HƯỚNG TINH THẦN

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo

chương 2

ÍT NHIỀU NHẬN ĐỊNH KHÁI QUÁT

VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

 

I. CÓ NHIỀU ĐẠO GIÁO LÀ CHUYỆN DĨ NHIÊN

II. PHONG TRÀO KHẢO SÁT TÔN GIÁO TỪ XƯA ĐẾN NAY

III. TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU VÀ TRIẾT LÝ VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

1. Mô tả các đạo giáo hay lịch sử các đạo giáo (Histoire des Religions)

2. Tìm cho ra những định luật chi phối các hiện tượng đạo giáo hay khoa học đạo giáo (Science des Religions)

3. Tìm cho ra ý nghĩa và giá trị các đạo giáo hay triết lý đạo giáo (Philosophie des Religion)

Tiêu chuẩn chân đạo

KẾT LUẬN

 

I. CÓ NHIỀU ĐẠO GIÁO LÀ CHUYỆN DĨ NHIÊN

Nói về khoa tôn giáo đối chiếu thiệt là khó.

Cái khó ở đây không phải là sự khan hiếm tài liệu. Không, tài liệu không khan hiếm, vì ngày nay sách vở viết về tôn giáo đối chiếu không thiếu gì.

Cái khó ở đây cũng không phải là do đề tài khó. Đề tài tuy khó, nhưng nếu ta chịu suy tư, chịu khảo sát, thì cái khó cũng trở nên dễ.

Cái khó ở đây chính thực là làm sao tránh được sự va chạm, tránh được sự hiểu lầm, mà đồng thời vẫn phục vụ được chân lý, vẫn giữ nguyên được sự thành khẩn, sự bất khuất của người thức giả, thực tình muốn phục vụ lý tưởng và chân lý.

Cho nên trước khi vào đề tài tôi xin có đôi lời thanh minh cùng quí vị.

Trước tiên xin quí vị đừng coi tôi như một nhà truyền giáo của một tôn giáo nào. Nhận nói về vấn đề này, tôi đã nguyện với lòng để cho tâm tư rộng mở, rũ bỏ mọi chấp trước, thiên kiến, để cho sự nhận xét của tôi được trung thực.

Xin quí vị cũng đừng nghĩ rằng tôi có ác ý muốn đả kích một tôn giáo nào. Không! Trong khi khảo cứu về các đạo giáo, tôi đã cố giữ một lòng cung kính của một tín đồ, và tôi đinh ninh rằng các vị giáo chủ xưa nay đều là những bậc vĩ nhân, siêu phàm, nhập thánh, có thể dạy mình nhiều điều hữu ích. Vả nếu các ngài không là những bậc vĩ nhân, siêu quần bạt tụy, thì làm sao mà được hàng muôn triệu con người kính thờ?

Khảo về các tôn giáo, tôi chỉ muốn tìm hiểu cho sâu rộng về các vấn đề quan thiết đến bản tính và định mệnh con người, ý nghĩa và cứu cánh của đời người cũng như của toàn thể vũ trụ.

Tôi cố gắng đi tìm cho ra chân lý vĩnh cửu, phổ quát, ẩn áo sau các bức màn tôn giáo biến thiên, đượm màu sắc dân tộc, địa dư và lịch sử.

Nếu Thượng đế là Chân lý, thì đi tìm Chân lý, tức là đi tìm Thượng đế.[1]

Sự khác biệt giữa các đạo giáo cũng không làm cho tôi nản chí. Trái lại nó làm cho tôi vui thích.

Học về các đạo giáo, tôi có cảm tưởng như mình đi chu du sơn thủy, xem được các danh lam, thắng cảnh của đất trời, lúc thì thấy biển muôn trùng ào ạt sóng cồn; lúc thì thấy núi cao giăng mắc ven trời tung mình vút lên trên các chòm mây bạc; lúc thì thấy sa mạc bao la với những sóng cát vàng, đua đuổi nhau cho tới chân trời thẳm; lúc thì thấy những khu rừng rậm rạp bao la; lúc thì thấy những cánh đồng phì nhiêu bát ngát.

Và, nếu bao giờ mà phương tiện lý tài cho phép, tôi sẽ đi khắp hoàn cầu để khảo sát các di tích đạo giáo ở khắp nơi.

Tôi sẽ đi thăm các hang động ở Âu Châu như Altamira (Tây Ban Nha), Pont de Gaume hay Lascaux (Pháp), để xem những bức bích họa thần kỳ, bao trùm một bầu không khí đạo giáo thần kỳ của những người tiền sử.

Tôi sẽ đi Trung và Nam Mỹ để xem các di tích đạo giáo của những dân Astéques và Incas.

Tôi sẽ sang Phi Châu để xem xét về các đạo cổ sơ của những dân tộc bản xứ. Tôi ao ước được bước chân lên những bậc đá các kim tự tháp Chéops, Chéphren và Mykérinos, muốn được chính mắt trông thấy con quái thú khổng lồ nằm trầm tư dưới chân kim tự tháp ở Gizeh, nhìn vào đôi mắt đá của nó, xem nó đã dấu ẩn những gì của những kỳ bí xa xưa.

Tôi cũng muốn được tới Thánh địa Palestine, viếng Jérusalem, Bethléem, Nazareth, biển hồ Tibériade, vườn Gietsemani, núi Golgotha để nhớ lại cuộc đời cao siêu của Chúa Cơ đốc và cảm thông nỗi đau thương của ngài trong những ngày thọ nạn cuối đời.

Tôi ước ao sang Rome để ngắm nhìn bảy ngọn đồi lịch sử của thành phố,[2] chiêm ngưỡng vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh đường Sixtine, vào thăm thư viện Vatican, v.v.

Tôi cũng muốn tới thánh địa Hồi giáo La Mecque, hay viếng thăm các đền thờ Hồi giáo nổi tiếng ở Médine, ở Damas hay ở Isphahan.

Tôi ao ước được sang Ấn Độ để thực mắt nhìn thấy sông Hằng danh tiếng; đến Bénarès để xem ngày nay còn dấu vết nào của đức Thích Ca phảng phất nơi đây, hay tuế nguyệt đã xô lùi hình ảnh vị đại giáo chủ vào sâu trong lòng huyền thoại.

Tôi cũng muốn viếng thăm các đền thờ Ấn giáo, chiêm ngưỡng những tượng thần Brahma, Shiva, Vishnu, hoặc những nơi tu trì hay yên nghỉ của Ramakrishna, Vivekananda, Tagore, v.v.

Một ngày nào đó, tôi sẽ tới Athènes, trèo lên Acropole hay sẽ tới Olympe để cố mường tượng cho thấy các vị thần Jupiter, Apollon, Hermès đang cưỡi mây du ngoạn trên vòm trời trong sáng của miền Địa Trung Hải.

Tôi cũng ao ước được sang Trung Hoa trèo lên đền thờ Trời cổ kính nhất thế giới, nếu những biến cố lịch sử dồn dập gần đây chưa nỡ lòng tàn phá.

Và nếu có dịp tôi sẽ sang xứ Anh Đào để khảo sát về Thần đạo ngắm nhìn những ngôi chùa duyên dáng xây cất giữa một vùng non nước hữu tình, với núi Phú Sĩ làm bối cảnh lẩn sau những làn mây trắng nhạt, ở tận phía xa xôi.

Tôi cũng sẽ không quên tìm đến xứ Ba Tư huyền bí với những dòng sông kỳ dị bỗng dưng biến mất trong sa mạc, xứ Ba Tư với những nét vàng son của đạo Bái Hỏa xa xưa.

Trong khi chưa có phương tiện đi du lịch khắp nơi và khảo sát, tôi sẽ để cho tâm thần phiếm du trong các thánh thư các đạo giáo, như thánh kinh Công giáo; Coran Hồi giáo, Upanishads, Bhagavad Gita Ấn Độ giáo; Kim Cương, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa của Phật giáo; Tứ Thư, Ngũ Kinh Khổng giáo; Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, Xung Hư Chân kinh, Thanh Tĩnh kinh, Âm Phù kinh và các bộ đơn kinh của Lão giáo.

Tôi cũng đã tham khảo các đạo giáo cận kim như Mormos, Bahai, Cao Đài, Thông Thiên Học, Subút; các môn phái huyền học như Rose-Croix, Kaballe, v.v.

Càng đọc tôi lại càng thấy thích thú, và liên tưởng đến một câu của Hoelderlin: «Những sự mâu thuẫn, dị biệt; những tiếng đàn ngang cung, lạc phách trong hoàn võ này cũng giống như cuộc cãi vã của những cặp nhân tình. Cãi nhau đấy, rồi lại làm lành cùng nhau đấy; chia rẽ đấy, rồi lại đoàn tụ đấy. Các mạch máu phân tán đi, rồi lại trở về tim. Tất cả đều là một sự sống động duy nhất, vĩnh cửu và huy hoàng, rực rỡ.» [3]

II. PHONG TRÀO KHẢO SÁT TÔN GIÁO TỪ XƯA ĐẾN NAY

Phong trào khảo sát tìm hiểu các tôn giáo không phải gần đây mới có.

Ở Á Đông từ đời nhà Hán đến đầu đời nhà Tống, các Nho gia, đạo sĩ, tăng già đều có cái ý niệm «tam giáo thống nhất» và những thuyết sau đây đã được nêu lên: «Nho Phật nhất trí», «Lão Phật đồng thể dị dụng», «Tam giáo nhất trí», v.v. Trương Dung đời Nam Tề, lúc lâm chung, tay trái cầm Hiếu Kinh, và Lão Tử Đạo Đức Kinh, tay phải cầm Pháp Hoa Kinh, ấy là biểu tượng thuyết «Tam giáo nhất trí» vậy.[4]

Ở Âu Châu, sự khảo sát về các tôn giáo cũng đã có từ xa xưa. Cicéron (106–43), Plutarque (45–125), Salluste (86– 35) đã viết nhiều về bản chất và tương quan giữa các thần minh La Hi.[5]

Thời Trung Cổ, Hồng Y Nicolas de Cusa đã có ý nghĩ thành lập một liên minh tôn giáo.[6]

Bẵng đi một thời gian, phong trào này lại được chính thức phục hưng ở Anh quốc, dưới triều đại nữ hoàng Elizabeth (1533–1603), vào khoảng đầu thế kỷ XVII, và người khởi xướng là ông Herbert de Cherbury (1581–1648).[7]

Gần đây, các đạo giáo cũng như muốn xích lại gần nhau để tìm hiểu nhau, bắt tay thân thiện cùng nhau nếu chưa đi được đến chỗ hợp nhất.

Phong trào hòa đồng Thiên Chúa giáo nhóm họp lần đầu tiên ở Edimburg năm 1910 và ở Stockholm năm 1925.

Năm 1948, Hiệp Hội giáo hội hoàn cầu đã được thành lập.[8]

Từ cuối thế kỷ XIX người ta cũng tổ chức nhiều hội nghị liên tôn, trong đó các đại diện các tôn giáo được tự do thuyết trình về đạo giáo mình, ví dụ: đại hội tôn giáo ở Chicago khai mạc ngày 11/9/1893, hoặc đại hội các tôn giáo ở Lahore (Pakistan) họp vào tháng 12, năm 1896, v.v.

Từ sau công đồng Vatican II (1962–1964), giáo hội Công giáo cũng đã chính thức khởi xướng phong trào hòa đồng tôn giáo.

Khảo lại lịch sử, ta thấy xưa nay nhân loại đã nhiều lần muốn tìm cho ra một thứ tôn giáo phổ quát, hòa đồng.

Ta đã từng thấy có:

1. Đạo Mani, do Mani sáng lập từ đầu thế kỷ III và đã được lưu truyền ở nhiều địa điểm từ đông sang tây trong vòng 1000 năm. Thánh Angustin cũng đã theo đạo này một thời gian.

2. Đạo Sikhs, do Nanak sáng lập ở miền Punjab, bắc Ấn Độ, khoảng đầu thế kỷ XVI và đến nay vẫn còn tồn tại. Đạo Sikhs phối hợp hai tôn giáo: Hồi và Ấn.

3. Vua Akbar (1546–1605) khoảng cuối thế kỷ 16 cũng đã có ý muốn thành lập một tôn giáo đại đồng qui tụ tinh hoa của mọi đạo giáo, tuy vua là tín đồ Hồi giáo.

4. Ở Calcutta thời có Thượng đế hội (Brahmasamaj) do Râm Mohin Roy sáng lập năm 1828.[9]

Ở Việt Nam ta thấy có đạo Cao Đài và Tam Tông Miếu hay đạo Minh Lý.

Các đạo giáo hoặc các phong trào nói trên đều muốn thâu lượm lấy tinh hoa của các đạo giáo Á Âu, hoặc của tam giáo Nho Thích Lão.

Từ năm 1939 cho tới nay, nhiều đại học Âu Mỹ đã chính thức giảng dạy về khoa tôn giáo đối chiếu.

Như vậy, ngày nay, cho dù chúng ta làm gì hay nói gì về vấn đề này cũng đã lạc hậu lắm.

Phong trào khảo sát đối chiếu các tôn giáo, phong trào hòa đồng tôn giáo ngày nay đang được xúc tiến mạnh trên thế giới. nó được thúc đẩy có lẽ một phần cũng vì các đạo giáo đã nhận thức được những nhược điểm mình trước sự tấn công dồn dập của khoa học, cũng như trước hiểm họa vô thần và cộng sản.

Trước làn sóng đỏ đang ào ạt dâng lên và lan tràn khắp chốn nơi, mọi tôn giáo cảm thấy như cùng ngồi trên một con thuyền, nếu không bắt tay nhau để “đồng chu cộng tế”, thì e có ngày chìm đắm.

Ngoài ra còn có nhiều lý do khác khiến nhân loại phải khảo sát lại các hệ thống tư tưởng đạo giáo của tiền nhân.

Xin đan cử ít nhiều lý do chính yếu:

1. Người xưa tưởng mình đã đạt được chân lý rốt ráo về vũ trụ cũng như về con người. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng cho đến ngày nay kiến thức con người vẫn còn chưa tiến được bao lăm, và trong tương lai còn phải cố gắng tiến bộ hơn nữa.

2. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng trong dĩ vãng con người đã có rất nhiều quan niệm sai lạc về vũ trụ cũng như về con người.

Ví dụ:

– Quan niệm xưa về không gian thời gian hết sức là thiển cận, tưởng trái đất như một mặt phẳng im lìm ở trung tâm vũ trụ; tưởng vạn vật mới được tạo dựng nên cách đây khoảng chừng 6 hay 7 nghìn năm, và đang sắp sửa bị tiêu diệt vì tận thế.

– Quan niệm xưa về thế giới cũng rất hẹp hòi. Âu châu tưởng thiên hạ chỉ nguyên có khu vực Địa Trung Hải. Trung Hoa gọi thiên hạ là Trung quốc và ít nhiều nước phụ cận.

– Quan niệm xưa kia về con người cũng rất thiếu sót. Người xưa đâu có biết ngoài ý thức, con người còn có tiềm thức, đâu có biết con người hàm tàng những khả năng vô biên, và có thể tiến hóa mãi mãi.

– Người xưa thường tự túc, tự mãn coi thiên hạ bằng nửa con mắt và cho rằng chỉ có nước mình, dân mình, phương mình mới là có chân lý, ngoài ra nhân loại là man rợ, u mê, lầm lạc hết.

– Vì có nhiều vấn đề không thể, hay chưa thể kiểm chứng được, nên người xưa nhiều khi đã lấy uy quyền mà bắt buộc dân con phải nhận thế này là đúng, thế nọ là sai, dùng ngụy biện, ngụy chứng để lộng giả thành chân.

– Xưa nay, tuy đã có nhiều vị giáo chủ siêu việt giáng trần, nhưng vì tư tưởng các ngài quá cao siêu, nên những môn đệ, những tín đồ sau này thường lại không thấu triệt được những tư tưởng cao siêu của các ngài, nên đã bỏ mất tinh hoa, mà chỉ giữ được sáo ngữ và hình thức.

– Nhiều điều người xưa cho là chân lý vĩnh cửu phổ quát, nhưng theo đà văn minh tiến bộ, con người ngày nay nhận ra rằng thực ra đó chỉ là những qui ước, những sự tin tưởng, chấp nhận đã ăn sâu vào tâm tư quần chúng. Những qui ước ấy thực ra chỉ là những chân lý giả tạo có giá trị trong một khoảng thời gian nào, có năng lực đoàn kết nhân tâm trong khoảng một giai đoạn lịch sử nào, nhưng dần dà không chóng thì chày sẽ có người chứng minh được rằng đó không phải là thứ chân lý phổ quát, và vĩnh cửu, và như vậy chẳng chóng thì chày chúng sẽ bị đào thải và thay thế.

– Ngày nay nhiều người, nhất là những người có đầu óc, chịu suy tư, tìm hiểu không còn có cái tin tưởng dễ dãi, nhất là đối với những vấn đề trọng đại như tôn giáo. Ngược lại, họ luôn luôn soát xét và kiểm điểm. Tóm lại ngày nay nhiều người đã không còn có thái độ nô bộc, ù lì, bảo sao nghe vậy, mà họ đòi quyền được tìm, được kiếm, được xét, được suy, được kiểm chứng, được so sánh, cân nhắc ngay cả trong các vấn đề đạo giáo.

Có người hỏi Vivekananda xem có nên áp dụng phương pháp khảo sát, dùng trong khoa học, để khảo cứu đạo giáo không.

Vivekananda đáp: «Nên, và ông thêm: càng sớm càng tốt. Nếu một tôn giáo mà bị phá hủy bằng sự khảo sát, thì nó chỉ là một sự mê tín vô ích và bất xứng. Nó càng tiêu ma sớm, càng hay… Cái gì là cặn bã sẽ bị vứt bỏ; cái gì thiết yếu sẽ tồn tại và sẽ toàn thắng.» [10]

Keshab Chunder Sen cũng viết: «Đừng có bắt chước những kẻ mê tín, chấp nhận cái gì, vì tin suông. Khoa học phải là đạo các bạn, Chúa đã phán thế…

«Đừng có lừa bịp mình bằng những huyền nhiệm, thần bí! Đừng mơ mộng viễn vông! Hãy nhìn cho rõ, xét suy cho đúng. Phải giảo nghiệm mọi sự, và cái gì đúng mới chịu theo. Trong mọi niềm tin tưởng, trong mọi câu kinh nguyện của bạn, bạn hãy để cho đức tin và lý trí hòa hợp cho thành một khoa học chân thực.» [11]

Người Á Đông chúng ta sau hằng trăm năm nô lệ của người Âu châu lại càng phải có óc quật khởi hơn bao giờ hết.

Thánh Gandhi đã phải thốt ra những lời lẽ ai oán như sau: «Tây phương đã đánh quị ta trong chiến tranh, lại làm hư ta trong thời bình. Kẻ chống lại họ, thì đã bị giết chết. Kẻ đã đầu hàng họ như ta, thì phải chịu một kiếp nhục nhã hơn, ấy là phải mất linh hồn.

«Họ không những đã bóc lột của cải vật chất, mà còn làm cho ta mất đức tin, để rồi đem tư tưởng của họ nhét vào. Rốt cuộc, họ đã làm cho chúng ta lầm tưởng rằng hay hơn hết là chúng ta nên đồng hóa với họ. Và thế là chúng ta đã chết cho chúng ta.» [12]

III. TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU VÀ TRIẾT LÝ VỀ TÔN GIÁO ĐỐI CHIẾU

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, tôi không thể trình bày dài dòng về khoa tôn giáo đối chiếu được.

Tôi chỉ có thể đưa ra ít nhiều phương pháp tổng quát để khảo về các đạo giáo, ít nhiều nhận định khái quát về giá trị của các đạo giáo.

Nếu muốn đi sâu vào vấn đề, chúng ta cần phải để ra nhiều tháng, nhiều năm khảo cứu, suy tư.

Nguyên về phần kinh điển chẳng hạn, ta đã thấy không biết cơ man nào mà xuể! Có học giả đã tính số chữ của các kinh điển, thì thấy:

Thánh kinh Công giáo có 3.000.000 chữ.

Bộ Tam tạng của Phật giáo Tiểu thừa có 27 triệu chữ.

Bộ Đại thừa trong ấn bản tại Nhật năm 1927 có 40 triệu chữ in thành 55 quyển lớn.

Bộ Mật tông (Tantras) của Tây tạng, theo giáo sư Glasenapp gồm 50 ngàn quyển, thật là mênh mông như biển cả.[13]

Ấy là chưa kể đến các bộ thánh thư vĩ đại của Ấn giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Bái hỏa giáo, Hồi giáo v.v…

Các đạo giáo lớn nhỏ cùng với các tông chi môn phái đạo giáo trên thế giới hiện nay có tới cả ngàn. Đạo nào, môn phái nào cũng cho rằng mình mới độc chiếm chân lý, đạo nào cũng cho mình là vầng dương chân thực tỏa quang huy làm át hết mọi ánh sao tà thuyết, tà giáo. Không nói đâu xa, ngay trong thành phố Sài Gòn này, đạo giáo thường thay đổi hình thái tùy theo mỗi một phố phường. Chúng ta gặp gỡ nhau thường ngày, có thể rất gần gũi nhau vì xã giao, vì nghề nghiệp nhưng thực ra rất xa cách nhau về tâm tư và tín ngưỡng, thế là cùng chen chúc nhau dưới một mái nhà, cùng đi lại như nhau trên một đường phố, một vỉa hè mà chúng ta thực sự sống trong những thế giới khác nhau, thế là gần trong gang tấc mà cách ngoài quan san, quan san đây không phải là núi non thành lũy hữu hình bên ngoài, mà chính là những núi non thành lũy tâm tư, đạo giáo vô hình ở phía bên trong.

Tuy nhiên, đứng trước thiên hình vạn trạng tôn giáo ấy, chúng ta vẫn tìm ra được những cách thức những lề lối để khảo sát, để so sánh không mấy khó khăn.

Các nhà khảo cứu về tôn giáo đối chiếu thường theo ba đường lối sau đây:

1. Mô tả các đạo giáo (Histoire des Religions)

2. Tìm cho ra những định luật chi phối các hiện tượng đạo giáo (Science des Religions)

3. Tìm cho ra ý nghĩa và giá trị các đạo giáo (Philosophie des Religions).

1. Mô tả các đạo giáo hay lịch sử các đạo giáo (Histoire des Religions)

Mô tả các đạo giáo thực ra không mấy khó khăn.

Chúng ta chỉ cần đặt mỗi đạo giáo vào bối cảnh lịch sử, địa dư của nó, khảo sát đời sống các vị giáo chủ, toát lược các thánh kinh, và nói sơ lược về sự biến thiên của mỗi đạo giáo qua các thời đại, cũng như những công trình kiến trúc, văn chương, nghệ thuật đặc biệt mà mỗi đạo giáo đã thực hiện được.

2. Tìm cho ra những định luật chi phối các hiện tượng đạo giáo hay khoa học đạo giáo (Science des Religions)

Thứ đến là đi tìm cho ra những định luật chi phối sinh hoạt đạo giáo, những duyên do thành bại của mỗi đạo giáo, những cung cách giảng giáo, những phương pháp dùng để lôi cuốn quần chúng, những nghệ thuật nắm giữ quần chúng của mỗi đạo giáo.

Sự khảo sát này đưa tới những nhận định hoặc những định luật sau đây:

– Đạo giáo được bành trướng nhờ sức hấp dẫn và thu hút quần chúng của các vị giáo chủ.

– Xây dựng nên những thần tượng là điều cần thiết để quảng bá đạo giáo, vì thế nên ta thấy các vị giáo chủ thường được thần thánh hóa tới mức tối đa.

– Một đạo giáo càng giản dị, càng bình dân bao nhiêu lại càng lôi cuốn được nhiều người bấy nhiêu.

– Một đạo giáo càng có nhiều giáo sĩ trung kiên, có nhiều giáo hữu chân thực bao nhiêu, càng có triển vọng bành trướng thêm bấy nhiêu.

– Càng biết cách giảng giáo, càng biết cách lôi cuốn quần chúng bằng những phương pháp tuyên truyền, cổ động, như kịch nhạc, đình đám, hội hè, rước sách, giảng giáo, càng dễ thu hút quần chúng.

– Càng có tôn ti trật tự bao nhiêu, càng nắm vững được quần chúng bấy nhiêu.

– Càng nhắc đi nhắc lại một điều gì thường xuyên bao nhiêu, càng ghi tạc vào lòng người bấy nhiêu, và cuối cùng những điều giảng giáo sẽ trở nên chân lý thực đối với người thụ huấn.

– Càng nhỏ tuổi càng dễ ấn tượng, càng dốt nát càng nghèo khổ càng dễ tin theo, cho nên trẻ con và lê thứ, bần dân là những lớp người dễ giảng giáo, dễ uốn nắn nhất.

Các phương thế mà ngày nay các đảng phái dùng để phổ biến chủ nghĩa; đả kích, hạ bệ đối phương; thu hút quần chúng hoặc bằng lý, hoặc bằng tình, hoặc bằng bạo lực; các phương thế để bành trướng thế lực, kiểm soát tâm tư, lồng quần chúng vào trong một khuôn khổ chung, giúp chúng ta hiểu rất nhiều về các nỗ lực tương tự của các đạo giáo trong công cuộc thu hút và nắm giữ quần chúng.

Thứ đến là khảo sát về những nguyên nhân xa gần đã ảnh hưởng đến sự phát sinh, sự bành trướng, sự tồn tại, và sự suy vi, mai một của các đạo giáo. Ví dụ ta khảo về:

– Ảnh hưởng của thời gian, của lịch sử đối với đạo giáo.

– Ảnh hưởng của địa dư đối với đạo giáo.

– Ảnh hưởng của chủng tộc đối với đạo giáo.

– Ảnh hưởng của các đạo giáo bạn hoặc trước, hoặc đương thời đối với đạo giáo.

– Ảnh hưởng của chính trị, của kinh tế đối với đạo giáo.

– Ảnh hưởng của các học thuyết triết học, của các phát minh khoa học đối với đạo giáo, v.v.

3. Tìm cho ra ý nghĩa và giá trị các đạo giáo hay triết lý đạo giáo (Philosophie des Religion)

Chúng ta có thể đi tìm những giả thuyết, những lý thuyết giúp ta phối kết được các đạo giáo, sắp xếp, phân loại được các đạo giáo, tìm ra được ý nghĩa và giá trị các đạo giáo, cũng như tìm cho ra được đâu là chân đạo, là đại đạo.

Các lý thuyết về đạo giáo thực ra rất nhiều. Dưới đây chỉ xin đan cử ít nhiều lý thuyết chính.

(1) Thuyết thoái hóa (Chân đạo tại tiền 真 道 在 前)

Có nhiều người cho rằng các đạo giáo đều là biến thái của một chân đạo nguyên thủy. Đó là lý thuyết do André Lang, Wilhelm Schmidt, Nathan Söderbolm, R.Pettazoni chủ xướng.[14]

Theo thuyết này, thì các dân tộc nguyên thủy đều tin có Thượng đế, tin vào một đấng tối cao. Sau này dần dà, nhân loại mới tin vơ thờ quấy. Nói cách khác độc thần có trước đa thần. Ta cũng có thể gọi thuyết này là thuyết thoái hóa, vì chủ trương càng xưa càng hay, càng nay càng dở.

(2) Thuyết tiến hóa (Théorie évolutionniste: Chân đạo tại hậu 真 道 在 後)

Thuyết này chủ trương bất kỳ cái gì cũng phải tiến từ thấp đến cao, từ thô đến tinh.

– Sự tiến hóa ấy theo những quá trình in hệt như nhau ở khắp nơi, nhưng theo nhịp điệu nhanh chậm khác nhau.

– Sự tiến hóa thường theo định luật tiệm tăng, tiệm tiến, chứ không bột biến, bột phát.

– Các đạo giáo không hình thành được trong một ngày mà phải chập chững, dò dẫm lâu dài, không phải độc đáo tuyệt luân, mà cũng đã phải vay mượn, nhờ vả vào các đạo giáo hoặc cựu thời hoặc đương thời.

Đa số các học giả khác về tôn giáo đã mặc nhiên theo lý thuyết trên đây, và nhiều sách vở thường bắt đầu bằng những đạo cổ sơ rồi đi dần dần đến những hình thức đạo giáo cao siêu hơn.[15]

Người ta cho rằng người cổ sơ tin có một linh khí bàng bạc khắp đất trời, gọi là Mana theo từ ngữ dân Mélanésiens.[16]

Linh khí ấy có thể trụ và cây, cỏ, người, vật. Như vậy vạn vật đều có hồn thiêng (animisme). Vật nào hấp thụ được nhiều linh khí thì trở nên linh thiêng hơn, vì thế được gọi là linh phù (fétiche), linh vật, hay vật tổ (totem).

Cái gì thuộc về linh khí ấy thì linh thiêng (sacré, tabou). Cái gì thuộc về hình hài sắc tướng bên ngoài thì là phàm tục (profane).

Từ quan niệm linh khí bàng bạc vô biên hay Thượng đế vô ngã ấy[17] người ta đã dần dần đi đến những quan niệm chúng thần hữu ngã, hoặc nam, hoặc nữ, rồi cuối cùng đi đến quan niệm một chúa tể duy nhất.

Như vậy hình thức thô sơ nhất của các đạo giáo là linh khí, linh vật, rồi đến đa thần, độc thần.

Đạo giáo nào càng xuất hiện về sau càng cao siêu hơn, hoàn bị hơn.

Nhưng thực ra giả thuyết này không đúng với thực tế và lịch sử. Chẳng hạn ta thấy dân tộc Trung Hoa đã thờ Trời từ Hoàng Đế khoảng 2600 trước kỷ nguyên.

Vả lại chấp nhận lý thuyết trên thì đạo nào ra đời sau, sẽ hay hơn đạo ra đời trước. Và như vậy đạo Do Thái sẽ hay hơn đạo Babylone; Công giáo sẽ hay hơn đạo Do Thái; Hồi giáo sẽ hay hơn Công giáo, đạo Bahai sẽ hay hơn Hồi giáo, Cao Đài sẽ hay hơn Bahai. Đó là điều mà dĩ nhiên không ai chấp nhận được.

(3) Chân đạo ở vào thời đại trục (Chân đạo tại trung 真 道 在 中)

Jaspers cho rằng thời đại quan trọng nhất đối với đạo giáo là thời đại trục (Achenzeit: période axiale). Đó là khoảng thời gian từ 800 đến 200 trước kỷ nguyên. Thời ấy là thời nhiều vị giáo chủ giáng trần và là thời nhân loại đạt tới một trình độ tâm thần cao siêu nhất. Thời ấy ta thấy có Lão Tử (600– ?), Phật (560–480), Khổng Tử (551–479), Mặc Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Zoroastre (660–583), Platon (429–347), Ezéchiel (thế kỷ VI), Jérémie (650–590), v.v.[18]

Cho dầu lý thuyết trên rất hấp dẫn nhưng nó vẫn không ăn khớp với thực tại.

Thực vậy cái mà ta tưởng là độc đáo, thường lại đã được trình hiện ra trong quá vãng. Trước Sáng thế ký của Do Thái đã có Sáng thế ký của Babylone mà ngày nay người ta mới tìm ra được khi khai quật các cổ tích, cổ văn ở Accad, Lagash, Nippur gần đế đô Babylone xưa,[19] trước luật Moise đã có luật Hammourabi,[20] trước đạo Công giáo đã có đạo Do Thái và nhất là giáo phái Esseniens. Những cổ văn vừa khám phá được ở Quram gần Biển Chết đã chứng tỏ rất nhiều điểm tương đồng giữa thư tịch phái Esséniens với Tân Ước Công Giáo.[21]

Giáo sư Duport Sommer còn đi xa hơn nữa. Ông đã chứng minh có rất nhiều điểm tương đồng giữa đời sống của vị Tôn Sư Công Chính với đời sống Chúa Cơ đốc.[22]

Khảo thư tịch Á đông ta thấy trước Phật Thích Ca đã có nhiều vị Phật khác, trước Lão Tử còn có Hoàng Đế, trước Khổng Tử còn có Nghiêu Thuấn, Võ, Thang, Văn …

Glassenapp viết: «Sự khác biệt vô cùng về cách thức phát biểu tư tưởng tâm tình và ý chí về phương diện đạo giáo nổi bật lên khi chúng ta nhận định được rằng chẳng những ngày nay hiện có vô vàn quan niệm về tôn giáo, mà trong suốt quá trình tiến hóa của nhân loại ước lượng khoảng chừng 600.000 năm và nhất là trong khoảng 6.000 năm có thể gọi được là văn minh, đã có vô vàn số quan niệm tôn giáo mà ngày nay không còn.

«Có lẽ nào vô vàn vô số tín ngưỡng ấy chẳng ít thì nhiều đã dựa trên một sự sai lầm mà chỉ có một tôn giáo xuất hiện ở một nơi và một thời nhất định lại có được một chân lý toàn bích.

«Trong khi khảo sát lịch sử các đạo giáo, ta thấy nhiều đạo đã có sinh có tử; nguyên điều này cũng đã dạy chúng ta rằng chẳng có một đạo nào có cái gì là rốt ráo, mà chúng ta có quyền coi mọi đạo như là những hình thức phát biểu được phần nào chân lý toàn bích.» [23]

(4) Thuyết Âu Châu: Tự nhiên và mặc khải (Chân đạo tại Thánh thư 真 道 在 聖 書)

Âu Châu thường phân chia tôn giáo ra làm hai loại:

– Đạo tự nhiên (religions naturelles) và đạo mặc khải (Religions révélées).

– Đạo tự nhiên như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo đều do con người lập ra, và vì thế khuyết điểm.

– Đạo mặc khải như Do thái giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo do chính Chúa Trời truyền, như vậy dĩ nhiên chính xác và hoàn bị.

Nhưng phân tách kỹ càng, thì thuyết này cũng không thể đứng vững.

Trước hết, Ấn giáo từ xa xưa vẫn coi các thánh thư mình đều là do Thượng đế mặc khải.

Trung Hoa cũng cho rằng Dịch kinh hay Hồng Phạm Cửu Trù đều là do Thượng đế mặc khải cho Phục Hi, Văn Vương và Đại Võ.

Đằng khác, vị giáo chủ nào mà chẳng được mặc khải, được giác ngộ.

Moise khi truyền luật cho dân Do Thái thì tuyên bố rằng luật ấy do chính Chúa truyền, nhưng sau này thánh Paul không chịu theo luật ấy nữa và gọi đó là luật Moise. Giáo hội Công giáo sau này cũng tự ý đổi 2 điều răn trong mười điều răn Thiên Chúa, và cho rằng mình có quyền làm như vậy.

Thánh thư Coran thì cho rằng Thượng đế không thể nào sinh Con; vả Thượng đế là chí tôn vô đối, duy nhất, chứ không có 3 ngôi như Công giáo chủ trương.[24]

Thế là một mặt thì đạo nào cũng cho thánh kinh của mình đã được Thượng đế mặc khải, và hoàn toàn không thể nào sai lạc. Một mặt thì Thánh kinh đạo này lại phê bình Thánh kinh đạo kia là sai lầm hoặc còn khiếm khuyết, không toàn hảo!

(5) Thuyết xã hội: Chân giả tùy xã hội định đoạt

Durkheim (1858–1917) cho rằng: phần thiêng liêng là phần quan trọng nhất của đạo giáo, mà cái thiêng liêng ấy là do xã hội công nhận.

Như vậy nền móng đạo giáo không phải là do Trời mà là do xã hội, do đoàn thể con người lập nên.

Thuyết này có phần đúng, nhưng cũng có phần sai.

Đúng vì đã nêu cao được vai trò quan trọng của đoàn thể, của xã hội về phương diện đạo giáo. Sai vì đã lãng quên mất vai trò của các vị giáo chủ tức là vai trò của ít nhiều cá nhân siêu việt đã thay đổi được đường hướng suy tư, đối đãi của nhân loại.

(6) Chân đạo tại nhân tâm 真 道 在 人 心

Ngược lại đa số thánh hiền Đông Tây thời chủ trương rằng Chân đạo chẳng có ở đâu xa mà đã tiềm ẩn ngay trong lòng con người. Cái tinh hoa muôn thủa ấy hằng có ở trong lòng mọi người, mọi nơi mọi đời, nhưng phàm phu tục tử không thể nào nhận ra được. Thánh hiền chính là những người đã có công chỉ vẽ chân lý ấy cho nhân loại.

Như vậy chân đạo đã phát xuất từ một nguồn, đó là tâm thần con người, sau dần dà biến hóa thành nhiều thứ tôn giáo khác nhau. Ngày nay các tôn giáo phải cố làm sao tìm về cái đạo tương đồng nguyên thủy ấy.

Trong bài tựa cuốn «Kim Liên Chánh Tông» của đạo Lão, ta cũng thấy có quan niệm tương tự: «Đạo không đầu cuối, giáo có trước sau … Đạo thời chân thường siêu việt; giáo thời dạy cách độ người. Đạo là bản thể ngàn đời không hề biến dịch; giáo là công dụng, có lúc thịnh, có lúc suy.»

Thẳng thắn mà xét thì vấn đề «Chân đạo tại nhân tâm» là một quan niệm mà chỉ có một số ít chính nhân, quân tử, hiền thánh mọi nơi mọi đời chấp nhận.

Nó đòi hỏi một sự suy xét sâu xa, một tâm hồn tế nhị có thể thâu nhận được những ý niệm từ đáy lòng hiện lên tâm thức. Đó là công việc mà những người tầm thường không làm nổi.

Quan niệm này vì không có tầm kích không gian thời gian, nên không lồng được vào khuôn khổ lịch sử, và trước mắt quần chúng nếu đó chẳng phải là tà thuyết, thì cũng là không ngôn, vì hoàn toàn vượt trên tầm suy tưởng của họ.[25]

Theo quan điểm này, thì đạo tự nhiên hay thiên tạo chính là đạo dựa vào lương tâm, lương tri con người, đạo qui ước hay nhân tạo là đạo dựa vào những sách vở, những kinh điển bên ngoài.

Dẫu sao, thì lương tâm lương tri cũng có giá trị phổ quát, đại đồng, bất biến, bất dịch. Dẫu sao, thì sách vở, kinh điển cũng là nhân tạo và chỉ có một giá trị lịch sử, địa dư, dân tộc hữu hạn.

(7) Chân đạo phải phổ quát và vĩnh cửu

Gần đây có một số triết gia và học giả như Aldous Huxley, Coomaraswany, Frithjob, Shuon, René Guénon chủ trương có «một triết lý vĩnh cửu». Các ông cho rằng:

– Chân lý rốt ráo về Thượng đế và về vũ trụ không thể trực tiếp phát biểu bằng lời lẽ được.

– Những chân lý ấy phải duy nhất, bất biến mọi nơi, mọi đời. Những tôn giáo mặc khải vì khác nhau ở rất nhiều điểm quan trọng, nên chỉ có thể đúng một cách tương đối. Mỗi một cuộc mặc khải đều thích ứng với nhu cầu của thời đại và với trình độ tâm thần của người thụ giáo.

Theo Coomaraswany thời chỉ duy có một điều phi lý đó là chủ trương chỉ có một tôn giáo đã hoàn toàn nắm giữ được chân lý. Thực ra tôn giáo chỉ là những khía cạnh khác nhau của một chân lý duy nhất. Chân lý duy nhất ấy được trình bày khác nhau tùy thời và tùy trình độ tâm thần của xã hội liên hệ.[26]

(8) Quan niệm Tam Tài với đạo giáo

Sau hết ta cũng có thể dựa vào quan niệm Tam Tài để phân loại các đạo giáo, và để tìm cho ra bổn phận và mục đích chân thực của các đạo giáo.

1. Vì con người ai cũng có xác, nên trước hết là có Vật đạo hay Địa đạo.

Vật đạo hay Địa đạo cốt là lo cho con người có đủ ăn, đủ mặc, có một hoàn cảnh vật chất khả quan.

Đó cũng là một hình thức đạo giáo, vì hằng ngày trong khi cầu nguyện xin ơn, trong 100 người, thì 99 người cầu cho mình và cho gia đình được đủ ăn đủ mặc, bình yên khỏe mạnh.

Trong kinh Lạy Cha chúa Jésus cũng dạy mọi người xin cho được hằng ngày dùng đủ.

Ramakhrishna nói: «Kẻ bụng rỗng không thể theo đạo.» [27]

Phương ngôn Việt Nam cũng nói: «Có thực mới vực được đạo.»

Vivekananda viết: «Tôi đã đi khắp Ấn độ và tôi rất đau lòng khi thấy cảnh nghèo nàn cơ cực của dân chúng. Tôi không cầm được nước mắt. Và ngày nay, tôi tin chắc rằng không lo giúp cho họ bớt nghèo nàn khổ sở thì giảng đạo cho họ cũng vô ích.» [28]

Vivekananda muốn đạo giáo phải dạy con người biết tự tin vào mình, biết kính trọng kẻ khác, có thể nuôi dưỡng được kẻ đói khát, lướt thắng được sự cơ cực, nâng cao được trình độ quần chúng. Theo Ông, muốn tìm Thượng đế hãy phục vụ con người.[29]

2. Vì con người ai cũng có tâm hồn, nên thứ đến có Nhân đạo.

Nhân đạo có mục đích dạy mọi người ăn ở sao cho hợp tình, hợp lý, xứng đáng với danh nghĩa con người để mọi người cùng nhau sống trong tình huynh đệ, không còn ai bị áp bức, cưỡng đoạt, lợi dụng, bóc lột.

Các tiên tri Do Thái như Élie, Amos, Osée v.v… đều là những người hăng say bênh vực quyền lợi dân chúng chống lại bạo quyền. Chúa Jésus,[30] cũng như Hillel,[31] cũng như Khổng Tử,[32] cũng như Thánh Thư Ấn Độ giáo,[33] không hẹn nhau, mà đều đồng thanh kêu gọi mọi người phải coi người khác như chính mình, cũng đều chủ trương «Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân» 己 所 不 欲, 勿 施 於 人! … Các đạo giáo đều dạy chúng ta đem tình thương mà đối đãi với mọi người.

Như vậy chân đạo không xa lánh cuộc đời, mà chính hằng lo lắng sao cho xã hội loài người ngày một trở nên hoàn mỹ.

3. Sau hết, vì con người còn có tinh thần (Esprit), nên còn có Thiên đạo.

Thiên đạo có mục đích dạy con người một lề lối sống hoàn thiện phối kết với Thượng đế. Các đạo giáo Âu Châu gọi thế là cuộc sống huyền đồng (vie mystique). Khổng Tử, Lão Tử gọi thế là «Phối Thiên» 配 天. [34] Bà la môn giáo gọi thế là sống hợp nhất với Atman, hay sống hợp nhất với Thượng đế. Phật giáo gọi thế là «đáo bỉ ngạn» 到 彼 岸 (sang tới bờ bên kia) hay nhập Niết Bàn.

Thiên đạo theo thánh kinh công giáo chính là thờ phượng Thượng đế bằng tâm thần và bằng chân lý, vì Thượng đế là Thần, nên chỉ có Thần con người mới có thể tìm cầu và kết hợp với Thượng đế. Thiên đạo theo Nho giáo chính là Đạo Trung Dung, vì Nho giáo chủ trương cần phải tìm cho ra Thượng đế làm trụ cốt, làm Tâm điểm cho hoàn võ và cho lòng con người; gạn đục khơi trong tâm hồn để đạt tới tinh hoa nhân loại, trở nên thuần túy chí thiện. Thiên đạo đối với Phật giáo, Ấn Độ giáo, hay Lão giáo chính là vượt lên trên mọi hình tướng biến thiên phù phiếm, biến dịch để trở về với hay để thực hiện vĩnh cửu, bất diệt, bất hoại. Đó là thực hiện Kim cương thân, hoặc Pháp thân, hoặc Tiên đan.

Hoặc đi tìm Thượng đế, kết hợp với Thượng đế, hoặc băng qua hình tướng để trở về cùng Bản thể Tuyệt đối; hoặc vượt tầm không gian thời gian, để trở về cùng vĩnh cửu bất sinh, bất diệt, tất cả những từ ngữ tuy có khác nhau về hình thức nhưng nội dung vẫn chỉ là một: đó là sống đời toàn thiện kết hợp với Thượng đế…

Ba thứ đạo: vật đạo, nhân đạo, thiên đạo nói trên cao thấp, nông sâu hết sức khác nhau.

Vật đạo thấp nhất, rồi đến nhân đạo, rồi đến thiên đạo. Lắp liền ba thứ đạo ấy với nhau, ta sẽ được một chiếc thang Jacob bắc từ đất lên đến trời, nối liền trời đất người. Đất là xác thân, là hoàn cảnh ở bên ngoài; người là tâm hồn ở bên trong; trời là tâm thần ở khuất lấp trong đáy lòng sâu thẳm. Như vậy ta mới hiểu: «Nước trời chẳng ở đâu xa mà đã ở ngay trong lòng chúng ta.» (Luc 17, 21).

Tiêu chuẩn chân đạo:

Như vậy chân đạo không phải là một mớ lý thuyết suông mà chính là những phương pháp khoa học, thiết thực để khai thác ngoại cảnh, cải tạo tâm hồn con người, giúp con người đi sâu được vào cảnh giới tâm linh để gặp gỡ Thượng đế, và sống phối kết với Thượng đế.

Ngày nay chân lý không còn là một chiếc tàu hỏa mà các đạo giáo Âu Châu là như đầu máy tàu, và các toa hạng nhất hạng nhì lịch sử, còn các đạo giáo Á Châu thời bị coi như là những toa hạng ba, hạng tư, toa chót toa đuôi, lôi thôi luộm thuộm.

Không! Chân lý phải được coi như một vòng tròn mà mỗi đạo giáo, ít là về phương diện gian trần, là một đường bán kính. Các đạo giáo tuy khác xa nhau ở các tầng lớp bên ngoài, nhưng sẽ gặp gỡ nhau nơi tâm điểm, mà tâm điểm ấy chính là Thượng đế.

Như vậy đúng như lời Tolstoi đã nói: «Chúng ta sẽ gặp nhau, khi chúng ta về đến đích.» [35]

Suy cho cùng thì Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo, Khổng giáo và tất cả các đạo lớn trong thiên hạ cũng đều đề cao một đời sống công chính, đều chỉ vẽ rằng đức bác ái và tình huynh đệ là con đường đưa tới một đời sống hẳn hoi, cho cá nhân cũng như cho nhân quần xã hội.

Chắc chắn cũng là một Thượng đế, một Thần linh nội tại đã hoạt động trong lòng mọi người. Nếu chúng ta lưu tâm đến chân lý sống động hơn là đến giáo lý, tín điều – duyên do làm cho chúng ta chia rẽ nhau – thì có lẽ Thượng đế đã hoạt động hữu hiệu hơn. Nếu chúng ta phá bỏ những bức tường chia rẽ ngăn cách chúng ta, thì có lẽ Ngài có nhiều chỗ mà thực thi ý nguyện hơn.[36]

Vivekananda cho rằng đạo giáo cao siêu nhất là đạo giáo dạy cho con người biết tự tin mình; có những phương thế để cải tạo đời sống vật chất, xã hội, tinh thần để nhân loại ngày một tiến hóa hơn, trở nên cao đại, thanh quí hơn.

Và đây là những lời tâm huyết của Vivekananda: «Chúng ta phải biết tin tưởng vào chúng ta. Nếu các bạn tin vào 330 triệu thần minh huyền thoại của các bạn, nhưng nếu các bạn không tin vào nơi các bạn, thì các bạn sẽ không được cứu rỗi.

«Hãy tin vào các bạn, hãy bám víu vào niềm tin ấy. Tại sao chúng ta, một dân tộc 330 triệu người, thế mà trong hàng ngàn năm, chúng ta đã bị cai trị bởi một nhúm người ngoại quốc? Đó là tại vì họ tin tưởng vào họ, mà chúng ta không tin tưởng vào chúng ta … Chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự sa đọa của chúng ta. Những bậc tiền bối quyền quí của ta đã trèo đầu cưỡi cổ lên đám dân đen trong nước, nên họ mới trở nên hèn kém, đến nỗi, sống trong đọa đày, những kẻ xấu số ấy quên mất rằng họ cũng là những con người.

«Họ bị đọa đày vào những tình trạng bần cùng, đốn mạt đến nỗi họ tin tưởng rằng họ sinh ra để làm thân tôi mọi.

«Các bạn vỗ ngực cho rằng mình là những người yêu nước thương nòi, các bạn là những nhà cách mạng, có bạn có cảm thấy lòng dạ xuyến xao vì hàng triệu người thuộc dòng dõi thần linh và thánh hiền nay đã trở nên gần ngang hàng với muôn thú, vì triệu triệu người đang chết đói, vì triệu triệu người đã chết đói từ bao thế kỷ nay?

«Các bạn có cảm thấy không: sự dốt nát đang bao phủ xứ này như một đám mây mù?

«Các bạn có thấy bàng hoàng vì thế chăng? Các bạn đã vì thế mà mất ăn mất ngủ chưa? Các bạn đã vì những thảm cảnh ấy mà muốn phát điên lên chưa? …

«Từ bao thế kỷ nay, người ta đã dạy cho dân ta một thứ tôn giáo đốn hèn. Người ta đã dạy cho quần chúng trên khắp mặt đất này rằng họ chẳng có giá trị gì cả. Họ đã dọa dẫm đám dân đen từ nhiều thế kỷ nay và làm cho họ trở nên như những bầy súc vật...

“Hãy đứng lên, hỡi các bạn. Hãy tỉnh dậy hỡi các bạn. các bạn đừng bao giờ dừng chân trước khi chưa tới đích. Các bạn hãy tỉnh dậy, đừng bị thôi miên, đừng bị mặc cảm rằng mình yếu hèn ...

«Các bạn hãy đứng lên, chúng ta cần một thứ đạo dạy chúng ta trở nên những con người xứng đáng! Chúng ta cần có những học thuyết dạy cách cho chúng ta trở nên những con người xứng đáng. Và đây là đá thử vàng cho chúng ta biết thế nào là chân lý: Bất kỳ cái gì làm cho các bạn trở nên hèn yếu về phương diện xác chất về phương diện tâm trí, về phương diện siêu nhiên, các bạn hãy vứt bỏ đi. Đó là liều thuốc độc. Sự sống không có ở đó. Chân lý không có ở đó. Chân lý là sức mạnh. Chân lý là tinh hoa. Chân lý là ánh sáng. Chân lý là nguồn mạch mọi năng lực. Các bạn hãy từ bỏ những lối đạo hạnh làm suy nhược con người và hãy trở nên hùng mạnh. Tất cả những chân lý trọng đại trên đời này đều giản dị, giản dị như cuộc sống các bạn vậy!» [37]

Như vậy đạo giáo không phải là sự ù lì, chịu đựng, mà là sự cố gắng tìm cầu. Đạo giáo là một sự triển dương tấm kích của lý trí và tâm hồn cho tới cùng cực.

Con người đạo hạnh chân chính luôn ước muốn có một đời sống phong phú hơn, sâu xa hơn, khoáng đạt hơn, hùng dũng hơn. nói cách khác, con người đạo hạnh muốn vươn lên cho tới chỗ cao đại. Sự cứu rỗi, sự giải thoát đối với họ chính là sự vượt tầm kích phàm nhân mà tiến vào tầm kích siêu nhân, thần thánh. Cũng có thể gọi đó là sống một cuộc sống đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, rộng rãi hơn, cao siêu hơn, sâu xa hơn… Đạo giáo chẳng qua là nhịp cầu bắc từ hữu hạn tới vô hạn, để giúp cái hữu hạn tiến về cái vô hạn.

Đạo giáo nhắc cho con người nhớ rằng phân thể bao giờ cũng phải lệ thuộc vào toàn thể. Phân thể vì vậy không thể nào tách rời khỏi toàn thể.

Vì thế nên Shelling mới định nghĩa đạo giáo là sự hợp nhất giữa ta và Bản thể tự hữu.

Max Müller thì cho rằng: đạo giáo là một sự cố gắng để quan niệm cái «bất khả quan niệm» để nghị luận cái «bất khả tư nghị», để ao ước muốn vươn lên cho tới vô cùng.[38]

KẾT LUẬN:

Sự khảo sát trên đây cho chúng ta thấy rằng chân đạo không phải ở đầu thời gian, ở cuối thời gian, ở giữa thời gian; chân đạo không có ở trong sách vở; chân đạo không ở bên Đông, cũng chẳng ở bên Tây, chân đạo không có quốc gia cũng như không có giang sơn bờ cõi; chân đạo cũng không ở trong đoàn thể, các tổ chức xã hội, chân đạo không ở trong đền đài, miếu mạo, hay ở trong tay những kẻ có uy quyền, mà chân đạo đã ở ngay trong tâm thần mỗi một người.

Thượng đế vì vô biên vô tận, nên chẳng những ở trên trời, mà còn ở khắp nơi trong vũ trụ bao la này cũng như đồng thời đã ẩn áo ngay sẵn trong lòng con người.

Như vậy con đường dẫn tới Thượng đế gần nhất là con đường nội tâm. Những tâm hồn tinh khiết, thanh cao, những khối óc thông minh, sáng láng chẳng chóng thì chày sẽ nhận ra được chân lý tối sơ ấy.

Ram Linson viết: «Giây liên lạc nối kết ta với Đại thể thực đã ở ngay trong tầng sâu các cơ cấu tâm tình ta, ở bên dưới các lớp lang ý thức sâu xa và thầm kín nhất.» [39]

Cho nên dẫu các đạo giáo từ xưa tới nay đã bày biện ra muôn vàn lễ nghi, hình thức bên ngoài, dẫu các thánh thư từ trước tới nay đã dùng mọi phương cách, đã dài dòng dạy dỗ con người; tất cả những cái đó cũng không ngoài mục đích giúp con người gạn đục khơi trong tâm hồn, để có thể cảm thông trực tiếp được với Thượng đế, bằng tâm thần mình.

Chân lý, chân đạo bao giờ cũng giản dị, cũng trong sáng, cũng vĩnh cửu và phổ quát. Chân lý chân đạo bao giờ cũng đem lại cho con người tự do và hạnh phúc, y thức như cơm áo bao giờ cũng đem lại no ấm cho con người. Cho nên tất cả những cái gì rắc rối, tần phiền, tất cả những cái gì thằng thúc, trói buộc, đè nén con người, tất cả những cái gì làm cho con người trở nên ngu si, đần độn, khổ sở, khốn nạn về tinh thần cũng như về vật chất, tất cả những gì làm tiêu ma nghị lực con người, làm suy giảm nhân phẩm con người, tất cả những cái đó đều không phải là chân lý, chân đạo.

Trên phương diện thực hành, thái độ chân chính nhất của một người đạo hạnh chân thực là không mất thì giờ chê đạo này, đạo nọ; mà phải luôn luôn cố gắng tiến bước trên đường nhân nẻo đức, tiến tới hoàn thiện tinh hoa; luôn cố gắng cho lòng mình rộng mở để bao dung, thông cảm với người; cho lòng mình rung cảm trước những nỗi đau thương của đồng loại và ra tay tế độ.

Bất kỳ chúng ta theo đạo nào và dầu cho đạo ấy cao siêu mấy đi chăng nữa, nếu mà lòng chúng ta vẫn còn thô lỗ, còn đầy oán hờn, còn đầy ghen ghét, còn đầy mưu gian chước độc, mà tâm trí chúng ta còn hẹp hòi, còn tối tăm, rối rít, còn khổ sở, còn đốn hèn, còn bị lo âu, còn bị dày vò, còn trống rỗng và vô vị, thì thực thà mà nói, chúng ta vẫn là những con người vô đạo, hay ít là những ảnh hưởng tốt đẹp của các đạo giáo chưa có chút tác động nào trên tâm thần chúng ta, đạo giáo mới chỉ là những thời trang phủ trên người chúng ta những lớp xa hoa phù phiếm mà thôi.

Tôi sở dĩ đã mạo muội nói về đề tài này cùng quí vị, là mong muốn được nói lên một tiếng nói nhỏ bé của tôi cốt để kêu gọi mọi người hãy tỏ ra khoan dung, độ lượng, thông cảm lẫn nhau và đừng để cho màu sắc tôn giáo làm phai nhạt tình huynh đệ, tình đồng bào đồng chủng.

Cái quan hệ của chúng ta không phải là ở chỗ theo đạo này, đạo nọ, mà cái quan hệ chính là ở nỗ lực tìm cầu chân lý, nỗ lực sống theo lý tưởng mình tin theo.

Ramakrishna viết: «Bất kỳ bạn theo đường nào, điều quan hệ là phải thành khẩn khao khát chân lý. Thượng đế biết rõ những bí ẩn của lòng bạn, và dẫu bạn có đi lầm đường cũng không sao, miễn là bạn thành khẩn, Thượng đế sẽ đưa bạn về đường ngay nẻo chính … Mà có con đường nào thoát lầm lạc đâu! Ai cũng nghĩ rằng đồng hồ mình đúng nhưng kỳ thực chẳng ai có giờ đúng. Cái đó cũng chẳng ngăn trở công việc.» [40]

Vậy chúng ta hãy nên chịu khó cố gắng tìm hiểu lẫn nhau, học lấy cái hay của nhau, tránh cái dở cho nhau, bắt tay nhau cùng xây dựng tương lai, cho trần hoàn chóng trở thành nơi lạc cảnh.

Nếu các đạo giáo đều cố gắng tạo nên những mẫu người lý tưởng theo nhãn quan của mình, thì ta cũng có thể hấp thụ tinh hoa của các đạo giáo để trở nên những con người lý tưởng chân thực. Nếu trong tương lai, nhân loại bắt tay được với nhau để cùng tiến tới tinh hoa hoàn thiện, thì đẹp đẽ biết là bao. Thi hào Tagore đã nói: «Nhân cách vô biên của con người chỉ có thể thực hiện khi các chủng tộc hòa hợp thân ái với nhau…» [41] Ước mong cái ngày hoàng kim ấy sớm thực hiện.


CHÚ THÍCH

[1] «… (que) Dieu est vérité et (que) la vérité est divine.» G. Van Der Leeuw, La Religion dans son essence et ses manifestations, p. 592.

[2] Đồi Coelius, Aventin, Exquilin, Viminal, Capitole, Palatin, Quirinal.

[3] «Les dissonances du monde ressemblent aux disputes entre amoureux. La réconciliation survient au milieu du conflit et tout ce qui était séparé se retrouve. Les artères qui divergent reviennent au coeur; tout est vie, unique, éternelle, flamboyante.»

G. Van Der Leuuw, La religion dans son essence et dans ses manifestations, p. 586.

[4] Bửu Cầm, Tống Nho, tr.17.

[5] A.C. Bouquet, Comparative Religion, p.17.

[6] Ibid., p. 17.

[7] A.C. Bouquet, Comparative Religion, p.17.

[8] H. Ringgren et A. V. Ström, Les Religions du Monde, p. 116.

[9] E. Royston Pike, Dictionnaire des Religions.

[10] «Les mêmes méthodes d’investigation que nous appliquons dans les sciences et la connaissance extérieure, doivent-elles être appliquées, dans la science de la religion? Je dis: Oui. Et j’ajoute: Le plus tôt sera le mieux. Si une religion est détruite par cette investigation, elle était donc une superstition inutile et indigne; plus tôt elle disparaîtra, et mieux cela vaudra. Je suis absolument convaincu que sa destruction sera le mieux qui put arriver. Tout ce qui est scorie sera enlevé; mais les parties essentielles ressortiront triomphantes.» (Vivékananda, l’Idéal d’une religion universelle, II, p. 138. – Romain Rolland, La vie de Vivékananda et l’évangile universel, II, p. 78).

[11] «Vous n’acceptez rien, de confiance, comme font les superstitieux. La science sera votre religion, ainsi dit le Seigneur notre Dieu… Ne mystifiez pas votre esprit par des mystères occultes! Ne vous livrez pas à des rêves et des fantaisies! Mais avec une vision claire et un jugement sain, non troublé, prouvez tout chose, et tenez-vous ferme à ce qui a été prouvé vrai. Dans toutes vos croyances et toutes vos prières, la foi et la raison devront s’harmoniser en la vraie Science.» (Ibid., p. 79, note 2).

[12] «Ils nous ont rompus dans la guerre et corrompus dans la paix. Ceux qui leur ont résisté ont péri, mais ceux qui, comme nous, leur ont cédé, ont peut-être connu un sort pire: Ils ont perdu leur âme. Ils ne nous ont pas seulement exploités, ils nous ont séduits … Ils nous ont fait perdre notre foi pour nous bourrer de leur idées … Ils ont fini par nous faire accroire que rien ne serait plus désirable pour nous que d’être eux. Et ainsi nous sommes morts à nous-mêmes!» (Xem Civilisation et notre délivrance, p.15 và Văn Hoá Á Châu, tháng 4, 1960, tr. 39).

[13] (Véritable océan immensurable) Xem Mystères bouddhiques, p. 52 và Văn Hóa Á Châu, tháng 4, 1960, tr. 34.

[14] Théories du monothéisme primitif et intermédiaires.

H. Ringgren et A.V. Ström, Les Religions du Monde, p.18.

[15] H. Ringgren et A. V. Ström, Les Religions du Monde, pp. 19 et ss.

[16] Mana là tiếng của dân Mélanésiens. Các dân tộc khác cũng có những tiếng tương tự để chỉ Mana như Manitou (Algonquins), Orenda (Ironquoi), Walanda (Sioux), Arungquilta (Arunta ở Australie), Mulungu (Bantu)… (Xem Jack Pinegan, The Archeology of World Religions, p. 12, 13.

[17] Mana, force anonyme à la fois matérielle et spirituelle, répandue partout: «Dieu impersonnel», selon Durkheim (Xem Félicien Challaye, Petite Histoire des Grandes Religions, p. 262).

[18] Xem Thời đại trục với truyền thống Á Châu của Dung Đạo, in trong Văn Hóa Á Châu, tháng 4, 1960, tr. 118.

[19] Pocket Bible Handbook, tr. 61, 75.

[20] Félicien Challeye, Petite Histoire des Grandes Religions, p. 135.

[21] A. Powell Davies, The meaning of The Dead Sea Scrolls, p. 101, 108.

[22] Edmund Wilson, The Scroll from the Dead Sea, p. 91.

[23] H. De Glassenapp, Les Cinq Grandes Religions du Monde, p. 552, 553.

[24] For Mohammed’s very intense conviction, the unity of God – absolute and unqualified – is the foundation of all true religious faith. Hence the Christian doctrine of the Trinity – this bizarre idea of the three gods in one – seemed to him a blasphemous error; it is a covert form of polytheism, however disguised.

… It is very unseemly to believe of God the He should beget a son. (Edwin A. Burtt, Man seeks the divine, p. 435).

[25] Xem Lecomte du Noüy và học thuyết viễn đích của tác giả, tr. 336-337.

[26] Xem R. C. Zaehner, Mysticism sacred and profane, p. 27.

«Triết lý vĩnh cửu» được gọi là Philosophia perennis theo từ ngữ các học giả nói trên.

[27] La religion n’est pas pour les ventres vides (Vie de Vivekananda, I, p. 34).

[28] J’ai voyagé par toute l’Inde, et c’a été pour moi une torture de voir la pauvreté et la misère terribles des masses. Je ne puis retennir mes larmes. C’est à présent ma ferme conviction qu’il est inutile de prêcher aux malheureux la religion, sans soulager leur pauvreté et leurs souffrances (Ibid., 38).

[29] Une Religion qui nous donne la foi en nous et le respect des autres, le pouvoir de nourrir les affamés, de vaincre la misère, de relever les masses. Si vous voulez trouver Dieu, servez l’homme (Ibid., 18).

[30] Ainsi tout ce que vous désirez que les autres fassent pour vous faites-le vous mêmes pour eux. Voilà la Loi et les Prophètes. (Matthieu 7, 12. – Luc 6, 31).

[31] Do not unto others that which is hateful to you. This is the whole of the Law, all the rest is commentary. (Rabbi Hillel, Talmud) (Xem Joseph Gaer, The Wisdom of the Living Religions, 161).

[32] Confucius was asked: «Is there one word that sums up the basis of all good conduct?» All, he replied, «Is not reciprocity, that word? What you yourself do not desire, do not put before others.» (Analects XV, 23; XII, 2) (Trung Dung XIII).

[33] Ne fais pas aux autres ce que tu ne voudrais pas qu’on te fit; et souhaite aux autres ce que tu désires le plus ardemment toi-même. C’est là l’essence du Dharma. Retiens-le bien. Mahabharata. (B. L. Atreya, Aspects de la Culture Indienne apud Originalité des Cultures, p. 158).

[34] Trung Dung, ch. 31; Đạo Đức kinh, ch. 68.

[35] Nous nous rencontrons quand nous serons arrivés. (La vie de Vivekananda II, p. 112).

[36] A. Powell Davies, The Meaning of the Dead sea scroll, p. 131.

[37] Cf. La vie de Vivekananda, I, p. 124-125.

[38] Tout s’explique en la vie religieuse dès qu’on voit dans sentiment religieux le sentiment de l’Infini, dans la religion un lien établi entre le fini et l’infini.

Pour Schelling (1775-1854) «La religion est l’unité absolute de notre être et de l’Être».

Pour Max Müller (1823-1900), la religion est «un effort pour concevoir l’inconcevable, pour exprimer l’inexprimable, une aspiration vers l’Infini.» (Félicien Challaye, Petite histoire des grandes religions, p. 266-267).

[39] Xem Lecomte du Noüy và Học thuyết Viễn đích của tác giả, tr. 299.

[40] Quel que soit le chemin que vous suiviez, le point vital est le désire ardent de la vérité. Dieu connaît les secrets de votre coeur; et il importe peu vous preniez le mauvais chemin; il faut seulement que vous ayez la sincérité. Lui-même vous ramènera dans le bon chemin … On sait bien qu’aucun chemin n’est sans erreur. Chacun croit que sa montre va bien; mais en fait, personne n’a l’heure exacte. Cela n’empêche pas de travailler … (Vie de Ramakrishna, p. 645).

[41] Sur la voie de tels rapprochements entre les plus hautes aspirations humaines, l’humanité pourrait accomplir de merveilleux progrès. Peut-être est-ce un aussi sublime avenir que prophétise la grand indou Rabindranath Tagore (1861-1941) lorsqu’il écrit empruntant aux Oupanishads une mystérieuse formule: «L’Infinie Personnalité de l’homme ne peut être accomplie que dans une grandiose harmonie de toutes les races humaines…» (Félicien Challaye, Petite Histoire des grandes Religions, p. 277).


» mục lục | tựa | chương 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 | sách tham khảo