HƯỚNG TINH THẦN
Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ
»
mục lục
| tựa |
chương 1
2
3 4
5
6 7
8
9
10
|
sách tham khảo
chương 10
ĐỒNG QUI NHI THÙ ĐỒ
Ở đời có hai thái độ: mâu
thuẫn chống đối và tương dung hòa hợp. Thái độ mâu thuẫn sẽ khiến con
người tìm hết cách để đả phá quan niệm đối phương, diệt trừ đối thủ, để
mình chiếm trọn quyền thao túng nhân quần.
Thái độ tương dung hoà hợp
sẽ khiến con người tôn trọng quan điểm đối phương, đạo giáo đối phương,
cho người khác quyền suy nghĩ khác mình, tin tưởng khác mình, xử sự khác
mình.
Người có thái độ mâu thuẫn
chống đối thường chủ trương quyết liệt rằng chỉ tôn giáo giáo mình là
chân chính, còn mọi tôn giáo khác đều là tà ngụy, nên suốt đời họ chỉ
chuyên lo đả phá đạo người, bành trướng đạo mình bằng mọi phương cách.
Nếu chủ trương này thành công, thì sau này thế giới chỉ có một đạo, thứ
đạo của kẻ mạnh, thứ đạo của kẻ có quyền thế.
Người có thái độ tương dung,
hòa hợp cho rằng mọi đạo giáo đều là những khía cạnh của một chân lý, và
do đó tôn trọng mọi thứ tôn giáo, coi gian trần này như một cảnh vườn
trong đó muôn hoa đạo giáo tha hồ đua nở. Họ cũng chủ trương có thể học
hỏi, có thể so sánh các đạo giáo, để tìm cho ra những điểm tương đồng,
tìm cho ra điểm đồng qui, hay tinh hoa các đạo giáo.
Thái độ bất tương dung là
thái độ của người Âu châu, của các vị thừa sai Âu châu trong quá khứ.
Các vị thừa sai cho rằng
mình có thiên chức đả phá các đạo giáo khác để giảng truyền đạo Công
giáo, hay Thiên Chúa giáo.
Bronislaw Malinowski đã viết
trong quyển: “Động lực biến đổi Văn hóa (The Dynamics of Culture Change)
như sau:
«Các vị thừa sai là chủ động
và là then chốt trong cuộc đảo lộn tôn giáo ở Phi châu hiện nay. Các
ngài sẽ không trung thành với sứ mạng của mình, nếu chấp nhận trên
nguyên tắc rằng: Thiên Chúa giáo cũng chỉ là một đạo như trăm nghìn đạo
khác. Thực ra, các ngài chủ trương rằng tất cả các tôn giáo khác là lầm
lạc, đáng bị phá bỏ, chỉ có Thiên Chúa giáo là tôn giáo phi phàm đặc
biệt, chân chính duy nhất cần được giảng truyền. Thay vì để cho các đạo
khác tồn tại song song với Thiên Chúa giáo, các vị thừa sai đã nỗ lực
thay thế chúng.»
Linh mục Alexandre de Rhodes
cũng công nhận: “… Vẫn còn những thày giảng Phúc Âm cho người ngoài Ki
Tô giáo, chủ trương rằng trước hết hãy hủy diệt những sai lầm của ngoại
giáo, và làm cho những kẻ tin theo tà thuyết phải chối bỏ, trước khi xây
dựng và giảng dạy những điểm về chân lý của đạo Ki Tô, chiếu theo thứ tự
mà Thiên Chúa đã giao cho vị tiên tri rằng: «Ta đã đặt ngươi để phá hủy
và chối bỏ, để kiến thiết và vun trồng …»
Thái độ của phần đông các vị
thừa sai sang Trung Hoa giảng đạo trong những thế kỷ trước đây cũng
thường là phỉ báng và đả phá nền văn hóa và các đạo giáo Trung Hoa.
Thái độ tương dung, hòa hợp
là thái độ của Á đông, nhất là của Ấn Độ.
Tinh thần Dịch kinh chính là
tinh thần tương dung, thông cảm. Hệ Từ hạ viết: «Thiên hạ lo gì nghĩ gì?
Đường đi khác nhau, nhưng mục đích là một, tư lự trăm chiều mà chân lý
không hai.»
«Sự tương dung đối với các
quan điểm, các tín ngưỡng khác nhau ở giữa mỗi một nhóm người, hoặc giữa
nhiều nhóm người là đặc điểm chính yếu của nền văn hóa Ấn Độ.
«Thái độ ấy đã được mô tả
trong một đoạn sách Yogavasistha: “Tất cả những chủ trương khác nhau và
những con đường thiêng liêng đã được lập ra xưa nay, rốt cuộc đều qui về
một chân lý tối cao, y như những con đường đưa bộ hành từ nhiều nơi khác
nhau về cùng một thành phố.
«Vì mỗi một nhóm tín hữu
không biết được chân lý tuyệt đối, và không hiểu gì về các giáo lý của
các tôn giáo khác, nên đã tỏ ra thái độ hằn học chống đối với các nhóm
khác. Mỗi người đều nghĩ rằng giáo lý mình, đường lối mình là hay nhất,
cũng y như mỗi người bộ hành đều tin tưởng rằng con đường họ đang đi là
con đường duy nhất và tốt nhất.
«Ở Ấn Độ, những người đi tìm
chân lý và sự hoàn thiện được tự do theo con đường họ muốn mà chẳng có
ai ngăn trở.
«Theo sách Yogavasistha,
những phương thế con người dùng để tiến trên đường thiêng liêng là những
phương thế thích hợp với họ nhất. Đừng nên sui họ theo những lề lối mà
họ không thích, mà họ cho rằng bất lợi cho họ.
«Văn hóa Ấn Độ đón nhận mọi
quan điểm mâu thuẫn nhau và thường đi đến chỗ tổng hợp vì đã tìm ra được
một nguyên lý vượt lên trên những quan điểm mâu thuẫn ấy.
«Vì vậy mà trong
Yogavasistha, khi bàn về Thực thể tối hậu, có một đoạn hết sức uyển
chuyển, tiêu biểu cho tinh thần bao dung của Ấn giáo.
Đoạn ấy như sau:
«Thực thể tối sơ ấy được gọi
là hư vô (Sunya) bởi các người chủ trương Hư vô (nihilistes), là Brahman
bởi những tín hữu theo Vệ Đà (adoptes du Védisme), là Purusha bởi các
triết gia sankhya, là Ishwara bởi các môn đệ phái Yogas, là Civa bởi các
người Civaites.
«Đối với người này, thì đó
là Thời gian, đối với người khác thì đó là Đại Ngã, đối với người khác
thì đó là Đại Ngã, đối với người khác thì đó là Vô Ngã, đối với pháp
Madhyamika thì đó là trung gian giữa Vô và Hữu, đối với người khác nữa
thì đó là Toàn Thể…»
Có được một tinh thần tương
dung, cởi mở đến như vậy thời thực quí thay.
Với một tâm hồn cởi mở,
thành khẩn và tương dung, ta có thể khảo sát các đạo giáo một cách vô tư
và tìm ra được điểm đồng qui của các đạo giáo.
Như mọi tai họa đều gặp nhau
ở trục xe, tâm xe, mọi đạo giáo cũng đều gặp nhau ở Tuyệt điểm Tâm linh,
ở Tâm điểm con người. Tâm Linh ấy, Tâm điểm ấy chính là Bản thể, là
Logos, là Nous, hay Thượng đế.
Cũng như mọi con đường đều
gặp nhau trên đỉnh núi, mọi đạo giáo cũng gặp nhau trên thượng đỉnh, gặp
nhau trong đạo huyền đồng (mysticisme), trong chủ đích «Phối Thiên»
(Unicon mystique avec Dieu).
Như vậy Chân tâm, Chân Thần
con người với muôn vàn danh hiệu khác nhau sẽ là điểm đồng qui của các
đạo giáo.
Đạo huyền đông sẽ là điểm
đồng qui của các đạo giáo.
Xưa nay, đã có nhiều đạo sĩ,
nhiều học giả đi tìm cho ra những điểm tương đồng làm căn cốt cho các
đạo giáo. Dưới đây, ta sẽ toát lược nhận định của bà Annie Besant, của
Illan de Casa Fuerte, và của Aldous Huxley.
Trong quyển La Sagesse
antique, bà Annie Besant đã phiên dẫn nhiều điểm tương đồng giữa Đạo
Đức Kinh, Áo Nghĩa Thư , Phật giáo đại thừa, Cabble Do Thái, Bái Hỏa
giáo, Môn phái Plotin, môn phái Pythagore, đạo Orphée bên Hi Lạp v.v…
Bà cho rằng những quan điểm
của Công giáo như:
– Thượng đế duy nhất, bất
khả phân, bất khả tư nghị,
– Con người là ảnh tượng
Thượng đế (Genèse I, 26, 27),
– Con người có ba phần:
Thần, Hồn, Xác (I, Thess. V, 23)
– Con người là sở cư của
Thượng đế (Ephés. II, 22)
– Con người là đền thờ
Thượng đế (I. Cor. III, 16)
– Con người là đền thờ chúa
Thánh thần (I. Cor VIm 19)
đều là những quan điểm tương
tự với Ấn giáo chẳng hạn.
Illan de Casa Fuerte cũng đã
nhận thấy có một tinh hoa đạo giáo đại đồng lẩn sau mọi đạo giáo, và
khảo về các đạo giáo chúng ta có thể thấy những chân lý vĩnh cửu
sau đây:
1. Các đạo giáo đều tin có
một nguyên lý duy nhất phát sinh vạn hữu.
2. Trong con người có một
yếu tố thiêng liêng, căn bản làm cốt cách cho con người. Yếu tố thiêng
liêng ấy vĩnh cửu, bất diệt.
3. Các đạo giáo đều chú
trọng đến phương diện xã hội, phương diện luân lý và đều chủ trương bao
lâu khi nhân quần còn chưa tiến hóa đủ, thời còn cần phải có những
phương thức để kiềm chế, để phòng ngừa sự đồi bại, nói tóm lại tất cả
những cơ cấu trần gian của các đạo giáo mới có ý nghĩa và ích lợi.
Ông cũng còn đề xướng thêm
ba định luật chi phối sự tiến triển của tâm thần con người.
1. Con người phải tìm thấy
đường giải thoát mình, nhờ ngọn đuốc lương tri.
2. Muốn tìm cho ra con đường
giải thoát, con người phải phát huy khả năng hồi quang quán chiếu.
3. Căn cứ trên nguyên lý hấp
dẫn tinh thần, con người phải đạt tới Trung điểm tâm thần.
Nói cách khác trên con đường
tu đạo, con người cần phải:
– Thoát ly mọi hình thức phù
phiếm.
– Tiến sâu vào phía nội tâm.
– Đạt tới Tâm điểm tâm thần
tức là đạt tới Bản thể, tới Tuyệt đối.
Ông còn cho rằng con người
mới tức là con người có đời sống nội tâm dồi dào, và con đường giải
thoát là con đường hướng nội, con đường nội tâm.
Theo ông muốn thần thánh hóa
mình, muốn tìm cho ra Thượng đế, nhất thiết phải được thực hiện trong
thân con người.
Aldous Huxley cũng hết sức
ngạc nhiên vì thấy các nhà huyền học của các đạo giáo bất kỳ là Ấn giáo,
Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo đều có những luận điệu
giống nhau. Vì vậy ông kết luận rằng trong tất cả các đạo giáo lớn thiên
hạ đều có một «triết lý hằng cửu», một «chân lý tối hậu,
nguyên sơ» mà các đạo giáo chỉ là những hình thái không toàn vẹn.
Các đạo giáo, cũng như các
dược phẩm không thêm được gì mới mẻ cho con người, mà chỉ giúp con người
phát triển được huyền lực sẵn có trong con người.
Tất cả những quan niệm trên,
thoạt nhìn, tưởng như là vu khoát, nhưng cân nhắc kỹ càng, mới thấy hết
sức hữu lý.
Nếu chúng ta nhìn các đạo
giáo một cách hời hợt, phiến diện, bằng con mắt phàm tục, thì thấy hết
sức khác nhau, muôn mặt, muôn hình y thức như ở nơi con người, mỗi người
mỗi vẻ, chẳng có ai giống ai.
Nhưng nếu chúng ta nhìn các
đạo giáo bằng con mắt siêu nhiên, ta sẽ thấy chúng hết sức giống nhau,
cũng như ở nơi con người, thì ai cũng da, cũng thịt, cũng xương, cũng
mạch máu, cũng thần kinh, cũng lục phủ, ngũ tạng, với những lớp lang thứ
tự, với những cách sắp xếp, liên lạc y thức như nhau, đến nỗi học hỏi về
một người có thể biết muôn triệu con người.
Đạo giáo cũng y thức như
vậy, mới trông thì hết sức khác nhau, nhưng xét cho cùng thì lại hết sức
giống nhau.
Chẳng có một đạo giáo nào
thuần nhất, trái lại đạo giáo nào cũng có nhiều bình diện khác nhau; mỗi
bình diện đạo giáo lại tương ứng với một tầng lớp trong con người.
Trước hết đạo nào cũng chú
trọng đến phương diện xã hội, cũng đề cao tình huynh đệ, đề cao tình
tương thân tương ái, đề cao sự công bình và lòng bác ái, vị tha.
Con người có ngũ quan, nên
đạo nào cũng có lễ nghi, hình thức, cũng sử dụng hương hoa, đèn nến,
cũng có những bài kinh nguyện, những cách thức lạy lục, van vái hoặc
chung hoặc riêng.
Con người có lý trí, nên đạo
nào cũng có một số giáo lý, hoặc trình bày thành hệ thống chặt chẽ, hoặc
trình bày theo một lối phóng khoáng, tự nhiên, để con người lấy đó làm
khuôn mẫu cho tư tưởng, suy luận.
Con người ai cũng có tâm
hồn, nên đạo nào cũng có cách dạy tu tâm, dạy làm lành lánh dữ.
Con người ai cũng có linh
khí, cũng tự nhiên ưa chuộng văn chương nghệ thuật, âm nhạc, nên đạo nào
cũng đem nghệ thuật lồng vào trong đời sống sống đạo giáo, phụng vụ.
Vì con người ai cũng có một
điểm linh thiêng, bất tử, nên đạo nào cũng chủ trương con người có thể
đạt được trường sinh bất tử, có thể trở nên hoàn thiện, có thể hưởng
Thiên nhan hay phối kết với Thượng đế.
Càng xuống những bình diện
thấp như lý trí, giác quan; càng tiến về phía quần chúng, thường nhân,
ta càng thấy những sự khác biệt trên phương diện hình thức một ngày một
hiển lộ.
Càng lên trên những bình
diện cao như tâm thần; càng tiến về phía thánh hiền, ta càng thấy các
đạo giáo xích lại gần nhau.
Điểm đồng qui tối hậu của cá
đạo giáo chính là:
– Sự hoàn thiện
– Trường sinh bất tử
– Phối hợp với Thượng đế,
với Bản thể, với Tuyệt đối.
– Hạnh phúc trường tồn…
Đứng trên đỉnh tinh thần mà
nhìn cho bao quát, ta sẽ thấy chỗ cao siêu của các đạo giáo: Ấn giáo,
Công giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Hồi giáo, Bahai giáo, v.v.
cũng như những chủ trương của các nhà huyền học Đông Tây, kim cổ giống
nhau.
– Thánh Jean, thánh Paul,
thánh Jean de la Croix (1542–91), Denis l’Aréopagite, Eckart
(1260–1327), Rysbroeck (1293–1381), Jacob Boehme (1575–1624), Plotin
(204– 70), Al Ghazali (1058–1111) al Hallaj (922), Kabir (1488– 1512),
Ramakrishna (1836–86), Vivekananda (1863–1902) v.v. tuy không cùng chung
một đạo giáo mà tư tưởng, hành động, đời sống đạo hạnh siêu nhiên cũng
na ná như nhau, chẳng khác nào anh em một nhà… Thế mới hay «nhiều kẻ từ
phương đông, phương tây sẽ đến dự tiệc chung với Abraham, Isaac và Jacob
trên nước Trời». (Matt. 8, 11)
Ta cũng có thể nói được rằng
các đạo giáo giống nhau về cơ cấu, nhưng khác nhau về hình thức.
Nhưng cơ cấu tương đồng của
các đạo giáo có thể toát lược như sau:
1. Vũ trụ này đã được
thoát thai từ một Nguyên lý, từ một Bản thể duy nhất.
2. Bản thể duy nhất ấy
tràn ngập vũ trụ, và hằng ngự trong lòng con người, để làm căn cơ, cốt
cách cho tâm hồn.
Mỗi đạo giáo, mỗi triết học
lại dùng những danh từ riêng để diễn tả căn bản tâm thần ấy. Đó là:
– Atman (Đại Ngã) trong
triết học Bà la môn.
– Chân Như, Phật tính, Bản
Lai diện mục v.v… trong Phật giáo.
– Đạo, Cốc thần, Huyền tẫn,
v.v. trong đạo Lão.
– Thần (Le Nus) của
Anaxagore.
– Đạo (Logos) của Philon và
của Plotin, của thánh Jean.
– Tính, Thiên địa chi tâm,
Đạo tâm của Khổng giáo.
– Toàn Nhất (L’Un Tout) của
Hartmann.
– Tuyệt đối thể (Absolu) của
Shelling.
– Tự thể (Noumène) của Kant.
– Vô thức đại đồng
(Inconscient collectif) của C. Jung.
– Thực thể (Être)
– Tâm đại đồng (Conscience
universelle)
– Thiên địa chi tâm
(Conscience cosmique)
– Hư Vô (Sunya) v.v…
3. Tâm hồn ta có 2 phần:
– Một phần Trời làm căn bản.
Phần này các đạo giáo gọi là Thần (Esprit, Pneuma, Ruah), hay Chân tâm,
hay Đại Ngã, hay Atman, hay Đạo, hay Đạo tâm, hay Thiên địa chi tâm.
– Một phần người làm công
dụng, làm hiện tượng. Phần này các đạo giáo gọi là Hồn (Âme, Psyché,
Néphesh), là vọng tâm, là tiểu ngã, là vọng tâm, v.v.
Chính vì trong con người có
phần Trời, nên bất kỳ ai cũng có những khát vọng siêu nhiên, nên đạo
giáo nào cũng muốn đem Trời lồng vào trong tâm hồn con người, hoặc bằng
phương pháp tu trì, tĩnh tâm, giác ngộ, hoặc bằng các lễ nghi, bí tích
bên ngoài…
4. Như vậy, người chẳng
thể xa Trời, cho
nên các đạo giáo luôn muốn bắc nhịp cầu nối kết Trời với Người, giữa Bản
thể và Hiện tượng, giữa Hằng cửu và Biến thiên, giữa Đại Ngã với Tiểu
Ngã, giữa Chân tâm với vọng tâm. Lời lẽ tuy khác nhau, nhưng nội dung, ý
nghĩa chỉ là một.
5. Trời vốn hoàn thiện,
nên con người có bổn phận tiến tới hoàn thiện.
Tất cả những lời huấn dụ,
tất cả những giới răn, những giáo luật, qui điều đều có mục đích đưa dần
con người tới hoàn thiện.
6. Có tiến tới hoàn thiện
mới giác ngộ được căn bản tuyệt vời của mình, mới thực hiện được định
mạng cao siêu của mình là phối hợp với Thượng đế.
Dịch kinh viết: «Kiền đạo
biến hóa các chính tính mệnh, bảo hợp Thái hòa nãi lợi trinh.»
乾 道 變 化 各 正 性 命
保 合 泰 和 乃 利 貞.
Cơ Trời biến hóa vần
xoay,
Làm cho vạn vật thêm hay
thêm tình.
Kiện toàn tính mệnh của
mình,
Giữ gìn toàn vẹn tính
lành Trời cho.
Thế là ích lợi không bờ,
Thế là vĩnh cửu, thế là
lợi trinh. (Kiền
quái, Thoán).
Các đạo giáo Âu Châu thường
chia con đường hoàn thiện thành ba giai đoạn:
– Giai đoạn tẩy tâm (via
purgativa)
– Giai đoạn minh giác (via
illuminativa)
– Giai đoạn đồng nhất (via
unitiva) (với Thượng đế)
7. Con đường nội tâm là
con đường đích thực đưa tới Thượng đế.
Thánh kinh viết: Nước Trời ở
trong anh em (Lúc 17, 21).
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
«Phật tự tính trung tác, mạc hướng thân ngoại cầu.»
佛 自 性 中 作 莫 向 身
外 求 (Phật do nơi
Tính khởi lên, Chứ đừng vất vả kiếm tìm ngoài thân)
(Pháp Bảo Đàn kinh,
Quyết nghi phẩm)
8. Đạo giáo là những
phương tiện giúp ta chuyển hóa tâm thần không ngừng nghỉ để tiến tới
Thượng đế, tới Bản thể.
9. Tác thành mình chưa
đủ, chúng ta còn có bổn phận tác thành cho người.
Vì thế cho nên các đạo giáo xưa nay bao giờ cũng tha thiết đến vấn đề
tha nhân.
10. Đạo giáo cao siêu
nhất là đạo giáo có sức hoán cải được mọi bình diện con người, tự nội
tâm đến ngoại cảnh, từ cá nhân đến hoàn thể, để tất cả vũ trụ trong
ngoài đều trở nên toàn hảo.
☸
Từ trước tới nay, các đạo
giáo đua nhau tìm ra những điều tương dị. Từ nay về sau, các đạo giáo sẽ
đua nhau tìm cho ra những điểm tương đồng.
Tìm những điều tương dị để
đả kích, phỉ báng lẫn nhau, sẽ sinh ra mâu thuẫn, chia rẽ, đấu tranh,
bách hại, giết lát. Tìm những điểm tương đồng sẽ tạo nên tình huynh đệ,
thực hiện tương thân, tương ái.
Mà thực hiện được tình tương
thân tương ái, tức là thực hiện được Thượng đế vì Thượng đế là tình yêu,
tức là đem được Thượng đế xuống sống chung với con người.
Phải chăng đó là mục đích
tối hậu của các đạo giáo.
Và chúng ta có thể kết thúc
bằng một lời ước nguyện: Ước gì Thượng đế là mọi sự trong mọi người.
(I Cor. 15, 28).
CHÚ THÍCH
The missionary is the initiator and center
of the religious revolution now taking place in Africa. He would not be
true to his vocation, if he ever agreed to act on the principle that
Christianity is as “any other form of cult”. As a matter of fact, his
brief is to regard all the other forms of religion as misguided, fit
only for destruction, and to regard Christianity as entirely different,
the only true religion to be implanted. Far form leaving other cults
side by side in juxtaposition with the message of he Gospels, the
missionary is engaged in superseding them.
Bronislaw Malinowski, The
Dynamics of Culture Change, p. 16.
[2]
Cf. Võ Long Tê, Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, tr. 255.
[3]
These «true disciples of Jesus Christ» … arrived in China … armed with
all the arrogance of the West. They despite the «yellow races» of the
Orient; they tried to convert these inferior beings, and at the same
time told each other, in print, and even told them to their face, that
they were so brutish, so contemptible, that they were hardly worth
converting. «Chinese civilization,» wrote a distinguished missionary
priest in the middle of the 19th century, «is a monstrosity, not only
anti-Christian, but anti-human … The religions of the Chinese are
monstrous, absurd, the most ridiculous in the world.» One does not find
humanity, he concluded, among the peoples of the Orient, but «only
monkeydom.»
(Cited by Pierre Charles, S.
LJ., Tactique missionaire ou théologie de l’apostolat? In Nouvelle Revue
Théologique, Avril-Mai 1940, p388. See also by the same writer «Europe
and the Far East», in Eyre’s European Civilization, Oxford
1939, vol. VII, p. 717. – Cf. Malcolm Hay, Failure in
the Far East, p. 167.
[4]
Thiên hạ hà tư hà lự? Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bác lự.
Thiên hạ hà tư, hà lự. (Dịch, Hệ từ hạ).
[5]
Xem Originalité des Cultures, (Unesco), pp. 136,
137.
Yoga vasistha, VI, III, 96,
51, 52, 53.
Yoga vasistha V, 87, 18-20.
[6]
Annie Besant, La sagesse antique, chương Unité fondamentale de
toutes les religions, từ tr. 9 đến 60. (Xem Mundakopanishad, II, ii, 1,
2, 9, 11 – Shvetâhvataropanishad, III, 7, 8, 21 – và Ibid, IV, 18-20 –
Mundakopanishad, IV, iv, 20, 22 – Shvetash, I, 8 – Mund. IIIm i, 8 –
Ibid, III, ii, 4 – Ibid., II, ii, 9 – Kathop. VI, 15 v.v…)
[7]
Illan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, tr. 10-24.
[8]
Première loi. – L’Homme doit trouver à la clarté de son flambeau
intérieur la voie de sa libération.
Deuxième loi. – Pour que
l’homme trouve la voie de sa libération il faut qu’il développe ses
facultés d’intériorisation.
Troisième loi. – En vertu du
pricipe de la gravitation spirituelle, l’homme doit atteindre le centre.
(La Religion essentielle,
pp. 8, 9).
[9]
Les méditation prolongées, l’ascétisme, les exercices spirituels, et
corporels n’avaient qu’un objet, la construction de l’homme nouveau né à
la vie nouvelle; il est particulièrement intéressant de constater que
les mystiques de toutes les époques ont toujours réussi à se mettre en
contact direct avec leur esprit, parvenant au cours de leurs extases, à
communiquer avec les plans de la divinité … (La Religion essentielle,
p. 16).
… Si le domaine terrestre
qui est le creuset où se perfectionne et se purifie l’Humanité, ne
saurait être négligé, et encore moins par les créateurs d’un rythme
intérieur, par les représentants des diverses confessions, c’est
exclusivement vers la divinité que devraient s’élever les religions, de
telle sorte que tous, maîtres, disciples et adeptes, s’y dirigent de
leurs regards, de leurs pensées, de leurs méditations, empruntant pour
cela la seule voie de salut: le chemin intérieur. (Ibid. 22).
[10]
La recherche par l’homme et dans l’homme de sa propre divinisation, la
recherche par l’homme et dans l’homme du Dieu Un. (Ibid. 23)
[11]
Aldous Huxley gọi Triết lý vĩnh cửu là philosophia perennis, chân lý rốt
ráo là Ultimate truth. (Xem R. C. Zaehner, Mysticism, sacred and
profane, p. 2).
»
mục lục
| tựa |
chương 1
2
3 4
5
6 7
8
9
10 |
sách tham khảo
|