HƯỚNG TINH THẦN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo

chương 4

CÁC TẦNG LỚP TRONG CON NGƯỜI VỚI

KHOA TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

 

Trong chương trước chúng ta đã bàn về quan niệm tam tài và lưỡng nguyên về con người. Chúng ta đã cho ta thấy một cách khái quát giá trị và ý nghĩa các đạo giáo.

Tuy nhiên, những hiện tượng đạo giáo đối với ta hãy còn hết sức phức tạp. Chúng ta phải tìm thêm ít nhiều tiêu chuẩn nữa để mọi sự trở nên sáng tỏ hơn.

Chúng ta sẽ phân tách con người thành nhiều bình diện hơn. Sự phân tách của chúng ta chỉ có mục đích nghiên cứu, tháo gỡ và phân loại các hiện tượng đạo giáo.

Sự phân tách con người thành ít hay nhiều bình diện cũng không thành vấn đề. Điều cần thiết là làm sao chúng ta trông nhìn được tinh tế, thấu triệt.

Xưa thánh Augustin cũng đã phân tâm hồn con người thành ra 7 tầng cấp. Hai tầng cấp đầu tiên giống như cây cỏ, muông thú. Tầng cấp thứ ba là tầng cấp con người. Trước khi lên đến tầng cấp thứ 7, là tầng cấp chiêm ngưỡng chân lý, hay là tầng cấp thánh thiên, tâm hồn con người phải thực hiện cả một cuộc hành trình qua tạo vật. Con người phải hoàn toàn trở thành con người bằng thần trí, rồi mới mong được hưởng sự bình yên và lạc thú thiên quốc.[1]

Như vậy, nếu nay chúng ta chia con người thành nhiều tầng lớp, để lấy đó là tiêu chuẩn, làm cứ địa mà khảo sát các đạo giáo, thì không có gì là trái lý cả.

Phân tách con người thành nhiều tầng lớp với những loại hiện tượng đạo giáo khác nhau, với những công dụng, những giá trị khác nhau, sẽ giúp ta mở rộng quan niệm chúng ta về con người.

Thiết tưởng không thể quan niệm một cách hẹp hòi rằng con người chỉ nguyên có hồn, có xác, mà phải quan niệm con người có đủ trời đất, người trong thân. Phía trong thì liên kết với Thượng đế, với thần linh, quốc gia, xã hội, hoàn cảnh, không gian và thời gian. Mọi biến cố bên trong hay bên ngoài con người đều có ảnh hưởng đến con người. Như vậy con người là tất cả.

Dựa vào Nho giáo, vào Dịch kinh và các học thuyết đông tây, ta có thể vẽ lại con người với các tầng lớp nó như sau:

NGƯỜI:

.Tính  (Logos)

.Khí    (Esprit)

.Tâm  (Psyché)

.Trí     (Mental)

.Xác    (Corps)

.Gia đình, hội (Famille, société)

.Hoàn cảnh vật chất, bách nghệ
(Milieu physique, métiers et arts)

Phân tách con người thành nhiều bình diện khác nhau, ta thấy ngay rằng đạo giáo cũng có nhiều bình diện, nhiều loại hiện tượng tương ứng với những bình diện ấy.

Ta cũng nhận định được rằng đạo giáo tuy là một nhưng vẫn có thể phân chia thành nhiều tầng cấp cao thấp, tinh thô hết sức khác nhau.

Vả lại ta cũng nhận định thêm được rằng đạo giáo không phải do một người sáng lập, mà do muôn ngàn người đã đóng góp công phu, trong số đó có đủ mọi hạng người, từ vị giáo chủ, cho tới các môn đệ, cho tới hàng giáo phẩm, cho tới các học giả, các văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ, cuối cùng là quần chúng. Vì thế dĩ nhiên là đạo có nhiều sắc thái, nhiều trình độ để có thể thích ứng với mọi hạng người. Phàm phu, tục tử một sớm một chiều cũng có thể theo đạo, hành đạo, mà thánh hiền để suốt đời tìm hiểu, vẫn thấy đạo là cao siêu, khó biết, khó theo.

Sự phân tích trên còn cho ta thấy đạo giáo nào cũng có những lễ nghi hình thức bên ngoài, cũng có một số giáo lý, cũng có những giới răn, giới luật, cũng muốn đem lại cho con người một đời sống thanh sảng, cũng muốn đưa con người đến chỗ rốt ráo, tinh hoa, trở thành thánh thần. Thế là trong cái khác nhau về hiện tượng, chúng ta đã tìm thấy cái giống nhau của khuôn khổ, của căn cơ.

Ít nhiều đồ bản sau đây giúp ta hiểu rõ hơn những điều vừa mới trình bày ở trên.

 

1. Tính (Logos)

2. Khí (Esprit)

3. Tâm (Psyché)

4. Trí (Mental)

5. Xác (Corps)

6. Gia đình, hội

(Famille et société)

7. Hoàn cảnh vật chất

(milieu physique)

 

1. Tính (Logos)

2. Khí (Esprit)

3. Tâm (Psyché)

4. Trí (Mental)

5. Xác (Corps)

6. Gia đình, hội

(Famille et société)

7. Hoàn cảnh vật chất (milieu physique)

 

1. Huyền đồng, phối Thiên (Mysticisme)

2. Đời sống nghệ thuật (Esthétique et grâce)

3. Luân giới luật

(Moral et ascèse)

4. Giáo (Dogme)

5. Lễ nghi, hình thức

(Rites, Cérémonies)

6. Đoàn thể đạo giáo

7. Nghề nghiệp tính chất tôn giáo (sách vở, ảnh tượng v.v.)

 

 

1

Tính

Huyền đồng

Thánh

Phật

2

Khí

Sống nghệ thuật

Hiền

Bồ tát

3

Tâm

Luân lý, giới luật

Quân tử

La hán

4

Trí

Giáo lý

Duyên giác

5

Xác

Lễ nghi

Phàm phu

Thanh văn

6

Gia đình xã hội

Đoàn thể đạo giáo

 

 

7

Hoàn cảnh

vật chất

Nghề nghiệp có
tính chất đạo giáo

 

 

 

Mỗi tầng lớp con người, mỗi một loại hiện tượng đều có thể thu hút cả đời sống con người, và tùy theo hoạt động ở bình diện nào, con người sẽ có một bộ mặt khác, một vai trò khác, một lề lối sống khác, một tầm mắt khác.

Cho nên ta đừng tưởng con người đều sống chung trong một thế giới, mà thực ra phải quan niệm họ sống trong nhiều thế giới khác nhau, có những tâm tư khác nhau, những sở thích khác nhau, những hoạt động khác nhau, tùy như họ đang sống trên bình diện nào, đang trút hết cả tâm thần ý chí vào loại hiện tượng nào.

Cũng vì thế mà mỗi đạo giáo đều có nhiều phương diện để thích ứng với mọi người.

Đối với phàm phu, tục tử, thì bày ra lễ nghi, chuông trống, đàn sáo, hương hoa bên ngoài. Cho hạng sĩ tử thì trưng ra một số lý thuyết, một số giáo lý, xếp đặt sao cho thành một hệ thống mạch lạc. Cho hạng người muốn tu tâm, thì đưa ra một nền luân lý hay những nếp sống khổ hạnh tu trì. Nhiệm vụ của các giáo hội đến đây là chấm dứt…

Tiến sâu hơn nữa, tiến cao hơn nữa là thuộc phạm vi mỗi cá nhân. Con người còn có thể biến đời sống mình thành bài thơ, thành khúc nhạc, thành một nghệ phẩm (Esthétique, grâce).

Nhưng con người còn có thể tiến hơn được nữa, tiến tới tuyệt đỉnh, tuyệt đích, tiến tới hoàn thiện, tiến tới chỗ kết hợp với Thượng đế,[2] tìm ra thanh bình trong hỗn loạn, tìm được vĩnh cửu giữa mọi biến thiên, tìm được sự hiệp hòa trong chia rẽ. Người xưa gọi thế là các bậc chân nhân, chí nhân vì đã đạt được mục đích của đời sống, đạt được lý tưởng của con người.

Ta có thể mượn tạm lời Trang Tử trong chương Ứng Đế Vương của Nam Hoa Kinh mà mô tả những bậc chân nhân, chí nhân ấy như sau:

    Chân nhân rũ bỏ phù hoa,[3]

Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời.[4]

    Sống trong Vị Thủy chơi vơi,[5]

Cưỡi chim khinh khoát, bay ngoài lục hư.

    Làng Vô hà hữu ngao du,[6]

Sống trong «Vô hữu» lặng tờ tịch liêu.[7]

    Vô vi như thể Trời cao,

Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.

    Bao trùm vô tận thinh không,

Mịt mù tông tích ai lùng cho ra.[8]

    Tâm hồn gương sáng, sáng lòa,

Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây.[9]

Các ngài như Quảng Thành Tử tuy còn ở trần gian mà vẫn sống trên thượng giới:

    Kìa xem vạn vật vân vi,

Rồi ra tro bụi trở về bụi tro.

    Thôi ở lại ta vô cùng cực,

Cửa vô cùng ta sắp vô chơi.

    Cánh đồng vô tận chơi vơi,

Ta cùng nhật nguyệt sáng ngời hào quang.

    Cùng trời đất miên man sống mãi,

Mặc cho đời phải trái cạnh tranh.

    Mặc người tử tử, sinh sinh,

Ta nay muôn kiếp siêu linh, trường tồn.[10]

Nhưng những hạng người trên đây, thường bị xã hội đương thời phản đối hay hãm hại,[11] một là vì tư tưởng các ngài quá cao siêu phóng khoáng, thoát ra mọi khuôn khổ chật hẹp thường dùng để giam giữ phàm nhân, hai là vì các ngài dùng những từ ngữ siêu phàm, xưng mình là Thiên tử, Thiên sứ, ba là vì các ngài đưa ra đường lối ngược với thế nhân, dạy người tìm nước Trời trong thâm tâm, như vậy là mặc nhiên phủ nhận giá trị của những tổ chức đạo giáo hiện hữu bên ngoài, bốn là vì các ngài chủ trương con người có thể phối hợp hòa đồng với Thượng đế, đó là một điều mà chúng nhân cho là ngạo mạn, phạm thượng… hay ít ra cũng là điên cuồng vu khoát…

Nhưng thực ra các ngài không phủ nhận giá trị các tổ chức hiện hữu, mà chỉ muốn đem hoàn thiện tới cho nhân loại. Các ngài xây dựng cho thêm hoàn toàn chứ không phá bỏ.

Mục đích các Ngài là mở đường, dẫn lối cho hiền nhân quân tử muôn thế hệ biết rõ các nấc thang giá trị, biết rõ đầu đuôi gốc ngọn của cuộc đời, để đỡ lần mò vất vả.

Nói cách khác, các vị sáng lập đạo, đều đã sống trong sự hòa đồng cùng Thượng đế, cố chỉ vẽ cho nhân loại diễm phúc tuyệt đối ấy, nhưng vì điều đó huyền vi ẩn áo, nên ít người thấu hiểu được. Vì thế ta thấy liên tiếp nhau trong thời gian những nếp sống đạo giáo mới xuất hiện.

Hoặc là nghệ thuật (Esthétique, grâce).

Hoặc là tu trì nhặt nhiệm, luân lý, kỷ luật (Ascèse, morale et règles)

Hoặc là tôn sùng lý thuyết, giáo lý (dogmatisme)

Hoặc là tôn sùng hình thức lễ nghi bên ngoài (formalisme).

Đi từ Huyền đồng dần xuống lễ nghi hình thức là càng ngày càng tiến ra bên ngoài, càng ngày càng xuống thấp, mà càng xuống thấp thì càng dễ phổ cập vào đại chúng. Nhưng khi đã phổ cập được tới đại chúng, thì tinh hoa đạo lý đã mất, mà chỉ còn phảng phất lại chút dư hương, chỉ còn le lói một chút sáng thừa của vừng dương đã bị mây mù che lấp hết. Càng lạc lỏng vào hiện tượng, càng lạc mất bản thể, mà khi con người đã bị hoàn cảnh, thôi miên, đã bị trào lưu lối cuốn thì sao còn sáng suốt mà nhận định, sao còn tự chủ mà tìm được đúng hướng đi?

Lão Tử viết:

Hễ Đạo[12] mất, nặng tình với Đức,[13]

Đức không còn, lục tục theo Nhân.[14]

Hết Nhân, có Nghĩa theo chân,[15]

Nghĩa không còn nữa, thất thuần Lễ Nghi.[16]

Nên Nghi Lễ là chi khinh bạc,

Cũng là mầm loạn lạc chia ly,

Bề ngoài rực rỡ uy nghi,

Bề trong tăm tối, ngu si, ngỡ ngàng.

Nên quân tử chỉ ham đầy đặn,

Chứ không ưa hào nháng, phong phanh

Chỉ cần thực chất cho tinh,

Chẳng còn bóng bảy, lung linh bên ngoài.

Bắc cần khinh trọng cho tài,

Biết đường ôm ấp, biết bài dễ đuôi.[17]

Đứng trên bình diện hiện tượng và bình tâm mà xét, thì đạo giáo nào cũng có bấy nhiêu tầng cấp, bấy nhiêu phương diện, bấy nhiêu giai đoạn lịch sử. Từ hình thức lễ nghi, giáo lý[18] mà xét, thì đạo nào cũng Hán Sở chia phôi, Đông Tây cách trở; từ tinh hoa thuần túy mà trông, thì thấy bốn bề đều vang lên một Nhã ca đồng nhất.

Cho nên cái hay của con người không phải là ở chỗ theo đạo này hay theo đạo kia,[19] mà chính là ở chỗ biết phân biệt cái chính cái tùy của mỗi đạo, cái tinh cái thô của mỗi đạo, các lớp lang, tầng cấp của mỗi đạo, để biết đường tiến lên, tiến mãi tới Thượng đế, cố gắng cho tâm thần mình ngày thêm rực rỡ đượm muôn ánh hào quang, sống phiêu diêu, khinh khoát, giữa trần cấu cuộc đời, mở rộng tâm hồn để chứa đựng muôn phương, thâu tóm hết tinh hoa trời đất, không gian, và thời gian vào tấc dạ.


CHÚ THÍCH

[1] Pour l’évêque d’Hippone, l’âme comprend sept degrés. Les deux premières sont communs aux végétaux at aux êtres animés; le troisième degré au contraire est propre à l’homme: il lui permet de jouir de la culture humaine. Avant de parvenir au septième degré qui est celui de la contemplation de la vérité et donc de la sainteté, l’âme doit avoir accompli tout un voyage à travers la création. Il faut être devenu entièrement homme par esprit avant d’espérer connaître la paix et la joie céleste (Critique, Octobre 1961, No 173, Mystique byzantine, p. 210).

[2] Qui autem adhoeret Domino, unus spiritus est (Celui qui s’unit au Seigneur n’est avec lui qu’un seul esprit, I Cor., VI, 17 Bible de Jérusalem.

Celui qui s’approche de Dieu et s’attache à lui devient un même esprit avec Lui. (Sainte Thérèse, Le Château de l’âme, Edition du Seuil).

[3] Điêu trác phục phác. 雕 琢 復 朴.

[4] Thể tận vô cùng, nhi du vô trẫm. 體 盡 無 窮 而 遊 無 朕.

[5] Tự dĩ vi vị thủy học nhi qui. 自 以 為 未 始 學 而 歸.

[6] Thừa phù mãng diêu chi điểu, dĩ xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi hương. 乘 夫 莽 眇 之 鳥, 以 出 六 極 之 外, 而 遊 無 何 有 之 鄉.

[7] Lập hồ bất trắc nhi du ư vô hữu giả dã. 立 乎 不 測 而 遊 於 無 有 者 也.

[8] Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhiệm, vô vi tri chủ, thể tận vô cùng nhi du vô trẫm. 無 為 名 尸. 無 為 謀 府. 無 為 事 任. 無 為 知 主. 體 盡 無 窮 而 遊 無 朕.

[9] Chí nhân chi dụng tâm nhược kính, bất tương, bất nghịch, ứng nhi bất tàng. 至 人 之 用 心 若 鏡, 不 將, 不 逆. 應 而 不 藏.

[10] cf. Nam Hoa Kinh, chương Tại Hựu, đoạn C: Kim phù bách xương, giai sinh ư thổ nhi phạn ư thổ; cố dư tương khứ nhữ, nhập vô cùng chi môn, dĩ du vô cực chi dã. Ngô dữ nhật nguyệt tham quang. Ngô dữ thiên địa vi thường. Đương ngã hân hồ, viễn ngã hôn hồ. Nhân kỳ tận tử nhi ngã độc tồn hồ. 今 夫 百 昌, 皆 生 於 土 而 反 於 土. 故 余 將 去 女, 入 無 窮 之 門, 以 遊 無 極 之 野  吾 與 日 月 參 光  吾 與 天 地 為 常  當 我 緡 乎, 遠 我 昏 乎  人 其 盡 死 而 我 獨 存 乎 .

[11] Điển hình nhất là vụ án Chúa Jésus Christ, và vụ án Al Hallâj bên phía Hồi giáo. Ông bị cầm tù từ năm 915 đến ngày 23-3-922 thì bị chặt chân tay, đóng đInh trên thập giá, sau cùng bị chặt đầu vì tội dám phối hợp lẫn lộn Trời người (confondre le divin et l’humain) gây hoang mang cho mọi người. (Cf. Henri Corbin, Histoire de la philosophie islamique, p. 277)

[12] Mysticisme.

[13] Esthétique, Grâce.

[14] Morale.

[15] Dogmatisme.

[16] Formalisme.

[17] Cố thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ, Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ. Tiền thức giả, Đạo chi hoa, nhi ngu chi thủy. Thị dĩ đại trượng phu xử kỳ hậu, bất cư kỳ bạc; xử kỳ thực, bất cư kỳ hoa. Cố khứ bỉ, thủ thử. 故 失 道 而 後 德, 失 德 而 後 仁, 失 仁 而 後 義,  失 義 而 後 禮, 夫 禮 者 忠 信 之 薄, 而 亂 之 首. 前 識 者, 道 之 華, 而 愚 之 始. 是 以 大 丈 夫 處 其 厚, 不 居 其 薄; 處 其 實, 不 居 其 華. 故 去 彼 取 此. Đạo Đức Kinh, ch.38.

[18] Un dogme, c’est une cristillisation d’une pensée… Le dogme est une matérialisation et la matérialisation est un emprisonnement. Ce qu’il faut chercher, c’est l’essence, car seule l’essence est esprit. Cf. IIlan de Casa Fuerte, La Religion essentielle, p. 17.

[19] Cf. Camille Debret, La vie de Gandhi, p. 100.

… «Après une longue étude et une longue expérience, je suis venu à cette conclusion: toutes les religions sont vraies, toutes ont en elles quelque erreur. Toutes me sont aussi chères que mon propre Hindouisme. Ma vénération pour autres fois est la même que pour ma propre foi. Comment peut-on avoir une vraie fraternité, si on croit détenir une vérité supérieur?

Il ne faut pas dans ses prières dire à Dieu:

«Donne-lui la lumière que tu m’a donnée», mais donne lui toute la lumière et toute la vérité dont il a besoin pour son plus haut développement … .

(Bị chú: Chương này hầu hết đã được rút từ bộ Trung Dung Tân Khảo của tác giả, nơi chương Bản thể và Hiện tượng luận).


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo