HƯỚNG TINH THẦN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo

chương 1

ÍT NHIỀU TIÊU CHUẨN VÀ PHƯƠNG PHÁP
ĐỂ KHẢO SÁT VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

 

I. ĐỊNH NGHĨA

II. NHỮNG DỮ KIỆN LỊCH SỬ ĐƯA TỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

1. Sự liên lạc giữa năm châu trở nên dễ dàng

2. Những tài liệu để khảo về các đạo giáo hiện nay đầy rẫy

3. Sự chuyển hướng tâm lý trong nhân loại

III. ÍT NHIỀU TÔN CHỈ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ KHẢO VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

1. Phương pháp sử học (méthode historique)

2. Phương pháp hiện tượng học (méthode phénoménologique)

3. Phương pháp văn học và ngữ học (critique littéraire et méthode philologique)

4. Phương pháp nhân chủng học (méthode anthropologique ou ethnologique)

5. Phương pháp tâm lý học (méthode psychologique)

6. Phương pháp xã hội học (méthode sociologique)

7. Đạo giáo với cổ tích - cổ sử

8. Nghệ thuật tôn giáo và phong tục

9. Phương pháp đối chiếu đạo giáo (méthode comparative)

 

I. ĐỊNH NGHĨA

Tôn giáo đối chiếu (Religionswissenschaft; Étude comparée des Religions; Comparative Religions; The Comparison of Religions) là một khoa học có mục đích khảo cứu và so sánh các dữ kiện của nhiều đạo giáo khác nhau để tìm xem các tôn giáo giống nhau ở điểm nào, khác nhau ở điểm nào.

Nó cũng là một loại triết học vì có mục đích tìm kiếm ý nghĩa và giá trị các nền tín ngưỡng khác nhau của nhân loại.

II. NHỮNG DỮ KIỆN LỊCH SỬ ĐƯA TỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

1. Sự liên lạc giữa năm châu trở nên dễ dàng

Từ thế kỷ 15 cho đến nay, con người đã có những phương tiện tối tân để đi khắp các lục địa, và qua những trận chiến tranh, qua những sự hiểu lầm, qua những khinh thị dè bỉu lẫn nhau, qua những sự tìm hiểu lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau, con người dần dà cảm thấy mối giây liên lạc giữa con người với con người khắp năm châu rất là chặt chẽ.

Đông Tây nhờ đó mà gặp gỡ nhau. Các đạo giáo đông tây đã được phổ biến khắp các lục địa, hoặc bằng phương pháp giảng giáo, hoặc bằng cách dịch thuật, biên khảo. Nhờ có những phương pháp ấn loát tân kỳ và sự giao thông tiện lợi, nên các sách vở được phổ biến dễ dàng khắp năm châu. Do đó nhân loại dần dà cũng nhận ra được rằng không phải nguyên có tôn giáo của mình, từ ngữ của mình là hay là trọng, mà tôn giáo của người, từ ngữ của người cũng hay, cũng trọng.

2. Những tài liệu để khảo về các đạo giáo hiện nay đầy rẫy

Thế kỷ VII, Đường Tam Tạng phải mất mười sáu năm (629–645) mới sang được Ấn Độ thỉnh kinh Phật về Trung Quốc, ngày nay chúng ta có thể ngồi nhà liên lạc bằng thư tín, cũng có thể có nhiều tài liệu về đạo giáo hơn Đường Tam Tạng.

Thực vậy, các loại thánh kinh các đạo giáo đều đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 1800, Thánh kinh Thiên Chúa giáo được dịch ra 70 thứ tiếng.

Năm 1900, được dịch ra 561 thứ tiếng, năm 1950, được dịch ra 1118 thứ tiếng.[1]

Thánh thư Coran của Hồi giáo cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chúng ta có thể mua được dễ dàng những bản Coran bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Các học giả và các giáo sĩ Âu Châu cũng đã phiên dịch các thánh thư Á đông sang các từ ngữ Âu Châu.

Năm 1771, Anquetil Duperron dịch Upanishads của Ấn Độ từ tiếng Ba Tư sang tiếng Pháp và Latin.

Năm 1784, Charles Wilkins dịch Bhagavad Gita của Ấn Độ sang tiếng Anh.

Năm 1850, Horace Hayman Wilson tìm được bộ kinh Vệ đà và dịch sang Âu ngữ.

Các thánh thư Khổng, Lão cũng được người Âu châu phiên dịch từ lâu. Năm 1593, Linh mục Mateo Ricci dịch Tứ Thư sang tiếng Latin.

Năm 1626, N. Trigault dịch Ngũ kinh sang tiếng Latin.

James Legge dịch Tứ Thư Ngũ Kinh sang tiếng Anh.

Couvreur dịch Tứ Thư, Kinh Thi, Kinh Thư, Xuân Thu, Lễ Ký sang tiếng Pháp và Latin.

R. Wilhelm dịch Kinh Dịch sang tiếng Đức.

H.A. Giles phiên dịch Lão Tử, Trang Tử sang tiếng Anh.

Léon Wieger dịch Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử sang tiếng Pháp, v.v.[2]

Các kinh sách Phật giáo cũng được sưu tầm và phiên dịch rất nhiều sang các từ ngữ Âu Châu.

– Năm 1824, M. Hodgson sưu tầm được một số kinh Phật lớn ở Népal. Ông đem tặng cho:

. Á châu học hội Calcutta từ 1824 đến 1839.

. Á châu học hội Luân Đôn năm 1835.

. Á châu học hội Ba Lê năm 1837.

– Csoma, người Hung-gia-lợi đi bộ từ Hung-gia-lợi sang Tây Tạng, học tiếng Tây Tạng và đã tìm ra được hai bộ kinh lớn:

. Bộ Kanjur gồm 1083 quyển.

. Bộ Tanjur gồm 225 bộ nhỏ, mỗi bộ nặng từ 2 đến 3 kg.

– Schmidt de Saint Pétersbourg phiên dịch các kinh Phật từ tiếng Mông Cổ sang ngôn ngữ Âu châu.

– George Turnour sưu tầm và phiên dịch các sách Phật tìm thấy ở Tích Lan.

– Burnouf, năm 1837, nhờ đọc những bộ sách Phật mà Hodgson gửi tặng cho Á châu học hội Ba Lê, đã để ra 7 năm nghiên cứu để viết cuốn: Dẫn nhập vào lịch sử Phật giáo Ấn Độ (Introduction à l’histoire du Bouddhisme Indien) xuất bản năm 1844.[3]

Các kinh sách Bái hỏa giáo như Zend-Avesta[4] nhờ công trình của các học giả như Anquetil Duperron, Rask, Burnouf, Westergaard, Spiegel và Haug cũng đã được bình dịch sang các tiếng Âu châu.[5]

Từ năm 1879 đến 1910 Max Müller đã lần lượt cho xuất bản Bộ Thánh Thư Á Châu (Sacred Books of the East) gồm 50 quyển:

– Thánh Thư Hồi giáo (toàn bộ)

– Thánh Thư Lão giáo (toàn bộ)

– Thánh Thư Bái hỏa giáo (gần đủ bộ)

– Thánh Thư Khổng giáo (gần đủ bộ)

– Thánh Thư Kỳ Na giáo Ấn Độ (Jainisme) (một số)

– Thánh Thư Ấn Độ giáo (21 quyển)

– Thánh Thư Phật giáo (10 quyển)

Nhờ ở những nỗ lực phi thường của các học giả tiền bối ấy, mà ngày nay chúng ta không đến nỗi thiếu tài liệu để khảo sát các đạo giáo.

3. Sự chuyển hướng tâm lý trong nhân loại

Thế giới ngày nay đã bắt đầu tìm hiểu sâu rộng về các đạo giáo.

Từ cuối thế kỷ XIX, đã thấy có nhiều hội nghị tôn giáo quốc tế, trong đó các đại diện các tôn giáo được tự do thuyết trình về tôn giáo mình. Ví dụ Đại hội tôn giáo tại Chicago khai mạc ngày 11.9.1893, và Vivekananda đã là ngôi sao sáng trong Đại hội ấy; hoặc Đại hội các tôn giáo ở Lahore, Pakistan, tháng 12–1896.

Đại học Oxford từ năm 1939 đã thành lập khoa Tôn giáo đối chiếu. Vị giáo sư dạy về tôn giáo đối chiếu đầu tiên là Sarvapalli Radhakhrishnan, sau này làm Tổng thống Ấn Độ. Giáo sư kế tiếp thay thế Radhakhrishnan từ năm 1952 là R. C. Zaehner (công giáo).

Viện Văn hóa Pháp (Institut de France) và Đại học Paris cũng đã bắt chước mở khoa tôn giáo đối chiếu từ 1959 và linh mục Henri de Lubac dòng tên, đã được mời phụ trách. Khoảng 1963 Đại học Sorbonne cũng mời Olivier Lacombe dạy về môn triết lý đối chiếu.

Giáo hội La Mã từ sau cộng đồng Vatican II (1962– 1964) cũng đã khuyến khích giáo dân tìm hiểu và bắt tay thân thiện với các đạo giáo khác.

III. ÍT NHIỀU TÔN CHỈ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ KHẢO VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

Khảo về tôn giáo, ngày nay các học giả đã dùng nhiều phương pháp. Chúng ta sẽ bàn qua về những phương pháp ấy. Như trước hết chúng ta nên nhận định rằng muốn khảo về tôn giáo đối chiếu, điều cần nhất là phải thành tâm cầu học, thành khẩn đi tìm chân lý, lòng phải vô tư cởi mở, trí phải miệt mài suy cứu, như vậy sự học của mình mới có ích lợi, bằng không thời chỉ là chuyện mất thì giờ vô ích, đoạn tháng qua ngày.

Tôn giáo đối chiếu là một môn học hết sức khó khăn. Tài liệu thì nhiều, nhưng biết khai thác, biết sắp xếp, biết gạn lọc các tài liệu ấy mới là cái khó.

Chúng ta cần có một khối óc vô tư. Nếu chúng ta thiên kiến và cố chấp, chúng ta không thể nào thấy được những cái hay, cái đẹp của các tôn giáo bạn.

Một ví dụ:

Hồi thế kỷ XVI, có nhiều vị thừa sai công giáo đã sống rất nhiều năm ở Trung Hoa, nhưng ý kiến các vị đó về Khổng giáo lại đối nhau như mặt trời mặt trăng, khác nhau một trời một vực.

Lecomte, Fouquet, Prémare, Bouvet, Abel Rémusat thì xác nhận rằng Khổng Tử và các môn đồ ngài vốn có những ý niệm cao siêu về vũ trụ, và đã tôn thờ chân chúa trong một đền thờ cổ kính nhất hoàn võ.

Ngược lại, Maigrot, Navarette và Longebardi thì lại cho rằng người Trung Hoa chỉ biết cầu khẩn trước những bài vị vô tri, hoặc những vong linh thấp kém, những thần minh u tối.

Một bên thì cho rằng dân Trung Hoa đã biết tôn thờ Thượng đế; một bên thì cho rằng họ tin vu vơ, thờ quấy, duy vật vô thần, v.v.[6]

Tóm lại một bên vô tư nên nhìn thấy được những cái hay cái tốt của người. Một bên thời cố chấp, thiên kiến nên không chịu tìm hiểu cho sâu rộng, hẳn hoi, nói quàng nói bậy.

Cái khó hơn hết là làm sao đi sâu được vào tinh hoa các đạo giáo, tìm ra được cái vẻ mặt cao siêu, đẹp đẽ vĩnh cửu, và phổ quát của siêu nhiên, sau những lớp hóa trang của lễ nghi, từ ngữ, hình thức, ý kiến và tâm tư con người.

Mục đích tối hậu của khoa tôn giáo đối chiếu chính là tìm cho ra tinh hoa các đạo giáo, tìm cho ra chân lý, chân đạo khuất lấp, ẩn áo sau những bức màn hiện tượng dày đặc của các tôn giáo, và cũng là sống một cuộc đời đạo hạnh chân thực, hẳn hoi, khinh khoát, thanh sảng.

Sau đây là ít nhiều phương pháp đã được áp dụng để nghiên cứu về tôn giáo đối chiếu:

(1) Phương pháp sử học (méthode historique)

(2) Phương pháp hiện tượng học (méthode phénoménologique)

(3) Phương pháp văn học và ngữ học (critique littéraire et méthode philologique)

(4) Phương pháp nhân chủng học (méthode anthropologique ou ethnologique)

(5) Phương pháp tâm lý học (méthode psychologique)

(6) Phương pháp xã hội học (méthode sociologique)

Ngoài ra tôn giáo đối chiếu còn khai thác khoa khảo cổ (archéologie), lịch sử nghệ thuật tôn giáo (histoire de l’Art religieux), phong tục học (folklore) v.v…

(7) Sau khi đã khảo về từng đạo giáo mới áp dụng phương pháp đối chiếu đạo giáo (méthode comparative).

1. PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC (méthode historique)

Phương pháp sử học có mục đích khảo sát sự biến thiên của các đạo giáo qua các thời đại, và ảnh hưởng của thời cuộc đối với đạo giáo.

Muốn hiểu rõ sự biến thiên của đạo giáo chúng ta cần phải đặt nó vào những khung cảnh lịch sử tự nhiên.

Ví dụ muốn biết về sự biến thiên của đạo Do Thái, sự tiến triển của thánh kinh ta cần biết những nét chính yếu về lịch sử dân tộc Do Thái và các nước trong vùng cận đông. Đại khái:

1. Ai Cập thịnh trị: 1600–1200 tcn. Lúc ấy Do Thái bị lưu đày ở Ai Cập và dân số tăng từ 70 đến 3.000.000.

2. Do Thái xuất Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Moise khoảng 1200 tiến vào Canaan lập quốc (1250–1200).

3. Thời kỳ lập quốc nhờ công lao của các Quan xét (Juges), Saul, David, Salomon (1200–931).

4. Thời kỳ Nam Bắc triều Juda và Israel (931– 731).

Thời này là thời suy, nên thấy xuất hiện nhiều tiên tri. Nhiệm vụ các Ngài là bảo vệ kẻ hèn yếu chống với cường quyền, và hô hào công bình xã hội, như: Élie (860, Israel), Élisée (850, Israel); Amos (750, Israel), Osée (750, Israel), Isaie (740, Juda), Michée (740, Juda).

5. Thời Assyrie toàn thịnh (900–607) với các vua danh tiếng như Sargon (721–705), Sennachérib (705–681) Asarhadon (680–669). Assyrie tàn phá Israel (Bắc triều) và bắt đi đày sang Assyrie năm 712. Các tiên tri kỳ này toàn thuộc Juda (Nam triều): Sophonie (630), Jérémie (627), Nahum (612), Habacue (600), Ezéchiel (600). Các thánh thư đã được soạn thảo trong kỳ này: Deutérome (622), Josué, Các Quan xét, Sách Samuel, sách các Vua (622)…

6. Thời Babylone toàn thịnh (606–536) Judée và Jérusalem bị tàn phá, dân Judée bị đày sang Babylone năm 586. Các vua danh tiếng thời ấy là Nabopolassar (625– 602), và Nabuchodonosor (604–562). Thời này là thời hoạt động của Ezechiel cùng lưu lạc với chúng dân sang Babylone. Các sách viết thời này: Deutéro - Isaie (đoạn 40– 55) (550).

7. Thời Ba Tư toàn thịnh (606–536) với các vua danh tiếng Cyrus (555–529), Cambyse (529–522). Năm 538 Cyrus giáng chiếu cho Do Thái trở về lập quốc. Thời này có các tiên tri Aggée (520), Zacharie (520), Malachie (450). Các thánh thư viết trong thời kỳ này: Job, Châm ngôn, Tình Ca, Ruth, nhiều Thánh vịnh, Jonan, Tobie v.v… Phần thứ 3 của sách Isaie (Trito Isaie từ đoạn 55 đến 66) cũng được viết vào thời kỳ này.

8. Thời kỳ Hy Lạp toàn thịnh (330–146) với hai dòng vua: dòng họ Lagides cai trị Ai Cập, dòng họ Séleucides cai trị Syrie. Thời này Do Thái bị Hi Lạp đô hộ. Các sách viết thời này: Bản dịch kinh thánh Septante (300), Ecclésiaste, Esther, Daniel (165). Do đó người ta mới hiểu tại sao sách Esther và Daniel có những đoạn viết bằng tiếng Hi Lạp.

9. Thời kỳ La Mã toàn thịnh (146–470). Do Thái lại bị La Mã đô hộ. Các môn phái Pharisiens, Saducéens, Esséniens thành hình.

Áp dụng những chuyển biến lịch sử trên vào công cuộc khảo sát đạo Do Thái, ta nhận thấy ít nhiều điểm quan trọng như sau:

(1) Vì bị lưu đày, nên nhãn giới của người Do Thái trở nên rộng rãi hơn, và do đó quan niệm về Thượng đế cũng trở nên phổ quát, không còn tính cách địa phương như xưa.

(2) Vì không còn đền thờ để tụ tập thờ phụng, nên đạo giáo trở nên tinh túy hơn, nội tại hơn, bớt hình thức hơn.

(3) Những liên lạc ảnh hưởng mật thiết đối với các nước lân bang hùng mạnh như Assyrie, Babylone, Perse, Hi Lạp ảnh hưởng rất nhiều đến công trình sáng tác của thánh kinh. Ảnh hưởng lịch sử nói trên giúp ta hiểu những vay mượn của thánh kinh đối với các huyền sử Babylone về sự tạo thiên, lập địa, về Hồng thủy, về địa đàng, v.v. hoặc những vay mượn của thánh kinh đối với Bái hỏa giáo như tên quỉ Asmodée trong sách Tobie (Tobie 3,17), chuyện Chúa và Satan trong Job.[7]

(4) Những dữ kiện lịch sử trên cũng giúp ta hiểu sách Daniel chẳng hạn không thể nào được chép vào thời vua Nabuchodonosor (604–562) mà thực ra đã được chép vào thời Hi Lạp sau này (164), vì có đoạn viết bằng tiếng Hy Lạp. Vì viết lâu về sau, nên đã có nhiều sai lầm khi đề cập đến thời các vua Babylone thời trước. Chẳng hạn Balthazar, Daniel cho là con vua Nabuchodonosor, và là vua Babylone, nhưng thực ra ông là con vua Nabonide, và Balthazar không hề làm vua bao giờ. Daniel nói về Darius le Mède, mà khảo lịch sử không có ai tên như vậy mà được làm vua cuối đời Babylone, trước khi bị Cyrus vua Ba Tư (Cyrus le Perse) chinh phục. Khung cảnh triều đình tân Babylone được mô tả bằng những danh từ gốc Ba Tư. Hơn nữa những nhạc khí triều Nabuchodonosor lại có những tên phiên từ tiếng Hi Lạp sang.[8] Ngoài ra sách Daniel còn mô tả rõ ràng những trận tranh hùng giữa hai dòng vua Hi Lạp là giòng họ Lagides (Ptolémée) và Séleucides.[9] Một quãng triều vua Antoichus Épiphane (Hi Lạp thuộc giòng Lagides, trị vì: 175–164) được mô tả rất kỹ lưỡng với nhiều chi tiết.[10]

Do đó, nhiều truyện mà truyền thống trước kia cho là Daniel nói tiên tri, nay trở thành hậu thuật.[11]

(5) Nhờ so sánh thánh kinh với những dữ kiện lịch sử, ta cũng tìm ra được rằng quyển Isaile chẳng hạn không phải do một mình Isaie viết vào khoảng thế kỷ VIII, mà thực đã do nhiều người viết vào những thời kỳ khác nhau.

a. Quyển I (từ đoạn 1 đến 39) viết vào khoảng thế kỷ VIII, khi Juda còn độc lập.

b. Quyển II (Deutéro–Isaie từ đoạn 40 đến 55), viết vào khoảng thế kỷ 6, khi vua Cyrus đã chinh phục và tàn phá Babylone, nên mới xưng tụng đích danh Cyrus là đấng Messie hay Kitô (45–I), và mô tả sự sụp đổ của Babylone (41: 17–19; 43: 19–20).

c. Quyển III (Trito - Isaie từ đoạn 56 đến 66) viết khi dân Do Thái đã được trở về Palestine phục quốc theo chiếu chỉ của Cyrus ban bố năm 538, vì thế nên mới nói Do Thái đã đền xong tội nợ, về sự quật khởi, phục hưng của Jérusalem, và những ngày hoàng kim sắp đến…

2. PHƯƠNG PHÁP HIỆN TƯỢNG HỌC (Méthode phénoménologique)

Phương pháp này có mục đích khảo sát xem từ những yếu tố đạo giáo căn bản, các đạo giáo đã biến hóa thành những hình thức khác nhau ra sao. Ví dụ khảo sát xem đạo giáo quan niệm thế nào về Thượng đế, về giải thoát, về lai sinh. Các đạo giáo có những cách thức thờ phụng bên ngoài ra sao, và quan niệm thế nào về đời sống tâm thần, v.v.

3. PHƯƠNG PHÁP VĂN HỌC VÀ NGỮ HỌC (Critique littéraire et méthode philologique)

Phương pháp văn học khảo về từ ngữ dùng trong các thánh thư, khảo về ý nghĩa, nguyên nghĩa những từ ấy, cũng như cách hành văn của thánh thư.

Phương pháp ngữ học so sánh từ ngữ nước này với nước kia để tìm ra những gốc rễ tương đồng, những ý nghĩa tương đồng.

Các nhà ngữ học cho rằng từ ngữ mà tương đồng, thì quan niệm cũng tương đồng, tín ngưỡng cũng tương đồng, do đó ngữ học có thể giúp ta tìm ra được chân đạo đại đồng nguyên thủy khi mà từ ngữ chưa qua phân. Đó là ước mơ của các nhà ngữ học.

Dẫu sao khảo về văn từ, về từ ngữ cũng là một công chuyện hết sức quan trọng để tìm hiểu đạo giáo. Các nhà học giả khảo về các đạo giáo thường học các cổ ngữ như Sanscrit, Hán, Hébreux, Araméen, Grec, v.v. để hiểu thánh thư cho thấu đáo, vì dịch thường là phản (traduttore, traditoire), vì người dịch thường đem quan niệm tư tưởng, tín ngưỡng mình lồng vào nguyên tác, và những thêm bớt, cắt xén không phải không có.

Không hiểu rõ từ ngữ không tìm ra được tinh hoa đạo giáo. Một vài thí dụ:

Chữ Đạo của Trung Hoa vừa có nghĩa là Thiên, là ThầnBản thể của vũ trụ, vừa có nghĩa là tôn giáo, là đường.

Chữ , chữ của Lão và Phật, đều có nghĩa là Tuyệt đối thể chứ không phải là hư vô như các học giả Âu châu thường hiểu lầm.

Nhờ phương pháp ngữ học, người ta đã tìm ra được ít là ba dòng từ ngữ chính:

– Dòng Sémitique gồm các tiếng Do Thái, Cận đông, và Bắc Phi (Hébreux, Babylonien, Phénicien, Carthaginois, Arabe).

– Dòng Indo-Européen hay Aryen gồm các tiếng Ấn độ và Âu châu (Sanscrit, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Latin, Hi Lạp, Celtique, Slave, v.v.)

Nhờ khảo về văn từ, về cách hành văn mà học giả Julius Wellhausen (chết năm 1918) đã tìm ra được rằng bộ Ngũ Kinh mà trước kia ta tưởng là do Moise chép thật sự đã do nhiều người chép vào những thời kỳ khác nhau. Nó gồm:

– Tài liệu J. vì dùng chữ Yahweh (gọi là J. vì tiếng Đức viết là Jahweh), để chỉ Thiên Chúa. Tài liệu này viết ở Nam triều Juda vào khoảng năm 850.

– Tài liệu E vì dùng chữ Elohim để chỉ Thiên Chúa. Tài liệu này viết ở Bắc Triều Israel vào khoảng năm 750.

– Tài liệu D tức là bộ Deutéronome viết vào khoảng năm 630.

– Tài liệu P tức là bộ Lévitique (P = Priestly Code) viết vào khoảng năm 450 sau khi dân Do Thái đã từ chốn lưu đày trở về hưng quốc.[12]

Thuyết này đã được bộ Bible de Jérusalem công nhận.[13]

Nói về ngữ học chúng ta không thể nào không nhắc tới hai vĩ nhân là Champolion và Henri Rawlinson.

Champolion đã từ bia đá Rosette khắc chiếu chỉ vua Ptolomée V bằng ba thứ tiếng cổ Ai Cập, Tân Ai Cập, Hi Lạp, đã tìm ra được cách đọc loại chữ cổ Ai Cập (hiéroglyphe), sau bốn năm nghiên cứu (1818– 1822).[14]

Năm 1835, Henri Rawlinson khám phá ra một tấm bia lớn ở trên núi Behistun cách Babylone 200 dặm về phía Đông, khắc ghi sự nghiệp vua Darius bằng ba thứ tiếng Ba Tư, Elamite và Babylone. Ông Rawlinson biết tiếng Ba tư. Sau 18 năm nghiên cứu và so sánh ông đã tìm ra được cách đọc cổ ngữ Babylone (cunéiforme) và do đó cả một kho tàng văn học cổ Babylone đã có thể khai thác ra được.[15]

4. PHƯƠNG PHÁP NHÂN CHỦNG HỌC (Méthode anthropologique ou ethnologique)

Phương pháp này chuyên khảo về các đạo giáo và tín ngưỡng của các dân tộc còn sơ khai khắp năm châu như:

– Người lùn Pygmée ở vùng Congo (Phi)

– Người Bushmen hay Nigrito ở Nam Phi.

– Người Azande ở vùng Soudan (Phi)

– Người dân đảo Adaman (vịnh Bengale)

– Các sắc dân ở Mélanésie (Nam Dương quần đảo)

– Các bộ lạc da đỏ Mỹ như Nevaho, Apache, Chiricahua, Mescalero, Zuni Pueble v.v…

Các học giả chủ trương rằng tìm hiểu về đạo giáo và tín ngưỡng những dân tộc còn sơ khai sẽ gián tiếp giúp ta hiểu được đạo giáo của người tiền sử và sẽ tìm được xem các đạo giáo lúc ban sơ ra sao.

