HƯỚNG TINH THẦN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo

chương 6

TƯỢNG HÌNH VỚI KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

 

I. Ý NGHĨA TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN TRONG CÁC HỌC THUYẾT VÀ CÁC ĐẠO GIÁO Á ÂU

II. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG HOÀNG ĐẠO

III. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN TRONG KHOA KIẾN TRÚC VÀ MỸ THUẬT

IV. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN VỚI BÍ QUYẾT TÌM ĐẠO TÌM TRỜI 

 

Đạo giáo thường đề cập đến những gì siêu vi, huyền nhiệm của vũ trụ, đến những gì không có ảnh tượng, hình dung.

Chính vì vậy mà các đạo giáo đã phải dùng rất nhiều ảnh tượng, hình dung để phác họa nên bóng dáng cái vô hình, vô ảnh.

Những ảnh tượng, những hình dung mà các đạo giáo đã vay mượn thời vô vàn. Trên thì lấy trời mây, nhật nguyệt, tinh thần; dưới đất thì lấy sông biển, núi non, cỏ cây hoa lá, cầm thú chim muông; nơi con người thì lấy tứ chi, bá hài, ngũ quan, tạng phủ… Những hình vuông hình tròn, những chất liệu ở trần gian này như vàng, bạc ngọc ngà, châu báu, thậm chí đến gạch ngói, bùn đất, nhất nhất cái gì cũng có thể dùng làm phương tiện để giúp con người hiểu rõ lẽ huyền vi của đất trời.

Trong chương này ta chỉ nghiên cứu một tượng hình là TÂM ĐIỂM và VÒNG TRÒN và dùng nó làm chìa khóa mở các chốt then đạo giáo.

 

I. Ý NGHĨA TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN TRONG CÁC HỌC THUYẾT VÀ CÁC ĐẠO GIÁO Á ÂU

Đối với Nho giáo, đối với Dịch kinh thì tâm điểm, trung điểm là Trời, là Thái cực, là Tuyệt đối, mà vòng tròn bên ngoài là các hào quái, trọng trưng cho vạn hữu biến thiên.

Lạ thay, khi khảo sát các học thuyết, các đạo giáo từ Á sang Âu, ta thấy quan niệm trên này được lưu truyền với những tượng hình ý thức như vậy.

Đi ngược dòng thời gian, trở về với những nền văn minh tối cổ như Ai Cập, Chaldée, trở về với những học thuyết tối cổ như Vệ đà, Pythagore,[1] Zoroastre,[2] đâu đâu ta cũng thấy tâm điểm tượng trưng cho Hóa công bất biến, và vòng bên ngoài tượng trưng cho sự luân lưu, biến hóa của vạn tượng, vạn hữu.

Trong các di tích cổ Ai cập, ta thấy một hình tròn trong tâm có chữ AUM, bên ngoài có hai con rắn song song, tượng trưng quyền năng và trí huệ Tạo Hóa.

Chữ w.ee hay AUM hay Thủy Chung ở giữa vòng tròn là Thượng đế tuyệt đối toàn năng.[3]

Theo kinh Veda, thì trước khi muôn loài được tạo dựng, chỉ có Brahman, Bản thể thuần túy không hình thức sắc tướng; đó là Mahâ Bindu, là Tuyệt điểm, là Thần, Khí… Tuyệt điểm ấy siêu hình, vô trụ, vô lượng, nhưng chính là căn nguyên phát huy muôn vật.

Tuyệt điểm ấy ví như trung tâm Hoàng đạo, phát sinh ra mười hai cung.

Tuyệt điểm ấy có thể sánh với Hư không của Veda (Shunya) vì chưa bị ảo ảnh bên ngoài khoác lên trên mình các lớp hình hài sắc tướng hay có thể so sánh với Hư vô của J. Boehme.[4]

Đứng về một phương diện khác, thì tâm điểm là tự do, khinh khoát, còn vòng tròn bên ngoài là vòng định mệnh gồm đủ các ảnh hưởng chi phối con người.

Bao lâu con người ở các vòng, lớp bên ngoài thì dĩ nhiên sẽ bị ngoại cảnh chi phối, bao lâu còn hòa mình với phù du ảo ảnh thì cũng sẽ tàn phai, hủy hoại như phù du ảo ảnh. Còn trái lại nếu biết thu hồi thần trí cho qui tụ về tâm, thì sẽ trở nên một lữ khách trên con đường về Trung điểm, sẽ hòa mình với Trung điểm, Tuyệt điểm, và lúc ấy các duyên nghiệp bên ngoài không còn ảnh hưởng tới mình được nữa …[5]

René Guénon, nhà huyền học Pháp cũng viết: «Sở cư của Brahma» chính là ở tâm điểm vũ trụ và nhân loại, còn hình thức sắc tướng có thể nói được là đều ở quanh bên ngoài, trên «vòng bánh xe vạn hữu». [6]

Thay vì dùng tâm điểm và vòng tròn, nhiều học thuyết dùng những hình tương đương thay thế.

