DỊCH KINH YẾU CHỈ

Hướng đi của Thánh nhân

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6


Phần 2

DỊCH LUẬN THIÊN

Chương 2. Dịch là biến thiên

 

 

Nếu chỉ dùng lý trí mà suy luận, chỉ dùng giác quan mà nhận xét, thì ta thấy Vạn Vật, Vạn Hữu biến ảo, khôn lường, không một phút giây nào ngừng nghỉ!

Sách Dịch có mục phiêu khảo sát mọi hiện tượng biến thiên của hoàn võ và suy ra các định luật chi phối các biến thiên ấy, vì thế một trong những nghĩa của Dịch là biến thiên.

Vạn Vật biến thiên, lịch sử biến thiên, tâm tư con người biến thiên. Sự kiện ấy không một ai có thể chối cãi được. Khổng tử đứng trên giòng sông nói:

Chảy trôi như thế suốt đêm ngày [1]

Ý ngài muốn nói Vạn Vật như giòng sông trôi chảy đêm ngày, không bao giờ ngừng nghỉ.

Sách Thúy Hư Thiên viết:

Nhãn tiền vạn sự khứ như thủy

Thiên địa hà dị nhất phù âu [2]

Tạm dịch:

Vạn sự nhãn tiền trôi tựa nước,

Đất trời bèo bọt khác chi nhau

Phật giáo nói: Vạn pháp vô thường. Vạn pháp, vì chỉ là những hiện tượng của vũ trụ, nên có sinh, có diệt, có tăng, có giảm, có thủy, có chung. [3]

Héraclite, triết gia Hi Lạp chủ trương thuyết Vạn Vật biến thiên đã viết: Không ai vào được cùng một giòng sông hai lần... Sự đời tụ tán, vãng lai! [4]

Các tao nhân mặc khách cũng thường hay lấy cuộc tang thương biến đổi làm đề tài ngâm vịnh. 

Ôn Như Hầu than thở:

 Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Nguyễn Công Trứ vịnh nhân sinh:

Ôi nhân sinh là thế ấy,

Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao,

Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,

Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín,

Vật thái mạc cùng vân biến huyễn,

Thế đồ vô lự thủy doanh hư.

Cái hình hài đã chắc thiệt chưa?

Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi.

Trời đất hỡi có hình, có hoại,

Ỷ chi chi mà chắc chắn chi chi?...[5]

Nhìn sang phía Âu châu, ta thấy các văn gia, triết gia cổ kim phân chia thành 2 phái:

1.- Phái chủ trương Vạn Vật biến thiên đó có:

Platon                               Homère

Hésiode                           Héraclite

Hobbes                            Leibniz

Hegel                               Bergson

Whitehead v.v [6]

Phái này thiên về quan điểm biến Dịch của vũ trụ.

2.- Phái chống đối chủ trương biến thiên, như:

Parménide                       Démocrite

Descartes                        Spinoza

Bradley                            Spir

Meyerson v.v. [7]

 Phái này thiên về quan điểm Hằng Cửu của vũ trụ. Thay vì đi sâu vào chi tiết và để quan niệm cho chính xác vấn đề biến thiên, chúng ta ghi nhận:

1.- Bản Thể không biến thiên [8]

2.- Chỉ có hình thức, hiện tượng biến thiên [9]

3.- Sự biến thiên, diễn tiến từ cực đoan này đến cực đoan khác. Á châu nói: Âm biến Dương, Dương biến Âm; Dịch cùng tắc biến. Âu châu nói: Nóng thành lạnh, lạnh thành nóng, cứng thành mềm, mềm thành cứng... Tức là biến thiên từ chính đến phản. [10]

Quan niệm biến thiên có lẽ đã được manh nha từ hiện tượng biến dịch tuần hoàn của vũ trụ, như thủy triều, như ngày đêm, thức ngủ, hô hấp v.v.... [11]

Có lẽ vì thế mà Dịch Kinh đã nói: Cương Nhu tương thôi, nhi sinh biến hóa.

Và Héraclite đã nói: biến dịch do mâu thuẫn, do tương phản phát sinh. [12]

Từ 2 thế kỷ nay, nguyên lý biến Dịch, cũng như các định luật biến dịch đã được khoa học và triết học Âu Châu xác nhận.

A.- Về phía Thiên Văn học người ta nhận thấy:

1.- Các vì sao vận chuyển, biển đổi phương vị luôn luôn theo những chu kỳ nhất định.

2.- Vũ trụ cũng theo định luật tụ tán.

Ngày nay vũ trụ đang trong thời kỳ bành trướng tản mạn. Điều này đã được xác nhận nhờ phương pháp tán quang, và nhờ nguyên lý Doppler - Fizeau [13] Đó cũng là giả thuyết của Georges LemaÛtre đã được Hubble và Eddington xác nhận. [14]

3.- Các vì sao cũng theo định luật thịnh suy, tiêu tức. Các vì sao ngày nay đã được phân chia ra nhiều hạng sao non, sao già, tùy theo nhiệt độ và màu sắc của sao. Thế là các vì sao cũng có sinh, trưởng, lão, tử. [15]

B.- Về phía Vật Lý học Sadi - Carnot (1822 - 1888) đã tìm ra nguyên lý Dương tiêu Âm trưởng, nghĩa là hoạt lực ngày một tiêu, tiềm lực ngày một tăng. [16]

C.- Về phía Địa Lý, Lyell khám phá ra rằng mặt đất luôn luôn biến chuyển. Động cơ biến chuyển là sức gió, sức nước, sức thác, sức biển, sức sông, sức núi lửa, sức đất. [17]

D.- Về phía Vạn Vật học:

Lamarck (1774 - 1829), Darwin (1809 - 1882), De Vries (1848 - 1935) chủ trương Vạn Vật biến hóa từ loài này sang loài khác. Động cơ phát sinh ra sự biến hóa nói trên là:

- Sự thích ứng với hoàn cảnh [18] (Lamarck)

- Sự đấu tranh sinh tồn, ưu thắng, liệt bại (Darwin)

- Sự di truyền các đặc tính tập thành (Lamarck - Darwin)

- Sự sậu biến (Mutationnisme) (De Vries)

E.- Về phía Triết học Hegel (1770 - 1831), Engels (1820 - 1895) và Karl Marx (1818 - 1883) đã làm sống động lại thuyết biến dịch mà Héraclite đã chủ trương từ 500 năm trước kỷ nguyên, mà Đông phương đã chủ trương từ 2,600 năm trước kỷ nguyên.

Hegel chủ trương: Dương tôn, Âm ti, tinh thần trọng hơn vật chất, tinh thần sinh ra vật chất, và sự biến thiên là do mâu thuẫn nội tại phát sinh; mục đích là để tinh thần ngày một phát triển, ngày một đi tới chỗ thành toàn.

Đối với Hegel, lịch sử là sự phát triển của tinh thần phổ quát trong thời gian.[19]

Engels và Marx cũng chủ trương Vạn Vật biến

thiên, nhưng có những quan điểm ngược với Hegel. Học thuyết biến dịch của Engels và Marx được gọi là Duy vật biện chứng pháp và Duy vật sử quan.

Duy vật biện chứng pháp có thể tóm tắt như sau:

1.- Vật chất tự hữu và hằng cửu [20]

2.- Vạn Vật biến thiên.

3.- Biện chứng pháp là khoa học khảo sát về các định luật chi phối sự biến động cả của ngoại giới, cả của tư tưởng con người. [21]

Chữ biện chứng bao hàm 3 ý nghĩa:

a). Sự biến động nội tại của thực thể.

b). Phương pháp khảo sát thực thể trên bình diện biến thiên.

c). Hành động cách mạng để thúc đẩy sự biến động trong xã hội loài người bằng cách kính thích những mâu thuẫn nội tại. [22]

4.- Đối với biện chứng pháp, không có gì là rốt ráo, là tuyệt đối, là thần thánh... tất cả chỉ là một quá trình liên tục của biến thiên tạm bợ. [23]

5.- Sự biến thiên diễn biến nhờ 4 yếu tố:

a). Động lực nội tại

b). Các sự biến thiên đều ảnh hưởng lẫn nhau.

c). Biến thiên nhờ mâu thuẫn nội tại

d). Sự nhảy vọt bất thần, lượng có thể hóa thành phẩm, vật này có thể sinh vật kia, khinh khí, dưỡng khí có thể sinh ra nước; nước có thể biến thành đá, hay hóa thành hơi; vật chất nhờ đó có thể sinh ra tinh thần. [24]

6.- Áp dụng duy vật biện chứng pháp vào quốc gia xã hội, người Mác Xít cho rằng:

a). Lịch sử đã diễn tiến không phải vì ngẫu nhiên, cũng không phải vì một quyền năng xấu tốt nào bên ngoài, mà vì những định luật bên trong. [25]

b)- Xã hội đã diễn biến qua nhiều hình thức (xã hội cổ sơ, phong kiến, tiểu tư sản, tư bản...) [26]

c)- Những điều kiện vật chất kinh tế, những phương tiện sản xuất, và giai cấp đấu tranh là những yếu tố, những động cơ đã thúc đẩy sự biến thiên ấy. [27]

d)- Cho nên họ chủ trương có thể thúc đẩy sự biến thiên tiến hóa bằng cách gây mâu thuẩn, bằng cách làm Cách mạng. [28]

e)- Mục đích tối hậu là giải phóng con người, khỏi mọi sự tù túng lệ thuộc, để con người thống trị được thiên nhiên. [29]

Đó là đại cương Duy vật sử quan, tức là Duy Vật Biện Chứng Pháp áp dụng vào lịch sử loài người.

Trên đây ta đã toát lược học thuyết của Hegel và học thuyết Marx Engels. So với Kinh Dịch ta thấy có nhiều điểm tương đồng, tương dị.

1.- Tương đồng vì Dịch cũng như Hegel, cũng như Marx, Engels chủ trương Vạn Tượng biến thiên; biến thiên vì mâu thuẫn nội tại.

2.- Tương dị vì Dịch chủ trương Thái Cực siêu Âm Dương, siêu tinh thần và vật chất, bao quát tinh thần và vật chất, sinh ra tinh thần và vật chất, làm căn cốt cho cả tinh thần lẫn vật chất. Trái lại Hegel thì duy thần, Marx, Hegels thì duy vật.

3.- Dịch cho rằng cô Dương bất sinh, cô Âm bất hóa. Còn Hegel, cũng như Marx, Engels, chủ trương hoặc là duy có Dương (Tinh thần) hoặc là duy có Âm (vật chất) thì lấy đâu ra cặp mâu thuẫn nội tại để sinh ra biến hóa được.

4.- Dịch chủ trương dưới những hình thức biến thiên còn có Bản Thể bất biến, trái lại Marx, Engels cho

rằng cái gì cũng vô thường, vô định cả. [30]

5.- Dịch chủ trương Âm Dương có khắc nhưng lại có sinh, tức chủ trương không phải nguyên có sự đấu tranh, chống đối mới sinh ra được biến thiên, mà còn có cả sự đoàn kết, hợp tác, xây dựng nữa. Đó là điều mà Marx, Engels ít nói tới.

6.- Dịch áp dụng khoa học Dịch vào sự cải thiện nội tâm, thần thánh hóa con người, vào sự thích ứng với hoàn cảnh cho khéo léo để có một đời sống lý tưởng, Marx Engels áp dụng khoa học Dịch vào sự canh cải ngoại cảnh và vật chất.

7.- Dịch bắt chước đường lối của Trời, nên hiếu sinh, chủ nghĩa Các Mác vì vụ những thành quả nhãn tiền bên ngoài nên đã tỏ ra hiếu động, hiếu sát.

8.- Dịch cho rằng Vạn Vật, Vạn Tượng biến thiên để phát huy, tận dụng mọi khả năng, ngõ hầu cuối cùng nhận ra được Bản Thể bất biến, và trở về được với Bản Thể bất biến. Hegel cũng đã có cái nhìn cho tới chung cuộc như Dịch Kinh.

Trái lại, Marx Engels không có tầm nhìn xa như vậy và không biết, hoặc không muốn đề cập đến định luật Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy. Để tổng kết lại, ta thấy rằng đứng trước hiện tượng Vạn Vật, Vạn Hữu biến thiên, Dịch kinh đã cố tìm cho ra:

1.- Những định luật chi phối sự biến thiên ví dụ như định luật sinh, trưởng, lão, tử v.v..

2.- Động cơ thúc đẩy biến thiên, tức là Âm Dương tương sinh, tương khắc.

3.- Chiều hướng biến thiên tức là hướng ngoại, hướng nội, hướng hạ, hướng thượng; ly tâm, hướng tâm v.v..

4.- Mục đích của cuộc biến thiên tức là phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực của mình, trở về với nguyên bản, với Tuyệt đối. Dịch muốn người học Dịch áp dụng những định luật biến dịch, những nhận định về biến dịch vào bản thân để có thể thực hiện được một đời sống lý tưởng, để có thể giúp mình, giúp người thần thánh hóa bản thân, cải thiện hoàn cảnh, cùng tiến tới một tương lai vô cùng huy hoàng và tốt đẹp.


CHÚ THÍCH

[1] Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ.  , .— Tử Hãn IX câu 16.

[2] Thúy Hư Thiên 3a.

[3] Vạn pháp giả nãi vũ trụ chi hiện tượng, hữu sinh diệt, hữu tăng giảm, hữu thủy chung. 萬 法 者 乃 宇 宙 之 現 象, 有 生 滅, 有 增 減, 有 始 終.— Wieger, Histoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, page 548.

[4] On ne peut pas entrer deux fois dans le même fleuve... Elle se disperse et se réunit de nouveau (toute chose mortelle), s’approche et s’éloigne (D.91) — Kostas Axelos, Héraclite et la philosophie, page 51.

[5] Cf. Đàm Xuân Thiều, Trần Trọng San, Việt văn độc bản đệ nhị, trang 32.

[6] Cf. Jean Wahl - Traité de Métaphysique- pages 33, 34, 35.

[7] Cf. Jean Wahl - Traité de Métaphysique- pages 33, 34, 35.

[8] L’idée est éternelle.....(Hegel)

J. Wahl - Traité de Métaphysique 84.

... Il doit donc y avoir un monde intelligible, un monde des idées (Platon) — Ib. 84.

... Le Réel est ce qui ne devient pas (Anaxagore) — Ib. 33.

... La substance est l’immuable (Parmémide) — Ib.84.

[9] Tandis que Zénon dénie au changement toute réalité, Platon se borne à le cantonner dans le monde sensible. — Ib.84.

[10] Sans doute comme l’Héraclitéen l’expose dans le Phédon, le chaud devient le froid, le froid devient le chaud; le dur, le mou et réciproquement.

Interprétation du devenir comme passage du contraire au contraire. — Ib 38.

[11] Si nous nous rappelons la pensée d’Héraclite nous serons amenés à dire que ce sont probablement les changements cycliques qui ont donné à l’homme l’idée du devenir, le flux et le reflux, la nuit et le jour, la veille et le sommeil, l’aspiration et l’expiration. — Jean Wahl - Traité de Métaphysique, page 41.

[12] C’est la raison pour laquelle Héraclite a dit que le devenir est de nature antithétique, qu’il se fait par un jeu d’antithèse. — Ib 41.

[13] Le principe de Doppler - Fizeau est aujourd’hui, en effet une des bases de l’astrophysique, et permet, grâce au décalage des raies de leur spectre, de mesurer la vitesse des étoiles, et des nébuleuses les plus lointaines. — Pierre Rousseau - Histoire de la Science, page 556.

[14] ...Georges Lemaitre avait exposé... la théorie d’un univers en expansion. Eddington se frotta les yeux, lut avec intérêt, avec passion. Et il constata que Lemaitre avait prédit le phénomène, observé par Hubble et que la fuite des nébuleuses trahissait une expansion de l’univers. — Ib 769.

[15] Các vì sao được chia thành 10 hạng:

- Hạng 0 = sức nóng 30,000 o

- Hạng B = sức nóng 20,000 o

- Hạng A = sức nóng 10,000 o

- Hạng F = sức nóng 7,500 o

- Hạng G = sức nóng 5,600 o

- Hạng K = sức nóng 4,000 o

- Hạng M = sức nóng 3,000 o

- Hạng N = như hai hạng K và M

- Hạng S = thuộc hạng sao lạnh

Sao càng trẻ càng trắng

Sao có tuổi ngả màu vàng

Sao già biến sang màu đỏ.

Cf. Camille Flammarion - Astronomie populaire, p.460 et ss;

Astronomie Larousse - page 338 et ss.

L’Alchimie Moderne (Th. Moreux - p.79 et ss.)

... Dès les premières observations, les différences constatées inclinaient l’esprit à concevoir une sorte d’évolution stellaire, une loi grandiose qui réglait non seulement leur apparition, mais les phases de leur vie astrale, leur extinction et leur mort peut être- L’Alchimie moderne. page 79.

[16] Rappelons que le Principe de Carnot traduit la tendance de l’énergie à se dégrader ou à se dissiper, ce qui entraine une augmentation de l’entropie c’est à dire de l’extension spatiale de l’énergie au cours de ses transformations. — André Lamouche, La destinée humaine, page 49, note 16.

.... C’est cette marche à sens unique, toujours dans le sens de dégradation irréversible, qui justifie le nom de principe d’évolution par lequel on désigne souvent le second principe de Carnot. — Ib. page 95.

[17] Si la paléontologie nous enseigne que des continents ont disparu, que des terres ont émergé, que des cours d’eau se sont déplacés, que des montagnes se sont soulevées et que d’autres ont été rasées, c’est que depuis l’origine du monde, le vent persiste à transporter le sable des déserts, le torrent et le glacier à limer le flanc de la montagne, la rivière à ronger ses rives, le fleuve à encombrer de sable son delta, l’eau souterraine à forer des puits et des avens, la mer à saper ses falaises, le volcan à rejeter ses laves, et le sol lui-même à se soulever ou à s’affaisser lentement... — Pierre Rousseau, Histoire de la Science, page 652.

[18] L’Adaptation aux circonstances et à la fonction. — Planète N(3 - page 139 (André de Cayeux, Qu’ est ce que l’évolutionnisme)

[19] - Hegel donnait la primauté à l’esprit sur la matière et trouvait en celui là l’origine de celle ci...

- En conséquence, pour Hegel, 'L’Historie est le développement de l’esprit universel dans le temps’.

Cf. Francois Dufay, M.E.P. En Chine l’Etoile contre la croix - page 38-39.

[20] La matière est et s’explique par elle même. — (L'étoile contre la Croix - page 38)

[21] Tout est mouvement, changement, apparition et disparition. — Ib. 40.

[22] ‘La dialectique est la science des lois génerales du mouvement, tant du monde extérieur que de la pensée humaine’ (Engels in Ludwig Feuerbach.)

... De fait, le mot 'dialectique’ qualifie à la fois changement interne de l’être, la méthode d’investigation (marxiste) qui étudie l’être sous le rapport du changement, et l’action révolutionnaire qui accélère le changement (des sociétés humaines, palier supérieur du progrès universel) en activant les contradictions internes (Ib. 38 notes)

[23] Pour la dialectique, il n’y a rien de définitif, d’absolu, de sacré... rien n’existe pour elle que le processus ininterrompu du devenir et du transitoire (Engels) (L’étoile contre la Croix, p. 40)

[24] Les quatres grandes lois de la dialectique:

a)- L’autodynamisme

b)- Les enchainements du processus, les changements sont interdépendants les uns des autres... Les enchainements du processus ne sont autres que la loi du progrès universel.

c)- Les choses changent parce qu’elles contiennent en elles mêmes la contradiction.

d)- Le saut qualitatif brusque (Les changements quantitatifs se convertissent en changements qualitatifs)

Ib. pages 40-44.

[25] L’histoire n’est pas le résultat d’un hasard aveugle. Elle n’est non plus dirigée par telle ou telle puissance bonne ou mauvaise de l’au- delà, mais porte en elle sa loi, selon laquelle elle progresse.

Gustave A. Welter.

L’idéologie soviétique contemporaine Tome I - page 146.

[26]Les sociétés humaines changent, évoluent; c’est un fait universellement admis par tout le monde.

L’étoile contre la Croix. page 45.

[27]Ce sont donc les luttes des classes qui expliquent l’histoire, mais c’est l’économie qui détermine les classes. — L’étoile contre la Croix, p. 47.

...Plus précisément, c’est le mode de production des biens matériels nécessaires à la vie qui détermine en dernière analyse la marche de l’histoire humaine. — L’idéologie soviétique contemporaine Tome I page 146.

[28] Qui dit dialectique dit lutte, 'le développement est la lutte des contraires, le moteur du progrès humain est donc une lutte, la lutte des classes, le Parti communiste en est l’Agent...

'Pour faire accoucher la société socialiste, il faudra un accoucheur, d’où la nécessité de la révolution.

[29] Acquisitions ultimes: libération totale de l’homme de toutes les contingences et de toutes les servitudes... domination des forces de la nature par l’homme. — Ib. 50.

[30] Il n’y aurait donc plus de vérité absolue 'Si, il y a une vérité absolue, c’est que tout est relatif.

- (Cachin, Science et Religion - page 24)

- (L’Étoile contre la Croix - page 57)

...Pour la dialectique, il n’y a rien de définitif, d’absolu, de sacré...

(Politzer - Principes élémentaires de philosophie - page 169 L’Étoile contre la Croix - page 40)


Mục lục | Lời nói đầu | Phần 1  2  3  4  5  6  7  8  9 | chương 1  2  3  4  5  6