HƯỚNG TINH THẦN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo

chương 8

ĐI TÌM ÍT NHIỀU NGUYÊN TẮC ĐỂ LÀM TIÊU CHUẨN CHÂN LÝ

 

A. BA QUAN NIỆM ÂU CHÂU VỀ CHÂN LÝ VÀ TIÊU CHUẨN CHÂN LÝ

B. THẾ NÀO LÀ CHÂN LÝ

C. NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐOÁN ĐỊNH CHÂN LÝ

D. HỆ QUẢ 

 

Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Jésus và Ponce Pilate, Pilate đã nói một câu bất hủ: «Đâu là chân lý?» Nó bất hủ vì nói lên sự băn khoăn, thắc mắc của con người muốn đi tìm chân lý mà không biết đâu là chân lý, và thế nào là chân lý. (Jean, 18, 38).

Cái gì là chân lý? Và cũng một điều mà tùy thời, tùy nơi, tùy người, tùy đoàn thể được coi là chân lý, nhưng đối với những nơi khác, những thời khác, những người khác, những đoàn thể khác thì lại bị coi là tà thuyết.

Pascal đã phải nói: «Bên này Pyrénées là Chân lý, bên kia là lầm lạc.» (Pascal, Les Pensées, V, 294).

Chúng ta không muốn đi tìm những chân lý tạm bợ, mà muốn đi tìm cho ra những chân lý vĩnh cửu, những chân lý thực sự có thể giải phóng con người (Jean 8, 23), làm «tung tỏa trong con người một nguồn sống siêu nhiên.» (Jean 7, 38).

Đặt vấn đề chân lý, tức là mặc nhiên đặt vấn đề cá nhân và đoàn thể xã hội.

Vấn đề tiên quyết được đặt ra là: Cá nhân có quyền định đoạt thế nào là chân lý? Hay chỉ xã hội, đoàn thể mới có quyền định đoạt về chân lý?

Thiên Chúa giáo không cho cá nhân quyền định đoạt về chân lý. Chân lý, giáo lý hoàn toàn do giáo hội quyết định qua trung gian các vị giáo hoàng, hay các công đồng. Cá nhân nào không tuân phục những giáo lý (dogme), sẽ bị coi là kẻ phản đạo.

Các đạo giáo Á đông lại thiên về phía cá nhân, cho cá nhân được toàn quyền định đoạt về chân lý.

Phật nói trong kinh Kalamasutra: «Đừng nên vội tin những lời đồn thổi, những lời truyền tụng lưu lại tự thời cổ, những phong thanh, những lý lẽ, những suy luận hữu lý, những hình thức bên ngoài, những dư luận trào lưu đang được sùng thượng, những giả thuyết, những ức đoán và cũng đừng tin vì thế giá ta là sư phụ. Nhưng nếu kinh nghiệm bản thân chư vị thấy điều chi là xấu, điều chi làm cho chư vị tần phiền khổ cực, thì hãy vứt bỏ nó đi, còn nếu chư vị thấy điều nào hay và hoàn toàn không chê trách được, và sẽ đem lại cho chư vị thảnh thơi giải thoát thì chư vị hãy đem thực thi áp dụng.» [1]

Vương Dương Minh cũng dạy phải lấy lương tâm, lương tri mình làm đuốc sáng soi cho mình, phải trọng lương tâm, lương tri mình hơn mọi sách vở, mọi truyền thống.

«Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,

Tâm ta mới thực chính thầy ta.» [2]

Trong các triết gia Âu châu người thì thiên về cá nhân (singularism), người thì thiên về xã hội.

Sorokin phân tách thành 6 khuynh hướng như sau:

1. Có phái chủ trương cá nhân là trọng, xã hội là khinh (Pure individualism). Cá nhân mới là thực thể, mới là nguồn gốc mọi giá trị, mới là cao trọng, còn xã hội là tùy thuộc vì xã hội cốt là để phục vụ cá nhân, bảo vệ sinh mạng và chu toàn hạnh phúc cá nhân. Trong số các triết gia có chủ trương trên ta thấy có Épicure, Diogène, Rousseau, Diderot, Nietzche, Tolstoð, Prudhon, v.v.

2. Nhiều triết gia khác, trong số có Marx, Engels, Campanelle, Fénélon, v.v. chủ trương cá nhân tuy là trọng, nhưng xã hội cũng chẳng phải là khinh (Moderate sociological singularism).

3. Tiến xa hơn một bước nữa là những triết gia, trong số có Socrate, Démocrite, Empédocle, Xénophon, Montesquieu, Voltaire, A. Smith, Tom Paine, Malthus, Darwin, Freud, v.v. chủ trương cá nhân tuy là vẫn có giá trị, nhưng xã hội dĩ nhiên là trọng hơn (Collectivistic sociological singularism). Cho nên phải nghĩ đến quyền lợi, hạnh phúc của đoàn thể, của đại đa số trước, rồi mới đến quyền lợi hạnh phúc cá nhân sau.

4. Phái xã hội ôn hòa trong đó có các triết gia như Pythagore, Aristote, Roger Bacon, Duns Scot, Kant, Schiller, Fichte, Virgile, Pascal, Calvin, Spinoza, v.v. chủ trương xã hội tuy trọng hơn cá nhân, nhưng vẫn công nhận cá nhân có giá trị (Moderate sociological universalism).

5. Phái quá khích nhất cho rằng xã hội mới là trọng, còn cá nhân riêng nó chẳng có giá trị gì (Universalism). Ít nhiều triết gia có chủ trương này: Aximandre, Platon, Parménide, Tertullien, Augustin, Alseme, Grégoire VII, Albert le Grand, Thomas d’Aquin, Dante, Luther, Dostoesky, v.v.

6. Cuối cùng ta thấy có một chủ trương dung hoà (Sociological mystic integralism) cho rằng xã hội, cá nhân là hai chiều, hai mặt của một thực thể, không có chuyện bên nào kinh, bên nào trọng, hay bên nào làm công cụ cho bên nào, mà phải hỗ tương, liên kết. Ít nhiều triết gia có chủ trương trên: Cicéron, Sénèque, Plutarque, Plotin, Origène, Jean Chrysostome, Bernard de Clairveaux, François d’Assise, Nicolas de Cuse v.v… [3]

Sau khi đã trình bày xong các tư tưởng dị biệt về giá trị cá nhân, và xã hội đoàn thể, chúng ta sẽ khảo sát tiếp thêm xem:

– Đâu là chân lý.

– Lấy gì làm tiêu chuẩn chân lý.

 

A. BA QUAN NIỆM ÂU CHÂU VỀ CHÂN LÝ VÀ TIÊU CHUẨN CHÂN LÝ

Trước khi trình bày những nhận định riêng tư, ta hãy duyệt qua những nhận định của Sorokin.

Sorokin cho rằng ở Âu châu từ trước tới nay có ba chủ trương chính về chân lý.

a. Chủ trương siêu thực (Ideational truth of faith) lấy tín ngưỡng làm công cụ để đi tìm chân lý.

Chủ trương này chú trọng đến các vấn đề siêu nhiên, siêu lý như Thượng đế, quỉ thần, thần, hồn, trường sinh bất tử, sự cứu rỗi, tội khiên, cứu chuộc, sự sống lại, thiên đàng, luyện ngục, địa ngục, v.v.

Chủ trương này cho rằng chỉ những gì siêu hình mới là thực, là quan hệ, còn các hiện tượng hữu hình, thực tiễn là thứ yếu, tùy thuộc, và chỉ là những biểu tượng những hình ảnh của thế giới vô hình. Thần học là môn học quan trọng nhất.[4]

Tiêu chuẩn chân lý của chủ trương này là thánh kinh. Muốn chứng minh một điều gì là chân lý, phải chứng minh đó là phù hợp với một câu thánh kinh nào.

Lý trí và giác quan chỉ đóng vai trò phụ thuộc, và chỉ được phép hoạt động khi không đi ngược lại đường lối thánh kinh.[5]

b. Chủ trương cứ thực, lấy giác quan, kinh nghiệm làm công cụ để đi tìm chân lý.

Chủ trương này ngược lại hẳn với chủ trương trên, vì chỉ chú trọng đến thế giới hữu hình và cho rằng chỉ những gì hữu hình, hữu tướng mới có thể quan sát, khảo nghiệm được và mới là chân thực.