 

Phục Hi và Nữ Oa

 Trong các hình vẽ Trung Hoa thời cổ, thường có hình Phục Hi cầm «Qui» (compas), Nữ Oa cầm «Củ» (thước vuông). «Qui» để vẽ vòng tròn «Củ» để vẽ hai đường thẳng góc trong vòng tròn, xác định tâm điểm. Vì thế người xưa gọi Trung điểm hay Tâm điểm là Thập Tự Nhai 十 字 街.

Dấu hiệu của hội Tam điểm là hình một chiếc qui xếp trên một chiếc củ ôm lấy chữ G vào trong, mà G, tức là God, là Iod, là Thượng đế.

    

Biểu hiệu của phái Rose Croix là một bông hồng (hình tròn) đặt trên hình chữ thập.

René Guénon và C.G. Jung đều cho rằng những kiểu kính hoa hồng, hoa thị (rosace) ở Âu Châu cũng vẫn chỉ có một ngụ ý như tâm điểm hay vòng tròn[7] hay hình hoa sen ở Á châu.

Nghiên cứu thuật luyện đan Âu châu thời cổ, ta thấy cổ nhân đã dùng tâm điểm và vòng tròn để toát lược chủ trương và kỹ thuật luyện đan, hay nói cho đúng hơn, phuơng pháp giải thoát con người, thần thánh hóa con người.

Tâm điểm chính là bản thể, là nguồn gốc con người, là tiên đan, là nguồn mạch trường sinh, là «thiên địa chi tâm», là «ngọc châu viên giác» (lapis philosophorum) mà con người cần tìm cho ra.[8]

Các hình vẽ lưu truyền trong khoa luyện đơn mà C. G. Jung đã sưu tầm được đều chủ trương rằng:

Tâm điểm là:

– Vũ trụ chi tâm (The Anima mundi) [9]

– Nơi loan phụng đồng minh (The red and white herma-phroditic double eagle) [10]

– Nơi Âm dương giao hội (The mystic vessel where the two natures unite – Sol et luna caduces – to produce the filius hermaphroditus.) [11]

– Nguồn sống (The fountain of life as fons mercurialis) [12]

– Đế đô thánh thiện (The symbolic city as center of the earth) [13]

– Ngọc cung (The lapis sanctuary) [14]

– Bộ lông cừu vàng (La Toison d’or) [15] v.v...

C. G. Jung, sau khi đã nghiên cứu trong vòng ba mươi năm các «mandala» từ Đông sang Tây đã quả quyết chắc chắn là Tâm điểm những họa bản ấy cốt để ám chỉ «trung tâm», «chân tâm», đạo tâm chứ không phải là «vọng tâm», «nhân tâm», hay con người riêng tư phù phiếm bên ngoài,[16] còn vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho công trình tu luyện để tiến về tâm điểm đó.[17]

Như thế mục đích các đan gia (alchimistes) chân chính chẳng qua là muốn chỉ vẽ cho con người tìm ra bản thể mình,[18] dùng thời gian và vạn hữu, thân xác, tâm trí làm công cụ để tìm cho ra và tiến tới Bản thể.[19]

Thế tức là tìm ra được «Kim đơn»,[20] thế tức là tìm ra được «thuốc trường sinh bất tử» …

 

II. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG HOÀNG ĐẠO

Muốn hiểu rõ thêm ý nghĩa của tâm điểm bên trong, và vòng tròn bên ngoài, chúng ta hãy nghiên cứu các vòng Hoàng đạo hay vòng Dịch.

Các nước Babylone, Ai Cập, Do Thái, Ba Tư, Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, các nước Hồi giáo v.v... đều có dùng vòng Hoàng đạo với 12 cung gọi là vòng Zodiaque.

Chữ Zodiaque (Zoe: sự sống – Diakos: bánh xe) có nghĩa là bánh xe sự sống, hay vòng chu luân gồm các kiếp sống khác nhau, hay vòng tuần hoàn của quần sinh vũ trụ.

Đại khái, vòng Hoàng đạo gợi ra sự biến thiên, thăng (évolution), trầm (involution) không ngừng của quần sinh vũ trụ. Nó gợi ra muôn vàn nếp sống khác nhau thường xuyên diễn tiến trên hoàn võ.

Nhưng thực ra tâm điểm mới là đầu dây mối nhợ.

Tâm điểm hay Trung điểm của các vòng Hoàng đạo tượng trưng cho tuyệt đối thể, vô hình tích, cho nguyên tinh, nguyên khí, nguyên thần sẽ phát huy ra quần sinh, vũ trụ. Đó là Đạo thể, là Hư vô; gọi là Hư vô, vì huyền diệu không thể suy cho thấu, nghĩ cho cùng được.

Tâm điểm ấy chính là Cực (Pôle), là điểm bất biến là khu nữu cho vũ trụ xoay quanh, còn sự tuần hoàn của vũ trụ được tượng trưng bằng bánh xe. Đó là một quan niệm phổ quát thấy ở các dân tộc khắp thế giới. [21]

 

Người Ai cập gọi Tâm điểm là Thượng đế duy nhất, đấng tạo thành vũ trụ quần sinh… hay là Tem, nghĩa là chủ chốt khu nữu của sự vận chuyển các tinh cầu.[22]

Tâm điểm còn được mệnh danh là thần Mercure, là nơi phát sinh ra muôn ngàn biến ảo.[23]

Trong hình vẽ Le Tarot[24] ta thấy ở Tâm điểm của hoàn võ, có viết bốn chữ Yod Ye Vau He, nghĩa là Yahweh, là Thượng đế…

Vòng Hoàng đạo của Phật giáo, hay nói đúng hơn vòng Luân Hồi của Phật giáo, thường gồm có 4 vòng tròn đồng tâm.[25]

Vòng trong bỏ trống tượng trưng Hư Vô (tức là Tuyệt đối) (Sunya hay Sunyata) hay có vẽ hình Phật Vairocana. Các vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho tham sân si, lục đạo và thập nhị nhân duyên.

Cho nên vòng tròn bên ngoài tức là vòng luân hồi hay vòng thập nhị nhân duyên, cốt mô tả cuộc sống phù du, những ảo ảnh của cuộc đời. 

 

Sự luân lạc của con người bắt đầu do sự dốt nát u muội,[26] để rồi hành động mù quáng chuốc mua oan nghiệt vào người,[27] chuyên lo tìm hiểu ngoại cảnh[28] để cho các hình ảnh phù du hư ảo bên ngoài[29] xâm nhập vào ngũ quan và ý chí,[30] đâm ra vấn vương[31] bịn rịn[32] khao khát, say mê,[33] cố gắng tìm cầu cho được,[34] để làm của sở hữu riêng tư.[35] Mỗi lần say mê theo vật chất phù sinh như vậy là như bắt đầu sinh ra ở một kiếp người mới,[36] để rồi tàn tạ già nua chết chóc[37] cùng với sự điêu tàn của ảo ảnh…

Suy nghiệp ra thì Vairocana tức là Trung điểm, là Tuyệt đối, là Pháp thân, là Bản Lai diện mục, là Tịnh Mãn, là Biến nhất thiết xứ, là Đại Nhật Như Lai, là Nguồn sống muôn vật…

Khi đã đối chiếu các học thuyết ta có thể kết luận:

Cổ nhân dùng tâm điểm và vòng tròn để tượng trưng cho hai phương diện biến hằng của vũ trụ.

Tâm điểm bất biến hằng cửu là căn bản, là Đạo, là Thể. Vòng tròn bên ngoài biểu hiện sự di động, biến thiên, phần công dụng.[38]

Vòng tròn bên ngoài tức là:

– Vòng Dịch của Nho giáo.

– Vòng Sinh mệnh (Rota fati et generationis của phái Orphisme)

– Vòng số mệnh (Khoa học Tarot)

– Vòng Luân hồi (Phật giáo)

– Chu kỳ Abred (Học thuyết Bardisme)

– Vòng Hoàng đạo (Chiêm tinh học)

– Ouroboros (Con Chu xà của Thông Thiên học)

– Brahma luân (Brahma-Wheel) trong Ấn giáo.[39]


Chu Xà (Ouroboros)
 

Người ta cũng còn dùng vòng tròn tượng trưng cho các tuần trăng phiêu lãng v.v…

Trong con người, thì vòng Dịch, hay vòng Chu luân, hay vòng Hoàng đạo, hay vòng Đại Chu Thiên 大 周 天 gồm hai mạch:

Nhâm (Âm, chạy đúng nơi giữa người phía trước) và Đốc (Dương, chạy dọc theo đúng giữa xương sống phía sau, vòng lên đỉnh đầu, vòng sang phía trước để tận cùng nơi chính giữa mép lợi hàm trên ở huyệt Đoạn giao).

Nê hoàn cung 泥 丸 宮 hay Não thất ba (3è ventricule) cũng như nội tẩm trong các đền đài là nơi Hóa công ngự trị (Garbhargita, Chambre de l’Embryon), vì đó chính là Trung tâm điểm vũ trụ, nơi mà căn nguyên tuyệt đối của mọi hiện tượng ngự trị.[40]

Nhìn sang Ấn Độ giáo ta thấy: sách Áo Nghĩa Thư chỉ đường về tâm điểm, trung điểm như sau:

Tâm người trăm linh mốt kinh,

Mà duy có một thượng đình đi lên,

Cứ theo đường ấy mà men,

Rồi ra ắt được tới miền trường sinh.[41]

Nơi khác lại viết:

    Nơi nào mà mọi thần kinh,

Như đũa gặp trục trong vành bánh xe.

    Nơi thần kinh hội tụ về,

Là nơi tuyệt đối chưa hề hóa thân.

Có tìm tuyệt đối chưa hề hóa thân.

    Cố tìm Tuyệt đối, Chân tâm

Rồi ra sẽ thoát biển trần hôn mê[42]

Tóm lại, vòng chu luân, vòng Dịch, vòng luân hồi, vòng Hoàng đạo, v.v. chẳng qua là cốt tượng trưng vạn hữu, tượng trưng muôn vàn hiện tượng và mọi sự biến thiên, chất chưởng bên ngoài.

Vòng chu luân, hay xa luân ngoài ra còn chỉ: thăng (ascension) giáng (descente), trầm hiện (précipitation), siêu thăng (sublimation) Thượng đế xuống với con người, và con người lên tới Thượng đế.[43]

Còn tâm điểm thời học thuyết nào cũng dùng để chỉ Bản thể hay Tuyệt đối.[44] Suy ra thì con người cần phải biết dùng vạn hữu làm phương tiện để tiến về Tuyệt đối, nhìn hiện tượng để suy ra bản thể, thấy biến thiên chất chưởng bên ngoài, để lập chí đi tìm trường tồn vĩnh cửu bên trong, bỏ tiểu tiết chi mạt, mà tìm cầu cho được đại thể, căn nguyên. Đó cũng chính là con đường muôn dặm con người phải đi để trở về cùng Thượng đế; đó cũng chính là một chương trình hoạt động vĩ đại mà Trời đã ủy thác cho con người thực hiện, trước khi vào an nghỉ tại Trung cung…

Theo đà thời gian, con người sẽ phát huy dần dà hết mọi nguồn năng lực, và cuối cùng sẽ biết sử dụng thần lực của mình. Theo đà thời gian, con người sẽ trừ khử được mọi sự ngộ nhận về thân thế mình, và cuối cùng đến lúc chung cuộc sẽ nhận biết mình là ai, nghĩa là sẽ nhìn nhận ra bản thể tối hậu của mình, sự trường tồn vĩnh cửu của mình trong Thượng đế…[45]

 

III. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN TRONG KHOA KIẾN TRÚC VÀ MỸ THUẬT

Mới đầu người xưa thường cho những danh sơn, cao sơn là trung tâm điểm vũ trụ, là nơi mà trục hoàn võ xuyên qua trái đất, nơi đất trời gặp gỡ, nơi mà những người hiền lương nhờ ảnh hưởng trời đất giao hội có thể trở thành hiền thánh. Đó là những danh sơn, cao sơn như Côn Lôn, Phú Sĩ, Elbrouz, Thabor, hay Olympe.

Nhưng dần dà, các đền đài miếu mạo lớn, những công trình kiến trúc lớn cũng được coi là trung tâm điểm vũ trụ như đền thờ Jérusalem Kim tự tháp, v.v.[46]

Các nhà khảo cổ quan sát các đền thờ, các thành thánh xưa (ví dụ như Angkor-Thom) đã nhận thấy rằng khi xây cất các công trình vĩ đại ấy, cổ nhân muốn lấy gỗ, đá, để xây lại một vũ trụ nhỏ, cho nên trung cung bao giờ cũng dành để thờ đấng Tối cao, còn bên ngoài hoặc là trạm trổ tiên thánh, quần sinh, hoặc là có thành quách bao bọc, tượng trưng cho núi non hào lạch, tượng trưng cho sông biển.

Con người muốn đi vào Trung cung, muốn lên cho tới thần minh sẽ phải lướt thắng các trở ngại, sẽ phải đi quanh quất, tiến tới mãi lên chứ không phải là chuyện dễ…[47]

Tâm điểm vòng tròn với những ẩn ý sâu xa của nó (Hóa công và hoàn võ)[48] còn là đề tài cho nhiều công trình kiến trúc, hay đền đài miếu mạo.

Chính điện trong khu đền Bayon ở Angkor Thom là hình một Pháp luân lớn có tám tai hoa tỏa ra tám hướng như bông sen tám cánh, như bát chính đạo, ở giữa có Chuyển luân Thánh vương.[49]

Ở Ấn Độ, các di tích bằng đá xếp vòng tròn, còn được thấy ở nhiều nơi. Di tích cổ nhất có lẽ là ở Dipaldiana.[50]

Trong những cổ tích của đạo Druidisme, ta cũng thấy nhiều tảng đá khổng lồ xếp thành vòng tròn như ở Stonehenge, và Avebury.[51]

Các đền thờ Druide cũng xếp theo hình tròn, trung tâm lại có một tảng đá lớn, chắc chắn là tượng trưng cho đấng Tối Cao (di tích Y Crom lech ở Pembroshire hay di tích ở gần Keswich trong vùng Cumberland nước Anh).

Đối với các dân miền Na Uy, Thụy Điển thì đến thờ thần Odin gồm có 12 tòa xếp vòng tròn, dành cho mười hai vị thần chính, và một chính tòa ở Trung cung dành cho chúa thần Odin. Những cổ tích này còn thấy ở Scania, Zeland, Jutland…[52]

Thật là:

    Một trời bát ngát trăng sao,

Vần xoay âu cũng nương vào Trung cung.

    Sen kia nghìn cánh nở tung,

Nhưng mà gốc gác vẫn cùng một tâm.[53]

Khảo sát các truyền thuyết Do Thái,[54] Công giáo,[55] Ba tư,[56] Atlande[57] hay Hi lạp,[58] Ấn Độ [59] ta đều thấy cây trường sinh hay núi hạnh phúc ở trung tâm một khu vườn huyền diệu có bốn con sông chảy vào.

Áp dụng những truyền thuyết này vào công cuộc khảo cứu con người, ta thấy rằng ở trung tâm não bộ, phía mặt dưới, có vòng Willis với bốn động mạch phát ra tứ phía não bộ.

Nếu đúng vậy, thì cây trường sinh hay nguồn hạnh phúc chẳng phải ở Doanh Châu, Phương Trượng mà đã ở sẵn ngay trong đầu não con người…[60]

 

IV. TÂM ĐIỂM VÀ VÒNG TRÒN VỚI BÍ QUYẾT TÌM ĐẠO TÌM TRỜI

Chúng ta đã cùng nhau dùng thần trí đi chu du khắp hoàn võ, chúng ta đã cùng nhau rong ruổi trên triền không gian, thời gian của ngót sáu ngàn năm lịch sử nhân loại, đã bao quát các học thuyết đông tây, đã dùng Tâm điểm và Vòng tròn làm chìa khóa mở kho tàng tư tưởng các hiền nhân, quân tử mọi nơi mọi đời, chúng ta cần phải thâu lượm được một kết quả gì cụ thể và hữu ích.

Kết quả ấy là bí quyết tìm Đạo, tìm Trời của người xưa.

Cổ nhân đã lao tâm khổ tứ vẽ các tượng hình, xây các miếu mạo có dụng tâm, dụng ý như trên, cốt là để chỉ vẽ cho ta con đường trở về căn nguyên, con đường “Hoàn nguyên phản bản”.

Học thuyết nào cũng dạy ta tìm ra tâm điểm, trung điểm tức là tìm ra Tuyệt đối Thể, tìm cho ra Chân, Thiện, Mỹ, tìm cho ra Trời ẩn áo trong đáy lòng vũ trụ và lòng người.

Trở về trung điểm là giải thoát, vì tâm điểm tượng trưng cho tự do, khinh khoát còn vòng chu luân tượng trưng cho nghiệp chướng, cho sự thằng thúc, sự chi phối.

Trở về Trung điểm tức là tìm ra được nguồn mạch trường sinh.

Thông Thiên học vẽ dấu hiệu chữ thập Ankh ở trung điểm, có ấn tín vua Salomon (Âm Dương thác tống) và con chu xà Ouroboros bao quanh (thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy) cũng không ngoài ý đó, vì chữ thập Ankh tượng trưng cho sự sống.[61]

Theo Le Livre des Morts của Ai Cập thì trở về Trung Cung, Trung điểm là kết hợp với thần Osiris, là phục sinh, đó là lên núi thánh Ament, nơi thần Osiris ngự trị ở Trung Cung, Trung điểm của hoàn võ.

Trở về Trung điểm là đạt đạo Trung dung, là đắc đạo, là Phối Thiên.

Pho kinh Dịch viết ra cũng không ngoài mục đích cao cả ấy, vì Kinh Dịch cốt chỉ vẽ cho nhân loại đường lối trở về cùng Thượng đế.[62]

Tóm lại nếu ta thực tình có thiện tâm, thiện chí, muốn tìm đạo, tìm Trời, chúng ta phải đi vào nội tâm để mà tìm kiếm. Trời không phải là chuyện bán mua, quảng cáo nơi ngã ba đầu chợ;[63] nước Trời chẳng có đến rộn rã trong rước sách, trống chiêng, mà đến âm thầm, mà đã ẩn tàng ngay trong hồn ta.[64]

Vậy muốn tìm ra chân sư [65] bày tỏ cho mình các lẽ huyền vi, chỉ giáo cho mình phương pháp tu luyện trường sinh bất tử, ta phải như Tề Thiên Đại Thánh tìm về Phương Thốn Sơn, tìm tới Tà Nguyệt Tam Tinh động, mà Phương Thốn Sơn chính là «tấc lòng» ta, mà «Tà Nguyệt Tam Tinh động» chính là Tâm ta viết bằng «Nửa vành trăng khuyết và Ba sao giữa trời».

Đi vào nội tâm, gạt cho hết mây mù dục vọng tăm tối, không sờn lòng, không lui gót, theo gương các hiền thánh muôn đời tiến bước, chắc chắn chúng ta sẽ thấy Trời hiện ra rực rỡ giữa tâm hồn ta.[66] Khi ta đạt được mục phiêu cao diệu ấy, ta cũng tự nhiên thấy thánh hiền sau trước chẳng hề có nói sai ngoa… Các Thánh kinh trong thế giới thực ra cũng không có bí quyết gì cao diệu hơn.


CHÚ THÍCH

[1] René Guénon, Le Roi du monde, p. 18, 19, 20. – Sénard, Le Zodiaque, p. 10 et ss. – Dr R. allendy, Le Symbolisme des Nombres, p. 16, 17.

[2] The Signet of Zoroaster… the Point within the Circle… as the Beginning and the End, the Cause and Effect, the Principle of Life and Action which pervades, animates and governs the universe. (The New Age Magazine, March 1964, p. 39-40).

[3] Cf. Point within a circle (Mackey’s revised Encyclopedia, vol. II, t. 187).

[4] Avant la création, disent les textes védantins, il n’y avait rien que Brahman, l’être pur, le non-manifesté, l’indifférencié, Mahâ Bindu, le Point Suprême, Énergie-Conscience-Potentialité. Afin de nous donner une idée du Premier Principe, car nos facultés imparfaites ne nous permettent pas de concervoir métaphysique sans grandeur, ni position. Du Point Suprême il est dit qu’il est «La Source de toutes les directions de la Création…»

Ce point peut être assimilé au Centre du Zodiaque d’où émanent ses douze rayons en directions des douze signes.

Il peut être comparé au Vide du Véda (Shunya) qui n’a aucune forme tant qu’il n’est pas encerclé par la Mâyâ (A. Avalon) ou encore au Rien de J. Boehme… Cf. Mr Sénard, Le Zodiaque, Clef de l’Ontologie appliqué à la psychologie, p. 10.

[5] Sénard, Le Zodiaque, p. 36.

[6] Ce «séjour de Brahma» est véritablement le point central, tant dans l’ordre cosmique que dans l’ordre humain, tandis que tout ce qui est de la manifestation et surtout de la manifestation formelle, est extérieur et «périphérique», si l’on peut s’exprimer ainsi, appartenant exclusivement à la circonférence de la «roue des choses». (René Guénon, L’homme et son dévenir selon le Védanta, p. 96).

[7] René Guénon, Le roi du monde, p. 19. – C. G. Jung, Psychology and alchemy, p. 171.

[8] Tâm điểm, hay bản thể được gọi bằng nhiều danh hiệu trong khoa luyện đan Âu châu, xin đan cử ít nhiều danh từ: Mercurius, Prima Materia (Nguyên thể), Archétype of the divine child (Hóa Nhi); Anthropos (chân nhân), Hermès, philosophical gold (Kim đơn), Quintessence (Tinh), Unum, Unica res, Monad (Nhất), Rebis (Thái cực), The drug of immortality (thuốc trường sinh) v.v…

(Cf. C. G. Jung, Psychology and Alchemy, đoạn The Materia prima, từ tr. 304 đến 331).

[9] Ib. hình 8 tr. 47

[10] Ib. hình 20 tr. 62

[11] Ib. hình 23 tr. 65

[12] Hình 25 tr. 69

[13] Hình 31 tr. 79

[14] Hình 51, tr. 104

[15] Hình 112, tr. 214

[16] I may define «self» as the totality of the conscious and unconscious psyche, but this totality transcends our vision, it is a veritable lapis invisibilitatis. (C.G. Jung, Psychology and Alchemy, p. 172).

… Unless everything deceives us, they (the mandala) signify nothing less than a psychic center of the personality not to be identified with the ego. (Ib. p. 97).

[17] The circumambulatio means as always concentration on the center (Psychology and Alchemy, p. 180).

… Rota or opus circumlatorium which serves the same purpose of sublimation. (Ib. 365).

[18] Rex ex qua sunt res, est Deus invisibilis et immobilis (That from which things arise is the invisible and immovable God) (C. G. Jung, Psychology and Alchemy, p. 309).

[19] Transmutemini in vivos lapides philosophicos (Transform yourselves into living philosophical stones) Ib. p. 141.

[20] Presumably the leftward circumambulation … is one of those paths to the center of the non-ego, which were also trodden by the mediaval investigators when producing the lapis. Ib. p. 122.

[21] Bánh xe là một tượng hình quan trọng trong các học thuyết vì nó có nhiều ngụ ý:

1/ Nó chỉ sự biến động, biến dịch.

2/ Nó chỉ sự tuần hoàn.

3/ Nó ám chỉ sự Trời xuống với người, người lên với Trời.„ Nó ám chỉ các đức tính trung kiên, tùng phục, tiết độ, bình thản, khiêm cung cần thiết cho công phu tu luyện v.v… (Jung, Psychology and Alchemy, p. 157-158).

[22] Eyrel, Les Origines de la Genèse, p. 128. – René Guenon, Le Roi du Monde, p. 21.

[23] Ib. 208.

[24] Cf. La Caballe (Papus), tr. 94.

[25] A. Volguine, l’Ésotérisme de l’Astrologie tr. 139. – Mystique tibétaine, tr. 337 và tiếp theo.

[26] Vô minh (Hình người đàn bà mù rờ rẫm).

[27] Hành (Hình thợ gốm).

[28] Thức (Hình khỉ leo cành).

[29] Danh sắc (Hình hai người ở chung một thuyền).

[30] Lục nhập (Hình sáu cửa sổ một căn nhà).

[31] Xúc (Hình cặp tình nhân nhìn nhau say đắm).

[32] Thụ (Hình người bị tên bắn vào mắt).

[33] Ái (Hình người uống rượu có đàn bà chuốc mời).

[34] Thủ (Hình người hái quả).

[35] Hữu (Hình 2 người giao hoan).

[36] Sinh (Hình người sinh nở).

[37] Lão tử (già và chết: Hình người mang xác chết trên vai).

Cf. Les fondements de la mystique tibétaine, p. 333)

[38] La Roue est un symbole du monde: la circonférence représente la manifestation produite par les rayons émanés du centre.

Régénération, réalisation de l’harmonie universelle, l’Évolution et le Karma sont les interprétations que l’on ne saurait éviter, surtout si l’on considère les deux figures, l’une préparée par les successions d’existence conscientes et raisonnées, est l’Élu, celui qui approche du terme de l’élevation finale; l’autre encore près de la matière attachée par tous les biens terrestres, échoue et devra recommencer, ce sera pour elle l’obligation de rentrer dans le cycle. L’image de la Roue du samsara s’impose: du sein de ce tournoiement surgit l’espoir de l’être purifié qui s’élève en Brahman et y demeure …

Pour la théologie chrétienne, Dieu est au centre.

Jean Chabosseau, Le Tarot, Essai d’interprétation selon les Principes de l’Hermétisme, p. 62.

[39] Svestasvatara Upanishad 1-6; 6-1. - Brih. 6.2, 15-16. - Chand. 5.10. - G. Bhagavad Gita 8. 24-26.

[40] C’est ce centre du monde en effet qu’occupe l’Embryon d’Or, Hiranyagarbha, figuration potentielle de toutes les possibilités, origine des expansions, foyer de rayonnement. Il est aussi ‘l’Hôte intérieur” qui a son siège dans la caverne de ton coeur dont parle Shankarâchârya. Et parce qu’il n’est pas différent d’Agni «Sache, dit le Katha Upanishad, que cet Agni qui est le fondement du monde éternel et par lequel celui-ci peut être atteint est caché dans la caverne (du coeur). (Pierre Grison, Angkor ou l’univers manifesté, France Asie, No 114-115, p. 357).

[41] Chandogya 8. 6-6.

[42] Mundaka Up. 2. 2-6.

[43] C. G. Jung, Psychology and Alchemy, p. 157.

[44] The Sidpe-Korlo or World Wheel represents the course of human experience in its various forms as conceived by the Buddhists…

… The mandalas (the ritual of magic circles) used in ceremonial are of great significance because their centers usually contains one of the highest religious figures: either Shiva himself - often in the embrace of Shakti - or Buddha, Amitabha, Avaloki-teshvara or one of the great Mahayana teachers or simple the dorje, symbol of all the divine forces together, whether creative or destructive in nature.

The text of the Golden Flower, a product of Taoist syncretism, specifies, in addition, certain “Alchemical” properties of this Center after the manner of the Lapis and the Elixir vitae…

C. G. Jung, Psychology and Alchemy, p. 93-94-95.

[45] En toi, mon Dieu, j’aurai ma solidité, ma fixité, mon être définitif. (Saint Augustin).

[46] Pierre Grison, Angkor ou l’univers manifesté, France-Asie, No 114-115, p. 357

Mircéa Eliade, Traité d’Histoire des Religions, p. 315.

[47] France Asie, No 114-115 p. 341 et ss.

[48] The New Age Magazine, March 1964, Vol. LXXII, No 3, p. 39-40.

[49] France Asie, No 114-115, p. 356 et ss.

[50] Point within a circle. Mackey’s revised encyclopedia, II, p. 787.

[51] Point within a circle. Mackey’s revised encyclopedia, II, p. 787.

[52]Point within a circle, Mackey’s revised encyclopedia, II, p. 787.

Léon Sprink, L’Art sacré en Occident et en Orient, p. 28.

[53] Nhất thiên tinh đẩu, vận dụng chỉ tại trung ương. Thiên biện liên hoa, căn để sinh ư điểm trích. 一 天 星 斗 運 用 只 在 中 央. 鼭 千 瓣 蓮 花 根 蒂 生 於 點 滴. Huyền không bí chỉ.

[54] Genèse 2, 8-14.

[55] Apocalypse de Saint Jean 22, 1-2.

[56] L’Âme de l’Iran (Edition Albin Michel) p. 97.

[57] Louis Chochod, Occultisme et Magie en Extrême Orient, p. 88.

[58] Mircéa Eliade, Traité d’Histoire des Religions, p. 248.

[59] Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme, p. 163.

[60] C. G. Jung, Psychology and Alchemy, p. 124, 148, 127, 187.

[61] Cf. Sciences occultes (Phillipe Encausse) tr. 106.

Crux ansata, Mackey’s revised encyclopedia, q. I.

[62] Dịch chi vi thư, giáo nhân hồi Thiên chi đại kinh đại pháp dã. 易 之 為 書, 教 人 回 天 之 大 經 大 法 也. Thái Cực quyền bổng đồ thuyết, tr. 52.

[63] Cf. Phúc Âm Matthieu VI, I-18, VII, 6, 13, 21, 22, 23.

[64] Cf. Phúc Âm Luc XVII 20, 21.

[65] Thiên thánh giai quá ảnh, lương tri nãi ngô sư. 千 聖 皆  過 影, 良 知 乃 吾 師. Wang Tch’ang Tche, Wang Yang Ming, appendice I.

[66] «Comme l’ont bien vu les bouddhistes, nous peavons descendre jusqu’au fond de nous-mêmes par tous les échelons de l’introspection sans rencontrer autre chose qu’un élément fluide, volatil et inconsistant, le mouvement qui va de la puissance à l’acte, jusque nous mettions la main sur l’être même, sur cette image agissante de Dieu en nous qui est substance, cause, esprit et vie, et que les Livres saints appellent essentiellement firmamentum. Dieu, nous dit le livre des Rois, a été fait mon firmament…»

Paul Claudel, Sur la présence de Dieu, 1932, p.23.

Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme, p. 152.

(Bị chú: các tài liệu trong chương này đều rút từ bộ Trung Dung Tân khảo của tác giả, nơi chương XV).


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo