phép Thánh Thể, bánh biến thành mình Chúa. Tôi trở thành Chúa, theo cách Ngài làm tôi nên một với Ngài -  chứ không phải nên giống Ngài. Nhân danh Chúa, thật tình không có gì là khác biệt.»

Hoặc: «Cái gì mà Thánh Kinh nói về Chúa Giê Su đều hoàn toàn đúng cho mọi người thánh thiện, cho những người Trời.» [15]

Eckhart tuy bị Giáo Hội kết án, nhưng ông có nhiều đệ tử lỗi lạc như: Tauler (1300-31), như Blessed Henry Suso (1300-1366). Đọc tư tưởng các vị trên, ta thấy hết sức siêu thoát.

Cũng vào thời ấy, ở Đức, còn có Chân Phước John Ruysbroeck  (1293-1381).

Ruysbroeck  vẫn còn phân biệt «Chúa, tôi» chứ không dám xưng mình là một với Thượng đế như Eckhart. Campbell cho rằng Eckhart thì tiến tới Vô dư Niết Bàn, còn Ruysbroeck  mới tiến tới Hữu Dư Niết Bàn. [16]

Ruysbroeck  đi theo đường của thánh Augustinus, Dionysius the Pseudo-Areopagite, và Scotus Erigena, nghĩa là cũng gần giống như của môn phái Neo-Platonism. 

7) Giordano Bruno (1548-1600) có tư tưởng giống Neo-Platonism, vì đã học các triết gia Pythagoras, Platon, Neo-platonist, Hermes. ông vào dòng Đaminh, năm 14 tuổi, thụ phong linh mục năm 1572. Vì tư tưởng ông khác với Giáo Hội Lamã, nên đã phải chu du nhiều nước như Pháp, Thụy Sĩ, Anh, và dạy triết tại Paris và Oxford. Nhưng vì ông bênh vực thuyết Copernic, và thuyết Luân Hồi, nên các Giáo sư Oxford xin ông nghỉ việc. Ông bị tòa Hình Án bắt tại Venice. Bị tù và tra tấn 7 năm tại Lamã, nhưng ông không chối bỏ những gì ông đã giảng dạy. Ông bị lên giàn hỏa ngày 17 tháng 2/1600. 

Giordano Bruno

Ông đại khái dạy rằng Trời và muôn vàn vũ trụ là một, theo lẽ Nhân Quả: Trời là Nhân, Vũ Trụ là quả. Và hồn con người vì là một phần của Thượng đế, nên bất tử. ông đã gọi Thượng đế là Natura Naturans và Vũ trụ là Natura Naturata trước Spinoza. ông cho rằng các truyện trong Thánh kinh cũng giống như truyện thần thoại Hi lạp. [17]

Bruno đã biết là máu chảy tuần hoàn trước Harvey. Ông viết: Cái gì di động để trở về điểm lúc ban đầu, đều là theo vòng tròn. Chỉ có vòng tròn là di động liên tục và nghĩa lý. Cái gì trong vạn hữu cũng là vòng tròn, sinh hoạt bằng Tâm, tức là bằng Hồn. Từ hồn đó, năng lực sẽ di động ra biên rồi lại trở về Tâm... Đó là học thuyết xưa cho rằng vũ trụ này đã được phóng phát ra, rồi lại trở về Tâm điểm. [18]

 Sau đây là một vài triết gia Đông Á

8) Shankara

Shankara sinh vào cuối thế kỷ thứ VIII ở ấn Độ. ông được coi như là hóa thân của Thần Shiva. Ông chủ trương Nhất Thể, và cho rằng chỉ có Brahman là hiện hữu, còn thế giới này là ảo ảnh. Con người chẳng qua là hiện thân của Brahman. Thần con người và Brahman là một thực thể.

Shankara có một trí nhớ phi thường, cái gì người khác học 12 năm mới biết, thì ông chỉ học 1 năm là nhớ hết.

Ông nhận Govindapada làm sư phụ. Govindapada là người đã đi sâu vào nội tâm, để thực hiện Thượng Đế.

Ông dạy Shankara 4 khẩu quyết:

+ Prajnnam Brahma: Brahma là thuần thần (Brahman is pure consciousness).

+ Ayamatma Brahma: Hồn là Brahma (Soul is Brahman).

+ Tat Tvam Asi: Anh là Thần đó (You are that consciousness)

+ Aham Brahsmami: Tôi là Brahma (I am Brahman).

Khi Shankara lên 12 tuổi thì Govindapada sai ông vào thành Benares để dạy mọi người tìm ra chân ngã của mình.

Shankara đấu lý với một học giả trứ danh bấy giờ là Mandaka Mishra. Mỗi người đeo một vòng hoa, và vòng hoa nào héo trước sẽ thua cuộc. Bà Mandaka Mishra tức là bà Bharati làm trọng tài. Ai thua sẽ nhận đối thủ làm sư phụ. Cuộc đấu lý kéo dài 18 ngày và vòng hoa của Mandaka bắt đầu héo, nhưng vòng hoa Shankara vẫn tươi nguyên. Mandaka bị tuyên bố thua cuộc.

Sau đó bà Mandaka xin đấu với Shankara về tình yêu, về các loại yêu đương, về ảnh hưởng của tuần trăng đến tình dục, v.v...

Shankara hẹn sau 40 ngày sẽ đấu lại. Shankara về, nhập vào Vua Amaruka để tìm hiểu về yêu đương. Sau 40 ngày, và sau một cuộc tranh luận vắn bà Bharati xin chịu thua.

Chủ trương của Shankara là chỉ có Brahman là chân thật. Thế giới này là hư ảo. Hồn con người với Brahman là một. Shankara cho rằng lễ nghi hình thức của Veda chỉ làm cho con người thêm nặng nghiệp mà thôi. Và mục đích của Veda là giảng về Brahman mà thôi (The only Goal of the Vedas is Brahman.) Mục đích con người là tìm kiếm Brahman (Brahman is the supreme goal).

Brahman siêu xuất vũ trụ, Brahman là thuần thần. Thế giới này là vật chất, cho nên muốn giải thoát, con người phải vươn lên trên thế giới hữu hình này, phải bỏ hết những gì là «của mình». Shankara không chủ trương công danh, lợi lộc, vợ con, v.v..

Shankara hay Shankaracharya (Shankara acharya = thày Shankarya) chỉ sống có 32 tuổi. Ông đã dùng đời mình để dạy con người trở về với Brahman duy nhất. Atman hay Hồn đối với Shankara chỉ là một phần ảo giác, một phần bị che khuất của Brahman mà thôi (Atman or soul is but a covered portion or illusioned portion of the Supreme Brahman). Chân Ngã con người đã bị che khuất bởi Vô Minh (That illusion, says Shankaracharya, is due to the veil of maya, which is created out of ignorance or forgetfulness of the true self) [19]

Như vậy Shankara cũng đi tìm Bản tính Con người. Brahman tuyệt đối của Shankara cũng chính là Bản Thể rốt ráo của con người, chính là Chân tâm, là Chân Như Môn của Phật giáo. 

9) Vivekananda (1863–1902)

Đại sư Vivekananda là đại đệ tử của Đại thánh Ramakrishna (1836-1886). Tên thật ông là Narenda Nath Datta, và là người Bengali. Ông tốt nghiệp Đại Học Calcutta, trước khi gặp Ramakhrishna.

Vivekananda

Sau khi Ramakrishna viên tịch, ông tu trì ở Hi Mã Lạp Sơn mấy năm.

Năm 1893, ông dự Đại hội Tôn Giáo Thế Giới ở Chicago, đại diện cho ấn giáo. Lời giảng dạy của ông được hội nghị hết sức tán thưởng và kính phục.

Năm 1894 ông lập tại Nữu ước hội Vedanta (Vedanta Society); năm 1897 ông lập tại Ấn Độ Mission Ramakrishna, tại Calcutta hội Belur Math, và tại Hi Mã Lạp sơn tu viện Mayavati.

Năm 1898 ông trở lại Mỹ lập thêm nhiều hiệp hội Vedanta, và dự hội nghị Tôn Giáo Thế Giới năm 1900, họp tại Paris.

Khi mới gặp Ramakrishna, có một lần Ramakrishna chạm vào ông, làm cho cảm giác của Ông về Bản Ngã biến mất, và Chân Ngã (The Real Self) hay Thiên Tính, hay Phật Tính hiện lộ ra.

Vivekananda thường rao giảng là Chúa ở ngay trong mỗi người chúng ta, và rằng mỗi người chúng ta sinh ra là khám phá cho ra cái Thiên Tính đó nơi mình. Ông thường nói: «Các bạn là những linh hồn thánh khiết, toàn thiện, và tự bản chất chính là vô sanh vô diệt... Cái Đấng mà Bạn khóc lóc, cầu khẩn trong các nhà thờ, các giáo đường, thực ra là chính Tự Tính của các bạn (Your own Self).»

Vivekananda viết rất nhiều và lời văn ông rất hào hùng. Tôi rất quí mến ông.

Vivekananda cho rằng đạo giáo cao siêu nhất là đạo giáo dạy cho con người biết tự tin mình: Có những phương thế để cải tạo đời sống vật chất, xã hội, tinh thần để nhân loại ngày nột tiến hóa hơn, trở nên cao đại, thanh quí hơn. Vivekanada viết cho người ấn Độ như sau: «Các bạn vỗ ngực cho rằng mình là những người yêu nước, thương nòi, là những nhà cách mạng, các bạn có cảm thấy lòng dạ xuyến xao vì hàng triệu người thuộc dòng dõi thần minh và thánh hiền nay đã trở nên gần ngang hàng với muông thú, vì triệu triệu người đang chết đói, vì triệu triệu người đã chết đói từ bao thế kỷ nay?

«Các bạn có thấy không sự dốt nát đang bao phủ xứ này như một đám mây mờ? Các bạn có thấy bàng hoàng vì thế chăng? Các bạn đã vì thế mà mất ăn, mất ngủ chưa? Các bạn đã vì những thảm cảnh ấy mà muốn phát điên lên chưa? Từ bao thế kỷ nay người ta đã dạy cho dân một thứ tôn giáo đớn hèn. Người ta đã dạy cho quần chúng trên khắp mặt đất này rằng họ chẳng có giá trị gì cả. Họ đã dọa dẫm đám dân đen từ nhiều thế kỷ nay và làm cho họ trở nên những bầy súc vật...

«Hãy đứng lên, hỡi các bạn. Hãy tỉnh dậy, hỡi các bạn. Các bạn đừng bao giờ dừng chân trước khi chưa tới đích. Các bạn hãy tỉnh dậy, đừng bị thôi miên, đừng bị mặc cảm rằng mình yếu hèn...

«Các bạn hãy đứng lên, chúng ta cần một thứ đạo dạy chúng ta trở nên những con người xứng đáng! Chúng ta cần có những học thuyết dạy cách cho chúng ta trở nên những con người xứng đáng. Và đây là đá thử vàng cho chúng ta biết thế nào là chân lý: Bất kỳ cái gì làm cho các bạn trở nên hèn yếu về phương diện xác chất, về phương diện tâm trí, về phương diện siêu nhiên, các bạn hãy vứt bỏ đi. Đó là liều thuốc độc. Sự sống không có ở đó. Chân lý không có ở đó. Chân lý là sức mạnh. Chân lý là tinh hoa. Chân lý là ánh sáng. Chân lý là nguồn mạch mọi năng lực. Các bạn hãy từ bỏ những lối đạo hạnh làm suy nhược con người, và hãy trở nên hùng mạnh. Tất cả những chân lý trọng đại trên đời này đều giản dị, giản dị như cuộc sống của bạn vậy...!» [20]

 10) Đại Sư Đạo Sinh

Đại Sư sinh vào thời Nam Tống, vào năm 368. Năm ngài 57 tuổi, Ngài trực giác được rằng: Dẫu người đại gian ác, cũng có Phật Tính, cũng có thế thành Phật. Ngài liền đem giảng thuyết cho Phật Tử nghe tại chùa Long Quang ở Kinh Đô. [21]

Khi ấy Kinh Niết Bàn chưa được truyền dịch sang Trung Quốc, nên chúng tăng cho rằng chủ trương của Đạo Sinh là mghịch đạo và sái quấy, và đã đuổi Đại Sư ra khỏi kinh đô.

Đại Sư đã phải chạy lên núi Hổ Khưu Sơn. ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy, không có ai là đồng đạo, đồng chí, ông phải đem điều đó giảng cho các tảng đá nghe. Mà lạ lùng thay, các tảng đá đều gật đầu tán thưởng. [22]

Bọn mọi chung quanh thấy chuyện lạ đó coi ông là thần nhân nên tìm đến cung phụng, chiêu đãi.

Khoảng 4 năm sau, kinh Niết Bàn được dịch ra tiếng Trung Hoa, và được truyền bá. Mọi người đọc thấy trong Kinh có câu: «Niết bàn (Nê Hoàn) bất diệt, Phật có chân ngã, hết mọi chúng sinh đều có Phật Tính, đều có thể học thành Phật. [23]

Bấy giờ ai ai cũng xưng tụng Đại Sư là bậc đại trí, đại giác, đã không đọc mà suy ra được một điều trùng hợp với Kinh Niết Bàn. Các chùa lớn nhỏ trong kinh thành lại đua nhau mời đại sư đến giảng thuyết, và đón tiếp Đại Sư hết sức là long trọng.

Đại Sư nói xưa kia tôi giảng cũng một điều này mà mọi người xua đuổi tôi. Nay tôi cũng chỉ nói vậy thì lại đón tiếp tôi long trọng...

Quan niệm Phật tại tâm, Phật không ớ đâu xa vời mà Phật chính ở trong lòng ta, Phật là chính ta là một quan niệm phổ biến trong văn chương Việt Nam, tiếc thay ít người biết được như vậy.

Mới hay:

«Lơ thơ chùa rách giữa đàng,

Ai hay lại có Phật vàng ở trong.»

Vua Trần Nhân Tôn viết trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo:

Bụt ở cuông (trong) nhà,

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuẩy (quên) bổn, nên ta tìm Phật.

Đến cốc (mới) hay, chỉn (chính) Bụt là ta.

Viết theo văn ngày nay là:

Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa,

Vì quên mất gốc nên ta tìm Bụt,

Đến mới hay, chính Bụt là Ta.

Hoặc:

Phật ở trong nhà,

Đi tìm Thích Ca ngoài đường.

Quốc sư Viên Chủng trái lời vua Trần Thái Tông khi Ngài lên núi Yên Tử để tìm Phật:

Sơn bổn vô Phật, duy tồn hồ tâm, tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật (Khóa Hư Lục).

Dịch:

Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong lòng. Lòng lặng mà hiểu biết, thì đó mới là ông Phật thật.

Giác ngộ được điều đó, nên Trần Nhân Tôn viết trong Khóa Hư Lục: Ngã thân tức Phật thân thị, vô hữu nhị tướng. (Thân của ta tức là thân Phật, không có hai tướng).

Ước gì mọi người nhận ra được chân lý này. 

11) Vương Dương Minh

Vương Dương Minh (1472-1528) là một vị thánh nhân của Đạo Nho. Ông sống vào thời nhà Minh, đời vua Võ Tông, đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi.

Từ bé ông đã muốn trở thành thánh hiền. ông văn võ toàn tài. Văn thì làm ũến Tổng Đốc Lưỡng Quảng. Võ thì bất kỳ cuộc phản loạn nào, hay giặc giã nào thời bấy giờ là do một tay ông bình định. Ông tài giỏi như thế, nhưng không gặp được minh quân lại còn bị nhiều người ghen tài, xui vua hại ông. Chính vì vậy mà năm ông 35 tuổi đã bị đày đi Long Trường mấy năm trời.

Nhân khi ở Long Trường, ông mới được giác ngộ, và tìm ra con đường nên thánh hiền là phải đi vào tâm mà tìm đạo, tìm Trời, và phải lấy Lương Tâm làm ngọn đuốc soi đường.

Ông cho rằng cái đạo thánh nhân đã đủ cả trong Tính con người. Ông đi tìm cái Nhất, cái Tinh trong tâm hồn. Nhất là cội gốc con người. Tinh là đạt đích con người. ông nói: Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời, biết Tâm thì biết Đạo, biết Trời. Vậy nên, cái công phu sự học, cốt là làm sáng cái tâm.

Có người hỏi Vương Dương Minh: đạo Nho với đạo Phật khác nhau thế nào? Ông đáp: không nên tìm cái đồng, cái dị của đạo Nho, đạo Phật, tìm cái Phải mà học là được vậy.

Vương Dương Minh gọi Thiên Lý là Lương Tri, và dạy người khử nhân dục, tồn thiên lý.

Lương Tri thì kẻ hiền, người ngu ai cũng có như nhau, chỉ khác là người hiền thì lương tri sáng suốt, mà kẻ ngu thì để nó mờ tối đi mà thôi.

Vương dương Minh thủy chung theo cái thuyết «Thiên địa vạn vật nhất thể», và lấy cái nghĩa «Nhất dĩ quán chi» của Khổng tử làm căn bản cho sự học của mình. Như vậy, ông cũng như Lục Tượng Sơn chủ ở cái lý nhất quán trong tâm. Cái lý nhất quán đó là Thái cực, là Bản Thể con người, là Chánh Pháp Nhãn Tàng của Phật. Nhất dĩ quán chi là lấy cái Một mà suốt hết cả, đó chính là Trí Lương Tri của Vương Dương Minh.

Vương Dương Minh có làm một số bài thơ về Lương Tâm như sau:

1. Lương tri tức thị độc tri thì,

Thử chi chi ngoại, cánh vô tri.

Thùy nhân bất hữu Lương Tri tại.

Tri đắc Lương Tri khước thị thùy.

Dịch:

Lương tri thấy được, lúc độc tri,

Ngoài biết ấy ra, há biết gì.

Ai ai cũng có Lương Tri sẵn,

Hồ dễ mấy ai biết Lương Tri.

2. Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,

Tự tương văn kiến khổ già mê.

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,

Chỉ thị Lươnng Tri, cánh mạc nghi.

Dịch:

Trong tâm ai cũng có Trọng Ni,

Kiến văn trùm lấp, mới u mê.

Nay ta đem chỉ chân đầu diện,

Chính thực Lương Tri chớ khá nghi. 

3. Vấn quân hà sự nhật đồng đồng,

Phiền não trường trung thố dụng công.

Mạc đạo thánh nhân vô khẩu quyết,

Lương tri lưỡng tự, thị Tham Đồng.  

Dịch:

Sao anh suốt buổi chạy Tây Đông?

Trong vòng phiền não, uổng dụng công.

Đừng nói Thánh Môn không khẩu quyết,

Lương tri hai chữ, ấy Tham Đồng.

(Hai chữ Lương Tri có giá trị như bộ sách Tham Đồng Khế của Đạo Lão). 

4. Nhân nhân tự hữu định bàn châm,

Vạn hóa căn nguyên bản tại tâm.

Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,

Chi chi, diệp diệp, ngoại đầu tầm. 

Dịch:

Trong ta ai cũng sẵn nam châm,

Căn nguyên vạn hóa sẵn tại tâm.

Nực cười ta trước nhìn lộn ngược,

Ngoại cảnh chi li, vất vả tầm. 

5. Vô thanh vô xứ độc tri thì,

Thử thị Kiền Khôn, vạn hóa ki,

Phao khước tự gia vô tận tạng,

Diên môn trì bát, hiệu bần nhi. 

Dịch:

Vô thanh vô xú lúc độc tri,

Ấy thực Kiền Khôn, vạn hóa ki.

Vứt bỏ của nhà kho vô tận,

Từng cửa ăn xin, thực thảm thê.[24]

Như vậy, Lương Tri là Phật tánh, là Chân Tâm. Nhân dục là Vọng tâm. Ta nói trong ta có Phật Tính, mà không biết làm cách nào, để nhìn thấy Phật tính. Vậy nếu Lương tâm ta là Phật tính, mà ta lại thấy được Phật tính, tức là Kiến Tính thành Phật. Đó cũng là cách giúp ta Kiến tính thành Phật. Lương tri cũng chính là cái gốc của vạn vật, và là Thiên Lý.

Tôi từ nhiều năm nay vẫn chủ trương Lương tri là Thái Cực, Lương tri là Phật tính, là Chân Tâm, và là quyển Thánh Kinh mà Trời đã cất giấu trong lòng con người từ muôn thủa. Cho nên nếu ta sống theo Lương Tâm, tức là sống theo Phật, theo Khổng, theo Lão, theo Bà La Môn, theo vạn giáo. Chắc chắn là như vậy.

Theo tôi, Lương tâm là Tâm Lành, thì không thể sai. Lương Tâm là Thiên Tâm, do Trời sinh, không phải là nhân tạo.

Khảo từ ngữ các nước, ta thấy nước nào cũng phân biệt Nhân Tâm với Lương tâm.

Ta có thể viết:

Thần = Lương tâm

Hồn = Nhân tâm

Như vậy, phần Thiên, phần Thần nới chúng ta là Lương tâm phổ quát, vĩnh cửu. Còn phần Nhân nơi ta là Nhân Tâm, biến thiên, hữu hạn.

Lương tâm thời phi nhân, phi ngã. Nhân tâm thời mang sắc thái riêng tư của mỗi người. Nó là những bộ mặt hóa trang mà mỗi người chúng ta đeo lên trên Lương Tâm - trên Bản Lai diện mục - của chúng ta.

Khi ta làm gì xấu, thì Lương tâm ta oán trách ta.

Còn tâm hồn ta thì xấu hổ, phàn nàn, hối hận.

Chứng tỏ, Lương tâm ta cao hơn ta. 

Lương tâm hay Chân Ngã hay Thượng đế nội tại, và Phàm tâm là tâm hồn con người, liên lạc với nhau hết sức là gắn bó, đến nỗi không thể nào gỡ ra được, rứt ra được.

Ngày nay, nhiều môn phái Tin Lành như Transcendentalists, Anabaptists, Quakers và Liberal Theology đều đồng thanh chủ trương Thượng đế ngự trong lòng chúng sinh và muôn vật. Emerson cho rằng: Mặc khải cao siêu nhất cho thấy rằng Thượng đế đã ngự sẵn trong lòng mọi người. (Emerson thought that the highest revelation was that God was in every person...)

Nếu Lương Tâm là Bất Biến nơi con người, thì Lương tâm chính là Thượng đế nơi con người, là Phật tính nơi con người.

Cho nên, trên đây tôi đã viết nghe thấy được Tiếng Lương Tâm là Thấy được Thượng Đế trong mình, thấy được Phật tính trong mình.

Trên đây, tôi đề cập đến một số cao nhân, danh sĩ trong nhiều đạo giáo khác nhau. Mục đích là cho thấy Chân đạo không phải ở đầu thời gian, ở cuối thời gian, ở giữa thời gian. Chân đạo không ở trong sách vở. Chân đạo không ở bên Đông, cũng không ở bên Tây. Chân đạo không có quốc gia, cũng như không có giang sơn bờ cõi. Chân đạo không có ở trong các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Chân đạo không ở trong đền đài, miếu mạo, hay ở trong tay nhứưng kẻ uy quyền, mà Chân đạo đã ở ngay trong tâm thần mỗi một người.

Thượng đế vì vô biên vô tận, nên chẳng những ở trên trời, mà còn ở khắp nơi trong vũ trụ bao la này, cũng như đồng thời là Bản Ngã ẩn sâu sẵn trong lòng con người.

Như vậy con đường dẫn tới Thượng đế gần nhất là con đường nội tâm. Những tâm hồn tinh khiết, thanh cao, những khối óc thông minh, sáng láng, chẳng chóng, thì chày sẽ nhận ra được chân lý tối sơ ấy.

Ram Linsson viết: «Giây liên lạc nối kết ta với Đại Thể thực đã ở ngay trong tầng sâu các cơ cấu tâm tình ta, ở bên dưới các lớp lang ý thức sâu xa và thầm kín nhất.»

Cho nên các đạo giáo xưa nay đã bày biện ra muôn vàn hình thức bên ngoài, các thánh thư từ trước tới nay đã dùng mọi phương cách, đã dài giòng dạy dỗ con người, Tất cả những cái đó cũng không ngoài mục đích giúp con người gạn đục, khơi trong tâm hồn, để có thể cảm thông với Thượng đế bằng tâm thần mình, và cuối cùng là thể nhập vào Ngài.

Chân lý, Chân đạo bao giờ cũng giản dị, cũng trong sáng, cũng vĩnh cửu và phổ quát. Chân lý, Chân đạo bao giờ cũng đem lại cho con người tự do, hạnh phúc, y thức như cơm áo bao giờ cũng đem lại no ấm cho con người. Cho nên, tất cả những gì rắc rối, tần phiền, tất cả những gì thằng thúc, trói buộc, đè nén con người, tất cả những gì làm con người trở nên ngu si, đần độn, khổ sở, khốn nạn về tinh thần cũng như về vật chất, tất cả những gì làm tiêu ma nghị lực con người, làm suy giảm nhân cách con người, tất cả những cái đó đều không phải là chân lý, chân đạo.

Trên phương diện thực hành, thái độ chân chính nhất của một người đạo hạnh chân thực là không mất thì giờ chê đạo này, đạo nọ, mà phải luôn cố gắng tiến bứớc trên đường nhân, nẻo đức, tiến tới hoàn thiện, tinh hoa; luôn cố gắng cho lòng mình rộng mở để bao dung, thông cảm với người; cho lòng mình rung cảm trước những nỗi đau thương của đồng loại và ra tay tế độ.

Bất kỳ là chúng ta theo đạo nào, và cho dù đạo ấy cao siêu mấy đi nữa, nếu mà lòng chúng ta vẫn còn thô lỗ, còn đầy oán hờn, còn đầy ghen ghét, còn đầy mưu gian, chước độc, mà tâm trí chúng ta còn hẹp hòi, còn tối tăm, rối rít, còn khổ sở, còn đớn hèn; còn bị lo âu, còn bị dày vò, còn trống rỗng và vô vị, thì thực thà mà nói, chúng ta vẫn là những con người vô đạo, hay ít là những ảnh hưởng tốt đẹp của các đạo giáo chưa có chút tác động nào trên tâm thần chúng ta. Đạo giáo mới chỉ là những thời trang phủ trên người chúng ta những lớp xa hoa, phù phiếm mà thôi.

Chúng ta hãy tỏ ra khoan dung độ lượng, thông cảm lẫn nhau và đừng đeỗ cho màu sắc tôn giáo làm phai nhạt tình huynh đệ, tình đồng bào, đồng chủng.

Cái quan hệ của chúng ta không phải là theo đạo này, đạo nọ, mà cái quan hệ chính là ở nỗ lực tìm cầu chân lý, nỗ lực sống theo lý tưởng mình tin theo.

Ramakrishna viết: «Bất kỳ bạn theo đường nào, điều quan hệ là phải thành khẩn khao khát chân lý. Thượng đế biết rõ những bí ẩn của lòng bạn, và dẫu bạn có đi lầm đường cũng không sao, miền là bạn thành khẩn, Thượng đế sẽ đưa bạn về đường ngay, nẻo chính... Mà có con đường nào thoát lầm lạc đâu? Ai cũng nghĩ rằng đồng hồ mình đúng, nhưng kỳ thực chẳng ai có giờ đúng. Cái đó cũng chẳng ngăn trở công việc.»

Vậy chúng ta hãy nên chịu khó cố gắng tìm hiểu lẫn nhau, học lấy cái hay của nhau, tránh cái dở cho nhau, bắt tay nhau cùng xây dứùng tương lai, cho trần hoàn chóng trở thành nơi lạc cảnh.

Trên đây tôi đã đề cập đến nhiều nhân vật không có liên quan gì với nhau, nhưng họ đều là những người đạo cao đức cả, và đã từng được thiên hạ tôn sùng.

Cái đạo mà họ theo chính là cái đạo nội tâm. Họ đều đi vào nội tâm mà tìm đạo, tìm trời. Họ đều tìm ra được cái Thái Cực, cái Một tiềm ẩn trong lòng con người. Lương Tâm, Lương Tri họ đều tung tỏa hào quang. Thiên lý, Chân tâm họ đều hiển lộ ra bên ngoài. Họ là những người đã đắc Đạo, chứ không phải là những con người còn trên đường cầu đạo. Đạo mà họ theo chính là Đại Ngã trong con người họ. Những gì thuộc con người phiến diện nơi họ, những gì phù du hư ảo nơi họ đã tan biến đi, và Chân Lý vĩnh cửu như vừng dương chiếu soi trong người họ. Họ đã thực hiện được Chân Ngã, hay Đại Ngã. Đó chính là cái Chân Lyữ rốt ráo mà tôi muốn đem truyền đạt cho mọi người. Tôi nhớ tới câu trong Kinh Thư:

Nhân tâm duy nguy,

Đạo tâm duy vi,

Duy tinh duy Nhất,

Doãn chấp quyết Trung.

Dịch:

Lòng của Trời siêu vi huyền ảo,

Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng.

Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,

Ra công, ra sức giữ nguyên lòng trời.

Lòng Trời đây, chính là Thiên Mệnh, Thiên Tính, Chánh Pháp Nhãn tàng hay Bản Lai diện Mục nơi con người. Lòng Trời tức là Chân Như Phật Tánh, hay Chân Tâm. Lòng con người tức là Vọng Tâm, Vọng Niệm, tư tâm, tà tâm. Chúng ta chuyển từ Đạo này sang Đạo nọ, bằng cách hoán chuyển danh từ. Mong quí vị lãnh hội được điều vi diệu đó.


CHÚ THÍCH

[1] If anyone says that God and all things possess one and the same substance and essence, let him be anathema.

Jesuit Fathers of St. Mary's College,

The Church teaches, St.Marys. Kansas, 1973, p, 153.

[2] If anyone says that finite things, both corporeal and spiritual, or at least spiritual, emanated from the divine substance; or that the divine essence becomes all things by a manifestation or evolution of itself; or finally, that God is universal or indefinite being, which by determining itself makes up the universe which is diversified into genera, species, and individuals: let him be anathema.

Jesuit Fathers of St. Mary's College,

The Church teaches, St Marys Kansas, 1973,p. 153.

[3] Il est facile, comme on le voit, d'apparenter l'enseignement pythagoricien avec la théorie bouddhique du Karma. Le devoir de l'existence présente était donc d'éliminer le mal acquis dans les vies antérieures et de se préparer aux vies futures par l'exercice de la vertu. Il était nécessaire de se soumettre à une ascèse sévère et à une forte discipline; d'élever sa pensée et d'ouvrir son coeur à des sentiments altruistes; on parvenait ainsi à ouvrir l'esprit à la voie triomphale de l'avenir. -- Henri Durville, La Science secrète, p. 261–262.

[4] Pythagore parlait à ces nouveaux élus de la Cause primordiale, de Celui qui est à la fois L'Un et le Tout, que les peuples figurent sous mille formes, mais qui n'en revêt aucune, dont tous les aspects ne sont que des symboles que l'on admet pour nous rendre plus accessible l'impénétrable connaissance du Divin. C'est à l'Un, au Tout, qu'il faut faire remonter l'origine des choses et, si elle nous parait mystérieuse, c'est à cause de l'infirmité de notre intelligence incapable de s'élever à de pareilles hauteurs... -- Hernri Durville, La Science secrète, p. 261.

[5] Pythagore connait l'existence de Dieu, mais il ne lui élève pas d'autels. Il ne donne pas de forme au culte que l'homme doit à la divinité.

Dieu est partout, en toute chose, et l'initié lui doit ses hommages et son respect, mais il les lui doit dans la Nature elle–même. Il ne lui consacre donc pas de rites, pas de fêtes solennelles, point de sacrifices. Dieu est sans cesse présent à la pensée de l'adepte, et cette préoccupation constante le force à faire hommage de toutes ses actions au Créateur qui les voit et qui les juge. -- Ib. 256.

[6] Le troisième degré de l'initiation pythagoricienne était la voie de la perfection. (1ère stade: stade de préparation.– 2ème stade: stade de purification.– 3ème stade: stade de réalisation). Celui qui avait franchi avec succès les deux premiers stades, qui avait écouté dans le silence absolu les rythmes de la création, qui s'était identifié à la vie des êtres devait maintenant s'identifier à Dieu, pour revêtir soi–même, selon le mot de Pythagore «la forme d'un Dieu immortel.»La récompense de cet effort magnanime était la Sagesse qui est sur terre la promesse d'immortalité. -- Ib. 262.

[7] Pour Plotin et ses disciples, comme pour les adeptes de la Kaballe, Dieu est avant tout la Cause immanente et l'origine essentielle de tout ce qui constitue les êtres ou les choses. Tout est en lui, tout part de Lui, tout retourne en Lui; Il est le commencement et la fin de tout ce qui est. Il est partout et nulle part. Il est partout, puisque tous les êtres sont en Lui, et par Lui. Il est nulle part, parce qu'il n'est contenu dans aucun être en particulier, ni dans la somme des êtres. Il n'existe au fond qu'au–dessus de l'être, lequel n'implique qu'une de ses manifestations. Il est supérieur à l'intelligence, qui tout en émanant de Lui, ne saurait cependant l'atteindre. Bien qu'on l'appelle L'unité (to en) ou le Premier, il serait plus juste de ne lui donner aucun nom, parce au'il n'y en a pas un qui puisse exprimer son essence. Il est l'ineffable et l'inconnu. -- Henri Sérouya, La Kaballe, P. 59.

[8] L'Homme selon Plotin appartient à deux mondes: le monde de la pure intelligence (d'òu il a procédé) et– le monde sensible (auquel il doit son corps); par la purification, une existence vertueuse, la méditation et l’extase l'homme peut accéder au royaume spirituel. et s'unir finalement à L'Un Suprême. -- E. Royston Pike, Dictionnaire des Religions nơi chữ Plotin.

[9] Joseph Head and S. L. Cranston, Reincarnation, p. 151.

[10] Ib. p. 151.

Plotinus assumed the existence of several levels of Being, the highest being that of the One or the Good, which are identical but indescribable and indefinable in human language. The next lower level is that of the nous or pure intellect or reason; the third is that of the soul or souls. There then follows the world perceivable by the senses, and finally, at the lowest level, there is matter, which is the cause of all evil. The highest bliss for man is union with the One, or Good, attained by contemplation and purification...

Encyclopedia Britannica, 1979, No 14, p. 296.

[11] Ib. p. 151.

[12]Ib. p. 102.

[13] Ib. p. 214.

[14] L' esence divine pénètre tous les êtres; chaque âme humaine contient donc une étincelle divine; par la connaissane et l'experience mystique, elle peut s'unir à la Divinité, qui est la fin vers laquelle elle tend. 

Roston Pike, Dictionnaire des Religions, p. 114.

[15] «There is something in the soul that is uncreated and uncreatable. If the whole soul were of such a nature, it would be uncreated and uncreatable. And this is the intellect.» «We are transformed totally into God and are converted into him in a similar manner as in the Sacrament the bread is converted into the Body of Christ. I am converted into him in such a way that he makes me one being with himself – not a similar being. By the living God, it is true that here there is no distinction.»

«Whatever the Holy Scriptures say of Christ is wholly true of every good and divine man.» -- The Modern Way, Master Eckhart and Speculative Mysticism, p.302.

Eckhart depicts the ascent of the soul to God in Neo–platonic terms: By gradually purifying itself from the body, the soul trancends being and knowledge until it is absorbed in the One. The soul is then united with God at its highest point or "citadel.» God himself transcends being and knowledge. Sometimes Eckhart describes God as the being of all things. This language which was also used by Erigena and other Christian Neoplatonists, leaves him open to the charge of pantheism (the doctrine that the being of creatures is identical with that of God)... -- Encyclopedia Britannica, 1979, No 14, p. 261.

[16] Eckhart and Tauler would simply have been said to have experienced nir-vikalpa samadhi, absorption without distinction: and Ruysbroeck, sa-vikalpa samadhi, absorption with distinction: The former dissolved in nir-guna brahman, the unqualified Absolute, and the latter enjoying sa-guna brahman, the qualified. -- Joseph Campbell, Creative mythology, p. 585.

[17] Royston Pike, Dictionnaire des Religions, p. 56.

[18] Every movement that returns to its point of origin must adopt the form of a circle. Only circular movement is continuous and consistent. Every object of nature is, then, a circle, whose function and activity derive from its center point, which is the soul. From the soul the active principle tends, according to Bruno, to go to the periphery, whence it flows back to the center. Harvey's discovery, therefore, is bound to a philosophy of circles, and the circular motion of the blood is a microcosmic example of a macrocosmic pattern, it being the cycle that conducts the process of return to its point of departure. In other words, this is the ancient doctrine of the periodic emanation and return of worls, atoms, and men, applied to physiology.

Joseph Head and S. L. Cranston, Reincarnation, p. 240 và 242.

[19] Xem Shankara, the Incarnation of Shiva, đăng trong The Clarion Call, Vol 1, No 3, Summer 1988, p. 14-17 và 60-61.

[20] La vie de Vivekananda I, p. 124–125.

[21] Xiển đề chi nhân giai hữu Phật Tính, đô đắc thành Phật.

 Lịch đại cao tăng cố sự, Trung quốc Phật học hội ấn hành,

Bành Sở Hành trước tác, tập 1, sách 7, tr. 5.

[22] Sinh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu. Ib. tr. 6.

[23] Niết bàn bất diệt, Phật có Chân Ngã, Hết mọi chúng sinh đếu có Phật Tính, đều có thể học thành Phật. Ib. tr. 31.

[24] Textes Philosophiques, Léon Wieger, tr. 259-260


» Mục lục | Phi lộ | chương: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19