Sự khảo cứu này giúp ta hiểu biết rằng người xưa quan niệm Tuyệt đối là vô ngã, vô biên, mà họ gọi là Linh khí (Mana). Linh khí ấy có thể trụ vào những linh nhân, linh vật, linh mộc, linh thảo, làm cho chúng trở nên thiên liêng đáng trọng kính. Đó là những vật tổ (totem) vật linh (Fétiche) hay những vật cần phải kiêng dè, úy kị (tabou) v.v…

Đọc bài Chính khí ca 正 氣 歌 của Văn Thiên Tường 文 天 祥, chúng ta sẽ hiểu thế nào là linh khí, linh nhân, linh vật hơn:

«Anh hoa chính khí đất trời,

Khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng.

Tràn mặt đất tuôn sông, kết núi,

Vút trời mây chói lói trăng sao,

Trần ai lẩn bóng anh hào,

Muôn nghìn khí phách rạt rào tầng xanh…» [16]

(Thiên địa hữu chính khí,  天 地 有 正 氣

Tạp nhiên phú lưu hình.   雜 然 賦 流 形

Hạ tắc vi hà nhạc,             下 則 為 河 嶽

Thượng tắc vi nhật tinh.    上 則 為 日 星

Ư nhân viết hạo nhiên,      於 人 曰 浩 然

Phái hồ tắc thương minh.            沛 乎 塞 蒼 明 )        

5. PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ HỌC  (Méthode psychologique)

Phương pháp này khảo sát về tâm lý con người, những mơ ước của con người, những khát vọng siêu nhiên vốn có nơi con người, cũng như những ảnh hưởng đạo giáo đối với con người.

Ta cũng có thể tìm hiểu về những phương pháp các đạo giáo đã dùng để kích động, lôi cuốn con người, thu phục con người, v.v.

6. PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC (Méthode sociologique)

Phương pháp này khảo về đời sống các đoàn thể đạo giáo lớn nhỏ, các cách tổ chức cũng như những cách thức đã dùng để bành trướng, để duy trì, để đối phó với thời cuộc, v.v.

Ta thấy đoàn thể có một ảnh hưởng quyết định về chính tà, chân giả, dở hay. Và tùy mỗi đoàn thể chân lý lại có một bộ mặt khác.

Một ví dụ: Đạo Do Thái và Đạo Tin Lành chấp nhận Cựu Ước tất cả chỉ có 39 quyển, các quyển khác đều là ngụy thư.

Trái lại Cựu Ước Công giáo gồm những 46 quyển (ngoài 39 quyển mà Do Thái và Tin Lành công nhận, Công giáo còn có thêm Jusith, Tobie, Macchabées I và II, Livre de la Sagesse, Ecclésiastique, Baruch ấy là chưa kể những phần phụ thêm và sách Esther, và Daniel). Như vậy những quyển mà Do Thái và Tin Lành là ngụy thư, thì Công giáo lại cho là Thánh Thư.[17]

Ví dụ Công giáo tin Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, nhưng Giáo hội chính thống lại không tin vậy,[18] v.v.

7. ĐẠO GIÁO VỚI CỔ TÍCH - CỔ SỬ

Khoa khảo cổ cũng có công thực lớn đối với khoa tôn giáo đối chiếu.

Gần đây nhờ sự khai quật các tầng lớp đất miền Cận Đông, người ta đã tìm thấy những văn tự, những hình tích có từ trước thời Hồng thủy ở Sippar và ở Ur.

Nguyên ở Sippar (Accad), người ta đào được một thư viện gồm 60.000 văn bản.

Ở Nippur (Cahneh), người ta cũng đã đào được 50.000 văn bản khoảng 300 năm trước Thiên Chúa, trong đó có toàn bộ sách vở của một thư viện gồm 20.000 quyển biên khảo về mọi bộ môn văn học.

Nhờ vậy mà ta biết được huyền thoại về tạo thiên lập địa của Babylone, truyện vườn Địa Đàng Eridu gần Thành Ur, truyện Hồng Thủy Babylone hay Anh Hùng ca Gilgamesh và Utnapishtim (Noe Babylone) và thấy chúng tương tự như các chuyện trong Cựu Ước về các vấn đề nói trên.[19]

8. NGHỆ THUẬT TÔN GIÁO VÀ PHONG TỤC

Khảo về lịch sử nghệ thuật tôn giáo cũng như về phong tục cũng giúp ta hiểu biết về đạo giáo rõ hơn.