Cái gì thuộc về vô hình vô tướng đều bị coi là hư ảo, phụ thuộc, không quan hệ.

Muốn đi tìm chân lý, trước hết phải căn cứ vào sự việc, vào giác quan, vào sự khảo nghiệm, sau đó phải dùng lý trí, suy luận, tính toán, so sánh.

Bất kỳ một khám phá nào cũng chỉ được chấp nhận tạm thời, như là một giả thuyết và chỉ được coi là chân lý, khi nào đã được khảo nghiệm là phù hợp với thực tại. Giả thuyết đi ngược với thực tại đương nhiên bị bác bỏ. Thánh kinh, mặc khải là những chuyện dị đoan mê tín.[6]

c. Chủ trương dung hoà: Lấy lý trí làm công cụ chính để đi tìm chân lý.

Chủ trương thứ ba là chủ trương dung hoà, coi siêu nhiên hay thực tại đều đáng được khảo sát, nghiên cứu. Người ta không quá trọng cũng không quá khinh thế giới hữu hình. Những kiến thức về hoàn cảnh thực tại vẫn được trọng dụng, và được coi như là một thành phần trong toàn bộ kiến văn.

Người ta quan niệm rằng lý trí và suy luận nếu có phương pháp hẳn hoi, có căn bản vững chãi, nếu sự suy diễn có lý sự, thì có thể đạt tới thực thể bản nguyên của vũ trụ.[7]

Chân lý trước tiên phải là điều phù hợp với lý trí. Tuy nhiên vẫn có thể dùng kinh nghiệm giác quan, và thánh kinh để giảo nghiệm.[8]

Chủ trương này có liên lạc chẳng nhiều thì ít đến những môn phái triết học sau đây:

– Phái Kinh viện thời Trung cổ (Scolastique)

– Phái huyền học (Mysticisme)

– Phái duy tín (Fidéisme)

– Phái duy lý (Rationalisme)

– Phái hoài nghi hoặc hoàn toàn (Scepticisme) hoặc có giới hạn (Critico– scepticisme; Agnosticisme) về sự nhận thức của con người.

– Phái duy nghiệm (Empirisme)[9]

Sau khi đã trình bày sơ lược những nhận định của Sorokin về chân lý và tiêu chuẩn chân lý, chúng ta đóng góp thêm ít nhiều ý kiến riêng tư về hai vấn đề nói trên.

 

B. THẾ NÀO LÀ CHÂN LÝ

Muốn hiểu rõ thế nào là chân lý, ta phải phân tách hai phương diện:

– Phương diện thực tại

– Những nhận xét của con người về thực tại.

Sau đó chúng ta nhận định rằng chỉ những nhận xét nào về thực tại mà phù hợp với thực tại mới được coi là chân lý.

Phân tích và nhận xét như vậy, ta mới biết đường khảo sát về chân lý.

a) Thực tại:

Trước tiên là thực tại. Thực tại có nhiều khía cạnh nhiều bình diện khác nhau.

– Bình diện siêu nhiên, gồm các vấn đề tâm linh, siêu hình.

– Bình diện nhân sinh gồm các vấn đề tâm lý chính trị, xã hội, nhân sự.

– Bình diện vật chất, ngoại cảnh.

Ba bình diện ấy có thể phân loại theo từ ngữ Dịch kinh thành:

– Thiên đạo

– Nhân đạo

– Vật đạo.

Mỗi bình diện ấy tương ứng với một bình diện trong con người.

– Bình diện siêu nhiên tương ứng với tâm linh con người (esprit)

– Bình diện nhân sinh, nhân sự tương ứng với bình diện tâm trí con người (Psyché et raison).

– Bình diện ngoại cảnh vật chất tương ứng với hình hàim giác quan con người.

b) Quan năng để khảo sát thực tại:

Để nhận xét về các vấn đề của mỗi bình diện, con người lại dùng những quan năng khác nhau.

– Dùng tuệ giác, trực giác để nhận thức về các vấn đề siêu nhiên.

– Dùng lý trí để nhận thức về các vấn đề nhân sinh, nhân sự.

– Dùng giác quan để quan sát, nhận thức về ngoại cảnh hữu hình.

c) Phương pháp kiểm chứng nhận thức:

Để kiểm chứng xem các nhận thức ta có phù hợp với thực tại hay không, ta dùng những phương pháp khác nhau:

– So sánh các nhận định về siêu hình của thánh hiền mọi nơi mọi đời, nghiên cứu đối chiếu các thánh thư các đạo giáo, dùng trực giác mình để nhận định và phối kiểm.

– So sánh các ý kiến của các danh nhân, danh sĩ trong lịch sử, để khảo nghiệm về các vấn đề nhân sinh, nhân sự, tâm lý, xã hội; suy luận, phán đoán để kiểm chân.

– Áp dụng các phương pháp quan sát, thí nghiệm, lập luận của khoa học ngày nay để nghiên cứu các vấn đề vật chất, ngoại cảnh, hữu hình.

Giác quan không thay được lý trí; lý trí không thay được trực giác. Ngược lại trực giác vẫn có thể hỗ trợ lý trí và giác quan; lý trí vẫn cần thiết để suy toán các vấn đề ngoại cảnh và vật chất.

Nói cách khác, muông thú có giác quan, nhưng không có mấy lý trí, nên không suy luận tìm hiểu được những điều khó khăn, phức tạp, sâu xa. Phàm nhân không có tuệ giác, trực giác, nên không thấu đáo được các vấn đề siêu nhiên, siêu hình, nên đành dắm mắt tin theo các bậc thánh hiền, các vị lãnh đạo. Tuy nhiên trong sự thừa nhận ấy họ đã làm mất mát rất nhiều tinh hoa, tinh túy của thánh hiền.

– Mỗi loại vấn đề đều có những quan năng riêng, công cụ riêng để khảo cứu, nhận thức, đều có những phương pháp riêng để giảo nghiệm xem những điều tìm ra được đúng hay là sai.

– Bất kỳ một vấn đề gì mà không phù hợp với thực thể siêu nhiên, hoặc nhân sinh, nhân thế, hoặc ngoại cảnh vật chất, đều bị gạt bỏ, vì không phải là chân lý đích thực.

– Nhờ tìm ra được những quan năng, những công cụ để đi tìm chân lý nhờ có những phương pháp, những tiêu chuẩn chính xác để đoán định chân lý, ta thấy thực ra có hai loại chân lý:

– Một loại chân lý tự nhiên, phù hợp với thực tại.

– Một loại chân lý qui ước, nhân tạo, tuy không phù hợp với thực tại, nhưng nhờ thế lực, uy quyền, nhờ tuyên truyền, giáo dục, nhờ tập quán, nhờ truyền thống đã được từng phương từng miền coi là chân lý. Theo đà thời gian, lịch sử, những chân lý qui ước sẽ lần lượt bị thay thế bởi những chân lý tự nhiên, phổ quát đại đồng.

 

C. NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐOÁN ĐỊNH CHÂN LÝ

Như trên đã nói có ba loại vấn đề để nhận thức:

– Vấn đề siêu nhiên, tức là thiên lý, thiên đạo.

– Vấn đề tâm lý, nhân sinh, nhân sự, tức là nhân đạo.

– Vấn đề vật chất, ngoại cảnh, tức là vật lý, vật đạo.

Tâm linh ta, chân thần ta, vì sống trên bình diện siêu nhiên, nên yêu chuộng vấn đề siêu hình, vô hình, vô tướng.

Tâm linh, chân thân ta (esprit) có thể đạt được các vấn đề siêu nhiên, siêu hình bằng trực giác hay tuệ giác [10].

Tâm trí, thân xác ta sống trong các hoàn cảnh gia đình, quốc gia, xã hội, địa lý, vật chất, nên lưu tâm, lưu ý đến các vấn đề nhân sinh và vật chất. Để khảo sát các vấn đề này con người dùng:

– Lý trí (Raison)

– Giác quan (sens)

Tâm linh, chân thần của con người tuy luôn ở trong con người, nhưng nó tế vi, ẩn áo, linh diệu, nên ít người nhận chân ra được. Nó chính là siêu thức theo từ ngữ triết học hiện nay (Supraconscience). Cũng vì vậy mà xưa nay rất ít người liễu đạt được chân thần, chân tính của mình, rất ít người khai thông được tuệ giác.

Chỉ có một số ít thánh hiền trong thiên hạ mới thấu đáo được tâm linh, mới có tuệ giác, linh giác mà thôi.

Thánh hiền sau khi đã thấu triệt, đã nhận thức được về các vấn đề siêu hình, siêu nhiên, thường đem giảng dạy cho dân, hoặc viết thành sách vở lưu lại cho hậu thế kinh nghiệm quí báu của mình.

Người đời tuy không tự mình nhận thức ra được những vấn đề siêu hình, siêu nhiên, nhưng cũng lĩnh hội được chẳng ít thì nhiều, những điều giáo hóa của thánh hiền. Nhận thấy sách vở của các ngài cao siêu, hấp dẫn, nên thiên hạ suy tôn là thánh kinh và tin theo.[11] Vì thế mà phương nào cũng có thánh kinh của phương ấy.

Thường nhân cũng còn cho rằng những điều đã được ghi chép vượt quá tầm kích chúng nhân, tâm trí con người, cho nên cho rằng những điều đó đã được Trời mặc khải.[12]

Những nhận thức của thánh nhân theo đà thời gian càng ngày càng bị xuyên tạc, pha phách, thành thử những nhận thức về siêu hình mà ta thường cho là chân lý, đôi khi lại chẳng còn phù hợp với thực tại siêu hình nữa, nghĩa là không còn phải là chân lý nữa.

Muốn kiểm chứng lại chúng ta có thể dùng hai đường lối:

a. Dùng tuệ giác, nếu có, để kiểm điểm lại các vấn đề. Đó là phương pháp lý tưởng nhất.

Nhiều thánh hiền Đông Á, bất kỳ là Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo hay Khổng giáo, đều lấy chân tâm con người, lấy lương tri, chân thật, hoặc siêu thức con người làm công cụ chính yếu để nhận định về chân lý, để nhận thức về đạo lý, và các vấn đề tâm linh, siêu lý.

Các ngài dựa vào “tâm linh” mình để tìm cho ra chân lý, sách vở chỉ đóng vai trò thứ yếu, vì tâm linh có trước mọi thứ sách vở và sẽ bền vững hơn mọi thứ sách vở, vì tâm linh phổ quát đại đồng. Tâm linh xuất hiện từ khi con người mới có trên mặt địa cầu, và sẽ hiện diện mãi mãi bao lâu còn có con người. Tâm linh là sở hữu chung cho cả nhân loại, không phân biệt quốc gia, phương sở, không phân biệt sắc áo màu da.

b. Đường lối thứ hai chúng ta dùng để khảo nghiệm chân lý siêu hình, là so sánh tư tưởng, so sánh các lời giảng giáo của các thánh hiền mọi nơi mọi đời để tìm ra những điểm tương đồng, bởi vì đã là thánh hiền thì muôn đời sau trước đều chỉ có một chủ trương, một nhận định.

Mạnh tử viết: “Vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, sau dời về Phụ Hạ, thác ở Minh Điều, là người rợ miền Đông. Vua Văn sinh ở Kỳ châu, thác ở Tất Đỉnh, là người rợ miền Tây. Xét về không gian, các ngài cách nhau ngàn dặm, xét về thời gian các ngài cách nhau ngàn năm, nhưng khi đắc chí hành đạo ở Trung quốc thì lại phẫu hợp với nhau như hai thẻ tre chẻ ra từ một miếng. Tiên thánh, hậu thánh đều có một chủ trương đường lối như nhau vậy.” [13]

Lục Tượng Sơn nói: «Đông hải có thánh nhân xuất hiện, cái tâm ấy, cái lý ấy cũng giống nhau. Tây hải, Nam hải có thánh nhân xuất hiện, tâm ấy và lý ấy cũng như vậy. Thánh nhân của trăm nghìn đời trước hoặc trăm nghìn đời sau cũng một tâm ấy một lý ấy mà thôi.» [14]

Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tìm ra được chân lý siêu hình. Nếu chúng ta chỉ lệ thuộc vào một loại thánh kinh nào để rồi phi bác mọi thánh kinh khác, coi là lầm lạc trước khi khảo sát tận tường, thấu đáo thì chắc chắn chúng ta sẽ mắc bệnh thiển cận và rất dễ đi vào con đường độc đoán và lầm lạc.

Á Đông không chấp nhận một sách nào có thể dùng là tiêu chuẩn chân lý một cách tuyệt đối.

Mạnh tử viết: «Tận tín thư bất như vô thư.» 盡 信 書 不 如 無 書 (Cả tin vào sách thì chẳng bằng không có sách.)[15]

Âu châu hoàn toàn tin vào thánh kinh, như khi đoán định sách nào là thánh kinh thì lại không đồng ý với nhau.

Đạo Tin lành, trung thành với truyền thống Do Thái không chấp nhận những sách sau đây là thánh kinh:

Judith, Tobie, Macchabées I và II, Minh triết, Ecclésiastique (Sách Minh triết của Sirach), Baruch 1– 5, Baruch 6 (Thư của Jérémie), Daniel 13 (Suzanne), và Daniel 14 (Thần Bel và con rồng).[16]

Trái lại Công giáo công nhận những sách trên là thánh thư.

Như vậy sự đoán định về vấn đề sách Thánh cũng đã được dựa trên quyền uy và qui ước. Tóm lại:

– Chỉ có tâm linh mới liễu đạt được các vấn đề siêu linh, siêu lý, mới tìm ra được thiên đạo, thiên lý.

– Tâm trí cốt là để nhận thức về các vấn đề nhân sinh, thế sự.

– Giác quan cốt là để nhận thức về ngoại cảnh, hữu hình.

– Chỉ có thánh hiền mọi nơi mọi đời mới giác ngộ được tâm linh, mới có được tuệ giác, mới trực giác được các vấn đề siêu hình.

– Vì vậy mà hiện nay nhân loại chưa đồng ý với nhau về các vấn đề siêu hình, vì nhân loại phần đông chỉ có lý trí mà không có tuệ giác, chỉ suy luận mà không có trực giác.

– Muốn xác định những gì là chân lý siêu hình, chỉ có hai con đường:

a. Một là dùng tuệ giác, nếu có. Đó là một công chuyện rất khó thực hiện.

b. Hai là dùng phương pháp khảo sát đối chiếu các thánh kinh mọi dân mọi nước. Đó là một công việc tương đối dễ làm, nhưng ít ai chịu làm, hoặc dám làm.

– Bất kỳ một nhận định nào mà không phù hợp với thực tại, hoặc là siêu hình, hoặc nhân sinh, thế sự, hoặc ngoại cảnh, vật chất đều là những chân lý qui ước, trước sau cũng sẽ bị đào thải.

– Bổn phận con người là luôn luôn phải truy tầm, khảo sát, phân tách, bình nghị để biết thế nào là chân lý …

D. HỆ QUẢ

Sự đoán định về chân lý, cũng như những tiêu chuẩn chân lý, những công cụ, những đường lối truy tầm khảo nghiệm chân lý có liên lạc mật thiết đến cuộc đời chúng ta.

Ví dụ, nếu chúng ta chấp nhận rằng chân lý chỉ được mặc khải cho các thánh hiền đạo Công giáo mà thôi, chỉ có thánh kinh Công giáo mới có giá trị, thì ta khỏi cần phải nghiên cứu tìm hiểu các đạo giáo khác, đọc các thánh kinh khác, trái lại ta có bổn phận đả phá các đạo giáo khác, công kích các thánh thư khác. Đó là đường lối mà đã có rất nhiều người theo trên phương diện thực hành, và đã được các vị thừa sai triệt để áp dụng, trong khi đi truyền giáo ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ.[17]

Đó cũng là đường lối của cha Alexandre de Rhodes và những người giảng giáo Phúc Âm trong nước ta đầu tiên.[18]

Nhược bằng ta chủ trương chân lý không phải là của sở hữu của một phương nào, một đạo nào, thì có bổn phận phải khảo cứu các thánh kinh của mọi đạo giáo, học hỏi với các vị hiền thánh mọi nơi, mọi đời nhất là với các vị đã lập nên được những tôn giáo lớn, để tìm cho ra chân lý phổ quát đại đồng.

Chủ trương trên cũng làm cho chúng ta trở nên khoan dung, không tìm cách phỉ báng đả phá các đạo giáo khác; đó là thái độ của người Á đông, nhất là của những người Ấn Độ. Cũng vì vậy mà Á đông không có những vụ các đạo giáo bách hại tín ngưỡng, những chiến tranh tôn giáo như ở Âu Châu.[19]

Nếu ta chấp nhận rằng chân lý đã được mặc khải cho một số thánh nhân và sự mặc khải đã chấm dứt từ lâu rồi, thì ta có bổn phận chấp nhận tất cả những gì đã được coi là mặc khải, mà không còn phải gắng gỏi suy tư làm gì cho tốn công, vô ích.

Trái lại nếu ta chấp nhận con người có thể khai thông được tuệ giác và do đó sẽ trực giác được chân lý, sẽ có thể sống một cuộc đời thần tiên thánh thiện, thì ta có bổn phẩn phải cố công tu luyện, suy tư, định thần, định trí, để khai thông tuệ giác, giác ngộ tâm linh, và tự mình kiểm chứng xem đâu là chân lý, đâu là đạo giáo đích thực …


CHÚ THÍCH

[1] Xem Présence du Bouddhisme, tr. 245.

[2] Thiên thánh giai quá ảnh, Lương tri nãi ngô sư. (Wang Yang Ming).

[3] Cowell, History, Civilization and Culture, p. 88, 89.

[4] Cowell, History, Civilization and Culture, p.88 et ss.

[5] Cowell, History, Civilization and Culture, p.88 et ss.

[6] Cowell, History, Civilization and Culture, p.88 et ss.

[7] Cowell, History, Civilization and Culture, p.88 et ss.

[8] Cowell, History, Civilization and Culture, p.88 et ss.

[9] Cowell, History, Civilization and Culture, p. 95.

[10] Chữ tuệ giác hay trực giác có thể dịch là Intuition. Công dụng của nó cũng như chữ minh giác (illumination), thần ứng (inspiration), thiên khải (révélation).

[11] Vì thế Sorokin gọi loại chân lý này là chân lý tín ngưỡng; vì thế mà thánh kinh được dùng làm tiêu chuẩn đoán định về loại chân lý siêu nhiên.

[12] Vì thế mà người ta cho rằng loại chân lý này đã được Trời mặc khải.

[13] Mạnh Tử, Ly lâu chương cú hạ I.

[14] Bửu cầm, Tống Nho, tr. 172.

[15] Mạnh Tử, Ly lâu chương cú hạ, I.

[16] Cf. Bible de Jérusalem XI.

Apocryphes de l’Ancient testament: Ils comprennent 14 ouvrages qui parce qu’ils étaient écrits en grec non en hébreu, ne furent pas acceptés par les Juifs de Palestine; mais les docteurs qui préparèrent la version des Septantes les y inclurent, ainsi que St Jérôme dans sa Vulgate. En 1546 le Concile de Trente en reconnut Il comme valables (les seuls ouvrages rejétés étant les deux livres d’Esdras et la prières de Manassé) aux yeux des Catholiques. On les divise en: livres historiques: ler et 2è livres des Macchabées, ler livre d’Esdras (c’est le 3è livre d’Esdras dans la Vulgate) – livres légendaires: addition au livre d’Esther, Histoire de Suzanne, Chant des trois enfants saints, Bel et Dragon: Tobie, Judith: livres prophétiques: Baruch (y compris l’Épýtre de Jérémie), Prière de Manassé; livers apocalyptiques: second livre d’Esdras (le 4ème dans la Vulgate); livres didactiques: Ecclésiastique, la Sagesse de Salomon.

E. Royston Pike, Dictionnaire des Religions p.20, 21.

[17] Xem Bronislaw Malinowski, The Dynamics of Culture Change, 16.

[18] Võ Long Tê, Lịch sử văn học công giáo Việt Nam, tr. 255.

[19] L’Originalité des Cultures, p. 136, 137.


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo