DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8


Phần 8

TỨ TƯỢNG

Chương 4. Tứ Tượng và học thuật Âu Châu

 

Chúng ta cũng có thể dùng Tứ Tượng làm bàn đạp để nghiên cứu các huyền thoại, các tượng hình của Âu Châu. Ở Âu Châu, Tứ Tượng được thể hiện bằng:

- 4 cánh của chữ Thập

- 4 phương đất

- 4 phương trời

- 4 mùa

- 4 vì sao đánh dấu 4 mùa: Aldébaran (Mắt Kim Ngưu), Régulus (Tim Sư Tử), Antarès (Tim Thiên Yết), và Fomalhaut (Miệng Cá Nam Đẩu).[1]

Tứ Linh tượng trưng cho 4 cung trời, 4 phương trời chính. Tứ Linh là:

- Bò tức là cung Kim Ngưu (Taureau)

- Sư tử tức là cung Sư Tử (Lion)

- Phượng tức là cung Thiên Yết (Scorpion)

- Người tức là cung Bảo Bình (Verseau).

Sau này Tứ Linh cũng tượng trưng cho 4 Thánh Sử Công giáo:

- Bò tượng trưng cho thánh Luc

- Sư tử tượng trưng cho thánh Marc

- Phượng tượng trưng cho thánh Jean

- Người tượng trưng cho thánh Mathieu.

Thánh kinh Công giáo thường cũng hay chắp Tứ Linh nói trên thành một con thú duy nhất. Chính vì thế mà 4 quái thú mà Ézéchiel trông thấy trên sông Kebar đều có bốn mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt bò, và mặt phượng. (Ézec. I, 4-12). Trong Khải Huyền, ta lại thấy Tứ Linh (Sư tử, Bò, Người, Phượng) vây quanh tòa Thiên Chúa. (Apo. 4, 7, 8). [2]

Con quái thú ở Gizeh, hoặc con quái thú trong thần thoại Hi Lạp có mặt người, mình bò, chân sư tử, cánh phượng. [3] Tứ Linh dẫn tới Thái Cực làm ta liên tưởng đến bốn con sông Tigre, Euphrate, Pishôn, và Gihôn từ 4 phương chính dẫn tới vườn Địa Đàng (Gen. 2, 1014).

Dịch có Thái Cực (Tuyệt đối), Lưỡng Nghi (Âm, Dương; Mặt Trăng, Mặt Trời) và Tứ Tượng. Tứ Tượng là:

- Thiếu Dương, Đông Mộc, màu xanh.

- Thái Dương, Nam Hỏa, màu đỏ.

- Thiếu Âm Tây Kim, màu trắng.

- Thái Âm, Bắc Thủy, màu đen.

Lạ lùng thay, khi đọc sách Khải Huyền, nơi chương Bảy Ấn Tín (Apo. 6, 1 -17) ta thấy:

- Khi mở ấn tín thứ 1, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa bạch.

- Khi mở ấn tín thứ 2, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa đỏ.

- Khi mở ấn tín thứ 3, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa đen.

- Khi mở ấn tín thứ 4, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa xanh.

- Khi mở ấn tín thứ 5 và thứ 6, thánh Joan thấy mặt trời, mặt trăng biến sắc (Lưỡng Nghi, Âm Dương).

- Khi mở ấn tín thứ 7, thánh Joan thấy Tòa hoặc Bàn Thờ Thiên Chúa.

Như vậy sách Khải Huyền đã cho chúng ta thấy Tứ Tượng, Lưỡng Nghi, Thái Cực như một cuốn phim chiếu ngược lại, còn Dịch cho chúng ta thấy Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng như một cuốn phim chiếu theo chiều xuôi. [4]

Đọc Zacharie, ta lại thấy đề cập đến 4 màu sắc của Tứ Tượng. Zacharie đã thấy 4 chiếc xe từ khoảng giữa hai ngọn núi chạy ra. Một cỗ xe có ngựa đỏ kéo; một cỗ xe có ngựa đen kéo; một cỗ xe có ngựa trắng kéo; một cỗ xe có ngựa xám kéo. (Zacharie, 6, 1-6).

Những sự trùng hợp của Thánh Kinh với Tứ Tượng của Dịch này, không thể coi là ngẫu nhiên được.

Âu Châu còn có một khoa bói, tương tự khoa bói Dịch gọi là Tarot. Chữ Tarot gồm có chữ Tau và chữ Rho. Hi Lạp xếp lại thành chữ Taro hay Rota. Mà Rota là bánh xe, là quay. Chữ Tarot cũng chính là chữ Rota viết ngược lại.

Một số lá bài Tarot

 

Cỗ bài Tarot gồm có 78 lá: 22 lá chính, 56 lá phụ.

56 lá phụ này được chia thành 4 loại tượng trưng cho Tứ Tượng. Đó là:

- 16 lá bài Gậy (Bâton), tượng trưng Hỏa (Feu) hay Sinh (Vie).

- 16 lá bài Tiền (Denier), tượng trưng Thổ (Terre) hay Hữu (Possession).

- 16 lá bài Gươm (Épée), tượng trưng Khí (Air) hay Hành (Activité).

- 16 lá bài Chén (Coupe), tượng trưng Thủy (Eau) hay Thụ (Sensibilité).

Tứ Tượng nói trên: Hỏa, Địa, Khí, Thủy chính là những chất mà người Âu Châu xưa tưởng là 4 nguyên tố tạo thành Vũ Trụ, Vạn Hữu.

Họ cũng định tính chất của Tứ Tượng như sau:

Hỏa thời Nhiệt (Chaud)

Địa thời Hàn (Froid)

Khí thời Táo (Sec)

Thủy thời Thấp (Humide).

Bốn tính chất cơ bản nói trên, giao thoa, pha phách với nhau để sinh ra tính chất muôn loài. Ví dụ tính nết con người cũng được chia thành bốn loại:

* Hăng hái (Sanguin): Nhiệt thấp (Chaud humide)

* Điềm tĩnh (Lymphatique):  Hàn thấp (Froid humide)

* Đa sầu (Bilieux): Nhiệt táo (Chaud sec)

* Đa nộ (Nerveux):  Hàn táo (Froid sec), v.v…

Khảo về Huyền thoại, Tượng hình, Đạo giáo, Học thuật cổ Âu Châu song song với Dịch Kinh và Lưỡng Nghi, Tứ Tượng đã cho chúng ta thấy rằng xưa kia đã có một Khoa Học Thái Cổ, với những Huyền thoại đặc biệt, những Tượng hình đặc biệt, những quan niệm, những nhận định đặc biệt, đã được truyền thụ và lưu hành từ Đông sang Tây, và Dịch Kinh chính là chiếc chìa khóa giúp ta mở lại những cánh cửa thời gian và học thuyết để đi về cái dĩ vãng xa xăm huyền ảo đó.


 CHÚ THÍCH

[1] Robert Ambelain, Traité d’astrologie ésotérique, trang 155.

Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trang 164.

[2] Louis Lallemant, La Vocation de l’Occident, trang 23.

Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, chú thích 1 và 2, trang 165.

[3] Les Mages portaient les Roses + Croix suspendues au cou par une chaîne d’or, mais pour ne pas laisser livrer aux profanes le mot sacré INRI, ils remplacaient ces quatre lettres par les quatre figures qui s’unissent dans le Sphinx: l’Ange, le Taureau, le Lion, et l’Aigle. — Robert Ambelain, Traité d’astrologie ésotérique, trang 56.

[4] Xem Bible de Jerusalem, các chương Khải Huyền hoặc Zacharie dẫn thượng.

Xem Léopold de Saussure, La Série Septenaire Cosmologique et Planétaire, pp. 350-358.


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6  7  8