DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK


Phần 4

THÁI CỰC LUẬN

Chương 4. Thái Cực và các đồ bản Dịch Kinh

 

Hiểu Thái Cực là Duy nhất bất khả phân, bao quát cả Âm, lẫn Dương, cả trời lẫn đất, là tâm điểm vũ trụ vạn vật, ta mới hiểu được cách người xưa dùng tượng, số để hình dung Thái Cực.

1. Thái Cực tuy bao quát Âm Dương nhưng vẫn hồn nhiên duy nhất bất khả phân nên các ngài vẽ.

2. Thái Cực bao quát Âm Dương nên cũng còn gọi là Dịch [1] là Đơn [2]

Vì Dịch gồm Nhật, Nguyệt; vì Đơn có Nhật đầu

Nguyệt cước, cả hai chữ đều ngụ ý bao quát Âm, Dương.

3. Thái Cực là Chân Tâm vũ trụ, nên cổ nhân thường vẽ Thái Cực ở giữa Bát Quái.

4. Khảo sát Phục Hi hoạch quải thứ tự hoành đồ, ta thấy Thái Cực như là một gốc cây, Âm Dương như hai thân cây cùng một gốc, các Hào Quải như là cành lá.

5. Thái Cực bao quát Âm Dương, nên ở Lạc thư ta thấy Thái Cực ở Trung Cung được tượng trương bằng số 5:

Vì 5 = 2 (Âm) + 3 (Dương).

Vả lại số 5 còn viết được như sau:

Viết như vậy ngụ ý rằng Thái Cực Nhất Khí bao quát Tứ tượng, Ngũ hành.

6. Thái Cực bao quát cả Sinh lẫn Thành. Sinh là khởi thủy của vũ trụ, Thành là chung cuộc của Vạn Hữu, vì thế ở Hà Đồ ta thấy Thái Cực được tượng trưng bằng số

             5 = Sinh số

và         10= Thành số.

7. Thái Cực còn bao quát cả mọi biến hóa của vũ trụ nên hai số 5 và 10 (5 x 10 = 50) còn gọi được là số Đại Diễn trong đó: 1 là Thái Cực, 49 tượng trưng cho Vạn Hữu biến thiên.

8. Đặt Thái Cực vào giữa vòng Dịch ngụ ý vạn vật sinh xuất từ Thái Cực rồi lại qui hoàn về Thái Cực.

Vì thế Thiệu tử nói: Các đồ bản Dịch đều phát xuất từ Trung điểm, vạn hóa, vạn sự đều sinh xuất từ Tâm [3]

Có người hỏi ý nghĩa câu này.

Ông đáp: Ở trong hình vẻ chỗ trắng là Thái Cực; 32 quẻ Âm, 32 quẻ Dương là Lưỡng Nghi; 16 quẻ Âm 16 quẻ Dương là Tứ Tượng, 8 quẻ Âm, 8 quẻ Dương là Bát Quái. Lại nói Muôn vật, muôn hóa đều từ trong đó lưu xuất ra, vì thế nói rằng mọi sự phát lộ hiển dưong của tâm đều từ trung điểm phát xuất ra. [4]

9. Vì Thái Cực vô hình tượng, nên dần dà cổ nhân vẽ các vòng Dịch để trống giữa. Để trống giữa không phải là quên đi mất gốc gác, mất Thái Cực, mà chỉ còn lưu tâm, lưu ý đến hào quải, vạn tượng Vạn Hữu. Để trống giữa chính là một cách khéo léo để nhận chân rằng Thái Cực là Thực Thể Tuyệt Đối, không thể nào hình dung mô tả được.

Thiệu tử đã nhắc nhớ các học giả rằng khoảng trống trắng ở giữa vòng Dịch chính là Thái Cực, nguồn mạch sinh ra Vạn Hữu. [5]

10. Lưu nhất Minh chủ trương rằng ở “Phương

đồ” cũng có Thái Cực. Thái Cực chính là ở Tâm điểm nơi chỗ hai đường chéo góc của hình vuông giao thoa nhau, vì nơi ấy chính là chỗ giao thoa, giao thác của 8 quẻ

 [6]

11. Vì hiểu Thái Cực sinh xuất muôn loài, chủ chốt sinh tử, nên Đạo gia còn gọi Thái Cực trung tâm điểm là Sinh môn, Tử hộ.

Hay nhiều khi bỏ hẳn vòng biến thiên Vạn Hữu bên ngoài chỉ còn giữ trung điểm Thái Cực. Các ngài gọi đó là Kim Đơn, vì vũ trụ Vạn Hữu có thể điêu linh, tàn tạ, nhưng Thái Cực thời vĩnh viễn trường tồn [7]

12. Vì Thái Cực ở trung điểm muôn loài, nên Trung cũng là Thái Cực. Con người khi được diểm phúc sống kết hợp với Thái Cực, sẽ theo được Thiên Đạo, được Trung Đạo, sẽ trở thành Thánh Nhân. Vì thế, Đức Khổng mới nói đạo Trung Dung cao siêu, toàn mỹ, và rất ít người theo được đạo Trung Dung. [8]


CHÚ THÍCH

[1] Thái Cực tức Dịch dã 太 極 即 易 也. —  Qui Nguyên Trực Chỉ, quyển hạ - trang 601.

[2] Đơn tự Nhật đầu, Nguyệt cước, trung gian nhất hoạch hệ nhật nguyệt hợp phát chi vị dã. 丹 字 日 頭, 月 腳, 中 間 一 劃 係 日 月 合 發 之 謂 也.— Tu Chân Bất Tử Phương - trang 26.

[3] Đồ giai tòng Trung khởi, vạn hóa vạn sự giai sinh vu Tâm. 圖 皆 從 中 起, 萬 化 萬 事 生 于 心.— Chu Dịch Đại Toàn, quyển nhất - trang 41b.

[4] Viết: Kỳ trung bạch xứ tiện thị Thái Cực, tam thập nhị Âm, tam thập nhị Dương, tiện thị lưỡng nghi, thập lục âm, thập lục dương để, tiện thị tứ tượng, bát âm bát dương để, tiện thị bát quái. Hựu viết: vạn vật vạn hóa giai tòng giá lý lưu xuất, thị Tâm Pháp giai tòng Trung khởi dã. 曰 其 中 白 處 便 是 太 極, 三 十 二 陰, 三 十 二 陽, 便 是 兩 儀, 十 六 陰 十 六 陽 底, 便 是 四 象. 八 陰 八 陽 底, 便 是 八 卦. 又 曰 萬 物 萬 化 皆 從 這 理 流 出, 是 心 法 皆 從 中 起 也.—  Ib. 41b, Cf. Ngô Tất Tố, Kinh Dịch, quyển I - trang 52 - 53.

Tạ Vô Lượng giải nghĩa: Tâm là vật năng sinh; tâm pháp là vật sở sinh. (Tâm thị năng sinh. Tâm pháp thị sở sinh chi pháp). —  Tạ Vô Lượng, TQTHS, Đệ tam thiên thượng - trang 15.

[5] Viết kỳ bạch xứ, tiện thị Thái Cực 曰 其 白 處 便 是 太 極 . — Chu Dịch Đại Toàn, trang 41b.

[6]...Tại viên tắc Càn Khôn trung hư xứ thị, tại phương đồ Thập Tự trung phân xứ thị... Tại viên đồ tắc Càn Khôn giao đại xứ thị, tại phương đồ tắc thập tự giao tiếp xứ thị 在 圓 則 乾 坤 中 虛 處 是, 在 方 圖  十 字 中 分 處 是.... 在 圓 圖 則 乾 坤 交 代 處 是, 在 方 圖 則 十 字 交 接 處 是. —Chu Dịch Xiển Chân, trang 10 (Tiên Thiên Phương Viên Đồ).

[7] Vì thế ta thấy hình Lão tử chỉ cầm 1 đồ bản Thái Cực ở đầu sách Tính Mệnh Khuê Chỉ

...Đây là hình Kim Đơn đồ trong Chu Dịch Xiển Chân, trang 16

[8] Trung Dung kỳ chí hỉ hồ. Nhân tiển năng cửu hĩ. —  Trung Dung, chương III


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8 | phụ lục 1 2 | STK