9. PHƯƠNG PHÁP ĐỐI CHIẾU CÁC ĐẠO GIÁO (Méthode comparative)

Cuối cùng chúng ta mới khảo về các đạo giáo, so sánh các đạo giáo. Công trình này được thực thi qua ba giai đoạn:

(1) Lược thuật về các đạo giáo (Hiérographie)

(2) So sánh và phân loại đạo giáo (Hiérologie)

(3) Nhận định về giá trị các đạo giáo về nội dung cũng như về hình thức. Tìm ra một lý thuyết về đạo giáo (Hiérosophie)[20]

Ba giai đoạn này chính là ba giai đoạn của mọi khoa học.

– Giai đoạn (1) là giai đoạn quan sát và mô tả các hiện tượng đạo giáo (Observation et description des phénomènes religieux)

– Giai đoạn (2) là giai đoạn đi tìm cho ra những định luật chi phối các hiện tượng ấy (Établissements des lois)

– Giai đoạn (3) là giai đoạn đi tìm những lý thuyết khả dĩ giải thích thỏa đáng được mọi hiện tượng tôn giáo (Élaboration des théories)

Các sách khảo sát về tôn giáo đối chiếu thường theo phương pháp nói trên.

Ở đây chúng ta chỉ chú trọng nghiên cứu triết lý về tôn giáo đối chiếu, nên chúng ta chỉ đặc biệt đi tìm cho ra những tiêu chuẩn chính yếu khả dĩ giải thích được mọi hiện tượng đạo giáo, tìm ra được những hiện tượng tương đồng tương dị giữa các đạo giáo, những tiêu chuẩn chân lý, và ý nghĩa cũng như công dụng chân thực của đạo giáo.

Tóm lại, chúng ta lần lượt khảo cứu:

(1) Ít nhiều tiêu chuẩn và phương pháp để khảo sát về khoa tôn giáo đối chiếu.

(2) Ít nhiều nhận định khái quát về tôn giáo đối chiếu.

(3) Quan niệm tam tài và lưỡng nguyên với khoa tôn giáo đối chiếu.

(4) Các tầng lớp trong con người với khoa tôn giáo đối chiếu.

(5) Những quan niệm khác biệt giữa Đông và Tây về tôn giáo (về Thượng Đế, về thân thế, và định mệnh con người).

(6) Tượng hình (Symboles) với khoa tôn giáo đối chiếu.

(7) Dịch lý với khoa tôn giáo đối chiếu.

(8) Đi tìm ít nhiều nguyên tắc để làm tiêu chuẩn chân lý.

(9) Phân loại đạo giáo: Ngoại giáo và nội giáo. Thiên nhiên và qui ước.

(10) Đồng qui nhi thù đồ.


CHÚ THÍCH

[1] H. Ringgren et A. V. Ström, Les Religions du Monde, p. 116.

[2] Xem Văn Hóa Á Châu, tập I số 5, trang 66 trở đi, và tập II, số 15 tháng 6 năm 1959 trang 13 trở đi.

[3] Xem Max Müller, Essai sur l’histoire des religions, từ tr. 251 đến 394.

[4] Bái hỏa giáo tức là Zôroastrisme ở Ba Tư do Zoroastre sáng lập vào khoảng 660 trước Thiên Chúa giáng sinh.

[5] Xem Max Müller, Essai sur l’histoire des Religions, tr. 227.

[6] Max Müller, Essai sur l’histoire des religions, p. xiv (préface).

[7] Asmodée, ce mot reproduit le zend Aêsma daêva.

Max Müller, Essai sur l’histoire des Religions, p. 207 và 514.

[8] Bible de Jérusalem, p. 982.

[9] Ibid., p. 982.

[10] Ibid., p. 982.

[11] Cf. Bible de Jérusalem, p. 982.

[12] John J. Dougherty, Searching the Scriptures, p. 65.

[13] Bible de Jerusalem, p. 4.

[14] Halley, Pocket Bible Handbook, p. 52 và 43.

[15] Halley, Pocket Bible Handbook, p. 52 và 43.

[16] Chính Khí Ca, trích bản dịch của Nguyễn Văn Thọ.

[17] Xem Halley, Pocket Bible Handbook, p. 26, 27 và Bible de Jerusalem, p. xi.

[18] Antoine Wenger, a.a. Vatican II, p. 219.

[19] Halley, Pocket Bible Handbook, p. 48; 49; 61; 64; 76.

[20] Ba danh từ Hiérographie, Hiérologie, Hiérosophie là ba danh từ do linh mục H. Pinard de la Boullaye, S.J. tạo ra trong quyển Étude comparée des religions do Ông viết.


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo