HƯỚNG TINH THẦN
Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ
»
mục lục
| tựa |
chương 1
2
3
4 5
6
7 8
9
10 |
sách tham khảo
chương
9
PHÂN LOẠI ĐẠO GIÁO:
NGOẠI GIÁO VÀ NỘI GIÁO – THIÊN NHIÊN VÀ
QUI ƯỚC
Âu châu thường phân loại
đạo giáo thành hai loại:
– Đạo giáo thiên nhiên
(religions naturelles)
– Đạo giáo mặc khải
(religions rélévées).
Đạo giáo thiên nhiên là
những đạo giáo do nhân loại lập nên và vì thế, không hoàn bị. Nó gồm tất
cả các đạo giáo ngoài Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo.
Đạo giáo mặc khải là đạo
giáo do chính Chúa Trời truyền qua trung gian các tiên tri như Do Thái
giáo, Hồi giáo, Công giáo. Công giáo cho rằng đạo mình đã được chính
Chúa Trời giáng trần lập nên, vì vậy hoàn bị và cao siêu hơn hết mọi đạo
giáo.
Chủ trương trên rất thịnh
hành ở Âu châu và đến ngày nay, cũng còn rất nhiều người quan niệm như
vậy.
Tuy nhiên, nếu ta suy cứu kỹ
càng, thì quan điểm trên có nhiều khuyết điểm.
– Trước hết quan điểm này
phát sinh từ lâu trước khi mà người Âu châu chưa khám phá ra kho tàng
đạo giáo Á châu, khi mà thiên hạ đối với họ hãy còn là khu vực Địa Trung
Hải.
– Nó không phù hợp với thực
tại, vì Ấn giáo, Khổng giáo nhiều lần đã cho rằng thánh thư mình chính
Thượng đế mặc khải, và điều này đã được ghi chép trong những sử sách xa
xưa.
– Nó cũng không lưu ý rằng
đạo giáo thường không phải nguyên do vị giáo chủ sáng lập, mà chính là
nhờ công lao của nhiều người đóng góp.
Ngay đến như đạo Công giáo
cũng không phải nguyên do Chúa Jésus sáng lập. Một người đã có công đóng
góp rất nhiều vào sự tạo dựng nên đạo Công giáo lúc ban sơ chính là
thánh Paul. Thánh Paul là một nhà cách mạng. Ngài đã dám đi ngược lại
đường lối của các tông đồ, của những vị đã được chính chúa Jésus huấn
luyện và truyền thụ về đạo giáo; Ngài cũng đã có gan đả phá luật đạo Do
Thái, do chính Chúa Trời truyền qua trung gian của Moise.
Các tông đồ chủ trương chỉ
giảng giáo cho dân Do Thái, và trung thành với luật đạo cũ. Đó cũng
chính là chủ trương của chúa Jésus.
Thánh Paul chủ trương phải
giảng cho dân ngoại, và cần phải đả phá lề luật đạo Do Thái mà ngài gọi
là luật Moise.
Những ý kiến tương dị giữa
thánh Paul và các Tồng đồ đã được ghi chép trong Công vụ sứ đồ, và trong
các thánh thư của Ngài.
Để chứng minh, chúng ta hãy
đọc:
– Công vụ sứ đồ 21, 21–24.
– Galates 2, 1–14
– Galates I, 16–21 v.v…
Theo đà thời gian, chủ
trương của thánh Paul đã thắng thế, và đã đưa đến cục diện đạo giáo như
nay.
– Phân loại đạo giáo thành
thiên nhiên và mặc khải theo lối Âu châu mặc nhiên đã làm giảm giá trị
của Thượng đế, đã thu hẹp tầm kích hoạt động Ngài vào trong một số
người, vào một nước, một dân, một miền, một phương, làm cho Ngài bị lệ
thuộc không gian và thời gian, trong khi tầm kích của Thượng đế là muôn
phương, muôn nước, siêu không gian và thời gian.
– Sau hết lối phân tách trên
không có ích lợi gì cho sự khảo cứu, vì đã tiên quyết gạt bỏ rất nhiều
kho tàng quí báu về đạo giáo; đã làm cho con người có những nhận định cố
chấp, lệch lạc, và cũng không giúp họ phân định được phần chính, tùy,
cao thấp, tôn ti của các đạo giáo.
Vì vậy trong chương này ta
phân loại đạo giáo theo những tiêu chuẩn khác. Đó là Nội giáo và Ngoại
giáo; Thiên nhiên và Qui ước.
I. NỘI GIÁO VÀ NGOẠI GIÁO
Xưa nay, người theo đạo này
thường gọi người theo đạo kia là người ngoại đạo (pagans, infidèles) hàm
ngụ một ý nghĩa khinh thị, và cho rằng chỉ có đạo mình mới là chính đạo.
Nhưng thực ra đạo nào cũng
có phần thấp, phần cao; phần chính, phần tùy; phần chân, phần ngụy; phần
nội giáo và phần ngoại giáo.
Nội giáo
(ésotérisme) tức là giai
đoạn «nhập thất» theo từ ngữ Khổng môn (Luận ngữ, Tiên Tấn XI,
14), giai đoạn được truyền tâm pháp và những đạo lý cao diệu, huyền vi.
Ngoại giáo
(exotérisme) là giai đoạn sơ bộ của các đạo giáo, là giai đoạn «thăng
đường» theo từ ngữ Khổng môn (Luận ngữ, Tiên tấn XI, 14) tức là
giai đoạn mới được truyền thụ những điều thô thiển, phù phiếm về đạo
giáo.
Người xưa chỉ truyền nội
giáo (ésotérisme, mysticisme) cho một số người có tư chất thông minh đặc
biệt, biết cố gắng không ngừng, và có diễm phúc được ân sủng đặc biệt
của Thượng đế.
Nội giáo khó truyền cho
người phàm tục, vì họ chưa tới trình độ để hiểu, để theo. Vì thế xưa ở
cổng trường của Pythagore có dựng tượng thần Hermès, và trên bệ tượng có
đề hai chữ: Eskato Béléloi, nghĩa là: «Phàm phu xin lui gót.»
Nội giáo, hay Trung đạo, hay
Huyền học có những nét đại cương sau đây:
– Tin tưởng và hơn thế nữa,
cảm giác thấy có một nguyên lý bất biến, hay nói nôm na là có Trời, có
Thượng đế tiềm ẩn ngay trong tâm hồn mình.
– Tu sửa tâm hồn mình cho
hết khuyết điểm dở dang, để nên giống như khuôn thiêng bất biến, nên
giống khuôn thiêng hoàn thiện của trời nơi đáy lòng mình.
– Mục đích tối hậu của công
cuộc tu thân, của cuộc đời, là chuyển hóa tâm thần, là trở nên hoàn
thiện như Trời để kết hợp với Trời, đó chính là Phối Thiên theo từ ngữ
Trung Dung, và Đạo Đức kinh (Xem Trung Dung, 31, Đạo Đức kinh,
68).
– Phương diện cần thiết để
đạt mục phiêu đó là học hỏi không ngừng để tìm nguồn gốc cũng như định
mệnh hết sức cao cả của con người, triền miên suy tư để tìm cho ra những
định luật trời đất, những định luật tâm lý để giúp mình cải thiện, biến
hóa tâm thần, tiến tới tinh hoa, tiến tới hoàn thiện, tóm lại là cố gắng
mãi mãi, cố gắng không ngừng để lướt thắng mọi trở lực, băng qua mọi
giai đoạn, và chỉ ngừng lại ở mức hoàn thiện. Đó là «Chỉ ư chí thiện»
của sách Đại Học.
– Kết quả tối hậu mà con
người sẽ gặt hái được tức là sống phối hợp với Thượng đế, tức là “Phối
Thiên”, tức là kết hợp với Trời cùng đất trời trường sinh, bất tử.
Những quan niệm trên đây
không phải là di sản riêng tư của một tôn giáo nào, mà trái lại là di
sản của thánh hiền muôn thuở, của Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Bồ Đề Đạt
Ma, Krishna, Orphée, Hermès, Pythagore, Platon, Jean de la Croix, hay
Eckhart, v.v.
Ngoại giáo là những hình
thức đạo giáo dành riêng cho phàm phu, tục tử, cho quần chúng, và đặt
nặng trọng tâm vào giáo lý, lễ nghi, phụng vụ, cúng quải, cầu khẩn bên
ngoài.
Các bậc đại thánh đại hiền
xưa nay, không phân đạo giáo, nhất nhất đều coi khinh ngoại giáo, và coi
trọng nội giáo.
Ta có thể chứng minh quan
điểm này ngay bằng Thánh kinh công giáo, cả Tân ước lẫn Cựu ước.
Thánh vị David viết:
«Nhưng họ chỉ đầu môi đầu
lưỡi,
Miệng phỉnh phờ, lừa dối
Chúa thôi.
Lòng không quả quyết theo
người,
Bởi không tin tưởng nơi
lời ước giao.»
(Thánh vịnh, 78, 36, Thánh
vịnh Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, tr. 255)
Chúa phán trong sách tiên
tri Amos:
«Lễ ngươi, ta ghét, ta
khinh,
Ta đà chán chuyện linh
đình, xôn xao.
Lễ dâng, ta chẳng ưa nào,
Tam sinh hồ dễ lọt vào
mắt ta.
Thôi đừng hát xướng, đàn
ca,
Đàn ca đừng bận tâm ta từ
rày.
Miễn sao công chính tràn
đầy,
Như nguồn tung tỏa đó đây
mới là.»
(Amos, 5, 21–24)
Trong Phúc Âm Matthieu, chúa
Jésus, phỏng lại lời tiên tri Isaie, trách dân Do Thái:
«Dân này môi miệng thờ
ta,
Nhưng mà lòng nó cách xa
ngàn trùng.
Phụng thờ, hình hạo luống
công,
Bao lời giảng giáo thuần
dòng nhân vi.»
(Matt. 15, 8–9)
Thánh Paul cũng chống lại
những hình thức, những tuần tiết, lễ nghi bên ngoài.
Ngài nói: “Giữ ngày, giữ
tháng, giữ mùa, giữ năm. Các bạn làm tôi e đã vất vả vô ích vì các bạn.”
(Galates 4, 10– 11).
Trong bài thuyết trình tại
Thượng viện Hi Lạp, ngài nói:
«Thiên Chúa đã dựng nên trời
đất và mọi vật trong đó, là Chúa của Trời đất, chẳng ngự tại đền thờ do
tay loài người tạo dựng nên đâu.» (Công vụ sứ đồ, 17, 24).
Đó cũng chính là lời phân
phô của thánh Étienne, trước khi bị ném đá chết. (Công vụ sứ đồ 7, 48).
Ở Ấn Độ có một phái tăng sĩ
khất thực gọi là Baul (ở Bengale). Giáo phái này được thi hào
Rabindranath Tagore hết sức thán phục, vì họ đã đề cao nội giáo.
Những bài ca của họ đều nói
lên sự khao khát của tâm hồn đi tìm Thượng đế, đi tìm Thượng đế trong
tâm chứ không ở đền đài, miếu mạo.
Phái Baul không sùng thượng
một hình thức, lễ nghi nào, và họ cho đó là chướng ngại vật cản tâm hồn
tới cùng Thượng đế:
«Đường tới Chúa vướng
những đền cùng miễu,
Nghe tiếng Ngài, mà chẳng
thấy đường đi,
Vì trước tôi toàn giáo
phụ với tăng ni…
Thờ phượng Ngài, mà phôi
pha, thời hỏng hết,
Trước cửa Ngài, nhiều
khóa then bưng bít,
Nào thánh thư, nào kinh
kệ, nào chuỗi, nào xâu,
Quang cảnh ấy, khiến
Madana nhỏ lệ sầu…»
Chủ trương trên cũng y thức
như chủ trương của thi hào Kabir. Kabir cũng cho rằng: «Phụng thờ, tế
tự, tràng hạt, chuỗi xâu, hành hương, sùng kính; bố thí, ăn chay; chín
lối tôn sùng thờ phượng; thánh thư Vệ đà, thánh thư Coran, tất cả đều là
áo choàng của tà ngụy.»
Nói như vậy mới đầu tưởng
như là bài xích đạo giáo, nhưng cân nhắc kỹ lưỡng mới thấy rất cao siêu.
Chung qui chỉ muốn nhấn mạnh rằng tất cả mọi lễ nghi hình thức bên ngoài
dù cao siêu, đẹp đẽ mấy mặc lòng, nhưng nếu đánh lạc hướng tâm thần con
người; nếu phá tán tâm thần con người; nếu không chỉ vẽ được cho con
người biết rằng Thượng đế ở ngay trong tâm hồn họ, thì tất cả những thứ
lễ nghi ấy sẽ trở thành chướng ngại vật, sẽ là những thứ phù phiếm sa
hoa, đưa dần con người vào đường tà ngụy, làm cho con người xa dần
Thượng đế.
Rabindranath Tagore viết:
«Ngài là Thượng đế ẩn áo. Ngài chỉ có thể cảm thấy trong bóng tối, chứ
không thể trông thấy ban ngày. Nhìn thấy đấng Tối Cao trong lòng mình là
một trực giác, không dựa vào suy luận, hay chứng minh…
«Sự hiển hiện của Vô cùng
trong hữu hạn – duyên do sự sáng tạo muôn loài – không thể thấy được
trên những bầu trời muôn sao… mà chỉ thấy được trong tâm hồn con người.»
Phật giáo cũng phân định rõ
ràng nội giáo và ngoại giáo.
Lâm Tế Lục nói:
«Hướng ngoại mà tìm cầu,
Tất cả đều ngoan si.
Hướng nội mà tùy xứ tiện
nghi,
Tất cả đều là chân thật.»
Đối với Phật giáo, nội giáo
là đạo của những người đã chứng được Bản tính, được Phật tính.
Ngoại giáo là đạo của những
hạng người chỉ mới biết tu phàm tâm.
Câu chuyện Huệ Năng và Thần
Tú của Thiền tông Trung Hoa làm ta hiểu rõ thế nào là ngoại giáo, thế
nào là nội giáo:
Thần Tú là tượng trưng cho
những người tu ngoại giáo, vì mới biết có phàm tâm, vì chỉ mới biết tu
sửa phàm tâm.
Bài kệ của Thần Tú là:
«Thân thị bồ đề thụ,
Tâm như minh kính đài.
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.»
身 是 菩 提 樹
心 如 明 鏡 臺
時
時 勤 拂 拭
勿 使 惹 塵 埃
(Thân như cây bồ đề,
Tâm như đài gương tỏ,
Thường khi lo phủi chùi,
Đừng để đóng bụi nhọ.)
Đọc bài kệ ấy rồi, canh ba
đêm hôm ấy, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn gọi Thần Tú vào mà bảo:
«Nhà ngươi làm bài kệ này
chưa thấy bản tính; chỉ tới ngoài cửa, chưa vào trong nhà. Theo chỗ thấy
và chỗ hiểu ấy mà cầu đạo Vô Thượng thời chẳng được.
… Cần phải biết đạo Vô
Thượng vốn tự bản Tâm, thấy tự bản Tính, nó chẳng sinh, chẳng diệt, ở
khắp trong triền thời gian, lồng trong hết mọi ý niệm, siêu thoát ngoài
vạn vật, hoàn toàn chân thực, coi muôn cảnh sắc đều như nhau: Cái tầm
như nhiên ấy là chân thật.»
Người tu nội giáo là người
liễu đạt bản tính, bản tâm. Đó là trường hợp của Lục tổ Huệ Năng.
Bài kệ của Huệ Năng như sau:
«Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.»
菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺
本 來 無 一 物
何 處 惹 塵 埃
(Vốn không cây bồ đề,
Cũng chẳng đài gương tỏ,
Vốn không có vật gì,
Chỗ nào đóng bụi nhơ?)
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đọc bài kệ
trên, biết ngay là khẩu khí của người chân tu đắc đạo, bèn truyền y bát
cho Huệ Năng.
Như vậy, ngoại giáo là đạo
của những người trọng lễ nghi, hình thức bên ngoài. Lễ nghi, hình thức
bên ngoài là những đoạn đường, là những dịp cầu đưa ta tới bản tâm, bản
tính, đưa ta tới Thượng đế tiềm ẩn trong tâm hồn ta. Đường cũng như cầu
dùng để đi, chứ không phải để ôm để ấp. Vì thế kinh Phật nói: «Hễ cái gì
có hình tướng đều hư vọng.»
Kinh Kim Cương quả quyết
rằng: «Nếu dùng sắc tướng để thấy ta, nếu dùng âm thanh mà cầu ta, những
kẻ ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai.»
Tóm lại:
Ngoại giáo là đạo của những
người còn lệ thuộc lễ nghi, hình thức bên ngoài, của những người mới
biết được phàm tâm, chưa biết được Thiên tâm, chưa biết được Bản Tính;
mới biết thờ phụng bằng môi, đã biết sống kết hợp với Thượng đế. Nội
giáo chuyên chú đi tìm nước Trời trong tâm hồn con người.
II. THIÊN NHIÊN VÀ QUY ƯỚC
Sau khi phân biệt thế nào là
nội giáo và ngoại giáo, ta sẽ hiểu rõ thế nào là đạo thiên nhiên
(religions naturelles), thiên tạo (religions divines), thế nào là đạo
qui ước, nhân tạo (religions conventionnelles et artificielles).
Đạo thiên nhiên dựa trên
những căn bản thường hằng bất biến của con người và của vũ trụ, nên
không có biên cương, bờ cõi, không gian thời gian. Bất kỳ ai, nếu tìm ra
được những định luật thiên nhiên chi phối đời sống tâm linh, đời sống vũ
trụ, cũng như cuộc biến hóa quần sinh đều có thể tìm thấy cái đạo thiên
nhiên đó.
Đạo thiên nhiên chính là nội
giáo đã đề cập đến ở trên.
Đạo thiên nhiên giản dị chứ
không cầu kỳ, gồm đủ thiên đạo, nhân đạo, lẫn vật đạo, nó theo sát các
định luật của đất trời, theo sát thực tại, thực tế, nó làm cho con người
tiến hóa không ngừng, triển dương tầm kích tới mức tối đa, chứ không gó
bó con người trong những khuôn khổ cố định.
Đạo qui ước chính là những
thứ tôn giáo, nhân tạo, nhân vi, nặng nề vì những khuôn khổ hẹp hòi, vì
những lễ nghi, hình thức phức tạp; nó lệ thuộc không gian, thời gian,
biên cương, bờ cõi.
Đạo qui ước bao giờ cũng
lộng lẫy, huy hoàng, bao giờ cũng có những nước sơn thiếp bên ngoài rực
rỡ, làm cho mọi người choáng mặt, ngỡ ngàng. Nhưng thực chất thì rất khô
khan, nghèo nàn, vô lý.
Đạo tự nhiên bao giờ cũng âm
thầm, giản dị, cũng ẩn ước, nhưng càng đi sâu vào trong càng thấy nó bao
la, bát ngát, đẹp đẽ, cao siêu.
Trung Dung viết:
«Thơ rằng: Gấm mặc trong
ngoài phủ áo sa,
Là vì ngại gấm đày hoa
lòe loẹt.
Nên đạo quân tử ám nhiên
ẩn ước,
Sau dần dà mới sáng rực
mãi lên.
Đạo tiểu nhân mới ngó ngỡ
là đèn,
Nhưng càng ngày càng tối
đen, tối sẫm.
Đạo quân tử đạm thanh,
không ngán ngẩm,
Đơn sơ nhưng chan chứa vẻ
đẹp tươi,
Thuần phác nhưng lý sự
chẳng kém ai…
Biết xa gần, biết nguyên
lai, bản mạt,
Biết lẽ vi hiển, vừa rỡ
ràng, vừa e ấp,
Là có thể bước vào nẻo
đức, đường nhân…»
(Trung
Dung, ch. 33)
Đạo tự nhiên y thức như con
người tự nhiên, mộc mạc, không phấn sáp, hùng tráng, đẹp đẽ, với cái đẹp
hồn nhiên, cái cân xứng tự nhiên.
Đạo qui ước cũng như những
con người hoặc đã được ép dầu cho thêm thon, kẹp cổ cho thêm dài, bó
chân cho nhỏ bớt, sâm mình cho sặc sỡ, rằn ri, kéo môi cho thêm vều, và
cho rằng phải như thế mới là đẹp.
Nhưng với đà thời gian, tất
cả những vi phạm trên thể xác con người đã dần dần bị loại bỏ, để cho
con người trở lại với vẻ đẹp thiên nhiên, tầm kích tự nhiên.
Đạo qui ước chính là những
vi phạm các định luật tự nhiên, là sự bóp méo, sự vặn vẹo của cái đạo tự
nhiên. Chẳng chóng thì chày, đạo qui ước cũng sẽ nhường bước cho đạo tự
nhiên, vì đạo tự nhiên mới là thiên tạo, còn đạo qui ước chỉ là nhân
tạo.
Ước mong chúng ta sớm lĩnh
hội được sự phân biệt này để biết cái gì là chính cái gì là tùy trong
mỗi một đạo giáo.
CHÚ THÍCH
Matt. 10, 5. - Matt.
5, 17-19.
[2]
Galates 3, 10-11. - Rom. 7, 1-9.
[3]
It spoke of an intense yearning of the heart for the divine which is in
man and not in the temple… (The Journal of Asian Studies, Vol XIX;
Number I, November 1959, p. 35).
[4]
The path is hidden by the temple and the mosque,
And though I hear your call,
O God, I cannot find the way;
For against me stand my guru
and mursid …
Your worship, when divided,
dies,
And on your gate are many
locks –
Puranas, Kuran, tasabi,
mala-
This outward show makes
Madana weep in sorrow.
(A song of Madana,
quoted in Rabindranath’s Bangla kavya paricaya – Calcutta BS. 1345; A.D.
1939, p. 70, - The Journal of Asian Studies, Vol. XIX, Number I,
November 1959, p. 37).
(Guru: sư phụ theo Ấn giáo –
Mursid: sư phụ theo Hồi giáo – Tasabi: kinh – Mala: chuỗi hạt).
[5]
Devotion, sacrifice and rosary, piety, pilgrimage, fasting and alms, the
nine bhaktis, the Vedas, the Book (i.e., the Quran), all these are
cloaks of falsehood … (F. E. Keay, Kabir and his followers, (Calcutta,
1931), p. 74 – The Journal of Asian Studies, Vol. XIX. Number I,
Nov. 1959, p. 37, note 23).
[6]
Rabindranath said that «He is a God who hides himself. He can be felt in
the dark, but not seen in the day … The vision of the Supreme One in our
own soul is a direct and immediate intuition, not based on any
ratiocination or demonstration at all.» (Tagore Sadhana, New
York, 1913) p. 36 … «The revealment of the infinite in the finite, which
is the motive of all creation, is not seen in the perfection of the
starry heavens … It is in the soul of man.» (Sadhana, p. 41).
[7]
Lâm Tế Lục thị chứng. Cf. Đại Đức Thiên Ân, Zen I, tr.
103.
[8]
Xem Pháp bảo đàn kinh, Đoàn Trung Còn dịch, tr. 17.
[9]
Ib. 21.
[10]
Pháp bảo đàn kinh, Đoàn Trung Còn dịch, tr. 16, 17.
[11]
Kinh Kim Cương, XXVI.
[12]
Cách phân loại đạo giáo nói trên là của tác giả.
Xưa nay nhiều học giả cũng
đã đưa ra nhiều cách phân loại đạo giáo. Ví dụ:
– Tiele phân loại đạo thành:
tự nhiên và nhân luân (nature-religions, ethical religions).
– Hegel: đạo tự nhiên
(nature religions), đạo của siêu nhiên cá thể (religions of spiritual
individuality), đạo tuyệt đối hay phổ quát (absolute or universal
religion).
– Siebeck: Đạo cổ sơ
(primitive religion), đạo nhân luân (morality religion), đạo cứu rỗi
(redemption religion).
– Orelli xếp đạo theo sắc
dân: Đạo của dân Touraniens, đạo của dân Hamitique, đạo của dân
Sémitique, đạo của dân Indo-germanique, đạo của Phi châu, đạo của Úc
châu.
– Bác sĩ Hamilton, và giám
mục Gore: Đạo do người tìm (discovery) và đạo mặc khải (revelation).
– Oman: Đạo siêu nhiên và
đạo tự nhiên (Natural and Supernatural).
Ngoài ra còn nhiều cách phân
loại khác phức tạp hơn như của:
– Tổng giám mục Soderblom,
– Bác sĩ F. H. Smith
– Giáo sư Van der Leuuw.
– Reinhold Niebuhr v. v…
(A. C. Bouquet, Comparative
religion, p. 295 et ss).
»
mục lục
| tựa |
chương 1
2
3 4
5
6 7
8
9
10 |
sách tham khảo
|